(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Chiếc Enola Gay và chiếc Great Artiste

    
rong những ngày cuối cùng của tháng 12 năm 1944, một phi cơ vận tải đưa đến Tinian một viên Đại tá mà mặc dầu có vẻ còn niên thiếu, nhưng được các giới chức quân sự tiếp đón như là một nhân vật tối quan trọng. Quả thật ông có những thư giới thiệu và giấy phép do đích thân tướng Marshall ký để “dành dho Đại tá Tibbets mọi sự dễ dàng trong khi thăm viếng các cơ sở hải cảng và phi trường trên đảo”. Đấy là một con người nhỏ con, vóc dáng trung bình, cặp mắt rất linh động làm rạng rỡ một khuôn mặt dễ thương. Mọi người đều cố hết sức để làm cho sứ mạng của ông được dễ dàng vì dường như đó là sứ mạng cải thiện các cơ sở hiện có. Riêng phần hiểu biết công cuộc canh tân ấy nhằm mục đích gì, thì bí mật. Đối với vấn đề này Đại tá Tibbes hoàn toàn câm lặng.
Vài tuần sau, một toán công binh đến Tinian và bắt tay vào việc. Đến tháng 3 năm 1945, các phi đạo được nối dài, hải cảng được cung cấp những phương tiện bốc dỡ mạnh mẽ và nhiều dãy nhà được dựng lên trong một doanh trại đặc biệt nằm bên ngoài doanh trại của không quân. Khi các công tác vừa hoàn tất thì một phi đội B-29 - phi đội Composite Wing 509 - đáp xuống đảo. Chính Đại tá Tibbets là người chỉ huy phi đội. Các toán chuyên viên dưới đất đã đến từ hôm trước liền chiếm lấy các phi cơ, trong khi các sĩ quan, dù muốn dù không cũng phải vào ở trong các dãy trại chung quanh thép gai bao bọc.
Hai trong số các siêu pháo đài bay của phi đội có một vẻ kỳ dị: tất cả vũ khí nặng đều biến mất cả, ngoại trừ những khẩu đại liên đằng đuôi. Các phi hành đoàn được nhiều nhân viên dân sự và vài sĩ quan có cấp bậc cao tháp tùng: một Hải quân Đại tá, một Hải quân Trung tá và nhiều Thiếu tá Không quân. Số lượng lon đáng chú ý này đã tạo cho nhóm người mới đến một vẻ gì đặc biệt. Không thể nói rằng ở đó kỷ luật được buông thả, nhưng nó có dáng dấp khác hẳn. Nó gợi ra hình ảnh của kỷ luật trong một đội bóng bầu dục. Hai siêu pháo đài bay mang trên thân tàu những cái tên cũng đặc thù. Một chiếc tên là Enola Gay, tên mẫu thân của Đại tá Tibbets. Chiếc kia tên là Great Artiste, biệt danh của một trong các thành viên của phi hành đoàn, đại úy Kermit K.Beahan, rất nổi tiếng vì vẻ hào hoa và những thành quả tỏng lĩnh vực giao thiệp với phái yếu.
Các phi vụ huấn luyện - luôn luôn do Tibbets chỉ huy - bắt đầu ngay hôm sau. Các pháo đài bay cất cánh từ ba chiếc một và mỗi lần như thế chúng quần trên không chừng 10 giờ trước khi trở về căn cứ. Không một ai biết được các đội hình này thi hành những cuộc thực tập bí mật gì. Bí mật bao quanh các phi vụ ấy, lực lượng canh gác tuần phòng xung quanh phi cơ và sự phân cách rõ rệt mà các phi hành đoàn đó phải chịu đựng, đã kích thức cực điểm óc tòm mò của các phi công khác thuộc không lực 20. Thái độ dè dặt và có đôi phần kiểu cách của vài người trong số mới đến, đã mau lẹ trêu tức các tay kỳ cựu tại Tinian khiến họ bị gọi một cách chế giễu là “những chàng trai của chiến thắng”, “những đứa con của vinh quang”, và bị tặng cho những lời nhạo báng ít nhiều có tính cách xúc phạm. Sự xác định thái độ ghét bỏ ấy đã lan tràn nhanh chóng từ trên xuống dưới. Nhóm của Tibbets luôn luôn bị bạc đãi nhất trong phòng ăn sĩ quan và khi lĩnh các vật phẩm hàng tuần. Vì hơi nóng ngày càng ngột ngạt, đời sống trong các doanh trại trở nên cực kỳ khổ nhọc và vẻ giận dữ đã bộc lộ ra ngoài. Ngoài Tibbets, Hải quân Đại tá Parson và Thiếu tá Ferebee, không một ai hiểu được đây là vụ gì và tại sao hầm chứa bom của hai pháo đài bay lại bị sửa đổi và hầu hết vũ khí tự vệ đều bị tháo gỡ hết. Chỉ có những cuộc thực tập lẩn tránh bằng kỹ thuật bán - đâm bổ xuống ở tốc độ cao sau khi ném bom, và các dây nịt đặc biệt móc vào ghế ngồi, là cho phép phi hành đoàn nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ sử dụng một vật nổ có sức mạnh lớn lao.
Do đó họ rất vui sướng được biết một hải vận hạm vừa đổ bộ lên Tinian những quả bom khổng lồ mang tên hiệu rất rợi ý “quả bí đao Pumpkins”. Họ nghĩ rằng đây là lúc chấm dứt cực hình chờ đợi! Sự chán nản thật là dữ dội khi những người phải đi ném loại bom Pumpkins một cách thận trọng trên những vùng không có dân chúng tại Nhật, khám phá ra rằng những quả bom to lớn ấy chỉ có đặc thù ở khối lượng còn hiệu quả thì dường như cũng giống với loại bom khác. Sự buồn bực bộc lộ đến mức Tibbets, Parson và Ferebee phải hé một góc màn bí mật và hứa với các bạn là những quả bom Pumpkins sẽ được thay thế ngay bằng các chiến cụ có một sức mạnh chưa từng thấy.
Quả thật họ không phải chờ đợi lâu vì đúng vào lúc ấy, nhóm bác học Los Almos đang tập họp trong một đường hầm ngay giữa sa mạc trong khi chờ đợi cho nổ lần đầu tiên một quả bom plutonium. Tại đấy cũng vậy, chính các nhà bác học cũng đã gặp phải những nỗi thất vọng kịch liệt hơn cả các phi hành đoàn của Tibbets nữa. Cuộc thí nghiệm bị hoãn lại nhiều lần vì các lý do kỹ thuật hoặc thời tiết.
Do đó chỉ có một số ít hiện diện trong đường hầm quan sát tại sa mạc Alamogordo ngày 15 tháng 7 năm 1945 lúc 5 giờ sáng khi Groves và Oppenheimer ra lệnh khai hỏa chiến cụ to lớn đã từng được đưa lên một đài cao 100 thước từ hai ngày qua. Mặc dầu có mang kính, nhưng cũng hoàn toàn bị lóa mắt bởi một tia chớp có sức chiếu sáng phi thường, các nhà bác học đều theo linh tính cúi mình xuống và bám chặt vào tường của căn hầm núp. Họ chờ đợi một làn song chấn động cực kỳ dữ dội và hoàn toàn ngạc nhiên khi chỉ nhận thấy một loạt gió tạt ôn hòa 50 giây sau khi bom nổ. Lúc ấy tất cả những người có mặt tại đấy để lộ thái độ cực kỳ khích động. Oppenheimer bị một cái vỗ vai đến suýt té ngửa. Có những cái bắt tay và những nụ hôm cảm động. Người ta nghe đại tá Parrell, phụ tá của Groves, thét lên oang oang: “Thưa quí ngài, chiến tranh đã chấm dứt!”.
Trong khi máy móc mật mã đập lách cách để báo tin thành công, Tổng thống Truman đã lên đường đi Postdam, Groves liền ra lệnh cho khắp nơi thi hành các biện pháp được ông dự liệu trước từ nhiều tuần lễ. Phần lớn Uranium 235 của quả bom Little Boy được đưa đến San Francisco. Ngay sáng ngày 16, chất liệu ấy được chuyển lên chiếc tuần dương hạm Indianapolis, chiến hạm nhổ neo ngay với tốc độ 32 gút lên đường đi Tinian. Hai trong số các nhà bác học thuộc nhóm Los Alamos, các giáo sư Furman và Nolan cũng lên tàu, cải trang làm hai thủy thủ. Vì người ta cho họ huy hiệu xạ thủ đại bác, họ được bổ nhiệm đến một tháp pháo và phải hết sức vất vả để trả lời các sĩ quan lục vấn. Ngoài sự kiện này, cuộc hành trình không gặp chuyện gì lạ. Quả bom Little Boy được đưa lên hải cảng Tinian ngày 26 tháng 7. Cùng ngày hôm đó số lượng U-235 bổ túc cũng được hai phi cơ vận tải C-54 đưa đến. Viên chỉ huy trưởng không vận đã thốt ra những tiếng kêu công phẫn khi thấy phải động viên hai phi cơ khổng lồ để rồi mỗi chiếc chỉ mang hai cái hộp nhỏ, toàn thể chỉ nặng có 50 kilô, nhưng vì mệnh lệnh lại do chính tướng Arnold ký cho nên ông ta phải nhượng bộ.
Tướng Spaatz vừa nhận quyền chỉ huy không lực chiến lược tại Thái Bình Dương cũng đích thân đến Tinian hai ngày trước quả bom Little Boy mang theo mệnh lệnh của Stimson, chỉ thị không đoàn Composite Group 509 “ném quả bom đặc biệt thứ nhất từ ngày 3 tháng 8 ngay cơ hội đầu tiên khi có thời tiết thuận lợi xuống một trong các mục tiêu: Hiroshima, Kokura, Niigaha hoặc Nagasaki”.
Thời hạn 8 ngày cách biệt ấy là để tạo cơ may cho quả bom Fat Man đang được nhồi nhét với tất cả những gì còn lại của plutonium có sẵn sau cuộc thí nghiệm ngày 15 tháng 7. Groves muốn rằng quả Fat Man được sử dụng trước bởi vì chỉ có nó mới được công nhận nhờ cuộc thí nghiệm, nhưng trong trường hợp có sự chậm trễ, quả Little Boy cũng có thể được ném trước.
Kể từ ngày 3 tháng 8, chiếc siêu pháo đài bay Enola Gay do đại tá Tibbets lái, sẵn sàng cất cánh với quả bom Little Boy trong hầm bom. Hai siêu pháo đài bay khác sẽ phải hộ tống, để che chở khi gặp biến cố và để quan sát hiệu quả của trái bom. Tính cách khả hữu của một phản ứng địch rất thấp bởi vì không có một mục tiêu nào ghi trong mệnh lệnh lại bị oanh tạc từ nhiều tháng qua.
Tối ngày 5 tháng 8, quả Fat Man vẫn chưa được đưa đến, và vì các tiên đoán thời tiết thì lại rất tốt, Tibbets tổ chức một cuộc “Briefing” chót cho phi hành đoàn. Sau cùng ông nói rõ sức mạnh kỳ lạ của quả bom này, một sức mạnh tương đương với 20.000 tấn chất nổ TNT, nhưng ông nói thêm rằng theo sự ước tính của các chuyên gia, các kỹ thuật vận dụng mà họ đã được huấn luyện thật sự có thể giúp đưa chiếc Enola Gay bay xa chừng 10 cây số lúc làn sóng chấn động lan đến chỗ phi cơ. Kiến trúc của chiếc máy bay lúc ấy chỉ phải chịu đựng các nỗ lực không quá một nửa trọng lượng giới hạn đã được tính trước (2g thay vì 4g). Sau khi nhắc lại một lần nữa các biện pháp phòng ngừa phải theo: mang kính đặc biệt, và các dây nịt an toàn thật chắc chắn, quay đầu về phía trong phi cơ, chỉ nhìn ra ngoài sau khi bom nổ và ghi chú cẩn thận những điều quan sát được, ông yêu cầu tất cả mọi người hết sức bình tĩnh và tin tưởng bằng cách chấp nhận phần còn bí ẩn của cuộc thí nghiệm này vốn là một cuộc thí nghiệm chưa hề xảy ra lần nào trong lịch sử nhân loại.
Giọng nói nghiêm trang của Tibbets khi đọc bài diễn văn ngắn của ông tương phản hẳn với thái độ cười cợt thường lệ đến nỗi sự huyên náo thân hữu vẫn thường nối tiếp các cuộc hội họp loại này đã không xảy ra. Làm như đột nhiên họ ý thức được tầm nghiêm trọng của sứ mạng sắp phải chu toàn, các hoa tiêu rời nhau trong im lặng để trở về những chiếc giường khắc khổ như của các tu sĩ và cầu nguyện trong khi chờ đợi bình minh hôm sau.
Lúc 0 giờ ngày 7 tháng 8, chiếc pháo đài bay có nhiệm vụ quan sát thời tiết trên mỗi mục tiêu, cất cánh rời Tinian. Đúng 3 giờ 45, chiếc Enola Gay có mặt tại đầu phi trường. Chiếc Great Artiste và pháo đài bay thứ ba theo sau. Tibbets đạp mạnh thắng, cho động cơ quay hết tốc lực, và những viên nham thạch nhỏ trên phi đạo Tinian bị gió thổi bắn tung như những viên đạn. Sau khi thử lại hai hoặc ba lần, Tibbets nới lỏng thắng và chiếc oanh tạc cơ to lớn tiến tới nặng nề trên các giàn bánh xe bẹp dí rồi dần dần gia tăng tốc độ. Đối với phần đông những người đã rành việc có dự kiến cuộc cất cánh lịch sử này, giờ phút đó thật là đầy âu lo. Nếu chiếc Enola Gay chở quá nặng vì xăng bị vỡ tan tại đầu kia của phi đạo với quả bom nguy hiểm Little Boy, thì không một ai có thể biết đúng tai biến nào sẽ xảy ra. Các nhà bác học đưa ra giả thuyết rằng, sự khởi động phản ứng dây chuyền là chuyện không thể xảy ra được, nguy cơ duy nhất phải gánh chịu là một vụ nổ có sức mạnh kém kéo theo những tia Uranium bị bắn tung. Chung qui cũng chỉ là một vụ lộn xộn nhỏ... chẳng có gì nguy cấp. Nhưng họ không có vẻ tin tưởng những gì khác hơn.
Vì thế, khi chiếc Enola Gay với những ngọn đèn báo hiệu vị trí khuất dần tầm mắt, nhảy chồm lên hai lần nhẹ nhàng trước khi bốc lên không, một hơi thở dài khoan khoái thoát ra từ mọi lồng ngực. Các nhà bác học và các nhân vật quân sự trở lại phòng ăn và bàn luận huyên náo những cơ may thành công của cuộc thí nghiệm phi thường. Khó khăn đầu tiên đã được vượt qua.
Thì giờ trôi qua, Nolan, Furman và 20 chuyên viên khác, những người đã o bế con ngựa tơ trước cuộc đua, giờ đây đang chờ đợi, với tâm trạng nóng nảy còn sôi động hơn cả những quân nhân, các tin tức liên quan đến phi vụ Enola Gay và hai pháo đài bay khác.
Trên chiếc phi cơ định mệnh, trong thời gian đó mọi việc xảy ra y như trong một cuộc thực tập. Lúc bờ biển Nhật Bản hiện ra trước mắt, chiếc B-29 quan sát cơ báo hiệu: “Trời tốt trên Hiroshima, độ trông rõ tuyệt hảo”. Hướng bay được điều chỉnh để tiến thẳng mục tiêu.
Từ cao độ 10.000 thước (Cao độ đặc biệt này do Tibbets lựa chọn vì các lý do an toàn. Cao độ ấy đòi hỏi phải tháo bỏ tất cả các vũ khí). Nhật Bản hiện ra dưới mắt các hoa tiêu của phi hành đoàn như một trang sách địa dư mở rộng trên màu xanh của Thái Bình Dương. Mặc dầu họ rất quen thuộc, quang cảnh này mỗi lần lại đưa họ vào một thứ cảm giác ngây ngất thuộc về địa lý; thế giới xinh đẹp, quả đất tròn, cuộc đời thật tươi thắm. Nhưng điểm mà họ chưa bao giờ được thấy vì khu vực ấy bị cấm, chính là thành phố Hiroshima với kích thước thật sự, khác với hình ảnh lờ mờ khi nhìn ở ngoại biên. Tibbets để ra một lát nhìn cái bàn cờ ô vuông gồm nhà cửa kiểu Nhật với mái nhà màu xám, chung quanh có khu vườn tí hon bao bọc, như ông bám sát ngay vào các chỉ dẫn của Beahan, chiếc oanh tạc cơ đang cố giữ tiêu điểm trong thị trường dợn sóng của chiếc máy nhắm. Những người khác có một vài phút để chiêm ngưỡng sự bài trí bình dị của thành phố mênh mông này.
Nhưng tiếng kèn báo động kêu vang ngay dưới các chiếc nón phi hành. Các động cơ mở cửa hầm bom bắt đầu chạy và dưới chiếc bụng mở rộng của chiếc Enola Gay những mái nhà của Hiroshima xuất hiện dưới ánh chớp mặt trời, gợi lên hình ảnh ngay hàng thẳng lối của mộ chí trong một nghĩa trang.
“Coi chừng! Bốn, ba, hai, một, zéro!”, Little Boy được giải phóng khỏi gốc, nhào lăn xuống trong một tiếng động lớn của các cây sắt nhỏ, trong khi chiếc phi cơ trống rỗng bị chòm lên trước khi đổi hướng và chúi xuống mặt đất. Tất cả nhân viên phi hành đoàn của chiếc Enola Gay thở hổn hển một lát dưới áp lực dữ dội của các dây nịt, rồi như những người máy, một tia lóe sáng không thể tưởng tượng làm lóa mắt họ bất chấp mặt kính đen của cặp kính hình vòng cung bao kín mắt của những người thợ hàn. Tia chớp thoáng qua rất mau và khi áp lực của thắt lưng giảm bớt, họ kéo bức màn che chở nơi các cửa kính phi cơ, quang cảnh hùng vĩ nhất mà một con người có thể nhìn ngắm được đang diễn ra dưới mắt họ với sự chậm chạp huy hoàng. Trước hết, một quả cầu lửa sáng chói hơn cả mặt trận bốc lên cao đến độ chóng mặt trước khi loang ra thành một lò lửa đỏ rực. Rồi một cột khói trắng bốc lên trời như cái đuôi của một hỏa tiễn nở ra bên trên lò lửa đỏ hồng để rồi ẩn dưới một vành hoa mênh mông.
Còn mạnh hơn cả quang cảnh ảo mộng ấy, chiếc Enola Gay bị chấn động vì hai cái tát tàn bạo. Chiếc phi cơ bị rơi một lúc như hòn đá, rồi gượng lại được trong khi tất cả sườn tàu đều rung chuyển. Với một thái độ bình tĩnh tuyệt đối, Tibbets đưa phi cơ trở lại đường bay và la lớn trong máy vi âm:
“Này các bạn! Chúng ta vừa ném quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử!”.
Đến 15 giờ, nhẹ nhàng như một phi cơ kiểu Piper Cub, chiếc Enola Gay đáp xuống phi đạo Tinian. Một cuộc biểu dương đặc biệt của rất nhiều sao và lá sồi đang chờ nó trên phi trường. Tướng Spaatz tiến tới trước đại tá Tibbets lúc đó đang bình tĩnh bước xuống phi cơ sau lưng kéo lê các dây nịt được tháo lỏng. Ông ta gắn lên bộ áo phi hành chiếc huy chương “Distinguished Service Cross”, trong khi một ban nhạc hoan nghênh đứng thành hàng dài, chào các nhân viên phi hành đoàn đang bước xuống từng người một, mang theo bản đồ và tài liệu. Tất cả rượu Whisky dự trữ của vị Tư lệnh không lực chiến lược tại Thái Bình Dương đều được hy sinh trong những giờ tiếp theo đó cho cổ họng cháy khát của những con người đã tạo nên chiến thắng khó tin này.
Tại Hiroshima, quả bom của Tibbets đã gây ra những sự tàn phá vượt khỏi sức tưởng tượng. Sau tiếng nổ kinh khủng làm cháy tiên trong nháy mắt 70.000 nhân mạng đang làm công việc thường nhật, một đoàn ma quỷ rùng rợn sắp hàng dọc đi lang thang vô định trong đám mây tro bụi bao phủ thành phố. Tất cả đều ngây ngô lạc thần nghĩ rằng một quả bom đã rơi đúng lên trên nhà mình. Họ chạy trốn khỏi nơi mà họ tưởng là tai biến đã xảy đến và hy vọng thấy được tiếp cứu ở địa điểm xa hơn. Nhưng khi dần dần tiến tới, họ chạm phải một hàng rào lửa hoặc những người chạy trốn khác theo chiều ngược lại. Những người còn giữ lại được cái nhìn bình thường đều phải kinh hãi lùi lại khi thấy những con quỷ mặt cháy bỏng mà “da tay đong đưa như những chiếc găng lộn ngược”.
Những đoàn tiếp cứu đầu tiên đến được ngoại ô thành phố khi các sĩ quan của căn cứ hải quân Kuro kế cận ý thức được tầm rộng lớn của thảm họa. Tin tức liền được chuyển về Đông Kinh nhưng tại đây nó đụng phải một thái độ nghi hoặc. Mãi đến 10 giờ đêm, một phóng viên của hãng thông tấn Domei mà ngôi biệt thự tại vùng ngoại ô không bị thiêu hủy và là người có có can đảm đạp xe đạp đi xuyên qua thành phố, rốt cuộc mới có thể gửi một báo cáo cô đọng cho đài phát thanh. Suốt đêm, nhiều đoàn người từ các thành phố lân cận ùa đến các khu ngoại ô và nhiệm vụ cứu trợ siêu phàm bắt đầu.
Khi nhận các báo cáo đầu tiên, các giới chức quân sự hoàn toàn bế tắc không đoán ra được bản chất sát đúng của thứ vũ khí đã rơi xuống Hiroshima. Các ý kiến nêu ra đều khác biệt nhau. Các tướng lĩnh nghĩ rằng đây, hoặc là loại bom hỏa tiễn được ném thành chùm vĩ đại, hoặc là một loại mìn khổng lồ được các pháo đài bay còn lớn hơn loại B-29 thả dù xuống. Chỉ có hải quân là nghĩ rằng rất có thể đây là quả bom nguyên tử. Họ được khẩn cầu đừng làm lan truyền dư luận này, và nhiều mệnh lệnh đã được ban hành cho cơ quan kiểm duyệt để giảm thiệu hậu quả của thảm họa. Thủ tướng chính phủ Suzuki vốn đã bí mật thương thuyết hòa bình qua trung gian của Nga Sô, liền điện cho viên Đại sứ Nhật Sato hỏa tốc yêu cầu Molotov chấp thuận gửi giúp những đề nghị mới cho Hoa Kỳ. Những kỳ vọng của Nhật Bản lần này được giới hạn xin được thong thả rút các đạo quân trú phòng ở hải ngoại trở về, xin được tự giải giới mà không có sự chiếm đóng lãnh thổ Nhật Bản và xin tôn trọng quyền uy của Thiên hoàng. Molotov kéo dài các cuộc thương thuyết trong suốt ngày 8 tháng 8 mà không hé hai một lời nào với Hoa Kỳ. Staline đang chuẩn bị một lát dao găm đâm sau lưng: tuyên chiến với Nhật Bản. Ông ta hoàn toàn có lợi khi kéo dài sự xung đột.
Trong thời gian đó một chiếc C-54 được trang bị đặc biệt, do hai phi cơ B-29 hộ tống, rốt cuộc đã chở đến Tinian những thành phần cấu tạo chót của quả bom Fat Man chứa đầy putonium cần thiết. Những cơ phận khác nhau của quả bom thứ hai được ráp vội vàng vì khí tượng còn rất tốt. Mục tiêu chọn lựa là hải cảng rộng lớn Kokura; nếu thời tiết tại đó hỏng, chiếc Great Artiste sẽ cố ném quả Fat Man xuống Nagasaki.
Mối nguy hiểm do sự chuyển vận bằng phi cơ đã được Groves chấp nhận, không những chỉ vì để tranh thủ thời gian, nhưng còn vì ông thấy ít nguy hiểm hơn là sự chuyển vạn bằng đường biển để chở quả bom Little Boy. Thật vậy, tuần dương hạm Indianapolis, sau khi khởi hành khỏi Tinian, đã gặp phải số phận bi thảm. Trong lúc chạy về Phi Luật Tân một mình không hộ tống, nó bị trúng thủy lôi ngay trong đêm tối, ngày 29 tháng 7, của một tàu ngầm Nhật Bản. Một sự trùng nhập các hoàn cảnh đã làm cho thảm họa thêm trầm trọng. Những tín hiệu S.O.S của chiếc Indianapolis không được ai nghe, và sự bí mật bao quanh chuyến hải hành của nó được giữ cẩn thận đến nỗi không một ai lo lắng gì về sự mất tích của nó. 800 thủy thủ sống sót sau khi tàu bị chìm đã phải bám vào các bè hay cano cấp cứu trong suốt ba ngày liền. Gần 500 người trong số đó đã bị chết chìm khi những người tiếp cứu đến được nơi xảy ra thảm họa. Biết bao nhiêu là lầm lỗi và sơ xuất đã làm cho Tướng Groves phải rùng mình vì một sự ghê rợn phản hồi...
Tối ngày 7 tháng 8, một trục trặc về vận hành đã được khám phá nơi một trong các động cơ của chiếc Great Artiste liền có quyết định đưa quả bom Fat Man vào hầm chứa của chiếc pháo đài bay Box Car vẫn được dùng làm trừ bị cho đến lúc đó. Tất cả phi hành đoàn của thiếu tá Sweeney chuyển qua chiếc Box Cả lúc này tạm thời được đổi lại tên là Great Artiste. Trong đêm 8 tháng 8, trong lúc tưởng đâu mọi chuyện êm đẹp cả, thì các cơ khí viên báo hiệu chiếc bơm xăng bị hư hỏng. Thiếu tá Ashowrth và phi công Sweeney đến gặp Đô đốc Purnell là người có trách nhiệm về an ninh. Sự hư hỏng chiếc bơm xăng làm giảm bớt 1/4 số xăng dự trữ. Sau những cuộc bàn cãi thật lâu và sau những ước tính chặt chẽ, Purnell tính rằng phải chấp nhận mạo hiểm bởi vì giai đoạn thời tiết tốt đẹp sắp chấm dứt. Hơn nữa Stimson đã nhấn mạnh qua một công điện rằng cần phải ném hai quả bom liên tiếp nhau để gia tăng xúc động tâm lý và để làm cho đối phương tin rằng có cả một kho dự trữ bom vô hạn.
Phi hành đoàn của ba pháo đài bay được tập họp để nghe “Briefing” một lần chót vào lúc 3 giờ sáng. Vì lý do có một số lớn phi cơ Nhật trên đảo Kiou-Siou, cho nên một điểm hẹn được ấn định cho các khu trục cơ che chở tại Yakoshima. Nhiều khu trục hạm và tuần dương hạm cũng phải tuần tiễu theo đoạn đường bay qua của đoàn phi cơ.
Lúc 3 giờ 45 ngày 9 tháng 8, chiếc phi cơ quan sát thời tiết báo hiệu độ trông rõ tại Kokura “chấp nhận được”, chiếc Great Artiste mới, chở nặng, được thiếu tá đưa lên không vừa đúng, theo sau là hai chiếc B-29 quan sát cơ, và lên đường tiến về phía Yakoshima.
Ngay khi khởi hành, đoàn phi cơ đã bay vào mây, kỹ thuật phi hành trở nên khó khăn và các phi cơ thường bay khuất tầm mắt của nhau. Nhiều tia chớp đáng lo ngại vạch lên bầu trời ở phía xa. Tuy vậy, đến rạng sáng, thời tiết khá hơn và các tin tức nhận được lúc 8 giờ báo hiệu rằng độ trông rõ tại Kokura là “thỏa đáng”. Nhưng khi bay đến bên trên Yakoshima, Sweenney thấy đằng sau mình chỉ có một pháo đài bay, chiếc thứ ba không thấy đâu cả. Sau 25 phút chờ đợi đầy lo âu, thiếu tá Sweeney quyết định tiếp tục hành trình. Đồng hồ trên phi cơ chỉ 9 giờ và phải còn bay qua 400 cây số nữa. Từ đây chiếc Great Artiste đã bị trễ mất 400 giờ so với thời biểu ấn định trong chương trình.
Than ôi, những thất vọng ấy mới chỉ là bắt đầu. Khi đến Kokura, một cơn mưa phùn nhẹ làm nhãn quan tối sầm lại, Đại úy Beahan, chuyên viên thả bom không thể phân biệt rõ các điểm chuẩn. Chiếc Great Artiste bay qua bay lại trên thành phố, nắp hầm bom mở rộng, bom sẵn sàng và đã ba lần, Beahan không thể ra lệnh ném bom. Đến lần bay thứ ba ngang qua thành phố, hải quân trung tá Ashworth, chuyên viên gắn ngòi bom báo hiệu thấy khu trục cơ Nhật, rồi những cụm khói đen của đạn cao xạ phòng không D.C.A xuất hiện... Yếu tố bất ngờ đã mất, phải bỏ đi! Sweeney đổi hướng phi cơ và nhắm về phía Nagasaki. Nhưng mức dầu xăng hạ dần và độ trông rõ chỉ khá hơn trên Kokuru một chút. Sweeney, Ashworth và Beahan chỉ có vài phút để quyết định. Mặc dầu các mệnh lệnh giao cho họ không có tiên liệu kỹ thuật nhắm bằng rada, nhưng họ đồng ý với nhau rằng đấy là đường lối độc nhất còn lại phải áp dụng. Sau khi lấy một điểm chuẩn trên một đại lộ của thành phố, Sweeney nhìn vào các chỉ dẫn của rada để bay dọc theo thung lũng Urakani trên đó có điểm chuẩn được tiên liệu. Nhà cửa xây từng bậc trên các sườn đồi bắt đầu xuất hiện trong các khoảng không trống mấy. Hình ảnh lờ mờ của hải cảng vạch lên trên mặt kính rada và quả bom đã được ném đi... Có lẽ hơi quá sớm, nhưng còn hơn là không ném được khi phi cơ bay hết chiều ngang thành phố. Cuùn với tia chớp dữ dội giống như tại Hiroshima, cùng cây nấm như thế bốc lên cao và, trong khi chiếc Great Artiste vừa đổi hướng vừa đâm chúi xuống hết tốc độ, nó bị chấn động năm lần như bị một quả đấm khổng lồ giáng xuống. Làn sóng chấn động lần này bị dội lại và phóng đại thêm bởi các ngọn đồi.
Khi yên tĩnh đã trở lại, phi hành đoàn quá kiệt sức đến nỗi không thể quan sát diễn tiến của quang cảnh. Thành phố và hải cảng Nagasaki hoàn toàn bị bao phủ bởi một thảm khói điểm những ánh lửa của các đám cháy. Chiếc pháo đài bay thứ hai bay vòng chung quanh cây nấm khổng lồ mà một khi bị phân tán liền mở lối cho một cột khói mới bốc thẳng lên trời và phản chiếu ánh sáng muôn màu. Sweeney không có thì giờ trì hoãn để ngắm nhìn quang cảnh ảo mộng ấy. Đồng hồ xăng chỉ rõ mức hạ thấp báo động. Không còn có thể có vấn đề trở về Tinian được nữa. Chính Okinawa là nơi phải cố gắng đáp chiếc Great Artiste xuống.
Lúc ấy là 12 giờ 15, máy vô tuyến trên phi cơ gửi về Tinian điện văn qui ước: “Fat Man đã chu toàn nhiệm vụ”. Một giờ sau, hòn đảo Okinawa dài ngoằn với những bờ biển uốn cong gồ ghề xuất hiện trong bầu trời xám ngắt. Nhân viên vô tuyến gọi đài kiểm soát phi trường Yontan. Không nhận được hồi âm, anh lập lại lời kêu hai phút một lần, nhưng than ôi, vẫn không có kết quả gì. Độ trông rõ vừa đủ để trông thấy những ngọn núi cao và pháo đài Shuri vốn là chiến trường trong cuộc chiến tranh trên Thái Bình Dương. Sweeney bắt đầu hạ xuống và thấy phi đạo ngay. Dường như nó quá bừa bộn với một số phi cơ ấy mà không có phép của đài kiểm soát là cả một sự nguy hiểm lớn lao, vì thế ông vẫn phải bay vòng trên Yontan và lập lại dấu hiệu báo nguy: “May Day! May Day!”. Trước 14 giờ một chút, đồng hồ xăng chỉ số không, Sweeney ra lệnh bắn hỏa tiến báo nguy và tiến vào vị trí đáp. Sau cùng một ánh đèn bật lên trên đài kiểm soát và phi đạo có vẻ được dẹp trống. Chiếc Great Artiste đáp xuống ngay. Phi cơ chạm mặt đất dữ dội. Sweeney phải đảo ngược chong chóng để thắng phi cơ và nó dừng lại đúng lúc ngay đầu phi đạo. Trong sự im lặng trở về, người ta nghe có ai thì thầm: “Tạ ơn chúa!”. Thần kinh căng thẳng đến mức độ không ai nhúc nhích gì được.
Một lát sau, cửa phi cơ mở và một đại úy nhô đầu vào khung phi cơ la lớn: “Trong đó bình yên không? Không có bị hãy tay chân gì chứ?”. Rồi khi mọi sự đều tốt đẹp, ông ta nói một tràng: “Các anh có nghe đài phát thanh không? Người Nga đã tuyên chiến với Nhật và một phi cơ Mỹ đã ném một quả bom nguyên tử xuống Nagasaki!”.
Viên phi công của chiếc Great Artiste vốn là dân Ái Nhĩ Lan chính cống, làm như là giật mình trên ghế và trả lời viên đại uý: “Xuống Nagasaki! Ông khong đùa đấy chứ!”.