Đứa con trai nhìn cha đăm đăm, rất lâu sau mới ngập ngừng lên tiếng: − Con thấy ba không nên đi vào lúc này! Đại tá Dinh ngẩng phắt lên nhìn con: − Tại sao vậy? − Tình hình này thì sớm muộn gì cũng nổ ra chiến tranh! − Con căn cứ vào đâu mà nói chắc như vậy? − Báo chí đang nói hàng giờ, hàng ngày. Ai cũng biết rằng Hitller đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh. − Ba có biết điều đó, nhưng chuyến đi này là cần thiết. Vả lại, ba nghĩ chiến tranh khó mà xảy ra ở Paris bình yên, hoa lệ... − Tuy vậy, con thấy ba nên cẩn thận là hơn. Để con trai yên tâm, ông đại tá đồng ý với đề nghị sẽ sớm quay về của nó. − Ba sẽ mang theo thằng cận vệ thân tín nhất. Bây giờ thì con hài lòng rồi chứ Dân? Đứa con trai không hề biết rằng, cha mình đi Paris chẳng hề có công cán gì. Ông ta đi hoàn toàn vì một mục đích riêng tư: Người đàn bà kiều diễm mà ông chung sống kể từ khi vợ mất - Nhưng lại giấu con - Hiện đang ở Paris, muốn gặp ông ta gấp. Hình như bà ta đang gặp rắc rối gì đó về tiền bạc. Thế là ông đi và không trở về. − Người ta đồn đãi rất lâu rằng ba tôi bị tên vệ sĩ bắn chết. - Ông Dân nói - Nhưng tôi không tin, bởi không có thông báo chính thức từ cơ quan luật pháp. Vả lại, lúc ấy chiến tranh thế giới vừa bùng nổ, chẳng ai có thời gian để điều tra, xem xét! Nghe xong, người khách dè dặt hỏi: − Anh có biết gì... về người đàn bà ở Paris không? − Tôi hoàn toàn không quan tâm tới điều đó bởi vì sau ngày mẹ tôi mất, ba tôi quan hệ với rất nhiều người phụ nữ khác. Nói câu này, ông Dân không ngẩn lên vì ông có cảm giác như có một đôi mắt nẩy lửa đang nhìn mình. Đôi mắt của người quá cố đang ngồi trên bàn thờ! − Có một người đàn bà như thế... người ấy là mẹ tôi. Nói xon gcâu này, người khách đã trút đi được gánh nặng. Ông thoải mái ngồi tựa người vào thành sa lông chờ đợi. Còn ông Dân thì nhỏm khỏi ghế như bị điện giật. Ký ức tuổi thơ của Phrancois chỉ loáng thoáng hình bóng một người cha mà thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện. Và sau đó thì mất hẳn. − Khi ấy mẹ tôi nói rằng ba đã chết! Sau đó thì có một người đàn ông khác thay thế ba đến sống trong nhà. − Tại sao đến bây giờ, sau ngần ấy năm trôi qua rồi, chú mới tìm đến đây? Trong khi, nếu chú muốn thì có thể làm điều này từ lâu? - Giọng ông Dân có vẻ không vui. − Mẹ tôi giấu kín mọi chuyện. Bà chỉ thổ lộ với Chúa ngay trước lúc qua đời. Vị Linh mục đã làm lễ rửa tội cho bà mẹ của Phrancois đã kể lại rằng: Bà ta và đại tá Dinh đã sống với nhau như vợ chồng nhưng không có hôn thú với lý do: − Anh không muốn mang tiếng có hai đời vợ! Nhưng cần gì tờ giấy lộn ấy? Không có nó, thì mọi thứ cũng đã thuộc về em rồi cưng ạ! Ông ta nói với Băng Trinh - Người đàn bà được yêu quí nhất trong số những người đàn bà. − Còn thằng con trai của anh? − Nó không biết có em và thằng Phrancois trên cõi đời này. Tuy nhiên gia sản của anh có một phần của mẹ nó để lại. Cái đó đương nhiên thuộc về nó. Người đẹp không nói gì thêm. Sau khi mọi chuyện nợ nần của Băng Trinh - Lý do chính đã khiến ông đại tá phải hỏa tốc bay sang Paris - Đã giải quyết xong và ông ta sắp sửa trở về Sài Gòn thì người tình nhỏ mới thỏ thẻ: − Em lo quá! Nếu lỡ... xảy ra chiến tranh thì sao? − Anh cũng đã nghĩ đến điều đó. Bên Việt Nam, tình hình cũng lộn xộn lắm. − Nếu nổ ra chiến tranh thì làm sao em có thể gặp được anh? - Băng Trinh nức nở - Không có anh làm sao em và con sống nổi. − Đừng khóc nữa, cưng của anh! - Ông ôm người đàn bà vào lòng vuốt ve và lau nước mắt cho nàng - Anh đã tính xong đâu đó rồi. Anh đã già, chuyện sống chết biết đâu mà lường? Vì vậy anh đã lo cho em và con. Họ tức tốc làm hôn thú và hoàn tất thủ tục chuyển toàn bộ tài sản ở Ngân hàng quốc gia Pháp cho Băng Trinh. − một triệu quan tất cả! Nhưng em phải làm cái này trước khi anh giao giấy tờ cho em. Băng Trinh phải viết giấy cam kết một nửa số tiền kia sẽ thuộc về con trai lớn của ông một khi ông ta qua đời. − Em giữ một bản, còn bản này anh sẽ mang về cho thằng Dân. Khỏi cần ra công chứng chi cho thêm rắc rối. Anh tin em. Đôi mắt người đàn bà vụt tối sầm. Ngay lúc đó, ý nghĩ làm sao đế số tài sản kia cũng thuộc về mình bùng lên trong đầu Băng Trinh. Không thể để ông ta mang tờ giấy kia về nước. Muốn vậy chỉ còn mỗi một cách... Băng Trinh lập tức đi tìm gã vệ sĩ của ông ta: − Anh đừng sợ! Tôi sẽ bảo đảm sự an toàn cho anh. Nên nhớ, số tiền hai trăm ngàn quan không nhỏ đâu. Làm vệ sĩ cả đời như anh có nằm mơ cũng không dám thấy. Và nếu như anh làm xong việc... tôi sẽ không tiếc với anh một thứ gì đâu. Gã vệ sĩ muốn cho chắc ăn nên đòi trước một nửa số tiền mà hắn sẽ được hưởng và "ứng trước" cả tấm thân ngọc ngà của bà chủ. Mọi việc diễn ra trót lọt. Không biết Băng Trinh đã phù phép thế nào mà sau đó từ chỗ bị bắn chết, ngài đại tá được chuyển sang một cái chết êm ái hơn, nhân đạo hơn là bị nhồi máu cơ tim! (Mặc dù ông xưa nay rất khỏe mạnh. Nó có thể rung động bởi mấy người đàn bà cùng một lúc). Sau đó, gã vệ sĩ sống chung luôn với vợ cũ củ chủ mình. Được ít lâu, sợ lộ ra sẽ đi tù nên gã đã bỏ trốn. Nghe đâu sang tận châu Phi! Mọi chuyện được giữ kín cho đến tận bây giờ. Mới đây, người đàn bà giết chồng ấy đã chết vì một căn bệnh ngặt nghèo. Nó đã hành hạ bà ta suốt mấy năm trời, cho đến lúc tàn hơi. − Tôi sẽ làm mọi chuyện để chuộc lại lỗi lầm của mẹ tôi, nếu anh muốn. - Phrancois kết thúc câu chuyện với ánh mắt thật buồn - Xin anh hãy tha thứ! Tôi đã có vợ và các con. Tôi không muốn chúng nó là những đứa trẻ không có cội nguồn. Mọi người im lặng nhìn nhau. Biết phải nói thế nào về chuyện những đứa con cứ phải nhận thay lỗi lầm của cha mẹ mình. Điều đó đã trở thành một tiền lệ rồi chăng? Bác sĩ Chiến phá tan sự im lặng: − Hôm nay là một ngày đáng được chúng ta ăn mừng. Ông Dân nhìn người em cùng cha khác mẹ của mình bằng ánh mắt mờ lệ. Giọng ông run run: − Chúa đã tha thứ và đền bù cho chúng ta. Trận hỏa hoạn đêm qua cũng chính là do ý Người muốn thiêu hủy tất cả những dấu tích đáng buồn ngày xưa. Tôi sung sướng như đang sống trong mơ. − Tôi đã làm việc với Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Việt Nam để hoàn thành mọi thủ tục của vấn đề thừa kế. Trong khi chờ đợi chúng ta sẽ xây lại ngôi nhà của ông cụ. Nếu kip, Tết này có thể vợ và hai con gái tôi sẽ về thăm quê. Quay sang Tố Mai, ông vui vẻ nói: − Con gái của chú cũng vào khoảng tuổi cháu, nhưng nó không xinh đẹp như chị của mình. Tố Mai lúng túng còn chưa biết thanh minh thế nào thì ông Dân đã gỡ rối cho cô: − Tố Mai là con gái út của cô chú đây. - Ông chỉ vào hai vị chủ nhà - Tôi chỉ còn duy nhất một đứa. Ông không nhắc lời nào về vợ và con gái mình. Có lẽ, trong ngày hôm nay, bấy nhiêu chuyện vui buồn đó cũng đủ lắm rồi. Tối đó, ông khách xin phép được ngủ lại với anh mình. Mọi người thấy phòng ôn Dân sáng đèn cả đêm. Hình như họ thức suốt. Đúng thật, hỏi làm sao mà ngủ được trong một đêm như thế này?!