Từ lâu, Na-pô-lê-ông đã dự tính biểu dương tính chất vững chắc của khối liên minh Pháp-Nga. Nhưng vào trung tuần tháng 7, một sự kiện bất ngờ xảy ra đã buộc Na-pô-lê-ông phải gấp rút hội đàm với A-lếch-xan. Tướng Đuy-pông, phụ trách chiếm miền nam Tây Ban Nha, đã vào được ăng-đa-lu-di và sau khi hạ được thành Coóc-đu, trong khi tiếp tục cho tiến quân thẳng lên phía trước, đã bị hết lương thực, sa vào một vùng đồng bằng bát ngát, nắng như thiêu đốt và bị vô số toán du kích nông dân bao vây tiến công tứ phía. Và ngày 20 tháng 7, ở gần Bay-len, Đuy-pông cùng với quân đội của mình đã đầu hàng. Việc đầu hàng này chưa có nghĩa là Tây Ban Nha đã thoát khỏi ách thống trị của Pháp, nhưng nó đã gây ảnh hưởng vô cùng to lớn và sâu sắc trong toàn châu Âu. Quân đội bách chiến bách thắng của đế quốc Pháp vừa mới bị thua một trận, đương nhiên là cục bộ, nhưng không thể chối cãi được. Nhận được tin ấy, Na-pô-lê-ông nổi khùng và đưa Đuy-pông ra hội đồng quân sự. Na-pô-lê-ông đã có một quan niệm riêng thế nào là đạo đức và không đạo đức. Theo ý Na-pô-lê-ông, điều không đạo đức lớn nhất là đảm nhiệm một việc mà mình không có khả năng làm tròn. Và khi một viên tướng bất lực mà dự vào công việc chiến tranh thì sự "không đạo đức" đó chỉ trở thành một tội ác mà thôi. Từ đó, hình ảnh Đuy-pông mất hẳn trong tâm trí Na-pô-lê-ông. Na-pô-lê-ông hiểu được ngay tính chất nghiêm trọng của những hậu quả chính trị do cuộc thất bại thảm hại ở Bay-len đem lại. Trong khi giả đò bình tĩnh và xác định sự thất bại ở Bay-len chỉ là chuyện nhỏ mọn so với nguồn lực lượng của đế quốc Pháp, thì Na-pô-lê-ông đã hoàn toàn thấy trước được sự phản ứng do sự kiện ấy gây nên ở áo, là áo đang tích cực vũ trang hơn nữa. áo đã nhìn thấy rằng, đáng lẽ Na-pô-lê-ông chỉ phải chiến đấu trên một mặt trận thì nay bỗng nhiên lâm vào tình trạng bị bức phải chiến đấu trên hai mặt trận, và mặt trận phía nam mới này, đã gây ra ở Tây Ban Nha, sẽ làm Na-pô-lê-ông yếu đi rất nhiều ở mặt trận Đa-nuýt. Để ngăn chặn mưu mô gây ra chiến tranh của áo, cần phải làm cho áo hiểu rằng A-lếch-xan đệ nhất sẽ xâm chiếm đất đai của áo ở phía đông, còn Na-pô-lê-ông, liên minh của A-lếch-xan, sẽ tiến quân từ phía tây đến Viên. Đó là mục đích chủ yếu của việc biểu dương tình hữu nghị giữa hai ông hoàng đế ở éc-phua. Sau trận Tin-dít, A-lếch-xan đã sống những ngày khổ não. Việc liên minh với Na-pô-lê-ông và những hậu quả không thể tránh được của nó, việc cắt đứt quan hệ với Anh đã làm tổn thương lớn đến quyền lợi kinh tế của giai cấp quý tộc và thương nhân. Phrít-lan và Tin-dít không những chỉ được coi là một điều bất hạnh mà còn là một điều nhục nhã.Tin thêm vào lời hứa của Na-pô-lê-ông, Sa hoàng hy vọng rằng, nhờ có cuộc liên minh Pháp - Nga, khi đã chiếm được một phần đất đai của nước Thổ, Nga Sa hoàng sẽ làm nguôi dịu sự chống đối của triều định, của đội cận vệ, của toàn bộ giai cấp quý tộc. Nhưng thời gian trôi qua mà không thấy Na-pô-lê-ông hành động gì theo hướng đó cả; hơn nữa, ở Pê-téc-bua lại bắt đầu có tin đồn là Na-pô-lê-ông xúi giục quân Thổ đeo đuổi cuộc kháng chiến mà họ đang tiến hành để chống lại Nga. ở éc-phua, hai bên của khối liên minh Pháp - Nga đều tính đến chuyện giữ miếng cho kín để khỏi lộ lá bài tẩy trên tay trong canh bạc ngoại giao này. Cả hai bên đều lừa bịp lẫn nhau và đều cùng biết như vậy, mặc dù chưa lấy làm chắc chắn lắm, cả hai đều nghi kỵ nhau chẳng chừa một cái gì và trong khi ấy thì vẫy cần đến nhau, A-lếch-xan nhận xét Na-pô-lê-ông là người cực kỳ thông minh; Na-pô-lê-ông phục cái tinh tế và cái sắc sảo, mánh lới trong ngoại giao của A-lếch-xan: "Thật là một người Hy Lạp chính cống của đế quốc La Mã suy tàn", đó là lời hoàng đế Pháp nói về Sa hoàng. Vì vậy mà ngày 27 tháng 9 năm 1808, vừa gặp nhau ở éc-phua, cả hai thân thiết ôm chầm lấy nhau, hôn nhau giữa công chúng và cư xử với nhau như vậy ròng rã liền hai tuần lễ không rời nhau, ngày ngày sóng đôi đi duyệt đội ngũ, đi diễu, nhảy múa, tiệc tùng, xem hát, đi săn và cưỡ i ngựa dạo mát. Mục đích chính của những cái hôn và ôm vai bá cổ ấy là bàn dân thiên hạ phải biết đến chúng, chứ nếu như người áo mà không biết đến thì dưới con mắt Na-pô-lê-ông, những trò ấy ắt sẽ chẳng còn thú vị gì nữa, và đối với A-lếch-xan, nếu nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ mà không được tin về những trò ấy thì ắt là chúng sẽ trở thành trơ trẽn khó coi. Suốt trong một năm trời, kể từ Tin-dít đến éc-phua, A-lếch-xan chắc mẩm là Na-pô-lê-ông đã chỉ nghĩ đến việc mê hoặc A-lếch-xan bằng cách hứa cho A-lếch-xan "phương Đông", còn Na-pô-lê-ông sẽ chiếm "phương Tây"; rõ ràng là Na-pô-lê-ông không cho Nga hoàng chinh phục Công-xtan-ti-nốp. Na-pô-lê-ông cũng sẽ chẳng chịu nhả cho Nga hoàng xứ Mon-đa-vi và xứ Va-l ông ta dự định để cho quân Thổ. Mặt khác, Nga hoàng còn thấy là sau 12 tháng tròn, kể từ sau trận Tin-dít, Na-pô-lê-ông còn vẫn chưa cho rút quân ra khỏi phần đất đai của nước Phổ mà Na-pô-lê-ông đã trả lại cho Phri-đrích Vin-hem. Còn về phần Na-pô-lê-ông, chừng nào mà ông ta chưa thanh toán được cuộc chiến tranh du kích đang cháy bùng bùng ở Tây Ban Nha, thì điều cốt tử chỉ là ngăn chặn không cho áo chiến tranh chống lại Pháp. Và để giúp sức cho Na-pô-lê-ông trong việc đó, A-lếch-xan phải cam kết hành động tích cực chống lại áo, nếu như áo quyết định khai chiến. Nhưng đúng lúc này thì A-lếch-xan lại không muốn cam kết quá dứt khoát như vậy và cũng không muốn thực hiện lời cam kết đó. Na-pô-lê-ông đã sẵn sàng công nhận trước sự giúp đỡ quân sự của nước Nga bằng cách cho A-lếch-xan miền đất đai từ Ga-li-xi đến dãy núi Các-pát. Về sau này, các vị đại biểu xuất sắc của phong trào dân tộc Xla-vơ và của trường Nghiên cứu lịch sử phong trào yêu nước và dân tộc Nga có chê trách thậm tệ A-lếch-xan là đã không chấp nhận những đề nghị của Na-pô-lê-ông và đã bỏ lỡ một cơ hội không bao giờ có lại được nữa. Nhưng A-lếch-xan, sau những sự cố gắng chống lại một cách yếu ớt, đã phải nhượng bộ trước trào lưu mạnh mẽ đang chiếm ưu thế trong giai cấp quý tộc Nga. Và quý tộc Nga thấy rằng việc liên minh với Na-pô-lê-ông, kẻ đã hai lần chiến thắng quân đội Nga (1805 và 1807), không những là sự nhục nhã (điều này có thể bỏ qua được) mà còn là một sự suy vong. Nhiều bức thư nặc danh gửi đến nhắc lại cho A-lếch-xan cái chết của hoàng đế Pôn - bố A-lếch-xan, người cũng đã kết giao với Na-pô-lê-ông - đã như một bằng cớ hiển nhiên tác động đến A-lếch-xan. Tuy vậy, A-lếch-xan sợ Na-pô-lê-ông và không đời nào muốn cắt đứt quan hệ với Na-pô-lê-ông. Muốn trừng phạt Thụy Điển về việc đã liên minh với Anh, Na-pô-lê-ông xúi giục A-lếch-xan và A-lếch-xan đã khai chiến với Thụy Điển từ tháng 2 năm 1808 và cướp của Thụy Điển toàn bộ nước Phần Lan cho đến sông Toóc-nê-ô để sáp nhập vào nước Nga. A-lếch-xan biết rằng dù làm như vậy cũng vẫn chưa tước bỏ được sự bực tức và nỗi lo lắng của bọn đại địa chủ vì bọn này đặt túi bạc của chúng cao hơn nhiều so với việc bành trướng đất đai của quốc gia trên những miền tuyết phủ hoàng vu ở phía Bắc. Dẫu sao việc thu phục được Phần Lan cũng giúp cho A-lếch-xan có bằng chứng mới để bênh vực lập luận: cắt đứt ngay tức khắc quan hệ với Na-pô-lê-ông là nguy hiểm và bất lợi.Lần đầu tiên Tan-lây-răng phản bội Na-pô-lê-ông ở éc-phua bằng cách bí mật hội kiến khuyên A-lếch-xan chống lại bá quyền Na-pô-lê-ông. Sau này, để biện bạch cho hành động của mình. Tan-lây-răng rói rằng vì lo nghĩ đến vận mệnh của nước Pháp sau này sẽ ra sao mà phải làm như vậy, nước Pháp sẽ diệt vong vì lòng tham lam vô độ của Na-pô-lê-ông. "Nhân dân Pháp văn minh nhưng ông vua của nhân dân Pháp lại không văn minh. Ông vua của nước Nga là đồng minh của nhân dân Pháp" đó là câu nói xu nịnh mà tay bợm già Tan-lây-răng mở đầu cho cuộc mật đàm với Sa hoàng. Người ta nói về Tan-lây-răng rằng, suốt đời hắn, "ai mua hắn, hắn cũng bán". Trong đời hắn, hắn đã bán chính phủ Đốc chính cho Na-pô-lê-ông, và ở éc-phua hắn bán Na-pô-lê-ông cho A-lếch-xan. Sau này, hắn lại bán A-lếch-xan cho người Anh. Nếu Tan-lây-răng đã không bán người Anh cho ai cả thì đó là vì người Anh là những người duy nhất không mua Tan-lây-răng, mặc dù Tan-lây-răng tự bán mình bằng giá rất phải chăng. ở đây, không có điều kiện đi sâu vào những động cơ của Tan-lây-răng (sau này đã nhận tiền của A-lếch-xan, tuy rằng ít hơn số tiền hắn ta mong muốn) nhưng cần phải nhấn mạnh hai điểm sau đây: trước hết là từ năm 1808, Tan-lây-răng đã nhìn thấy rõ hơn ai hết cái gì đã làm cho nhiều thống chế và nhiều triều thần cao cấp ít nhiều hoang mang, sợ hãi; hai là A-lếch-xan đã nhận thấy đế quốc của Na-pô-lê-ông không thể vĩnh viễn và vững vàng như cái bề ngoài hiện nay của nó. A-lếch-xan đã phản đối những điều kiện của Na-pô-lê-ông về việc nước Nga hành động quân sự chống lại nước áo trong trường hợp một cuộc chiến tranh mới xảy ra giữa áo và Pháp. Trong một cuộc bàn luận về vấn đề ấy, khi Na-pô-lê-ông vứt mũ xuống đất rồi lấy chân giày lên một cách điên khùng, A-lếch-xan đã trả lời sự cáu kỉnh ấy của Na-pô-lê-ông: "Ngài là người cường bạo, tôi là người cứng đầu... chúng ta thảo luận, phân tích với nhau, nếu không tôi đi đây". Về hình thức thì cuộc liên minh vẫn tồn tại, nhưng từ nay trở đi Na-pô-lê-ông không thể trông cậy vào nó được nữa. ở Nga, người ta chờ đợi với tâm trạng lo âu ghê gớm xem cuộc hội đàm ở éc-phua có kết thúc thắng lợi không: liệu Na-pô-lê-ông có bắt giữ A-lếch-xan như trước đây bốn tháng đã bắt bọn Buốc-bông Tây Ban Nha ở Bay-on không. Khi Nga hoàng từ éc-phua quay trở về với nỗi buồn bực thì vị lão tướng người Phổ đã thành thật nói rằng: "Tâu bệ hạ, không ai còn hy vọng rằng hắn lại để bệ hạ trở về". Bề ngoài mà nói, mọi việc xem ra tốt đẹp hơn: suốt trong quá trình hội đàm ở éc-phua, vua chúa các nước chư hầu và các vương quốc khác, họp thành đoàn tuỳ tùng của Na-pô-lê-ông, đều say sưa mê mẩn vì cái tình hữu nghị chân thành đã liên kết hoàng đế với Sa hoàng. Nhưng sau khi cáo biệt A-lếch-xan, Na-pô-lê-ông buồn rầu ủ rũ. Ông ta biết rằng vua chúa các nước chư hầu không tin là cuộc liên minh đó vững bền và cả nước áo cũng chẳng tin tưởng gì. Do đó, cần phải kết thúc vấn đề Tây Ban Nha càng sớm càng hay.