(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Tro tàn thảm bại

    
ại Đông Kinh quả bom rơi xuống Nagasaki đã biến tâm trạng bối rối của các nhà lãnh đạo Nhật thành ra tình trạng hỗn loạn hoàn toàn. Các nhân viên chính phủ họp thường trực tại phủ Thủ tướng đã cho phổ biến các thông cáo đưa ra những lời kêu gọi thường mâu thuẫn nhau. Các nhật báo đầu tiên trong ngày 10 tháng 8 chạy những hàng tít lớn về bố cáo của Tổng trưởng Nội vụ: “Dân tộc Nhật Bản đã chuẩn bị cho tình trạng tệ hại nhất. Chúng ta phải thừa nhận rằng sự tệ hại đã đến. Chính phủ sẽ làm những gì có thể làm để cứu vãn Vương quốc và danh dự của dân tộc. Chính phủ chờ đợi nơi nhân dân vượt qua mọi khó khăn để giúp chính phủ tiếp tục nhiệm vụ”. Nhưng trong ấn bản tiếp theo của các nhật báo thì chính một lời kêu gọi của tướng Anami, Tổng trưởng Chiến tranh, thế chỗ bố cáo trên: “Sự chọn lựa duy nhất của chúng ta là lãnh đạo cuộc chiến tranh thần thánh để bảo vệ tổ quốc, ngay cả khi chúng ta phải ăn cả rễ cây và cả khi chúng ta chỉ còn đồng ruộng để nằm. Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu với sự can đảm, chúng ta sẽ tìm thấy lại cái Sống trong cái Chết”.
Đến tối, Suzuki họp các nhân viên chính phủ và các Tham mưu trưởng Lục quân và Hải quân để thông báo cho họ kết quả thất bại của các cuộc thương thuyết. Ông loan báo với họ rằng, Thiên hoàng có ý định chuyển đến các Quốc trưởng đồng minh sự chấp thuận trên nguyên tắc các điều kiện của họ ngay khi nào Ngài nhận được sự xác nhận chính thức là họ từ chối những đề nghị sau chót của Nhật. Phiên họp hết sức sóng gió. Tướng Anami phẫn nộ quyết liệt chống đối. “Lục quân, ông nói, sẽ không bao giờ chấp nhận một sự nhục nhã như vậy!”. Bộ trưởng Hải quân thì ít cuồng nhiệt hơn, nhưng ông cũng phát biểu ý kiến tương tự. Các cấp chỉ huy quân sự thì giữ im lặng. Điểm duy nhất mà tất cả mọi người đều đồng ý là sẽ không đưa ra một sáng kiến hành động nào trước khi nhận được sự xác định từ chối chính thức của Đồng minh.
Tình trạng hỗn tạp ngự trị tại Potsdam và tình trạng tắc nghẽn của các đường liên lạc vô tuyến đã làm cho tài liệu này đến trễ mất ba ngày tang tóc. Dân chúng Nhật Bản vốn đã bị yếu kém vì thiếu thực phẩm và bị mất tinh thần vì các cuộc oanh tạc, nên chỉ theo dõi biến cố với sự nhận nhục thụ động. Tổ chức cực đoan Kempi Tai, mà Tojo vẫn còn điều khiển hoạt động, tuyên cáo tử chiến, nhưng quần chúng còn có những lo âu khác hơn là nghe các nhà hùng biện. Những thanh niên được đưa vào các đơn vị Kamikaze bắt đầu đào ngũ. Nhiều người trong số đó đã bị bắt buộc gia nhập và sự tình nguyện của họ chỉ là thuần túy hình thức. Nhiều cuộc ẩu đả đã xảy ra giữa những tay tổ cứng đầu và những kẻ mềm yếu. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, những quân nhân công khai thúc nhận sự mệt mỏi của họ. Sự nhất trí quốc gia đang tan rã dần.
Sáng ngày 13 tháng 8, sự từ chối tàn bạo các đề nghị của Nhật được đưa đến Đông Kinh. Thủ tướng Suzuki và Ngoại trưởng Togo hấp tấp đến Hoàng cung, Thiên hoàng tiếp họ ngay và với vẻ lạnh lùng bề ngoài, lắng nghe lời loan báo tin tức tai biến ấy. Ông tin cho Suzuki rõ ý định triệu tập một hội đồng đặc biệt vào ngày mai.
Ngày 14 tháng 8 lúc 8 giờ, những binh sĩ phòng vệ Hoàng cung dùng xe gắn máy chạy ồ ạt qua các đường phố để mang đến các nhân viên chính phủ, và các tướng lĩnh thuộc Tổng hành dinh Thiên hoàng thư mời họp long trọng. Vì lý do giờ họp - 10 giờ - quá gấp nên họ được miễn mặc trào phục. Đấy là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản đã xảy ra những sự xáo trộn như thế đối với hiến pháp cũng như đối với nghi thức.
Khi đến Hoàng cung, các nhân vật cao cấp được đưa vào một phòng khách dưới hầm sâu qua một hàng rào quân danh dự và binh sĩ vũ trang. Thiên hoàng tiến vào phòng hội và phác một cử chỉ nghi lễ ngắn gọn thường lệ. Thủ tướng Suzuki đọc ngay một phúc trình trong đó ông trình bày các biến cố của những ngày vừa qua và các lý do đã khiến ông đề nghị chấp nhận đơn thuần tối hậu thư của Đồng minh. Đến lượt Tham mưu trưởng Lục quân và Hải quân tiếp lời, cả hai đều ước tính rằng lực lượng mà họ đang nắm trong tay còn có thể chiến đấu và còn có thể chống trả cả một cuộc đổ bộ xâm chiếm lãnh thổ. Tổng trưởng Bộ Chiến tranh Anami, mà sự xúc động đã bộc lộ cực điểm, đã bác bỏ một cách cuồng nhiệt sự chấp nhận những điều kiện nhục nhã “sẽ làm cho cả bản thân Thiên hoàng lâm nguy”.
Nét mặt tái ngắt biểu lộ tình trạng thần kinh căng thẳng tột độ, Hiro Hito đưa mắt nhìn khắp lượt những người dự hội và đến lượt ông lên tiếng trong một không khí lạnh lẽ đầy tử khí: “Nếu không còn ai có ý kiến gì để phát biểu, trẫm sẽ diễn tả ý kiến của trẫm. Trẫm yêu cầu các khanh chấp nhận nó. Trẫm thấy chỉ có một lối thoát cho Nhật Bản. Chính vì lý do đó mà Trẫm chấp thuận đề nghị của Đồng minh!”.
Một sự dao động khó tả lan khắp hội trường. Nước mắt rào rụa trên các nét mặt. Những lời than vãn dâng cao âm thầm. Đột ngột phá vỡ nghi thức, tướng Anami khóc nức nở quì mọp xuống chân Thiên hoàng.
“Anami, đừng khóc”, Hiro Hito nói với ông ta. “Nếu Trẫm đi đến quyết định này, chính là do sau khi suy nghĩ lâu dài”.
Khi sự xúc động lắng dịu đôi chút, nhà vua loan báo với hội đồng rằng ông sẽ đích thân nói với dân chúng qua một bài diễn văn sẽ được truyền thanh vào ngày mai. Còn hơn cả sự chấp nhận bại trận nữa, lời tuyên bố này đã làm cho các nhân vật cao cấp ngẩn ngơ thật sự. Nếu Đấng Chí Tôn vốn tượng trưng cho sự vĩ đại của Đế quốc và nhân cách hóa linh tiền nhân vẫn phò trợ cho sự vĩnh phúc của Người lại chấp nhận bước xuống ngai vàng để cho những thần dân hèn mọn nhất được nghe giọng nói uy nghiêm, thì chính bức màn của hai ngàn năm lịch sử đã rơi xuống.
Vào cuối ngày định mệnh đó, một số sĩ quan cao cấp Bộ Tổng tham mưu Lục quân nhóm họp tại trụ sở của Kempi Tai. Nhiều người trong số đó được sự hậu thuẫn của một vài Tổng trưởng để lật đổ chính phủ Suzuki.
Đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng 8, họ đến bản doanh của chỉ huy trưởng quân danh dự phòng vệ hoàng cung, tướng Takeshi Mori và yêu cầu công theo họ. Takeshi Mori từ chối bằng cách nại ra lòng tận tụy của ông đối với bản thân Thiên hoàng. Lập tức ông bị hạ bằng một lát kiếm. Tất cả các sĩ quan của đoàn quân danh dự đều bị nhốt trong một phòng của Hoàng cung bởi những người chủ mưu và những cán bộ cuồng tín của tổ chức Kempi Tai. Viên Đại tá thâm niên nhất chiếm lấy khuôn dấu của Tướng Mori và thảo ngay một huấn thị ra lệnh đóng cửa Hoàng cung và gia tăng gấp đôi số lính canh. Trung tướng Hasunuma, tùy viên riêng của Thiên hoàng và tất cả các giới chức cao cấp ở trong Hoàng cung đều bị quản thúc tại nhà. Chỉ có viên tổng quản lý hoàng cung và quan chưởng ấn riêng của Thiên hoàng là thoát được mẻ lưới táo bạo này.
Quả thật một tình trạng rắc rối khó giải quyết đã xảy ra từ đầu hôm giúp cho hai viên chức cao cấp thoát ra khỏi Hoàng cung sau khi cho áp dụng các biện pháp cần thiết để có thể tiếp tục thi hành mệnh lệnh của Thiên hoàng. Thật vậy, từ lúc 4 giờ chiều, họ vẫn còn ở kín dưới hầm của Hoàng cung với viên giám đốc Thông tin và ba viên chức thuộc đài phát thanh để hoàn tất việc ghi âm vào một đĩa hát lời tuyên bố của Thiên hoàng. Đĩa hát này sẽ được phát thanh vào 8 giờ sáng mai, những viên chức ấy phải mang nó đi ngay từ đầu hôm. Nhưng những tin đồn đáng lo ngại bắt đầu lan tràn ngoài phố và viêm giám đốc Thông tin liền điện thoại báo tin, cho nên viên Tổng quản lý quyết định cất đĩa hát vào tủ sắt riêng mà một mình ông biết chỗ giấu và ngày mai, đến phút chót mới cho gửi đến phòng vi âm. Các viên chức đài phát thanh rời Hoàng cung sau 11 giờ đêm một chút và khi họ bị bắt ở cổng ra vào thì những chiếc xách tay nhỏ của họ hoàn toàn toàn trống rỗng. Bị đặt dưới một cuộc thẩm vấn tàn bạo, họ không thể nào cho các người dự mưu biết được tin tức gì, khiến họ bị đưa trở lại xuống căn hầm để giúp tìm lại chiếc đĩa ghi âm mà họ muốn chiếm đoạt bằng mọi giá.
Đến 3 giờ 30 sáng, công cuộc tìm kiếm vẫn vô hiệu, và Thiếu tá Hatanakato, một trong những lãnh tụ hiếu động nhất của lực lượng nổi loạn, quyết định đích thân đến đài phát thanh để đưa ra một lời kêu gọi. Đài phát thanh liền bị chừng 30 binh sĩ chiếm đóng và các chuyên viên, dưới sự đe dọa của mũi súng lục, bị bắt buộc phải truyền thanh trực tiếp lời của Hatanakato. Lúc đường dây đã sẵn sàng, thì còi báo nguy của hệ thống phòng thủ thụ động bắt đầu hú vang: các oanh tạc cơ Mỹ bay ngang qua thành phố thật thấp. Nhân viên đài phát thanh đã cắt ngang buổi phát thanh, Hatanakato nhảy đến chụp điện thoại để yêu cầu Tổng hành dinh ra lệnh tái lập các buổi phát thanh.
Trong khi xảy ra vụ xúc động “đứng tim” này, thì những biến cố quyết định đã xảy ra tại Hoàng cung. Tướng Suzuichi Tanaka, Tư lệnh Quân đoàn miền đông và là cánh tay mặt cũ của Tojo, dùng xe chính thức của ông tiến đến trước cổng và lính gác đã để cho ông tiến vào vườn. Với một tùy viên độc nhất đi theo, ông đột nhập vào phòng những người dự mưu. Uy tín của ông lớn lao đến nỗi, ngay từ những lời kêu gọi đầu tiên yêu cầu phải tuân phục mệnh lệnh chính thức của Thiên hoàng, bốn trong số các Đại tá đã tự bắn một viên đạn vào đầu. Những người khác liệng vũ khí và im lặng rút lui. Riêng phần Hatanakato, được thông báo chuyện gì xảy ra, hấp tấp trở về Hoàng cung và tự sát ngoài vườn ngay khi biết sự thất bại của bạn hữu. Cuộc nổi loạn bị đập tan.
Kể từ 6 giờ 30 sáng, cứ cách nửa giờ đài phát thanh lại loan đi bản tuyên cáo của Thiên hoàng. Công chúng vốn không biết gì về các biến cố bắt đầu tập họp chung quanh các loa phóng thanh được mắc tại khắp các ngã tư đường phố. Trong các vùng ngoại ô, đám đông công nhân tập trung đông đảo trước cửa nhà máy. Còn hơn cả sự chờ đợi những hun tin, sự tò mò được nghe giọng nói của Thiên hoàng đã làm cho không khí im lặng lạ lùng. Khi giọng nói ấy cất lên để loan báo rằng Nhật Bản đã bại trận, nước mắt ràn rụa trên khắp nét mặt mọi người: “Số phận đang chờ đợi dân tộc ta chắc chắn sẽ rất khổ nhọc. Trẫm biết rõ những cảm nghĩ sâu xa của tất cả mọi người, thần dân của Trẫm. Tuy nhiên, trước sự cần thiết ghê gớm của giờ phút lịch sử và của định mệnh, Trẫm đã quyết định chuẩn bị một con đường hòa bình thênh thang cho tất cả các thế hệ tương lai, bằng cách chấp nhận điều không thể chấp nhận được và bằng cách cam chịu điều không thể chịu đựng được. Vì có thể cứu vãn cơ cấu kiến trúc của Đế quốc, cho nên Trẫm ở lại với mọi người, với những thần dân thiện lương và trung kiên của Trẫm, tin tưởng vào sự chân thành và sự liêm khiết của tất cả mọi người. Hãy giữ ký lại mọi sự biểu hiện xúc động có thể tạo ra những rắc rối vô ích, mọi cảnh cốt nhục tương tàn có thể gây ra hỗn loạn, làm mọi người bơ vơ lạc lối và mất niềm tin nơi thế giới!”.
Khi giọng nói uy nghiêm của nhà vua chấm dứt, những đám dông dân chúng tan dần và các thị dân từng nhóm hoặc đi về nhà hoặc về các trung tâm tiếp đón người lâm nạn. Suốt ngày và suốt đêm những kẻ cô đơn không nơi ẩn trú tiếp tục đi lang thang vô định trong trạng thái ngơ ngẩn vì những nỗi đau đớn sâu thẳm vô bờ.
Trong ngày hôm đó có rất nhiều người không nghe theo mệnh lệnh của Thiên hoàng “chấp nhận điều không thể chấp nhận được”. Tướng Tanaka, sau khi khuất phục cuộc nổi loạn của các Đại tá, đã tự sát trong văn phòng tại bản doanh của ông. Thống chế lão thành Sugiyama, người tiền nhiệm của Tojo tại Bộ Tổng tham mưu, tự bắn một phát súng lục vào đầu trong khi vợ ông, trong bộ lễ phục, tự mổ bụng giữa một đám hoa theo nghi thức. Cùng lúc đó Tướng Anami tự sát tại nhà, để lại một câu cảm động: “Tôi hy vọng rằng cái chết của tôi sẽ là sự tha thứ cho những lầm lẫn của tôi”. Tại Yokosuka, các nhóm phi công tự sát của hải quân tự nhốt mình trong doanh trại và toan tính tung một khối chất nổ sống Banzai vào số quân cảnh đến giải giới họ. Trong số những nhóm cuồng tín của không lực thuộc hải quân, có những cảnh say sưa và những trận ẩu đả chết người. Đô đốc Ugaki, người chỉ huy các thành phần cuối cùng của đơn vị phi công tự sát, đã tự bước lên một oanh tạc cơ để thực hiện một cuộc tấn công tự sát cuối cùng; tin tức ấy đã được đưa đến làm cho sự khích động của họ lên đến tột độ.
Tối ngày 15 tháng 8, Đô đốc Onishi mời vài sĩ quan về nhà riêng của ông và giữ họ lại cho đến nửa đêm. Đấy là tất cả những người kỳ cựu thuộc Đệ Nhất không lực còn sống sót sau cuộc tàn sát ghê gớm do mệnh lệnh của ông để lại các tài liệu về thiên anh hùng ca Kamikzae và làm chứng cho các nguyên động lực của hành động đó với các thế hệ tương lai.
Vài giờ sau khi họ ra đi, ông tự mổ bụng. Một trong những người thân chạy đến ngay. Đô đốc mổ bụng mình bằng một cây dao găm nhỏ, nhưng chắc vì nó quá ngắn cho nen vết thương không làm ông chết ngay.
Để trả lời cho những người muốn chăm sóc cho ông, ông thầm thì:
- Hãy để tôi yên.
Ông chết sau 12 giờ hấp hối tàn khốc, từ chối mọi sự cấp cứu, làm như ông muốn lấy cái đau đớn của mình để trả món nợ mà ông còn thiếu đối với những phi công trẻ tuổi của Đệ I không lực, nhưng người mà ông từng áp đặt một cơn hấp hối tinh thần còn lâu hơn và có lẽ còn kinh khủng hơn trong những doanh trại thối mục tại Mabalacat.
Người ta tìm thấy được chúc thư của ông. Đấy chính là một chúc thư của một Samourai, một người mà tự tôn sùng tổ quốc được nhân cách hóa nơi cá nhân Thiên hoàng, cấu thành nền tảng căn bản của cuộc sống.
Nhưng, thật kỳ lạ, nơi con người đã từng hy sinh bất kể hàng ngàn thanh niên ấy, người ta cũng tìm thấy được những giọng điệu dịu hiền đầy cảm động với thế hệ trẻ tuổi.
“Tôi nói với đơn vị Kamikaze, đơn vị đã gục ngã một cách anh hùng và là đơn vị gồm những con dân ưu tú của xứ sở.
Để chuộc lỗi lầm vì đã đưa họ đến cái chết vô ích, tôi xin dâng hiến cái chết của tôi cho linh hồn các thuộc viên của tôi và cho gia đình họ.
Tôi cũng gửi lời đến thế hệ trẻ tuổi. Hãy rút ra một bài học từ nơi cái chết của tôi. Hãy vâng lệnh Thiên hoàng! Tôi khuyên họ hãy tự trọng và chuyên nhất. Ngay cả trong sự thất bại, cũng phải hãnh diện được là dân Nhật.
Trẻ con là kho tàng của xứ sở”.
Trong cuộc đối thoại này ở bên kia thế giới, những người chết và những người sống hòa lẫn thân ái với nhau và lời kêu gọi của bậc Samourai lão thành ấy với thế hệ trẻ tuổi cũng là lời nói đồng thời với những anh hùng đã khuất bóng cũng như với những người sống sót hiếm hoi của đơn vị Kamikaze làm như những người này cũng như những người kia đều đã an vị giữa những Kamikaze, những linh hồn phò trợ nước Nhật vĩnh viễn.