1927 - 1930 - Thế hệ Nguyễn-Thái-Học. - Sách báo cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. - 9-2-1929, chiều 30 Tết, tiếng súng lục nổ ở đường Chợ-Hôm, giết chết Tây René Bazin - Léon-Sanh ở toà báo L' Ami du Peuple Indochinois. - V.N.Q.D.Ð. khởi-nghĩa. Thế hệ sinh viên và học sinh Việt-Nam từ ngày cụ Phan Bội Châu về nước, năm 1925, đến ngày khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, năm 1930, có thể gọi là thế hệ Nguyễn Thái Học. Mặc dù Tuấn hãy còn là một cậu học sinh quê mùa ngây ngô, nhưng chàng đã bắt đầu lớn lên trong thế hệ đó nên đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của các trào lưu ái quốc đang ngấm ngầm xáo trộn các từng lớp tuổi trẻ, hoặc đã vùng dậy, đã bùng lên, trong các lớp đàn anh. Tuy đa số học sinh, sinh viên chăm lo học hành, chỉ cốt thi đậu ra “làm việc Nhà Nước “, lánh xa các phong trào cách mạng, hầu hết là bí mật, nhưng những phần tử thanh niên được tiêm nhiễm tư tưởng ái quốc đã biết kết hợp lại với nhau mặc dù không tổ chức và thiếu người dẫn dắt. Mạnh nhất và sâu đậm nhất là ảnh hưởng của văn hóa và lịch sử. Hầu hết lớp thanh niên Trung Học ấy đều nghiền ngẫm say sưa các triết học Pháp của thế kỷ XVIII, J.J Rousseau, Montesquieu, Voltaire mà các nhà cách mạng lão thành Việt Nam thường nhắc đi nhắc lại hằng trăm nghìn lần bằng những danh từ phiên âm theo Hán Tự: Lư Thoa, Mạnh Ðức Tư Cưu. Thanh niên học sinh cũng ưa học lịch sử cách mạng Pháp từ 1789 đến triều đại Napoléon, mà họ say mê những giai thoại hấp dẫn nhất: cuộc đánh ngục Bastille, các cuộc biểu tình của dân chúng Paris, xử tử vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette, các trận chiến thắng vẻ vang của Bonaparte, v.v… Thanh niên học sinh của thế hệ Nguyễn Thái Học còn ham đọc lịch sử cuộc chiến đấu dành độc lập của nhân dân Hoa Kỳ. cũng như tiểu sử của George Washington, lịch sử cuộc cách mạng Trung Hoa 1911 do Tôn Dật Tiên cầm đầu, các tác phẩm của nhà học giả cách mạng Lương Khải Siêu, nhất là quyển: “Ẩm băng “lịch sử nước Nhật từ đời vua Minh Trị đến chiến tranh Nhật –Nga 1904-1905, và cuộc chiến thắng vẻ vang của Nhật tại eo biển Tsushima. Ngoài ra, các loại sách mỏng, bán với giá bình dân, bằng quốc ngữ, của Nam Ðồng Thư Xã, Hà Nội, của Nữ Lưu thư quán, Gò Công, của Quan Hải Tùng Thư, Huế, các báo cách mạng tích cực bằng Pháp văn ở Saigon, do những thanh niên trí thức cách mạng chủ trương, lừng lẫy tiếng tăm, như La Jeune Indochine, của Vũ Đình Duy, La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh, L’ Echo Annamite của Nguyễn Phan Long, La Lutte của Tạ Thu Thâu, cả tờ La Tribune Indochinoise của Bùi Quang Chiêu, chủ tịch “đảng Lập Hiến Ðông Dương “., và sau nữa là tờ L’ Argus Indochinois của Amédée Clémenti, ở Hà Nội, đã tạo ra một không khí sôi nổi trong các giới trí thức thượng lưu và trung lưu, nhất là giới thanh niên trí thức cách mạng ở hai đô thị lớn ở Hà Nội và Saigon, hai thủ đô hành chánh và chánh trị của Ðông Dương. Bỗng nhiên, giữa không khí náo nhiệt ấy, nổ lên một tiếng súng lục càng làm cho tình hình xao động thêm lẹn. Tiếng súng nổ chiều ngày 30 Tết, tức là ngày 9-2-1929, tại Route de Huế, ( phố chợ Hôm ) ở ngoại ô Hà Nội, cùng một lúc với vài tràng pháo tất niên lẻ tẻ trong thành phố. Ngay tối hôm đó, trong đêm Giao thừa Xuân Kỷ Tị, Tuấn nghe vài bạn thầm thì cho biết dư luận đồn rằng hình như kẻ bắn mấy phát súng lục hồi 5 giờ 30 chiều ở phố chợ Hôm là một chàng thanh niên độ 18, 19 tuổi, khá đẹp trai, và nạn nhân đã chết tại chỗ là một người Pháp tên là René Bazin, có người vợ An nam đẹp lắm. Dư luận cho rằng đây chỉ là “cuộc án mạng vì tình “và có lẽ vì dành nhau cô “me tây “kia mà chàng thanh niên An nam bắn chết ông Tây Bazin. Chàng thanh niên có lẽ con nhà giàu và “vào dân Tây “cho nên mới có súng lục. Nhưng Tết xong, một tháng sau, lại có dư luận trong giới sinh viên, học sinh đồn rằng, thủ phạm đã bị Mật thám bắt, là một học sinh An nam của trường Trung Học Pháp ( Lycée Albert Sarraut ) đã đỗ tú tài 1, tên là Léon Sanh. Nạn nhân, René Bazin, là chủ sở mộ phu đồn điền, nhà ở phố chợ Hôm, ngay nơi xảy ra án mạng bằng súng lục. Hắn là một tên thực dân Pháp bị nhiều người An nam thù ghét vì hắn chuyên môn bốc lột những dân nghèo ở thôn quê Bắc kỳ, lừa gạt bắt họ ký giao kèo đi làm các đồn điền tư-bản ở “Tân thế giới “bằng một gía tiền rẻ mạt. Sự thực, không phải đi Tân Thế Giới, mà là Tân Ðảo, Nouvelle Calédonie một đảo lớn của Úc châu, và thuộc địa Pháp. Sau đó vài tháng, Tuấn được biết rõ hơn một tin rất quan trọng: Léon Sanh là con trai cụ Cả Mộc, một bậc nữ lưu trí thức có danh tiếng ở Hà thành, hội trưởng một hội Dưỡng nhi ở phố Sinh Từ, và vụ ám sát René Bazin có dính líu với Việt Nam Quốc Dân Ðảng, của anh Nguyễn Thái Học. Lúc bấy giờ giới học sinh Hà Nội “có đầu óc cách mạng “ thường gọi Nguyễn Thái Học bằng anh, vì anh là sinh viên Cao đẳng Thương Mại. Anh đã 27 tuổi, Việt Nam Quốc Dân Ðảng hãy còn là một đảng bí mật. Léon Sanh bị giam mấy tháng rồi được trả tự do vì không có một bằng chứng cụ thể nào tỏ rằng anh là thủ phạm. Sau đó anh ta vào làm ký giả ở một nhật báo Pháp, L’Ami du Peuple Indochinois của ông Tây Michel. Mặc dầu Léon Sanh được sở Mật thám trả tự do, vụ Léon Sanh vẫn tiếp tục gây xúc động mãnh liệt trong giời sinh viên học sinh. Tuấn có đến tòa báo L’ Ami du Peuple Indochinois để hỏi thăm Léon Sanh. Tuấn muốn biết mặt người bạn thanh niên ấy và hỏi về các chi tiết tong vụ anh ta bị bắt, bị giam như thế nào. Nhưng Tuấn không gặp anh ta. Không khí Hà Nội sau vụ ám sát Bazin, rất là nghẹt thở. Bộ mặt của thành phố ban ngày vẫn hoạt động như thường lệ, nhưng ban đêm có vẻ lặng lẽ bí mật. Suốt cả năm 1929, dân Hà Nội đã có cảm giác rằng có một biến cố gì trầm trọng sắp sửa xảy ra. Ðồng thời, Chánh phủ thuộc địa Ðông Dương ( gồm 5 xứ: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai lao, Cao miên ), bị các báo Pháp ngữ của các thanh niên cách mạng Saigon tấn công và đả kích hăng hơn lúc nào hết. Hà Nội thì lặng lẽ. Báo chí An nam ở Hà Nội không sôi động như Saigon, nhưng có những hăm dọa ngấm ngầm và trầm trọng, nguy hiểm hơn đối với chính quyền thuộc địa. Cái Tết năm Canh Ngọ ( 1930 ) vẫn tưng bừng vui vẻ trên khắp lãnh thổ Việt Nam như mọi năm. Phong trào cách mạng sôi nổi do vụ án cụ Phan Bội Châu, tại Hà Nội, các cuộc diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh ở Saigon, và sau đó, cái chết và đám tang của cụ, chỉ còn lại một dư luận yếu ớt trong lòng người dân nước Việt. Tuy vài ba tờ báo cách mạng ở Saigon vẫn tiếp tục tung ra những luận điệu hăng say, gây hấn đối với chánh quyền Pháp ở Ðông Dương, nhưng thật ra chỉ có ảnh hưởng phần nào trong một vài giới trí thức trung lưu và vài giới học sinh Trung học mà thôi. Còn đại đa số đồng bào từ Bắc chí Nam, đều thờ ơ, hưởng thụ cảnh thanh bình mà bề ngoài vẫn có vẻ “quốc thái dân an “. Không khí chánh trị đã trở lại hầu như êm dịu. Ngay ở Hà Nội, dân chúng “ăn Tết “năm Canh Ngọ với đủ những nghi lễ và tập tục cổ truyền hân hoan, ấm cúng, hỷ lạc trong những tràng pháo rộn rã khắp mấy ngày xuân. Phần đông, có thể nói là gần hết, học sinh ở các tỉnh Bắc kỳ, cũng như ở Trung kỳ và Nam kỳ ra trọ học ở Hà Nội, đều theo thường lệ trở về ăn Tết ở quê nhà. Ðáng lẽ Tuấn cũng đã về miền Trung, nhưng đặc biệt năm nay Tuấn và một ít bạn sinh viên đồng chí ở lại ăn Tết ở Hà-thành. Nhóm học sinh này không phải cố tình ở lại để hưởng cái hương vị mấy ngày xuân của đất Bắc, nhưng vì họ đã biết tin bí mật sắp có “đại sự “ở toàn lãnh thổ Bắc kỳ trong dịp Tết Canh Ngọ. Cho nên lòng Tuấn nôn nao, cùng với các bạn chờ đón những tin ghê gớm trong mấy ngày tân niên ở Hà Nội. Ðã có liên lạc với anh Hồ Văn Mịch, sinh viên Cao đẳng Thương Mại, bạn thân của anh Nguyễn Thái Học, và cũng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng, phụ trách về tuyên truyền và thanh niên học sinh, nhóm “Học sinh cách mạng “của Tuấn thưởng Xuân trong một không khí hồi hợp chờ đợi. Tuấn năm ấy mới 18 tuổi và các đứa bạn “bí mật “của Tuấn cũng chưa ai quá 20. Lần đầu tiên tham gia vào vài ba việc mạo hiểm ghê sợ, tuy không quan trọng, nhóm học sinh này, nói đúng ra, chỉ có hăng say với lý tưởng cách mạng mà thôi, chứ chưa có một chút kinh nghiệm nào cả, và cũng chưa được huấn luyện đầy đủ trong vai trò đảng viên “hội kín “. Phần nhiều những gì Tuấn biết với nhóm bạn ấy đều là những tin không chắc chắn, và sự kiện xẩy ra sau đó thường không đúng với sự chờ mong trong hồi hộp lo âu. Chiều 30 tháng Chạp, có tin đúng ngày Mồng Một Tết sẽ có cuộc khởi nghĩa ngay ở thành phố Hà Nội, nhưng rốt cuộc không có gì cả. Có điều Tuấn và mấy người bạn ở trên căn gác nhà trọ đường Général Bichot, để ý thấy lần đầu tiên vài tốp lính Tây cưỡi ngựa đi tuần phòng các phố Cửa Ðông, Bichot Henri d’Orléans, hàng Da, hàng Cót, v.v…Nhưng đêm Giao Thừa chỉ có tiếng pháo nổ khắp nơi …Tuấn lạnh người, tưởng như tiếng súng. Sáng Mồng Một thành phố vắng cho đến 9 giờ mới thấy lác đác những nhóm người y phục ngày Tết, nét mặt tười cười, hoặc trịnh trọng đi “chúc mừng năm mới “các nhà thân thuộc Tuấn không thấy lính Tây cưỡi ngựa đi tuần phòng các phố nữa. Thế rôì 3 ngày Tết trôi qua …chỉ còn lại những xác pháo ngập vỉa hè. Bỗng đùng một cái, như tiếng sét đánh, sáng ngày 11 tháng Giêng, tin truyền khắp Hà Nội rằng lúc khuya (đêm 9-2-1930) quân của Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã đánh Yên Bái, Phú Thọ, Lâm Thao, cũng khời nghĩa đêm ấy. Người chỉ huy là anh Nguyễn Khắc Nhu. Lại có tin là anh Phó Đức Chính. Tuấn chạy đến người bạn học Cao đẳng Y Khoa, ở căn lầu 77C đường Maréchal Pétain, gần bờ sông. Anh này mĩm cười kéo Tuấn nằm xuống chiếc chiếu trên sàn gác. Ðôi bạn trẻ đồng chí nói thì thầm cả buổi sáng. Thành phố Hà Nội hình như vẫn rộn rịp theo nhịp sống hàng ngày, tổng quát không có gì thay đổi, nhưng lính Tây và lính tập đi tuần phòng đông hơn mọi khi. Từ ngày ấy, bộ mặt Hànội đã khác thường, đâu đâu dân chúng cũng xầm xì bàn tán về vụ khởỉ nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Quân của VNQDÐ tiếp tục đánh nhiều nơi, cuộc Tổng Khởi Nghĩa đã nổ bùng ở từng khu. Nguyễn khắc Nhu đánh Yên Báy, Lâm Thao, Nguyễn Thái Học đánh Bắc Ninh, Ðập Cầu, Hải Dương. Vũ Văn Giản ( tức Vũ Hồng Khanh ) đánh Kiến An. Nhiều nơi khác như Hưng Hóa, Sơn Tây, cũng đã nổ súng. Dân chúng lúc bấy giờ không dám gọi công khai là “khởi nghĩa “mà gọi là “nổi loạn “. Tuy cuộc dấy binh của Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã nổ bùng ra khắp Bắc Kỳ, các báo Hà Nôị vẫn đăng tin sơ sài của Phủ Toàn Quyền Pháp gọi là “đảng kín nổi loạn một vài nơi “. Dân chúng đọc báo bàn tán thì thầm, không dám có một phản ứng công khai nào cả. Trong các gia đình, câu chuyện “Việt Nam Quốc Dân Ðảng “nổi loạn, và các tin đồn phần nhiều là bất lợi cho cách mạng, đều được “bảo khẽ” lẩn nhau, và chỉ trong vòng thân mật mà thôi. Những biện pháp đề phòng của quân Pháp bắt đầu thật là ráo riết. Dân chúng bàng hoàng kinh hãi. Sau đó, có nhiều tin truyền khẩu rằng cuộc khỏi nghĩa thất bại vì một đảng viên, là đội Dương, Phạm Thành Dương phản bội, đã tố cáo cho sở Mật thám Pháp biết trước tất cả chương trình khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Dân chúng lại nghe đồn rằng sở dĩ có cuộc thất bại là vì lệnh ở trung ương đảng bộ truyền ra không được tuân theo nhất trí về ngày giờ. Chỗ thì muốn đánh trước, chỗ thì đánh sau. Quyết định lần đầu tiên là khởi binh ngày Mồng Một Tết An nam (30.2.1930) và do Vũ Văn Giản gọi là giáo Giản tức Vũ Hồng Khanh, phát động ở Kiến An nhưng bị Mật thám biết, nên đảng dời ngày 12 tháng Giêng ( 10-2-1930). Nhưng Nguyễn Khắc Nhu không chịu ngày ấy và đã tự động khởi nghĩa trước một ngày, tức là ngày 9.2.1930. Anh hạ lệnh giết hết các sĩ quan Pháp hồi 1 giờ đêm hôm ấy. Nhưng rồi anh bị đạn và chết vài giờ sau. Hà Nội khởi cuộc tấn công sau Yên Bái và Lâm Thao, nhưng đã làm cho nhiều đảng viên thất vọng. Vì thực ra, cuộc khởỉ nghĩa ở Hà Nội không được chuẩn bị sẳn sàng. Thành phố vẫn hoạt động yên tỉnh như không có gì. Có thễ nói là cuộc cách mạng đã bị chết ngay trong trứng, tại thủ đô Bắc Kỳ. Trái lại, ở huyện Vĩnh Bảo nghĩa quân của VNQDÐ đã dánh lớn và gây được tiếng rộng cũng như ở Yên Bái, tuy rằng cuộc khởi nghĩa trễ hơn 5 hôm sau Yên Bái (14.2.1930). Bấy giờ dân Hà Nội mới thật là xôn xao. Cái tên của Nguyễn Thái Học mới bắt đầu được nói đến ở khắp nơi, khắp các từng lớp đồng bào, với một lòng chiêm ngưỡng sâu xa, như một vị anh hùng của lịch sử. Nhưng 8 giờ sáng ngày 20.2.1930 có tin đồn Nguyễn Thái Học và ông Sư Trạch, một đồng chí, vừa bị bắt ở trên đường Cổ Vịt, gần đồn Chi Ngãi, tỉnh Hải dương. Nghe tin ấy, Tuấn và nhóm sinh viên học sinh”Hội Kín “nhao nhao lo sợ, và đau khổ vô cùng. Gỉả vờ nóng lạnh, Tuấn nằm trên lầu đường Général Bichot, trùm chăn kín mít, âm thầm khóc một mình. Tuấn thấy cả một sự đỗ vỡ kinh hoàng, với cảm giác gần như Lịch sử Việt Nam bị đứt đoạn nơi đây, không còn kế tiếp nữa. Trưa, một đứa bạn đồng chí của Tuấn hớt hơ hớt hãi đến đến hỏi thầm Tuấn: - Anh ốm hả? - Ừ. - Tụi mình nên đi ẩn núp một dạo ở nhà chị Hồng trên Bưởi. - Anh đi trước đi. Chiều tôi mới đi được. Trưa, Tuấn chỉ giả vờ nóng lạnh, không ngờ đến chiều sau khi người bạn đi rồi, Tuấn bị nóng lạnh thiệt. Cơn sốt rét hành hạ cậu học sinh 18 tuổi lên gần 40 độ, Tuấn nằm run cầm cập, mê man bất tỉnh. Một người bạn cùng ở gác trọ nghe Tuấn trong cơn mê hoảng nói lảm nhảm những câu “dể sợ “: ”Anh Học bị bắt rồi…ai cũng bị bắt hết …Hết rồi …chắc Tây nó giết …” 8 giờ tối, có người bạn đến lôi cổ Tuấn ra ngồi xe cyclo đạp, lên đường Quan Thánh để đón tàu điện đi Bưởi. Nhưng Tuấn muốn đi một vòng trong thành phố để xem tình hình, mặc dầu còn nóng liên miên và chỉ xức dầu khuynh diệp. Ðường phố vắng teo, tuy không có giới nghiêm, không có lính canh gác. Hình như thiên hạ bảo thầm nhau ở nhà, ít ai dám ra đường. Duy có các phố Hàng Ðào, Hàng Gai, Hàng Bông và quanh bờ hồ phía cầu Gỗ và đền Ngọc Sơn là có người, qua lại, dạo mát hoặc mua bán, nhưng khộng rộn rịp như thường lệ, trái lại có vẻ trầm lặng, bí mật, nặng nề, như có một hiểm họa gì bay lượn trong không khí. Ðồng bào trong thành phố đều có bộ mặt sợ sệt. Nhưng có điều thật lạ, là chỉ có “lính mã tà“, “lính kín“ của sở mật thám là đi rảo khắp nơi đông đảo, và lẩn lộn tong đám quần chúng, chứ tuyệt nhiên không thấy có biện pháp quân sự nào cả. Nghe nói tòan thể binh sĩ bị cấm trại, thế thôi! Khuya và khoảng 1 giờ, có một chiếc xe tank cũ kỹ, kiểu 1918, đi rầm rầm chầm chậm qua các đường phố Cửa Ðông, Bichot, hàng Cót, nhà Hỏa, Boulevard Carnot, rồi trở về thành Cửa Bắc. Ngoài ra, khắp nơi đều yên tỉnh. Ở phố Huế, chợ Hôm cũng vắng người. Tuấn đi thui thủi một mình khắp các phố phường Hà Nội, tuy trong người chàng hãy còn sốt. Chàng dòm ngó chung quanh, dưới ánh các trụ đèn điện chỉ có bóng cây, bóng lá rung rinh trong gió buốt. Trời đầu xuân, nhưng còn bao phủ mây đen, sương mù buông rủ trên thành phố một màn tang tẽ lạnh. Rét thấu xương, nhưng may lạ, Tuấn không bị thương hàn. Chàng chỉ nghe mạch máu chảy phừng phừng hai bên màng tang, tai kêu ù ù, môi khô, tay chân bủn rủn. Chàng vừa bước thong thả trở về gác trọ, vừa khóc âm thầm. Nước mắt chảt ròng ròng trên đôi má lạnh… Chàng nhớ lại hình dáng gầy còm của anh Hồ Văn Mịch bị bắt trong lúc mang bịnh ho lao, nằm nhà thương Phủ Doãn, đã chết trong một đêm rét mướt. Chàng nhớ đến cái tin sét đánh về anh Nguyễn Thái Học đã bị bắt ở Hải Dương và anh Viên bị bắt trên gác trọ Gia Lâm … Tuấn gần như tuyệt vọng. Tuấn nghe được nhiều chuyện đồn đãi về đời sống của cặp tình nhân Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang. Có một câu chuyện mà Tuấn nghe vài đồng chí trong “Hội Kín “kể lại, muốn biết chắc là đúng với sự thật hay không, thì chỉ có hỏi anh Nguyễn Thái Học, hoặc chị Giang, nhưng không làm sao gặp được hai người ấy. Dù sao, giai đoạn sau đây, cũng là truyền khẩu rất rộng rãi trong đám thanh niên sinh viên Hànội, vào khoảng 1930-32. Cô Nguyễn thị Giang - nữ sinh - mới 18 tuổi lúc bắt đầu quen biết Nguyễn Thái Học, sinh viên trường Cao Ðẳng Thương Mại, và đã là Ðảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Ðảng còn ở tong thời kỳ bí mật tổ chức và tuyên truyền. Giang yêu Học, mặc dầu chàng đã có vợ để ở quê nhà. Giang yêu Học, chính vì lý tưởng cách mạng, cho nên sau khi được chàng chấp thuận vào đảng. Giang quyết chí hy sinh đởi nàng cho hai mối tình thiêng liêng: Tổ Quốc và Người Yêu. Một hôm, hai người họp kín, chàng bảo nàng:”Ðảng chúng ta cần có sự tham gia của binh lính để sau này tính việc khởi nghĩa mới thành công. Nếu anh truyền lệnh cho em phải làm thế nào để quyến rũ được một viên Quản, hoặc một viên Ðội Nhất, Ðội Nhì, có nhiều uy tín nhất trong đám Lính Khố Xanh Yên Bái, để họ gia nhập vào đảng ta, và họ sẽ lôi kép toàn thể hoặc đại đội số binh sĩ gia nhập vào Ðảng, thì em sẽ thi hành được nhiệm vụ ấy không? “ Nguyễn thị Giang không do dự, trả lời:”Anh là Ðảng trưởng. Anh ra lệnh là em xin tuân theo ngay. Nguyễn Thái Học nghiêm nghị nét mặt bảo:”Thế thì anh lấy tư cách đảng trưởng, giao phó cho em công tác sau đây, bất cứ bằng cách nào, dù phải hy sinh cả tính mệnh, cả thể xác, để quyến rũ được đồn lính Khố Xanh Yên Bái, gia nhập vào đảng ta. Anh kỳ hẹn cho em là một thời gian 3 tháng để thành công nhiệm vụ quan trọng ấy. Suốt thời gian công tác, em không được liên lạc với anh, bất cứ ở nơi nào “. Cô nữ sinh Nguyễn thị Giang mỉm cười, nhưng cương quyết:”Em xin tuân lịnh “. Bấy giờ là mùa đông. Ở Yên Bái cũng như ở Hà Nội và các tỉnh ở miền Bắc, mùa Ðông trời rét lắm và ban đêm thường có các chị hàng rong bán mía lùi, một loại mía được chặt ra từng khúc dài độ hai gang tay, và lùi trong than lửa. Hoặc cũng có kẻ bán mía luộc. Hai món quà mía ấy ăn vừa ngọt vừa ấm miệng, cho nên người lớn trẻ con, đều thích. Mỗi khúc mía luộc hay mía lùi chỉ bán 1 xu. Cô nữ sinh Nguyễn thị Giang bắt đầu bỏ học để làm nghề bán rong ban đêm với một gánh hàng đặc biệt. Một bên là một thùng thiết đựng đầy mía luộc đặt trên một chiếc lò thay cháy ầm ĩ vừa đủ giữ nhiệt độ cho nước nấu mía đừng sôi quá. Một bên là một nồi than đỏ hực để cô hàng lùi những khúc mía tươi. Mỗi khi có người mua, cô lùi khúc mía vào than hồng, trở qua trở lại khúc mía độ năm lần là “mía chín “. Cô trao mía cho khách hàng, và lấy 1 xu bỏ vào môt hộp “bích quy “cũ, két tiền của cô. Cô Giang chuyên môn ngồi bán hàng, nơi một gốc cây cao, cách cổng đồn lính Khố Xanh vài ba chục thước. Cứ 7 giờ tối là đã có cô ngồi đấy, với “gánh mía “đặc biệt của cô. Hình như cô có bỏ một nắm hoa bưởi trong thùng nước mía, cho nên mía luộc của cô vừa ngọt vừa nóng, lại vừa thơm. Toàn thể sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ đồn lính Khố Xanh Yên Bái đều ăn mía và mía luộc của cô Giang. Nhiều người đã nghiện, trong số đó có một thầy Ðội Nhất đã hoàn toàn say mê hương vị của cô Giang và chắc chắn đã say mê cả cô Giang, vì nhan sắc của cô hàng mía, hơn cả các thiếu nữ ở tỉnh này không ai so sánh kịp. Dần dà những lóng mía thơm, những lóng mía ngọt, cho đến hết thảy mọi người với một nụ cười duyên dáng, với một ánh mắt ấm áp vương vấn sầu mơ. Cô bắt đầu tuyên truyền khéo léo, kín đáo những tư tưởng cách mạng cho mọi người. Ðặc biệt là thầy Ðội Nhất được cô huấn luyện ráo riết hơn cả, và không quá một tháng, thầy Ðội đã trở thành một đồng chí hăng say nhất của cô, trong số các binh sĩ Khố Xanh. Dần dần cô hàng mía đã lôi kéo được toàn thể đồn lính vào Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Ba tháng sau, đúng kỳ hạn đã chỉ định của Ðảng trưởng Nguyễn Thái Học, và là người yêu của cô, nữ sinh Nguyển thị Giang giới thiệu với thành viên Ðội Nhất: “Thưa Anh, đây là một đồng chí mới của chúng ta đại diện một số lớn đồng chí gồm 350 người của đồn lính Khố Xanh Yên Bái “.