Biên soạn: Nguyễn Đỗ Mục
Hồi thứ mười sáu (c)

Khi Phương Anh tiểu thư đi khỏi rồi, Phi Loan quận chúa mới nói với Gia Tường công chúa rằng:
- Thế mới biết thiên hạ cũng có nhiều người tuyệt sắc!
Gia Tường công chúa cười mà bảo rằng:
- Trong tập tranh “Bách mỹ” kia cô nương lại cần phải vẽ thêm một người ấy nữa!
Phi Loan quận chúa lại ân cần mà hỏi han các công việc trong nhà. Quận chúa nói:
- Thân mẫu tôi tất sang năm tiến kinh, có lẽ ngoại tổ phụ và ngoại tổ mẫu tôi cũng cùng đi, vì gặp tiết “Thiên thu đại thọ” của bà thái hậu.
Phi Loan quận chúa thuật đến việc nàng Văn Cơ đi ở chùa cho Gia Tường công chúa nghe. Công chúa thở dài mà than rằng:
- Chẳng qua là nàng lại tự làm hại nàng đó. Đàn bà con gái lấy “Tứ đức” làm đầu, cớ sao nàng không biết giữ gìn tính hạnh. Nhưng dẫu sao cũng là con một vị hầu tước mà để lưu lạc ở chùa, tất bị người ta dị nghị vậy.
Phi Loan quận chúa nói:
- Chính vì điều ấy mà tôi muốn tâu xin thái hậu rộng lượng mà đặc ân cho!
Gia Tường công chúa hỏi rằng:
- Cô nương muốn tâu xin thế nào?
Phi Loan quận chúa nói:
- Tôi muốn tâu xin thái hậu giáng chỉ cho nàng Văn Cơ được vào tu ở Tiểu Hoa Sơn.
Bấy giờ Lưu Yến Ngọc phu nhân đang rối rít lo nghĩ về việc hôn sự cho Phương Anh tiểu thư. Phi Loan quận chúa hỏi:
- Thưa thân mẫu! Chẳng hay cớ chi mà thân mẫu phải lấy việc ấy làm lo nghĩ?
Lưu Yến Ngọc phu nhân nói:
- Con không hiểu! Số là việc này cữu phụ con ( Trần Khanh) chẳng quản cố chi đến. bây giờ thành ra Tô phu nhân tức là nhà trai, mà ta đây tức là nhà gái thì thật rất phiền. Khi trước cưới con, còn có Tô phu nhân trông nom giúp ta được!
Phi Loan quận chúa cười mà thưa rằng:
- Thân mẫu chớ lo phiền! Ngày nay đã có con và em dâu con (Phật Châu tiểu thư) giúp thân mẫu chớ chi.
Phật Châu tiểu thư nói:
- Có đồ trang sức, nếu ngày nay không sắp kịp thì hãy đem của con mà đưa cho nhị tẩu dùng!
Phi Loan quận chúa nói:
- Cho sang bên nhà con lấy cũng được.
Tô Ánh Tuyết phu nhân cười mà bảo rằng:
- Thế ra còn ta thì chẳng ai giúp, lại chẳng biết đi giặt mượn vào đâu. Nhưng ta không ngại, hễ Lưu vương có phàn nàn oán trách câu gì thì ta nói là một mình ta, chỉ lo được như thế mà thôi.
Lưu Yến Ngọc phu nhân nói đùa rằng:
- các con nghe lời Tô mẫu nói, thật đã trây lười. au này Mạnh vương phi về, sắp lại khai một món tiền to vậy.
Lưu Yến Ngọc phu nhân nói xong, mọi người lại nhìn nhau cả cười. Nhà ngoài Lưu vương cùng mấy anh em phò mã Triệu Câu đã về. Doãn tướng công, Nguyễn tướng công, Tần thượng thư và Hùng vương cũng đều kéo đến cả. Người nhà bày tiệc, mọi người cùng ngồi vào ăn. Trong khi ăn tiệc lại có đem phường hát ở Lê Viên vào để diễn kịch. Lưu vương cả cười mà bảo rằng:
- Tôi đây vốn là vũ nhân thô lỗ, hay nói chân thật, không biết những giọng văn hoa. Lâu ngày cách xa, ngày nay gặp nhau, nên để nói chuyện vui, hà tất lại bày những trò múa hát.
Mọi người đều nói:
- Đã đành như vậy, nhưng một vị thân ông mới thì lễ nghênh tiếp cũng nên phải trọng thể chứ sao!
Lưu vương cười mà đáp rằng:
- Tôi là người nào mà dám đương lễ trọng thể ấy! Nay tôi được cùng các bậc quốc thích hoàng thân sum họp một nhà, thật là vinh hạnh cho tôi, không biết thế nào mà kể cho xiết! Sáng mai tôi xin vào Tiểu Hoa Sơn bái yết Hoàng Phủ vương gia rồi lại trở về quê nhà vậy.
Doãn Thượng Khanh tướng công liền nghoảnh lại bảo phò mã Triệu Câu rằng:
- Cung kính không bằng theo mệnh. Lưu thân ông đã bảo như thế thì phò mã nên truyền bãi phường hát đi.
Phò mã Triệu Câu tức khắc truyền cho phường hát lui ra. Bấy giờ tiệc tan, mọi người trở vào thư phòng uống trà, lại cùng nhau kể lể những chuyện sau khi tương biệt.
Lại nói chuyện Phi Loan quận chúa ở nhà trong bảo Gia Tường công chúa rằng:
- Nàng Văn Cơ ngày nay đã biết sửa mình đổi lỗi, hủy bỏ dung nhan đi, để quyết chí tu hành, thế thì công chúa nên thừa cơ tâu xin với thái hậu, xin cho nàng được theo vào tu ở Tiểu Hoa Sơn. Nàng Diễm Tuyết và nàng Hạng Ngọc Thanh tất cũng chẳng hẹp chi mà không cho nàng được nương thân ở đấy. Việc này chẳng những khiến nàng khỏi trầm luân tại nơi bể khổ, mà lại có thể che được những sự sỉ nhục cho nhà họ Hùng vậy.
Gia Tường công chúa đáp lại rằng:
- Đã đành như thế, nhưng thái hậu xưa nay vốn lấy chữ “trinh tiết” làm trọng. Nếu nghe biết những sự việc xấu xa của nàng Văn Cơ thì tất cũng hầm hầm nổi giận, chẳng khác chi Vệ vương phi vậy. Âu là đợi khi tôi lâm sản đã mãn nguyệt rồi, bấy giờ sẽ thừa cơ tâu xin thái hậu.
Gia Tường công chúa nói chưa dứt lời thì bỗng có người bộc phụ khúc khích cười chạy vào mà bảo rằng:
- Dám bẩm công chúa! Phương Anh tiểu thư bây đã thành ra người nhà ta rồi!
Phi Loan quận chúa cười mà bảo rằng:
- Đầu đuôi thế nào, mau mau nói lại chúng ta nghe.
Người bộc phụ nói:
- Vừa rồi Lưu phu nhân mời Lưu vương nói việc hôn sự Phương Anh tiểu thư với đệ nhị quận chúa. Lưu vương bằng lòng ngay. Lưu phu nhân lại xin chọn ngày làm lễ cưới. Lưu vương nói: “Gia quyến không có đây thì biết cưới ở đâu. Bây giờ phu nhân đã là cô mẫu nó thì phải nhận làm nhà gái mà Lương phu nhân tức nhà trai, vậy cứ chọn ngày rồi cưới từ đông phòng sang tây phòng cũng được". Lưu phu nhân mừng rỡ, đã nói chuyện với Lương phu nhân để sửa soạn làm lễ cưới đó.
Người bộc phụ nói xong, nét mặt tươi cười hớn hở, Gia Tường công chúa cùng Phi Loan quận chúa đều lấy làm mừng rỡ. Cách mấy hôm sau, nhà Hoàng Phủ sửa soạn làm lễ thành hôn cho Phương Anh tiểu thư kết duyên với nhị lang Triệu Phượng. Câu chuyện trong khi tiệc mừng, toàn thị nói những lời trung hiếu. Lưu vương hỏi những công việc ở bên nước Cao Ly, Doãn Thượng Khanh tướng công đều thuật hết đầu đuôi cho biết. Lưu vương nghe xong liền nói:
- Nếu vậy thì Hùng Khởi Phượng thật là một bậc kỳ nam tử, chẳng kém chi các công tử con nhà Hoàng Phủ chút nào, không biết Hùng vương khéo tu thế nào mà đẻ được người con như thế. Doãn tướng công ơi! Phò mã Triệu Câu đang kể là bậc xã tắc thần. Nhị lang Triệu Phượng cũng là một tay trung dũng. Lại được tam lang Triệu Lân kia có nhiều mưu sâu kế lạ, mới biết dùng cái giỏ đựng thuốc mà đem được hoàng tử ở trong cung ra. Tứ lang và ngũ lang thì hiếu thuận lạ thường. Thế thì một nhà Hoàng Phủ đã chung đúc biết bao nhân tài vậy.
Hùng vương cũng tấm tắc khen ngợi mà rằng:
-Chẳng những thế thôi. Khi Mạnh vương phi bày mưu lập kế, buộc thư vào chân con chim quạ để truyền bảo cho anh em Triệu Phượng và Triệu Lân biết. Lại khi thái hậu lâm triều, các tờ chiếu thư một tay Mạnh vương phi khởi thảo cả. Đàn bà như thế, thật khiến cho bọn tu mi nam tử ta phải hổ thẹn.
Nguyễn Long Quang tướng công nói:
- Mạnh vương phi thật là một người trí rộng tài cao, chẳng kém chi Khổng Minh thuở trước. Hãy xem như cái mưu “khổ nhục kế” ở chốn pháp trường, đủ biết là tay tài giỏi vậy.
Nếu không có cái mưu lạ ấy thì làm sao mà cứu thoát được Hùng vương đây và Vệ vương phi. Sử xanh chép để nghìn thu, ai không khỏi ca tụng công nghiệp họ Hùng họ Mạnh và nhà Hoàng Phủ. Ngày nay nhị lang đã kết duyên cùng Phương Anh tiểu thư, còn tứ lang chưa thành gia thất, vậy tôi có một chút con gái cũng có ý muốn ngưỡng phan, chẳng hay phò mã Triệu Câu nghĩ thế nào?
Phò mã Triệu Câu mừng rỡ, vội vàng đứng dậy rót một chén rượu đầy mời Nguyễn Long Quang tướng công mà rằng:
- Tướng quân đã có lòng hạ cố thì anh em chúng tôi cảm tạ xiết bao. Chúng tôi xin bẩm với cao đường để chọn ngày làm lễ.
Nguyễn Long Quang tướng công cầm lấy chén rượu uống. Lưu vương cười mà bảo Hùng vương rằng:
- Chỉ sợ chúng tôi đây lại phải làm môi nhân mà thôi.
Phò mã Triệu Câu lại rót rượu mời Lưu vương và Hùng vương làm chủ hôn. Tần thượng thư cùng Hùng quốc cữu làm tá lễ. Nguyễn Long Quang tướng công cười mà bảo rằng:
- Đem chén rượu lớn lại đây, để tôi rót mời mỗi ngài một chén.
Hùng vương bảo Nguyễn Long Quang tướng công rằng:
- Cứ như ý tôi thiển nghĩ thì nên bảo phò mã Triệu Câu viết thư nói với Mạnh vương phi để thương nghị cùng Doãn thân ông mà làm lễ cưới tại Vân Nam rồi qua sang năm sẽ theo Mạnh vương phi cùng tiến kinh một thể.
Nguyễn Long Quang tướng công nghe nói vui cười mà rằng:
- Vương gia nghĩ rất phải! Như thế thì được tiện việc cả cho hai nhà!
Tần thượng thư cười mà bảo rằng:
- Đã đành rằng tiện, nhưng trong một năm trời tứ huynh ở kinh mà tân nhân ở Vân Nam thì cầu Ô Thước bắc sao cho được.
Nhị lang nói:
- Đã chọn được giai ngẫu như thế thì chậm trễ cũng càng hay, chứ có hề chi!
Hùng Khởi Phượng mỉm cười mà hỏi rằng:
- Nếu vậy thì cớ sao quốc cữu lại nóng về việc chọn ngày làm lễ cưới.
Nhị lang nói:
-Việc ấy tự ý Lưu mẫu muốn cho tôi chóng thành, chứ không phải ở tôi vậy.
Lưu vương cũng cười mà rằng:
- Việc ấy chỉ có tôi là chẳng lo nghĩ chi cả, nghiễm nhiên được một ông đông sàng giai tế vậy.
Mọi người nghe nói đều cả cười. Bấy giờ Lưu vương lại hỏi Hùng vương rằng:
- Khoản tiếp sứ thần các nước, chẳng hay triều đình xử trí ra thế nào?
Hùng Khởi Phượng nói:
- Việc ấy chúng tôi đã tâu với thánh thượng rằng: “nếu ngày nay lập riêng nhà công quán cho đủ sứ thần các nước ở thì tổn phí không biết dường nào, vậy tạm lấy mấy nơi vương phủ để khỏan tiếp sứ thần các nước, mà giáng chỉ cho sứ thần các nước biết rằng mỗi vị vào thành, chỉ được đem theo mấy chục người hầu mà thôi, còn bao nhiêu quân sĩ đều phải đóng tại ngoài quan ải cả, như thế thì chẳng những công khố bớt sự tổn phí, mà quân dân cũng khỏi phải phiền nhũng. Thánh thượng hiện đã phê chuẩn, chẳng hay các ngài nghĩ thế nào.
Hùng vương nín lặng không nói, Doãn Thượng Khanh tướng công và Nguyễn Long Quang tướng công đều mừng rỡ mà rằng:
- Nếu vậy hay! Quốc cữu thật là có tài “kinh tiên vĩ đại”, bọn lão hủ này không thể theo kịp! Việc này chẳng những bớt sự tổn phí, mà lại khiến cho sứ thần các nước biết những nơi kiến trúc tráng lệ của nước ta.
Lưu vương khen rằng:
- Hùng quốc cữu thật đáng gọi là một tay lương tá.
Tần thượng thư cũng cười mà nói rằng:
- Tôi đã được biết Hùng quốc cữu xưa nay vốn là một bậc tài cao trí rộng hơn người.
Khi tiệc tan rồi, mọi người đều cáo từ lui ra. Lưu vương giữ Hùng vương ở lại, để đêm hôm ấy hai người truyện trò cùng nhau. Mấy anh em phò mã Triệu Câu lui vào nhà trong, đem những lời Nguyễn Long Quang nói thuật lại cho Tô phu nhân và Lưu phu nhân nghe. Hai phu nhân đều mừng rỡ mà rằng:
- Thế mới biết duyên trời đem lại thì dẫu xa xôi muôn dặm cũng thành ra sum họp một nhà.
Sáng hôm sau, Triệu Lân theo Lưu vương và Hùng vương vào Tiểu Hoa Sơn để thăm Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Ba người đều ăn mặc thường phục, chỉ có mấy đứa đồng tử theo hầu. Phò mã Triệu Câu đã sai người báo trước cho địa phương quan phải ra nghênh tiếp. Đường đi cách kinh thành trong ba ngày trời. Khi gần tới nơi, Triệu Lân trỏ phía trước mặt mà bảo rằng:
- Thẳng phía trước mặt, trông có một dãy tường vàng kia, tức là chỗ thượng hoàng ở tu đó!
Triệu Lân vừa nói vừa dừng cương xuống ngựa. Bỗng thấy có một người cưỡi ngựa ra đón, vỗ tay cả cười mà rằng:
- Đêm qua tôi nhìn hoa đèn, đết ngay là hôm nay có người đến thăm tôi vậy. Tôi xin kính chào Hùng vương và Lưu vương. Triệu Lân chắp tay vái chào mà rằng:
- Con xin kính chào thân phụ!
Mấy người cùng nhau do cửa đông môn tiến vào. Nguyên chỗ ấy có ba cửa, cửa giữa chỉ khi nào thượng hoàng ngự giá ra vào thì mới được mở; cửa về phía tây thì để khi nào các quan văn võ triều thần đến thăm thượng hoàng; còn về cửa phía đông thì đi thẳng vào chỗ Hoàng Phủ Thiếu Hoa ở. Bấy giờ Hoàng Phủ Thiếu Hoa mời Hùng vương và Lưu vương vào trong trai phòng cùng ngồi. Trong trai phòng không trần thiết chi cả, chỉ có mấy cái giường tre ghế gỗ mà thôi. Lưu vương thấy vậy lẩm nhẩm gật đầu mà rằng:
- Cách tự phụng đơn sơ thế này thì thật quả nhiên là một bậc rất cao thượng!
Hùng vương cười mà bảo rằng:
- Mới cùng nhau cách biệt chưa đầy một năm, mà trông khí sắc đã quả nhiên là một người mộ đạo. Chẳng hay công tu luyện của vương gia những thế nào?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa đáp rằng:
- Tôi chẳng có công tu luyện chi cả, chỉ hàng ngày ra vườn cày cuốc trồng hoa vun trúc mà thôi. Có lúc thì cả ngày ngủ say, có lúc suốt đêm xem sách, nhơ ơn thánh thượng, di dưỡng tuổi thọ mà hưởng phúc thanh nhàn, nào dám nói chi đến sự đạo đuưc vậy.
Hùng vương cười mà bảo rằng:
Vương gia chớ nói dối tôi. Nếu không có công tu luyện sao được như thế!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Thật không dám nói dối, chẳng qua chỉ tĩnh hết trần tâm thì trong lòng tự khắc thấy được khoan khoái.
Lưu vương nói:
- Tôi cũng ưa cảnh thanh nhàn lắm. Bấy lâu nay sở dĩ chưa dám cáo lão về điền lý là vì còn muốn báo đáp ơn trời bể của triều đình, ngày nay thiên hạ thái bình, tôi muốn tâu xin thượng hoàng cho tôi được trở về quê nhà vậy.
Hùng vương nói:
- Tôi đến bái yết thượng hoàng lần này rồi cũng tâu xin trở về quê nhà.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Hùng vương thì khóc lòng xin về được. Số là hôm trước thượng hoàng có phán bảo rằng: “Hiện nay Doãn tướng công, Nguyễn tướng công và Mạnh tướng công đều xin cáo về, trong triều trừ Tề vương không kể, còn thì toàn thị là các quan trẻ tuổi cả, vậy cần phải có một vị lão thành đứng đầu mới được". Tôi tâu xin thượng hoàng giữ Hùng vương lại, thượng hoàng rất lấy làm vui lòng, định hôm nào về cung, sẽ bảo thiên tử không phê chuẩn cho Hùng vương cáo.
Hùng vương nghe nói, nét mặt buồn rầu mà đáp rằng:
- Hai vợ chồng tôi hàng ngày mong mỏi được trở về quê nhà, để cùng tiêu dao sơn thủy, nay vương gia tâu xin một câu như thế thì tôi làm sao mà xin được cáo về. Hoàng Phủ vương gia ơi! Vương gia thì biết vui thú cảnh thần tiên, mà để cho vợ chồng tôi không được thanh nhàn, lòng nào lại nỡ như thế, há chẳng bất công lắm ru!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cười mà đáp rằng:
- Vương gia chớ lấy làm lạ! Ngày nay thiên tử mới phục vị, các nước ngoài đến cống, chính là lúc quan yếu của triều đình đó. Lệnh lang dẫu tài giỏi, nhưng quốc chính chưa từng trải, tất phải trông cậy có vương gia giúp đỡ thì trong ngoài mới được trị an. Còn như vợ chồng tôi, tội ác đã nhiều, mặt nào mà đứng ở chốn triều đường, vì thế nên tránh cho xa, chứ không phải dám mơ tưởng về sự thần tiên vui thú.
Lưu vương cười mà rằng:
- Hoàng Phủ vương gia khiêm tốn quá!
Triệu Lân lại đem việc hôn nhân của Phương Anh tiểu thư cùng nhị lang Triệu Phượng thuật cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe. Triệu Lân nói:
- Dám bẩm thân phụ! Đếm hôm làm lễ cưới, xin mời thân phụ về nhà!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói có ý mừng rỡ, vội vàng đứng dậy vái chào Lưu vương mà bảo rằng:
- Thế ra quanh quẩn một nhà, tình thân ái lại càng thêm mật thiết. Bây giờ năm đứa con tôi, bốn đứa có vợ rồi, chỉ còn đứa thứ tư vẫn chưa thành hôn!
Hùng vương cười mà bảo rằng:
- Xin chớ nóng nảy! Người phúc hậu tự nhiên đã có việc đem đến.
Nói xong, liền thuật chuyện cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa biết rằng Nguyễn Long Quang tướng công đã hứa gả nữ tôn cho tứ lang. Hoàng Phủ Thiếu Hoa mừng rỡ bội phần mà rằng:
- Nếu vậy thì còn gì hay bằng! Hôm nay ta nên uống bữa rượu thật say, vừa mừng thân ông, lại vừa tạ người mai mối vậy.
Nói chưa dứt lời thì có người nhà vào bẩm rằng:
- Bẩm vương gia! Vương gia truyền bày tiệc ở Vạn Xuân đình, hiện đã sửa soạn xong cả rồi.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa đứng dậy, mời mọi người ra Vạn Xuân đình uống rượu. Tam lang là Triệu Lân rót rượu, trước mời Hùng vương và Lưu vương, sau mời Hoàng Phủ Thiếu Hoa.
Các thứ mỹ vị gia hào, bày la liệt ở trên án, chung quanh nhà thì cỏ thơm hoa lạ, nhạc múa oanh ca, cảnh sắc trông thật khác thường, phảng phất như một nơi thiên cung nguyệt điện. Hùng vương thấy vậy khen ngợi mà rằng:
- Một nơi an tĩnh thế giới như thế này, ở cũng sướng đời, không biết khéo tu từ bao giờ mà ngày nay được hưởng phúc thanh nhàn ấy.
Nói xong lại uống luôn mấy chén rượu đầy, Lưu vương cũng vui vẻ mà rót rượu uống. Tình chí thân trong mười năm trời, bây giờ mới lại gặp nhau thì mừng rỡ kể sao cho xiết! Khi uống rượu xong, Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại đưa đi xem các nơi danh sơn thắng cảnh. Cách mấy hôm sau, bỗng thấy Triệu Lân chạy vào với Hoàng Phủ Thiếu Hoa bẩm rằng:
Dám bẩm thân phụ! Tứ đệ con nay đã đến để bái yết thân phụ đó!
Nói chưa dứt lời thì bỗng thấy tứ lang là Triệu Tường bước vào, Triệu Tường sụp xuống đất lạy. Hoàng Phủ Thiếu Hoa trông thấy động lòng thương xót, đỡ dậy mà ân cần hỏi han. Tứ lang Triệu Tường lạy chào Hùng vương và Lưu vương, rồi cùng Triệu Lân làm lễ tương kiến. Bấy lâu xa cách, ngày nay gặp gỡ, kể sao xiết nỗi bi oan. Hoàng Phủ Thiếu Hoa bảo ngồi, tứ lang Triệu Tường vội vàng bẩm rằng:
- Dám bẩm thân phụ! Tô mẫu và Lưu mẫu sai con mời thân phụ về ngay!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cười mà hỏi rằng:
- Gọi ta về có việc chi?
Lưu vương vừa cười vừa nói:
- Vì việc hôn lễ của các con, nên mời về để lo tính giúp đó chăng.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Việc ấy hà tất cứ phải tôi về mới được.
Tứ lang Triệu Tường nói:
- Số là cữu tổ phụ con đã tạ thế rồi.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng Hùng vương và Lưu vương đều kinh ngạc mà hỏi rằng:
- Từ bao giờ thế!
Tứ lang Triệu Tường nói:
- Hôm qua con sang thăm cữu tổ phụ, bỗng nghe báo có biểu thúc tẩu ( con dâu Doãn Thượng Khanh ) về, ẵm tiểu công tử đến để cữu tổ phụ đặt tên. Cữu tổ phụ trông thấy, cả cười mà rằng:
- “Ai ngờ Doãn Thượng Khanh ngày nay lại còn có cháu trai, cũng là một sự lạ lùng vậy!” Cữu tổ phụ cười sằng sặc hồi lâu rồi bỗng tạ ththái hậu. Cả nhà xúm lại cứu chữa không được. Bây giờ Tô mẫu và Lưu mẫu đều sang nhà họ Doãn để lo tính tang sự, xin mời thân phụ về ngay.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa khóc mà bảo rằng:
- Năm trước cữu phụ ở Cao Ly về triều, ta mới được trong mấy ngày trò chuyện sum họp ai ngờ ngày may đã thành ra người thiên cổ rồi! Bây giờ ta tức khắc về trước, còn các con ở đây đến sáng mai sẽ theo Hùng vương và Lưu vương cùng về.
Nói xong, truyền người nhà thắng ngựa rồi tức khắc đi ngay. Buổi chiều hôm ấy, hai anh em Triệu Lân mời Hùng vương và Lưu vương ăn cơm. Hùng vương bỗng thở dài mà than rằng:
- Mới vừa vui vẻ lại bỗng xót thương! Con ta cùng Doãn tướng công đi sứ Cao Ly trong mười năm trời, nếu không nhờ có mưu sâu trí rộng của tướng công thì con ta cũng khó lòng đã được về nước.
Lưu vương cũng phàn nàn thương tiếc Doãn tướng công mà rằng:
- Đi sứ trong bấy lâu, vừa mới về nước thì đã tạ thế!
Mọi người tỏ ý buồn rầu, chỉ ăn cơm mà không uống rượu. Khi ăn cơm uống trà xong, Hùng vương và Lưu vương hỏi chuyện tam lang Triệu Lân cùng tứ lang Triệu Tường về những nỗi sau khi tương biệt.
Triệu Lân cùng Triệu Tường cũng kể hết đầu đuôi mọi việc về trước cho nghe. Tứ lang Triệu Tường khóc mà nói với tam lang Triệu Lân rằng:
- Tài trí như anh, thiết tưởng cũng ít có! Ngày nay chua bao nhiêu tuổi đầu mà hai mái tóc đã điểm hoa râm, thế mới biết cái nỗi khổ tâm cho những người tận trung báo quốc vậy. Còn như em đây, văn đã vô tài, võ lại bất lực, nhưng trông thấy huynh trưởng hàng ngày luyện tập binh mã thì cũng phải gia công cố sức, trú tính lương tiền để lo về việc chi dụng, gọi là một chút báo đền, không ngờ sau lại mông ân triều đình ban thưởng tước hàm, triệu về kinh thành, khiến cho em càng thêm hổ thẹn.
Hùng vương và Lưu vương bảo tứ lang Triệu Tường rằng:
- Tứ lang chớ khiêm tốn quá! Nếu chi dụng không đủ thìi lấy chi mà lo việc cần vương. Huống chi ngày nay tứ lang lại bỏ một món tiền to để quyên trợ cho nước, việc ấy khiến cho các nước ngoài nghe tiếng đều phải kính phục vậy.
Hùng vương và Lưu vương đi ngủ trước, hai anh em Triệu Lân cùng Triệu Tường lại còn ngồi nói chuyện với nhau cho đến suốt sáng. Sáng hôm sau, Hùng vương và Lưu vương cũng dậy sớm, rồi cùng nhau lên ngựa trở về kinh thành, đi thẳng đến Doãn tướng phủ. Khi tới nơi, trông thấy một lá cờ trắng phất phới ở trước cửa phủ, người ra vào tấp nập đông như kiến. Lại nghe nói thánh thượng ở đấy vừa về. Hùng vương và Lưu vương cùng hai quốc cữu xuống ngựa đi vào trong phủ, thay mặc đồ tang phục, rồi đến trước linh sàng để làm lễ bái yết Doãn tướng công. Hùng vương khóc lóc kể lể những công việc trong khi Doãn tướng công đi sứ ở nước Cao Ly, mọi người chung quanh ai nghe cũng phải cảm động lòng thương xót. Hiếu chủ là Doãn Thượng Chí ra lạy tạ Hùng vương và Lưu vương, vì thương xót quá độ mà đi đứng không vững, phải có người đỡ. Hoàng Phủ Thiếu Hoa mời Hùng vương và Lưu vương ngồi, tam lang Triệu Lân cùng tứ lang Triệu Tường thì đứng ở hai bên. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại thuật chuyện thượng hoàng viếng tang cho Hùng vương và Lưu vương nghe.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:
- Vừa rồi thánh thượng ra viếng tang, khóc thương thảm thiết. Lại giáng chỉ gia phong cho làm Lỗ quận thượng trụ quốc, và cho con cháu đời đời nối tập tước. Có ban cho một trăm khoảnh ruộng để làm tự điền. Lại phái lục phẩm văn võ quan hai người hàng ngày phải giúp việc tang lễ, và cho một số hai vạn lạng để là tiền tử tuất. Thượng hoàng và thái hậu muốn ra viếng khóc, thánh thượng phải can ngăn mới thôi. Sáng hôm nay thánh thượng ra đây, có cả ba vị vương tử cùng Đông cung hoàng thái tử đi theo thánh thượng lại hỏi đến tiểu công tử mới đẻ, rồi ẵm lên trên lòng, khóc mà bảo rằng: “Trẫm chúc mong nhà ngươi sau này lớn lên, lại làm trụ thạch cho nước, cũng noi theo được lòng trung thành của tổ phụ ngày nay.” Thánh thượng hỏi đã đặt tên gì chưa thì tôi phải thuật rõ để thánh thượng biết rằng Doãn tướng công chưa kịp mệnh danh cho, phút bỗng tạ thế. Thánh thượng lại phán rằng: “Doãn tướng công tài cao học rộng, lại là người tận trung báo quốc, trẫm mong ngày sau cháu lại giống như ông, vậy trẫm đặt tên cho là Doãn Thiệu Tiên.”
Hùng vương và Lưu vương đều nói:
- Chúng ta được gặp gỡ một vị thánh quân như thế, tưởng cũng may mắn lắm thay!
Mấy người trò truyện hồi lâu thì người nhà dọn cơm, Hoàng Phủ Thiếu Hoa mời Hùng vương và Lưu vương cùng ngồi vào ăn. Khi ăn cơm xong, Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại nói với Lưu vương rằng:
- Việc tiện nhi cầu hôn, hôm trước lệnh muội (Lưu Yến Ngọc) đã có ước định đến ngày mồng hai này. Ngày nay tôi bỗng có tang, không tiện dự lễ, vậy đến hôm ấy đã có lệnh muội chủ trương, cũng là chí thân trong một nhà, xin cữu huynh tha thứ cho.
Lưu vương đáp rằng:
-Tôi nguyên là kẻ vũ phu, đ lạm dụng vào hàng chí thân, thật lấy làm vẻ vang lắm. Vương gia đã là bậc tu hành đạo đức, xin chớ nói những câu khách sáo ấy.
Hùng vương cũng cười mà bảo rằng:
- Đã là chỗ chí thân, không nên dùng những câu khách sáo.
Hùng vương cáo từ về phủ, còn Lưu vương thì về lại nhà Hoàng Phủ đế nói chuyện cùng Lưu Yến Ngọc phu nhân. Lưu Yến Ngọc phu nhân nói cho Lưu vương biết rằng mọi sự đều đã hoàn hảo cả. Phò mã Triệu Câu cũng đã viết thư về Vân Nam để nói với Mạnh vương phi. Đến ngày mồng ba là ngày định làm lễ cho Phương Anh tiểu thư kết hôn cùng nhị lang Triệu Tường. Hôm ấy lại vừa gặp hôm có sứ thần các nước đến, mấy anh em phò mã Triệu Câu đang bận vê việc nghênh tiếp, thành ra hôn sửa soạn đủ rồi mà tân lang vẫn chưa thấy về. Buổi chiều hôm ấy, Hùng Khởi Thần đến mừng, thuật chuyện cho Tô Ánh Tuyết phu nhân và Lưu Yến Ngọc phu nhân biết rằng thái hậu đã giáng chỉ cho nàng Văn Cơ vào tu ở Tiểu Hoa Sơn.
Hai vị phu nhân nghe xong, đều nói:
- Nàng Văn Cơ còn mặt mũi nào. Khi vào đến Tiểu Hoa Sơn mà trông thấy nàng Diễm Tuyết và nàng Hạng Ngọc Thanh thì thiết tưởng hổ thẹn không biết thế nào mà kể cho xiết. Hùng Khởi Thần cười mà đáp rằng:
- Cứ như lời thân mẫu tôi nói chuyện thì Lưu Diễm Tuyết và Hạng Ngọc Thanh cũng rủ lòng thương xót mà đối với nàng Văn Cơ rất tử tế.
Lưu Yến Ngọc phu nhân thấy nhị lang Triệu Tường mãi không về, nóng lòng sốt ruột mà rằng:
- Bây giờ biết làm thế nào? Hôn lễ đã chọn ngày hôm nay, nếu vậy thì thật là lỡ việc! Nghe nói các nước ngoài đến cống, còn hơn một tháng nữa mới tới nơi, không biết cớ sao mà hôm nay thình lình lại đến như thế?
Hùng Khởi Thần nói:
- Đi đường bể thường thường nhờ về sức gió. Hễ gặp gió thuận, mỗi ngày đi được mấy nghìn hải lý, nếu không thì hàng năm, bảy năm chưa đi đến nơi. Bây giờ cát kỳ đã lỡ, chẳng hôm nay thì hôm khác, chứ có hề chi, phàn nàn làm chi cho thêm vô ích!
Tô Yến Tuyết phu nhân nói:
- Hôm nay lễ nghi đã sửa soạn đủ cả, đổi ngày làm sao cho tiện. Quốc cữu nên tâu với thánh thượng cho nhị lang hãy tạm về làm lễ hợp cẩn rồi sau lại đi.
Hùng Khởi Thần mỉm cười mà đáp rằng:
- Nhưng tôi muốn đổi hôm khác, khiến cho tôi cũng được uống rượu mừng.
Lưu Yến Ngọc phu nhân nói:
- Khi nào triều đình vô sự rồi, ta sẽ sửa một tiệc rượu để mời quốc cữu.
Hùng Khởi Thần nói:
- Nếu vậy để tôi xin vào triều tâu với thánh thượng.
Nói xong, vội vàng lên ngựa đi ngay. Đợi trong hồi lâu nữa cũng chưa thấy về, Tô Ánh Tuyết và Lưu Yến Ngọc phu nhân đều lấy làm bối rối. Bỗng nghe báo tân lang đã về. hai phu nhân nghoảnh ra đã trông thấy nhị lang Triệu Tường bước vào, đầu đội mũ trụ, mình mặc áo giáp, lại có đeo một thanh bảo kiếm bên mình. Triệu Phượng nói với hai phu nhân rằng:
- Hôm nay có sứ thần các nước đến, đang lúc nguy nghi, cho nên mấy anh em chúng con về không được. Sau thánh thượng nghe nói hôm nay là ngày cưới của con, bất đắc dĩ mới cho về.
Nói xong, vào làm lễ bái thiên địa, rồi lại mời các bậc tôn trưởng ngồi để bái tạ. Tô Ánh Tuyết phu nhân và Lưu Yến Ngọc phu nhân đều từ chối mà rằng:
- Ngày nay Mạnh vương phi chưa về tới đây, chúng ta không dám nhận lạy.
Bấy giờ hai vợ chồng cùng nhau giao bái, rồi vào động phòng làm lễ hợp cẩn. Khi làm lễ sắp xong thì bỗng lại có nội giám đến triệu. Triệu Phượng vội vàng lên ngựa đi ngay. Cách ba hôm sau, sứ thần các nước đều xin cáo từ về, mấy anh em phò mã Triệu Câu bấy giờ mới được trở về phủ. Gia Tường công chúa lại sinh được một cậu con trai. Hoàng Phủ Thiếu Hoa sau khi đưa ma Doãn tướng công rồi, lại theo thượng hoàng trở về chốn cũ. Lưu vương cũng từ biệt con gái rồi trở về phiên bang.
Nàng Hạng Ngọc Thanh tâu với thái hậu, xin cho nàng Lý Hoa Khôi ở Xuân Vân viện được thoát tịch, rồi gả cho Tô Thành. Lý Hoa Khôi cảm kích không biết dường nào. Thời giờ thấm thoát, Phương Anh tiểu thư và Phật Châu tiểu thư đều sinh con trai. Hưng Bình công chúa cũng sinh được một trai một gái.
Năm sau tiết “Thiên thu thánh đản” của bà thái hậu, Mạnh Lệ Quân ơ Vân Nam cùng hai vợ chồng tứ lang Triệu Tường đều tiến kinh, thật là lan huệ sum họp một nhà vậy. hôm làm lễ “Thiên thu thánh đản”, thái hậu cho tất cả gia quyến nhà họ Hùng và nhà Hoàng Phủ đều được vào dự tiệc tại trong cung. Phi Loan quận chúa dâng tập tranh “Bách mỹ” để chúc thọ. Thái hậu xem xong, rất vui vẻ.
Hết
 

Xem Tiếp: ----