au khi nuốt chửng 1.000 nạn nhân, làn sóng tự sát ấy tàn lụi trên những bờ biển của một nước Nhật nhẫn nhục. Quốc gia này đã thoát khỏi cuộc thảm sát và còn thở. Dần dần từng chút một, sự sống lại hồi sinh. Một niềm hy vọng phát hiện: hòa bình! Không còn nghe nói đến bom đạn, lẫn Hara-Kiri, lẫn Kamikaze nữa, không còn nghe trích dẫn cả Tojo lẫn Kempi Tai nữa. Xây dựng lại mái nhà nhỏ bé trong im lặng để được ở trong đó, ăn một nắm cơm rưới một chút rượu Saké, đằng sau một màn chắn gió chống lại những cơn ác mộng. Ngày 24 tháng 8 năm 1945, ngày mà các sĩ quan Hoa Kỳ đầu tiên sẽ phải đến Nhật bằng phi cơ, mộ cơn gió nóng bốc lên và mau lẹ biến thành một cơn giông tố: một cơn bão mùa hè đến muộn. Những truyền đơn cuối cùng do các phi cơ lén lút ném xuống, những lời kêu gọi nổi loạn sau cùng đều tan loãng vì ngọn thần phong, ngọn gió thần Kamikaze hòa bình đã cứu nước Nhật khỏi bị hủy diệt hoàn toàn. Ngay trước khi các cơn gió lốc dịu bớt, trật tự khắp nơi đã dược tái lập và ngày 28 tháng 8 lúc 8 giờ, khi chiếc phi cơ Mỹ đầu tiên đáp xuống phi trường Atsugi, vài chiếc xe hơi đã tiến lên đón tiếp như đây là một cuộc viếng thăm xã giao nào đó. Hai sĩ quan bước xuống phi cơ, Đại tá Tent và Thiếu tá Bowers, thông dịch viên tiếng Nhật Tent đang có tâm trạng của một Pérouse bước lên Vanikoro: ông đã viết sẵn chúc thư và chờ bị giết chết. Ông nhanh nhẹn bước lên một chiếc xe hơi mà không biết người ta sẽ đưa mình đi đâu. Cuộc hành trình không xa. Chiếc xe dừng lại trước một chiếc lều được dựng lên ở đầu phi trường. Trung tướng Arisuýe, Tư lệnh quân khu miền đông đang chờ ông tại đấy và hai sĩ quan bắt đầu thi hành nhiệm vụ giải quyết, với sự hợp tác của Thiếu tá Bowers, các vấn đề do việc đưa quân dù Mỹ đến được đặt ra. Arisuyé đã nghĩ đến tất cả và có vẻ muốn san bằng mọi khó khăn. Ngay từ hôm sau, nhiều phi cơ C-54 bay đến, chở đầy xăng và vật liệu. Ngày 30 tháng 8, các phi cơ vận tải của Sư đoàn 2 nhảy dù hạ cánh xuống phi trường với nhịp độ mỗi phút một chiếc. Đến trưa, đông đảo các sĩ quan được tập họp trên phi trường. Chiếc Bataan phi cơ riêng của Thống tướng Mac Arthur được loan báo sắp hạ cánh. Thật vậy, chính ông là người được Truman chỉ định để chỉ huy đoàn quân chiếm đóng. Vài phút sau, chiếc phi cơ to lớn lăn bánh trên phi đạo và đến dừng trước hàng sĩ quan dàn chào. Chiếc bóng cao lớn của ông tướng xuất hiện trong khung cửa mở rộng và dừng lại đó một lát. Ông mang cặp kính đen và cắn chặt răng vào đầu chiếc tẩu thuốc lá lõi ngô danh tiếng. Chiếc nón kết nặng nề viền lá sồi che bóng một khuôn mặt gầy guộc. Ông chầm chậm bước xuống thang, chào lại những người đón tiếp và nói vài lời: “Từ Melbourne tới Đông Kinh, con đường thật xa và khổ nhọc. Nhưng hình như là những mệt nhọc của chúng ta đã được trả giá. Mới cách đây có vài ngày, 300.000 binh sĩ Nhật Bản vũ trang có mặt trong khu vực mà quân ta sắp đến đóng. Tôi có thể loan báo với các ông là họ sẽ rút lui mà không xảy ra một biến cố nào”. Ngay sau bài diễn văn ngắn ấy, ánh đèn chụp hình lóe lên và các máy quay phim bắt đầu kêu rè rè. Ban nhạc của Sư đoàn II nhảy dù đánh một bản quân hành và ông tướng bước lên một chiếc xe Hoa Kỳ cũ để tiến giữa hai hàng quân cảnh Nhật Bản đến tận khách sạn Nouveau Grand Hotel tại Yokohama. Con đường bị bom tàn phá đến mức khoảng đường đi qua phải mất những hai giờ. Một không khí tưng bừng như hội chợ dính liền với sự hoan lạc của người Mỹ ngự trị trên sân trước khách sạn. Khi đến nơi, ông tướng được tiếp đón bằng những tiếng sáo miệng khích động, rồi bị tiếng chập chỏa như sấm động át đi khi ban nhạc chơi bản quốc thiếu và lá quốc kỳ Mỹ vĩ đại gắn 5 ngôi sao của vị Tổng tư lệnh đạo quân chiếm đóng được kéo lên cột cờ. Ông “Nhiếp chính” rốt cuộc đã tìm thấy được một lãnh địa đúng với tầm vóc của mình. Trong khi các nghi lễ này đang diễn ra, lực lượng đặc nhiệm 38, do Đô đốc Halsey chỉ huy được điều động dọc theo bờ biển và các phi cơ của Mitscher bay trên bầu trời Nhật Bản trong một cuộc biểu dương đầy xúc động. Căn cứ Yokosuka đã được hải quân chiếm đóng và vài chiếc L.C.P đã đến tiếp thu cảng Yokohama. Ngày 1 tháng 9, một hải lực đồng minh gồm 258 chiến hạm đủ mọi kiểu buông neo trong vịnh Đông Kinh. Mac Arthur để cho Nimitz chọn lựa địa điểm làm nơi ký kết văn kiện đầu hàng của Nhật Bản và ông này đã đề nghị bãi trống đằng sau thiết giáp hạm Missouri. Chúa nhật ngày 2 tháng 9, nhiều nhân vật được mời dự lễ đã bước lên chiến hạm từ 7 đến 8 giờ và ngồi vào sau một chiếc bàn phủ thảm xanh. Trong số đó có Đô đốc Nimitz và Halsey, Đô đốc Sir Bruce Fraser của Anh, Tướng Leclers, đại diện chính phủ Pháp, và nhiều sĩ quan cấp Tướng thuộc mọi binh chủng. Vào khoảng 8 giờ 30, phái đoàn Nhật đến. Người ta nghe tiếng còi bái hiệu “Lên tàu” và hàng trăm thủy thủ và Thủy quân lục chiến được phép dự kiến liền chen chúc nhau trên những spardeck và những sàn gỗ được dựng lên chung quanh sân thượng dành cho chuyên viên điện ảnh và báo chí. Những ánh đèn chớp lóe ngay mặt những thành viên đáng thương của phái đoàn Nhật Bản ngay khi họ đến cầu tàu. Họ nhẫn nhịn tất cả, nhưng rất ít muốn thấy cái không khí hội chợ này, đến nỗi người ta thấy mặt họ đanh lại vì nhục nhã và đau đớn. Một trong các tướng lĩnh để lộ vẻ muốn quay trở lại, nhưng Ngoại trưởng mới của Nhật, Shigemitsu, trước đây đã bị cụt chân vì bom của một đảng viên Kempi Tai cực đoan, đang khó nhọc tiến bước với chiếc chân giả, đã phát một cử chỉ ngăn chặn và các đại biểu đến đứng thẳng hàng trước chiếc bàn trải thảm xanh. Họ tạo thành một cái đinh gây ngạc nhiên trong buổi lễ “các quân nhân thì mặc những bộ quân phục cắt xấu xí, đầu đội những chiếc mũ hình nón cụt có lưỡi trai rất rộng đứng chen với các viên chức dân sự áo đuôi chồn dài, quần sọc, găng trắng và nón cao cổ”. Khi tất cả đứng dậy sắp hàng theo thứ tự ngôi thứ xong, tu sĩ tuyên úy trên chiếc Missouri đọc vào máy vi âm vô hình vài đoạn thánh kinh và im lặng được tái lập. Lúc đó, cánh cửa phòng khách danh dự được mở rộng và Tướng Douglas Mac Arthur long truợng bước vào cuộc lễ: ông mặc quân phục mùa hè, áo sơ-mi cổ hở trên đó lấp lánh năm ngôi sao. Chỉ có chiếc nón kết viền lá sồi danh tiếng của ông, mặc dầu đã bạc màu là cho thấy tầm quan trọng của cấp bậc. Ông tiến tới chiếc bàn, hai bên cạnh là Tham mưu trưởng của ông, Sutherland, và hai sĩ quan cấp Tướng vẻ mặt hốc hác tiều tụy và thân hình trơ xương lùng bùng trong những bộ quân phục cũ: đó là tướng Wainwright, người phòng thủ dũng cảm bán đảo Bataan, và tướng Sir Arthur Percival, vị anh hùng đáng thương của Tân Gia Ba vừa được phi cơ đến đón trong một trại tù binh ở Mãn Châu. Mac Arthur với vóc dáng cao lớn, ngạo nghễ nhìn các đại biểu Nhật Bản và nói vài lời trình bày bản chất của các tài liệu mà học phải ký vào. Rồi, rõ rệt là bị bối rối bởi nét mặt khổ hạnh và phong thái đầy cao thượng của những kẻ thù chiến bại, ông đọc bài diễn văn đã được soạn trước trong khi cố tìm cách biến đổi giọng nói để làm dịu bớt các từ ngữ. Khi ông nói đến phần kết luận, không khí cho đến lúc ấy thật giá lạnh, dần dần trở nên ấm áp cùng với sự cảm động bộc lộ rõ rệt của ông. Và để kết luận, ông tuyên bố: “Niềm hy vọng chân thành nhất của tôi mà cũng là niềm hy vọng của toàn thể nhân loại - là một thế giới tốt đẹp hơn sẽ hiện lên, nhân dịp long trọng này, bên trên cuộc tàn sát trong quá khứ, một thế giới đặt nền tảng trên niềm tin cậy và sự thông cảm hỗ tương, một thế giới biết tôn kính phẩm giá con người và cương quyết thỏa mãn những khát vọng thân yêu nhất: tự do, độ lượng và công lý!”. Có lẽ mặc dầu khi nói những lời này, hơn bao giờ hết, Mac Arthur có vẻ như đang quay một cuốn phim cho Hô Ly Vọng, nhưng các đại biểu Nhật Bản, vốn cho đến lúc đó đã nhìn quang cảnh buổi lễ với cặp mắt trống vắng phản ánh sự bất thông cảm tuyệt đối, đã trao đổi với nhau những cái nhìn rụt rè, rồi vẻ mặt rắn đanh của họ dịu dần một cách khó nhận thấy. Về sau, có người trong số họ đã nói rằng “trong giờ phút tuyệt vọng và khốn cùng ấy, một tia sáng chói đã phát hiện từ đích bản thân của Mac Arthur”. Khi các đại biểu toàn quyền ký tên vào dưới văn kiện, ông tướng nói thêm: “Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện để cho hòa bình được tái lập trên thế giới và để cho thiện chí của tất cả mọi người giúp cho hòa bình được trường tồn mãi mãi”. Trong khi nghi lễ trên diễn ra, nhiều Landing crafts của hải lực thủy bộ đã đưa lên bờ Sư đoàn 1 kỵ binh của Tướng Chase, người được lệnh “tiến thẳng về Đông Kinh”. Cuộc điều quân được thực hiện như một cuộc đổ bộ các lực lượng chiến đấu thật sự vì chưa có gì chắc chắn về thái độ của các đơn vị Nhật Bản đồn trú trong khu vực đó. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra không gặp khó khăn và ngày hôm sau 3 tháng 9, tất cả Sư đoàn đã đặt xong bản doanh trong các doanh trại tại Hara Machida cách Đông Kinh vài cây số. Lúc đó, trong vùng đồng bằng Kanto, còn có 14 Sư đoàn bộ binh, 1 Sư đoàn thiết giáp và 17 Lữ đoàn thuộc các binh chủng khác. Không một ai hoàn toàn yên tâm... Nhưng đã không có một phản ứng nào, các cuộc tiếp xúc được thiết lập không gặp khó khăn giữa người chiến thắng và kẻ chiến bại và trước sự ngạc nhiên của các đoàn quân Mỹ vừa chịu đựng các đợt xung phong hung tàn tại Lujon, thái độ của các quân nhân Nhật Bản không những là nghiêm chỉnh mà còn có vẻ rất hợp tác. Ngày 8 tháng 9, lúc 8 giờ sáng, tướng Chase long trọng tiến quân vào Đông Kinh, chính ông đi đầu đoàn quân chiến sĩ kỳ cựu của cuộc chiến. Vài giờ sau, đến lượt Mac Arthur đến, với một phi đoàn hộ tống. Ban quân nhạc của Sư đoàn 1 kỵ binh chờ đón ông trên tiền đình tòa Đại sứ Hoa Kỳ giữa một đoàn quân đông đảo mang quân kỳ và hiệu kỳ các đơn vị. Khi ông tướng đặt chân lên thềm, quốc kỳ được kéo lên lầu cột cờ dưới ánh mặt trời chói lọi trong khi ban quân nhạc cử bài “Star-spangled Banner”. Vị Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh quay về phía quan khách và nhìn quốc kỳ tung bay, ông nói mấy lời này: “Cầu cho quốc kỳ của xứ sở chúng ta tung bay dưới ánh mặt trời Đông Kinh trong vinh quang toàn diện như là một biểu tượng của niềm hy vọng dành cho những kẻ bị áp bức và như là một sứ giá đại biểu cho sự toàn thắng của luật pháp!” Công cuộc chiếm đóng yên ổn nhất lịch sử bắt đầu.