Chúng tôi không ai quên được sự kiện hãi hùng ngày 20 tháng 4. Khi thuật lại, tôi vẫn cảm thấy hết sức xúc động. Chuyện viết xong, tôi đọc lại rồi đọc cho Công-xây và Nét nghe. Họ thấy tôi đã thuật lại sự kiện một cách chính xác nhưng chưa sinh động lắm. Như trên đã nói, thuyền trưởng Nê-mô vừa nhìn xuống biển vừa khóc. Nỗi đau khổ của Nê-mô thật vô hạn. Kể từ khi chúng tôi có mặt trên tàu Nau-ti-lúx, đây là người đồng chí thứ hai của ông ta bị chết. Và chết một cách bi thảm! Chết mà không được an nghỉ giữa những đồng chí của mình trong nghĩa trang san hô. Về phần tôi, tôi đứt từng khúc ruột khi nghe thấy tiếng kêu tuyệt vọng thốt ra từ miệng người thủy thủ xấu số giữa trận chiến đấu quyết liệt. Người Pháp bất hạnh đó đã quên mất thổ ngữ vẫn dùng trên tàu mà trở về với tiếng mẹ đẻ, tiếng quê hương, dùng nó để kêu cứu lần cuối cùng, nhưng vô hiệu!... Thuyền trưởng Nê-mô trở về phòng riêng. Tôi không gặp ông ta suốt thời gian sau đó. Nhưng căn cứ vào cách đi đứng của con tàu mà thuyền trưởng Nê-mô là linh hồn, thì có thể đoán được rằng Nê-mô đã buồn bã, thất vọng và do dự như thế nào khi ngồi một mình trong phòng riêng. Tàu Nau-ti-lúx khi chạy tới, khi chạy lui, chẳng theo hướng nào nhất định. Nó bập bềnh theo sóng như một xác chết. Chân vịt đã được lau rửa sạch, nhưng gần như không hoạt động nữa. Thuyền trưởng Nê-mô lái tàu chẳng có chủ định gì. ông ta không đủ sức đi khỏi nơi diễn ra trận chiến đấu vừa rồi, đi khỏi vùng biển đã nuốt sống người bạn của mình! Mười ngày đã trôi qua như vậy. Cuối cùng, ngày 1 tháng 5, tàu Nau-ti-lúx hướng hẳn về phía bắc như cũ và chạy ngang qua nhóm đảo Lu-cai. Tàu xuôi theo một dòng biển lớn nhất có ranh giới riêng, có các loài cá và nhiệt độ riêng. Tôi muốn nói về dòng biển Gơn-xtơ-rim. Đó là một con sông thật sự, nhưng chảy giữa Đại Tây Dương. Nước sông cũng mặn, thậm chí mặn hơn nước biển chung quanh. Độ sâu trung bình của nó là chín trăm mét, rộng trung bình sáu mươi hải lý. ở đôi chỗ, nước chảy nhanh 4 ki-lô-mét một giờ. Lượng nước dòng biển này cố định hơn các dòng sông khác trên trái đất nhiều. Dòng biển Gơn-xtơ-rim bắt nguồn thực sự từ vịnh Gát-xcôn. ở đấy nước biển được sưởi ấm một chút rồi chảy về phía nam, dọc bờ biển châu Phi xích đạo. Sau khi được mặt trời châu Phi hun nóng, nó chảy ngang qua Đại Tây Dương, tới mũi Xanh Rốc ở bờ biển Bra-xin rồi chia thành nhánh. Một bộ phận của nó hướng về nhóm đảo Ăng-ti và lại được hun nóng. ở đây, hình như được thiên nhiên trao cho chức năng cân bằng nhiệt độ, dòng Gơn-xtơ-rim hòa nước biển nhiệt đới với nước biển miền bắc. Được mặt trời ở vịnh Mếch-xích đốt nóng, dòng Gơn-xtơ-rim ngược lên phía bắc tới bờ biển Niu Phao-len ở Bắc Mỹ. ở đây do tác động của dòng nước lạnh đại dương, đến kinh tuyến 43, dòng biển chia thành hai nhánh. Một nhánh chịu tác động của tín phong tây-bắc, trở lại vịnh Gát-xcôn và nhóm đảo A-xo. Nhánh kia sưởi ấm bờ biển Ai-len và Na-uy rồi chảy tới Spit-béc, nơi nhiệt độ hạ xuống tới 4o nhưng vẫn đủ để tạo nên một vùng biển không bị đóng băng. Tàu Nau-ti-lúx cứ theo dòng biển ấy mà đi. Ra khỏi eo Ba-ha-ma rộng mười bốn dặm và sâu ba trăm năm mươi mét, dòng Gơn-xtơ-rim chảy với tốc độ tám ki-lô-mét một giờ. Càng lên phía bắc, tốc độ nó càng giảm. Mong sao dòng biển giữ vững mãi được sự điều hòa này. Nếu lúc nào đó, Gơn-tơ-rim thay đổi tốc độ và hướng chảy, như người ta dự kiến, thì khí hậu các nước châu Âu sẽ bị lay chuyển rất mạnh, gây nên những hậu quả không thể lường trước được... Dòng biển chảy mạnh cuốn theo cả một thế giới sinh vật phong phú. Ban đêm nước ở đây lấp lánh lân tinh có thể sánh được với ánh sáng đèn pha trên tàu. Ngày 8 tháng 5, tàu chạy ngang qua mũi Gat-te-rax ở độ vĩ Bắc Ca-rô-li-na. Đến đây dòng Gơn-xtơ-rim rộng tới bảy nhăm hải lý, sâu hai trăm mười mét. Tàu Nau-ti-lúx chạy không có phương hướng rõ rệt. Trên tàu chẳng có ai canh gác. Phải thấy rằng trong điều kiện này có thể chạy trốn được. Bờ biển có người ở là nơi nương náu rất thuận lợi. Biển lúc nào cũng có tàu bè qua lại. Có thể hy vọng là sẽ được họ cứu. Tất cả những điểm đó là điều kiện tốt, mặc dù tàu Nau-ti-lúx còn cách bờ biển nước Mỹ ba mươi hải lý. Nhưng một điểm khác rất đáng buồn, đã bác bỏ hoàn toàn kế hoạch của Nét. Thời tiết rất xấu. Tàu Nau-ti-lúx đang đến gần vùng bờ biển rất hay có bão, nơi chính dòng Gơn-xtơ-rim sản sinh ra gió xoáy và vòi rồng nước. Dùng chiếc thuyền con này mà lao vào vùng biển động thì có nghĩa là cầm chắc cái chết trong tay. Nét cũng đồng ý như vậy. Ngay hôm đó, anh ta bảo tôi:-Thưa giáo sư, đã đến lúc chấm dứt tình trạng này. Tôi muốn hành động công khai. ông Nê-mô của ngài cho tàu chạy xa đất liền về hướng phía bắc. Tôi xin tuyên bố với ngài rằng tôi đã xin đủ cái đất Nam cực và sẽ không bao giờ theo ông ta đi Bắc cực cả!-Biết làm thế nào, hả ông Nét, một khi việc chạy trốn không thể thực hiện được?-Tôi vẫn giữ ý kiến của tôi. Ta phải nói chuyện với thuyền trưởng. Ngài không muốn nói chuyện với ông ta khi tàu ở vùng biển nước ngài. Nay tàu đang ở vùng biển Tổ quốc tôi. Tôi chỉ có một ý nghĩ: mấy hôm nữa tàu sẽ chạy ngang Tây Xcốt-len; gần Niu Phao-len có một vũng biển lớn, nơi con sông Xanh Lô-ranh đổ vào. Sông này là sông của tôi, sông của thành phố quê hương tôi. Chỉ cần nghĩ vậy là máu đã dồn lên mặt tôi và tôi đã thấy ngứa ngáy khó chịu. Giáo sư biết không, thà tôi đâm đầu xuống biển còn hơn là ở lại tàu này! ở đây mãi tôi sẽ chết mất! Rõ ràng Nét không thể chịu đựng được hơn nữa. Cái bản chất hảo hán của anh ta không thích nghi được với cảnh tù túng lâu như vậy. Vẻ mặt Nét ngày càng âu sầu hơn. Tôi cũng thông cảm với nỗi đau khổ của Nét vì chính tôi cũng nhớ quê hương đất nước da diết. Đã bảy tháng nay chúng tôi chẳng biết tin tức gì về mặt đất cả. Ngoài ra, sự lạnh nhạt của thuyền trưởng Nê-mô, sự thay đổi tính tình của ông ta, nhất là sau đêm chiến đấu với bạch tuộc, sự im lặng của ông ta-tất cả những cái đó khiến tôi nhìn thấy sự vật khác hẳn trước. Phải là người như Công-xây mới sống nổi trong môi trường đúng ra chỉ dành riêng cho cá voi và các động vật khác của biển sâu.-Thế nào giáo sư?-Nét Len hỏi vì không thấy tôi trả lời.-ông muốn tôi hỏi thuyền trưởng Nê-mô xem ông ta định xử sự với chúng ta thế nào, phải không?-Vâng.-Mặc dù Nê-mô đã tỏ ý rõ ràng rồi?-Vâng, tôi muốn xác định điều đó lần cuối cùng. Nếu ngài muốn, ngài có thể chỉ nói về tôi, nhân danh cá nhân tôi.-Nhưng tôi rất ít gặp Nê-mô. Thậm chí ông ta tránh mặt tôi.-Thế thì càng cần gặp.-Tôi sẽ nói chuyện với Nê-mô, ông Nét ạ.-Bao giờ nói?-Nét hỏi gặng.-Khi nào gặp sẽ nói.-Ngài A-rô-nắc, thế ngài muốn để tôi đến gặp Nê-mô à?-Không, ông cứ để tôi. Ngày mai...-Ngay hôm nay!-Được. Tôi sẽ gặp Nê-mô hôm nay, Tôi trả lời Nét vì cảm thấy nếu để anh ta trực tiếp làm việc này thì sẽ hỏng bét. Tôi ngồi lại một mình. Một khi vấn đề được đặt ra, tôi muốn giải quyết dứt khoát ngay. Tôi trở về phòng riêng và nghe thấy tiếng chân bước trong phòng thuyền trưởng. Không nên để lỡ cơ hội gặp ông ta. Tôi gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Tôi lại gõ và vặn quả đấm cửa. Cửa mở ra. Tôi vào. Trong phòng chỉ có một mình thuyền trưởng. ông ta không nghe thấy tôi vào vì mải cắm cúi trên bàn. Tôi đến gần, Nê-mô vội ngẩng đầu lên, nhíu mày và nói khá gay gắt:-Ngài đấy à? Ngài muốn gì?-Thưa thuyền trưởng. Tôi muốn nói chuyện với ngài.-Nhưng tôi đang bận việc. Tôi để ngài được tự do một mình, chẳng lẽ tôi không được hưởng cái tự do đó sao? Cuộc gặp gỡ này chẳng có gì đáng phấn khởi lắm. Nhưng tôi quyết nghe cho hết để có thể nói được hết. Tôi lạnh lùng trả lời: -Thưa thuyền trưởng, tôi muốn thưa với ngài một chuyện không thể trì hoãn được.-Chuyện gì vậy?-Nê-mô hỏi một cách châm biếm.-Ngài vừa tìm ra một điều gì mà trước đây tôi chưa biết? Hay biển cả vừa lộ ra cho ngài những bí mật mới? Chúng tôi khó nói chuyện với nhau quá! Nhưng tôi chưa kịp trả lời thì Nê-mô đã chỉ cho tôi tập bản thảo đang mở ra trước mặt rồi nói một cách trang trọng:-Ngài A-rô-nắc, đây là bản thảo đã dịch ra mấy thứ tiếng. Nó gồm có bản thông báo tóm tắt về những công trình nghiên cứu biển của tôi, may ra sẽ không mất đi theo tôi. Bản thảo này kèm theo chuyện cuộc đời tôi, sẽ được đặt trong một cái máy không chìm được. Ai là người sống sót cuối cùng trên tàu này sẽ ném máy xuống biển để nó tự do trôi theo sóng. Tên tuổi con người này ư? Tiểu sử nữa ư? Nghĩa là có lúc nào đó, bí mật của Nê-mô sẽ được sáng tỏ? Nhưng trong giờ phút này, điều đó đối với tôi chỉ là một phương tiện để tiến tới câu chuyện muốn nói. Tôi trả lời:-Thưa thuyền trưởng, tôi không thể tán thành ý định đó của ngài. Không thể để những kết quả của nghiên cứu khoa học của ngài mai một đi được. Nhưng phương tiện mà ngài lựa chọn tôi thấy quá thô sơ. Ai biết gió sẽ đẩy cái máy đó trôi đi đâu và nó sẽ rơi vào tay ai? Chẳng lẽ ngài không thể nghĩ ra cách gì chắc chắn hơn? Chẳng lẽ bản thân ngài hay ai đó trong số...-Không!-Nê-mô ngắt lời tôi.-Thế thì tôi và các bạn tôi sẵn sàng nhận bảo quản tập bản thảo của ngài, nếu ngài trả tự do cho chúng tôi...-Tự do ư? -Nê-mô đứng dậy hỏi.-Vâng, tôi muốn nói với ngài chính về vấn đề đó. Chúng tôi ở trên tàu của ngài đã được bảy tháng. Hôm nay, thay mặt bạn tôi và nhân danh cá nhân, tôi xin hỏi: ngài có định giam giữ chúng tôi vĩnh viễn không?-Ngài A-rô-nắc, hôm nay tôi sẽ trả lời ngài như đã trả lời bảy tháng trước đây:“Ai đã xuống tàu Nau-ti-lúx thì người đó không bao giờ ra khỏi tàu cả".-Nghĩa là ngài biến chúng tôi thành nô lệ?-Nếu ngài muốn gọi thế thì tùy ngài.-Nhưng ở đâu kẻ nô lệ cũng có quyền giành lại tự do cho mình! Và để đạt được mục đích đó, thì phương tiện nào cũng tốt!-Có ai phủ nhận cái quyền đó của ngài đâu? Phải chăng đã có lúc nào đó tôi bắt các ngài phải thề bồi? Nê-mô khoanh tay trước ngực, nhìn tôi. Tôi nói:-Thưa thuyền trưởng, ngài cũng như tôi đều không muốn trở lại vấn đề này. Nhưng một khi đã đề cập tới, thì chúng ta nên giải quyết đến nơi đến chốn. Xin thưa lại với ngài rằng, vấn đề này không phải chỉ liên quan đến riêng tôi. Đối với tôi, nghiên cứu khoa học là một nguồn cổ vũ, một niềm say sưa có thể khiến tôi quên hết mọi sự. Cũng như ngài, tôi có thể sống không cần ai biết đến, sống ẩn danh, với hy vọng mỏng manh là sẽ truyền lại cho đời sau những kết quả nghiên cứu của mình. Tóm lại, chỉ riêng tôi là có thể vừa thán phục ngài, vừa thích thú ngài, và đóng một vai trò mà tôi cũng hiểu được đôi phần. Nhưng trong cuộc đời ngài còn có một mặt khác rất phức tạp và bí ẩn, mà tôi và các bạn tôi không liên quan đến chút nào. Chính vì chúng tôi xa lạ với tất cả những gì riêng tư của ngài, mà chúng tôi không thể chịu đựng được hoàn cảnh hiện nay. Tôi cũng vậy, huống chi là Nét Len. Mỗi con người ở đời này đều xứng đáng được quan tâm tới. Ngài có bao giờ tự hỏi rằng lòng yêu tự do và căm ghét ách nô lệ có thể thúc đẩy những người như Nét mưu tính và hành động trả thù như thế nào không? Tôi ngừng lời, Nê-mô đứng dậy nói:-Nét Len có thể mưu tính và làm gì, tôi không cần quan tâm đến! Có phải tôi tìm ông ta đâu! Giữ ông ta trên tàu này thì tôi thích thú gì? Còn ngài thì thuộc loại người có thể hiểu được tất cả, ngay cả sự im lặng. Tôi không có gì để trả lời nữa. Lần nói chuyện của ngài hôm nay về vấn đề này sẽ là lần cuối cùng. Vì lần sau, tôi có thể sẽ không trả lời nữa. Tôi đi ra. Từ ngày đó, chúng tôi sống rất căng thẳng. Tôi thuật lại chuyện này cho Nét và Công-xây nghe. Nét nói:-Bây giờ ít nhất ta cũng biết rằng chẳng thể mong đợi gì ở Nê-mô. Tàu Nau-ti-lúx đang đến gần Long Ai-len. Dù thời tiết thế nào, ta cũng sẽ chạy trốn. Nhưng những triệu chứng của một cơn bão đã xuất hiện. Không khí chuyển sang màu trắng đục. Biển bắt đầu nổi sóng lớn. Chim chóc biến mất cả, trừ chim báo bão. áp kế hạ thấp rõ rệt, chứng tỏ không khí đã tích tụ nhiều hơi nước... Cơn bão nổ ra ngày 18 tháng 5, đúng lúc tàu Nau-ti-lúx chạy ngang qua Long Ai-len cách những lạch biển Niu I-oóc mấy hải lý. Sở dĩ tôi miêu tả được cảnh bão tố này là nhờ thuyền trưởng Nê-mô muốn cho tàu đọ sức với bão trên mặt biển. Gió tây-nam lúc đầu rất mát, thổi với tốc độ mười lăm mét một giây, đến ba giờ chiều thì đạt tới hăm nhăm mét một giây. Thuyền trưởng Nê-mô đứng trên boong đương đầu với ngọn gió điên cuồng ấy. ông ta tự buộc ngang mình vào boong tàu để khỏi bị sóng dữ cuốn đi mất. Tôi cũng trèo lên boong, tự buộc mình như vậy, rồi vừa ngắm cảnh bão tố, vừa ngắm con người không ai sánh nổi, con người đang chiến đấu với thiên nhiên hung dữ. Gần năm giờ chiều, mưa rào ập xuống, nhưng gió vẫn to, sóng vẫn lớn. Cơn bão đi với tốc độ bốn nhăm mét một giây, hay bốn mươi dặm một giờ. Với sức gió ấy, nó phá đổ nhà, cuốn theo ngói, nhổ bật cả hàng rào sắt. Tuy nhiên, ngay trong bão lớn như vậy, tàu Nau-ti-lúx vẫn chứng minh lời một kỹ sư -bác học nói là đúng: “Không một con tàu nào đóng tốt mà không đương đầu được với biển cả". Tàu Nau-ti-lúx là một con thoi bằng thép ngoan ngoãn, cơ động, không có cột buồm và các thiết bị bên ngoài, nên có thể hiên ngang chống chọi lại biển dữ. Tôi chăm chú quan sát những đợt sóng khổng lồ. Chúng cao tới mười lăm mét và dài tới một trăm năm mươi, một trăm bảy mươi mét, còn tốc độ thì bằng nửa tốc độ gió, nghĩa là mười lăm mét một giây. Biển càng sâu, sóng càng cao. Bây giờ tôi đã hiểu được vai trò đặc biệt của sóng, khi chúng cuốn theo dưỡng khí và đưa nguồn sống xuống tận lòng biển sâu. Đêm tối cơn bão càng hung dữ. Trong bóng đêm, tôi nhận ra ở chân trời một con tàu đang vật lộn vất vả với sóng gió. Một lát sau, nó bị chân trời che khuất. Gần mười giờ đêm, bầu trời rực lửa. Mọi vật xung quanh đều chìm trong ánh chớp. Tôi không chịu nổi ánh sáng chói lòa ấy, nhưng thuyền trưởng Nê-mô thì lại nhìn không chớp mắt, dường như muốn thu cái hồn của bão tố vào mình. Dòng biển Gơn-xtơ-rim quả xứng đáng với tên gọi là "Vua bão"! Do sự chênh lệch nhiệt độ giữa nó và các lớp không khí nằm trên nó mà sinh ra tất cả những cơn gió xoáy khủng khiếp này... Tôi mệt lả nên nằm xuống mở nắp tàu ra rồi xuống phòng khách. Lúc đó cơn bão lên tới đỉnh cao nhất. Trong tàu Nau-ti-lúx không ai có thể đứng vững. Gần nửa đêm, thuyền trưởng Nê-mô cũng quay xuống. Tôi nghe thấy tiếng nước từ từ chảy vào các bể chứa. Tàu Nau-ti-lúx nhẹ nhàng chìm xuống dưới mặt biển. Qua ô cửa mở, tôi thấy những con cá lớn hoảng sợ bơi như những bóng ma trong khoảng nước lấp lánh ánh chớp. Tàu vẫn lặn xuống. Tôi tưởng đến độ sâu mười lăm mét nó sẽ tìm thấy sự yên tĩnh. Nhưng không, những lớp nước trên cồn lên quá dữ dội. Muốn yên tĩnh thì phải lặn xuống sâu nữa, tới năm mươi mét. ở đây mới thực phẳng lặng, thực thanh bình! Ai có thể bảo rằng phía trên đang có một cơn bão khủng khiếp.