ua các thông cáo báo chí, khi được biết cuộc ngưng bắn và cuộc giải giới được thi hành với sự mẫn tiệp và trật tự như thế nào, công luận thế giới đã có đôi chút vội vàng kết luận rằng Nhật Bản đã bị hấp hối từ lâu và rằng cuộc thảm sát ghê gớm tại Hiroshima lẽ ra đã có thể tránh được. Như chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, sửa lưng những đòn của đối phương khi ta có cả hai lá bài trong tay bao giờ cũng là chuyện dễ dàng. Lúc ấy quyết định ném quả bom A xuống Nhật Bản, người Mỹ chỉ có những dự kiện hết sức mơ hồ để đo lường mức độ yếu kém của kẻ thù: các không ảnh những khu vực bị oanh tạc (mà họ đã từng biết là có thể có hiệu quả lừa dối đến mức nào) và các tin tức do các cơ quan tình báo cung cấp, những tin tức không chính xác và mâu thuẫn. Ngược lại, điều mà họ biết quá rõ, chính là sức chiến đấu lạ thường mà quân đội Nhật Bản đã chứng tỏ, và tầm quan trọng của những kho dự trữ vũ khí đạn dược mà Nhật đã tích trữ trên khắp các lãnh thổ chiếm đóng bên trong vòng đai chu vi Đại Đông Á cũ. Chiến lược do các Đô đốc King và Nimitz đề nghị gồm có bao vây trực tiếp nước Nhật mà không chiếm lại các lãnh thổ mênh mông tại phía Nam Thái Bình Dương, tại Trung Hoa và tại Đông Nam Á, đã dựa vào một định đề vốn chưa được kinh nghiệm kiểm chứng: đó là ưu thế của không quân. Đó là áp dụng đơn thuần, với ít nhiều ngụy trang, binh thuyết của một tướng lĩnh thời danh người Ý, Douhet, một binh thuyết mà từ mười lăm năm nay vẫn không ngớt gây ra những cuộc tranh luận gay go tại khắp mọi quốc gia. Liệu có thể áp dụng nó cho trường hợp Nhật Bản hay không? Liệu có thể hay không có thể chẹn họng quân đội Nhật, mà không cần phải chiến đấu trên bộ, nhưng chỉ bằng vào sự hủy diệt vũ khí và các đường giao thông của Nhật? Những kết quả thu đạt được tại Đức quốc có khuynh hướng chứng tỏ rằng không thể, thế nhưng sự tàn hại do bom lửa gây ra lại đưa đến kết luận trái ngược. Song le, những cuộc oanh tạc ấy đòi hỏi một sự vận dụng phi cơ đến mức phải tiên liệu mất hàng nhiều tháng trời, mới mong tiêu diệt được dứt khoát hết các lực lượng của đối phương. Và trong những tháng trời dài dặc ấy, khi mà chiếc đầu con bạch tuộc chưa bị vặn ngược thì những chiếc vòi của nó vẫn tiếp tục bám chặt trên các quần đảo bị “bypass”, cũng như tại Miến Điện và Trung Hoa. Ủy ban tham mưu hỗn hợp đã rất mạo hiểm khi chấp thuận kế hoạch của các Đô đốc, và Tướng Mac Arthur đã không có lỗi khi luôn miệng nhắc nhở phải đề phòng. Lúc mà Tổng trưởng Chiến tranh Stimson báo cho Tổng thống Truman biết sự thành công chắc chắn của kế hoạch Mahattan, thì quân trú phòng Nhật Bản tại Okinawa vẫn còn kháng cự. Tướng Simson Bolivar Buckner vừa tử trận tại tiền tuyến. Tổn thất của Mỹ nội trong trận đánh này đã được ước tính lên đến 12.500 tử trận và 36.500 bị thương - tức là 50% lực lượng tham chiến. Mặc dầu tướng Ushijima phải tự sát, và tất cả đạo quân trú phòng trên đảo vốn được lãnh đạo đúng đắn, đã bị tiêu diệt, nhưng vố số những tổ kháng cự lẻ tẻ, gồm binh sĩ cũng như thường dân, vẫn còn chiến đấu với sự hăng say điên cuồng. Trong một góc của hòn đảo chưa bị lọt vào tay quân Mỹ, dân chúng đã đến hợp tác với các binh sĩ hiếm hoi còn khỏe mạnh để tay không chống lại chiến xa và súng phun lửa đằng sau vị Tổng đốc dân sự được vũ trang bằng thanh kiếm Samourai của ông. Chắc chắn đấy là mùi vị được nếm trước của khung cảnh địa ngục mà một cuộc đổ bộ lên chính lãnh thổ Nhật Bản phải trải qua trên đó 30 triệu công dân Nhật và hai triệu binh sĩ sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đến người cuối cùng. Lúc đó, theo lệnh của Truman, Stimson đã chỉ định một “Ủy ban lâm thời” để nghiên cứu sự sử dụng bom A. Ủy ban này gồm có năm nhân vật thuộc giới chính trị và ba nhà bác học Mỹ được giao cho trách vụ tổ chức nghiên cứu về quân sự từ năm 1940. Mặc dầu ba nhà bác học này đã tham dự tích cực vào công việc của nhóm Los Alamos, nhưng họ cũng yêu cầu chỉ định một tiểu ban gồm các chuyên viên nguyên tử để hướng dẫn họ. Tiểu ban chuyên viên này, dược gọi là “Scientific Panel”, phải tổ chức hội họp các nhà bác học thượng thặng nổi tiếng nhất trong giới khoa học bất chấp quốc tịch. Tiểu ban giới hạn trong số bảy thành viên mà bốn người là Do Thái gốc ngoại quốc. Các cuộc thảo luận của “Scientific Panel” và của Ủy ban lâm thời đã đưa đến việc soạn thảo một “bản khuyến nghị” mà sau đây là các kết luận: 1. Quả bom phải được sử dụng để chống lại Nhật Bản càng sớm càng tốt. 2. Nó phải được ném xuống một “mục tiêu kép” vừa kỹ nghệ vừa quân sự. 3. Không thể đưa ra một lời báo trước nào về bản chất của thứ vũ khí này. Chính vì nhận được ác kết luận chính thức này mà Stimson đã ra lệnh cho Groves tiến hành nhanh hơn cuộc thí nghiệm tại Alamogordo và chuẩn bị các biện pháp để sử dụng quả bom chống lại Nhật Bản. Nhưng vài ngày sau, tiếng đồn về những khuyến cáo này đã lan tràn trong số các nhà bác học nguyên tử thuộc nhóm Los Alamos và thuộc đại học đường Chicago. Bảy nhà khoa học thuộc đại học này liên nhóm họp dưới quyền chủ tọa của giáo sư lão thành Frank - cựu giám dốc Học viện Vật lý Gottingen, được xem như “giáo hoàng” của thế giới nguyên tử - đã soạn thảo một bản khuyến nghị khác đề nghị rằng sự biểu diễn thứ vũ khí mới phải được tổ chức dưới sự chứng kiến của các đại biểu Liên hiệp Quốc trong một sa mạc hay trên một hòn đảo không có người ở, để chính phủ Nhật có thể được thông báo sức mạnh tàn phá của nó và cạm chịu chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Tài liệu này được đưa đến cho đích thân Stimson, ông ta chuyển ngay cho Ủy ban lâm thời và Ủy ban này liền hỏi ý kiến của Tiểu ban chuyên viên. Các thành viên của Ủy ban không tin rằng phải đề nghị sửa đổi lại lập trường, nại lý do rằng trong tư cách là các nhà khoa học họ không có thẩm quyền để quyết định liệu có nên sử dụng quả bom để chống lại Nhật Bản hay không, ngoài ra họ cũng chẳng biết gì về tình hình quân sự và không biết liệu có thể lôi kéo Nhật Bản đến chỗ đầu hàng bằng các phương cách khác hay không. Vững tâm vì sự xác định mới phát xuất từ những con người siêu việt này vốn chẳng có thù hiềm gi với Nhật Bản, mà sự suy luận riêng tư chỉ có thể bị ảnh hưởng bởi niềm ưu tư chính đáng là tránh làm tăng thêm tang tóc cho một xứ sở được họ coi như quê hương thứ hai của mình, Stimson không hề nghĩ đến chuyện thay đổi các mệnh lệnh đã được ban hành nữa. Ngọn lao đã phóng đi và đã quá trễ, không thể nào rút lại một quyết định có hậu quả nặng nề như vậy. Ngày 15 tháng 7 năm 1945, trên đường đi Potsdam, Truman nhận được tin cuộc thí nghiệm thành công tại Alanmogordo. Vài ngày sau, Stimson đến gặp ông để trình bày hiệu quả tàn khốc của chất nổ mới. Hai nhân vật đều đồng ý là không tiết lộ bản chất sát đúng trong thời gian cuộc Hội nghị Liên Đồng minh và chỉ yêu cầu các Quốc trưởng tham dự hội nghị chấp thuận rằng họ sẽ hậu thuẫn cho một lời cảnh cáo long trọng gửi cho Nhật Bản. Như chúng ta đã thấy, dân tộc Nhật bản đời nào lại chấp nhận một tối hậu thư được trình bày dưới một hình thức mơ hồ như thế và Thủ tướng Suzuki, mặc dầu rất hòa hoãn, cũng chỉ có thể trả lời không chấp thuận. Những liên lụy chính trị của sự xuất hiện vũ khí nguyên tử đã đến mức lúc ấy Tổng thống Mỹ không còn có sự chọn lựa nào khác hơn là ném quả bom A xuống Hiroshima. Gia dĩ lãnh tụ quốc gia đồng minh duy nhất được biết rõ bí mật, Winston Churchill, lại mạnh mẽ đứng lên chống đối ý tưởng trì hoãn dầu cho chỉ là một giây đồng hồ, sự sử dụng một phương tiện căn bản như vậy để chấm dứt cuộc xung đột. Vài ngày trước khi chiếc Enola Gay cất cánh, Stimson nhận được một phúc trình bất ngờ do 60 nhà bác học thuộc mọi quốc tịch ký kết đòi hỏi đặt những công trình nghiên cứu phân cách nguyên tử dưới sự kiểm soát quốc tế và chấm dứt mọi công tác liên quan đến việc chế tạo quả bom. Những tay tập sự phù thủy đột nhiên ý thức được hậu quả rùng rợn của những suy luận khoa học mà họ là tác giả và liền ném một hòn đá xuống ao thả vịt! Những người ký tên gồm có hoặc là những khoa học gia vật lý trẻ tuổi, mới đến chỗ trú ẩn, hoặc là những người kỳ cựu của viện Gottingen, những nhà bác học đầy lòng quảng đại và đầy lý tưởng, đã xếp vào hàng ngũ chủ hòa của các nhà trí thức thiên tả, ngay từ lúc mới trưởng thành. Rõ ràng là họ chẳng có ảo tưởng gì về kết quả của đường lối vận động này, nhưng họ muốn trách nhiệm của họ được bao yểm. Stimson cho đọc những lời khẩn cầu của họ cho Groves nghe, ông tướng nhún vai với sự thẳng thắn quen thuộc, tuyên bố: “Người ta thấy rõ rằng không một ai trong số các nhà bác học thân mến ấy có thân nhân đang chiến đấu ngoài mặt trận!”. Lúc đó Stimson ưu tư thì thầm: “Nếu tôi không sử dụng trái bom để chấm dứt chiến tranh, tôi sẽ không bao giờ còn dám nhìn ngay mặt một thanh niên Mỹ”... Thật rõ ràng... Những ý tưởng thuộc về tình nhân loại từ lâu đã trở thành thứ yếu trong số những ưu tư của các dân tộc đang lâm chiến. Sự hăng say của binh sĩ Nhật Bản, nền tảng vô nhân đạo của họ, một nền tảng mang tính cách ngày càng điên rồ trước sự thảm bại sắp xảy ra, đã khiến cho thảm kích Hiroshima không thể nào tránh được, Little Boy và Enola Gay đã được đưa vào một tiến trình không thể nào đảo nghịch được. Vốn chỉ có trong tay hai quả bom, Stimson cần tạo ra một sự xúc động tâm lý tức thời cho phép ông “diễn dịch mau chóng ưu thế đè bẹp mà Hoa Kỳ có trong tay do những kết quả kinh tế”. Chấn động tâm lý này cũng cần thiết cho chính phủ Nhật Bản để bước ra khỏi cơn mơ mộng không tưởng về tính cách bất khả chiến bại của mình. Nếu không có nó, hàng trăm ngàn sinh mạng Nhật Bản còn bị hy sinh một cách vô ích. Một cuộc tàn sát chưa từng có sẽ được tránh khỏi, khi mà Thiên hoàng có thể nhẫn nhục “chịu đựng điều không thể chịu đựng nổi và cam chịu điều không thể chấp nhận được”, mà không cần phải rời khỏi ngai vàng. Được giải thệ nhờ mệnh lệnh của Thiên hoàng, người binh sĩ Nhật đã cứu vãn danh dự của mình. Anh ta đã đẩy lùi giới hạn của chủ nghĩa anh hùng, anh ta đã chứng tỏ cho đến cùng một khả năng kháng cự chưa từng thấy trong lịch sử, và không phải là vấn đề ít kiêu hãnh của dân tộc chiến bại khi mà phải có cả một đại biến khủng khiếp Hiroshima mới thắng được dân tộc ấy. HẾT