1930 - Tuần báo Phụ Nữ Tân văn, Saigon bán ra Hà nội. - Ảnh hưởng của các báo tranh đấu cách mạng ở Saigon bằng Pháp Văn đối với sinh viên, học sinh Hà Nội (La Lutte, La Cloche Felée, L' Echo Annamite...) Nhà trọ của Tuấn ở 77C đường Maréchal Pétain có đến 7 trò, hầu hết là học trường Thăng Long, Gia Long, hoặc trung học Pháp Lycée Albert Sarraut, cũng thường có vài đứa bạn đến chơi, và thừa lúc anh em vô ý, lục soát các sách vở và bàn học để kiếm tài liệu “ quốc sự “. Một lần, đúng ngày 24 tháng 3 dương lịch, Tuấn và các bạn tổ chức ở trên gác một buổi lễ kỷ niiệm cụ Phan Chu Trinh tạ thế. Các cậu đặt một chiếc bàn thờ tạm, treo bức chân dung của cụ, có đèn hương, hoa quả, bày biện đầy đủ trên bàn. Bảy anh em học sinh và sinh viên cùng ở trọ trong nhà, đều hăng hái và thành kính làm lễ. Tuấn đọc một bài điếu văn kể lại tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của cụ và cổ võ anh em nên soi gương ái quốc của cụ, nguyện sau này sẽ đem học vấn và tài năng của mình để phụng sự quốc gia. Xong bài điếu văn, anh em lần lượt từng người ra lạy trước bàn thờ nghi ngút trầm hương. Buổi lễ đơn giản, nhưng rất cảm động. Anh em ai cũng bùi ngùi, có người lạy rồi lạy nữa, ba bốn lần. Thình lình, một cậu học trò, chỉ quen sơ với Tuấn, cũng như các sinh viên học sinh khác trong nhà, cũng quê quán ở Trung kỳ đi xe đạp đến, và lật đật leo cầu thang lên gác. Hắn bắt gặp cả một đám học sinh, sinh viên đang đứng im lặng trước bàn thờ có treo ảnh cụ Phan Chu Trinh, còn khói hương trầm, cặp nến trắng còn đang cháy liu hiu. Hắn cười, hỏi Tuấn: - Tụi các anh làm gì thế? Hắn đăm đăm nhìn ảnh cụ Phan, rồi nhún vai, bảo: - À, hôm nay là 24 Mars, ngày giỗ cụ Phan Chu Trinh …Thế mà tôi quên mất chứ! Tụi các anh nhớ giỏi nhỉ! Nói xong, nó ngoay nguẩy chạy xuống cầu thang, và ra cửa lên xe đạp phóng một mạch về phía bờ hồ. Tụi trò Tuấn vội vàng dọn cất chiếc bàn, tắt đèn, tắt hương, sau khi lạy cụ Phan một lần nữa. Trò Trần Kiên Mỹ tức giận nói to: - Thằng khốn nạn, quê ở Quảng Nam, bạn đồng hương mà đi làm chó săn. Trò Long bảo bằng tiếng Pháp: - C’est un mouton dangereux (một thằng do thám -nghĩa bóng- nguy hiểm). Tuấn không nói gì chỉ lấy tấm hình đem gói vào tờ giấy dấu dưới miếng ngói ở mái nhà bếp. Tất cả đều hồi hộp lấy bài vở ra học, và chờ mật thám đến xét nhà, không có ai sợ trốn đi. Nhưng chờ mãi không thấy mật thám tới. Tuấn đứng trong cửa sổ, ngó xuống đường Maréchal Pétain, chỉ thấy thằng khốn nạn đạp xe lượn qua lượn lại nhiều lần trước nhà. Lần cuối cùng, vào khoảng 12 giờ trưa, hắn ghé vào. Tuấn không muốn cho hắn lên gác, vì có mấy đứa bạn, nhất là Long Lycée (thường gọi là Long Toét) hăm đánh hắn "vỡ mặt “. Tuấn xuống dưới nhà, gặp hắn sắp sửa lên cầu thang. Tuấn nắm tay hắn giữ lại: - Mi lên trên đó thế nào cũng bị mấy người đập chết. Mi ở đây với tao. Tại răng lúc nãy mi có thái độ lạ rứa? Tao hỏi thiệt mi, mi làm mouton cho mật thám Tây, phải không? Hắn run sợ, bảo: - Không có. Ai bảo với anh thế? - Tao bảo. Vì thái độ của mi chứng tỏ rằng mi là một agent de recherche, một thằng điềm chỉ cho Tây. Tụi tao làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh chứ có gì bí mật đâu mà tụi bay đi rình? Mi cũng là dân Quãng Nam, răng mi đi làm chuyện tồi bại rứa? Mi không sợ tụi bạn đồng hương của mi đập mi nát óc à? Hắn cười giả lả: - Anh đừng nghi oan cho tui chứ. Tôi đâu có làm agent de sureté cho Tây. Lúc nãy tôi đến là định hỏi anh có được mandat ở nhà gửi ra chưa, nếu có thì cho tui mượn tạm 5 đồng để trả tiền trọ. Nhưng tôi thấy các anh bận việc, tôi đi về, thế thôi. Tôi thề với các anh rằng tôi không làm điềm chỉ cho Tây đâu. Tuấn bảo: - Mi cần tiền thiệt không? - Thiệt. Tui định đến mượn anh 5 đồng. - 5 đồng đây, mầy cút đi. Tuấn lấy 5 đồng đưa cho thằng khốn nạn, nó cảm ơn rồi ra đi. Tuấn theo dõi dư luận của một số báo chí Pháp ngữ ở Hà Nội (L’Echo Annamite, La Tribune Indochinois, La Jeune Indochine) công kích kịch liệt viên toàn quyền René Robin về vụ y ra lệnh cho máy bay ném bom làng Cổ Am, nơi mà bị tình nghi dung dưõng tàn quân Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Ở Hà Nội không có tiệm sách nào bán báo Saigon, Tuấn cùng với một nhóm bạn thân toàn là sinh viên học sinh nghèo, góp tiền gởi vô Saigon mua năm các tờ báo cách mạng của người “ Annam “ hầu hết là viết bằng chữ Pháp, như tờ La Lutte của Tạ Thu Thâu (đệ tứ quốc tế), La Jeune Indochine của Vũ Đình Duy (Phục Quốc hội), La Tribune Indochinois của Bùi Quang Chiêu (thủ lãnh đảng Lập Hiến Ðông Dương). L’Écho Annamite của Nguyễn Phan Long (đảng Lập Hiến Ðông Dương), Parti constitutionnaliste Indochinois v.v… Ðiều đó không có gì lạ đối với tình thế lúc bấy giờ. Vì báo viết bằng Pháp Ngữ, dù là của người An nam do người An nam làm chủ nhiệm, cũng được theo chế độ tự do của báo chí Pháp. Còn báo chí Annam dù là xuất bản ở Saigon và Nam kỳ, là thuộc địa Pháp, cũng phải theo một chế độ riêng, bị hạn chế và bị chính quyền thuộc địa bóp chẹt. Cho nên những tờ báo cách mạng ở Hà Nội (rất ít) ở Huế (không có) đặc biệt nhiều nhất ở Saigon, đều viết bằng tiếng Pháp, và theo qui chế báo chí Pháp quốc cộng hòa: tự do báo chí, tự do ngôn luận, y như các báo ở bên Pháp vậy. Vụ đưa lên đoạn đầu đài mười ba nhà liệt sĩ VNQDÐ ở Yên Bái cũng như vụ toàn quyền Robin cho phi cơ ném bom làng Cổ Am, đã gây cho các báo cách mạng Pháp ngữ ở Hà Nội và Saigon một luồng dư luận vô cùng phẩn nộ. Các báo ấy công kích kịch liệt sự trả thù vô nhân đạo của “ bọn thực dân “ cầm dùi cui” (des colonialistes à la trique) theo danh từ rất thông dụng thời bấy giờ. Ðọc những tờ báo đó, những người trí thức, và đám sinh viên học sinh “ có đầu óc cách mạng” đều khoái vô cùng. Nhưng không phải là ai cũng đọc. Ðại đa số đồng bào không biết, hoặc không thông thạo tiếng Pháp không đọc được, đó là lẽ dĩ nhiên và điều thiệt thòi rất lớn. Nhưng ngay trong đám trí thức và công chức, mà học lực từ bằng diplôme (thành chung) trở lên nghĩa là đã đọc và nói được tiếng Pháp lưu loát lắm cũng chỉ có số rất ít, trong một trăm người hoạ may có 1 người, đọc các tở báo cách mạng bằng Pháp ngữ hoặc nếu có đọc cũng chỉ đọc lén mà thôi. Vì họ sợ “ quan Tây, quan thầy Pháp lang Sa “. Nhà Nước Ðại Pháp để ý đến họ, hoặc bắt bớ, giam cầm, tù đày khổ sở. Một tuần báo Việt Ngữ bán chạy nhất lúc bấy giờ và có uy tín nhất, không những riêng ở Saigon, Lục tỉnh mà cả Trung kỳ, Bắc kỳ nữa (như ở Hà Nội có rất nhiều gia đình mua cả năm) là tờ Phụ Nữ Tân Văn của một bà triệu phú người Nam, có cửa hàng tơ lụa lớn nhất ở Saigon, tên là bà Nguyễn Đức Nhuận và chủ bút là ông Phan Khôi. Ngoài bìa in màu, có hình vẻ ba thiếu phụ Nam, Trung, Bắc, đầu tóc riêng biệt theo mỗi địa phương, nhưng ngồi sát nhau ra chiều chị em thân ái lắm. Dưới hình có ghi hai câu thơ đầy ý nghĩa: Phấn son tô điểm sơn hà Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam Tuấn thuộc lòng hai câu châm ngôn bằng thơ ấy, mỗi tuần đúng vào sáng thứ Hai là chàng nhận được tập báo ấy do một người bạn gái ở Saigon gửi tặng. Hai câu châm ngôn rất mới mẻ và rất hấp dẫn kia tỏ rõ lập trường ái quốc của tờ tuần báo duyên dáng độc nhất của Nam Kỳ. Ông chủ bút Phan Khôi là một tay văn học cừ khôi nhất ở Saigon lúc bấy giờ. Thế mà tuần báo ấy không hề có một bài nào phản đối việc toàn quyền Robin cho máy bay ném bom dã man xuống làng Cổ Am. Ðể nêu gương ái quốc của mình, và để cổ võ lòng ái quốc của người An nam, tờ Phụ Nữ tân văn chỉ làm được hai việc có thể gọi là vĩ đại nhất lúc bấy giờ. Một, là báo ấy mở cuộc thi “ Danh Nhân Việt Nam “. Nhà báo chọn một danh sách không quá 25 người, tức là “ 25 danh nhân “ trong lịch sử Việt Nam, không theo thứ tự nào cả. Mỗi tuần, nhà báo đăng tiểu sử và sự nghiệp của một người, đại khái như: Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng, Quang Trung, Trưng Trắc, Phan Thanh Giản, v.v… Xong rồi nhà báo nhờ độc giả sắp hạng, căn cứ trên sự nghiệp của mỗi vị danh nhân, để ai trên ai dưới, thành một bản danh sách dự thi. Những bản danh sách nào gần giống nhau nhất sẽ được coi như trúng giải. Cuộc thi Danh nhân Lịch Sử ấy không có kết quả tốt đẹp, vì sự lựa chọn của độc giả rất là lộn xộn, phiền phức, không theo tiểu chuẩn nào cả. Việc làm thứ Hai có tính cách “ái quốc “ của Tuần Báo Phụ nữ tân văn là mở cuộc lạc quyên giúp bốn học sinh nghèo du học sang Âu châu. Số tiền lạc quyên không có mấy nhưng tiền của ông bà Nguyễn Đức Nhuận bỏ ra lập bốn học bổng thì cũng khá nhiều. Có rất nhiều học sinh dự thi. Ban chấm thi cho một bài thơ Việt Nam để thi giảng giải và bình luận. Bài thơ có năm vần như sau đây: Lò, Mò, Lo, Cho, Trò. Kết quả có 4 thí sinh đậu, và buổi tiệc tiễn bốn cậu lên tàu thủy để qua Pháp rất là long trọng. Theo thể lệ học bổng cậu nào thành tài và sẽ có công việc làm, sẽ phải đóng góp mỗi tháng một số tiền để thành học bổng cho người lớp sau. Nhưng sau đó, các trò học đại học Pháp, cưới vợ đầm, và chẳng có một cậu nào tôn trọng thể lệ học bổng, theo lời cam đoan danh dự trong buổi tiệc tiễn đưa trước khi xuống tàu. Học bổng của báo Phụ Nữ tân văn chỉ được một lần đó thôi và không có điều kiện tiếp tục hằng năm. Tờ phụ nữ tân văn cũng phát hành trong một thời gian vài năm rồi đình bản, sau khi ông Phan Khôi nghỉ việc. Ở Hà Nội, sau vụ VNQDÐ, tình hình trở lại yên ổn. Nhóm sinh viên học sinh đã có hoạt động ít nhiều trong hội kín Quốc Dân Ðảng, tiếp tục học thi tú tài hoặc vào các ngành khác. Ðời sống bề ngoài hoàn toàn yên tĩnh, cũng như ở Trung và Nam Kỳ. Người ta bắt đầu quên lần vụ khởi biến VNQDÐ và ở thành thị cũng như thôn quê, nhiều nơi dân chúng không hề nghe nói đến cái tên Nguyễn Thái Học. Người ta lo “ làm ăn “để có tiền nộp thuế cho Tây. Sau một thời gian, im hơi lặng tiếng, hình như một vài uỷ ban trung ương đảng bộ bắt đầu tái lập để hoạt động trở lại, nhưng một cách hết sức dè dặt và hãy còn rời rạc.