Dịch giả: Lê Khánh Trường
P8 - 5

9.
Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa mấy người khách vừa đến với chủ nhà diễn ra ở sân nhà viên quản lý. Đó là một cảnh tượng hơi nặng nề, mở đầu trong im lặng để rồi kết thúc một cách ồn ào, lúng túng và lung tung.
Elena vừa mới đi dạo trong rừng về tới sân. Các tia nắng cuối cùng của hoàng hôn vàng rực như mái tóc của chị ta, cứ bám theo sau chị ta từ cây này qua cây kia khắp cánh rừng. Chị ta mặc quần áo mỏng mùa hè, chốc chốc lại dùng khăn tay lau khuôn mặt đỏ ửng, lấm tấm mồ hôi vì đi bộ. Chiếc mũ rơm lủng lẳng sau lưng, có sợi dây cao su vòng quanh khuôn cổ để trần của chị ta.
Ông chồng đi ngược về phía chị ta, ông vừa dưới khe xách súng di lên, đang định ngay lúc ấy thông hai cái nòng còn vương vấn khói, vì khi vừa bắn thấy có đạn xịt.
Bất thình lình, lão Văc đem theo đám tặng phẩm bất ngờ đánh xe chạy xộc vào sân, qua cái cổng lát đá khiến bánh xe vang lên những tiếng lộc cộc rất to. Chẳng mấy chốc cả nhà đã xuống xe, và giáo sư Gromeko bắt đầu ngắc ngứ đưa ra mấy lời giải thích đầu tiên, vừa nói vừa bo mũ ra rồi lại đội mũ vào.
Trong giây lát, vợ chồng chủ nhà bị dồn vào thế bí cứng đứng ngây ra thực sự, còn các vị khách thì vô cùng bối rối, xấu hổ đến mức chả biết chui vào đâu. Tình thế khỏi cần giải thích dài dòng cũng đã quá rõ, không chỉ đối với những người trực tiếp tham gia, với lão Văc, Niusa, và bé Xasa. Cảm giác nặng nề còn lây lan sang cả hai mẹ con con ngựa, cả các tia nắng vàng của hoàng hôn và những con muỗi đang bâu quanh Elena và đậu vào mặt vào cổ chị ta.
- Tôi không hiểu, - cuối cùng Miculisyn lên tiếng phá tan sự im lặng. - Tôi không hiểu, tôi chả hiểu gì cả và sẽ không bao giờ hiểu nổi. Các người tưởng ở phương Nam chúng tôi này là đất của bạch vệ và sẵn bánh mì lắm hả? Tại sao các người lại chọn nhà chúng tôi, tại sao các người lại nhè ngay chúng tôi, nhè đúng chúng tôi mà bám lấy thế? Hay chửa, chả hiểu các người có nghĩ các người khoác vào ông Miculisyn nhà tôi một trách nhiệm như thế nào hay chưa?
- Đừng dây vào chuyện này, Elena. Ừ đúng thế. Cô ấy nói có lý lắm. Các người có nghĩ, các người trút xuống đầu tôi cái gánh nặng như thế nào không?
- Trời ơi, bác chưa hiểu ý chúng tôi rồi. Có gì đâu? Chúng tôi chỉ cần một chút xíu, hoàn toàn một chút xíu thôi. Chẳng ai khoác trách nhiệm hay trút gánh nặng cho bác đâu. Chúng tôi chỉ cần một cái xó xỉnh nào cũng được giữa cái cơ ngơi trống trải hoang tàn này. Một khoảng đất bỏ hoang chả ai cần đến, để chúng tôi có thể trồng ít rau thôi. Và sau hết, một chút củi mà chúng tôi sẽ vào rừng kiếm lúc không ai nhìn thấy chúng tôi cả. Như thế có phải là quá nhiều chăng, là xâm phạm ghê gớm chăng?
- Phải, nhưng thế gian còn rộng chán. Tại sao lại đến chỗ chúng tôi? Tại sao các người lại dành cho chính chúng tôi cái vinh dự ấy, chứ không phải cho kẻ khác?
- Chúng tôi đã biết về ông và hi vọng ông đã nghe nói về chúng tôi, rằng chúng tôi không phải là những người xa lạ đối với ông, và chúng tôi cũng đến không phải với kẻ xa lạ.
- À ra thế, ra là vì cụ Cruyghe, vì các người là thân quyến của Cruyghe hả? Sao các người lại còn mở miệng thú nhận những chuyện dại dột như thế giữa thời buổi này nhỉ?
Miculisyn là người có nét mặt cân xứng, mái tóc vuốt ngược ra đằng sau, bước chân dài rộng. Về mùa hè, ông ta mặc chiếc áo va-rơi bó sát bụng bằng một sợi dây lưng hẹp đầu có ngù. Thời cổ xưa, những người như ông ta thường làm nghề ăn cướp trên sông Volga, còn thời nay thì trông họ như loại người suốt đời là sinh viên hoặc một giáo viên mộng mơ.
Miculisyn đã hiến tuổi thanh xuân của mình cho phong trào giải phóng, cho cách mạng, và chỉ sợ không sống được đến ngày cách mạng nổ ra, và nếu nó có nổ ra, chỉ lo nó quá ôn hoà, không đáp ứng những đòi hỏi cấp tiến và khát máu của mình. Thế rồi nó đã đến, làm đảo lộn mọi dự án táo bạo nhất của ông; còn ông, một người bản tính hay lam hay làm và luôn luôn siêng năng, một trong những người đầu tiên đứng ra thành lập Uỷ ban xí nghiệp và ban thanh tra công nhân ở nhà máy "Tráng sĩ Sviatogo", ông lại xôi hỏng bỏng không, thay vì được dự phần vào đó, lại bị lạc lõng trong một xóm thợ hoang tàn, nơi công nhân bỏ chạy tứ tán, còn một số thì theo đuôi bọn melsevich. Và hôm nay thì cái chuyện vô lý này, đám con cháu lão Cruyghe không mời mà đến này đối với ông đúng là một thứ số phận trớ trêu, cắc cớ, khiến ông hết chịu đựng nổi.
- Thật là ngoài sức tưởng tượng, thật không sao hiểu nổi. Các người có hiểu các người đem đến mối nguy hiểm như thế nào, các người đẩy tôi vào hoàn cảnh nào không? Đúng là tôi điên đầu mất rồi. Tôi không hiểu, tôi chả hiểu gì nữa và sẽ không bao giờ hiểu nổi. Hay chửa, liệu các người có biết, chúng tôi đang ngồi trên ngọn núi lửa như thế nào, ngay cả khi các người chưa tới hay không.
- Khoan đã, Elena. Cô ấy nhà tôi nói rất chí lý. Các người chưa đến, chúng tôi đã chẳng sung sướng nỗi gì. Một cuộc sống chó má, một nhà thương điên. Lúc nào cũng bị kẹt giữa hai làn đạn, không một lối thoát. Phía bên này thì buộc tội, căn vặn, tại sao để con thành một tên Đỏ, một tên bolsevich, một người được dân chúng mến yên. Phía bên kia thì chẳng ưa, cứ vặn vẹo vì lẽ gì được bầu vào Hội nghị Lập hiến. Chẳng ai ưa mình cả. Cứ như cá nằm trên thớt. Bây giờ lại thêm các người mò đến. Bị đem ra xử bắn vì các người thì sẽ thấy vui mắt lắm đó!
- Ồ, ông nói gì lạ thế! Hãy bình tĩnh lại nào? Ông chẳng việc gì đâu!
Một lát sau, Miculisyn đổi giận làm lành:
- Thôi được quát tháo ở ngoài sân như thế đủ rồi. Có thể tiếp tục quát tháo ở trong nhà. Dĩ nhiên, tôi thấy sẽ trước là chẳng có gì hay ho cả, nhưng nước đọng trên mây thì mờ tịt, đoán mò đoán mẫm thì quẫn trí. Hơn nữa, chúng tôi cũng chả phải là quân dị giáo. Chúng tôi chả đuổi các người vào rừng làm mồi cho gấu xé. Elena này, tôi nghĩ tốt nhất hãy tạm đưa họ vào phòng có cây cọ, cạnh buồng làm việc. Sau đó ta sẽ bàn xem nên thu xếp cho họ ở đâu, tôi nghĩ ta sẽ để họ sống trong hoa viên. Nào, mời các vị vào trong nhà. Kính mời quý vị. Mang hành lý vào đi, lão Văc, giúp khách khứa một tay nào.
Trong lúc thi hành mệnh lệnh, lão Văc luôn miệng thở dài:
- Cha mẹ ơi! Đồ đạc của họ y như rằng là những kẻ hành hương. Chỉ rặt một đám tay nải. Hổng có lấy nổi một chiếc vali.
10.
Đêm đã xuống, trời se lạnh, những người mới đến đã tắm rửa xong. Tonia và Niusa đã lo xong chỗ nghỉ đêm trong căn phòng dành cho gia đình họ. Bé Xasa vẫn quen thấy người lớn thích thú đón nhận những câu nói ngây thơ ngộ nghĩnh của nó, nên nó vẫn lựa theo ý thích của họ mà say sưa huyên thuyên đủ thứ chuyện vớ vẩn, hôm nay nó cứ bứt rứt không yên vì chẳng ai buồn nghe nó nói hoặc nhòm ngó gì đến nó.
Nó khó chịu vì người ta không đem con ngựa non màu đen vào trong nhà, và lúc người ta khẽ dằn giọng bảo nó im đi, thì nó khóc tướng lên, vì sợ mọi người coi nó là đứa trẻ hư thân mất nết, sẽ đem gửi trả nó về cái tiệm bán trẻ con, là nơi, theo nó nghĩ, khi nó ra chào đời, người ra đã đưa nó từ đấy về nhà với cha mẹ. Nó cứ lớn tiếng bày tỏ nỗi sợ hãi thành thực của nó với mọi người xung quanh, nhưng các câu nói ngớ ngẩn đáng yêu của nó không gây được tác dụng như mọi khi. Những người lớn ngại ngần vì đang ở nhà người khách, đi lại vội vã hơn bình thường và cứ lẳng lặng lo việc của mình. Thằng bé ngúng nguẩy hờn dỗi, theo cách nói của các chị bảo mẫu. Người ta phải vất vả mới dỗ được nó ăn và bắt nó nằm ngủ.
Cuối cùng nó cũng thiếp đi. Lúc ấy bà Ustina, người giúp việc của gia đình Miculisyn mới dẫn Niusa về buồng mình cho ăn tối và kể cho nghe những bí mật của ngôi nhà này. Tonia và hai người đàn ông được mời đến dùng bữa trà tối.
Giáo sư Gromeko và Zhivago xin phép ra ngoài thềm một chút để hít thở khí trời trong lành.
- Bao nhiêu là sao kia? - Giáo sư Gromeko nói.
Trời tối đen. Đứng cách nhau có hai bước trên thềm mà bố con không nhìn thấy nhau. Từ một chiếc cửa sổ bị góc nhà che lấp sau lưng họ, có ánh đèn rọi xuống khe núi. Trong dải sáng mờ mờ hiện ra mấy bụi cây nhỏ, mấy thân cây lớn và một vài vật thể gì đó không rõ đang co ro trong cái lạnh ẩm ướt.
Cái dải sáng ấy không hắt đến chỗ hai cha con mà chỉ làm dày đặc thêm bóng tối ở xung quanh họ.
- Ngày mai, việc đầu tiên chúng ta phải làm buổi sáng là xem các dãy nhà phụ mà ông ta định cho nhà ta ở nhờ, và nếu nó còn tạm ở được, thì ta cần bắt tay tu sửa ngay. Trong thời gian lo thu xếp chỗ ăn ở cho tử tế, thì tuyết sẽ tan hết, đất sẽ ấm lại. Lúc ấy ta sẽ lập tức bắt tay trồng rau, không để lỡ một phút. Hình như con có nghe thấy trong lúc nói chuyện, ông ta có hứa sẽ giúp ta khoai giống thì phải. Hay là con nghe nhầm?
- Không, ông ấy hứa thật đấy. Và còn hứa giúp cả các loại hạt giống khác. Chính tai ba nghe thấy mà. Còn cái chỗ ông ấy cho ta ở, ta đã nhìn thấy lúc xe chạy qua hoa viên. Anh có biết nó ở chỗ nào không? Đó là căn nhà ở phía sau toà nhà chính, ngập trong những bụi gai. Căn nhà bằng gỗ, còn nhà chính thì bằng đá. Tôi đã chỉ cho anh căn nhà lúc ngồi trên xe, anh nhớ chưa? Theo tôi, ta sẽ đánh luống trồng rau ở quanh đây. Chỗ ấy phải còn các dấu vết của một vườn hoa nhỏ. Nhìn từ xa, tôi có cảm tưởng như vậy. Có thể là tôi nhầm. Phải chừa các lối đi ra, còn đất ở các bồn hoa cũ thì chắc chắn là ẩm và giàu chất mùn.
- Mai chúng ta sẽ xem. Con không biết, đất chỗ ấy chắc phủ đầy cỏ dại và cứng như đá. Trại ấp này ngày xưa nhất định phải có vườn rau chứ ba. Không chừng nó vẫn còn dùng được. Tất cả những điều đó sẽ được làm sáng tỏ vào ngày mai. Buổi sáng ở đây hình như vẫn còn sương giá. Ban đêm thì rét dữ. May thay chúng ta đã ở đây, đã đến nơi. Chúng ta có thể chúc mừng nhau được rồi. Đây là một nơi dễ chịu đấy, ba ạ.
- Họ cũng rất dễ thương. Đặc biệt ông ấy. Chị vợ hơi điệu bộ. Chị ta có vẻ không bằng lòng về một điểm nào đó của chính bản thân mình. Đó là lý do tại sao chị ta cứ nói thao thao bất tuyệt và giả bộ ngớ ngẩn. Chị ta cứ như vội vàng đánh lạc hướng chú ý của người khác, để họ đừng lưu ý đến dáng vẻ của chị ta, và đừng có ấn tượng bất lợi về chị ta. Cả cái việc chị ta quên bỏ mũ, cứ đeo lủng lẳng ở hai bên vai cũng không phải do đãng trí đâu. Cái đó xem ra lại hợp với chị ta.
- Nhưng ta vào thôi, kẻo họ nghĩ mình thiếu lịch sự.
Trên lối đi đến phòng ăn, nơi vợ chồng chủ nhà và Tonia đang ngồi uống trà quanh chiếc bàn tròn, cạnh ấm samova, dưới một chiếc đèn treo, họ đi qua cái phòng làm việc tối mò của giám đốc.
Phòng này có một cửa sổ cực lớn, lắp kính liền, chạy suốt chiều dài bức tường, nhìn xuống khe núi. Từ chỗ cửa sổ này, lúc nãy, khi trời còn sáng, Zhivago đã kịp nhìn thấy cái khe núi chạy dài ra xa và cái cánh đồng mà lão Văc đã đánh xe qua. Kê sát cửa sổ là một chiếc bàn rộng, cũng chạy dài suốt bức tường, chắc là bàn của kỹ sư thiết kế hoặc kỹ sư đồ hoạ. Một cây súng săn đặt trên bàn theo bề dọc, mỗi đầu còn thừa cả một khoảng rộng, càng làm nổi bật độ dài của cái bàn.
Bây giờ đi qua chỗ này, Zhivago lại thèm thuồng ghi nhận cái cửa sổ có tầm nhìn rộng, cái kích thước và vị trí chiếc bàn, đến căn phòng làm việc rộng rãi và được bày biện lịch sự, và đó là điều đầu tiên chàng thốt lên với chủ nhà, khi hai cha con bước tới bên chiếc bàn trà trong phòng ăn:
- Khu vực của ông bà tuyệt vời quá! Và cái phòng giấy của ông mới thích chứ? Một căn phòng tuyệt duyệt, gợi cảm hứng làm việc xiết bao!
- Các vị thích dùng ly hay dùng tách? Và các vị ưa trà đặc hay nhạt đây?
- Anh Yuri xem này, đây là cái kính xem ảnh nổi mà cậu con trai ông Miculisyn đã chế ra từ hồi còn bé cơ đấy.
- Cho đến bây giờ nó vẫn chưa đứng đắn, vẫn còn là một thằng nhóc, dù nó đã lần lượt giành cho chính quyền Xô viết hết tỉnh này đến tỉnh nọ từ tay Komus.
Ông bào từ tay ai?
- Từ tay Komus.
- Komus là cái gì vậy?
- Là quân đội của Chính phủ Sibiri, đang chiến đấu chống chính quyền Xô viết để tái lập chính quyền của Hội nghị Lập hiến.
- Suốt ngày hôm nay chúng tôi lúc nào cũng nghe người ta khen ngợi con trai ông. Ông hoàn toàn có thể hãnh diện chính đáng về cậu ấy.
- Những phong cảnh Ural trong cái kính xem ảnh nổi này cũng là tác phẩm của nó, được chụp bằng chiếc ống kính do chính nó chế ra đấy.
- Đây có phải là những chiếc bánh lằm bằng đường hoá học không? Bánh ngon quá.
- Ồ cô nói gì vậy! Đào đâu ra đường hoá học ở cái xó hẻo lánh này? Đường ta vẫn ăn đó thôi. Thế vừa rồi cô không để ý là tôi lấy đường trong lọ đường bỏ vào chén trà cho cô à.
- Vâng, đúng là đường ta vẫn ăn thật. Tôi đã xem các bức ảnh, và hình như món trà này cũng là loại trà chính cống phải không ạ?
- Trà ướp hoa, dĩ nhiên.
- Mua đâu ra vậy?
- Như trong chuyện tấm thảm thần ấy mà. Chúng tôi có một người quen. Một nhà hoạt động thời mới, rất khuynh tả, đại diện chính thức của Hội đồng kinh tế quốc dân tỉnh này. Ông ta chở gỗ từ đây lên thành phố và, do chỗ quen biết, vẫn mang bột mì, bột bánh và bơ về cho chúng tôi. (Đoạn chị ta quay sang phía chồng). Mình ơi, mình đẩy giúp tôi cái lọ đường với. May chửa, bây giờ xin hỏi cô nhà văn Griboedov mất năm nào?
- Sinh năm 1795 thì phải. Còn bị giết năm nào thì tôi không nhớ chính xác.
- Cô uống trà nữa nhé?
- Thôi, cám ơn bà.
- Bây giờ xin hỏi câu này. Hoà ước Nimveghen được ký khi nào và giữa những nước nào?
- Đừng hành các vị ấy nữa, Elena. Mình nên để người ta nghỉ ngơi đôi chút sau một cuộc hành trình vất vả.
- Hay chửa, bây giờ tôi muốn biết điểm này. Xin các vị cho biết có bao nhiêu loại kính phóng đại và trong trường hợp nào ta thu được ảnh thực, ảnh ảo, ảnh dảo, ảnh đứng?
- Nhờ đâu mà bà am hiểu vật lý học đến thế?
- Ở Yuratin chúng tôi trước có một giáo sư toán học lỗi lạc. Ông ấy dạy ở cả hai trường trung học, trường nam và trường nữ chúng tôi. Ông ấy giảng hay lắm, hay không thể tưởng tượng được! Y như một vị thánh! Tựa hồ ông ấy nhai sẵn rồi mớm cho chúng tôi. Tên ông ấy là Pasa Antipop, vợ ông ấy cũng dạy học ở thành phố. Đám nữ sinh, cô nào cũng chết mê chết mệt vì ông ấy. Ông ấy tình nguyện ra mặt trận và không trở về nữa. Bị giết. Người ta quả quyết rằng cái nhà ông tư lệnh Strelnikov, cái hình phạt do trời giáng xuống đầu chúng ta ấy chính là ông Pasa Anti- pov tái sinh. Dĩ nhiên, đó chỉ là huyền thoại. Và chẳng giống mấy. Nhưng biết đâu đấy? Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Các vị uống một tách trà nữa nhé?