Thời kỳ cực thịnh 1810 - 1811
Chương 11-Phần 2

Nếu không hiểu bản chất đường lối kinh tế của Na-pô-lê-ông thì không thể nào thấu hiểu được rằng nền đế chế của Na-pô-lê-ông dựa vào cái gì và cũng không thể nào lý giải một cách đúng đắn và thoả đáng những Nguyên nhân đã làm cho chế độ Na-pô-lê-ông sụp đổ. Cuộc phong toả lục địa chỉ là một bộ phận tổ thành nền pháp chế kinh tế do Na-pô-lê-ông ban bố.
Chính sách của Na-pô-lê-ông trong lĩnh vực này hoàn toàn phù hợp với đường lối chủ trương chung của Na-pô-lê-ông.
Từ chỗ là hoàng đế của nước Pháp, Na-pô-lê-ông đã hy vọng trở thành hoàng đế của cả phương Tây bằng một loạt các cuộc chiến tranh xâm lược và còn nhằm mở rộng lãnh thổ của mình sang tận Xi-ri, Ai Cập và ấn độ, nên khi đã là ông chúa tuyệt đối, trong chính sách kinh tế, Na-pô-lê-ông kiên quyết bắt "các quận mới" phải lệ thuộc vào quyền lợi của" các quận cũ", nói cách khác là lệ thuộc vào nước Pháp mà Na-pô-lê-ông đã chiếm được vào ngày 18 Tháng Sương mù. Vậy giữa các "quận cũ" và các "quận mới" của đế quốc khổng lồ ấy có gì khác nhau? Khác nhau rất xa, Na-pô-lê-ông đã cố tình xác lập dần dà cho các "quận cũ" vị trí của những lực lượng đi bóc lột, còn các "quận mới" thì vị trí của chúng là vị trí của những khu vực bị bóc lột, và vì lẽ đó mà phải dùng vũ lực để ngăn cản sự phát triển kinh tế của các nước bị chiếm.
Ngay từ năm đầu tiên lên nắm chính quyền, Na-pô-lê-ông đã có một thứ học thuyết riêng hoàn chỉnh và nó cứ tồn tại đúng như vậy không có gì thay đổi nó đến hết triều đại của ông ta: có cái gọi là quyền "dân tộc" và ngoài dân tộc ra là phần còn lại của nhân loại, phần ấy cũng có những quyền lợi của nó gọi là quyền lợi của nhân loại, quyền lợi của nhân loại không những phải phụ thuộc mà còn phải hy sinh cho quyền lợi của dân tộc. Nhưng biên giới của "dân tộc" đó là đâu? Phía bắc giáp nước Bỉ; phía đông không phải là sông Ranh, mà là đường biên giới ngăn cách nước Pháp cũ với nước Đức bên tả ngạn sông Ranh; phía tây giáp biển Măng-sơ và Đại Tây Dương, phía nam dãy núi Pi-rê-nê, Na-pô-lê-ông càng nhằm mở rộng phạm vi thế lực của mình lại càng tìm cách thu hẹp khái niệm quyền lợi "dân tộc", hạn chế diện tích địa lý cũng như quyền lợi kinh tế của cái nước đầy đặc quyền đặc lợi ấy, tức là "nước Pháp cũ". Điều này hoàn toàn có thể hiều được: khuynh hướng đó đều có mối liên hệ mật thiết với nhau trong tư tưởng của giai cấp đại tư sản kỹ nghệ và tư sản thương mại mà Na-pô-lê-ông đã lấy quyền lợi của chúng làm nền tảng cho đường lối chính trị ăn cướp của mình đối với các nước khác, đó chính là những quyền lợi mà Na-pô-lê-ông gọi là "quyền lợi dân tộc".
Chính bản thân nước Bỉ và vùng tả ngạn sông Ranh, tuy bị chiếm đoạt một cách vĩnh viễn, bị trực tiếp sáp nhập và bị phân chia ra làm nhiều quận, cũng không được coi là "dân tộc", mà chỉ đơn giản là những kẻ đối địch với giai cấp tư sản Pháp mà người ta có thể và cần phải tiêu diệt để biến đất nước ấy thành môi trường hoạt động của tư bản Pháp: đó là chưa kể đến xứ Pi-ê-mông, đến nước Hà Lan, đến các thành phố đồng minh thương nghiệp ở miền tây-bắc nước Đức, đến những tỉnh vùng I-ly-ri bị sáp nhập sau này. Tất cả những đất đai bị đế chế xâm chiếm đều nằm trong phạm vi đế quốc bởi vì có như thế người ta mới có thể bắt lính, đánh thuế, bắt cung phụng quân đội, v.v., nhưng mặt khác vẫn là ngoại quốc, bởi vì có như thế người ta mới có thể ngăn cấm được các xí nghiệp luyện kim và tơ sợi, các nhà sản xuất rượu mạnh người Bỉ, người Đức, người Hà Lan không được cạnh tranh với người Pháp ở trong nước Pháp cũ cũng như ở ngay trên đất nước của họ, tức là tổ quốc của họ mà Na-pô-lê-ông đã chinh phục.
Rất tự nhiên rằng đối với các nước bị chinh phục như: nước ý mà Na-pô-lê-ông đã xưng vương, nước Thụy Sĩ mà ông ta là "người đứng giữa hoà giải", Liên bang sông Ranh (gồm Ba-vi-e, Xắc-xơ, Vua-tem-be, Ba-đơ, v.v.) mà ông ta là "người bảo hộ", vương quốc Vét-xpha-li- tức là một khối các quốc gia thuộc miền trung và miền bắc nước Đức-mà ông ta đã phong cho em là Giê-rôm làm vua, nước Ba Lan với vua xứ Xắc-xơ mà ông ta đã lập làm chư hầu của mình, vân vân và vân vân thì, trong đầu óc Na-pô-lê-ông vẫn tồn tại cái ảo tưởng muốn cho tình trạng của những nước ấy phân biệt hẳn với nước Pháp - tất cả phải là thị trường tiêu thụ hoặc là nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp Pháp. Người ta bỏ tù những ai định lén lút đưa vào nước ý bất cứ phương pháp cải tiến kỹ thuật nào cần thiết cho công nghiệp nước ý, đó là điều mà Na-pô-lê-ông, "vua nước ý", đã nghiêm cấm để bảo vệ quyền lợi cho các nhà công nghiệp Pháp được hoàng đế Pháp Na-pô-lê-ông che chở. Na-pô-lê-ông chú trọng trực tiếp chỉ đạo việc chấp hành nghiêm ngặt đường lối chính sách của mình:
Na-pô-lê-ông cấm nhập vào Pháp, Hà Lan, ý loại dao Dô-lin-nghên, cấm nhập vải, len xứ Xắc-xơ vào vương quốc Vét-xpha-li; Na-pô-lê-ông ra luật cấm xuất cảng tơ sống của ý và của Tây Ban Nha, vì còn phải bảo đảm việc cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế tạo ở Ly-ông, ông ta định ra thuế xuất quan, thuế đặc biệt đối với hàng hoá xuất cảng của I-ly-ri, nếu như hàng hoá ấy không chuyển qua các nước dưới quyền đô hộ trực tiếp của ông ta, mà lại vận chuyển qua các nước chư hầu. Về vấn đề này, văn phòng của ông hoàng đế hằng ngày đã tung đi khắp châu Âu hàng đống đạo luật, quy chế, chỉ thị hoặc những lời khiển trách. Chính sách này đã làm giàu và củng cố giai cấp đại tư sản Pháp, nó cũng đã củng cố cả quyền hành của Na-pô-lê-ông ở Pháp, nhưng dĩ nhiên, nó gây phẫn nộ, nó phá hoại và đàn áp giai cấp tư sản công nghiệp và thương nghiệp và số đông người tiêu thụ khắp cả vùng của đế quốc rộng lớn, trừ các "quận cũ". Về quan điểm kinh tế, Na-pô-lê-ông, người sáng lập ra đế quốc phương Tây, chỉ là một ông vua người Pháp nặng đầu óc dân tộc hẹp hòi, chỉ là người tiếp tục sự nghiệp của vua Lu-i XIV và Lu-i XV, là người thực hiện vô số tư tưởng của Con-be. Vì lợi ích của giai cấp tư sản công nghiệp Pháp mà Na-pô-lê-ông đã mở mang trong nhiều năm trời toà lâu đài đồ sộ của nền quân chủ hoàn cầu của ông ta. Thật rõ ràng là trong khi bóp chết các lực lượng sản xuất của các nước bị nô dịch thì toà lâu đài ấy chỉ đi đến sụp đổ, dù cho không có cuộc khởi nghĩa của dân tộc Tây Ban Nha, không có cuộc cháy thành Mát-xcơ-va, không có sự phản bội của Mác-mông dưới chân thành Pa-ri, không có sự chậm trễ của Gru-si ở Oa-téc-lô, nói tóm lại, dù cho bức tranh chính trị và chiến lược của cuộc chiến đấu khổng lồ mà Na-pô-lê-ông đã đeo đuổi được phác hoạ khác hẳn với thực tế đã diễn ra trong những năm cuối cùng của triều đại ông ta.
Cũng sẽ không đúng, nếu ta nghĩ rằng Na-pô-lê-ông chỉ là kẻ chấp hành ngoan ngoãn ý nguyện của giai cấp đại tư sản, cái giai cấp đã đưa Na-pô-lê-ông lên nắm chính quyền và cuối cùng đã giao nền chuyên chính cho Na-pô-lê-ông. Đúng là Na-pô-lê-ông không những đã lấy quyền lợi của giai cấp đại tư sản làm nền tảng cho chính sách đối nội và đối ngoại của mình, nhưng phải thấy rằng đồng thời Na-pô-lê-ông còn nhằm buộc giai cấp tư sản khuất phục ý muốn của ông ta, bức giai cấp tư sản phải phục vụ cho cái nhà nước mà Na-pô-lê-ông coi là có "mục đích tư thân" và sự nô dịch châu Âu về mặt kinh tế mà chúng ta vừa nói tới thì Na-pô-lê-ông lại đặt nó nằm trong quyền lợi của nhà nước tư sản Pháp là chính Người ta rất hiểu rằng một vài tầng lớp của giai cấp tư sản không thể chấp nhận được điều đó và ngấm ngầm tiến hành một cuộc chiến tranh thực sự chống lại tình hình ấy bằng cách vi phạm những mệnh lệnh phiền nhiễu đối với họ và bằng tất cả mọi các kinh doanh bất hợp pháp như tích trữ đầu cơ, lũng đoạn giá cả, v. v.
Đến đây, ta cũng không quên được lời nhận xét tinh tế và sâu sắc của Mác trong cuốn Gia đình thần thánh, vì nếu không dựa vào đó thì việc phân tích các nguyên nhân gây nên sự sụp đổ của cái đại đế quốc Na-pô-lê-ông sẽ không được rõ ràng:
"Không phải là phong trào cách mạng ngày 18 Tháng Sương mù nói chung trở thành miếng mồi của Na-pô-lê-ông... - Mác viết - miếng mồi đó là giai cấp tư sản tự do...". "Vả lại ` đã phân biệt được thực chất của Nhà nước hiện đại; Na-pô-lê-ông hiểu rằng cái nhà nước ấy lấy sự tự do phát triển của xã hội tư sản, lấy sự tự do hoạt động của các lợi ích riêng, v.v. làm nền tảng. Na-pô-lê-ông đã nhất quyết thừa nhận nền tảng đó và đặt nó dưới sự bảo vệ của mình. Như vậy Na-pô-lê-ông không phải là một tay khủng bố không tưởng. Nhưng đồng thời Na-pô-lê-ông tiếp tục coi nhà nước là một mục đích tự thân "và giai cấp tư sản" chỉ là tên thủ quỹ và là kẻ dưới quyền ông ta, không được có ý chỉ riêng của nó. Ông ta đã hoàn thành chủ nghĩa khủng bố bằng cách thay thế cuộc cách mạng thường trực bằng cuộc chiến tranh thường trực. Na-pô-lê-ông lấy làm mãn nguyện đã nhồi được lòng ích kỷ dân tộc Pháp vào chủ nghĩa khủng bố ấy, nhưng đồng thời cũng lại yêu sách giai cấp tư sản phải hy sinh sự nghiệp, ý muốn của cải, v.v. mỗi khi Na-pô-lê-ông cần đến để thực hiện những mục đích chính trị xâm lược của ông ta. Bàn tay độc đoán của Na-pô-lê-ông đã bóp nghẹt chủ nghĩa tự do của xã hội tư sản - chủ nghĩa duy tâm chính trị trong đời sống hàng ngày của nó - và Na-pô-lê-ông cũng không hề dung thứ cả những lợi ích vật chất quan hệ nhất đến sự sống còn của xã hội tư bản, chẳng hạn nền thương nghiệp và công nghiệp, mặc dầu chúng chẳng xung đột gì mấy với những lợi ích chính trị của Na-pô-lê-ông. Việc Na-pô-lê-ông khinh miệt những kẻ "kinh doanh" chỉ là một sự bổ sung vào việc ông ta khinh miệt "những nhà tư tưởng". Và ở trong nước, Na-pô-lê-ông đấu tranh tư bản như là chống kẻ thù của nhà nước mà chính con người ông ta là hiện thân và cái nhà nước ấy được coi như một mục đích tự thân tuyệt đối. Vì vậy nên, thí dụ như Na-pô-lê-ông đã tuyên bố ở Hội đồng chính phủ rằng ông ta sẽ không dung thứ cho những địa chủ những vùng đất đai rộng lớn muốn trồng trọt hay không là tuỳ họ. Kế hoạch của Na-pô-lê-ông nhằm đặt nền thương nghiệp dưới sự kiểm soát của nhà nước bằng cách nhà nước nắm trong tay sự vận tải bằng xe ngựa cũng có ý nghĩa như vậy. Các thương nhân Pháp đã chuẩn bị sự biến lần đầu tiên làm rung chuyển thế lực của Na-pô-lê-ông. Bằng cách gây nên một nạn đói giả tạo, bọn tích trữ đầu cơ thành Pa-ri đ buộc Na-pô-lê-ông phải hoãn chiến dịch nước Nga lại hai tháng sau vậy là đã hoãn lại đến một thời kỳ quá muộn.
Đó là sự phân tích nhân vật Na-pô-lê-ông - trong vô số nhận định của Mác về ` - về mặt xã hội và chính trị đã được trình bày trong cuốn Gia đình thần thánh. Như vậy Mác đã vạch ra một cách rất tài tình rằng trong khi phân tích cơ sở xã hội của một đường lối chính trị nào đó thì nhà sử học không được coi thường vai trò cá nhân của những con người mà trong thực tế có trách nhiệm thực hiện đường lối chính trị đó, không được coi thường tính chất cũng như những cá tính của họ. Khi Mác nói "giai cấp tư sản tự do", trở thành "con mồi" của Na-pô-lê-ông, Mác đã quan tâm đến việc Na-pô-lê-ông xoá bỏ các nguyên tắc chính trị của cái bộ phận giai cấp tư sản đã nhìn thấy chính phủ lý tưởng của nó trong nền quân chủ lập hiến, thấy rõ việc tập trung quyền hành tuyệt đối vào trong tay nhà độc tài Na-pô-lê-ông, thấy rõ việc thủ tiêu các "quyền tự do" về mọi phương diện mà cuộc cách mạng tư sản năm 1789 đã nhân danh để khởi đầu. Mác nhấn mạnh rằng chủ nghĩa tự do tư sản, thể hiện trong hiến pháp 1791, đã bị đè bẹp ngay từ buổi đầu trong cuộc đấu tranh cách mạng do nền chuyên chính khủng bố của Hội đồng cứu quốc tiến hành, rằng cái mưu đồ định làm sống lại và làm mạnh thêm thứ chủ nghĩa tự do đó dưới thời Viện Đốc chính đã bị cuộc đảo chính của Bô-na-pác ngày 18 Tháng Sương mù bóp chết một cách không kém phần tàn khốc. Trong trường hợp trên cũng như trong trường hợp
dưới, mọi điều kiện cần thiết đã được thực hành để bảo đảm cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, và giai cấp tư sản đã tạm thời ủng hộ nền chuyên chính Gia-cô-banh lúc ấy là cần thiết để hoàn thành việc xóa bỏ hẳn chế độ phong kiến, và đã ủng hộ nền chuyên chính Na-pô-lê-ông như một hình thức chính quyền có khả năng bảo đảm sự thống trị của tư bản và thích ứng nhạy bén với việc tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược.
Thực tế, Na-pô-lê-ông đã điều khiển công việc của nhà nước theo như quyền lợi của giai cấp đại tư sản đòi hỏi, tuy rằng Na-pô-lê-ông chẳng ưa thích gì giai cấp ấy, và đã gọi chính quyền của bọn cự phú là "chính quyền quý tộc dơ dáy nhất". Na-pô-lê-ông thường luôn luôn nhắc đến một trong số câu nói của ông: "Trong thời đại chúng ta, giàu có là kết quả của sự ăn cắp và cướp đoạt".
Nền chuyên chính Na-pô-lê-ông, phục vụ lợi ích của nhà nước tư bản nói chung nhưng trong khi nhằm bành trướng thế lực bằng xâm chiếm các nước láng giềng thường đi trái với những nguyện vọng và nhu cầu của một vài tầng xã hội tư bản. Nền chuyên chính ấy coi giai cấp tư sản như một kho tàng vô tận phải phục vụ cho những mục đích chính trị phù hợp với những quyền lợi riêng của nó. Bộ phận lạc hậu về mặt chính trị của giai cấp tư sản Pháp, cái bộ phận chỉ biết có nhìn vào túi tiền, đã nhiều lần đối kháng với Na-pô-lê-ông. Mác đã nhận xét rằng đặc biệt là trước khi mở chiến dịch đánh nước Nga, một sự bất đồng ý kiến trầm trọng đã xảy ra, hay nói cho đúng hơn, sự bất đồng ấy đã giải thích chỗ rạn nứt sau này làm sụp đổ không những đế chế Na-pô-lê-ông, mà cả toàn bộ nền kinh tế tư bản xây dựng dưới sự bảo hộ của Na-pô-lê-ông. Vì vậy khi nói đến những nguyên nhân sụp đổ của đế chế Na-pô-lê-ông cần phải nhắc lại những tình trạng ấy.

Ngày 11 tháng 3 năm 1810, trong nhà thờ Viên, xung quanh đầy người xem, hôn lễ của cô công chúa Ma-ri Lu-i-dơ 18 tuổi và Na-pô-lê-ông đã được cử hành trước mặt toàn thể hoàng gia nước áo, triều đình và đông đủ các đoàn ngoại giao, quan lại cao cấp và các tướng lĩnh quân đội. Cô dâu chưa bao giờ được gặp mặt chú rể, ngay cả đến ngày cưới cũng không được trông thấy mặt, vì như chúng tôi đã nói, Na-pô-lê-ông cho rằng bận tâm và thân chinh đến tận Viên là một sự thừa ngay cả trong trường hợp hết sức đặc biệt là hôm làm lễ cưới mình, nhưng rồi Viên cũng lại thích nghi cả với cách xử sự ấy. Thống chế Béc-ti-ê và đại công tước Sác-lơ, cả hai, với thái độ trang nghiêm hoàn hảo, đã chấp hành đầy đủ mọi thủ tục lễ nghi mà một chú rể phải làm. Độc giả chắc hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi rằng: làm thế nào mà hai nhân vật đó có thể thay thế được chú rể vắng mặt? Thì đó cũng chính là một câu chuyện lạ lùng đối với cả những người đương thời ít biết đến những chi tiết về các cuộc cưới xin của hoàng gia. Béc-ti-ê được Na-pô-lê-ông phái đi thay mặt chính bản thân hoàng đế và chính thức cầu hôn với Ma-ri Lu-i-dơ, còn như đại công tước Sác-lơ, theo yêu cầu và lệnh mới của Na-pô-lê-ông, phải có mặt ở nhà thờ để Béc-ti-ê giao Ma-ri Lu-i-dơ cho và lúc này ông đại công tước ấy thay mặt Na-pô-lê-ông - cũng như Béc-ti-ê đã làm từ trước cho đến lúc này - dẫn Ma-ri Lu-i-dơ đến bàn thờ, đứng đó cạnh Ma-ri Lu-i-dơ trong khi làm phép cưới, sau đó bà hoàng hậu mới của nước Pháp đã được đưa về Pháp bằng các nghi thức và với đoàn hộ giá theo cương vị của mình. Khi đi qua các nước chư hầu, trong đó có xứ Ba-vi-e, đến đâu hoàng hậu cũng được đón tiếp xứng đáng với tư cách là vợ của con người đã chiến thắng châu Âu. Na-pô-lê-ông đi đón Ma-ri Lu-i-dơ không là mấy, trên đường đi Com-pi-e-nhơ. Lúc ấy hai vợ chồng mới nhìn thấy nhau, lần đầu tiên trong đời họ.
Việc này gây ra ở châu Âu một ảnh hưởng rộng lớn và được giải thích bằng nhiều cách. "Thế là từ này trở đi chiến tranh chấm dứt, châu Âu đã ở vào thế ổn định, kỷ nguyên hạnh phúc đã mở ra", đó là lời các thương gia trong các thành phố đồng minh thương nghiệp miền tây-bắc nước Đức, họ tin chắc rằng nước Anh, không có nước áo làm chỗ dựa ở trên lục địa nữa, sẽ phải đi đến thoả hiệp. Sau cuộc thăm dò lần đầu tiên ý kiến các quan lại cao cấp người Pháp, các nhà ngoại giao đã phát biểu rằng: "Chỉ vài năm nữa là Na-pô-lê-ông sẽ gây chiến với một trong số hai nước cường quốc nào mà sau này không tức khắc gả vợ cho ông ta".
Vì tình hình thế giới không ổn định, nên rõ ràng là mỗi việc tăng cường cho sự liên minh giữa Na-pô-lê-ông và nước Nga thêm chặt chẽ đều là một mối đe doạ đến chính sự tồn tại của nền quân chủ áo và mọi sự xích lại gần nhau giữa Na-pô-lê-ông và nước áo đều đặc biệt giúp cho Na-pô-lê-ông được rảnh tay đối với nước Nga. Một vài nhà quý tộc người áo, như ông hoàng thân Mét-te-ních, bố đẻ viên đại sứ áo ở Pa-ri trước đây, đã mừng rỡ trong bụng khi nhận được tin về cuộc hôn nhân sắp tới giữa Na-pô-lê-ông; con trai ông ta là Clê-măng Mét-te-ních, lúc đó đã là người có tiếng tăm, cũng vui lộ ra mặt, ở Sơn-brun, người ta nhắc đi nhắc lại: "Nước áo đã thoát nạn".
Thành phố Pê-téc-bua hoang mang và chấn động. Ma-ri-a Phê-đô-rốp-na hoan hỉ khi thấy không phải là con gái mình mà là con gái của hoàng đế nước áo đã bị mang nộp cho "con quỷ nửa người nửa bò".
Nhưng A-lếch-xan đệ nhất, Ru-mi-ăng-sép, Cu-ra-kin và cả những địch thủ hăng hái nhất của khối liên minh Pháp đều tỏ ra lo ngại. Họ thấy hình như áo đã hoàn toàn đi theo đường lối của Na-pô-lê-ông và hình như trên lục địa chỉ còn lại nước Nga là nước đương đầu với kẻ xâm lược đáng ghét của cả châu Âu.
Ngay khi vừa cưới xong, Na-pô-lê-ông đã tích cực gấp bội trong việc thực hiện triệt để chính sách kinh tế của ông.
chú thích:
. Na-pô-lê-ông sát nhập một số nước vào nước Pháp và chia các nước ấy thành từng quận, coi như những vùng chính thức của nước Pháp-ND.
. Theo truyện thần thoại Hy Lạp, Mi-nô-tô-rơ là một con quái vật (mình người, đầu bò), chuyên ăn thịt người, hằng năm thành A-ten phải mang người đến cống cho Mi-nô-tô-rơ - ND.
--!!tach_noi_dung!!--


Nguồn: VietKiem Forum
Được bạn: Thành Viên VNthuquan đưa lên
vào ngày: 27 tháng 12 năm 2003

--!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--