im Lân mời tôi cơm. Tiễn tôi di cư vào Sài Gòn. Có thêm một hai bạn trẻ. Kim Lân bữa nay đặc biệt xôm chuyện. Tôi chợt thấy muốn ghi âm và phân tích cái giọng đặc biệt dân dã, chum chúm khép nép mà chất chưởng, chua chát, buồn mà buồn cười của anh.- Trần Đĩnh đến đền thờ Sĩ Nhiếp chưa, Kim Lân hỏi? Này, xem ra ngày xưa các cụ ta có trước có sau đáo để nhá, ai lại làm đền thờ cả thằng thống trị. Nhưng không có ông thái thú tổng giám đốc nha học chánh đầu tiên ở An Nam mình lúc ấy bị gộp vào quận Giao Châu Trung Quốc để mở ngôi trường đầu tiên ở huyện Thuận Thành Bắc Ninh, tạo ra mẻ học trò thò lò mũi xanh, chốc đầu thối tai đi tiên phong gieo hạt giống trí tuệ Tàu cho xứ sở thì làm gì có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… lớp kẻ sĩ biết sất phu hữu trách. Cái chú bé con đầu tiên đến lớp cũng là một thứ Kha Luân Bố vượt biển tìm bờ chữ cho con cháu sau neo đậu vào. Thằng Đĩnh này nó bảo đọc và viết, hai chìa khoá chính của học vấn và kiến thức là chữ Trung Quốc. Nó lại bảo kỹ nữa thì phải thêm cả cái chìa khoá mở vào khoa học cũng “made in China”: đếm - đếm là gọi trẹo đi của chữ điểm. Rồi tách từ tích, phân tách…, những phạm trù có tính công cụ của khoa học. Hừ, xem, cấm có chữ nào các cụ để cho nguyên xi. Như hớn trong động hớn là bẻ quẹo chữ hứng Tớ bảo chắc ta chỉ cho ông anh quá cảnh vào thượng tầng thôi thì nó hỏi thế “tôi mó đùi cô” là thượng hay hạ? Hạ mà mó đùi cô là Tàu nhá. Chữ xếnh nghe nôm na chưa? Thế mà là do chữ sàng là lầm lẫn của Tàu mà ra xểnh tay, xểnh mồm, nói sảng. Rồi luýnh quýnh loáng quáng là từ chữ quýnh chí nước chày cuồn cuộn. Rồi cuốn, cuộn, quấn, quẩn, quận là ra từ chữ quyển. Phải nhận ông cha giỏi ta hoá chữ Tàu. Chỉ một chữ vinh trong quang vinh mà xén ra thêm thằng vẻ vang, vung vinh. Hai thằng này chọi nhau, hay không? Các cụ cho biết vẻ vang chính là anh em con dì con già với vung vinh. Chả bù bây giờ Hà Nội bắt sóng điện Bắc Kinh hai phai (hifi - phát âm thanh chất lượng cao) tuyệt đối và nhanh nhảu quá.Một lúc Kim Lân rầu rầu nói: Tớ kể một chuyện về Nam Cao. Hồi ấy, khoảng 1951, lâu quá rồi ông Nam Cao không thò ra được cái gì, sau Đôi mắt và Ở rừng. Khốn nạn, tắc tị cả lũ là vì các đấng thân yêu nhất của mình, đồng chí, chi bộ, Trung ương đều nói mình phải lột xác, cải tạo triệt để chứ lý lịch, lập trường hôi hám quá. Lúc ấy trộm vía, đang mê Mao, vặn lạp xường nhau ghê lắm. Như thế hỏi ai cầm bút mà chả run? Thế nào một hôm Nam Cao lại mời tổ văn nghe ông ấy đọc bản thảo rồi góp ý. Bọn mình mừng quá, ông anh cựa quậy rồi. Nam Cao đọc. Hết chương một, ngừng lại. Tất cả lặng như tờ. Đọc chương hai. Lại ngừng, lại lặng như tờ. Sang chương ba. Lần này Nguyên Hồng cười phá lên rồi líu tíu chỉ vào Nam Cao nói: “Nam Cao ơi Nam Cao, sao viết giả thế hả?” Nam Cao cầm bản thảo lên, không nói không rằng giơ nó xé làm đôi, xoay ngang xé làm tư, xoay ngang nữa xé làm tám… Bọn mình ngồi vừa thương vừa phiền. Khổ, ông Nam Cao mà toan nhập vào một bần cố nông đứng ra làm nhân vật chính của một tiểu thuyết. Kể ra ác thật, bắt đẻ cho thật mắn con để phục vụ nhân dân lao động, nhưng con nào cũng phải mặt hoa da phấn, tài cao đức trọng như chư vị bần cố nông binh. Ông giáo Nam Cao đang lột xác để cho ra đời đội ngũ mặt hoa da phấn, tài cao đức trọng này. Tội thật, nhận mình phế vật phải lột xác là đã trắng mắt tự khinh mình chẳng ra cái chó gì rồi thì còn làm nổi cái khỉ gì nữa? Sau chuyện này vài tháng Nam Cao vào Nam Hà làm thuế nông nghiệp các đồng chí Trung Quốc vừa sang dạy cách làm, rồi chết. Ba mươi tư tuổi. Chưa bằng nửa tuổi Trần Đĩnh với tớ ngồi đây. Cái chết đó là bản thảo thành đạt nhất của cuộc thâm nhập thực tế giả (thuế nông nghiệp kiểu Tàu bê sang ta thì giả quá rồi!) hay là sống giả thêm một bước. Thương ông Nam Cao thật. Cũng biết mắt trắng mắt xanh, cũng khinh nhờn nhiều anh lắm cơ đấy. Ấy thế mà… Nam Cao chết, người ta lại bảo Kim Lân lên đường. Thì lên đường. Tớ xuống huyện, huyện uỷ hoan nghênh, cho một giao liên đưa, bảo đồng chí vào nam phần Bắc Giang trước rồi chúng tôi vào sau. Nghĩa là mình đi xích hầu đánh động cho họ. May mà tớ nhát, thuyền sắp đến bến, tớ bảo anh giao liên hãy cho thuyền ghé vào dưới bến một quãng xem. Thì nghe thấy lính Tây suỵt chó, tiếng chó đánh hơi. Tớ vội tụt xuống đám bèo, thò có cái mũi lên chờ. Khoảng nửa giờ, bọn lính bật lửa châm thuốc hút kéo nhau đi. Tớ bèn lội ngược sông cho tới lúc nghe thấy tiếng búa lò rèn bờ phía bắc đập chí chát thì biết đến vùng ta rồi mới sang sông trở về không đi nữa. Chưa hết. Lại bắt ba anh Nguyễn Tuân, Như Phong, Phan Kế An xâm nhập nam phần Bắc Ninh, Khi về, ba lô anh nào cũng vài bao thuốc lá Cotab, xà phòng Shang-gai, Nguyễn Tuân bảo tiếng Anh, tiếng Tàu nó đề là Shanghai by night, Thượng Hải chi dạ, chốn hoa lệ bậc nhất cõi Viễn Đông, hòn ngọc này mới đáng hòn ngọc. Anh này hễ chỗ nào có tí thơm thom ngon ngon là hít được ra nhanh lắm! Thế nhưng vào chỉnh huấn lại tự xỉ vả là mê tư sản, sa đoạ. Này, nói chứ dễ nhận sai, dễ chịu mắng mỏ quá. Đảng cải tạo cho mất cái thói ầm ầm làm theo này mới đúng. Ngừng một lát, Kim Lân nói tiếp:- Nói chuyện mới. Thế nào gần đây đùng một cái ông Tố Hữu lại mời tớ. Lạy thánh mớ bái chứ em vốn cả hãi ông. Ông tên Lành nhưng em gặp em cứ ghê ghê. Thì ra ông gọi lên nhờ viết tựa cho quyển hồi ký mới ra. Đã phải vời đến tớ là thôi rồi đây.Im không nói tiếp. Một lúc, tôi hỏi: Rồi? Thì khẽ thớ dài: Có mỗi cái tên Kim Lẩn.Kim Lân mà đứng vào cạnh ngài thì để mà rụng tiệt hết cả ư? Này, ông Lành có con mắt ghê. Tớ họp hay ngồi dưới cùng, một hôm ông ấy xuống hỏi sao dạo này im không viết, chuyển ngành mà không báo cáo ư? Tớ bốc con dân chủ nói: Gớm, ông anh lại cứ phê bình em! Thế là tớ lạnh toát ngay người, gớm! mắt ông ấy nhìn lúc ấy, chết chết… Đùa xuôi là dân chủ, đùa ngược là phạm nguyên tắc tập trung ạ! Tôi hỏi: ông này có nói với cậu là ông ấy ngủ trưa bị Xuân Diệu nghịch tuột hết ra quần phải không?Kim Lân tru miệng lại, tròn mắt nói: Mày nhớ kinh thật! Có chuyện ấy. Tớ đang tắm suối, ông ấy ra giặt quần đùi đã tố khổ rồi lại còn hỏi tớ có mang xà phòng theo không mà. Tớ chỉ đống lá chuối vo lại thay sơ mướp cọ người bảo có xà phòng kia đấy. Ngày xưa thân ái vầy nhau thế mà sau quan cách xa nhau thế!Tôi lại nói Tô Hoài một lần bảo tôi: Nam Cao nếu còn sống thì không vướng Nhân Văn cũng sa vào xét lại các cậu. Tớ biết Nam Cao, bề ngoài phẳng lặng thế thôi chứ bụng ngổn ngang lắm. Từ lúc chưa Đại hội 20 gì cơ… Kim Lân xen luôn: Tô Hoài nói đúng đấy. Tâm sự tơ vò ra phết đấy. Tôi kể chuyện Võ An Ninh nói với tôi ngày Võ là viên chức kiểm lâm một tỉnh nhỏ. Buồn tình Võ chụp ảnh và triển lãm. Ai ngờ thứ hai, chủ Tây gọi gặp luôn. Đã lo lỗi gì ai ngờ chủ khen ông có tài chụp ảnh, tôi đã xem triển lãm, nay tôi lòng thành muốn được giúp ông. Thế này, tôi xin tặng ông một phòng tối với đủ thiết bị in tráng, phóng ánh để ông đùa vui trong đó. Chủ Tây mời Võ dự dám cưới con gái. Cuối tiệc đề nghị Võ chụp ảnh gia đình. Bà chủ liền xếp đặt thì ông chủ nói: Đây là lĩnh vực ông Võ, chúng ta theo lệnh ông. Kim Lân nhành mồm: Thực dân lại mua chuộc nhân tài thế cơ chứ nhì.Thế rồi đùng một cái, quặt sang chuyện Nông Đức Mạnh: “Khí vô phép chứ ông này tớ thấy ngây thơ cụ cơ mà vụng”. Đợi tôi nhìn anh chằm chằm một lúc, Kim Lân mới nói tiếp: “Báo vừa đăng rằng ở hội nghị lý luận trung ương, Tổng bí Mạnh kêu gọi các nhà lý luận hãy gắng tìm hiểu xem bóc lột là gì! Nghĩa là cả đời ông ấy chỉ học có bóc bánh và lột lạt thôi. Chả lẽ lại văng tục với Tổng bí thư cộng sản chứ. Tớ như ông Marx là tớ về tớ bóp cổ cho lè lưỡi ra mà chết đành đạch ngay ở giữa trụ sở đảng. Đảng cộng sản tồn tại là do có chế độ người bóc lột người và sứ mệnh lịch sử của đảng là phải xoá bỏ giai cấp để triệt hạ bóc lột và giải phóng loài người, thế mà Tổng bí thư đ… biết. Mà Bộ chính trị chắc là thấy chí lí quá - đảng ta trong sáng thế cơ mà - cho nên im. Xin lỗi, tớ đến đây phải dùng chữ cu cậu… Cu cậu vờ ngây thơ cụ để tỏ ra rằng Đảng ta chưa từng tóm cổ thằng tư sản nào ném nó ra khỏi nhà máy vì đảng đâu có biết bóc lột là gì. Cứ bị các cu cậu thế này bảo ban thì… Kim Lân thở dài lắc đầu.Tôi chợt muốn nói nhiều về Kim Lân, về khối trí tuệ sâu sắc và hài hước rất dân dã khác người ở anh. Bèn kể chuyện hồi đầu 1967, một tối Kim Lân và tôi đi xe lửa lên Thái Nguyên. Anh ra đầu toa, rải ni lông rồi nằm đắp áo mưa ni lông, úp mũ lá lên đầu bảo tôi: Họ hỏi thì cậu cứ bảo cậu là người nhà, tớ bị thổ tả vào trong sợ lây sang cả toa. Gần Đa Phúc quả nhiên nhân viên đoàn tàu hỏi ai là người đi cùng người ốm ngoài kia. Tôi nói khẽ: ông ấy có nhiệm vụ đặc biệt, đừng để ông ấy bị lộ. Kim Lân cười: Tớ nhớ. Đi thăm vợ con sơ tán ở Chợ Đồn Nhớn, Phú Bình, cậu xuống Phổ Yên, còn tớ đi Lưu Xá. Lúc đến ga tớ xuống thì mấy tay nhà tàu nhìn tớ kỹ lắm. Một đứa nói: Đặc biệt cái cứt, y thằng nghiện… Này, xưa nay tớ nhận oai mà cấm bao giờ người ta tin đâu. Mặt tớ nó đ. oai được. - Kim Lân còn nhớ tối bị mèo vây đánh không, tôi nói.- Mèo đâu, cọp! Nhà thằng Phan Kế An! Hôm ấy hẹn thằng Đĩnh này đến nhà thằng An. Vừa tới chỗ cầu thang rẽ thì chúng lao xuống mở giao thông chiến luôn, gớm, tớ hết hồn rúm vào góc tường khua khua cái túi xách đỡ đòn, kêu cứu thì thằng này chạy ra giải vây. Lạ, mèo nó cũng nhận ra tớ là đứa bắt nạt ngon!Một bạn trẻ nói:- Thảo nào nhân vật của bác kém mọn… Con chó xấu xí, Vợ nhặt, Lão Hạc.Tôi suýt kể một chuyện nhưng kịp dừng vì con gái anh quanh quẩn hầu rượu gần đó. Kim Lân một lần bảo tôi là tao ghét chủ nhật. Nhà đây có bốn hộ, một anh công an, một anh xế lô, một cô nửa lao động lầm than nửa điếm và gia đình tao. Chủ nhật ba nhà đều gà kêu và thớt chặt côm cổp, mỗi nhà tao im lìm. Được cô điếm thảo lảo, đêm tắm, kia, cái vòi ngoài cửa sổ bàn làm việc của tao, đấy, mày nghiêng đầu sang phải một tẹo, thế, là thấy nó,… đấy… đấy. Biết tao làm việc ở đấy, cô ta tắm cứ phát đùi đen đét: Gớm lẳn thế, gớm trắng thế, sư nó chứ giám đốc sở gì mà phát rồ lên cắn làm tím mẹ nó đùi non người ta mất mấy ngày. Sáng sau gặp tao hỏi tối qua tắm cháu khí ầm có làm bác mất giấc không? Có nhẽ họ táo bạo được cũng là nhờ chủ nhật có gà cải thiện. Họ coi xoàng mình qua tiếng thớt, mày ạ. Thớt ông cả tiếng lại dài hơi.Đối với tôi Kim Lân có những nét đơn sơ mà làm tôi xúc động. Trong số đó nên nhắc đến chuyện này. Một sáng sau một thời gian dài, tôi đến Kim Lân. Anh đang ngồi chăm chú xem một ấm trà bé tí. Gian phòng khách nhỏ nom như một chuôi vồ thờ tự với mấy bậc tam cấp thấp bé, sứt mẻ mà nhìn thấy tôi luôn nghĩ đến cửa một toà tháp Chàm. Tôi dắt xe đứng yên nhìn Kim Lân một lúc. Thì chợt nhận ra, anh quay phắt người lại, kính tụt xuống đầu cánh mũi rồi anh hét lên: Thằng Trần Đĩ…ĩnh! Tiếng quát thất thanh lên vừa vui, vừa hờn. Sao lâu thế?