CHƯƠNG 43

1930
- Một cuộc du lịch qua các tỉnh Trung kỳ, vô Saigon, để xem xét tình hình.
- Tinh thần cầu an của thượng lưu, trung lưu " An nam "
- Một xu-hướng Tân V.N.Q.D.Ð.
Một buổi tối thứ bẩy, một người bạn đồng chí rất thân đến nhà trọ rủ Tuấn đi Bờ Hồ chơi. Hai người ngồi trên ghế đá trống dưới gốc cây phượng. Người bạn hỏi Tuấn:
- Anh có quen với ai ở Saigon không?
Tuấn nghĩ một lúc rồi bảo:
- Có một người bạn học cùng lớp ở Qui Nhơn, hiện giờ làm công chức sở Bưu Ðiện Saigon. Có một bạn nữa, người đồng hương, hiện làm trợ bút một tờ nhật báo lớn.
- Anh vô Saigon tiếp xúc với hai người đó được không? Thử đặt một cơ sở kỳ bộ thanh niên VNQDÐ ở Saigon, trong giới trẻ cách mạng rồi anh trở Hà Nội liền.
- Ði Saigon thì được. Nhưng còn tiếp xúc với hai người bạn đó sẽ có kết quả gì hay không, tôi không dám chắc. Người bạn làm Bưu Ðiện, thì lúc còn học ở Qui Nhơn, đã tỏ ra là một trong những đứa nhát gan nhất và sợ tây nhất. Còn cái anh trợ bút báo Công Luận thì hoạ may …Trong vụ lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, hắn cũng khá hăng hái …Nhưng hiện giờ mình không thể bảo đảm gì cả. Ðã mấy năm rồi mình không gặp hắn.
- Không hề gì. Anh cứ đi Saigon một chuyến xem. Thử tiếp xúc, và dọ dẫm tình hình, rồi sẽ liệu.
- Hôm nào đi?
- Hôm nào cũng được, tùy anh.
- Ðể tôi sắp đặt công việc học hành của tôi xem sao đã. Thời khóa biểu của tôi tháng này nặng lắm. Nhưng tôi có thể đi một tuần lễ..
Hôm sau, người bạn của Tuấn đến trao Tuấn 200 đồng (200 đồng hồi 1930 gía trị bằng 20.000 đồng năm 1970) và hai người thì thầm trò chuyện rất lâu. Rồi một buổi chiều, vào lúc 5 giờ, Tuấn xách chiếc va li nhỏ ra ga xe lửa mua vé tàu suốt Hà Nội – Saigon.
Tàu suốt cũng gọi là Tàu Tốc Hành (train-express) chạy đúng hai ngày hai đêm, chỉ ghé những thành phố lớn, 7 giờ tối ngày sau tàu đến ga Saigon.
Tuấn xuống một khách sạn gần ga, đường Amiral Roze (nay là đường Trương Công Ðịnh). Ðưa giấy căn cước cho người bồi khách sạn ghi vô sổ, rồi chàng đi tắm.
Trở lại phòng thay đồ đạc xong, Tuấn ra đi, ghé ăn qua loa trong một tiệm cơm “ các chú “ nơi góc đường, rôì đi bách bộ xem cảnh tượng thành phố ban đêm.
Saigon rộn rịp hơn Hà Nội nhiều. Thoạt tiên, Tuấn để ý đến hai điểm khác nhau giữa hai thủ đô: Saigon có quá nhiều tiệm, ăn, tiệm café, xe mì, hầu hết là của các chú và tiệm nào cũng đông đặc khách hàng. Ngoài ra còn có hàng quà vặt của phụ nữ bình dân ngồi bán đầy các lề đường.
Dân chúng ngồi ăn ngoài đường đông đảo và vui vẻ tự nhiên. Trái lại, ở Hà Nội, những tiệm ăn rất hiếm, các hàng quà vặt rất ít. Cả phố hàng Long trước ga chỉ có một tiệm ăn lớn của Hoa Kiều, Nam Kinh Tửu Lâu. Phố hàng Bông, hàng Gai dài từ chợ của Nam xuống đến chợ Cầu Gỗ, và phố lầu Gỗ xuống đến bờ sông, không có một tiệm ăn nào cả.
Trước kia, năm 1928, có tiệm ăn: Việt Nam ở phố hàng Bông, do Việt Nam Quốc Dân Ðảng mở ra làm nơi kinh tài bí mật của đảng, nhưng sau khi bị bắt và đóng cửa luôn Phố Hàng Da, Hàng Cót, Nhà Hồn cũng thế. Phố Hàng Ðào, từ Bờ Hồ lên đến chợ Đồng Xuân, qua phố hàng Giấy, lên phố hàng Ðậu, hàng Than cũng chẳng có một tiệm ăn. Chỉ có phố Hàng Cân có vài tiệm bán chả cá, phố hàng Nón, có độc nhất một tiệm phở Nghi Xuân. Trừ phố hàng Buồm mà đa số cửa hàng là của Hoa kiều, có hai ba tửu lầu lớn, còn hầu hết các phố phường Hà Nội đều vắng bóng tiệm ăn, tiệm rượu, tiệm café. Thỉnh thoảng có một vài quán quán cơm bình dân ở ngoại ô.
Theo Tuấn, có lẽ vì người Hà Nội thích ăn cơm trong gia đình, và không ưa đi tiệm. Chỉ khổ cho những người từ các nơi đến Hà Nội phải ở khách sạn, tìm được chỗ ăn là cả một vấn đề. Có lẽ tại vì phong tục ngoài Bắc là tránh những nơi “ tửu điếm trà đình “ cho nên trừ những trường hợp đặc biệt, còn thì không có cảnh tượng ngoài phố như Saigon.
Hà Nội thời Tiền chiến, là kinh đô cổ kính, nơi “nghìn năm văn vật đất Thăng Long” hãy còn giữ hầu hết những nét truyền thống của Nho phong.
Saigon khác hẳn, dù là Saigon lúc Tuấn từ Hà Nội vào, ngơ ngác giữa cảnh rộn rịp đêm ngày như tự cảm thấy mình thất lạc vào một thành phố hoàn toàn xa lạ.
Quen nếp sống thường ngày ở Hànội, Tuấn đến Saigon và đi xem phố xá cũng mặc áo veste và đeo cravate, Tuấn cảm thấy khó chịu ngay vì chung quanh mình công chúng toàn mặc áo bà-ba hoặc sơ mi trần. Cho đến các cô thiếu nữ 19, 20 tuổi đi ngoài phố cũng mặc áo bà-ba, khác hẳn với Hà Nội. Tất cả đều ngó Tuấn với cặp mắt tò mò. Tuấn ngơ ngác ngượng nghịu như một người ở tỉnh lần đầu tiên bước chân lên đô thị Saigon.
Sáng hôm sau, để thiên hạ khỏi để ý đến mình, Tuấn mặc sơ mi trần, không đeo cravate, ra đường gọi xe kéo xuống nhà Giây thép, có vẻ tự nhiên như một người dân Saigon.
Ðến Bưu điện hỏi thầy N. người ta chỉ qua phòng “ colis postaux” (bưu kiện) ở bên hông.Tuấn sang phòng này, may mắn trông thấy ngay N. người bạn học cũ ở Qui-Nhơn. Ðầu tiên, N. bỡ ngỡ hỏi:
- Ủa, Tuấn đi đâu đây?
Tuấn bảo khẽ, sợ người ngoài nghe:
- Mình ở Hà Nội mới vô hôm qua, muốn gặp N. nói chuyện chơi.
N. cười gượng:
- Ừ, nhưng bây giờ mõa đang bận việc. Ðể chiều nay được hông?
- Ðược
- Toa vô Saigon ở trọ nhà ai?
- Ở khách sạn Hồng Hoa, đường AmiraL Roze.
- Vậy thì chiều nay cơm nước xong, độ 8 giờ mõa chờ toa trước cửa ga xe lửa. Nhớ hỉ! Rồi bọn mình đi ra hóng gió ở Pointe des blagueurs, tha hồ nói chuyện. Nhớ hỉ!
- Pointe des blagueurs ở đâu?
- Chỗ cột cờ Thủ Ngữ ngoài bờ sông.
Ðúng 8 giờ tối, Tuấn kêu xe kéo ra bờ sông tìm đến chỗ Pointe des blagueurs (bây giờ là tiệm ăn Ngân Ðình của Hoa kiều), Tây và Ðầm ăn uống đông nghẹt. N. dắt Tuấn đi dọc theo bờ sông. Sau những câu chuyện hàn-huyên, Tuấn kể lại cho N. nghe về cuộc khởi nghĩa thất bại của VNQDÐ. Tuấn dò ý của người bạn cũ, thấy anh ta có vẻ rất khâm phục Nguyễn Thái Học và các đồng chí của Học trong VNQDÐ. Anh nói hăng lắm, khác hẳn lúc còn là học sinh ở Qui Nhơn. N. ca tụng Nguyễn Thái Học và Nguyễn thị Giang, hai nhà anh hùng “ xứng đôi vừa lứa “đã đi vào trong lịch sử.
Tuấn khấp khởi mừng thầm, hỏi N.:
- Thí dụ bây giờ có một chi nhánh VNQDÐ ở Saigon đây anh có tham dự không?
N. trố mắt ngó Tuấn:
- Không! Moả làm vậy, họ bỏ tù mõa thấy mẹ!
Tuấn cười:
- Vậy sao anh vừa khen Nguyễn Thái Học với Nguyễn thị Giang quá vậy?
- Mõa khen họ nhưng mõa không làm như họ được, vì moã còn phải lo giữ cái nồi gạo của mõa chớ.
Tuấn cười:
- Nếu vậy thì thôi.
Ðể N. khỏi nghi ngờ về nhiệm vụ bí mật của Tuấn, chàng nói tiếp:
- Mõa hỏi đùa toa cho vui đấy thôi, chớ tụi mình còn con nít quá, làm gì được đại sự như Nguyễn Thái Học!
Không hy vọng thuyết phục được người bạn công chức chỉ yêu nước bằng lỗ miệng. Tuấn đi tìm người bạn thứ hai, trợ bút tờ báo “ Công Luận “, tức là L’Opnion bằng Pháp ngữ, là của một công ty người Pháp, và dĩ nhiên là một tờ báo triệt để thân Pháp.
Người bạn học cũ của Tuấn là trợ bút ở báo này chắc là phải theo đường lối của chủ, nghĩa là của Pháp,không thích hợp với chủ nghĩa quốc gia của người Việt Nam. Tuấn biết như thế nên rất thận trọng trong câu chuyện tiếp xúc với người bạn cũ.
Thời bấy giờ các nhựt báo ở Saigon phát hành vào khoảng 9 giờ đêm để bán đến sớm hôm sau, và toà soạn làm việc từ 5 giờ chiều, báo lên khuôn lúc 7, 8 giờ tối.
8 giờ, Tuấn gặp người bạn tại trước cửa toà soạn. Anh bạn trợ bút dắt Tuấn đi ăn “ bánh đập “ ở góc đường Frère Louis và uống xá xị. Ðường Frère Louis nay đổi tên là đường Võ Tánh, và tiệm bánh đập ở trên một khoảng đất trống khá rộng nay là chợ Thái Bình. Ðây là tiệm bánh đập có tiếng nhất ở Saigon thời bấy giờ, lúc nào cũng đông khách, người tới lui tấp nập. Loại bánh đập này là món ăn bình dân rất được dân chúng Saigon ham thích trước đây 30 năm, không hiểu vì sao ngày nay biến mất, không còn thấy ai bán nữa.
Tuấn và anh em trợ bút (nay gọi là ký giả) báo Công Luận, ngồi riêng một bàn nhỏ ở góc sân gần trong bóng tối. Vừa ăn, vừa nói chuyện về “quốc sự”. Một đề tài bị người Pháp cấm ngặt thời bấy giờ, nên phải nói chuyện thì thầm lén lút, giữa đám đông người.
Câu chuyện kéo dài đến 10 giờ đêm, nhưng anh trợ bút báo “ Công Luận “ xem chừng không hăng hái chút nào đối với công việc dự định tổ chức một kỳ bộ Thanh niên VNQDÐ Ở Saigon. Anh ta nói thì hùng hồ lắm, nhưng lại nhát gan, không dám tham gia một cuộc phiêu lưu cách mạng nguy hiểm. Cuối cùng, anh ta định giới thiệu cho Tuấn một giáo sư bạn thân của anh, cũng là một người có “đầu óc “.
Tuấn gặp ông giáo sư, người Nghệ An, trước dạy trường collège de Vinh, bị đuổi vì tham gia các cuộc bãi khóa của học sinh năm 1927. Ông trốn vào Saigon, dạy tư tại “ Trường tư thục Phan Bá Lân “ và có tiếng là một tay “ quốc sự “ hăng hái nhất. Nhưng ông đã có chân trong một “ hội kín “ gọi là “ Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội “. Ông công kích VNQDÐ, cho rằng QDÐ, “ làm việc hồ đồ “, thiếu kỷ luật và tổ chức không chặt chẽ “. Thay vì hường ứng kế hoạch thiết lập Kỳ bọ Thanh niên VNQDÐ của Tuấn ông giáo sư lại muốn lôi kéo Tuấn về thành lập Kỳ bộ Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội tại thủ đô Bắc kỳ.
Tuấn từ chối và nhất định trung thành với VNQDÐ. Nhân dịp viếng thăm Saigon, Tuấn được hân hạnh quen biết thêm một vài bạn trẻ ở “ Hội Kín Nguyễn An Ninh” và “ Tân Việt Cách Mạng đảng “, hai Hội cách mạng mới thành lập.
Nhưng đời sống quá rộn rịp của “ Kinh đô Ánh Sáng “ không thích hợp với Tuấn chút nào cả. Mới ở được 5 hôm, một buổi tối Tuấn đi chơi về khách sạn, gặp anh bôì phòng ngồi trên chiếc ghế đẩu trước cửa vào. Anh bồi phòng cho Tuấn rõ có tên lính mã tà mướn phòng ở đối diện với phòng số 9 của Tuấn, và thừa lúc Tuấn đi vắng hẳn lẻn mở cửa phòng của Tuấn. Hắn có chìa khóa mở được phòng của Tuấn và lục soát đồ đạc của Tuấn để trong phòng. Ðồ đạc của Tuấn thì có chi! Một chiếc va li cũ kỹ đựng vài bộ quần áo Tây và An nam. Ngoài ra Tuấn có đem theo một mớ tiểu thuyết Pháp ngữ và Anh ngữ để đọc trong lúc rảnh, và một quyển tự điển Larousse, một quyển tự điển Anh mới mua ở Saigon.
Tuấn không một chút lo ngại, và còn mong người lính mã tà khám xét thiệt kỹ phòng ngủ của chàng để thấy rõ rằng chàng không có gì khả nghi, và chàng là nột người hoàn toàn lương thiện. Nhưng chiều hôm sau, Tuấn hết sức ngạc nhiên nhận được giấy gọi đến Sở Mật Thám Pháp ở Saigon.
Tại đây một viên thanh tra Pháp xem căn cước của Tuấn rôì hỏi:
- Cậu là sinh viên ở Hà Nội, cậu vô Saigon có việc chi?
Tuấn trả lời liền:
- Tôi vô Saigon để tìm việc làm.
- Ở Saigon không có việc làm cho cậu. Tốt hơn là cậu nên trở về Hà Nội.
- Tôi cũng định ở Saigon vài ba hôm nữa rồi trở về Hà Nội.
Viên thanh tra Mật thám Pháp ngó thẳng vào mắt Tuấn và truyền lịnh:
- Không, cậu phải mua vé xe lửa về Hà Nội ngay 7 giờ tối hôm nay.
- Thưa ông, tại sao tôi phải đi tối nay?
- Không tại sao cả. Nếu cậu còn ở lại Saigon đêm nay, tôi sẽ cho lính mã tà đến bắt cậu.
Tuấn không có đồng hồ. Ngó lên vách tường, đồng hồ của phòng giấy mật thám đã 5 giờ 30, Tuấn chỉ còn 2 giờ để sửa soạn hành lý và mua vé về Hà Nội. Tuấn đi ăn cơm ở tiệm các chú, ra đến ga chỉ còn 5 phút. Tuấn vội vã mua vé và xách va li, len lỏi đám đông hành khách ra bến tàu.
Một tên lính mã tà đứng soát giấy căn cước ngay tại chỗ cửa. Sợ trể tầu, không muốn cho hắn xét giấy, Tuấn xách va li đi thẳng. Người lính mã tà gọi Tuấn lại, và chạy theo Tuấn vừa gọi:
- Ê! Cậu kia!
Tuấn chỉ kịp bước lên tầu trong lúc Tàu suốt Saigon-Hà Nội hụ lên một tiếng chát tai và từ từ lăn trên đường sắt. Nghiêng đầu ra cửa sổ hạng tư ngó xuống bến, Tuấn còn thấy tên lính mã tà đứng hằn học chỉ ngón tay lên Tuấn, miệng chửi thề:
- Ð. mẹ mầy!
Trên đường về Hà Nội, Tuấn có ghé lại vài thành phố quen thuộc ở Trung Kỳ: Nha Trang, Qui Nhơn, Tourane, Huế.
Mỗi nơi Tuấn chỉ ở hai hôm, hoặc ba hôm, và tìm lại các bạn cũ để dọ hỏi về tình hình địa phương. Hầu hết các bạn cũ của Tuấn, cùng học trước kia ở Quảng Ngãi, Qui Nhơn, những cậu học trò tinh nghịch, phá phách nhất, bây giờ đã trở thành những thầy Thông, thầy Phán, thầy Ký, thầy Trợ Giáo – những công chức Nhà Nước, oai vệ trong bộ Quốc phục, khăn đen áo dài, hoặc đàng hoàng trong bộ âu phục theo thời trang.
Mới xa cách ba năm (1927-1930), mà không khí đã đổi khác rất nhiều. Phong độ học trò không còn nữa trên nét mặt của những người bạn cũ. Tuấn rất ngạc nhiên là chính những bạn hăng hái nhất trong cuộc bãi khóa năm 1927 và các cuộc hoạt động quốc sự, một khi đã từ giã ngưỡng cửa học đưòng, đã trở thành những người công chức hiền lành ngoan ngoãn nhất. Gặp lại Tuấn, họ rất niềm nỡ vui vẻ, mời Tuấn về nhà dùng cơm vơí họ, ở chơi với họ một vài buổi, săn đón hỏi han rất thành thật hăng hái về Việt Nam Quốc Dân Ðảng và cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái, về Nguyễn Thái Học, Nguyễn thị Giang v.v…
Với một chút hãnh diện rất tự nhiên của kẻ đã được may mắn chứng kiến vài biến cố quan trọng của Lịch Sử hiện đại ngay trên đất ngàn năm văn vật, ở Thăng Long huyền bí xa xưa. Tuấn thuật lại cho người bạn cũ nghe vài ba chi tiết đặc biệt về các hoạt động của VNQDÐ trong giới trí thức và sinh viên học sinh ở Hà Thành. Các bạn Tuấn nghe hồi hộp say mê, gần như bị kích thích mạnh bởi những chuyện mạo hiểm ly kỳ, dũng cảm của tuổi trẻ hăng say vì lý tưởng.
Nhưng đêm đã khuya, khi Tuấn bắt đầu đưa ý kiến nên tham gia trực tiếp vào những hoạt động cụ thể nhằm mục đích phụng sự Cách Mạng ở ngay địa phương, thì các người bạn, kiếm cách từ chối. Họ sợ công việc sẽ đổ bễ, họ sẽ bị giam cầm tù tội, sẽ mất “ nồi gạo “, và sợ liên lụy đến cha mẹ, vợ con.
Sự thật Tuấn rất thông cảm với thái độ hoàn toàn thụ động của các công chức ăn lương của Nhà Nước Bảo Hộ, nên không dám hoạt động chống Nhà Nước Bảo Hộ. Họ không thể bạt mạng như hồi còn là học sinh. Bây giờ mỗi người là chủ một gia đình, có bổn phận và trách nhiệm đối với vợ con, nhiều khi với cả cha mẹ, anh em nữa, vì đa số công chức Việt Nam thuở ấy làm việc để nuôi cả một gia đình đông đảo, tuy tiền lương không được dồi dào rộng rãi.
Vấn đề lương bổng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của giới trung lưu. Trách nhiệm vật chất của người công chức đối với gia đình bên nội, bên ngoại là những trở ngại rất lớn cho lớp người trai trẻ có lý tưởng quốc gia, có chân tâm ái quốc, có chí hướng phụng sự cách mạng và tranh đấu cho độc lập tự do.
Hầu hết những bạn cũ có tâm huyết, đồng chí hướng với Tuấn lúc ở nhà trường đã từng mơ tưởng những giấc mộng phiều lưu mạo hiểm, muốn noi gương các bậc anh hùng trong Lịch sử, nuôi chí hồ-thỉ tang bồng, đều bị kẹt vào những hoàn cảnh thực tế và nhu cầu cần thiết của gia đình. Sau khi thi đỗ mảnh bằng Thành Chung, những thầy Thông, thầy Ký, các bạn ấy hưởng ứng sốt sắng và nhiệt thành khuyến khích, ủng hộ, nhưng chỉ trong tinh thần mà thôi.
Học đường đã đào tạo những cậu học sinh sinh viên tuấn tú, với một căn bản trí thức khá đầy đủ, vững vàng. Tổ quốc đã rèn đúc thành những chành trai có chí khí, có hoài bão, nhưng khi người bạn trẻ từ giã mái trường, thì gia đình lại đòi chàng về đễ phụng sự cho đời sống của gia đình trước đã.
Tuấn, vô tư nhận thấy rằng chính tình trạng “ cầu an “ của giới thượng lưu và trung lưu của xã hội An nam trước đây là nguyên nhân sự phát triển chậm chạp và khó khăn của các đảng Cách Mạng Quốc gia, mà đầu tiên là Việt Nam Quốc Dân Ðảng.
Trái lại, nhờ cuộc đi Saigon và lúc trở về ghé thăm mấy thành phố lớn của Trung Kỳ, Tuấn rất ngạc nhiên thu lượm những tài liệu bí mật chứng tỏ rằng Ðảng Cộng Sản Ðông Dương (Ðông Dương Cộng Sản Ðảng) đã bành trướng mau lẹ hơn và sâu rộng hơn trong giới đồng bào bình dân. Những cán bộ tuyên truyền Cộng sản đã chạm phải thái độ cầu an của các cấp Trung lưu, nên họ chỉ hoạt động mạnh trong các giới Công Nông mà thôi.
Nếu Cộng sản thành công hơn các đảng phái Quốc gia, chính là nhờ sự ủng hộ cuồng nhiệt của một số tín đồ trung kiên trong hai giới sau.
Về Hànội, Tuấn tường thuật rõ ràng cuộc du lịch vô Saigon và qua các tỉnh Trung kỳ cho các thanh niên đồng chí nghe. Tuấn kết luận như sau đây:
- Phải cải tổ chương trình hành động của VNQDÐ, làm cho thích hợp không những với hoàn cảnh của các giới thượng lưu và trung lưu, mà còn với giai cấp Công Nông nữa. PHẢI GẮT GAO TRANH DÀNH ẢNH HƯỞNG VỚI Đông Dương Cộng Sản đảng, vì chắc chắn sau này VNQDÐ sẽ phải đương đầu với Ðông Dương Cộng Sản đảng, VÌ HAI HỆ THỐNG LÝ TƯỞNG CHỐNG CHỌI NHAU TRÊN KHẮP CÁC PHƯƠNG DIỆN CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, ÐẠO ÐỨC, LUÂN LÝ, GIA ÐÌNH, XÃ HỘI.
Sự thất bại đau đớn của VNQDÐ do cuộc khởi nghĩa quá sớm mà chưa kịp chuẩn bị kỹ càng về mặt tuyên truyền chánh trị cũng như kỷ thuật cách mạng, là bài học kinh nghiệm cho các hoạt động kể tiếp sau này.
Nếu cần, nên giao hết cho thanh niên trí thức, sinh viên cao đẳng và cao đẳng tiểu học, nhiệm vụ cải tổ hệ thống tuyên huấn của Ðảng.
Nhưng ý kiến của Tuấn đưa ra không được chấp nhận. Một số người mới của VNQDÐ phần nhiều ở trong giáo giới thủ cựu, những người có thiện chí nhưng vẫn theo mực thước cũ, không quan niệm được một sự cải tổ cấp tiến, và nguy hại hơn nữa là họ có mặc cảm tự ái và tự tôn đối với tuổi trẻ của thế hệ đang lên.
Xem thành phần của nhóm người mới, Tuấn không thấy một người nào có thể so sánh được, dù chỉ được 5 phần 10, với Nguyễn Thái Học. Không có ai vừa cứng rắn vừa sáng suốt như Ký Con. Nói thật ra không sợ mếch lòng, trong nhóm người đứng ra tiếp tục tranh đấu cho lý tưởng VNQDÐ sau khi anh Học chết, cho đến 1939, không có ai xứng đáng làm một lãnh tụ, một chân chính lãnh tụ.
Anh em sinh viên học sinh, thanh niên trí thức, không tín nhiệm nơi những người này nữa. Họ phân tán, sáp nhập vào những đảng khác, nhất là vào nhóm Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội có khuynh hướng cộng sản. Và cũng bắt đầu từ đấy Cộng sản hoạt động mạnh hơn trước nhiều, còn VNQDÐ thì bị chìm dần cho đến thời Nhật thuộc mới phát động mạnh trở lại. Nhưng VNQDÐ về sau sẽ bị một số người lợi dụng và chia rẻ hàng ngũ, không còn phong độ Cách mạng thuần tuý của Nguyễn Thái Học và Ký Con.
Ngay từ 1931, sau cuộc Khởi nghĩa thất bại, cũng như một số thanh niên trí thức, văn sĩ, sinh viên cao đẳng, học sinh trường Bưởi, Tuấn không muốn để ai lợi dụng lòng yêu nước thuần túy của mình.
Tuấn nhận thấy rất rõ rằng hoạt động chính trị được phát triển chừng nào thì đảng phái chính trị lợi dụng chừng nấy. Những người lợi dụng là những anh hùng cá nhân bất tài bất lực, chuyên dùng thủ đoạn vặt để tranh dành nhau làm lãnh tụ, gây uy tín và quyền lợi cá nhân trên lưng các đồng chí.
Ðó là nhận xét chung của một số thanh niên trí thức đã tha thiết say sưa với lý tưởng VNQDÐ, nhưng đã thất vọng nhiều với lờp người lãnh tụ mới, sau 1930.