áo Nhân Dân năm nay đặc biệt kỷ niệm báo ra hàng ngày nên tổ chức một buổi riêng ôn lại thành tích tuyên truyền chiến tranh chống Mỹ. Khoảng chừng năm sáu chục người dự, gồm toàn bộ các tổng biên tập xưa nay, từ Hoàng Tùng, phần lớn nguyên uỷ viên biên tập và chức sắc hàng vụ trường. Kỷ niệm đánh Mỹ cơ mà, vẳng mặt sao được?Tôi đến. Vừa vào phòng họp, tôi bị Hồng Hà túm ngay lấy, tươi cười bá vai đích thân rước lên trên đầu phòng họp: Chà chà, Trần Đĩnh…, Trần Đĩnh thì phải lên đây, nào, lên đây, ái chà, Trần Đĩnh thì phải ngồi thật cao… cao… nào… Tôi ngớ ra nhìn Hồng Hà đon đả. vẫn cái cười bặm môi dưới lại để cố giấu nó đi. Ngồi thật cao, tai tôi lần đầu tiên nhận lấy cái từ tố ba âm gắn nổi quái gở này. Hắn chỉ thấy có mỗi cái ngồi cao! Để được ngồi thật cao hắn đã không cho tôi giấy chứng nhận là cán bộ, đã cấm tôi vào Sài Gòn chịu tang bố, đã cấm tôi đưa Hoàng Cầm vào cơ quan, đã chỉ thị cho bộ phận thường trực cấm tôi đến báo… tóm lại cho tôi ngồi lên cao tít ở trên cực đỉnh của trấn áp vô văn hoá để cho đảng thấy hắn luôn nhớ vạch vòi bọn phản động! Hắn phải như thế với tôi vì cần xoá trắng câu về phân loại xét: lại ở báo Nhân Dân: “Trần Châu, Trần Đĩnh, Hồng Hà…” Bụng đã định hỏi: Có cao bằng thứ trưởng ngoại giao Từ Đôn Tín để cho cậu bí thư trung ương đảng phải xin Tín cho chỉ thị giải quyết việc Việt Nam rút quân ở Campuchia về không? Nhưng tôi kìm lại, chỉ giật tay về, gắt: Thôi đi, cao thấp chó gì. Vừa quay ra thì Hữu Thọ túm lấy. “Ối kìa, Trần Đĩnh, Trần Đĩnh khoẻ nhỉ…” Tôi nói, hơi quá rành rọt: Cậu khai man tuổi! Sao ở nội san lại viết Trần Đĩnh là đàn anh hơn tuổi? Đồng hồ quay ngược à? Năm sáu anh em đứng đó nhe răng ra cười khoái trá, (rõ nhất hàm răng Như Đàm) Hữu Thọ nhăn nhó, vẻ thảm hại quen thuộc: Không, Trần Đĩnh hơn tuổi mình thật mà… thật mà nhỉ, hơn… hơn chứ… Nhưng tôi đã đang chán cho tôi. Đáp lời hai người tôi đã có phần nào tức tối? Mà lại không dám hỏi hai cựu chiến binh Mao-nhều câu này, câu luôn có sẵn ở trong tôi: Bao giờ ra trước nhân dân nhận tội đã theo Mao. Tội tày đình đây. Nhờ Mao mới vênh vang thế này, biết không? Trần Kiên, cựu phó tổng biên tập, giới thiệu quan khách. Đến tôi, anh nói: “Trần Đĩnh, phóng viên chiến tranh”. Tôi đứng lên: Dạ, tôi không chiến tranh, tôi chỉ Bất Khuất. Một vạt người cạnh đấy vỗ tay. Cao Việt Hoà, phóng viên nhiếp ảnh nói to: Tôi phải học cách nói của anh Trần Đĩnh. Lát sau chị Lý y tế, dân Rạch Giá tập kết bảo tôi: Nghe anh nói không chiến tranh với lại bất khuất mà eo ôi, tôi sợ quá!Nói độp ra như thế vì thật sự tôi đang rất chối bởi chứng kiến một giàn chân dung toàn Mao-nhều háu đổ máu dân nay vẫn hết sức hớn hở đã được cùng Bắc Kinh đánh Mỹ, mặc dù nay Bắc Kinh ra đòn ức hiếp, bắt nạt đã rõ lù lù. Thế rồi tự nhiên tôi nghĩ về mặt người. Mặt người thế ra không bằng cây cỏ. Mặt người biết chiều nịnh kẻ quyền thế nhưng cây cỏ không! ông chủ trồng nó mà không hợp chất đất, không thuận thời tiết, không đúng kỹ thuật thì nó tự sát không cho thằng ngu hưởng! Vẻ như tôi đã học được cái nết này của cây cỏ do đó bị đảng đập nát. Trong cái chậu nước từng bị một chính khách gian hùng lắc cho đại loạn như ông kêu gọi, các vị Mao-nhều thống soái trong đảng đã biến tôi thành mảnh ván tàu chìm. Bị xốn xang một lát tôi lại tự dặn đừng tự vẩn đục. Hãy cố theo chú út Alyusha trong Anh em nhà Karamazov (trường thiên tiểu thuyết của văn hào Nga Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky - BT), bị người ném đá mà vẫn dửng dưng, ở đó, Boris Pasternak (văn hào Nga nổi tiếng với cuốn Doctor Zhivago - BT) bị các nhà văn đấu tố tơi bời đã nói - có ghi trong biên bản cuộc đấu tố: “Tôi không trông chờ sự công bằng ở các anh, các anh có thể bắn tôi, đày ải tôi, các anh muốn làm gì tôi cũng được nhưng tôi nói trước là tôi tha thứ cho các anh”. Tôi xin thua Pasternak. Vâng, thế thì công bằng ở đâu? Liên Xô sụp, các nhà văn bồi bút và bồi phán vẫn sung sướng như thường. Như những người từng đày ải Lão Xá, Ngái Thanh, Đinh Linh… Đây cũng thế. Người ta bợ Mao nên lên cao, khi chống Mao, người ta vẫn công lớn còn tôi vẫn tội to đùng: chống đảng, lật đổ. Tôi đã bị giằng co một lúc giữa cởi và buộc, giữ và buông. Tôi còn nặng chấp. Tuy biết cuối cùng họ cũng là vỉ miếng cơm manh áo. Giá như trận đấu công bằng và tôi thua như ông già thua Biển cả? Con khẹc. A, không, có lẽ do không khí ngôi thứ, những thành đạt vẫn mặt trơn trán bóng hí hửng nhởn nhơ xung quanh mà tôi nổi cơn cớ chăng. Sự so sánh tầm thường dễ làm người ta kém cỏi đi thật.Thế nhưng bỗng hiện lên một bộ mặt đã lâu không nhớ tới, nó làm tôi khuây: bộ mặt trong quyển Và gió lại tiếp tục các chuyến đi của nó của nhà văn Nga Bukovski, người mở ra phong trào tín chui viết lủi samizdat, cái phong trào minh bạch, công khai góp phần gió bão làm sập chế độ xô viết. Bukovski bị tù 12 năm. Trong tù, Bukovski gặp một bộ xương không răng, mặt xanh lè lè: toàn chữ là chữ. Trán xăm: Lê-nin ăn thịt người. Má phải: Nô lệ cửa ĐCSLX. Má trái: BCHTƯ chết đi! Đó là Klocki Tarassov. Năm 1944 bị tù vì ăn cắp. Rồi tù mãi, tù mãi mấy chục năm để cuối cùng thành tù chống cộng. Người ta lột đi mấy biểu ngữ phản động. Không thuốc tê, thuốc mê. Lột sống, bóc tươi. Nhưng mặt vừa lên da non. Tarassov lại xăm. Chế độ và người tù cá lẻ đấu với nhau ở quanh động tác lột và xăm. Và họ đã phải bắn chết cái biểu ngữ độc đáo duy nhất khác thường này. Huỳ nó để tránh trông thấy chính bộ mặt chế độ xô-viết tự phơi bày ở trên mặt ông. Thời nào, nhà cầm quyền cũng đều chu đáo đóng kim ấn lên mặt nạn nhân, chẳng hạn chống đảng, lật đổ như chúng tôi, rắc cho một vòng vôi bột quanh cái xác chết thổ tả, dịch hạch để xã hội ghê tởm mà xa lìa, một cách huỷ diệt đến cùng nhàn nhã nhất. Nhưng nhà cầm quyền không biết khi họ đóng kim ấn, rắc vôi bột vào nạn nhân thì chính lúc ấy, như một thứ phản hồi, họ đã trực tiếp nhận lấy dấu kim ấn và vôi bột mà nạn nhân đóng trà lại, rắc trả lại họ, Vậy tức là nạn nhân có vũ khí đánh trả. Đó là tội danh và bộ mặt nạn nhân và họ không được để mất nó. Tôi đã bị đóng kim ấn! Bị rắc vôi bột. Và tôi nhận ra giá trị tố giác tuyệt đối của bộ mặt nạn nhân. Nói như Camus (Albert Camus, nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1957 - BT). tình ý xót thương cho bất hạnh bản thân nó khiến cho ta hạnh phúc. Đúng thế! Tôi đã hạnh phúc mang kim ấn cùng vòng vôi bột đi diễu hành giữa thanh thiên bạch nhật, ở trung tâm Hà Nội. Đó là những khi tôi đòi kéo bằng được xe bò diễu quanh các phố Hàng Bài, Tràng Tiền. Không kéo xe bò thì ngày ngày tôi vác bộ mặt nạn nhân tươi tỉnh đi trình đường phố, nhận minh bạch đàng hoàng mình chống đảng. Học Nguyễn Công Trứ: “Càng phong trần danh ấy càng cao”. Và “Nợ tang bòng trang trắng vỗ tay reo”. Thật ra tôi đã muốn đem mình ra làm giáo cụ trực quan. Có thể một ai đó qua giáo cụ tôi sẽ phân biệt được ranh giới thiện ác mà vì vậy hết hiểu lầm dối trá là chân lý. Vậy phải vinh dự với bộ mặt nạn nhân. Phải giữ cho bộ mặt nạn nhân luôn đối kháng tuyệt đối với cực quyền. Nghĩa là phải tử tế, phải tốt. Phải khác họ hoàn toàn về sống, về cư xử với đời, với người. Lầm chân lý, tôi đã tự nguyện làm thủ phạm tàn phá trước hết vào chính ngay mình. Tôi vốn yêu viết. Nhưng đã không viết nổi. Đứa thú phạm là tôi bắt tôi viết dưới bóng tối của Thù Hằn và Dối Trá, lầm chúng là những bó đuốc của đạo đức và tư duy mới mà tôi đã cấy cưỡng vào tôi. Ôi, giá như tôi viết về một vùng đất mà ánh sáng hoá thạch của những con mắt nạn nhân chằng chéo trong không gian, nhiều đến nỗi đi cứ phải lấy tay vén như vén mành mảnh trúc vậy, mà nắp quan tài ở đó tự sáng tối tuỳ theo kẻ lìa đời bước vào đó tốt hay xấu, mà những vết nhọ chính trị trên các mặt quan bỗng nối lên thành những mảng lục địa bóng mọng như trứng cá caviar Biển Đen và hễ gió khẽ thổi là chúng phát ra các chữ khiến phụ nữ nghe phải trốn chạy. Tôi đã thường phải mượn Freud (Sigmund Freud, người Austria, cha đẻ của Khoa Tâm Lý Học - BT) để tự an ủi: Hạnh phúc chẳng qua là nén đi đau khổ. Mà có thế thật. Freud có một chuyện rất êm ả giúp tôi tự bào chữa, ông khám bệnh cho một đứa bé ở trong một gian phòng tối. Nó bỗng đòi ông nói. “ông nói lên đi ông”, “ông nói cũng có được gì đâu, đèn tắt cơ mà cháu”, “Không, khi có tiếng người nói, cháu thấy ánh sáng!” Tôi đã là đứa bé trong bóng tối mất nước nghe thấy tiếng gọi. Rồi một thời dài đứa bé ngoan ngoãn đi theo tiếng gọi ngỡ là đèn trời. Song phải nói càng sống tôi càng nhẹ nhõm. Đất nước quay trở lại với thế giới càng nhiều tôi càng thấy mình đang được nhân quần xoá án. Tự nhiên nhớ lại đầu những năm 90, tôi và con gái đạp xe đi thăm Trần Châu. Qua bờ bên kia sông Đáy sắp tới nhà anh, hai bố con dừng lại chữa xe. Ở giữa sườn con đê vắng ngắt, người chữa xe đặc sệt quê, bỗng nói: Cụ hôm nay đưa con gái về chơi? Tôi nói: Tôi là ông em, đây là con gái tôi. - “À…, giống thế! Các ông đúng, họ sai…, bây giờ họ làm những cái các ông đã nói đấy”. Câu nói ngắn gọn giữa hiu quạnh làm tôi rớm nước mắt. Ít ra nạn nhân Trần Châu đã đem lại cho chốn này một cái nhìn, dù cô độc.Thế rồi tôi bỗng vụt trở lại với hội nghị. Lưu Thanh đang nói về 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, đêm B52 cuối cùng hết nhẵn SAM 3, chỉ còn SAM 6, Hải Phòng hắn 100 quả làm pháo hoa chiếu sáng choang trời. Tính vừa xoẳn đến viên đạn cuối cùng để thắng Mỹ thì hạch toán tác chiến quá là siêu! Lưu Thanh nói xong, Nguyễn Sinh, xưa phóng viên thường trú Vĩnh Linh, Vĩnh Mốc lên nói. Lại tố cáo những chiến công giả người ta gán cho những Mẹ Suốt, chị Trần Thị Lý sông Lấp Quảng Bình. Sông đã lấp thành tên mà báo cứ ca ngợi cô Lý oằn lưng chèo lái… Hầu hết nghe đều cười. Tự giễu và rộng lượng. Nhưng khi Sinh nói ở Vĩnh Linh, anh đã chứng kiến những người ở phía bên Nam kia bị ta bắt sang chôn sống kêu rất lâu dưới huyệt, tôi lại thấy mọi người lạnh mặt lại. Sẵn sàng bao dung với ta và hoá đá với địch. Người là một con vật sính ảo tưởng. Hồi nào, khi hai mươi tuổi, ở đầu bất cử sổ tay nào, tôi cũng viết một câu tiếng Pháp: La temporisation, c'est la fin. Lê-nin. - Để dịu nguôi đi là tiêu. Lúc ấy chưa đọc Thomas Mann: Trước mọi hưng phấn bồng bột, hãy thận trọng.