Kẻ sĩ biết thuật[1] tất nhìn xa, xét rõ; không xét rõ thì không thấu được tư tâm của kẻ khác. Kẻ sĩ giỏi pháp độ tất cương nghị mà ngay thẳng, không ngay thẳng thì không hiểu chính được kẻ gian. Bề tôi nào cứ tuân lệnh (vua) mà làm, theo pháp luật mà thi hành chức vụ thì không gọi là “trọng nhân”[2]. Kẻ nào không có lệnh (vua) mà tự chuyên, làm trái pháp luật để lợi cho mình, làm hao tốn của nước để ích cho nhà, dùng khí lực khiến được vua theo mình, như vậy mới là trọng nhân. Kẻ sĩ biết thuật, xét rõ mà được dùng thì thấu được tình mờ ám của trọng nhân. Kẻ sĩ giỏi pháp độ, ngay thẳng mà được dùng thì kiểu chứng được hành vi gian tà của trọng nhân. Cho nên kẻ sĩ biết thuật, giỏi pháp độ mà được dùng thì hạng bề tôi tôn quí tất bị gạt ra ngoài,[3] thành thử họ với bọn cầm quyền thù nhau đến một mất một còn. Bọn cầm quyền mà nắm sự thưởng phạt thì chư hầu ở ngoài và bách quan trong triều đều bị họ sai khiến. Chư hầu không nương tựa vào họ thì việc không thành, cho nên địch quốc ca tụng họ; bách quan không nhờ cậy họ thì công nghiệp không tiến, cho nên quần thần bị họ sai khiến; kẻ tả hữu của vua không nhờ cậy họ thì không được gần vua, cho nên che giấu lỗi của họ; hạng học sĩ không nhờ cậy họ thì lộc ít, lễ thấp[4], cho nên nói tốt cho họ. Bọn gian thần nhờ bốn sự yểm trợ đó (của chư hầu, quần thần, kẻ thù của nhà vua, các học sĩ) mà tự tô điểm cho chúng. Bọn trọng nhân không thể trung với chúa mà tiến cử kẻ thù (tức các kẻ sĩ có pháp thuật), các vua chúa không vượt được bốn sự yểm trợ trên mà xét rõ bọn gian thần, cho nên vua chúa bị che lấp thì đại thần càng quyền cao chức trọng. Bọn đại thần đương cầm quyền, ít khi không được tin yêu, lại được vua biết từ lâu, cho nên đón được ý vua, vua thích hay ghét cái gì họ cũng thích, ghét cái đó, nhờ vậy mà tiến thân. Quan tước cao quí mà bè đảng lại đông nên được cả nước khen. Còn kẻ sĩ giỏi pháp thuật có muốn yết kiến vua thì lại thiếu tình thân yêu tin cậy, không được cái may mắn được vua biết từ lâu, mà lại đem lời pháp thuật ra kiểu chính lòng vua, tất làm trái ý vua. Địa vị họ đã thấp, lại không bè đảng nên bị cô lập. Họ là kẻ sơ tình mà muốn tranh với kẻ thân cận của vua, tất nhiên là không thắng được; họ mới tới mà muốn tranh với kẻ quen biết từ lâu, tất nhiên là không thắng được; họ làm trái ý vua mà muốn tranh với kẻ chiều ý vua, tất nhiên là không thắng được; họ ở địa vị thấp hèn mà muốn tranh với kẻ cao quí, tất nhiên là không thắng được; họ chỉ có một miệng mà muốn tranh với cả nước, tất nhiên là không thắng được. Kẻ sĩ giỏi pháp thuật ở vào năm cái thế không thắng được đó nên có đợi mấy năm nữa cũng không được yết kiến vua, còn bọn đương cầm quyền thừa năm cái thế thắng được kia mà sớm chiều trình bày trước mặt vua, như vậy thì kẻ sĩ giỏi pháp thuật do đường nào mà được tiến cử, còn vua chúa biết bao giờ mới được giác ngộ? Thế đã không thắng được vua mà lại không sống chung được (với bọn trọng nhân); tất có kẻ mất người còn, kẻ sĩ giỏi pháp thuật làm sao khỏi bị nguy? Bọn trọng nhân nếu có vu tội lỗi cho ai thì sẽ dùng phép công mà giết người đó; không thể vu được thì sai người ám sát[5]. Tóm lại, làm sáng tỏ pháp luật là trái ý vua chúa, nếu không bị quan giết thì tất cũng chết vì bị ám sát. Những kẻ lập bè đảng vào hùa với nhau để che lấp vua, nói những lời trái pháp luật để mưu tư lợi thì tất được bọn trọng nhân tin dùng; ai có thể gán cho công lao thì trọng nhân sẽ tặng cho quan tước cao sang, ai có thể gán cho tiếng tốt thì mượn thế nước ngoài mà cho được quí trọng. Vậy che lấp vua mà hùa theo một họ riêng (trỏ bọn đại thần tự chuyên) thì nếu không được chức tước vinh hiển, cũng được quí trọng nhờ thế nước ngoài. Nay các vua chúa không dùng cách tham nghiệm[6] mà trừng phạt, không đợi thấy công lao rồi mới ban tước lộc, thì kẻ sĩ biết pháp thuật làm sao dám liều chết mà đưa ý kiến, bọn gian thần làm sao chịu bỏ tư lợi mà rút lui? Thành thử vua chúa càng mất địa vị còn các họ riêng càng được tôn quí. Nước Việt tuy giàu, mạnh, mà các vua Trung nguyên (như Chu, Tề, Lỗ…) đều cho là vô ích cho mình, bảo: “Nước đó (ở xa) ta không chế ngự được” (có ích lợi gì cho ta đâu). Nay bậc làm vua một nước đất rộng dân đông, mà bị đại thần chuyên quyền che lấp thì nước đó cũng như nước Việt vậy (vô ích cho vua). Nước Việt, mình không chế ngự được, mà nước mình, mình cũng không chế ngự được, đó là chỗ giống nhau; vậy mà nước Việt thì mình biết là vô ích cho mình, còn nước mình thì mình lại không biết vậy, thế là không biết xét sự giống nhau ở đâu[7]. Người ta bảo nước Tề mất, không phải vì đất và thành mất, mà vì họ Lữ mất quyền mà quyền về họ Điền hết[8]. Người ta bảo nước Tấn mất cũng không phải vì đất và thành mất, mà vì họ Cơ[9] mất quyền mà sáu quan khanh chuyên quyền. Nay đại thần cầm quyền độc đoán mà chúa ở trên không biết thâu quyền lại, tức là không sáng suốt. Mắc cùng bệnh với một người chết thì không sao sống được; cùng có những hành vi với một nước mất thì nước cũng không sao còn được. Theo dấu vết của Tề, Tấn mà mong cho nước yên ổn tồn tại, là điều không thể được. Pháp và thuật khó thi hành được, không phải chỉ những nước vạn cỗ xe (nước lớn) mới vậy, mà các nước ngàn cỗ xe (nước nhỏ) cũng vậy. Kẻ tả hữu của bậc vua chúa không nhất định là người trí; bậc vua chúa nghe lời được hay của người trí, rồi đem lời đó bàn với kẻ tả hữu, như vậy là cùng với người ngu luận về người trí[10]; bậc vua chúa thấy hành vi của người hiền mà trọng, rồi đem hành vi đó bàn với kẻ tả hữu, như vậy là cùng với kẻ càn dở luận về người hiền. Kế hoạch của người trí phải do người ngu quyết định, hành vi của người hiền phải do kẻ gàn dở phê phán, thì kẻ sĩ trí mưu và hiền lấy làm xấu hổ mà lời bàn của bậc vua chúa sai lầm hết. Bề tôi mà muốn được làm quan, thì hạng sĩ có đức hạnh phải sửa mình cho liêm khiết, hạng sĩ có trí mưu phải luyện tài biện luận để tiến nghiệp, chứ không thể dùng của cải đút lót và thờ người; chỉ trông vào đức liêm khiết, tài biện luận của mình, mà lại không chịu bẻ cong pháp luật để trị nước, như vậy không thể thờ kẻ tả hữu của vua chúa, không thỏa mãn yêu cầu của chúng được. Bọn tả hữu có đức không được như Bá Di[11], yêu sách (kẻ sĩ) không được, không được (kẻ sĩ) đút lót, tất không kể gì tới công sửa mình cho liêm khiết, luyện tài biện luận cho hơn người của kẻ sĩ mà chỉ hủy báng, vu oan cho họ thôi. Thế là cái công luyện tài biện luận hóa công toi, cái đức liêm khiết bị hủy báng, rốt cuộc kẻ sĩ hiền, trí bị bỏ rơi mà sự sáng suốt của vua chúa bị che lấp. Không xét công lao nhiều ít mà phán đoán về tài trí, đức hạnh, không dùng cách khảo nghiệm để thẩm xét tội lỗi, chỉ nghe lời kẻ tả hữu thân cận, như vậy, triều đình tất đầy kẻ bất tài mà bọn ngu xuẩn tham ô nắm hết các chức vụ. Mối lo của nước có vạn cỗ xe là đại thần có quyền lớn quá; mối lo của nước có ngàn cỗ xe là kẻ tả hữu được tin dùng quá; đó là những mối lo chung của các bậc vua chúa. (Tới nông nỗi đó thì) bề tôi có tội nặng của bề tôi mà vua chúa cũng có lỗi lớn của vua chúa. Cái lợi của vua chúa và bề tôi vốn khác nhau. Sao biết được điều ấy? Đáp: Cái lợi của vua chúa ở chỗ kẻ nào có tài thì giao cho quan chức, còn cái lợi của bề tôi ở chỗ mình vô tài mà được làm quan; cái lợi của vua chúa ở chỗ ai có công lao thì mới thưởng cho tước lộc, còn cái lợi của bề tôi ở chỗ mình không có công mà cũng được giàu sang; cái lợi của vua chúa ở chỗ khiến cho hào kiệt trổ hết tài năng, còn cái lợi của bề tôi ở chỗ kết bè đảng mà mưu tư lợi. Do đó mà đất đai của nước bị tước lần đi[12] mà tư gia cứ giàu thêm, vua chúa mạt địa vị mà quyền của đại thần mạnh lên; vua thất thế mà bề tôi nắm quyền trong nước, vua phải xưng là phiên thần[13] cho nước ngoài mà tướng quốc thì chẻ phù[14] (ra lệnh cho quần thần), như vậy là bề tôi lừa vua để mưu lợi riêng cho mình. Cho nên đại thần cầm quyền, một khi vua có sự thay đổi[15] mà còn được sủng ái như trước thì mười người không chắc được hai ba. Tại sao vậy? Tại tội của họ lớn quá. Bề tôi có tội lớn, lừa gạt chúa, tội đó đáng chết. Kẻ sĩ có trí, thấy xa, sợ tội chết nên không theo chúng. Kẻ sĩ có đức, liêm khiết, cho sự vào bè với gian thần là xấu hổ, nên không theo chúng. Vậy kẻ đi theo bọn đại thần đương cầm quyền, nếu không phải là ngu xuẩn, không sợ chết thì tất là tham ô không tránh bọn gian. Bọn đại thần nắm hạng người ngu xuẩn tham ô đó để trên thì gạt chúa, dưới thì thu lợi, vơ vét của dân[16], kết bè đảng, vào hùa nhau, trăm miệng như một làm mê hoặc chúa, bại hoại pháp luật để loạn sĩ dân, khiến cho nước suy vong, mất lần đất đai, chúa bị hao tổn, nhục nhã, tội đó lớn lắm. Bề tôi có tội lớn mà vua chúa không cấm được, cũng là có lỗi lớn. Khiến cho ở trên vua có lỗi lớn, như vậy mà mong nước không bị diệt vong, là điều không thể được.
[1] Nguyên văn là tri (知) thuật chi sĩ, có sách đọc là trí thuật; chúng tôi nghĩ nên đọc là tri để ứng với năng (năng pháp chi sĩ) ở dưới. Cả hai đều là động từ hết. [2] Hạng quý tộc quyền cao chức trọng thủ cựu, chỉ nghĩ tới tư lợi. [3] Nguyên văn: tại thằng chi ngoại = phần ở ngoài lằn dây mực tức phần phải đẽo hoặc cưa bỏ đi. [4] Nguyên văn: lễ ti, có sách giảng là không được thấy (dự) những lễ lớn; ý nói là không được trọng vọng. [5] Nguyên văn: dĩ tư kiếm nhi, cùng chi = mượn cây kiếm riêng mà trừ đi, tức là dùng thích khách để trừ. [6] Xét mọi mặt xem có hợp nhau không rồi mới quyết đoán. [7] Câu này chúng tôi lấy ý mà dịch. [8] Họ Lữ đây là hậu duệ của Lữ Vọng, được phong làm vua nước Tề. Họ Điền làm đại thần ở Tề, sau cướp ngôi Tề. Coi chú thích thiên Ngũ đố. [9] Họ Cơ là họ vua Chu và một số vua chư hầu: Lỗ, Tấn, Trịnh. [10] Chỗ này chắc thiếu một câu: Kẻ tả hữu của bậc vua chúa không nhất định là người hiền. [11] Một ẩn sĩ liêm khiết đời Chu: Coi truyện Bá Di trong Sử kí của Tư Mã Thiên – Văn Học tái bản 1994. [12] Vì gian thần cấu kết với nước ngoài, khuyên vua cắt đất để thờ nước ngoài. [13] Nước nhỏ chịu lệ thuộc nước lớn, tức như thuộc địa của nước lớn. [14] Phù là thẻ tre (hay gỗ) để làm tin. Ghi hiệu lệnh trên thẻ đó rồi chẻ làm hai, một nửa giao cho kẻ thừa hành, một nửa thì mình giữ lại. [15] Như khi vua chết hoặc bị tiếm ngôi. Có sách giảng là khi vua thay đổi chính sách. Trường hợp này có thể có, nhưng rất hiếm. [16] Nguyên văn: xâm ngư, nghĩa là xâm đoạt như bủa lưới bắt cá
[1] Nguyên văn là tri (知) thuật chi sĩ, có sách đọc là trí thuật; chúng tôi nghĩ nên đọc là tri để ứng với năng (năng pháp chi sĩ) ở dưới. Cả hai đều là động từ hết. [2] Hạng quý tộc quyền cao chức trọng thủ cựu, chỉ nghĩ tới tư lợi. [3] Nguyên văn: tại thằng chi ngoại = phần ở ngoài lằn dây mực tức phần phải đẽo hoặc cưa bỏ đi. [4] Nguyên văn: lễ ti, có sách giảng là không được thấy (dự) những lễ lớn; ý nói là không được trọng vọng. [5] Nguyên văn: dĩ tư kiếm nhi, cùng chi = mượn cây kiếm riêng mà trừ đi, tức là dùng thích khách để trừ. [6] Xét mọi mặt xem có hợp nhau không rồi mới quyết đoán. [7] Câu này chúng tôi lấy ý mà dịch. [8] Họ Lữ đây là hậu duệ của Lữ Vọng, được phong làm vua nước Tề. Họ Điền làm đại thần ở Tề, sau cướp ngôi Tề. Coi chú thích thiên Ngũ đố. [9] Họ Cơ là họ vua Chu và một số vua chư hầu: Lỗ, Tấn, Trịnh. [10] Chỗ này chắc thiếu một câu: Kẻ tả hữu của bậc vua chúa không nhất định là người hiền. [11] Một ẩn sĩ liêm khiết đời Chu: Coi truyện Bá Di trong Sử kí của Tư Mã Thiên – Văn Học tái bản 1994. [12] Vì gian thần cấu kết với nước ngoài, khuyên vua cắt đất để thờ nước ngoài. [13] Nước nhỏ chịu lệ thuộc nước lớn, tức như thuộc địa của nước lớn. [14] Phù là thẻ tre (hay gỗ) để làm tin. Ghi hiệu lệnh trên thẻ đó rồi chẻ làm hai, một nửa giao cho kẻ thừa hành, một nửa thì mình giữ lại. [15] Như khi vua chết hoặc bị tiếm ngôi. Có sách giảng là khi vua thay đổi chính sách. Trường hợp này có thể có, nhưng rất hiếm. [16] Nguyên văn: xâm ngư, nghĩa là xâm đoạt như bủa lưới bắt cá