Sau khi bãi chầu, Lương Giám và Lệ Minh Đường về phủ kể lại chuyện phong quan tấn tước cho cả nhà nghe, Tố Hoa vui mừng khôn xiết, xảy có nữ tỳ cầm tấm danh thiếp vào thưa: - Có cha con Võ hiếu vương và chư tướng xin vào bái yết. Lệ Minh Đường bèn hối gia nhơn dọn tiệc cho sẵn sàng rồi sai người mời nội cha con Hoàng Phủ Kính, Hùng Hiệu, Vệ Hoán, Xích Nam Anh, Vương Hào, kỳ dư các tướng kia thì hẹn khi khác sẽ tiếp sau. Trưởng Hoa Tiểu thơ thấy vậy bèn mời Vệ Dõng Nga cùng mình đi về nhà họ Doãn chơi. Các tướng cũng lui gót trở về công quán. Khi cha con Hoàng Phủ Kính và các tướng vào đến nơi, Lệ Min,h Đường bước xuống thềm niềm nở nghinh tiếp. Cha con Hoàng Phủ Kính và chư tướng đều quỳ xuống thưa: - Chúng tôi vào bái yết, quả đã làm phiền cho đại nhơn nhiều lắm. Lệ Minh Đường thầm nghĩ: “ Ta nỡ lòng nào để cho cha chồng phải quỳ lạy ta như vậy”. Nghĩ rồi nàng lại quỳ xuống đáp: - Lão đại nhơn cùng các niên huynh thủ lễ đối với tôi quá như vậy, thật khiến tôi ái ngại vô cùng. Tuổi tôi còn niên thiếu, có lẽ tổn thọ cho tôi lắm đấy. Hoàng Phủ Kính nói: - Cả nhà tôi cùng chư tướng đây đều nhờ có đại nhơn đề bại cho, nên ngày nay mới được đoàn tụ và vinh hiển như vầy, dù có lạy trăm lạy cũng chưa đáp đền được cái ơn to tát ấy. Khi chư tướng lạy xong, Hòng Phủ Kính nói: - Xin mời Lương Thừa tướng ra cho chúng tôi được lạy chào. Lệ Minh Đường nói: - Nhạc phụ của tôi có việc đi vắng chưa về, tôi xin đa tạ lòng hảo tâm ấy. Dứt lời, Lệ Minh Đường mời cha con Hoàng Phủ Kính và các tướng vào nhà. Sau khi nhấp xong mấy chén trà, Lệ Minh Đường đứng dậy lễ phép mời mọi người nhập tiệc, ân cần khoản đãi, chuyện trò rất vui. Rượu được vài tuần, cha con Hoàng Phủ Kính cùng chư tướng vội cáo từ lui về hết. Khi cha con Hoàng Phủ Kính về đến nhà, Doãn Phu nhơn kêu Hoàng Phủ Thiếu hoa đến trách mắng: - Năm trước ở tại xứ Xuy Đài sơn, ta đã bảo con nên cưới Vệ Dõng Nga làm vợ, thế mà hôm nay đã có Thánh thượng đứng tứ hôn, sao con lại không vâng lời, để nhượng cho Hùng Hiệu. Con không nghe lời mẹ như thế, có phải là bất hiếu lắm sao. Hoàng Phủ Thiếu Hoa chắp tay thưa: - Xin thân mẫu bớt cơn giận dữ, cho con phân đôi lời trái phải để thân mãu tường. Chỉ vì con cảm cái lòng tiết nghĩa của Mạnh thị, nên đã dốc một lòng trọn nghĩa thủy chung, nghĩa là sau này con chỉ cưới một người hầu thiếp để kiếm con kế tự song đường mà thôi, chớ ngôi chánh thất bao giờ con cũng dành riêng cho Mạnh Lệ Quân. Hơn nữa Vệ Dõng Nga là ân nhân của nhà ta mà lại là nghĩa nữ của thân mẫu nữa, không lẽ con cưới người làm thứ thất sao cho phải. Nay nàng kết duyên cùng Hùng Hiệu thì địa vị nàng là chị dâu của con, không phải là vuông tròn lắm sao! Hoàng Phủ Kính xen vào nói: - Con có nghĩ như thế là phải lẽ lắm đây, vậy phu nhơn cũng chẳng nên quở trách làm chi. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại thưa với cha: - Con xin phép qua Mạnh phủ để bái yết nhạc phụ con. Hoàng Phủ Kính gật đầu khen phải. Thiếu Hoa mừng rỡ liền tung mình lên ngựa, nhắm Mạnh phủ thẳng xông. Khi đến nơi, Mạnh Sĩ Nguyên hay được, liền sai Mạnh Gia Linh ra nghinh tiếp. Hoàng Phủ Thiếu Hoa cúi chào rồi theo Mạnh Gia Linh vào nhà bái yết Mạnh Sĩ Nguyên. Cha vợ, chàng rể tay bắt mặt mừng trông rất đượm tình. Khi trà nước xong, Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói với Mạnh Sĩ Nguyên: - Thưa nhạc phụ, chẳng hay phần mộ của lịnh viên an táng tại nơi nào? Tiện tế muốn đến đó để lễ người một tuần rượu cho trọn nghĩa phu thê. Dù cho chúng con sống không được đồng sàng thì khi chết phải chôn đồng huyệt mới hả dạ. Mạnh Sĩ Nguyên nghe nhắc đến con mình, động lòng rơi lụy đáp: - Xưa kia, khi tiện nữ hành thích Lưu Khuê Bích thì gieo mình xuống sông, thi hài phó mặc cho ngọn thủy triều vùi dập có tìm thấy đâu mà có phần mộ. Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe vậy, khóc òa lên thưa: - Thế thì số kiếp của tiện tế này oan khổ biết bao. Khi lịnh viên còn sống đã không trông được mặt nhau, mà khi thác rồi cũng không được viếng mộ phần đặng lạy nhau vài lạy. Nay càng nghĩ càng thêm đau lòng. Mạnh Sĩ Nguyên thấy Thiếu Hoa quá ưu phiền, liền khuyên giải: - Thôi, dầu sao việc cũng đã rồi, hiền tế chớ nên phiền não mà hao tổn tâm thần. Nếu hiền tế muốn trông thấy mặt tiện nữ gẫm chẳng khó gì. Vì trước kia tiện nữ rất tinh thông về nghề hội họa, nên khi ra đi có vẽ một bức chân dung rất giống để lưu lại đến ngày nay. Vừa rồi ta đã sai người về quê đem gia quyến đến kinh, có lã vài ngày nữa đến đây. Chừng ấy hiền tế có thể đến nhận lấy bức chân dung thì cũng như trông thấy tiện nữ vậy. Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói mừng rỡ vô cùng, chàng nói: - Nếu còn bức chân dung của lịnh viên thì may cho tiện tế biết bao, nhưng tiện tế chỉ sợ khi nhạc mẫu ra đi lại quên đem theo chăng. Mạnh Sĩ Nguyên nói: - Tiện nữ ta được cả nhà quý mến, vì vậy bức chân dung ấy thường treo ở trong phòng để được trông thấy luôn luôn. Thế thì ra đi làm gì cũng có đem theo, hiền tế chớ lo ngại việc ấy. Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói mừng lắm, kế Mạnh Sĩ Nguyên truyền gia đình dọn tiệc, nhưng Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại từ chối rồi bái tạ lui về. Sáng hôm sau, Thái Hậu truyền chỉ đòi Lương Giám và Mạnh Sĩ Nguyên vào cung dạy: - Ta nhờ nhị vị tiên sinh hãy đến nói cho Hoàng Phủ Kính biết rằng: Ta muốn tuyển Hoàng Phủ Trưởng Hoa vào bậc Chánh cung Hoàng hậu. Vậy tin cho người biết hãy chọn ngày tốt để làm lễ tấn cung. Hai vị đại thần vâng lịnh ra khỏi cung thẳng đến nhà Doãn Thượng Khanh, Hoàng Phủ Kính trông thấy lật đật chạy ra nghinh tiếp vào. Hai vị đại thần liền đem mấy lời Thái hậu bày tỏ cho Hoàng Phủ Kính nghe. Hoàng Phủ Kính nghe qua mừng lắm, liền cầm hai vị đại thần ở chơi giây lát mới từ giã ra về. Hai người về rồi, Hoàng Phủ Kính liền vào nhà trong thuật lại việc ấy cho Doãn Phu nhơn nghe. Doãn Phu nhơn vội vàng sai nữ tỳ đi bào tin cho Trưởng Hoa biết. Lúc ấy Trưởng Hoa đang trò chuyện với Lan Đài và Vệ Dõng Nga ở nhà sau, xảy thấy nữ tỳ vào thưa rõ. Lan Đài mỉm cười nói: - Nay đã được lập làm Chánh cung Hoàng hậu thì chúng ta cần phải triều kiến mới được. Lan Đài nói dứt lời, vội cúi đầu lạy một lạy. Trưởng Hoa Tiều thơ thẹn đỏ mặt, nói: - Tại sao hiền muội lại làm như vậy? Vệ Dõng Nga cười, nói: - Trong đạo chúa tôi cần phải thủ lễ là phải chớ sao? Ngày thứ, vua Thành Tôn lâm triều, bèn truyền cho quan Hộ độ lo xuất tiền để sửa sang dinh thự cho Hoàng Phủ Kính ở, kế co quan Khân thiên giám vào tâu: - Hạ thần đã coi ngày hai mươi hai tháng bảy là ngày tốt, có thể làm nạp sinh, rồi đến ngày hai mươi sáu làm lễ tấn cung. Vua Thành Tôn chuẩn y rồi bảo Lễ bộ quan lo sửa sang mọi nghi tiết đặng tiếp rước Chánh cung. Vua Thành Tôn phán dứt lời, lại có quan Huỳnh môn quỳ tâu: - Muôn tâu bệ hạ, quan Tả Thừa tướng Kỳ Thạnh Đức mới vừa dâng biểu về cho biết người bị đau nặng lắm, xin Thánh thượng liệu định. Vua Thành Tôn nói: - Thừa tướng năm nay đã bảy mươi tuổi rồi nên thường hay đau ốm mãi, vậy để trẫm cho Thừa tướng về hưu đặng an hưởng cảnh già. Nói rồi, vua gia phong cho Kỳ Thạch Đức chức Thái sư và ban thưởng năm mươi thạch kim cho về hưu trí. Lại buộc quan địa phương mỗi tháng hai kỳ sóc vọng phải đến thăm rồi dâng biểu lên cho vua biết sức khoẻ. Quan Lại bộ lại bước ra quỳ tâu: - Muôn tâu bệ hạ cho Kỳ Thừa tướng về hưu thì tất nhiên ngôi Tả Thừa tướng phải bị khuyết trống, xin bệ hạ hãy chọn một vị hiền thần khác thay thế. Vua Thành Tôn gật đầu khen phải, rồi truyền cho Hữu Thừa tướng Lương Giám sang làm Tả Thừa tướng, còn Binh bộ Thượng thơ Lệ Minh Đường lên làm Hữu Thừa tướng. Lệ Minh Đường nghe phán xong, vội quỳ xuống tâu: - Tâu bệ hạ, hạ thần còn trẻ tuổi quá, làm sao dám cả gan đứng đầu trăm quan. Hơn nữa, cha con mà làm Thừa tường hết thì tránh sao cho khỏi lời dị nghị của chúng dân. Vì vậy hạ thần không dám tuân mạng, xin bệ hạ xét lại cho. Vua Thành Tôn mỉm cười phán: - Khanh là một người đã có tiếng là thanh liêm chánh trực lại học rộng tài cao, hết thảy bá quan trong triều ai ai cũng đều khâm phục, nay trẫm phong cho khanh làm Hữu Thừa tướng là xứng đáng lắm đấy, khanh cứ vâng mạng, chớ nên e ngại mà phụ lòng trẫm. Bất đắc dĩ, Lệ Minh Đường phải cúi đầu lãnh chỉ, đoạn vua bãi chầu hồi cung, các quan ai về dinh nấy. Chẳng bao lâu đã đến ngày nạp sính, Lương Giám và Mạnh Sĩ Nguyên vâng lệnh mang các đồ châu báu đến dinh Doãn Thượng Khanh. Hoàng Phủ Kính và Doãn Thượng Khanh ra nghinh tiếp rồi bày tiệc khoản đãi hai vị đại thần. Qua đến ngày hai mươi sáu tháng bảy làm lễ tấn cung. Các quan triều thần kéo nhau đến Doãn phủ chúc mừng rất đông. Khi đưa Trưởng Hoa Tiểu thơ lên kiệu, Doãn Phu nhơn căn dặn: - Nay con đươọc hân hạnh làm Chánh cung Hoàng hậu, vậy con có cư xử cùng kẻ dưới cần phải nhớ bốn chữ: “Khiêm, cung, khoan, nhu” mới được. Phu nhơn vửa dặn xong thì nhạc trống nổi lên vang dậy, tiếng pháo nổ tưng bừng náo nhiệt. Kiệu hoa đưa tiểu thơ thẳng vào đại điện. Đến nơi, quan xướng lễ dắt tiểu thơ đến triều kiến Thái hậu và Thiên tử. Sau đó Vua cùng Hoàng hậu tham bái thiên địa rồi vào cung làm lễ hiệp cẩn. Bên ngoài thì yến tiệc hậu đãi các quan triều thần. Cuộc vui chơi hỉ hạ mãi đến chiều tối mới tan. Hôm sau, các cung phi kéo nhau đến bái yết Hoàng hậu rất đông. Lúc bấy giờ vua Thành Tôn cậy ngoài triều có Lệ Minh Đường là người mẫn thiệp cho nên quá ỷ lại, cứ tham luyến theo tân nhơn suốt sáu ngày mà không ra ngự triều. Hoàng hậu thấy vậy bèn quỳ tâu: - Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ đối với các cung nữ trong nội cung thì cầu ơn võ lộ phải giao tình cho công bằng mới tránh khỏi sự oán than, còn ngoài việc triều chính thì bữa bữa phải ra ngự triều, cho việc triều chính khỏi tiếng thị phi. Người ta sẽ cho thần thiếp là ngừơi đố kỵ, làm mê hoặc lòng bệ hạ. Xin bệ hạ xét lại. Vua Thành Tôn nghe mấy lời hiền đức của Hoàng hậu, như tỉnh ngộ hồi tâm. Từ đó, ngày nào vua cũng ngự ra triều, Thái hậu hay đặng lấy làm mừng rỡ. Lúc bấy giờ Hoàng Phủ Kính sai Lữ Trung trở về Giang Lăng đặng hỏi các thầy tăng đòi sản nghiệp của mình lại. Lữ Trung về thâu hồi sản nghiệp xong xuôi liền trở về Nam tran,g để thăm mẹ con Trưởng thị. Thế là cha con chồng vợ gặp nhau mừng rỡ bội phần. Lữ Trung bèn bày tiệc ăn mừng rồi dẫn gia quyến thẳng về kinh. Bây giờ Hoa đình hầu đã lập xong một dinh thự to lớn gần bên Vương phủ của Hoàng Phủ Kính, Hùng Hiệu cũng ở chung tại đó. Lúc ấy Hoàng Phủ Kính thấy nhà Doãn Thượng Khanh chật hẹp, bèn dọn qua ở chung với Vệ Hoán. Vệ Dõng Nga thưa với Doãn Phu nhơn, cậy nói với Doãn Thượng Khanh cho Vệ Dõng Bưu được kết duyên cầm sắt cùng với Lan Đài. Doãn Thượng Khanh bằng lòng ngay cà cách ít ngày sau tiệc cưới hỏi đã xong. Năm ấy nhằm kỳ thi hương. Thôi Phàn Phụng thi đỗ Cử nhơn thứ mười ba, chàng vào ngục báo tin cho Lưu Tiệp biết, Lưu Tiệp mừng rỡ vô cùng. Hôm ấy, Lệ Minh Đường và quan chủ khảo vào trào bái mạng. Thiên tử gia phong cho quan chủ khảo một cấp. Lệ Minh Đường bèn soạn các quyển văn của Thôi Phàn Phụng thì thấy phía dưới văn bài có đính thêm mấy chữ “ rễ của Nguyên thành hầu Lưu Tiệp”. Lệ Minh Đường giựt mình nghĩ thầm: “Thế mà ta vẫn tưởng cậy có nàng Lưu Yến Ngọc thay thế cho ta để việc của ta được hoãn chậm lại, ngờ đâu nay nàng lại thất tiết rồi!”. Sau đó Lệ Minh Đường cầm quyển văn ấy về cho Tố Hoa xem. Bỗng thấy nữ tỳ vào báo: - Có Trung hiếu vương xin vào ra mắt. Lệ Minh Đường liền bước ra nghinh tiếp. Trà nước xong rồi, Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói: - Mấy hôm nay tôi định đến hỏi thăm ân sư mượn ít quyển trường văn đặng xem chơi những câu đắc ý. Nhưng vì ân sư mới đi chấm trường về còn mệt nhọc nên không dám đến làm rộn ân sư. Lệ Minh Đường nói: - Nếu vậy, nhân tiện hôm nay tôi rảnh việc, chúng ta hãy vào thơ phòng cùng xem chơi. Nói rồi lệ Minh Đường bèn dắt Thiếu Hoa vào thơ phòng, lấy hết các quyển văn xuống trao cho Thiếu Hoa xem và nói: - Cứ xem trong các quyển văn của các vị tân khoa năm nay, thấy có xảy ra một việc kỳ lạ lắm. Thiếu Hoa ngạc nhiên hỏi: - Chẳng hay việc ấy thế nào mà ân sư gọi là kỳ lạ. Lệ Minh Đường lựa quyển văn của Thôi Phàn Phụng trao cho Thiếu Hoa rồi nói: - Niên huynh cứ bình tĩnh xem hết quyển văn thì rõ. Thiếu Hoa giơ hai tay tiếp lấy xem; còn Lệ Minh Đường khi trao quyển văn cho Thiếu Hoa rồi giả ý bỏ ra ngoài ngắm xem mấy chậu kiểng. Thiếu Hoa xem hết quyển văn thấy sau cùng đề Cử nhơn thứ mười ba Thôi Phàn Phụng và phía dưới lại đính một hàng chữ nhỏ:“ rể của Nguyên thành hầu Lưu Tiệp”. Hoàng Phủ Thiếu Hoa biến sắc mặt, nghĩ thầm: “Đáng khinh thay cho con gái đứa gian thần không biết giữ gìn danh tiết. Lúc trước hắn thấy ta còn phú quý nên đính ước với ta tại Tiểu Xuân đình, ngờ đâu lúc ta gặp cơn hoạn nạn lại nhẫn tâm đi kết duyên cùng người khác. Thế mà bấy lâu ta vẫn có lòng muốn tâu lên Thánh thượng xin ân xá cho họ Lưu. Ngày nay mới rõ con đàn bà lòng muông dạ thú, ta quyết báo cừu cho hả giận chứ không hề tâu xin làm gì cho nhọc sức. Lời bình: - Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Đó cũng là quan niệm Á Đông, cho cuộc sống con người như một khúc sông, lúc quanh co, lúc ngay thẳng, lúc bình thản, lúc thác ghềnh. Mọi sự vật trong vũ trụ đều như thế cả, không có cái gì phẳng phiu, thì đời con người không mấy ai được luôn luôn tươi sáng. Nếu cho đường đời con người là một khúc sông, thì lúc này là lúc gia đình họ Hoàng Phủ tiến đến chỗ trầm hùng, như một khúc sông đang thoát khỏi một rặng núi chảy vào một đồng bằng tươi đẹp. Trong lúc gia đình Hoàng Phủ được minh oan, cha con, chồng vợ được đoàn tụ, thì nàng Mạnh Lệ Quân được vinh thăng Thừa tướng, nàng Trưởng Hoa được làm Hoàng hậu, chẳng phải là đoạn đời tươi sáng sao? Về quan niệm sống, có kẻ cho rằng nếu không gặp những gian nan khổ sở thì chẳng bao giờ cảm thấy được sung sướng cho đời mình. Quan niệm này cũng không phải không đúng. Nếu gia đình họ Hoàng Phủ không bị tan rả vì một mối tình thù trong cung điện, đến nỗi cha lìa con, vợ xa chồng, cứ ngồi lì trên cái địa vị sẵn có, hưởng lấy một cuộc sống bình thản, thanh nhàn thì ngày nay chẳng có gì vui. Quan niệm Á Đông lại còn cho rằng: càng cao danh vọng, càng dày gian nan. Nếu mối tình thù ấy ở trong dân dả, không nằm trong cung điện vàng son thì cũng không đến nỗi đi đến chỗ cừu hận quá to tát nguy hại như vậy. Nhưng luật đền bù lại thường nói: Càng thất bại to, càng thành công lớn. Càng gian nan nhiều càng đạt được mục đích to. Thế thì trong đời gian nan cũng không có nghĩa, nguy hiểm cũng không cần, cái quan trọng là ở chỗ đi đúng với đường lối tốt đẹp mà thôi.