Ông không muốn trấn an, bào chữa, lừa dối bản thân mình-ông tới điểm cao này với mệnh lệnh đã được chuẩn bị, nghiền gẫm kỹ, hoàn toàn tin tưởng rằng mệnh lệnh nhẫn tâm có ý thức đó là giải pháp duy nhất có thể được trong tình hình hiện nay, ông đã hình dung trước tổn thất của các trung đoàn mặc dầu rằng có thể là một giờ sau ông sẽ liều đưa ra một mệnh lệnh khác: đưa thê đội hai của quyết định hoặc lực lượng dự trữ của tập đoàn quân vào chiến đấu. Nhưng cả Bét-xô-nốp cũng như không có một người nào khác có thể thấy trước được tình hình biến động sẽ diễn ra như thế nào sau một, hai giờ nữa, nghĩa là tình hình chung của toàn bộ tập đoàn quân, lúc không còn có thể sửa chữa cái gì được nữa. Giống như một người làm ăn thua lỗ bị mất hết những đồng tiền cuối cùng, biết rằng không còn gì dự trữ nữa, khi đưa lực lượng dự trữ vào trận, bao giờ Bét-xô-nốp cũng cảm thấy sự bấp bênh nào đó của tương lai, khoảng trống không gì lấp được sau lưng ông. Lúc ấy ông tưởng như tất cả đều bấp bênh, tay không. Chính vì thế ông hết sức keo kiệt giữ lực lượng dự trữ của mình đến hết mức, giữ cho tới lúc tình thế trở nên liều lĩnh không thể chịu đựng được, giống như một sợi dây đàn căng quá, sắp đứt đến nơi và không làm sao sửa lại được. Trước đây ông đã thành công. Trước đây ông đã gặp may. Và Bét-xô-nốp nói tiếp: -Đó là toàn bộ mệnh lệnh cho tới lúc này, đại tá ạ. Tôi sẽ ở lại đài quan sát của anh cho tới lúc cuộc chiến đấu kết thúc. Phải bám trụ tới người cuối cùng trên các tuyến đã chiếm lĩnh. Đối với tất cả mọi người, không trừ một ai chỉ có thể có một nguyên nhân khách quan khiến phải rời bỏ vị trí: đó là cái chết… Ông thốt những lời đó lên bằng giọng nói quen thuộc mà Ve-xnin đã nghe thấy trong lần gặp người lính xe tăng trên đường hành quân, cái giọng thẳng thừng và thậm chí nhỏ nhẹ dường như phát ra làn sóng chết người của những mệnh lệnh và khi nghe giọng nói đó của ông, Ve-xnin muốn ngoảnh mặt đi, không dám nhìn vào khuôn mặt đanh cứng, ốm yếu với chiếc miệng nhòn nhọn của ông. “Thì ra anh ấy là người như thế! Nghĩa là mìng không nhầm. Chính do thế mà trước khi anh ấy tới tập đoàn quân đã loang đi tin đồn về sự tàn nhẫn của anh ấy”,-Ve-xnin nghĩ, đưa mắt nhìn Đê-ép đang lặng lẽ đưa tay lên chào sau khi nghe mệnh lệnh của Bét-xô-nốp. Và để bào chữa cho Bét-xô-nốp ông lại nghĩ: “Không, có thể là anh ấy không cần phải đi sâu vào chi tiết. Đúng thế, anh ấy muốn tuyên bố rằng anh ấy sẽ thẳng tay với tất cả mọi người, kể cả đối với chính bản thân mình…”. Và lúc ấy như thể vô tình, gián tiếp làm dịu nhẹ cái mệnh lệnh vừa phát ra một cách lạnh lùng đanh thép, Bét-xô-nốp khẽ mỉm cười với Đê-ép. -Đi đi, đồng chí đại tá. Anh hãy hoàn thành nhiệm vụ của mình đi nếu như anh đã hiểu rõ tất cả. -Tôi đã hiểu rõ cả, thưa đồng chí ủy viên Hội đồng quân sự,-Đê-ép đáp bằng giọng nam trung, đưa đầu bao tay chạm vài thái dương màu hơi hung hung dưới chiếc mũ lông nhàu nát đội lệch. Tiếp đó các sĩ quan khác cũng giải tán, tản về các vị trí của mình. Căn hầm vắng teo. -Có lẽ cần phải làm sao tế nhị hơn, Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích ạ…-Ve-xnin nói giọng trách móc khi chỉ còn lại hai người với nhau. -Tôi thấy không cần phải tìm một hình thức khác để diễn đạt vì nội dung cũng chỉ là một mà thôi. Tôi không thể làm khác được, Vi-ta-li I-xa-ê-vich ạ! Tôi cho rằng kết cục của chiến dịch này không chỉ lệ thuộc vào chúng ta, như anh đã nói rất đúng, mà còn lệ thuộc vào một cái gì lớn lao hơn nhiều, cho nên không thể nói đến chuyện ngọt ngào được! Bét-xô-nốp đứng bên cạnh kính ngắm và Ve-xnin lại trông thấy khuôn mặt lạnh lùng, xa lạ, khó gần của ông. Thiếu tá Bô-gi-scô đứng cách ông hai bước, theo dõi vị tư lệnh với vẻ mặt ngoan ngoãn sẵn sàng chấp hành ngay bất kỳ mệnh lệnh nào, dựa theo cử chỉ nhỏ nhặt của Bét-xô-nốp, theo cái gật đầu của ông hoặc chỉ một lời nói của ông. Từ lúc hành quân anh đã cảm nhận thấy sự kiên quyết cứng rắn của thủ trưởng và đã biết cách xử sự thích hợp. Chính vì thế Ve-xnin thấy khó chịu vì ông đã biết Bô-gi-scô từ lâu, cũng có lòng quý mến anh thấy anh nổi bật lên trong đám sĩ quan tùy tùng bởi tính tình cởi mở, thoải mái. Trong lúc ấy Bét-xô-nốp rụt đầu trong cổ áo choàng nhìn hồi lâu về phía chiến trường ở bên dưới, phía trước điểm cao. Tất cả khoảng không ở bên kia, những khúc sông ngoằn ngoèo, mặt băng trên sông bị bom đạn cày xới thành những vết đen lỗ chỗ, dải bờ sông cao, từ đó các khẩu đội của ta liên tiếp nhả đạn, những triền dốc thoai thoải của điểm cao bên kia cái khe rộng ở bên trái ngôi làng, nơi những làn đạn xe tăng bùng lóe lên trong làn khói kéo dài khắp mặt trận,-tất cả chìm ngập trong ánh hoàng hôn đỏ như máu, tất cả xáo trộn, chuyển dịch, đan kết vào nhưu thành những ngọn lửa lớn nhỏ, sắt thép, dầu mỡ, xăng cháy trên mặt đất, những lưỡi lửa tang tóc, tạt xiên kéo dài như những dải áo và tưởng chừng như do những đám cháy và do ánh hoàng hôn tuyết cũng bùng cháy lên. Cảnh hỗn loạn đó, cảnh trái phá bay ngang dọc đó ở gần bờ sông và không xa, ngay phía trước điểm cao, nơi đặt đài quan sát của sư đoàn-toàn bộ quang cảnh trận đánh nhìn thấy trong tầm mắt và khó phân biệt vì chìm trong khói ở phía Bắc khu làng, nơi xe tăng Đức đã đột nhập tới và mới đây các khẩu “Ca-chiu-sa” đã nã vào tất cả những cái đó đối với Ve-xnin tưởng như đã quá rõ ràng, không còn nghi hoặc gì nữa đến mức ông thấy thật khó hiểu vì sao lúc này Bét-xô-nốp im lặng, còn khuôn mặt gầy gò, nhuộm đỏ ánh hoàng hôn của ông lại tỏ vẻ kinh tởm lạ lùng. Và Ve-xnin cũng chả nói gì, ông xúc động không phải vì nỗi hiểm nguy đang vây quanh mình, không phải vì sợ nguy hiểm mà vì ông tưởng chừng như cả Bét-xô-nốp cũng như Bô-gi-scô đều chưa cảm thấy và chưa trông thấy những gì ông đã trông thấy và cảm thấy trong giây phút đó. Ve-xnin nhìn thấy xe tăng địch ở bên kia sông phía trước điểm cao đang tiến theo hình vòng cung tới bờ sông, vượt qua sông ở phía bên trái, bò trong đám khói mờ mịt, ngày càng thọc sâu vào dải phòng ngự của sư đoàn, ông thấy pháo chống tăng ở bờ sông phía Bắc nã súng vào đám xe tăng đó và một vài khẩu pháo ở bờ phía Nam bị địch vòng qua bỏ lại sau lưng cũng quay hẳn nòng pháo lại, bắn vào chúng từ phía sau. Xe tăng địch vẫn cứ tiến, những cái bóng xám đỏ vẫn cứ bò từ đám sương mù sang sáng ra, vượt sông sang bờ phía Bắc qua chiếc cầu đã bị phá hủy một nửa ở phía bên trái điểm cao. Tiếp đó ngọn lửa lan ra, đỏ lòe ở trên cầu-một chiếc xe tăng Đức bốc cháy giữa cầu nhưng lập tức chiếc xe tăng khác bò tiếp lên cầu, đang đà chạy nó dùng đầu húc vào chiếc xe bị cháy khiến chiếc xe này rơi ùm từ trên cầu xuống mặt băng trên sông, chìm trong hố băng to, nhô chiếc tháp đen ngòm, còn những chiếc xe tăng khác vẫn cứ tiếp tục đi trên chiếc cầu đã được giải tỏa. Lúc ấy Ve-xnin quay nửa người lại và ông lại trông thấy một bên má cạo nhẵn thín, loáng ánh hoàng hôn của Bét-xô-nốp vẫn đứng gần kính ngắm, ông nói với vẻ bồn chồn không che giấu: -Pi-ốt A-lếch-xan-đrô-vích, anh hãy nhìn lên cầu mà xem! Tôi không hiểu sao công binh lại không kịp phá cầu nhỉ? Hay là bọn Đức đã bắc lại? Bét-xô-nốp đưa đôi mắt nặng như chì, có sức áp đảo, lướt nhìn về phía cầu, từ khi ông đến đài quan sát này, cái nhìn đó tựa hồ như đè nén và đẩy mọi người xa ông; giọng ông vang lên mệt mỏi: -Tôi cũng vậy, tôi đứng và nghĩ: tại sao họ vẫn chưa phá hủy chiếc cầu? Có thể làm việc đó được không? Yêu cầu chủ nhiệm pháo binh lại gặp tôi! -Chủ nhiệm pháo binh lại gặp trung tướng,-mọi người truyền đạt mệnh lệnh trong hầm. Chủ nhiệm pháo binh của sư đoàn, một đại tá vóc người tầm thước với khuôn mặt trí thức, phương phi, bước lại gần Bét-xô-nốp, hai tay duỗi thẳng bên sườn, thận trọng nhìn Ve-xnin mà ông ta quen biết từ hồi thành lập đơn vị, và đáp lại cái nhìn dò hỏi đó, Ve-xnin vội nói, tránh giải thích chi tiết: -Vị thần chiến tranh ạ, lúc này mọi hy vọng đều đặt vào anh đấy! Anh hãy cho bắn vào chiếc cầu! Hãy đốt cháy, tiêu diệt chiếc cầu này! Anh có trông thấy những gì đang xảy ra ở đó không? Rất tiếc là chúng ta vẫn còn chưa giũ bỏ được thói quen chiến đấu dựa vào may rủi như hồi bốn mốt!-Bét-xô-nốp hướng về phía chủ nhiệm pháo binh nói cũng bằng một giọng mệt mỏi như vậy.-Dẫu sao cũng có thể dùng pháo binh phá hủy lối qua sông trước đi nếu như công binh không làm kịp chứ? Anh nghĩ thế nào, đại tá? Hay đó là chuyện ngoài sức tưởng tượng? -Thưa đồng chí trung tướng,-chủ nhiệm pháo binh nói, cố gắng tỏ ra là một người am hiểu công việc của mình khi trả lời Bét-xô-nốp,-chiếc cầu này luôn luôn nằm dưới tầm hỏa lực của chúng tôi nhưng bọn Đức đã khôi phục lại. Xin đồng chí hãy nhìn ra chỗ qua sông. Đại bác 152 mi-li-mét của ta bắn liên tục. Tôi hy vọng rằng… Nhưng Bét-xô-nốp ngắt lời ông: -Nếu như xe tăng địch qua cầu được thì như thế có nghĩa là, đại tá ạ, chiếc cầu còn hoàn toàn nguyên vẹn. Tôi tin vào những gì mắt tôi nhìn thấy.-Ông dùng cái gậy trỏ về phía chiếc cầu đã chìm trong khói.-Luật tán xạ à? Xác suất trúng đích ít à? Thế tại sao luật tán xạ của bọn Đức… Ông không nói hết câu, tiếng đạn súng cối sáu nòng của địch nổ chói tai át tất cả mọi tiếng nói trên điểm cao. Đuôi đạn dài như sao chổi thiêu đốt, che khuất khoảng trời hoàng hôn ở phía Tây. Điểm cao như bị nứt ra vì động đất, ngọn lửa nóng bỏng vun vút quay tròn như đu quay trên triền dốc. Đúng lúc ấy có người ép mạnh ông vào vách hầm đang rung lên để che chở cho ông: đó là thiếu tá Bô-gi-scô. Anh nói với cái giọng có phần nghiêm khắc, kiên quyết: -Đồng chí trung tướng, nằm xuống!… Lập tức Bét-xô-nốp nhận thấy sự chăm chú bất chợt của mọi người ở trong hầm, những cặp mắt nhìn chằm chặp vào ông như có ý hỏi: “Đồng chí có nằm xuống hay không? Nếu đồng chí nằm chúng tôi cũng sẽ nằm. Có mặt cấp trên mà vội vã hôn đất quá có thể sẽ bị hiểu lầm”. Còn chủ nhiệm pháo binh không rời khỏi bờ công sự nửa bước, nhìn chằm chằm về phía chiếc cầu, thậm chí ông cũng không khom lưng và cúi đầu; sau đó ông đi trong hào giao thông về phía những chiếc máy điện thoại của mình với cái vẻ dường như hoàn toàn dửng dưng trước những tiếng nổ rung chuyển trên điểm cao. -Đại tá!-Ve-xnin kêu lên trách móc.-Sao anh lại đi dưới bom đạn như một chú bé mới đến trường thế hả!-Và ông khom người xuống diềm thành công sự.