Con đường phát triển nghị lực là phải cố gắng. James A.Michener Tôi nhớ lần tản bộ từ trường về nhà hôm đó, một ngày xuân năm học lớp hai, tôi vừa nhận được tin giáo viên của năm học kế là bà Olsen. Steve, anh trai tôi đang học lớp bảy. Dĩ nhiên anh ta biết rõ ngôi trường này và tất cả giáo viên. Anh cảnh báo: “Em nên cầu nguyện để đừng gặp Olsen. Bà ta bắt em phát biểu liên tục, nếu sai sẽ bị đánh ngay trước lớp! Ngày nào em cũng phải làm bài kiểm tra ngắn, nếu sai sẽ bị đánh vào tay!” Mẹ tôi la: “Đủ rồi, Steven! Đừng nói bậy! Laurel! Đừng nghe anh con. Bà Olsen là người tốt. Không giáo viên nào làm những việc như vậy cả.” Mẹ là chủ tịch hội phụ huynh trường, vì vậy bà biết tất cả giáo viên. Tôi cảm thấy hơi khó chịu trước viễn cảnh bị ăn đòn vì quên học bài. Tôi về nhà nhưng trong đầu không thể xua tan hình ảnh bà Olsen. Con chó Laddie đang đứng trên sân vẫy đuôi chờ tôi về. Nhà không có hàng rào nhưng tuyệt đối nó không rời sân chạy ra đường. Đến nơi, tôi vội ôm lấy cái đầu rồi kéo chân nó vô nhà. Tôi gọi lớn: “Mẹ ơi! Con về rồi!” Tôi xuống bếp treo tờ kiểm tra lên tủ lạnh rồi kiếm cái gì đó ăn trong khi chờ mẹ nấu bữa tối. Có hai thứ tôi rất thích làm là xem mẹ nấu ăn và xem bố cạo râu. Mỗi sáng, tôi thường ngồi trên nắp bàn cầu xem bố cạo từng dao trên cái má đầy xà phòng. Bố cạo râu có vẻ rất điệu nghệ. Đến lúc chào tạm biệt, tôi không quên khen mặt ông rất nhẵn. Đến chiều, tôi kể mẹ nghe những chuyện trong ngày và xem đôi tay mảnh mai ấy thái và khuấy đồ ăn. Có hai thứ rất tương phản: Với mẹ, đó là làn da mềm mại và mái tóc đỏ đồng. Với bố, đó là mái tóc đen nhánh và đôi mắt rất giống tổ tiên người Cherokee. Vào một ngày, khi vừa bước qua cửa nhà bếp, tôi thấy mẹ đang khóc rồi dùng khăn lau nước mắt. Tôi hỏi: “Chuyện gì vậy? Sao mẹ khóc?” Vai mẹ như muốn đổ xuống, rồi nói: “Con yêu, chúng ta phải chuyển nhà.” Chuyển nhà! Không thể được! Đầu tôi như muốn vỡ tan. Chúng ta sẽ không chuyển nhà. Chúng ta sẽ ở đây mãi mãi. Theo tôi nhớ thì trước đây nhà tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc này. Chúng tôi đã sống gần những người hàng xóm quen thuộc bao lâu nay, và cuộc đời sẽ tiếp tục như vậy. Tôi hỏi: “Mẹ nói chuyển nhà là sao? Chúng ta sẽ đến đâu?” Tôi nghe bà giải thích vì sao chúng tôi phải ra đi. Qua điện thoại, mẹ phải lặp đi lặp lại câu chuyện đau lòng này cho những người bạn và họ hàng nghe. Dường như khi anh em tôi đang sống hạnh phúc mỗi ngày thì bố mẹ phải đấu tranh với các món nợ và công việc làm ăn đang suy sụp. Bố tôi đã làm cho nhà máy giấy St. Regis được nhiều năm. Sự nghiệp đang trên đà tốt đẹp. Lúc đầu, bố làm nghề chụp ảnh cho Trung tâm Kiểm soát bang Washington và học thêm nghề điều tra viên. Ông ấy bắt đầu làm việc cả ngày và đêm. Lúc thì ông được gọi là luật sư, lúc lại là doanh nhân. Có lúc bố tin mình có thể bỏ công việc tại nhà máy để làm điều tra toàn thời gian. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát lại gọi đi chụp ảnh hiện trường. Mong ước bố tôi “được làm ông chủ” đã khiến ông có quyết định quá lạc quan và hấp tấp. Sau đó, khi công việc làm ăn thất bại, ông ấy không dám cho ai biết và ngày càng ngập sâu trong nợ nần. Tôi chẳng bao giờ để ý bố đang ở đâu. Mẹ nói bố đang ngủ do làm việc suốt đêm. Sau đó tôi biết ông hề có mặt ở nhà. Dù ở đâu đi nữa thì ông ấy cũng đang lẩn tránh không muốn cho chúng tôi biết về những thất bại của ông. Sau vài động thái làm thay đổi lối sống gia đình, mọi khoản tiết kiệm đều bị xóa sạch. Bà tin nhiệm vụ đầu tiên là phải kiếm tiền cho gia đình, phải bỏ đi lòng tự kiêu để làm đơn xin trợ cấp. Tôi nhớ cái ngày người ta đem cho chúng tôi một hộp đồ ăn: những tảng phó mát và bơ to, bơ thật sự, chúng tôi cố nhai mấy ổ bánh phô mai ngán ngấy. Chúng tôi ra đi không có gì ngoài tình yêu và lòng tin tưởng. Mẹ luôn tìm ra mặt lạc quan của mọi vấn đề, chỉ ra tia sáng trong khi xung quanh toàn mây đen. Mẹ trở thành một phụ nữ phải đi làm nuôi con mà không hề có kinh nghiệm hay kỹ năng làm việc. Bà biết mình phải kiếm cách giúp chúng tôi vì vậy bà đã làm điều mà người ta gọi là “kéo bản thân ra khỏi vực sâu”. Mẹ đã làm đơn xin học đại học để xây dựng lại cuộc sống. Mẹ học rất siêng năng và thường kể chuyện về mấy người bạn trong lớp. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mẹ ngồi học trong gian bếp chất đầy sách vở và giấy tờ. Thỉnh thoảng mẹ còn học chung với vài người bạn. Họ ngồi chung bàn cười nói về những điều mà tôi chẳng hiểu tí gì. Tôi bắt đầu nhận ra mẹ trở thành người hoàn toàn khác. Bà trở nên mạnh mẽ, nghị lực và quan trọng hơn. Trong quá trình đào tạo, mẹ được phân công thực tập ở khoa phục hồi của một bệnh viện từ thiện. Đó là nơi mẹ mở rộng tầm mắt. Mẹ nói: “Con không thể tin họ làm gì cho những bệnh nhân ở đó đâu. Tuyệt vời thật! Giá như mẹ được làm việc ở đó để giúp mọi người. Bệnh nhân đến với cái đầu chấn thương rất nặng, nhưng khi ra đi họ hoàn toàn bình thường, cười, nói, có thể tự ăn mặc. Thật kỳ diệu!” Tôi đã ở đó để xem mẹ nhận tấm bằng của chương trình chữa bệnh nghề nghiệp do Đại học Cộng đồng Green River cấp. Có lẽ tôi quá trẻ để hiểu hết những bài học vừa qua: bài học về làm một người phụ nữ, bài học về niềm tự hào, bài học của sự tận tụy. Tôi hiểu gia đình mình sắp trở lại như xưa. Mẹ đã vượt qua khó khăn để có thể chăm lo cho tôi và quan trọng hơn là dạy tôi cách chăm lo chính mình. Mẹ sẽ nghỉ hưu vào năm nay, sau 22 năm làm việc tại bệnh viện. Bà giúp mọi người sống với chấn thương và làm sao để được hạnh phúc. Tôi tự hào về mẹ. Laurel Turner