Người dịch: Lê Văn Viện
Chương 5 & 6

Sergei ngồi sau bàn, tay vân vê con dao mở phong bì bằng vàng, vẻ tư lự. Anh nhìn Irma Andersen, rồi nhìn người đàn ông ngồi cạnh bà. "Tôi cũng không biết nữa" anh nói "ở đây, chúng tôi làm ăn cũng tốt, và tôi không muốn làm đổ xe táo, như người Mỹ các vị vẫn nói thế".
Irma cười hô hố, liến thoắng tràng tiếng Pháp, quá nhanh đối với người Mỹ đang ngồi bên. "Anh là thẳng ngốc, Sergei! Anh thu hai trăm ngàn mỗi năm, song chỉ có mười bảy ngàn cho mình, thế mà kêu là đủ à? Lakow đem lại cho anh hàng triệu!"
"Nhưng ở đây tôi biết mình có thể làm được gì" Sergei nói. "Còn ở Mỹ lại là một thứ doanh nghiệp hoàn toàn khác. Toàn những người thông minh hơn, sắc sảo hơn, mà tôi thì không muốn khánh kiệt vì đem quần áo của họ ra bán ở chợ bình dân. Ngoài ra, làm sao mà tôi biết được doanh nghiệp của mình ở đây sẽ chịu những tác động gì? có thể mất trắng nếu như khách hàng cho rằng chúng tôi đã trở thành bình thường, thậm chí tầm thường".
"Nhưng đồ nhái những trang phục của anh đang bán khắp nước Mỹ đấy, cũng có khác gì đâu?"
"Đồ nhái lại là chuyện khác. Gía cả hàng chính phẩm của chúng tôi vẫn được giữ nguyên. Không phải ai cũng có được một bộ chính gốc. Chúng tôi sẽ mất tất cả những thứ đó nếu xông vào hàng ngũ hai mươi đến năm mươi đô la một chiếc".
"Không chỉ trang phục" Harvey Lakow nói "mà là mọi thứ. Một cách sống hoàn toàn mới đối với phụ nữ Mỹ. Cái tên Hoàng tử Nikovitch sẽ nằm trên mọi thứ. Cả mấy tầng lầu mỹ phẩm và nước hoa, đồ lót, thể thao, từ áo tắm hai mảnh đến đồ trượt tuyết. Các ông chồng cũng không bị quên lãng. Chúng ta sẽ có cravate, trang phục thể thao và đồ tắm của đàn ông. Tôi nghĩ là ông không hoàn toàn nhận biết được ý nghĩa của toàn bộ chuyện này đâu. Chúng ta sẽ đầu tư trên năm triệu trước khi bán hàng".
Sergei vẫn ngần ngại. "Ý tưởng hay đến thế, tại sao các nhà may khác không vào cuộc?"
Harvey Lakow mỉm cười. "Bởi vì chúng tôi chưa đề cập với họ. Chúng tôi đề cập với ông".
Sergei tin là Lakow nói thực. Tổ hợp Liên bang gồm cả một chuỗi các cửa hàng bách hoá, các tiệm trang phục phụ nữ tre6n thế giới. Riêng ở Mỹ đã có hơn một ngàn, từ các siêu thị khổng lồ tại các thành phố đến các cửa hàng nhỏ và vừa ở các thị trấn.
"Nếu có thể có bất cứ ai ông muốn, thì tại sao lại là tôi?"
"Tôi có thể nói huỵch toẹt ra chứ ạ?"
"Cứ nói đi" Irma nói "sự thật không giết anh ta đâu".
Lakow quay lại Sergei. "Một khi đã quyết định về cái tạm gọi là Paris trong nhà bạn, thì chúng tôi bắt đầu tìm kiếm một nhà may mà theo chúng tôi, là phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Chúng tôi gạt bỏ ngay các nhà cổ điển hoặc được thành lập một cách nghiêm chỉnh, vì tin chắc họ sẽ quá xơ cứng trong cung cách mới. Rồi chúng tôi  xem xét đến việc lôi kéo các nhà thiết kế của họ. Nhưng cách đó không thực tiễn. Người ta biết đến cái tên Dior chứ không phải người thiết kế. Và chúng tôi tìm kiếm một cái tên mà bất cứ phụ nữ Mỹ nào cũng đều có thể liên tưởng ngay tới nhà may Paris, nên đã quyết định tiếp cận ông. Cũng kỳ thật, chính là  vợ tôi đã nhắc tới tên ông. Tôi rất tin vào phán xét của vợ mình, vì bà ấy có những bản năng rất tuyệt. Vợ tôi chỉ ra rằng mặc dù ông xuất hiện chưa lâu, nhưng qua theo dõi thì thấy trên một bình diện nào đó ông nổi tiếng hơn hết các nhà may cổ điển. Ngoài ra, vừa tôi bảo rằng bà ấy có lần đã gặp ông và biết tài năng còn tiềm ẩn của ông".
"Vợ ông?" Sergei nhíu mày.
Harvey Lakow mỉm cười. "Vợ tôi bảo có thể không ông nhớ. Đó là hồi trước chiến tranh, khi bà ấy một mình đi nghỉ ở Paris. Khi đó ông là sinh viên, làm hướng dẫn viên ngoài giờ cho bà ấy và đã giúp bà ấy rất nhiều".
"Tôi xin lỗi" Sergei nói "tôi không nhớ được bà ấy".
"Điều đó không quan trọng. Quan trọng là bây giờ ông có một nhà may tốt và  cũng đã ít nhiều thành công. Song ở Paris, ông sẽ không bao giờ thực sự đạt tới địa vị nhà may đứng đầu. Vậy nhưng đối với phụ nữ Mỹ, các nhà khác chỉ là những cái tên, trong khi ông là một con người cụ thể, người mà họ thấy được hình ông trên báo chí. Họ biết về ông qua cuộc hôn nhân với Sue Ann Daley và những bài báo quảng bá của bà Andersen. Ông bày ra cho họ vẻ đẹp quyến rũ, sự phấn khích và chất hoang dã. Đoan chắc rằng, nếu ông hợp nhất với chúng tôi và đến Mỹ, thì trong một thời gian ngắn, chúng ta có thể chế ngự thế giới thời trang ở đấy".
Harvey Lakow đứng lên. "Tôi hiểu đây là sự đường đột, và biết ông cần thời gian suy nghĩ. Mai tôi đi Rome và sẽ trở lại vào thứ bảy. Ông có thể cho tôi biết câu trả lời của ông vào hôm đó".
Yên lặng bao trùm sau khi Lakow ra đi. "Bà thấy thế nào?" cuối cùng Sergei hỏi Irma.
"Ông ấy đúng, cậu sẽ không bao giờ trở thành nhà may số một ở đây. Cậu biết rồi, vì chính cậu đã mời vài tay thiết kế hàng đầu về làm mà họ có nhận lời đâu".
Sergei hiểu. Từ lâu, anh đã thấy sự cần thiết phải có nhà thiết kế khác, bởi tay thiên thần bé nhỏ của anh đã bắt đầu lu mờ. "Vẫn nguy hiểm lắm. Tôi có thể mất trắng". Anh nói.
"Toàn bộ điều cậu cần là một vài năm tốt đẹp, còn sau đó thì không thành vấn đề nữa. Mười lăm phần trăm họ dành cho cậu đã gần bằng hai mươi lần cả cái cơ sở này. Mà họ vẫn sẵn sàng để cậu giữ chỗ này cho riêng mình".
Sergei nhìn bà. "Mỹ, tôi đã nghe nhiều về xứ sở nảy. Tôi luôn muốn đến đó. Vậy nhưng…tôi lại sợ".
Irma cười "Cậu chẳng phải sợ cái gì hết. Phụ nữ Mỹ cũng giống như mọi phụ nữ khác thôi. Giờ cậu phải biết rồi chứ. Tất cả họ đều yêu mến cái mà một người đàn ông có trong quần".
"Bà Irma, tôi bao giờ cũng có thể dựa vào sự trung thực của bà để đương đầu với chính mình".
"vì thế mà cái tên cậu nổi tiếng, chứ không phải tên của tay thiết kế thiên thần. Đừng có làm hỏng việc, cậu cả".
Sergei cắm điếu thuốc lá vào bót rồi châm hút.
"Nói cho tôi biết" Irma chợt bảo.
"Vâng?"
"Có thực là cậu không nhớ bà vợ của Lakow?"
Ánh mắt Sergei dịu dàng và đượm buồn. "Tôi nhớ bà ấy".
"Tôi cũng nghĩ thế" Irma mãn nguyện. "Tôi không nghĩ anh là loại đàn ông có thể quên bất cứ người đàn bà nào".
"Anh phải thích thú vì chuyện đó chứ" Sergei nói, sau khi làm ngụm cà phê. "Nhưng không!" Giselle giương cặp mắt xanh, to nhìn Sergei. "Anh đã ba mươi lăm, và đây là lần đầu tiên tìm được chỗ đứng cho mình. Anh không muốn để mất cơ hội này. Hay là anh bắt đầu già rồi?"
Giselle cười. "Anh vẫn là một người trẻ trung".
Sergei trìu mến nhìn cô. "Anh cảm thấy già. Mỗi khi nghĩ đến con gái, nó đã gần mười ba rồi, là anh lại được nhắc nhở về biết bao thời gian đã trôi đi".
"Anastasia thế nào? nó khoẻ không?"
"Như mong đợi. Đấy cũng là một vấn đề. Anh vừa không muốn rời nó nhưng lại sợ phải đưa nó đến một nơi mới, lạ lẫm. Ở đây nó cũng đủ khó khăn rồi. Những con người mới, ngôn ngữ mới… có thể quá sức nó".
"Ở Mỹ có nhiều trường tốt cho nó hơn là ở đây".
"Em nói cứ như thể anh buộc phải đi. Anh tưởng em không thích Mỹ?"
"Với nghề nghiệp của em thì Mỹ chẳng hay ho gì. Nhưng với anh thì nó sẽ là cả thế giới mới".
"Nhưng em có trở lại đấy không?"
"Như là một nghệ sĩ thì không. Nhưng nếu em là anh, vẫn trẻ trung và đang tìm kiếm một thế giới chinh phục, thì em không hề ngần ngại".
Sergei ngẫm nghĩ rồi lắc đầu quả quyết. "Không…không thể. Anh không thể để Anastasia một mình".
"Đi đi" Giselle khuyến khích. "Hãy thử một năm. Nếu không thích thì lại về. Em sẽ trông nom con gái cho anh".
Chuông điện thoại reo khi họ đang ăn sáng bên cửa sổ nhìn ra Champ Élysée. Harvey Lakow đứng lên. "Hello".
"Ông Lakow? Hoàng tử Nikovitch đây".
"Vâng?"
"Tôi đã suy nghĩ về đề nghị tốt đẹp của ông và quyết định chấp nhận".
Giọng Lakow đầy thoả mãn. "Tốt, tôi rất mừng. Ông sẽ không hối tiếc".
"Tôi cũng nghĩ vậy".
"Nếu sáng thứ hai ông rảnh thì tôi muốn đến văn phòng của ông. Có lẽ chúng ta cũng phải vào guồng thôi chứ?"
"Tôi xin hoàn toàn phục vụ ông".
Lakow đặt điện thoại xuống, trở lại bàn. "Rồi" ông vui vẻ, "anh ta vào cuộc".
"Em mừng" vợ ông nói, nhìn ông với một nụ cười.
"Hãy chờ cánh Liên minh Bách hoá nghe được tin này", Harvey đắc thắng. "Nó là tiếng sét đối với họ".
"Em chắc như thế, anh Harvey".
"May mà em nghĩ đến Nikovitch. Tất cả cánh khác, khi mình bàn chuyện này, họ cứ như là bố mình. Cứ như thể tiền của chúng ta không đủ cho họ vậy".
"Khỏi lo, anh Harvey. Họ sẽ hối tiếc".
"Em nói đúng, họ sẽ phải hối tiếc! nhất là khi họ thấy chúng ta hoạch định cho Nikovitch thế nào". Ông nhấm nháp ly cà phê, rồi nhăn mặt, đặt xuống. "Em nghĩ mà xem, người Pháp phải học cách pha một tách cà phê khả dĩ chứ!" Bà cả cười. "Lạ nhỉ, em nhớ ra anh ta mà sao anh ta lại không nhớ ra em. Anh không hiểu sao?"
""Chẳng lại gì cả, Harvey" bà dịu dàng nói, mắt nhìn ra cửa sổ. "Em rất có thể là một trong nhiều người Mỹ mà anh ta đã làm hướng dẫn viên. Vả lại, thời đó anh ta chỉ là một cậu  bé nhút nhát".
Ánh mắt bà trở lại với Harvey và trong một thoáng, nó chứa đựng toàn bộ cái đẹp của cuộc đời bà. Bà hôn lên má ông. "Bởi vì anh là anh" bà thì thầm "và bởi vì em yêu  anh".
Chương 6
Tiếng máy gầm rú trên mũi chiếc DC-7 thuê trọn gói chợt ắng đi khi máy bay đạt đến độ cao. Sergei uể oải bấm nút ngả ghế ra, châm điếu thuốc rồi nhìn ra cửa sổ. Ở bên dưới, ánh đèn New Orlean nhấp nháy và chạy về phía sau khi máy bay lượn trên bầu trời vịnh Mexico để hướng tới bán đảo Florida.
"Ông Nikovitch" Norman Berry, tay làm đối ngoại nhỏ thó, mặt trắng bệch, ghé xuống chiếc ghế bên cạnh anh, vẫn xấp giấy trong tay như thường lệ, và vẫn nét lo âu muôn thuở trên mặt. "Tôi nghĩ là chúng ta nên dành mấy phút để lướt qua kế hoạch cho ngày mai".
"Lát nữa, Norman. Tôi muốn nghỉ ngơi chút xíu đã" Sergei thấy Berry càng lo lắng hơn. "Thôi, cứ để giấy tờ ở đây. Tôi sẽ xem và sẽ kêu anh sau".
"Vâng, thưa ông" Berry đứng lên, đi về phía cabin. Giọng các cô người mẫu ríu rít vọng qua khi cửa mở ra rồi đóng lại.
Sergei lười nhác nhìn xuống. Tờ chương trình in xanh đỏ với hàng chữ in đậm. "KHUYẾCH TRƯƠNG CỦA HOÀNG TỬ NIKOVITCH 19 tháng Chín 1951 Miami Florida. Đón tiếp tại sân bay: 9 giờ sáng. Uỷ ban đón tiếp tại sân bay: Thị trưởng, thành viên Hội đồng thành phố, Phòng thương mại Miami, Bách hoá tổng hợp (Thời trang Hoa Kỳ Miami) của Bartlett, nhà báo, nhiếp ảnh và các nhân viên của hãng phim thời sự và truyền hình".
Tất cả đều được lên chương trình, chi tiết đến từng phút, như hành trình của đoàn tàu hoả vậy. Và cứ thế suốt cả ngày cho đến nửa đêm, khi máy bay lại cất cánh để bay chuyến cuối cùng về New York. Sergei lật từng trang giấy rồi liếc dọc lối đi.
Irma Andersen đã ngủ, miệng hơi hé mở. Sergei lắc đầu, thật khó mà hiểu nổi. Anh trẻ hơn bà, trẻ hơn nhiều, vậy mà anh đã kiệt sức. Còn Irma lấy đâu ra cái năng lượng ấy, mỗi ngày? Đã mười ngày liền thế này, bắt đầu từ New York, rồi San Francisco, Chicago, Los Angeles, Dallas, New Orleans. Mỗi ngày là một thành phố lớn. Đêm thì bay.
Mà có phải chỉ chuyến đi này đâu. Cả một năm ngoái đã đầy cuồng nhiệt. Giờ đây, mãi cho đến giờ đây, anh mới bắt đầu hiểu động lực và nỗ lực trong kinh doanh ở Hoa Kỳ. Cũng chẳng lấy làm lạ, doanh nhân Mỹ chinh phục thế giới và chết trẻ. Họ không bao giờ dừng. Không dừng lấy một giây và chẳng dừng vì lý do gì hết.
Tất cả bắt đầu vào chưa đầy hai tháng sau khi anh gặp Lakow ở Paris. Nó bắt đầu thật thơ trẻ, giống như một viên sỏi ném xuống mặt nước, quầng sóng của nó cứ lan toả, rộng mãi ra. Chỉ có một mặt hàng. Nhưng nó bỗng xuất hiện trên hàng ngàn, hàng vạn quảng cáo của cả tổ hợp các cửa hiệu Thời trang Hoa Kỳ trên khắp đất nước.
Quần áo, rồi mũ, rồi giầy, rồi bất cứ cái gì đều từ bộ Sưu tập của Hoàng Tử Nikovitch. Đồ hoá trang của Hoàng tử, cái Đẹp của hoàng phái.
Mà chưa một mặt hàng nào chính thức được đưa vào sản xuất. Vậy là đối với Sergei, lúc nào cũng như một cuộc chạy đua đến đứt hơi với thời gian. Mọi thứ đều xảy ra cùng lúc trong các văn phòng trên lầu mười bảy của toà nhà Thời trang Hoa kỳ ở New York. Nơi đây là một sự huyên náo triền miên, nó làm cho một ngày cuồng nhiệt nhất ở Paris mà anh từng biết hao hao như một ngày nghỉ cuối tuần vậy.
Có ba phòng họp nối liền với văn phòng anh, mà vẫn có lúc anh thấy vẫn chưa đủ. Anh như con thoi giữa các phòng này. Mọi thứ đều có ban bệ và chuyên môn hoá, vậy nhưng nó lại được điều phối theo cái cách mà hầu như chỉ người Mỹ mới thực hiện nổi. Và, giữa các cuộc họp là báo chí, đối ngoại…Hai thứ này như vĩnh viễn thường trực.
Anh là một biểu trưng, là tên, là cả cuộc vận động. Người ta chụp ảnh anh ở tất cả các cuộc khai trương quan trọng, ở các nhà hát, các dạ vũ từ thiện, các sự kiện xã hội quan trọng. Andersen lo tất cả những việc đó, như thể bà lo thu xếp để tên anh xuất hiện trong tất cả các chuyên mục quan trọng, ít nhất là hai lần mỗi tuần. Không một ngày nào trôi qua mà lại không xuất hiện ít nhất là một cuộc phỏng vấn ở đâu đó trên nước Mỹ. Không tuần nào trôi qua mà giọng anh không vang trên đài phát thanh hay hình ảnh anh không xuất hiện trên truyền hình, đặc biệt là những chương trình hấp dẫn đối với phụ nữ.
Mấy tháng trước đây, Norman Berry đã lao vào văn phòng anh, đầy phấn khích, tay giơ cao tờ Thời đại Quảng cáo. "Chúng ta thắng rồi! Chúng ta thắng rồi!"
Sergei ngẩng lên từ các bản thiết kế "Thắng gì  cơ?"  
"Thời đại Quảng cáo tuyên bố hiện Hoàng tử Nikovitch là người đàn ông nổi tiếng nhất  trong quảng cáo Mỹ. Nổi tiếng hơn cả viên chỉ huy…tên ông ta là gì nhỉ?"
"Viên chỉ huy…tên-ông-ta-là-gì-nhỉ?" Sergei bối rối lập lại.
"Ông biết đấy" Norman nói. "Viên chỉ huy Mặt bệch ấy, tay Siêu nhân ấy".
"À, anh ta" Cặp lông mày Sergei nhướn lên mỉa mai. Anh nhìn Berry như thách thức. "Anh có nghĩ là chúng ta quên mất một thứ không? Có lẽ phải thêm món vodka vào thương phẩm của mình, hoàng tử Nikovitch Vodka".
"Đấy là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng…" Norman chằm chằm nhìn Sergei. "Ông đùa đấy chứ?"
Sergei tự cho phép mình nở nụ cười.
"Tôi quyết rồi, chưa bao giờ tôi có được ý tưởng như thế".
Ngày cuối cùng là mồng 10 tháng Chín ở New York.
Bộ sưu tập sẽ đem tuyệt vời y hệt bộ đã trình bày ở Paris. Thậm chí người mẫu cũng bay Air France đến. Rồi toàn bộ show sẽ bay tới các thành phố khác. Mười thành phố. Mười ngày.
Lakow nói đúng. Sergei cúi xuống cầm tờ Phục trang Phụ nữ hàng ngày lên. Dòng tít lớn đập vào mắt anh: NIKOVITCH! HAI MƯƠI TRIỆU TRONG NĂM ĐẦU!
Harvey Lakow đã ra sân bay đón khi họ hạ cánh xuống New York vào sáng hôm sau. Ông vọt lên  cabin chặn Sergei lại. "Tôi phải gặp ông trước khi ông bị cánh phóng viên vây chặt".
"Cánh phóng viên?" Anh hỏi. "Họ muốn cái gì? tour trình diễn đã chấm dứt hôm qua rồi mà".
Lakow cười. "Họ muốn chuyện trò với ông. Ông là tin tức là sự kiện ghê gớm nhất đối với thế giới thời  trang Hoa Kỳ trong vòng một trăm năm qua".
"Lạy Chúa tôi!" Sergei rơi lại xuống ghế. "Toàn bộ điều tôi muốn làm là lên giường và ngủ một mạch ba ngày liền".
"Sẽ rất ít ngủ đấy, cậu cả. Chúng ta phải giữ trái banh chứ. Đã đến lúc phải lên kế hoạch cho mùa xuân!" Sergei há hốc mồm nhìn ông ta. "À, mà nhân tiện" Lakow nói thêm "các giám đốc và chuyên viên của Thời trang Hoa Kỳ sẽ mở bữa tiệc nhỏ cho anh vào tối nay ở "21" để chúc mừng anh đã hoàn thành một công việc khủng khiếp. Hơn nữa, toàn bộ các bà vợ của chúng tôi đều nóng lòng gặp anh".
Cuối cùng thì ngày vẫn quá ngắn. Sergei chỉ đủ thời gian mặc quần áo ăn tối vào để vội vã đến nhà hàng. Khi cuộc giới thiệu đầy náo nhiệt đã qua đi, anh đứng lại với Myra Lakow.
Bà hầu như chẳng thay đổi gì, nhất là cặp mắt. Vẫn cặp mắt xanh thẳm ấy. "Cảm ơn vì đã nhớ đến tôi" Sergei khẽ nói.
Nụ cười của bà hoàn toàn như xưa. "Cảm ơn vì đã không nhớ ra tôi" rồi nụ cười tắt đi. "Khi đó, tôi muốn cảm thấy trẻ trung. Và tự do".
Anh nhìn bà đăm đắm "Thế còn bây giờ?"
"Bây giờ?" bà nhìn qua phòng, tới chỗ chồng đang đứng nói chuyện. Cặp mắt bà đượm vẻ hiền hoà và ấm áp. "Giờ thì tôi toại nguyện. Và hạnh phúc để sống đúng với tuổi tác mình".

Truyện Những kẻ phiêu lưu Lời bạt cũng là lời tựa QUYỂN MỘT - Chương 1 & 2 Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 QUYỂN HAI - QUYỀN LỰC VÀ TIỀN
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 QUYỂN 3 – TIỀN VÀ HÔN NHÂN
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 QUYỂN BỐN – HÔN NHÂN VÀ THỜI TRANG
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 QUYỂN 5 – THỜI TRANG VÀ CHÍNH TRỊ
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 & 24 QUYỂN 6 – VỀ VỚI CÁT BỤI
Chương 1 & 2
Chương 3 & 4 Chương 5 & 6 Chương 7 & 8 Chương 9 & 10 Chương 11 & 12 Chương 13 & 14 Chương 15 & 16 Chương 17 & 18 Chương 19 & 20 Chương 21 & 22 Chương 23 & 24 Chương 25 & 26 Chương 27 & 28 Chương 29 & 30 Chương 31 & 32 Chương 33 & 34 Chương 35 & 36 Tái bút