Sửa chánh tả: ThanhVien
CHƯƠNG 48

1932-1933
- Các đảng cách mạng ở Saigon phát động mạnh hơn ở Bắc và Trung.
- Các báo loan tin Nguyễn Ái Quốc chết ở Hồng kông.
- Hà Nội và Huế: Cộng sản hoạt động ngầm, V.N.Q.D.Ð hoàn toàn im lặng.
- Bửu Ðình, người Hoàng tộc làm cách mạng, bị Hội Ðồng Tôn Nhân Phủ bắt đổi tên họ là Tạ Ðình.
Trong lúc ở Trung kỳ và Bắc kỳ, phong trào Bảo Ðại bắt đầu lắng xuống, Phủ Toàn Quyền Hà Nội cũng như tòa Khâm Sứ Huế không làm gì hơn để tăng uy tín của ông vua, thì các Hội Kín Cách Mạng vẫn âm thầm hoạt động: Thanh Niên Cách Mạng đồng chí Hội (gọi tắt là thanh niên), Tân Việt Cách Mạng Ðảng (gọi tắt là Tân Việt), và Ðông Dương Cộng sản Ðảng. Một số đảng viên Thanh niên Cách Mạng đồng chí hội lại tách ra lập riêng một đảng có khuynh hướng cộng sản, lấy tên là An Nam Cộng Sản Ðảng.
Một số đảng viên của Tân Việt, trong đó có Võ Nguyên Giáp và Ðặng Thái Mai, cũng tách riêng ra, lập một đảng gọi là “Ðông Dương Cộng Sản Liên Hiệp “. Ba đảng cộng sản trên đây đều theo chủ nghĩa Mác Lê (Marx-Lénine), nhưng khác nhau trong các chi tiết tổ chức, và chống chỏi nhau, không hợp tác với nhau trên đường lối đấu tranh.
Vả lại, An nam cộng sản đảng và Ðông Dương cộng sản Liên Hiệp chỉ hoạt động ở Trung kỳ. Ðông Dương cộng sản đảng có kỳ bộ ở Trung Nam Bắc, nhưng hoạt động mạnh nhất ở Trung kỳ. Chính Ðông dương cộng sản đảng đã tổ chức hai phong trào nổi loạn riêng biệt: Ðồ Lương (Nghệ An) năm 1931, và Quảng Ngãi – 1932.
Theo dư luận của các đảng quốc gia chống cộng, căn cứ trên một vài tin tức của một số đồng chí bên Tàu về, thì hai cuộc khởi loạn trên kia “ Soviet Nghệ An “ và “Soviet Quảng Ngãi “đều do lịnh của Nguyễn Ái Quốc, là người chỉ huy Ðông Dương cộng sản đảng mà tổng hành dinh được đặt bí mật ở Trung Hoa.
Một số bạn bè trong giới thanh niên sinh viên Hà Nội có rủ Tuấn vào đảng Cộng sản Ðông Dương, lúc bấy giờ vẫn được gọi bằng tiếng Pháp là Parti Communiste de L’ Indochinois. Tuấn do dự chưa nhận lời vì thấy chủ trương Mác Lê không thích hợp với lý tưởng thuần tuý quốc gia của Tuấn.
Kế đó, Tuấn có dịp nghĩ hè về miền Trung, một hôm ghé chơi ở Qui Nhơn lại gặp một bạn cũ rủ Tuấn vào “ An nam cộng sản đảng “ (Parti Communiste Annamite). Tuấn ngạc nhiên và tìm hiểu sự bất đồng quan điểm giữa hai đảng cộng sản, và sự xuất hiện mới nhất của một đảng cộng sản thứ ba là Ðông Dương Cộng Sản Liên Hiệp, mà người bạn cho biết là Tổng bộ chỉ huy ở bên Xiêm (Thái Lan).
Trước những mâu thuẫn đó, Tuấn từ chối khéo và hứa chỉ hợp tác trên một vài điểm chung có tính cách tranh đấu cho quốc gia dân tộc mà thôi. Tuấn cương quyết không gia nhập một đảng cộng sản nào riêng rẽ ở Trung, Nam, Bắc.
Cuộc nổi dậy của cộng sản Quảng Ngãi, nhất là đêm máu lửa hãi hùng ở Ðức Phổ, Mộ Ðức, năm 1932, do anh Nguyễn Nghiêm cầm đầu, khiến cho Tuấn suy nghĩ nhiều, và càng củng cố lập trường quốc gia thuần tuý của chàng, tránh những hành động đấu tranh giai cấp của cộng sản.
Cuối năm 1933, Tuấn đọc mấy tờ báo Pháp và An nam xuất bản ở Saigon và Hà Nội, thấy ở trang 4, trong một cột chữ nhỏ, một tin vắn tắt đại khái như sau đây:
Nguyễn Ái Quốc đã chết tại Hồng Kông vì bịnh lao
"Tin người Anh cho biết vừa rồi Nguyễn Ái Quốc, kẻ phiến loạn cách mạng An nam (agitateur révolutionnaire annamite) bị chết vì bịnh lao phổi trong ngục thất ở Hồng Kông. “
Cái tin ngắn chỉ có mấy dòng chữ nhỏ như thế, đăng ở cuối trang tư như một tin vặt không mấy quan trọng, nhưng đã gieo vào đầu óc của tất cả những người An nam làm cách mạng hồi đó, Quốc gia cũng như Cộng sản, sự tin chắc rằng cái tin kia là thật.
Ðối với thanh niên sinh viên như Tuấn trong trí óc nẩy ra ý nghĩ thực thà rằng Nguyễn Ái Quốc đã thuộc về thế hệ tiền bối như các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu thì sự chết về tuổi già là lẽ thường. Huống chi cụ Nguyễn Ái Quốc lại bị bịnh lao phổi, cụ chết vì bịnh đó cũng là lẽ tất nhiên.
Nói đúng ra, thời bấy giờ ở An nam ít có ai biết rằng Nguyễn Ái Quốc là cộng sản. Cái tên “Ái Quốc “ của cụ để cho các lớp người thanh niên yêu nước tưởng rằng cụ là một nhà cách mạng quốc gia lão thành, ở hải ngoại lâu năm như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vậy thôi.
Cái tin Nguyễn Ái Quốc chết vì bịnh lao phổi ở Hồng Kông đã làm xôn xao các giới cách mạng một thời gian rồi cũng chìm trong quên lãng. Dần dần không ai nói đến Nguyễn Ái Quốc nữa.
Mãi đến tháng 8 năm 1945, nghĩa là 12 năm sau, cũng như tất cả những người Việt Nam trong nước và hải ngoại, Tuấn nghe thấy lần đầu tiên cái tên Hồ Chí Minh và dư luận trong giới cách mạng quả quyết rằng “ Hồ Chí Minh “ chính là Nguyễn Ái Quốc. Tuấn hoàn toàn ngạc nhiên!
Vài năm sau đó, Tuấn được đọc ba bốn quyển sách ngoại quốc:
· Le VietMinh của Bernard Fall (Paris)
· Cinq hommes et la France của Jean Lacouture (Paris)
· From colonialism to communism (New York) của Hoàng Văn Chí.
· Le Mystérieux Hồ Chí Minh (Paris) của Hồ Văn Tạo.
mới biết rõ sự thật.
Sau khi Tưởng Giới Thạch tuyệt giao với Nga, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc, nhân viên sứ quán Nga, theo lãnh sự Nga là Borodine phải từ giã Trung quốc trở về Moscou, để Hồ Tùng Mậu (tức là cố Mậu, T.S 40 “ xến xáng “, bị giam ở trại an trí Trà Khê (Phú Yên) từ năm 1940 đến năm 1945) ở lại thay thế làm Tổng Bí Thư Ðông Dương Cộng Sản Đảng.
Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc được lịnh trở lại (từ Nga) Hồng Kông tiếp tục hoạt động, nhưng bị người Anh bắt bỏ tù ngày 6 tháng 6 năm 1931. Bắt rồi được tha, Nguyễn Ái Quốc lẻn đi Singapore, nơi đây ông lại bị người Anh bắt lần thứ hai, đưa về Hồng kông, vào bịnh viện vì bịnh lao phổi.
Cuối năm 1933, Nguyễn Ái Quốc bổng dưng biến mất. Nhà cầm quyền Anh ở Hồng Kông không hề cho biết Nguyễn Ái Quốc mất tích trong trường hợp nào. Có lẽ ông thoát ngục trốn đi chăng?
Dù sao họ cũng đã loan tin rằng Nguyễn Ái Quốc chết vì bịnh lao ở ngục thất Hồng Kông. Tờ báo Daily Worker, của đảng Cộng Sản Anh ở Luân Ðôn, cũng đăng tin xác nhận rằng Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ Cộng sản An nam, bị bịnh lao phổi đã từ trần trong ngục thất Anh ở Hồng Kông.
Ðồng thời bộ Thuộc địa Pháp ở Paris và Phủ Toàn Quyền Ðông Dương ở Hà Nội cũng nhận được tin ấy. Trong hồ sơ của Nguyễn Ái Quốc tại sở Mật Thám Pháp cũng có ghi rằng Nguyễn Ái Quốc chết vì bịnh lao phổi ở Hồng Kông năm 1933.
Sự thật, chỉ có một đôi người quan trọng của Komintern(cơ quan đầu não của cộng sản Ðệ Tam – Nga ), là biết Nguyễn Ái Quốc ở đâu và làm gì trong thời gian từ 1933 thoát ngục Hồng Kông, đến năm 1941, năm mà ông lại xuất hiện đột ngột ở Moscou.
Ngoài ra, chính những đảng cộng sản ở Moscou và ở khắp thế giới, và toàn thể đảng viên cộng sản An nam đều tin rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bịnh lao ở ngục thất ở Hồng Kông, như nhà cầm quyền Anh đã tuyên bố, và báo Daily Worker của đảng cộng sản Anh ở Luân Đôn đã đăng tin xác nhận.
Theo các tài liệu chính xác mới được tiết lộ sau nầy, thì Staline rất bất bình Nguyễn Ái Quốc vì ông chủ trương cuộc nổi loạn quá sớm của cộng sản Nghệ An năm 1931, và Quảng Ngãi năm 1932, gây thất bại lớn lao cho đảng Cộng sản Ðông Dương trong thời kỳ phôi thai.
Do đó, năm 1933, Nguyễn Ái Quốc đang ở Hồng Kông được lịnh của Staline triệu về Moscou và bí mật bị đày đến miền Ðông Sibérie. Mãi đến mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc mới được Staline gọi về Moscou và được lịnh cùng đi với Nguyễn Khánh Toàn sang gấp Yenan, nơi đây Mao Trạch Ðông giúp Nguyễn Ái Quốc những phương tiện trở về biên giới Hoa - Việt, lập mặt trận Việt-Minh với các phần tử cách mạng ở Trung Quốc.
Lần đầu tiên, năm 1941, xuất hiện nơi đây tên “ Hồ Chí Minh “, vì Nguyễn Ái Quốc vẫn còn dấu bí mật lai lịch và tên tuổi thật của ông. Mãi đến năm 1958, vài tờ báo của chính phủ Hà Nôị mới được phép chính thức đăng rõ ràng Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc.
Tạp chí tranh ảnh “ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa “ do Thông tấn xã Việt cộng phát hành, số tháng 8 năm 1960, đăng ảnh Nguyễn Ái Quốc với câu đề phía dưới “Ðồng chí Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) lúc 30 tuổi đang hoạt động ở ngoại quốc. “
Nhưng năm 1933, Tuấn đọc báo Hà Nội và Saigon, cứ yên trí rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bịnh lao phổi ở Hồng Kông. Chính một số đông lãnh tụ cộng sản ở Hà Nội lúc bấy giờ là Võ Nguyên Giáp, Ðặng Xuân Khu (Trường Chinh), Trần Huy Liệu, cũng đều tin chắc như vậy.
Các phong trào hội kín chỉ còn hoạt động bí mật và đa số thuộc về thành phần trí thức, hoặc gọi là trí thức. Ở Saigon, vài đảng hoạt động công khai theo chế độ công hòa Pháp, vì Nam kỳ là đất Pháp, người Nam kỳ là dân Pháp. Nhưng không nên lẫn lộn: ở đây người Pháp vẫn đặt ra sự ngăn cách giữa hai hạng người dân Nam kỳ thuộc Pháp.
Dân Pháp (Sujets francais) không được hưởng đầy đủ quyền lợi tinh thần và vật chất như “ dân nhập tịch Pháp “ (sujets naturalisés francais). Những người này cần phải có địa vị và thích nghi xã hội khá cao mới được chính quyền Pháp chấp nhận ngang hàng với người Pháp như ngững công dân Pháp, cùng theo dòng dõi của họ, được hưởng những quyền lợi ưu tiên như họ. Dĩ nhiên trước pháp luật, họ mất hẳn quốc tịch “ An nam “. Họ không còn là người An nam nữa.
Trái lại, “ dân Pháp “ (sujets francais), là tất cả những người dân Nam kỳ, sinh trưởng trên đất Nam kỳ, được hưởng đôi chút luật lệ tự do của Pháp - (citoyen francais) – trên nhiều phương diện, Nhưng họ không được hưởng những quyền lợi ưu tiên đặc biệt của người nhập tịch Pháp.
Ở Trung kỳ và Bắc kỳ, chỉ có một số rất ít, có thể nói là rất hiếm, người An nam nhập tịch Pháp. Những người này cũng được hưởng quy chế công dân Pháp (statut de citoyenneté francaise), như những người có quốc tịch Pháp ở Nam kỳ.
Ngoài ra, tất cả người dân Trung kỳ và Bắc kỳ đều là “ thần dân của Hoàng đế An nam – sujets de sa Majesté l’ Empereur d’ Annam, - và phải theo chế độ bảo hộ và pháp luật Nam triêù, luật Hồng Ðức của nhà Lê và luật Gia Long của nhà Nguyễn.
Nhưng theo danh từ thông dụng nhất,thì người Pháp gọi người Trung kỳ là Annamites de Centre, người Bắc kỳ là Annamites de Nord hay là Tonkinois, người Nam kỳ là Cochinchinois hay là Annamites de Cochinchine.
Hậu quả của chế độ cách biệt ấy, là những kẻ “ phạm tội “ở Trung -Bắc kỳ đều bị xử theo luật Nam triều. Sau đây là hai thí dụ rõ rệt nhất lấy trong trăm nghìn thí dụ.
Một người dân Trung kỳ, vừa là người trong “Hoàng tộc “ tên là Bửu Ðình, vào Saigon viết báo đối lập chống chính phủ Bảo hộ, vào khỏang năm 1925-26-27, và bị trục xuất về Trung kỳ. Toà án Nam triêù chiếu theo luật Gia Long xử ông 9 năm tù khổ sai, đày đi Côn lôn, và đổi họ “ Bửu “ thành ra họ “ Tạ “. Bửu Ðình bị xóa tên trong sổ Hoàng tộc, đổi ra thành Tạ Ðình, một kẻ bạch đinh thuộc về hàng “ bá tánh “.
Một người khác quê ở Huế, Ðồng sĩ Bình, nguyên làm Phán sự tòa sứ Qui Nhơn, có làm một bài thơ chữ Hán dán trên mộ bia của cụ Mai Xuân Thưởng, một nhà kháng chiến chống Pháp ở Bình Ðịnh. Bài thơ ấy có những câu hăng hái chống Pháp, bị toà án Nam triều xử vầ tội “ tạo yêu thư, yêu ngôn “, và bị 9 năm tù khổ sai, lưu đày đi Ban Mê Thuột. Một tội như thế nếu thủ phạm là người Nam kỳ, dân Tây, được xử tại toà án Pháp thì chỉ bị 6 tháng tù treo là quá lắm. Có thể được trắng án cũng nên.
Sự cách biệt của hai quy chế tư pháp là nguyên nhân do các đảng phái chính trị được hoạt động công khai và các báo chí đối lập được xuất bản tự do ở Saigon, và Nam kỳ, "terres francaises “, trong lúc ở Trung kỳ và Bắc kỳ tất cả các đảng phái đều là “ hội kín “, hoạt động lén lút trong bóng tối. Các báo đối lập cũng không được xuất bản tự do.
Tuy nhiên ở Saigon, dưới chế đô tự do của Pháp, chỉ có hai khuynh hướng chính trị đáng kể mà thôi.
Một là đảng Lập Hiến Ðông Dương (parti constitutionnaliste Indochinois) gồm toàn những địa chủ, điền chủ có nhiều ruộng đất ở các tỉnh Nam kỳ, các nhà kỹ nghệ, các công chức cao cấp “ trí thức thượng lưu, đốc phủ sứ v.v… " hầu hết là có quốc tịch Pháp. Ngoài Bùi Quang Chiêu, Kỹ sư Cầu cống là chủ tịch, và Nguyễn Phan Long, nghị viên và nhà báo, đảng Lập Hiến còn có những đảng viên danh tiếng như Nguyễn Phú Khai, Trương Văn Bền, Lê Quang Liêm, tự Bảy,v.v…
Tờ báo của họ là La Tribune Indigène sau đổi lại là La Tribune Indochinois. Nguyễn Phan Long còn làm chủ nhiệm tờ L’ Echo Annamite, từ sau năm 1945 được đổi lại là L’ Echo du Vietnam.
Chương trình hoạt động của đảng Lập Hiến chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi tinh thần và vật chất giới tư bản Nam kỳ.
Hai, là nhóm Cộng sản Ðệ Tam và Ðệ Tứ Quốc tế, tranh đấu cho giới thợ thuyền.
Hai nhóm cộng sản này là đôi anh em thù địch lẫn nhau, thường chống nhau quyết liệt trên các báo ngôn luận của họ. Họ tố cáo lẫn nhau là tay sai của đế quốc, và trong các cuộc tranh luận Hội đồng thành phố, họ bút chiến và đấu khẩu rất kịch liệt, gây ra không khí vô cùng sôi nổi. Giới thợ thuyền thấy bên nào nói hay, nói khéo là họ theo.
Ngoài ra, “ Hội kín Nguyễn An Ninh “ là một phong trào tuy cũng khuynh hướng về thợ thuyền và nông dân, nhưng có tính chất quốc gia hơn là quốc tế. Một phong trào cách mạng địa phương mà cả Ðệ Tam lẫn Ðệ Tứ quốc tế đều cố tìm cách khai thác và thu phục để lợi riêng cho họ. Tờ báo của Nguyễn An Ninh là La Cloche Fêlée mà sáng lập viên là một người Pháp tên là Dejean de la Batie, và quản lý là một người Pháp gốc Nga.
Từ khi Nguyễn An Ninh bị tù, hội kín của ông bị tan rã. Hội kín Nguyễn An Ninh cũng như đảng Lập Hiến Ðông Dương đều hoạt động riêng biệt trong giới hạn Nam kỳ của Pháp và hoàn toàn bị cấm ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Tất cả các hoạt động chính trị ở Saigon đều náo nhiệt hơn ở Hà Nội và Huế, vì thủ đô Nam kỳ được hưởng chế độ tự do hơn, nhưng chỉ ở trên bề mặt mà thôi. Như những đợt sóng xao động trên mặt biển, không có sóng thần vùng dậy ở bể sâu.
Thỉnh thoảng có những trận bão lớn làm cho biển động, nhưng không có “ lames de fond “. Quảng đại quần chúng không được tổ chức mạnh mẽ, cho nên sau những ngày sôi nổi, rầm rộ, hầu như giả tạo, do một vài nhóm trí thức tiểu tư sản gây ra mà không có sự hưởng ứng nồng nhiệt của các từng lớp nhân dân, người ta thường thấy không khí nguội dần và tẻ ngắt.
Vì thế nên người Bắc kỳ và Trung kỳ thường phê bình người Nam kỳ là “ lửa rơm “.
Cho đến năm 1945, thành kiến đó vẫn còn.
Ở Trung kỳ và Bắc kỳ, thì là “ lửa than “, nhưng không có cơ hội cháy bùng lên, cho nên cứ âm ỉ dưới lớp tro nóng. Phải công nhận rằng sau năm 1945, không khí đã đổi hẳn, ở "Nam bộ “ cũng như ở “ Trung bộ “ và “ Bắc bộ “.