Cái cơ chế thị trường tự phát và cứ tồn tại không chịu chết dù bị dẹp đi dẹp lại ấy đã dạy cho hắn biết rằng: Tháng Chạp âm lịch là tháng căng thẳng nhất về thuốc. Từ đầu tháng mậu dịch đã không bán thuốc ra nữa. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Thuốc đắt vọt. Nhị Thanh, Trường Sơn cũng đắt như tôm tươi. Khi đó nếu được “Đoàn chiền thanh xí nghiệp “ một tút thuốc Đrao coi như đã có gần nửa tháng lương rồi. Đó là thời gian hốt tiền của mậu dịch viên bách hoá, của những người ký giấy phân phối. Mỗi ngày một cửa hàng lọt ra thị trường vài chục cây thuốc lá là có cả tiền nghìn. Mỗi mậu dịch viên có cả một đám “vệ tinh” là “con buôn”. Cuối năm cái gì chẳng ra tiền. Chiếu, vải hoa, chỉ. Bát, chén. Ô S mua xi-mi-li, ô nữ mua xa-tanh. Một vốn mười lời. Ai làm chủ hàng hoá, người ấy làm chủ xã hội. Đến nhà các mậu dịch viên có cả những chủ nhiệm, giám đốc, uỷ viên uỷ ban... Họ cũng cười nịnh các mậu dịch viên học lớp 7 dở dang, nói ngọng... Họ tự nguyện xin việc: Chuyển cho chồng cô mậu dịch viên về du lịch, bố trí cho con bà cửa hàng phó về bến xe khách, có cần xi-măng không, họ chạy cho vài tấn v. v... Nắm được quy luật khan hiếm trước Tết, nhưng hắn không có cách nào khác. Hắn không có vốn mà dự trữ lấy mấy cân thuốc. Lúc đó giấy cũng khan. Lại nhiều người hỏi thuốc. Có người ở tận quê cũng đến nhà hắn. Lúc ấy cuộn thuốc thật tiếng tăm, danh giá. Cô Miên cũng không có thuốc. Cô chỉ chạy được ít chè. (Chè cũng khan). Cô bảo: “Phòng thuế, công an làm dữ lắm. Cả ngày hôm qua chỉ có mười cân chè về đây thì cô được hai cân. Mất hết”. Rồi cô than thở về cuộc sống khó khăn. Cô tiên đoán giá chè thuốc còn lên nữa. Cô nhắc đến Giang. Và thế là cô lại bừng bừng nổi giận cái loại đàn bà chồng chết không ở vậy được. Nếu con mẹ Thơi cũng như cô thì giọt máu cuối cùng của dòng họ Giang đâu đến nỗi. Hắn nghĩ đến chuyện đi Hà Nội mua thuốc. Phải đi ngay. Le temps c est de l or. Thời gian là vàng bạc. Hắn thu xếp tiền nong, cầm hơn một trăm đồng lên Hà Nội. Vốn liếng hắn khá khá. Nhưng có buôn bán mới biết: Vốn bao nhiêu cũng ít. To vốn nhớn lãi. Một trăm cũng chỉ được vài cân thuốc, một nghìn (tờ) giấy là hết. Mà bây giờ mỗi ngày chí ít cũng giao được một ki-lô thuốc.- Chợ thuốc à? ờ... ờ. Lê Bàn nhíu mày: - Hình như ở phố Hàng Mã. Tao vẫn mua thuốc rời và giấy cuộn ở đấy mà. Thuốc rời là thứ thuốc vụn từ nhà máy Thăng Long. Bàn mua cả gói. Mỗi gói một lạng. Hút bại. Hắn bảo: “Thứ rời này cũng cần. Độn ở giữa. Tốt lắm”. Bàn đèo hắn đến đó. Không có thuốc sợi. Chỉ còn mấy lạng thuốc rời. Hắn mua tất. Bà bán thuốc bảo: Sáng mai ra đầu chợ Bắc Qua đón tàu Bắc. Thế là hắn có một buổi chiều đến thàm bố mẹ Phương và một đêm trò chuyện với Bàn, dù ruột gan hắn nóng như lửa đốt. Đến nhà Phương hắn hình dung được tất cả những gì bố mẹ hắn phải chịu, Ngọc phải chịu khi hắn đi tù. Những người trong xớm nhìn cả vào mình, khi mình đi thẳng vào phía trong, qua vòi nước, qua nhà xí tới hai gian bếp mái lụp xụp tận trong cùng. Họ nhìn vì ở đây chỉ có bố mẹ Phương và một người con trai phản động đã bị bắt. Chỉ nguyên việc họ dừng mọi công việc, nhìn Bàn và hắn đi vào cũng đủ hiểu hai ông bà phải sống trong một không khí bao bọc như thế nào. Chưa vào ngay buồng hai ông bà, phải dừng trước cái xép Phương ở đã. Cửa khép. Đẩy vào. Không còn Phương nữa. Nhưng vẫn còn cái giá sách, tấm hình Xamôilôva, cái giường ba xà thì vẫn như nghe thấy tiếng Phương cười, giọng nói của Phương và Phương đang quanh quẩn đâu đây. Vẫn là cảm giác trống vắng của người bạn đã chết, đã mang đi mai táng để lại. Nụ cười sáng bừng trên khuôn mạt héo hon, dăn deo, tàn tạ của mẹ Phương mới đau đớn làm sao. Nó nói rằng từ khi Phương bị bắt, rất ít người lui tới Mẹ Phương cũng đứng ngoài cửa im lặng nhìn càn buồng của Phương.- Bác giai ngủ ở đây. Bác ngủ dưới kia. Bố Phương không có nhà. Bố Phương đi tiếp tế cho Phựơng từ hôm qua, chưa về. Phương đã chuyển lên trại trung ương. Trại PL. “PL”. Khi tập trung anh em số lẻ về VQ. cũng có nhiều người từ PL. tới. Địa danh ấy không lạ với hắn. Những địa danh loại ấy không lạ với hắn. “Nó bị tập trung cải tạo, mày ạ”. Bàn bảo vậy ngay lúc đang đèo nhau trên xe đạp đến nhà Phương. Quả là tin chết người, nhưng hắn cũng đã lường trước cả. Bởi vì một khi không có chứng cứ cụ thể thì chỉ có cái rọ ấy để bỏ vào thôi. Arrester sans preuve. Chẳng lẽ lại nhận có rải truyền đơn để được đem ra xử, rồi phản cung trước toà. Chẳng lẽ cứ nhận. Nhận hết. Cái gì cũng nhận. Bịa ra mà nhận... Đến thăm nhà có người đi tù, mà lại là tù tập trung cải tạo thật quá nặng nề, vì chẳng biết động viên gia đình ra sao. Bây giờ hắn mới hiểu điều đó. Bây giờ hắn mới hiểu cái nặng nề của những bạn bè đến thăm Ngọc ngày trước. - Nó có khỏe không, bác?Mẹ Phương lắc đầu:- Thấy bác giai bảo khoẻ. Khoẻ làm sao được!- Trại PL. cũng không căng lắm dâu. Cháu đã ở với nhiều anh em PL. Hắn lại nói dối. Những lời nói dối vô tác dụng, vì hắn biết mẹ Phương cố tin lời hắn mà không tin được. Vẻ mặt rầu rầu của bà như bảo hắn: “Trại nào mà không khổ. Đi tù là khổ rồi, con ạ”. - Nó về toán nào?Thấy Bàn và mẹ Phương ngơ ngác, hắn vội nói rõ hơn:- Nó làm việc gì ở trên ấy?- Gánh vệ sinh.Thế nghĩa là được tin. Được là tù tự giác. Được ra vào trại tự do. Nhưng phải làm cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết. Vất vả. Hôi thối. Cực nhọc. Gánh phân tươi cứ kìn kĩn, nặng trĩu bên vai, ám hết cả vào người. Ngày Tết lại càng khổ, lại càng vất vả. Anh em nghỉ làm, có bao nhiêu trút hết ở nhà xí trại. Nhưng không chỉ có vậy. Nhịn lâu, quanh năm đói chất, bỗng có món lòng trâu, tiếp đến món xương trâu, lại ba lạng thịt trâu già kho, đó là chưa kể món da trâu rắc vôi bột vất ở bờ suối được đem về bếp bung lên, tanh khắm buồn mửa, anh em đi ỉa chảy rất nhiều. Cánh trẻ no bụng, đói con mắt, khợp hết ngay một bữa. Những anh được bạc đu càng hăng. Không như hắn. Hắn ăn dè. Vừa kéo dài cuộc sống vừa đảm bao bụng dạ. Hắn, Chí Lồng Sếnh, một anh tù người dân tộc và già Gọi, người đã dám đứng lên xin ông Lâm, chánh giám thị trại QN. được quăng lên rừng cho hổ báo ăn thịt hay vứt xuống sông trầm hà đáy biển nếu như có tội, ba người chống đòn gánh đứng phía sau nhà xí. Không sao kéo được thùng ra. Người đứng xếp hàng đi ỉa ở đằng trước. Ôm bụng. Đứng chéo chân. Gập người. Nhăn mặt. Anh này vừa đứng lên, anh kia đã chen vội. Vứt vào thùng cả quần đùi, quần dài, chăn sợi. Bê bết cứt. Hố xí bên này phân tuôn như giội nước. Bên kia nổ một tràng liên thanh xối xả và đột ngột tắt lịm. Bên kia nữa lục bục, lẹt bẹt như gõ thúng, gõ mẹt đuổi gấu ăn giăng. Già Gọi rơm rớm nước mắt:- Giờ này tuổi tôi là ngồi giữa nhà, bà con xóm làng, con cháu đến chúc Tết. Pha trà, rồi bưng mâm lên đây. Chí Lồng Sếnh không nói. Cậy răng Chí Lồng Sếnh cũng không nói. Suốt thời gian ở cùng toán với Chí Lồng Sếnh, trừ cái tối xử án chuột, hắn chỉ nghe một lần Chí Lồng Sếnh nói. Đó là một đêm nghe tiếng nai gộ ở thung lũng. Chí Lồng Sếnh trở mình nằm sấp, nhìn ra phía bìa rừng ánh trăng bàng bạc, khe khẽ một mình:- Con nai về ăn lá sắn non đấy. Hỏi Chí Lồng Sếnh ngày Tết có nhớ nhà không. Chí Lồng Sếnh chỉ cười. Chí Lồng Sếnh cười rất đẹp. Mặt trái xoan, răng đều, lông mày thanh và dài, cong cong. Lông mi rợp. Nhưng khi cười đôi mắt Chí Lồng Sếnh càng buồn. Đôi mắt u sầu như đôi mắt Châu Ro. Hẳn Phương cũng có một tổ gánh cứt. Một già Gọi nào đấy, một Chí Lồng Sếnh nào đấy. Hắn bảo: - Gánh vệ sinh được là Phương nó có sức khoẻ đấy, bác ạ. Câu nói ấy có sức thuyết phục. Mẹ Phương tươi lên đôi chút. Hắn lại bảo:- Mong sao tình hình ổn định để nó chỉ ở đúng một lệnh ba năm. Cũng gần được một năm rồi. Nhanh thôi. Mẹ Phương nhất dịnh giữ hắn ở lại ăn cơm và ngủ ở đấy. Nhưng hắn viện nhiều lý do để về chỗ Lê Bàn. Suốt dọc đường ngồi sau xe đạp của Bàn, hắn bỗng thấy Hà Nội khác rồi. Hà Nội không còn là của hắn, của Phương, của Ngọc của những người như hắn. Hà Nội vẫn đẹp biết bao, nhưng thờ ơ, xa cách biết bao. Câu chuyện ở nhà Bàn cũng không kém phần bi đát nhưng dẫu sao hai người vẫn phá lên cười. Thì ra Bàn cũng đang bị treo giò. Và đã bị thẩm vấn nhiều lần. Khi giấy gọi. Khi giấy báo. Chưa một lần được giấy mời. Có thể do Bàn chơi với mấy người có vấn đề đã bị bắt. Trong đó có Nguyễn Vũ Phương. Họ nắm được cả Bàn chơi với hắn, hắn đi tù về là Bàn đến thăm ngay... Sau những buổi gọi hỏi dồn dập, bẵng đi ít ngày, họ đưa giấy gọi Bàn đến vào buổi tối. Cái giấy gọi buổi tối làm Bàn sầu não, tuyệt vọng. Anh nghĩ mình không có tội, nhưng như vậy thì Phương, hắn và nhiều người khác anh quen đã bị bắt là có tội hay sao? Họ cũng như anh! Chính vì thế anh cho rằng lần này rất ít khả năng anh trở lại căn buồng hẹp của mình ở phố Phùng Hưng. Anh khóa cửa, đạp xe đến nơi hẹn đúng giờ. Không có ai gặp anh. Anh ngồi một mình giữa căn buồng rộng và ngọn đèn tròn sáng quá mức. Anh ngồi. Lo lắng. Nghĩ ngợi. Rồi một người vào phòng. Anh đưa giấy gọi. Người ấy xem, giữ giấy và mời anh đi theo. Anh đi. Qua một hành lang vắng. Một cánh cửa khép. Người ấy đẩy cửa bước vào. Anh đứng ngoài chờ người ta bật đèn, vì trong đó tối om, nhưng cái ánh sáng anh mong đợi không thấy hiện lên. - Anh Bàn, vào đây. Người dẫn đường nhô ra nói với anh bằng một giọng thân mật. Anh bước vào căn buồng tối. Thận trong đưa chân ra phía trước dò đường. - Anh ngồi xuống ghế. Người dẫn đường bảo anh và khẽ ấn vai anh. Anh quờ tay chạm vào cái thành ghế tựa. Anh lay lay ghế. Chân ghế chắc chắn. Anh ngồi. Người dẫn đường bước ra, bỏ lại một mình anh trong căn buồng tối. Anh căng mắt nhìn và khi đã quen với bóng tối, anh nhận ra những bức tường tràng mờ, một tấm rèm sẫm đen, và hình bóng những chiếc bàn ghế. - Chúng tôi... Một giọng nói bất chợt vang lên. Bàn giật thót mình. Có một người đã ngồi trước ở đây chờ anh. Anh hiểu ngay đó là thủ trưởng, là người đối thoại với anh. Nhưng tại sao lại không bật điện. Sao lại như tiểu thuyết thế này. - Chúng tôi mời anh đến đây để nói với anh một số việc mà theo chúng tôi là cần thiết. Giọng trầm. âm vang. Rành rọt. Căn cứ vào giọng nói, anh đoán người đó trạc tuổi anh, và đây là người phụ trách cơ quan an ninh, phụ trách cơ quan điều tra. Một người có trách nhiệm, làm việc âm thầm vì an ninh Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng. Một người có toàn quyền quyết định số phận của anh. Với bản chất dễ xúc cảm, anh thấy như bóng tối trong phòng đặc thêm, mặc dù anh có thể nhìn rõ màu sáng mờ mờ của những bức tường. Anh thấy như anh đang ở trong một căn hầm và có tiếng xè xè của cánh cửa quay lộ ra một cầu thang thăm thẳm xuống cửa đập sâu tít như trong Hầm bí mật bên bờ sông Ô- đê mà anh đã đọc. Da anh rờn rợn lạnh. - Trị bệnh cứu người là mục đích của chúng tôi. Ngăn chặn là mục đích của chúng tôi. Chúng tôi chính thức báo cho anh biết: Anh đã tê liệt tinh thần cảnh giác cách mạng. Không hiểu mình đang ở bậc thang nguy hiểm nào đâu. Văn nghệ sĩ các anh là như vậy. Rất ngu ngơ về lập trường. Rất non nớt mà cứ tưởng ta đây hiểu biết. Cái nguy là ở đấy. àm việc với anh, nhắc nhở anh, cảnh giác anh, điều đó là cần thiết. Cần thiết cho anh. Cần thiết cho cách mạng. Những lời nói đanh thép, không cho cãi, những lời của chân lý, của đạo đức, của giai cấp, của sự cứu rỗi, khi xa xăm, như trên trời cao vọng xuống, lúc lại như ở dưới đất dội lên. Anh vẫn cố đoán mục đích, ý nghĩa của “pha ly kỳ” này. Và anh đã hiểu ra khi giọng trầm pha lẫn bi thương lại vang lên:- Chúng tôi đánh giá anh đúng mức. Anh đi theo cách mạng một cách hồn nhiên của một anh tiểu tư sản bấp bênh. Phải liên tục rèn luyện để có thể phục vụ cách mạng được nhiều hơn. Tôi nghĩ đó cũng là nguyện vọng của anh. Chúng tôi mong muốn rằng từ nay anh sẽ cộng tác chặt che với cơ quan an ninh (anh cảm thấy hết trọng lượng của các từ ấy, sự thiêng liêng của nó toả ra trong từng âm sắc của người nói) để bảo vệ thành quả cách mạng. Anh cười nhạt không thành tiếng trong bóng tối. Giọng nói vẫn vang lên như một mệnh lệnh:- Anh hãy suy nghĩ. Điều đó chỉ có lợi cho anh và phù hợp với những gì anh vẫn nói về bản thân anh. Anh có thể từ chối, đó là quyền của anh. Nhưng anh hãy cân nhắc cái gì sẽ đến với anh. Chúng tôi đánh giá anh trên cơ sở việc anh làm chứ không phải lời anh nói. Bàn cố nhiệt tình nói với bóng tối:- Thưa các đồng chí. Dù tôi có bị cách mạng nghi ngờ thì dòng máu trong tôi vẫn là dòng máu cách mạng. Điều đó tôi không cần ai tin. Một mình tôi tin là đủ Bởi vậy tôi không bao giờ tha thứ hay bao che một tên phản cách mạng, chống dối lại chế độ. Mãi sau này Bàn mới nghĩ đến cái máy ghi âm ở nhà Bình và anh đoán tối hôm đó họ cũng đặt máy ghi âm, ghi lại buổi nói chuyện. Anh thấy anh trả lời như vậy là đúng, là khôn ngoan, là kín. Và anh nghĩ họ tuyển anh làm đặc tinh thật cao tay. Ai cũng biết anh là người thẳng thắn, trung thực, có vấn đề với công an, anh là người tạo được yếu tố bất ngờ. Do đấy anh sẽ nắm được tình hình nhìều người khác, cung cấp cho họ rất nhiều về người khác. Có một điều khốn nạn nhất là từ bấy đến nay không ai in của Bàn nữa. Một bài báo cũng không. Cơ quan cho Bàn tạm nghỉ. Bè bạn ở các báo, các nhà xuất bản đều tươi cười trả lại bản thảo của các anh với những lý do chính đáng không chê vào đâu được. - Thế nhưng việc của tao, tay hộ tịch lại không biết gì, mày ạ. Bàn chồm dậy vì nhớ đến chi tiết ấy. Đó là lúc hai người đã buông màn và chuyến tàu Bắc khuya đã sầm sầm lao qua dốc cầu về phía Cửa Nam. - Dạo rằm tháng Bảy vừa rồi, ông đại diện tiểu khu còn mời tao đi kiểm tra một số gia đình buôn bán vàng mã. Có cả tay hộ tịch. Nửa đêm chúng tao xộc vào các nhà. Tịch thu bao nhiêu thứ. Có cả cháo gà bồi dưỡng. Ông tiểu khu còn đề nghị tao viết bài cho số báo tường. Tao viết ký tên đàng hoàng. Hắn reo lên:- Được ký nguyên tên trên số báo tườngBàn nghiêm trang:- Quan trọng đấy. Ký tên ở tiểu khu cũng quan trọng đấy. Rồi Bàn rinh rích:- Tay hộ tịch thỉnh thoảng vào chơi, kể chuyện nhà này, nhà nọ trên đường phố. Ai chứa điếm. Ai nghiện. Ai có ba thằng con đều đi ăn cắp. Tay ấy bảo: Nhà nào cũng như nhà bác thì chúng cháu yên tâm. Bàn lại cười ré lên, thú vị: “à! Tao còn được dự họp tuyên giáo tiểu khu mở rộng. Phong bao cẩn thận!”. Hắn cũng cười. Cười và mong chóng sáng. Để ra chợ xem có thuốc không. Tàu Bắc đã về rồi. Sáng hôm sau, ăn mỗi người một nắm xôi, đôi bạn chia tay. Bàn lên cơ quan xem có lương chưa. (Không được giao việc, nhưng vẫn có lương). Hắn đảo qua chợ. Vẫn không thấy lái thuốc về. Cả chợ Bắc Qua, cả chợ Đồng Xuân. Đành phải ở lại đến chiều thôi. Hắn nhảy xe buýt về nhà anh chị Diệu. Hắn đã chia tiền thành mấy món, đút ở cả hai túi quần, còn một ít đút ở túi ngực áo bông, ấn mãi xuống sâu đáy túi. Đứng trên xe buýt đông người, chật chội, hắn căng người ra mà cảnh giác. Hắn đang mang trong người tất cả vốn liếng, sản nghiệp nhà hắn. Một cái đụng nhẹ của ai đó cũng làm hắn tập trung sự chú ý. Ai đi lướt qua mạt hắn, hắn cũng chờ đợi một hành động gì đó tiếp theo. Như một con thỏ lắng nghe gió đưa đến mùi của sói. Bằng tất cả mọi giác quan. Bởi thế nên khi hắn chen ra cửa ô-tô để xuống xe ở bến đỗ phố Bà Triệu và bị kẹt giữa đám đông ùn lại cửa xe, hắn cảm thấy ngay có ai chạm vào túi ngực hắn. Hắn nắm chặt tay người ấy, thét lên: - ăn cắp!Đó là một người mặc quần áo Tô Châu, mũ tai bèo, lưng đeo ba-lô từ phía bên bước ra. Người ấy hất tay hắn, lách lên đứng ngay trước mặt hắn, cái ba-lô phồng căng đẩy hắn về phía sau. Người chen chân, hắn chỉ nhìn thấy cái mũ tai bèo cụp xuống gáy. Và một tiếng gầm còn to hơn tiếng thét của hắn:- Chính mày ăn cắp!Nhảy được xuống đường rồi, anh bộ đội chưa đi ngay. Anh ta đứng dưới lòng đường chờ hắn, chỉ tay lên phía cửa ô-tô nơi hắn đang bước xuống:- Bà con! Chính nó là thằng ăn cắp. Không ai bảo sao. Không ai muốn dây vào cuộc tranh cãi. Không ai muốn vạch mặt tên ăn cắp. Mọi người nhìn vào hắn, nhìn vào người mặc quần áo bộ đội một cách tò mò, rồi tản đi. Theo phản xạ, hắn đưa tay kiểm tra các túi tiền, và vẫn thấy còn nguyên. Đúng là ngón tay của người ấy đã chạm vào ngực hắn. ở đó hắn đút một ít tiền, nhưng nó chưa mổ được vì tiền nằm quá sâu. Người ấy vẫn đứng dưới đường, xốc lại ba-lô, hất mũ tai bèo ra phía sau, chờ đợi hắn, sẵn sàng làm cho ra nhẽ xem ai là kẻ cắp. Một khuôn mặt loang. Một vết sẹo tràng chạy qua một bên má xuống tới cổ. Bàn tay anh ta giữ quai ba-lô cũng bị vết sẹo loang. Kiểu cháy của bom na-pan. Một anh thương binh ở trong B ra. Người ấy gườm gườm nhìn hắn và reo lên:- Anh Tuấn. Hắn đã nhận ra. Họ nhảy bổ vào nhau trước sự ngạe nhiên của mọi người. Hắn ôm chặt anh bộ đội, ôm cả cái ba-lô phồng căng, thì thầm:- Dự! Dự!Hai người đẩy nhau ra và nhìn nhau một lần nữa. Hắn cười. Sung sướng, ngạc nhiên và thích thú vì anh thương binh bị bom na-pan ở B ra này lại chính là Dự. Dự mặt loang tay loang vì bị cháy ở trại V. Q. Dự có con chuột được đem xử án. Dự hay bắt tóp Dự đã xuống nhà hắn, ăn cơm một lần với hắn, xin hắn bộ quần áo, hôm sau còn đứng mãi ở bên kia đường nhìn sang nhà hắn, thèm thuồng một mái nhà, một gia đình như hắn, rồi bỏ đi. Hắn hỏi khi hai người đã sóng đôi trên hè phố. - Min đâu?- Vào kho rồi. Dự đáp thản nhiên. Hắn bị bất ngờ:- Vì sao?- Tý nữa. Tý nữa em nói anh nghe. Hắn thấy Dự thay đổi hẳn. Nhanh nhẹn. Xốc vác. Tự tin trên đường phố Hà Nội này. Họ đi ngược lên bờ hồ Hoàn Kiếm gió lộng. Rét xuýt xoa. Dự cười:- Suýt nữa anh em mình xô xát. Hắn nhìn Dự. Ngụ một câu hỏi. Dự hiểu:- Em làm lính mổ. Chuyên trên tuyến xe buýt và tàu điện nội thành. Hắn ngắm nhìn bọ quần áo đại cán Tô Châu của Dự. Và cái ba-lô, mũ tai bèo. Nhưng người ta còn có thể nghi anh bộ đội là giả cầy nếu không có vết sẹo do bỏng ở trại V. Q. Dự đã hoàn toàn trở thành anh thương binh từ trong khói lửa miền Nam trở về với gia đình miền Bắc. Dự hỏi:- Giống không?- Không chê vào đâu được. Dự cười, rút trong túi áo đại cán bao thuốc lá. - Tam Thanh đàng hoàng. Phải tới hai đồng rưỡi một bao đấy. Hai anh em hút. ấm cả cổ. Hắn không ngờ Dự lại là lính mổ. Vì trong trại Dự chậm chạp, hiền lành, cù mì ít nói. Dự bảo hắn: “May mà em làm được nghề này. Lúc đầu cũng lo. Sợ lắm. Nhưng rồi quen. Em với Min. Min bị bắt tháng trước. Có lẽ vì Min không có sẹo như em”. Dự cười: “Có cái sẹo này hoá may, cái tay khoèo này nữa. Chẳng ai nghi ngờ gì”. “Nhưng tay này thao tác có ổn không?”. Dự giơ bàn tay sẹo loang trắng trắng hồng hồng có mấy ngón co quắp lên. Hắn chỉ thấy hơi gợn nhẹ ở ngực áo, mấy tờ giấy bạc đã nằm gọn trong tay Dự. Dự cười và ấn trả lại vào túi hắn. “Được không? Túi áo bông hơi khó. Túi áo sơ-mi dễ hơn”. Và Dự bảo hắn như Giang đã bảo: “Anh đừng để tiền ở túi áo”. Dự rủ hắn đi ăn. “Anh em mình phải có bữa liên hoan kỷ niệm chứ. Em mới thắng một quả đậm”. Thấy hắn ngần ngừ, Dự hỏi: “Anh có bận gì không?” Khi biết mục đích của hắn đi Hà Nội, Dự reo lên: “Thuốc lá à? Em sẽ đưa anh tới một nơi. Bảo đảm là có mà”.