P3 - Chương 10

Họ ngồi trên những cành khô, dưới vòm cây rừng Bời Lời kín mít. Nắng trưa theo gió, xuyên lá rải trên mình họ vài chấm lung linh.
Người gầy nhất, áo xá xẩu đen, gác chiếc vòng mây bên cạnh, hệt như một Hoa kiều thiến heo dạo, giọng miền Bắc pha:
- Tin tức Diệm có chắc không?
- Cô Ba Nọt Tông vừa ở trên đó về, cho biết tụi nó bài binh bố trận dữ dằn lắm. Như vậy, vợ chồng tay gì đó nói với thằng Phúc là thiệt.
Người trả lời, tác dềnh dàng, trán cao, mặc áo bành tô xám, khẩu “Côn” thò báng ra túi, là Năm Xếp – tỉnh ủy viên phụ trách an ninh, do công tác đó nên còn có tên là Năm Ninh, người gầy là Hoàng Lệ Kha, ủy viên thường vụ tỉnh ủy Tây Ninh.
- Tôi dò hỏi thằng cháu, theo nó, có triệu chứng Diệm lên Ban Mê Thuột. - Người thứ ba, nhỏ nhắn, giống một học sinh. Anh tên Nhì, tỉnh ủy viên.
- Nếu con của ông Phương hé tin, chắc đúng trăm phần trăm rồi!
Ông Phương mà Năm Ninh nhắc là Trần Hữu Phương, nguyên Bộ trưởng, anh ruột của Nhì.
Họ trầm ngâm hồi lâu. Ngoài tiếng hồng hoàng vỗ cánh, khu rừng chìm trong lặng lẽ.
- Anh Ba cho ý kiến để tôi còn sắp đặt! – Năm Ninh chừng sốt ruột, tiếng.
- Khó đa! – Ba Kha đắn đo. Việc này lớn quá, tôi không dám quyết định. Đợi tôi gặp anh Chín bí thư trao đổi trong thường vụ rồi xin ý kiến R….
- Trời đất! Chạy vòng vo kiểu đó, thằng Diệm lên Ban Mê Thuộc ăn ỉa đã đời, về Sài Gòn ngủ thẳng giấc, họa may người của tôi mới lò mò tới nơi – Năm Ninh bực dọc.
- Theo tôi, trao đổi thỉnh thị, anh Ba cứ làm còn bố trí anh Năm cứ bố trí. Để sẩy keo này uổng lắm. - Nhì chen vào.
- Chà! - Ba Kha do dự.
- Ít ra trong cấp ủy cũng có tới ba đồng chí bàn việc này, tôi thấy, mình chịu trách nhiệm với tập thể, bởi binh quý thần tốc, dễ gì có cơ hội. - Năm Ninh nhất quyết đốc vô.
- Mình ở một địa phương nhỏ, việc lại quá quan trọng, e quyết định có gì so thất chăng? - Ba Kha còn băn khoăn.
- Sơ thất gì mà sơ thất. Tội ác của thằng Diệm lút đầu lút cổ vậy mà anh còn sợ giết nó là phạm nguyên tắc. – Năm Ninh chì chiết – Nguyên tắc lớn nhất là trừ gian giệt ác, tôi nói vậy đó. Giết ẩu, giết càn là bậy,còn giết đúng để cứu dân là trúng nguyên tắc. Anh ngán kỷ luật, tôi chịu hết cho!
- Đâu phải vậy… - Ba Kha vẫn điềm đạm – Ta cân nhắc lợi hại về chính trị, giết Diệm bây giờ có lợi chưa?
- Tôi cho là có lợi – Nhì nói – Quần chúng tán thành. Nếu ta ra tay sớm, tỷ như năm ngoái, năm kia, thì có một số người chưa hiểu, bất lợi về chính trị. Nay, đến đồng bào di cư cũng có số bắt đầu thấy bộ mặt gian ác của Diệm. Nó đạp trên đạo họ để leo lên ngôi vua Mà, là thứ bạo chúa.
- Cho ý kiến của anh là đúng đi, làm cách nào để thi hành được? – Ba Kha rõ ràng đã xiêu lòng.
- Tôi lo cho! – Năm Ninh nhổm người, sôi nổi – Thằng Phúc được lệnh lên Ban Mê Thuột với đoàn công dân vụ Tây Ninh, nó nằn nằn đòi lãnh việc đó. Tôi tính kỹ rồi, nó làm là tiện hơn hết. Cô Ba Nọt Tông giúp nó.
- Súng lấy ở đâu? – Ba Kha hỏi.
- Có thể mượn chổ anh Bảy Môn.
- Từ đây qua chiến khu Đ lấy súng, trễ mất!
- Súng ngắn thì sẵn. Lấy khẩu của tôi cũng được!
- Muốn chắc ăn,dùng tiểu liên. Tôi có chổ lấy tiện hơn. - Nhì hạ thấp giọng.
- Quận trường Gò Dầu!
Sau đó, ba người chụm đầu, rù rì tới xế chiều.
°
Ngô Đình Diệm quyết định mở hội chợ Buôn Mê Thuột là việc có suy tính. Nhu đã nói tiếng nói chung cuộc trong vụ này.
Tây Nguyên – vùng đất chưa khai phá – giữ vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với bán đảo Đông Dương. Đứng vững ở Tây Nguyên có nghĩa là giành thế chủ động cao trong các tình huống khác nhau. Nhu lập luận: Với Tây Nguyên, chúng ta “tấn khả dĩ công, thối khả dĩ thủ”. Đúng vậy, địa bàn cơ động tiếp giáp Nam, Bắc Việt Nam, Lào và Miên cho phép người nào làm chủ Tây Nguyên có thể linh hoạt xoay chuyển cục diện quân sự. Hơn nữa, Tây Nguyên gồm nhiều bộ tộc chưa phát triển, đất đai lại màu mỡ, chỉ cần cấy vào một mức sức người có tổ chức và một mức máy móc là chinh phục được nhân tâm.
Từ lâu, Pháp đã thấy tầm vóc Tây Nguyên. Tư bản người Pháp theo sau các nhà truyền giáo, lập ra các đồn điền cà phê. Tuy nhiên mức đầu tư của Pháp nói chung chưa đáng kể. Có lẽ thành công lớn nhất của Pháp là kéo được một bộ phận người Rhađê. Ưu đãi tầng lớp trên của bộ phận này và biến họ thành công cụ trấn áp người Rhađê và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Sự chần chừ của Pháp cũng dễ hiểu: Tây Nguyên xa xôi hiểm trở, đường xá đi lại cách bức, dễ nảy sinh tình trạng cát cứ. Thực tế đã có một vụ cát cứ rồi.
Một gã lưu manh nhưng rất tài hoa bắn cung nỏ, đánh kiếm giỏi, khỏe mạnh, đẹp trai tên là Mayrena, từ Pháp phiêu bạt sang Attôpơ tìm vàng. Toàn quyền Đông Dương thấy gã lanh lợi nên giao cho gã nhiệm vụ chinh phục người Thượng. Công sư Quy Nhơn Lamire giới thiệu gã với các linh mục đạo Thiên Chúa ở Komtum và gã được giúp đỡ khi vừa đặt chân lên vùng núi hẻo lánh này, nhất là của linh mục Guerlach. Đó là vào tháng 5 năm 1888.
Mayrena chọn Dakto làm chỗ đứng. Gã trổ tài bắn cung, đánh kiếm và bao giờ gã cũng vô địch. Người Sêđăng - vốn hiếu chiến - khâm phục gã. Chẳng bao lâu Mayrena lên ngôi vua, với tước hiệu Marie đệ nhất, vua nước Sêđăng, triệu tập đại hội bô lão để cử tể tướng. Một người Thượng tên Krui giữ ngôi vị này. Các bộ lạc Bana, Mơnông… lần lượt về với gã. Vương quốc Tây Nguyên có quốc kỳ, có giấy bạc, có cấp chức v.v…
Trước tình hình đó, chính phủ Pháp lo ngại. Bấy giờ, người Xiêm chiếm Attôpơ. Nếu để Mayrena liên minh với Xiêm coi như Pháp bị hất khỏi Tây Nguyên và địa vị ở Đông Dương càng lung lay. Quyết định kéo quân lên dẹp Mayrena đang sửa soạn thực hiện thì “quốc vương” về châu Âu nghỉ ngơi. Nhân cơ hội đó chính phủ Pháp bít đường trở qua của gã, đưa công sứ Quy Nhơn “đăng quang” thay Mayrena và vài năm sau giải tán luôn vương quốc.
Mãi đến khi phong trào Việt Minh lên mạnh, chính phủ Pháp mới thực hiện một loạt chính sách nhằm lôi léo người Tây Nguyên. Một trong những chính sách đó là lập khu tự trị Tây Kỳ. Tuy vậy, với cách nhìn thực dân cũ kỹ, người Pháp chỉ mới dám trao quyền cấp xã, cấp quận, còn trong quân đội, đại úy là quân hàm cao nhất dành cho người Thượng.
Chỗ dựa của Pháp là các linh mục, giám mục đạo Thiên Chúa. Trong khi đó, hội thánh Tin Lành, đến sau, lại mở rộng hoạt động và trở thành thế lực tôn giáo hàng đầu.
Vào giờ phút hấp hối ở Đông Dương, Pháp lại xoay sở thành lập cái gọi là Hoàng triều cương thổ - đặt Tây Nguyên dưới quyền trực tiếp của triều đình Huế, hy vọng tạo cho thế lực thân Pháp chốn nương náu lâu dài, nếu yếu thì vạn đại dung thân, nếu mạnh thì trong một hồi kèn, chế ngự từ biển Đông đến sống Mêkông. Đứng đầu Hoàng triều cương thổ Khâm mạng Nguyễn Đệ, còn khu bắc do Ecarlat, khu nam do Didelot, người Pháp phụ trách.
Khi người ta hấp hối sự suy tính thường không chính xác. Bởi vậy, bằng một sắc lệnh đơn giản, Ngô Đình Diệm cho Hoàng triều cương thổ ra mây khói. Hội thánh Tin Lành đóp góp đắc lực trong việc Diệm thu hồi Tây Nguyên, sau đó, đến giám mục đạo Thiên Chúa Kontum.
Diệm đưa lên Tây Nguyên một số lượng người Kinh và người Nùng đáng kể. Những dinh điền “nhảy dù” giữa một vùng đất bazan màu mỡ, trên các trục lộ và cứ điểm xung yếu. Ban Mê Thuột nhanh chóng đổi bộ mặt: một kinh đô Tây Nguyên.
Trong lúc đó, vấn đề phát sinh: các phần tử thân Pháp không dễ dàng buông vũ khí, cộng với ảnh hưởng Việt Minh người Thượng như Y Ngông, Y Blốc… đều tập kết ra Bắc Việt, song dấu ấn của cuộc kháng chiến vẫn còn in đậm trong lòng Tây Nguyên.
Điều mà Diệm cho là phải lợi dụng ngay, ấy là các phần từ thân Pháp chưa bắt tay với Việt Minh. Họ tính toán theo hướng khác: nước Miên độc lập, nuôi tham vọng bành trướng sẽ hỗ trợ họ, Lào rối tinh nội bộ, gần như bỏ ngỏ vùng Attôpơ.
Trong cách nhìn Tây Nguyên, Nhu có vài chỗ khác Diệm. Nhu không sợ những người Thượng thân Pháp, mà lo số dính dáng với hội truyền giáo Tin Lành và những tin tức về cái gọi là Fulro (1) – chắc chắn được Kossem, tham mưu phó Quân đội Hoàng gia Cambốt ủng hộ.
Gì thì gì, phải phô trương sự ổn định miền cao nguyên. Diệm chỉ thị cho Bộ Cải cách điền địa, Tổng ủy dinh điền, tướng tư lệnh quân khu II, các tỉnh trưởng Darlac, Pleiku, Komtum, Phú Bổn, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Phước Long tổ chức hội chợ, danh xưng do Diệm đặt: “Hội chợ kinh tế đoàn kết Kinh - Thượng”.
Báo chí, đài phát thanh được lệnh tuyên truyền rùm beng cho hội chợ.
Hội chợ được sửa soạn nhiều tháng. Sau Tết Đinh Dậu, nhịp độ sửa soạn càng khẩn trương. Cả một khu vực quanh biệt điện rộn ràng: nhà triển lãm, nơi giải trí, quán ăn, hộp đêm. Hội chợ lôi kéo hàng vạn người từ miền biển Trung Bộ, từ Sài Gòn lên, chủ yếu là buôn bán. Ban Mê Thuột đột ngột được nhắc tới. Nguồn tin do Sở nghiên cứu chính trị tung ra: Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ sẽ cắt băng khánh thành hội chợ. Nó phù hợp với công việc của Thơ bấy lâu – chủ tọa các ban tổ chức hội chợ từ khi nó ra đời.
°
Kể ra, mùa xuân năm 1957 khá rực rõ nhìn theo lăng kính của gia đình họ Ngô, tổng thống tái đắc cử Eisenhower, một quân nhân chống Cộng, một người bảo thủ hạng nặng của đảng Cộng hòa bắt đầu nhiệm kỳ hai ngày 20-1-1967 - một bảo đảm có sức nặng cho chế độ Nam Việt Nam. Phó tổng thống là Richard Nixon, một lính thủy giải ngũ, rất tán thành cung cách cai trị của Diệm. Điện văn trao đổi giữa hai tổng thống tràn đầy lời lẽ ngọt ngào. Bằng áp lực của Mỹ, tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, 13 nước ký tên đòi Nam Việt Nam được chấp nhận làm hội viên của tổ chức quốc tế này. Tất nhiên, 13 nước không thể giúp ông Diệm vào Liên hiệp quốc, nhung ít nhất cũng khua trống cho dư luận biết Nam Việt Nam có một nhà nước với quốc kỳ như thế, quốc ca như thế, vị tổng thống như thế.
Giáo phái tan rã, Xét về đại thể, chính phủ ông Diệm kiểm soát tuyệt đại bộ phận lãnh thổ, bộ máy cai trị được thiết lập tận ấp xóm. Thanh niên, thanh nữ Cộng hòa xuất hiện, cái trước do Ngô Đình Nhu làm thủ lĩnh, cái sau thì Trần Lệ Xuân. Công việc ở miền Trung do Ngô Đình Cẩn đảm đương, với chức vụ cố vấn chỉ đạo.
Chiến dịch tố Cộng rầm rộ. Đôi khi, báo chí nước ngoài “xì” ra một vài tin chẳng hay ho gì lắm, tỷ như quân đội bắn giết bừa bãi, một số trường hợp mổ bụng moi gan những người bị “tình nghi” Cộng sản, thậm chí, có cả bức ảnh chụp toán dân vệ dùng đầu lâu một “Việt Cộng” làm quả banh trên sân cỏ. Trần Chánh Thành nhất loạt phủ nhận – phủ nhận trên mặt trận thông tin và che dấu luôn Ngô Đình Diệm. Thành không dám lừa Nhu. Vả lại, không cần lừa. Nhu cho rằng cai trị có cứng, có mềm. Giết chừng đó chứ giết hơn vài chục lần cũng không có gì đáng bận tâm. Bởi vậy, Nhu giả tai ngơ mắt điếc hoạt động của linh mục Nguyễn Lạc Hóa, một người Hoa, tại khu Bình Hưng. Nguyễn Lạc Hóa khét tiếng hung thần, cho tay sai nướng thịt ngươi, ăn gan người, lắt vú phụ nữ, tự do hãm hiếp cả vùng căn cứ kháng chiến Cà Mau. Nhu biết hết, chỉ dặn Hóa: chớ cho bọn báo chí léo hánh tới.
Năm 1957 mở đầu như vậy đó.
---
(1) Fronnt Unif de Libérotian des Races Opprimées: Mặt trận thống nhất giải phóng các sắc tộc bị áp bức
.

Truyện Ván Bài Lật Ngửa P1 - Chương 1 P1 - Chương 2 P1- Chương 3 P1 - Chương 4 P1- Chương 5 P1 - Chương 6 P1- Chương 7 P1 - Chương 8 P1 - Chương 9 P1 - Chương 10 P1- Chương 11 P1 - Chương 12 P1- Chương 13 P1 - Chương 14 P1 - Chương 15 P1- Chương 16 P1 - Chương 17 P1- Chương 18 P1 - Chương 19 P1 - Chương 20 P1 - Chương 21 Phần 2 - Chương 1 P2 - Chương 2 P2 - Chương 3 P2 - Chương 4 P2 - Chương 5 P 2- Chương 6 P 2- Chương 7 P 2- Chương 8 P2 - Chương 9 P2 - Chương 10 P2 - Chương 11 P2 - Chương 12 P2 - Chương 13 P2 - Chương 14 P2 - Chương 15 P2 - Chương 16 P2 - Chương 17 P2 - Chương 18 Phần 3 - Chương 1 P3 - Chương 2 P3 - Chương 3 P3 - Chương 4 P3 - Chương 5 P3 - Chương 6 P3 - Chương 7 P3- Chương 8 P3 - Chương 9 P3 - Chương 10 P3 - Chương 11 P3 - Chương 12 P3 - Chương 13 P3 - Chương 14 P3 - Chương 15 P3 - Chương 16 P3 - Chương 17 Phần 4 - Chương 1 P4 - Chương 2 P4 - Chương 3 P4 - Chương 4 P4 - Chương 5 P4 - Chương 6 P4 - Chương 7 P4 - Chương 8 P4 - Chương 9 P4 - Chương 10 P4 - Chương 11 P4 - Chương 12 P4 - Chương 13 Phần 5 - Chương 1 P5 - Chương 2 P5 - Chương 3 P5 - Chương 4 P5 - Chương 5 P5 - Chương 6 P 5- Chương 7 P5 - Chương 8 P5 - Chương 9 P5 - Chương 10 P5 - Chương 11 P5 - Chương 12 P5 - Chương 13 Phần 6 - Chương 1 P6 - Chương 2 P6 - Chương 3 P6 - Chương 4 P6 - Chương 5 P6 - Chương 6 P6 - Chương 7 P6 - Chương 8 P6 - Chương 9 P6 - Chương 10 P6 - Chương 11 P6 - Chương 12 Phần 7 - Chương 1 P7 - Chương 2 P7 - Chương 3 P7 - Chương 4 P7 - Chương 5 P7 - Chương 6 P7 - Chương 7 P7 - Chương 8 P7 - Chương 9 Phần 8 - Chương 1 P8 - Chương 2 P8 - Chương 3 P8 - Chương 4 P8 - Chương 5 P8 - Chương 6 P8 - Chương 7 P8 - Chương 8 P8 - Chương 9 P8 - Chương 10 P8 - Chương 11 P8 - Chương 12 P8 - Chương 13 Phần 9 - Chương 1 P9 - Chương 2 P9 - Chương 3 P9 - Chương 4 P9 - Chương 5 P9 - Chương 6 P9 - Chương 7 P9 - Chương 8 P9 - Chương 9 P9 - Chương 10 P9 - Chương 11 P9 - Chương 12 P9 - Chương 13 P9 - Chương 14 P9 - Chương 15 P9 - Chương 16 P9 - Chương 17 P9 - Chương 18 P9 - Chương 19 P9 - Chương 20 P9 - Chương Kết