Anh Kiệt cho xe chạy vô cửa lớn. Tiếng kèn te te làm bà Chín giật mình mở cửa sổ, đứng trên lầu nhìn xuống, khi nhận ra được xe của Anh Kiệt liền mừng rỡ chạy xuống đón. Anh Kiệt vừa mở cửa xe thì bà Chín rối rít hỏi: - Ông kỹ sư đi lần này lâu quá mà lại không có thư từ gì cả. Tôi ở nhà lo muốn chết! Anh Kiệt cười nói: - Việc gì mà lo muốn chết. Chết sao còn nói leo lẻo vậy. Bà Chín là người giúp việc rất lâu của gia đình Anh Kiệt khi mẹ Anh Kiệt chết, lúc Anh Kiệt mới mười bốn tuổi, bà Chín săn sóc cho Anh Kiệt y như một bà mẹ. Người đàn bà ấy góa chồng từ lúc còn trẻ và lại không con, nên yêu mến Anh Kiệt lắm. Đến khi Anh Kiệt đậu kỹ sư và cha Anh Kiệt chết thì bà Chín liền về ở với Anh Kiệt, Lệ Hằng, người vợ trước của Anh Kiệt, yêu quí bà Chín như một người mẹ. Cho nên từ ngày Lệ Hằng chết đến nay, bà Chín buồn lắm. Đã nhiều lần Anh Kiệt cũng không cho bà Chín gọi chàng bằng ông kỹ sư, nhưng bà Chín vẫn gọi như thế… Bà Chín nghe Anh Kiệt trả lời một cách vui vẻ liền nói: - Hôm nay trông ông kỹ sư vui vẻ và hồng hào quá. Nói đến đây, mặt bà Chín có vẻ trầm ngâm… Có lẽ cái điều bà lo ngại đã đến. Từ ngày Lệ Hằng chết, bà Chín giữ các đồ đạc trong nhà nguyên vẹn như cũ. Bà không muốn có sự thay đổi, bà lo ngại, lo ngại một ngày gần đây, Anh Kiệt sẽ cưới vợ và người vợ sau này sẽ thay đổi cách trang hoàng xếp đặt trong nhà, thì đau lòng lắm. Bảy năm nay, Anh Kiệt buồn, bà Chín thương hại cho Anh Kiệt, nhưng chàng còn buồn vì sự thay đổi trong nhà chưa xảy ra được. Nghĩa là chàng chưa cưới vợ, mà nỗi lo ngại của bà Chín chưa đáng kể. Nay Anh Kiệt đi Nha Trang về, vui vẻ hiện ra mặt, có lẽ Anh Kiệt đã nghĩ đến sự cưới vợ… Anh Kiệt nhảy phóc ra khỏi xe, hai tay ôm choàng lưng bà Chín và nói: - Vui quá… Trời hôm nay nắng tốt quá nhỉ. Một mùi hoa hồng thoảng trong không khí ban mai, Anh Kiệt phồng ngực ra thở và nói: - Chà, hoa thơm quá… Bà Chín theo Anh Kiệt vào nhà, bà hỏi: - Ông kỹ sư ở Nha Trang về thẳng đây phải không? - Vâng, ở nhà nhớ tôi lắm phải không vú? - Sao không nhớ? Đợi thơ mãi mà chả có bức nào cả, thôi phen này gặp ai nên quên cả vú già rồi. Anh Kiệt nói: - Vú ơi! Tôi sắp cưới vợ, một tháng nữa, tôi lại đi Nha Trang rước vợ tôi về đây. Bà Chín nghe nghẹn ngào, đắng cả miệng, bà nói thầm như người mê ngủ: - Mình đoán có sai đâu, rõ ràng… Anh Kiệt không để ý đến bà Chín, chàng nói như để trút bớt sự vui mừng đang chất chứa trong lòng: - Tôi sắp cưới vợ. Vợ tôi là một cô giáo, tên là Thúy Aùi. Cái tên có đẹp không vú? Bà Chín nghe hỏi, giật mình hỏi lại: - Cái gì đẹp? - Nãy giờ vú không nghe tôi nói à. Vú làm sao mà trông bơ phờ thế? Ô kìa, sao vú lại khóc? Trong lúc tôi đi khỏi, có ai làm phiền vú không? Bà Chín khóc nức nở, thỉnh thoảng bà nhìn lên tấm ảnh của Lệ Hằng. Anh Kiệt đã hiểu. Bà Chín không muốn cho chàng cưới vợ, bà nhớ đến người xưa. Mười năm về trước, ông kỹ sư Anh Kiệt đi cưới cô Lệ Hằng, một sinh viên trường mỹ thuật. Lệ Hằng là một cô gái con nhà nghèo, nhưng không phải nghèo như Thúy Aùi. Cha Lệ Hằng chỉ là một công chức nhỏ. Lệ Hằng vì học giỏi nên được học bổng và được học cho đến ban tú tài, cha mẹ Lệ Hằng muốn Lệ Hằng thôi học để đi dạy hầu giúp ích cho gia đình, nhưng các bà thầy của Lệ Hằng cứ khuyên nhủ Lệ Hằng phải học trường mỹ thuật, vì nàng rất có tài về hội họa. Cha mẹ Lệ Hằng nghèo nên không đủ tiền cho Lệ Hằng tiếp tục học, thì Lệ Hằng được các bà thầy cũ giúp đỡ… Vừa đi học vừa dạy tư, Lệ Hằng cũng có thể giúp ích cho gia đình đôi phần. Rủi thay, cha mẹ Lệ Hằng đều qua đời và Lệ Hằng hóa ra con người côi cút. Lệ Hằng buồn rầu không thiết gì việc học hành nữa… Bẵng đi một năm, người ta không còn thấy bóng Lệ Hằng ở Huế. Bạn bè lấy làm lạ không biết Lệ Hằng đi đâu. Có người đoán Lệ Hằng đi học, có người bảo Lệ Hằng đi lấy chồng… Nhưng chẳng ai biết rõ Lệ Hằng đi đâu… Người ta đã gần quên cô sinh viên trường mỹ thuật vừa duyên dáng vừa trẻ trung ấy, thì bỗng một ngày xuân tươi vui, cô lại trở về Huế, da rám nắng và người khỏe mạnh hơn trước nhiều. Các bạn bè gặp Lệ Hằng mừng rỡ, hỏi nàng đi đâu thì nàng chỉ cười mãi mà không trả lời. Mọi người đều tưởng là Lệ Hằng đi nghỉ mát, nhưng Lệ Hằng nghèo, tiền đâu mà đi nghỉ mát cả năm. Có kẻ bảo Lệ Hằng đi hoạt động cho một đảng chính trị chống lại thực dân, giải phóng cho dân tộc… Trở về Huế, Lệ Hằng tìm một chỗ làm. Người ta giới thiệu Lệ Hằng vào làm ở một xí nghiệp và lãnh việc vẽ bản đồ nhà cửa. Lệ Hằng làm việc dưới quyền kỹ sư Anh Kiệt. Vẻ lạnh lùng gần như phách lối của Lệ Hằng làm cho mọi người không thích nàng. Nhưng với kỹ sư Anh Kiệt, Lệ Hằng hết sức niềm nở, nàng tìm đủ cách để gần Anh Kiệt và làm quen với chàng. Trước sắc đẹp và vẻ duyên dáng của Lệ Hằng, Anh Kiệt làm sao không để ý. Đã vậy, Lệ Hằng còn có tài nữa. Những bản đồ nàng vẽ đều được kỹ sư Anh Kiệt khen và ông Giám đốc chấp nhận. Anh Kiệt thường trò chuyện với Lệ Hằng và nhận thấy Lệ Hằng chẳng những đẹp về sắc mà còn đẹp về nết nữa… Lệ Hằng ăn nói bặt thiệp và tỏ ra là người có học thức, khôn ngoan và kín đáo. Lệ Hằng làm lương lớn, lại còn lãnh vẽ thêm, được một số tiền gần bằng tiền lương, thế mà người ta ít khi thấy Lệ Hằng đi xem hát hay may sắm lòe loẹt như các cô gái tân thời khác. Nàng mặc toàn đồ trắng và không hề dùng đến một món nữ trang. Lệ Hằng có vẻ đài các phong lưu, mới nhìn người ta phải lầm nàng là một tiểu thư của một vị quan đại thần, còn không nữa thì cũng quận chúa, công chúa gì đây. Anh Kiệt mê say tài sắc của Lệ Hằng nhưng chưa dám nói ra. Lệ Hằng thì luôn tử tế vui vẻ với Anh Kiệt. Hai người làm chung đã một năm. Anh Kiệt không bao giờ thấy Lệ Hằng quen với ai khác hơn chàng. Đôi khi Anh Kiệt muốn đưa xe chở nàng về nhà, nhưng nàng từ chối và nói: - Nhà em nghèo lắm, vùng ngoại ô, anh đưa rước người ta cười em, và tưởng em gian, khổ em anh ạ! Cách xưng hô của Lệ Hằng có vẻ thên mật lắm. Lệ Hằng bao giờ cũng ngọt ngào, nhưng nhất định không cho Anh Kiệt biết chỗ ở của nàng… Anh Kiệt để ý thì thấy khi thì Lệ Hằng về đường Nam Giao, khi lại An Cựu, có khi lại về trong thành. Đố ai biết nàng đi đâu và ở đâu?… Có hôm, người ra thấy nàng ở dưới một chiếc đò gần cầu Trường Tiền. Vì thế, có kẻ ác tâm đồn đại Lệ Hằng là một cô gái mất nết, tìm đủ cách để làm tiền. Nhưng rồi người ta cũng không biết Lệ Hằng làm tiền để làm gì. Nàng có tiêu xài gì đâu. Nàng cũng chẳng có bà con thân thích và cũng chẳng có nhà cửa… Anh Kiệt đôi khi muốn hỏi Lệ Hằng về cuộc sống của nàng, nhưng lại sợ quá đường đột nên không dám thốt lời. Anh Kiệt định đợi bao giờ hai người thật thân, lúc ấy chàng sẽ hỏi. Lúc bấy giờ ở Huế có rất nhiều vương tôn, công tử, để ý đến Lệ Hằng, vì nàng đẹp lại có chức nghiệp. Nhưng Lệ Hằng không hề để ý đến. Lúc bấy giờ ngoài Bắc trải qua một nạn lụt lớn. Các công chức ở các sở họp nhau lại tổ chức ba đêm hát để lấy tiền gởi giúp đồng bào bị nạn. Người ta mời Lệ Hằng và nàng nhận lời ngaỵ Lệ Hằng tỏ ra là một người rất sốt sắng với công việc từ thiện. Nàng đi quyên tiền, nàng đã quyên thì kết quả làm sao không mỹ mãn. Nàng đi bán giấy hát và lại lãnh đóng kịch luôn ba đêm liền. Dân chúng ở Huế mến tài của Lệ Hằng lắm và tên nàng nhờ đó càng nổi lẫy lừng hơn trước. Anh Kiệt lại càng mê mệt Lệ Hằng, và giờ đây, không làm sao chôn kín mối tình của chàng được nữa, chàng nhất định bày tỏ nỗi lòng cho Lệ Hằng biết. Anh Kiệt liền mời Lệ Hằng đi chơi núi Ngự Bình và bày tỏ nỗi lòng của chàng. Lệ Hằng không tỏ vẻ ngạc nhiên. Nàng biết giờ phút nàng đang mong đợi đã đến: - Nếu tôi nhận lời làm vợ anh thì anh có cho tôi đi làm nữa không? Anh Kiệt nói: - Em còn làm việc gì khi một mình anh, anh có thể lo cho gia đình. Vả lại gia đình anh giàu lắm. Cha mẹ anh chết hết, anh thừa hưởng một gia tài rất lớn. Em rảnh anh đưa em lại nhà chơi… Lệ Hằng do dự: - Nếu có chồng mà bỏ nghề nghiệp của mình thì em không nhận lời anh được. Vì một lẽ riêng mà em không tiện nói ra đây. - Lẽ gì? Nhưng trước khi hỏi cái lẽ mà em nói đó, anh muốn em trả lời câu này đã. Em có thiện cảm với anh không, có thể vì thiện cảm mà nhận lời yêu cầu vừa rồi của anh không? Lệ Hằng nói: - Người như em có lẽ chỉ có bổn phận mà không có ái tình… Anh Kiệt cau mày nói: - Trời ơi! Sao lạ thế? Theo ý anh thì bất cứ một thiếu nữ sắp bước chân vào đường đời cũng có một mối tình thầm kín, và có ái tình thì họ mới xây được mộng gia đình. - Em đã bảo là em ở trong một hoàn cảnh đặc biệt mà. Anh không biết ở đời có khi người ta yêu nhau vì tình nhưng cũng có khi yêu nhau vì tiền, và có biết bao cuộc hôn nhân vì bổn phận mà thôi. - Anh biết chớ… Nhưng với em, anh không tin như thế. Em là một thiếu nữ trẻ, đẹp, tràn trề nhựa sống. Em lại không cha mẹ, em có quyền chọn lựa người yêu, sao em bảo em chỉ biết bổn phận? Vậy bổn phận ấy là bổn phận với ai? Lệ Hằng nói: - Bổn phận với nước, với nhà, chớ với ai? Anh tưởng chỉ có đàn ông các anh mới có bổn phận với xã hội, với quốc gia sao, còn tụi em thì chỉ có nước thờ chồng nuôi con à? - Không, anh đâu dám nghĩ thế trước trào lưu tiến hóa của phụ nữ… Nhưng lo cho nước cho nhà thì lo, mà rồi cũng để phần nào lo cho gia đình với chớ. Có gia đình mới có xã hội, gia đình vững thì quốc gia mới yên. Lúc này không phải là lúc chúng ta bàn triết lý xã hội. Anh hỏi thật em, em có chút thiện cảm nào không? Lệ Hằng nói ngay: - Sao lại không… Nhưng có thiện cảm không phải là có ý muốn lập gia đình với anh. Anh nói anh yêu em. Em tin anh thành thật, nhưng tự vấn lòng, em thấy em chưa yêu ai cả… Huống chi anh lại bảo nếu em nhận lời làm vợ anh, thì em phải nghỉ việc, vì gia đình anh giàu. Sao được… - Tại sao lại không được? - Em hiện thiếu một món nợ lớn lắm, em phải làm mà trả lần hồi cho người ta… - Anh sẽ trả hết cho em một lần… - Được, nhưng từ trước đến nay chỗ ở của em không nhất định, bây giờ muốn ở một chỗ nhất định, phải có một biệt thự xa châu thành, yên lặng, không có ai lui tới, làm phiền em. Anh Kiệt cười và nói: - Việc ấy dễ lắm. Ơû Huế này có thiếu gì biệt thự kín đáo để em làm một ẩn sĩ. Anh sẽ để tâm tìm cho em một chỗ vừa ý. Những điều kiện của em vừa đưa ra, anh nhận cả. Bây giờ em đã bằng lòng kết hôn với anh không? Lệ Hằng cười một cách duyên dáng và nói: - Nhưng em mới nói về món nợ của em, mà món nợ ấy lên tới bao nhiêu anh đã biết chưa mà anh dám nhận lời đại như vậy? Anh Kiệt cũng cười và nói: - Một thiếu nữ như em có thiếu nợ thì thiếu vài ba chục ngàn là nhiều, chớ chẳng lẽ lại thiếu bạc triệu sao? Mà dù thiếu bạc triệu đi nữa thì anh đã hứa trả, anh cũng phải trả chớ sao… Lệ Hằng ngồi im suy nghĩ. Nàng cảm thấy Anh Kiệt yêu nàng quá và thương hại cho Anh Kiệt. Gặp một người chồng như Anh Kiệt, đời nàng sẽ vô cùng hạnh phúc. Lệ Hằng bỗng thở dài và nói nho nhỏ: - Liệu mình có hưởng được cái hạnh phúc này không? Anh Kiệt nghe Lệ Hằng nói nho nhỏ, liền hỏi: - Em nói gì thế? Nói gì mà anh chỉ nghe được hai tiếng hạnh phúc mà thôi? Lệ Hằng giật mình nhìn Anh Kiệt sửng sốt, nàng cúi xuống không dám để Anh Kiệt hiểu tâm sự của nàng. Lệ Hằng nói: - Em bảo là em có đủ tư cách gây hạnh phúc cho đời anh không? - Sao lại không? Nếu em nghĩ đến anh thì có chuyện gì mà không được. Nhưng còn món nợ của em là bao nhiêu mà em có vẻ suy nghĩ như thế? Lệ Hằng không trả lời mà ngồi thừ ra lúc lâu, đoạn thở dài đứng lên đi qua, đi lại dưới rặng thông. Anh Kiệt nhìn theo Lệ Hằng, thấy cặp mắt nàng chớp lia và thỉnh thoảng nàng nhìn về phía chân trời xa. Một lát sau, Lệ Hằng lại ngồi một bên Anh Kiệt có vẻ thân mật và nói: - Em nợ đến một trăm ngàn. Đời em gần như không còn tự do vì món nợ ấy đó anh ạ! Bấy giờ, Anh Kiệt ngồi thừ người ra mà suy nghĩ. Thật chàng không hiểu Lệ Hằng làm gì mạ lại nợ nần nhiều thế. Một thiếu nữ mới ngoài hai mươi tuổi đầu, cha mẹ chết có mấy năm, làm gì thâm nợ nhiều như vậy? Lệ Hằng đâu có tiêu xài xa xỉ gì mà bảo thâm nợ. Lương nàng hết sức lớn. Hay món nợ này là món nợ cha mẹ nàng để lại? Mà ví có lương tâm, biết trọng danh dự, Lệ Hằng phải trả cho cha mẹ? Thấy Anh Kiệt suy nghĩ, Lệ Hằng liền nói: - Anh Kiệt còn tin em không? - Tin lắm chớ, nhưng anh lấy làm lạ về món nợ quá lớn này. Anh thấy em đâu có tiêu xài gì đâu mà thâm nợ. Nhưng anh không cần biết về số nợ ấy tại đâu mà có, anh hứa là anh sẽ trả cho em… Lệ Hằng nhìn Anh Kiệt bằng đôi mắt cảm động rồi nói: - Cảm ơn anh. Lòng tốt của anh làm em khó xử quá. Nay anh đã nhận các khoản em đưa ra đó, em không biết lấy lẽ gì từ chối anh được nữa. Vậy ngày mai, em xin phép anh cho em vắng mặt ở sở ba ngày để em đi điều đình cho xong món nợ, khi về đây em sẽ hoàn toàn thuộc về anh. Anh Kiệt mừng rỡ nói: - Em cứ đi và anh mong sao cho em điều đình xong món nợ. Lệ Hằng buồn rầu nói: - Có điều đình xong món nợ thì em mới có thể nhận lời anh được. Anh Kiệt nắm tay Lệ Hằng và gọi nho nhỏ một cách đầy vẻ thương yêu: - Em Lệ Hằng! Lệ Hằng rút bàn tay ra khỏi tay Anh Kiệt và nói: - Thôi, anh cho phép em về… Một mình trên đường về, Anh Kiệt không khỏi suy nghĩ về thái độ bí mật của Lệ Hằng. Nhưng chàng quá yêu Lệ Hằng, chàng có còn thấy và hiểu gì nữa đâu. Một trăm ngàn đồng đối với chàng có là bao! Chàng làm chủ một gia tài trên mấy triệu… Trong đầu óc của Anh Kiệt giờ phút này là làm sao cưới cho được Lệ Hằng. Ba ngày Lệ Hằng đi vắng là ba ngày Anh Kiệt trông đợi từng giờ, từng phút… Nhưng rồi Lệ Hằng đã về gặp Anh Kiệt, mặt tươi vui và nói: - Xong rồi, em chỉ phải trả cho họ tám chục. Còn hai chục ngàn trong ba năm nữa đưa cũng được, họ không chịu lấy bây giờ. Anh Kiệt nói: - Cái ông chủ nợ nào kỳ lạ vậy? Người ta trả một lần mà không chịu lấy. Lệ Hằng tìm cách nói sang chuyện khác: - Anh đã tìm cho em một biệt thự chưa? - Anh đang đi tìm… Bây giờ anh mời em về nhà xem thử cái biệt thự anh hiện ở có được không… Nếu được thì anh khỏi mua cái khác. Lệ Hằng nói: - Biệt thự anh đang ở, em thấy rồi… - Em thấy rồi… Sao tài vậy? Ai chỉ? - Thì có một hôm đi ngang qua đấy em thấy, chớ ai chỉ… À, nếu anh chưa tìm ra biệt thự thì để em chỉ cho anh một cái rất thơ mộng mà giá lại rất rẻ. Biệt thự nguyên của ông bà hoàng. Ông hoàng chết, bà túng tiền muốn bán để đánh bạc cho phong lưu. Ngày mai, đúng tám giờ có bà ta ở nhà, anh đem xe lại rước em, em sẽ đưa anh đi xem. - Rước em ở đâu? - Em sẽ đợi anh trước cửa sở. - Được, chúng ta sẽ đi xem cái biệt thự ấy. Hôm sau, Lệ Hằng và Anh Kiệt đi xem biệt thự của bà hoàng. Như lời của Lệ Hằng, biệt thự ấy hết sức thơ mộng, nằm giữa một miếng vườn rộng gần hai mẫu trồng toàn nhãn, chuối, cam, quít. Biệt thự xoay mặt ra một cánh đồng và phía sau lưng lại có con sông chảy ngang… Hoa lợi trong vườn mỗi năm trên năm bảy ngàn, và nếu có người trông nom trồng trọt thì với khu vườn ấy, chủ nhân của nó cũng có thể làm giàu… Con sông chảy ngang qua vườn làm cho vườn thêm mát mẻ… Đã vậy, trước kia, khi ông hoàng còn sống, ông rào khúc sông ấy thành vật riêng của biệt thự Ông, và hai bên bờ ông trồng hai hàng lệ liễu trông vô cùng đẹp đẽ. Gần bên những khóm lệ liễu, ông lại kê những chiếc ghế đá để chiều chiều ông ra ngồi ngắm cảnh và đọc sách. Sau khi đi xem qua biệt thự và khu vườn, Anh Kiệt nhận xét: - Biệt thự này có vẻ thơ mộng lắm, hơn cả các biệt thự Ở châu thành nhiều, nhưng lại có vẻ hoang vụ Em dám ở đây à? Hằng ngày anh phải đi làm xa, có khi phải đi vắng cả tuần lễ, ở đây bất tiện lắm. Chớ với giá cả đó thì thật là rẻ. Lệ Hằng nói: - Em đã có ý muốn tìm một nơi yên lặng thì đây mới thật là nơi yên lòng. Còn về chuyện ngôi vườn hoang vu, anh đừng lọ Hoang vu thì mình sửa soạn lại. Anh cứ mua biệt thự này rồi giao cho em sửa sang, chỉ trong một tháng, anh sẽ thấy khác hẳn và sẽ phải công nhận nó là tổ ấm của chúng ta… Hưởng tuần trăng mật ở đây thì còn gì thích bằng? Cần gì phải đi Đà Lạt, Nha Trang… Lệ Hằng cố đem những tiếng tổ ấm, tuần trăng mật ra để làm xiêu lòng Anh Kiệt. Nhưng Anh Kiệt đã xiêu lòng quá rồi… Từ khi được đứng bên Lệ Hằng, bên bờ sông, dưới hàng lệ liễu, Anh Kiệt có cảm giác mình đang sống bên một tiên nga ở Đào Nguyên. Anh Kiệt sẽ bỏ ra tiền mua cái biệt thự thơ mộng này để làm vui lòng người đẹp, và cũng để hưởng một cuộc đời thơ mộng bên người đẹp… Nhưng còn Lệ Hằng, khi nói đến những tiếng tổ ấm, tuần trăng mật, sao mặt nàng không được vui. Nàng xoay lại phía sau để gạt thầm hai giọt lệ… Đi dạo khắp vườn một lần, Anh Kiệt và Lệ Hằng trở vào nhà nói chuyện với bà hoàng. Bà hoàng là một người đàn bà ăn chơi lão luyện nên điêu và khôn lắm. Ba biết Anh Kiệt định mua biệt thự này để làm vui lòng Lệ Hằng, nên bà bắt giá. Nhưng Anh Kiệt cũng không phải tay vừa, Anh Kiệt biết bà hoàng đang thâm thiếu nợ nần, mà biệt thự này ngoài Anh Kiệt ra chưa chắc đã có người thứ hai nào dám mua và muốn muạ Sự thật, nếu không phải để làm vừa lòng Lệ Hằng thì với giá một ngàn đồng. Anh Kiệt cũng không bao giờ mua, đừng nói là một trăm ngàn. Vì thế, sau khi nói qua nói lại, bà hoàng phải chịu bán cái biệt thự ấy y như giá đã định… Lệ Hằng sung sướng quá, siết chặt tay Anh Kiệt và nói: - Cảm ơn anh. - Bao giờ chúng ta làm lễ cưới? - Để khi em sửa sang biệt thự này lại đã. - Bao lâu mới xong? - Độ vài tháng và tốn độ mười ngàn đồng. - Vài tháng nữa… Sao chúng ta không làm lễ cưới trước? Anh vẫn có sẵn một biệt thự. - Cũng được… Nhưng chẳng lẽ vừa cưới xong chúng ta lại phải lục đục đi lo sửa sang nhà cửa. Thì cứ sửa đâu vào đó cho yên xong đã rồi sẽ hay… - Thì cũng được… Hai tháng lại trôi quạ Lệ Hằng đã xin nghỉ việc và cái biệt thự cũng đã sửa sang xong. Anh Kiệt không khỏi khâm phục óc thẩm mỹ của Lệ Hằng… Từ một khu vườn hoang vu, Lệ Hằng đã hóa ra một kuh vườn có ngăn nắp, có lối đi, có hoa tươi cỏ đẹp. Còn trong nhà thì sơn quét lại, bày biện theo thời trang mới, màn mùng mới. Ngày cưới đến, nhưng Lệ Hằng khuyên Anh Kiệt: - Em muốn anh làm lễ cưới tại biệt thự cũ, còn chỗ này là cảnh Đào Nguyên, người phàm không ai tới được, anh nhé. Anh Kiệt nói: - Em có tài quá. Anh phải đưa bạn bè về đây để giới thiệu tài của em với các bạn chớ. - Người ta muốn làm một ẩn sĩ mà lại còn đi giới thiệu cho thiên hạ biết, sao anh lại có ý nghĩ lạ lùng như thế? - Các bạn thân chớ có phải xa lạ gì? - Chưa phải lúc giới thiệu, không nên giới thiệu. Anh cứ cho em sống vài năm trong hạnh phúc hoàn toàn đã rồi sẽ hay. - Đành là thế… Người đẹp đã muốn là trời muốn! Hôm làm lễ cưới, bên phía Anh Kiệt bạn bè bà con đông đảo, còn bên Lệ Hằng, người ta chỉ thấy có ba người đàn ông đã lớn tuổi, mà Lệ Hằng giới thiệu là ba ông chú. Ba người đàn ông này có vẻ mặt gần như là bí mật. Trong bàn tiệc, họ ít nói, ít cười, có ai hỏi đến thì họ mới trả lời. Cả ba đều có những con mắt sáng ngời, quan sát nhiều, ít nói, thỉnh thoảng lại nhìn Lệ Hằng một cách nghiêm khắc. Lệ Hằng đang cười đùa vui vẻ bỗng nhìn thấy cặp mắt của họ, liền giữ vẻ nghiêm trang và lo sợ. Anh Kiệt thì quá sung sướng, đâu nghĩ gì đến những chuyện khó hiểu như thế. Sau khi khách ra về, ba ông chú của Lệ Hằng gọi Lệ Hằng lại một bên và dặn nhỏ: - Nhớ nhé. Ba năm là nhiều, đừng kéo dài kỳ hạn ấy nhé. Kéo dài là chết. Anh Kiệt không hay biết gì cả. Chàng đang sống trong không khí hạnh phúc. Khách khứa đã về hết, Anh Kiệt liền hỏi: - Ba ông chú sao không ở lại đây với chúng ta mà về ngay như vậy. Nhà của ba chú xa lắm kia mà. Đêm hôm về đâu? Lệ Hằng đáp: - Tùy các chú, em đâu có quyền gì mà bảo họ Ở lại. - À, em mồ côi cha mẹ, nhưng chắc cũng có bà con xa gần, sao không đến dự đám cưới của chúng ta? - Em không cho ai hay cả thì biết đâu mà đến? Mà bà con toàn là đàn bà cả, có mời thì các bà ấy cũng chả đi đâu. Lệ Hằng và Anh Kiệt đã sống trong những ngày sung sướng nhất. Lệ Hằng để hết thì giờ săn sóc cho chồng và trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp vườn tược. Họ đã dọn về biệt thự mới mua của bà hoàng, và mỗi ngày Anh Kiệt lái xe đi làm một mình. Trước khi cưới Lệ Hằng, Anh Kiệt có nói qua về bà Chín và dặn Lệ Hằng: - Anh không còn cha mẹ, bà Chín là người chăm sóc anh từ lúc bé, vì vậy anh yêu bà Chín lắm, anh gọi bằng vú. Em cũng không còn cha mẹ, em nên cư xử cho khéo với vú nhé! Nhưng Anh Kiệt không cần phải dặn, Lệ Hằng đã gây được mỹ cảm với vú già ngay từ lúc đầu. Bà Chín thường nói với Anh Kiệt: - Cháu cưới được một người vợ quí giá. Thật từ nhỏ đến giờ vú chưa thấy một thiếu nữ nào tài giỏi như vậy. Cái vườn um tùm này mà vợ cháu sửa sang lại được như thế này, thật ngoài sức tưởng tượng của vú. Đã vậy mà thêu, may, đàn, hát gì, vợ cháu cũng biết. Còn nói gì đến việc sai khiến kẻ ăn người ở trong nhà. Ai cũng phải mến phục vợ cháu. Từ ngày cưới Lệ Hằng, Anh Kiệt sống trong hạnh phúc. Chàng nói với các bạn là chàng đang bơi trong hoan lạc. Còn về phần Lệ Hằng? Lệ Hằng thấy đời nàng đang bước sang một giai đoạn mới. Nàng cố hưởng tận cùng những ngày êm đềm ấy. Lúc nào rảnh, Lệ Hằng vẽ tranh hay đọc sách, chiều nàng lại ra sông tắm, tập bơi. Ít khi Lệ Hằng đi chơi với Anh Kiệt. Chồng có rủ, Lệ Hằng cười: - Đi dạo phố, sao bằng dạo trong vườn? Không khí trong vườn đã trong sạch mà chúng ta lại được tự dọ Còn đi lại nhà các bạn bè thì em chả thích chút nào, anh ạ. Anh muốn em xem hát à? Cuộc đời đã là một sân khấu rồi, còn đi tìm sân khấu nào nữa. Anh Kiệt cười, đáp: - Nhưng em cứ ở mãi nhà thì làm gì mà biết được cái sân khấu đời? Phải ra ngoài mới biết được. Nếu em không muốn đi chơi ở đây thì chúng ta đi Nha Trang, Đà Lạt. Lệ Hằng chiều theo ý Anh Kiệt nên cùng chồng đi Nha Trang một dạo, và nhờ thế mà nàng được biết gia đình ông Nghĩa và để lại trong lòng bà Nghĩa nhiều kỷ niệm êm đềm. Những ngày vui trôi qua một cách mau chóng. Anh Kiệt ham muốn một đứa con, nhưng vợ chồng cưới nhau đã hơn một năm rồi mà Lệ Hằng vẫn chưa thai nghén. Mỗi khi Anh Kiệt tỏ ý muốn có một đứa con để ẵm bồng thì Lệ Hằng có vẻ buồn rầu, không nói gì cả. Anh Kiệt bảo Lệ Hằng đi bác sĩ hỏi về nguyên nhân chậm trễ ấy thì Lệ Hằng nói: - Có nhiều cặp vợ chồng cưới nhau đã gần ba năm mà vẫn chưa có cont hì sao? Vú già liền đáp: - Nhưng hai cháu cưới trễ, mà những cặp nào cưới nhau trễ thì thường sau khi cưới một tháng là có thai ngaỵ Người ta bảo con chờ cha mà! Lệ Hằng hỏi vú già: - Vú muốn có cháu lắm phải không? Vú già nói: - Muốn lắm chớ. Con của cháu, chắc đẹp lắm. Vú muốn một cháu gái trước, một cháu gái sau này có tài như cháu để thiên hạ khỏi khinh đàn bà chúng mình. Vú lấy làm lạ tại sao người tài hoa như cháu mà lại ở ẩn một chỗ như thế này, không chịu ra tiếp xúc với đời, dìu dắt chị em, gây một ảnh hưởng về tinh thần cho phái nữ và mở một con đường mới cho phụ nữ Việt Nam sau này. Những lời nói của vú già làm Lệ Hằng cau mày. Phải chăng Lệ Hằng đang muốn quên một cái gì riêng để sống tạm bên cạnh Anh Kiệt những ngày êm đềm? Không để Anh Kiệt và vú già có thì giờ suy nghĩ và xét đoán về mình, Lệ Hằng nói: - Vú già mà cũng có đầu óc tân tiên muốn giải phóng cho phụ nữ Việt Nam quá! Anh Kiệt nói: - Đừng thấy vú già mà tưởng vú không hiểu gì về công việc xã hội mà lầm em ạ. Vú trước kia cũng là vợ của một công chức. Chỉ vì người chồng không biết nghe theo lời khuyên nhủ của vú mà vú nhất định xin ly dị để sống với thầy mẹ anh, và bây giờ sống với chúng ta đó. - Thế à? Thế thì vú bênh vực quyền lợi cho phụ nữ phải lắm. Vú đã muốn cháu gái thì cháu sẽ ráng có một đứa cháu gái cho vú vui lòng. Nhưng năm này kế tiếp năm kia trôi qua, Lệ Hằng vẫn chưa có con… Suốt ngày Lệ Hằng vẽ tranh và đàn, hát để giết thì giờ. Anh Kiệt bận nhiều việc, có khi cả tuần chỉ về một vài lần. Vú già không bằng lòng: - Cháu nên về thường, chớ bỏ vợ cháu ở nhà một mình, bất tiện lắm. Anh Kiệt cười: - Lệ Hằng không lấy việc cháu ít về nhà mà buồn, vú ạ. Lệ Hằng bảo nếu cháu bận việc thì mỗi tuần về một ngày chủ nhật cũng được. - Lệ Hằng nói vậy để cháu yên lòng, chớ ở đời này có người vợ nào còn trẻ mà không muốn chồng ỡ mãi bên cạnh? Cháu đừng để vợ cháu buồn, một khi người đàn bà buồn thì nguy lắm! Nhưng Anh Kiệt tin Lệ Hằng, nên không kể đến những lời khuyên của vú già. Từ khi Anh Kiệt bận công việc, thì Lệ Hằng chiều nào cũng ra phía sau vườn để tắm. Cứ đúng năm giờ chiều là Lệ Hằng đi bách bộ ra phía sông. Từ nhà ra khúc sông gần một cây số, mặc dầu chỉ đi quanh co qua vườn. Lệ Hằng đi một mình và cứ đúng sáu giờ rưỡi thì Lệ Hằng trở về, khỏe khoắn, vui tươi… Cuộc tình duyên êm đẹp giữa Lệ Hằng và Anh Kiệt kéo dài hơn ba năm. Mấy lúc sau, Anh Kiệt thường thấy Lệ Hằng lo âu, Anh Kiệt hỏi thì Lệ Hằng nói: - Có lẽ em sắp có con. Anh Kiệt vui mừng hỏi: - Sắp có con thì là tin mừng, sao em lại có vẻ lo âu? - Em có lo gì đâu. Tại có thai nên người dã dượi, kém tươi, nhưng có lẽ vài tháng sẽ qua và sức khỏe lại trở lại với em. - Hay anh đưa em đi bác sĩ? Lệ Hằng nhất định không chịu đi bác sĩ, vì thế mỗi ngày nàng mỗi gầy yếu thêm, bỏ cả ăn, ngủ. Anh Kiệt phải đi lấy quyền làm chồng mà ép Lệ Hằng đi bác sĩ. Nhưng bác sĩ sau khi khám cho Lệ Hằng lại bảo nàng không có thai, chỉ sợ làm bệnh nặng. Về nhà, Anh Kiệt dỗ dành Lệ Hằng, hỏi thử nàng có việc gì lo buồn không. Lệ Hằng nói: - Em không có việc gì lo buồn cả. Em sợ đời em không đủ sức đem hạnh phúc bền vững cho anh! Rồi Lệ Hằng cầm lấy bàn tay Anh Kiệt đưa lên môi hôn, hai hàng lệ chảy dài… Anh Kiệt càng không hiểu gì cả. Mỗi lần vợ chồng âu yếm nhau, đôi mắt Lệ Hằng thường thoáng một nét buồn kín đáo. Có một lần, ngồi bên Anh Kiệt, trên chiếc ghế đá dưới hàng lệ liễu, Lệ Hằng bỗng lo sợ, siết chặt lấy bàn tay Anh Kiệt rồi hỏi như kẻ vừa tỉnh mộng: - Chúng ta có được ngồi đây mãi không nhỉ? Nhưng biết mình đã lỡ lời, Lệ Hằng vội chữa lại: - Vì người ta thường bảo ngày vui ngắn lắm, và đời người chỉ là một chuỗi ngày đau khổ, phải không anh? - Sao em lại bi quan như thế? Chúng ta đang sống trong hạnh phúc, chúng ta phải tận hưởng hạnh phúc ấy. Sao em lại nghĩ đâu đâu? Thấy thái độ và tánh nết Lệ Hằng thay đổi hẳn, Anh Kiệt lo ngại hỏi vú già: - Ở nhà, khi cháu đi khỏi, vú có thấy Lệ Hằng tiếp ai không? Vú già nói: - Cách đây hai tuần, có người đàn ông lạ mặt đến tìm Lệ Hằng. Hai người nói chuyện với nhau độ nửa giờ. Rồi bắt đầu từ hôm ấy, Lệ Hằng có vẻ lo âu. Vú hỏi người ấy là ai thì Lệ Hằng bảo là chú họ. - Sau lần ấy, người đàn ông nọ có tới thêm lần nào nữa không? - Không. Anh Kiệt liền nghĩ đến món nợ mà trước khi cưới Lệ Hằng, nàng đã nói đến và Anh Kiệt đã chịu trả hết một lần, nhưng người chủ nợ chỉ lấy một phần, còn một phần đến ba năm sau mới trả. Anh Kiệt liền bảo Lệ Hằng: - À, còn món nợ ngày nọ, em có nghĩ đến chuyện trả chưa? Mấy năm nay làm ăn khá lắm, em cứ lo trả cho xong đi, để lâu của người ta không ích gì. Lệ Hằng nói: - Cũng đến lúc trả rồi. Vài hôm nữa em sẽ đi trả. Em phải đi vắng một ngày vì về tận Quảng Trị, anh ạ! - Để anh đưa em đi nhé. - Không nên! Anh cứ để em đi xe lửa tiện hơn. Đi xe nhà, họ thấy mình giàu, họ lại làm khó dễ cho xem. Anh Kiệt không bằng lòng, nói: - Trước kia, anh chưa cưới em thì anh để em đi một mình, nhưng giờ đây em đã là vợ của một ông kỹ sư, giám đốc một công ty, em đi một mình không tiện. Lệ Hằng phải tìm cách nói khéo với Anh Kiệt, chàng mới chịu để nàng một mình. Theo lời Lệ Hằng thì món nợ đã trả xong, nhưng rồi nàng vẫn lo âu, kém vui. Đối với Anh Kiệt, Lệ Hằng lại có vẻ trìu mến nhiều hơn. Đôi khi nàng ngồi hàng giờ nhìn Anh Kiệt không chớp mắt. Vú già thấy Lệ Hằng sắp đặt lại nhà cửa, nhất là tủ sách và tủ áo quần cho Anh Kiệt, thì hỏi: - Cháu sắp đi đâu mà sắp lại đồ đạc cẩn thận thế? Lệ Hằng cười: - Thỉnh thoảng sắp lại một lần xem có thiếu món gì và có cần may sắm thêm áo quần gì không. Lệ Hằng lại để tâm vẽ một bức ảnh của Anh Kiệt để treo giữa phòng khách. Anh Kiệt thấy Lệ Hằng âu yếm và săn sóc mình thì quên cả lo âu. Cho đến một hôm, khi Anh Kiệt sửa soạn đi làm thì Lệ Hằng dường như bịn rịn không muốn để Anh Kiệt đi. Anh Kiệt hôn nhẹ vào trán Lệ Hằng, nói: - Chiều mai anh sẽ về. Lệ Hằng xoay chỗ khác, gạt hai giọt lệ. Rồi nàng ra đứng ngoài bao lơn nhìn mãi chiếc xe cho đến khi khuất bóng. Trưa hôm ấy, Lệ Hằng vui vẻ nói với vú già: - Vú tốt quá… Cháu làm sao mà quên vú được. Rồi Lệ Hằng ôm chặt vú già trong đôi cánh tay… Đúng bốn giờ, Lệ Hằng xách cái giỏ, trong ấy có bộ đồ tắm, vài quyển sách, vài cuồn chỉ len và đi ra phía sau vườn. Hôm ấy, Lệ Hằng bận bộ đồ hàng trắng, đầu đội nón lá và chân đi dép cao su. Sáu giờ rưỡi… Vú già ra phía sau vườn đợi. Nhưng hoàng hôn đã bao phủ cảnh vật, chim chóc đã về tổ. Màu đen đã xâm chiếm ngôi vườn, Lệ Hằng vẫn chưa thấy về. Bây giờ, chị Lý, người đầu bếp thân cận của Anh Kiệt, đã sắp sẵn bàn ăn mà không thấy Lệ Hằng, liền chạy đi tìm bà Chín. Hai người lo lắng đứng nhìn ra phía vườn. Vài tiếng chim cú chấm cho cảnh đêm ở ngôi vườn quá rộng ấy một vài nét bi đát, khủng khiếp. Bà Chín nói: - Chị đi gọi chú Ba ra đây và nhờ chú ra sau vườn xem thử tại sao bà kỹ sư chưa về. Chị Lý vội vàng chạy đi tìm chú Ba, rồi cả hai người liền đi ra phía sau vườn. Bà Chín đứng một chỗ không yên, cứ đi lên, đi xuống mà trong lòng lo lắng không sao nói được. Một lát sau, cả chị Lý và chú Ba hớt hải chạy vào nói: - Nguy quá, vú ơi! Ra đến bờ sông, chúng tôi chỉ thấy một bộ đồ trắng xóa. Trên ghế đá, có cái giỏ này, còn bà kỹ sư thì không thấy đâu cả. Làm sao bây giờ? Bà Chín dậm chân kêu trời: - Làm sao bây giờ? Và bà mân mê bộ đồ hàng của Lệ Hằng. Bà liền sai chú Ba ra tỉnh báo cho Anh Kiệt biết. Chú Ba thở dài: - Từ đây mà đạp xe ra tỉnh tìm ông kỹ sư, đến bao giờ ông kỹ sư mới về đây? Nếu bà kỹ sư có chuyện gì thì còn cứu làm sao cho kịp? Chi bằng để tôi đạp xe lại nhà làng, báo cho nhà hữu quyền biết để các ông ấy ra lệnh cho dân làng tìm vớt xem sao. Bà Chín nói: - Chú nói đúng đó. Chú đi báo cáo và luôn đường ra tỉnh. Dù sao cũng phải cho ông kỹ sư hay. Chú Ba tặc lưỡi ra đi. Một lát sau, cả chục tuần đinh trong làng lặn hụp khắp đoạn sông để tìm thi thể Lệ Hằng. Bà Chín đứng khóc mùi không nói năng gì được cả. Hai giờ sau, Anh Kiệt đã về đến nhà. Chàng sửng sốt không hiểu gì. Chàng hỏi không biết bao nhiêu cậu nhưng chẳng ai trả lời đúng cho chàng. - Lúc mấy giờ Lệ Hằng tắm? Nào ai biết Lệ Hằng tắm lúc mấy giờ? Nhiều hôm, Lệ Hằng ra bờ sông ngồi dưới hàng lệ liễu đọc sách hoặc thêu chớ không tắm. - Tại sao vú già không đi với Lệ Hằng? Có bao giờ Lệ Hằng muốn một người thứ hai cùng đi với nàng? Những hôm Anh Kiệt ở nhà, Lệ Hằng ít ra bờ sông lắm. Lệ Hằng chỉ thích đi một mình. - Lệ Hằng bị đắm vào lúc nào? Đố ai biết Lệ Hằng bị đắm vào lúc này? Mọi ngày cứ đúng bốn giờ là Lệ Hằng ra bờ sông, và cứ đúng sáu giờ rưỡi là Lệ Hằng trở về. Trong khoảng từ bốn giờ đến sáu giờ rưỡi đó, Lệ Hằng tắm vào lúc nào, và bị đắm vào lúc nào, có ai biết được? - Có ai nghe tiếng la cầu cứu không? Những nhà đồng bào gần đó phần đông làm nghề nông. Vào lúc sáu giờ họ mới về nhà, mà có về thì cũng không đi phía sau, là phía có con sông chảy. Nhiều người khi hay tin bà kỹ sư bị chết đuối, kéo nhau đến hỏi han, họ đều bảo không hề nghe kêu la cầu cứu gì cả. Kỹ sư Anh Kiệt treo một giải thưởng lớn cho ai tìm được xác Lệ Hằng. Suốt đêm ấy, con sông náo nhiệt vô cùng, nhưng mãi đến sáng vẫn không ai tìm được xác. Người ta bảo ông kỹ sư xấu số và Lệ Hằng gặp rủi, vì trời hôm ấy vần vũ không sao, lại có một trận mưa dông rất lớn. Thế là nước đã cuốn Lệ Hằng đi mất. Sự đau buồn của kỹ sư Anh Kiệt không sao tả xiết. Ông bà Nghĩa được tin Lệ Hằng chết đuối, vội vàng ra Huế để lo việc chôn cất. Nhưng cái đám ma ấy chỉ là đám ma hình thức, chôn những bộ quần áo của Lệ Hằng, và từ đó trong sổ bộ đời, cái tên Lệ Hằng đã bị xóa bỏ. Sửa soạn lại đồ đạc của Lệ Hằng, Anh Kiệt lấy làm lạ hỏi vú già: - Cái hộp nữ trang của Lệ Hằng đâu, không có ở đây? Vú già nói: - Từ ngày cháu cưới Lệ Hằng đến nay là ba năm, vú có thấy Lệ Hằng mang một món nữ trang nào đâu. Vú thường hỏi sao không mang các vòng vàng của cháu tặng thì Lệ Hằng bảo không thích se sua. Anh Kiệt thở dài: - Lạ lắm, cái gì không mất, sao lại mất hộp nữ trang quí giá? Có thể nói trị giá trên năm trăm ngàn đồng. Cháu sắm để Lệ Hằng làm của luôn thể. Thế thì lạ lắm! Cái chết của Lệ Hằng làm Anh Kiệt không hiểu gì cả. Chàng cứ tin là Lệ Hằng không chết. Cho nên chàng xin nghỉ việc để ngày ngày đi tìm Lệ Hằng trên bờ sông. Ai cũng cười Anh Kiệt si tình. Người yêu đã chết mà cứ bảo là chưa, rồi thất thểu đi như kẻ không hồn. Ông bà Nghĩa tìm đủ cách khuyên lơn Anh Kiệt nhưng Anh Kiệt không sao nguôi được. Đời chàng mất Lệ Hằng là mất tất cả, vì chàng không còn cha mẹ. Các bạn bè thấy Anh Kiệt vì cái chết của Lệ Hằng mà bỏ cả công việc, liền nói: - Tại sao anh lại có ý nghĩ là chị Lệ Hằng chưa chết? Chị ấy giận gì mà anh bỏ đi, đi một cách vô nghĩa như thế? Anh Kiệt cũng nghĩ như các bạn. Lệ Hằng rất yêu chàng, thường nói với chàng rằng đời nàng chỉ có những ngày sống bên Anh Kiệt là đáng kể. Thế tại sao lúc này Lệ Hằng lại có vẻ rầu buồn? Hay là con người vốn có linh tánh báo trước điềm không may? Anh Kiệt làm sao không thương tiếc Lệ Hằng được? Một người vừa đẹp đẽ, vừa tài hoa như thế? Giờ đây, vô ra trong biệt thự và khu vườn rộng ấy, Anh Kiệt làm sao chịu được? Mỗi vật đều nhắc chàng nhớ đến Lệ Hằng. Nhiều đêm, Anh Kiệt thức suốt, ngồi trước bức chân dung của vợ, mơ màng như thấy Lệ Hằng còn bên chàng… Ròng rã suốt một năm trời, Anh Kiệt đã khóc người quá cố. Bà Chín cũng thương tiếc Lệ Hằng hết sức. Mọi vật trong nhà do bàn tay Lệ Hằng xếp đặt thì nay bà Chín cứ để y như cũ, không hề thay đổi. Bao nhiêu công việc làm ăn sanh lợi, Anh Kiệt đều không màng đến nữa. Bà Chín khuyên nhủ Anh Kiệt nên lo công việc làm ăn thì Anh Kiệt nói: - Tôi làm để làm gì? Anh Kiệt mỗi ngày mỗi gầy sút hẳn đi, người lúc nào trông cũng bơ phờ. Bà Chín lo sợ mới viết thư cho ông bà Nghĩa hay. Ông bà Nghĩa liền ra Huế và khuyên Anh Kiệt nên đi chơi xa một lúc để quên bớt nỗi sầu, còn không thì dọn về biệt thự cũ mà ở, đừng ở chỗ hoang vu này nữa. Anh Kiệt nói: - Chú thím khuyên cháu thì cháu đi chơi để quên, nhưng còn bán cái lầu này thì cháu nhất định không bán. Đời cháu bây giờ chỉ còn kỷ niệm này. Lầu của bà hoàng trước kia ra sao, bây giờ được sửa sang như thế này là cả một công phu không nhỏ của Lệ Hằng. Giữ cái lầu mộng này là nhớ mãi Lệ Hằng… Bà Chín cũng nói: - Nếu bán ngôi nhà và vườn này thì vú đi tu, chớ không sao sống nổi! Nói xong, bà Chín khóc như mưa như gió. Anh Kiệt cũng không cầm được giọt lệ. Bà Nghĩa nói: - Một người đàn bà như Lệ Hằng khó tìm lắm vì nhiều tài quá, nhưng ở đời tìm một người vợ hiền không phải là khó khăn, cháu ạ. Cháu đừng buồn thảm quá như vầy mà tổn thương đến sức khỏe. Cháu cứ đi chơi cho khuây một lúc. Rồi việc gì đến là nó đến… Bạn bè khuyên nhủ, bà con khuyên nhủ, Anh Kiệt liền giao công việc làm ăn cho chú và đi du lịch. Anh Kiệt dặn vú già: - Vú cứ ở đây nếu vú muốn, hay là về biệt thự cũ cũng được. Vú già nói: - Lệ Hằng chết, vú buồn lắm, rồi bây giờ cháu còn bỏ vú mà đi nữa! Anh Kiệt nói: - Cháu đi một thời gian rồi cháu lại về đây ở với vú, chớ cháu có đi luôn đâu. Oû đây sống với bao nhiêu kỷ niệm, cháu chịu sao nổi? Thế là Anh Kiệt ra đi. Bà Chín ở nhà giữ nguyên các đồ đạc như cũ, không thay đổi, không dọn dẹp. Các người giúp việc trong nhà vẫn còn làm dưới sự sai khiến của vú già. Vườn hoa hồng vẫn trổ hoa quanh năm, nhưng chỉ thiếu có bàn tay Lệ Hằng nâng niu. Những hàng lệ liễu mỗi ngày mỗi nghiêng thêm xuống dòng nước như để tìm cái bóng người xưa. Lệ Hằng đã chết, ngôi vườn mất người chủ yêu quí. Thì nay vú già lại thay Lệ Hằng, mỗi ngày mỗi dạo quanh vườn. Vú già cố tìm lại những vết chân của Lệ Hằng. Giờ đây lại đến phiên vú già ngồi suốt mấy giờ trên ghế đá, dưới hàng lệ liễu, nhìn dòng nước lờ đờ chảy mà nghĩ đến cái người vừa đẹp đẽ vừa tài hoa… Đôi khi vú già bỗng thở dài và nói: - Rồi đây Anh Kiệt sẽ cưới vợ khác, người vợ sau này có được như Lệ Hằng không? Người vợ sau này có được Anh Kiệt yêu quí như yêu quí Lệ Hằng không? Khi nhớ Lệ Hằng, bà Chín lại đến tủ áo, mở ra và vuốt ve, mân mê từng chiếc áo của Lệ Hằng. Toàn là áo trắng, những chiếc áo ngắn, chiếc nào cũng có thêu cả. Thỉnh thoảng, vú già lại đem các chiếc áo ấy ra phơi, chiếc nào hơi vàng thì đem đi giặt cẩn thận.