Phần V

Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong thơ
Những người làm báo Nhân văn đã rất khéo dùng cái chiến thuật “chặn họng”: họ trình bày những cuộc đấu tranh tư tưởng của chúng ta chống họ, như là những sự hiềm khích cá nhân, tranh giành ảnh hưởng. Đó là vũ khí của kẻ yếu, chúng ta không sợ cái lối chặn họng ấy! chúng ta đường hoàng vạch rõ thủ đoạn xuyên tạc vu khống hệt như lối “tác động tinh thần”, và nhất là tính chất phi chính nghĩa, tính chất chống Đảng, chống chế độ của báo Nhân văn và các tập sách Giai phẩm.
Với mấy ý kiến về đấu tranh tư tưởng trong thơ này, tôi chưa tranh luận đến vấn đề kỹ thuật. Tôi cũng rất chống cái hẹp hòi của chủ nghĩa giáo điều; tôi rất hiểu rằng thơ không phải lúc nào cũng phải vui; cái buồn mà không bi quan, cái buồn đó nhiều khi cũng bổ ích; tôi rất yêu những câu thơ của Na-dim Hít-mét như:
Đừng nhìn vào mắt tôi anh em hỡi,
Một tiếng nấc đang quằn quại trong cổ họng tôi;
Tôi vô cùng quý những nỗi Tan nát lòng (Le crève-coeur), những nỗi Lại tan nát lòng (Le nouveau crève-coeur) của A-ra-gông kết tinh vào một tập thơ đầy đau khổ mà rất lạc quan và nhiều tính chiến đấu như tập Quyển truyện dở dang (Le roman inachevé). Không, chúng ta không chặt cánh của thơ đâu, mà chúng ta lại muốn thơ xã hội chủ nghĩa của ta mở đôi cánh lớn của tư tưởng vô sản bay lên cùng với vệ tinh xô viết.
Chúng ta trông chờ, khuyến khích và phấn đấu cho trăm thứ hoa thơ xã hội chủ nghĩa đua nở, khoe tươi. Nhưng ở đây, dù áng sương mơ mộng có thường bao phủ lấy thơ, chúng ta cũng nhất định dọi ánh sáng vào mà truy kích những con quỷ, con ma ẩn núp vào sương đó.
Một luồng thơ chống Đảng, chống chế độ
Những người viết báo Nhân văn và các tập Giai phẩm xây dựng và tung ra cái lý luận là: phải để cho các trường phái, các khuynh hướng văn nghệ tha hồ nẩy nở. Ngày 14/11/1957, đồng chí Khơ-rút-sốp đã trả lời một phóng viên Mỹ rằng (đây tôi tóm tắt ý): trường phái, khuynh hướng văn nghệ là phản ánh những quyền lợi của một số tầng lớp nào đó trong xã hội. Liên Xô không còn có giai cấp của những người tư bản nữa, ở Liên Xô không có những giai cấp và tầng lớp nhân dân đối lập nhau nữa, mà chỉ có những người lao động. “Bởi thế, − đây là lời đồng chí Khơrútsốp, − những công dân Liên Xô, những nhà công tác văn học nghệ thuật của chúng tôi không cần phải tạo ra những khuynh hướng đối địch nhau”. Vâng, chúng ta không cần phải bắt chước ở Mỹ, ở Anh, ở Pháp, cố nặn ra những khuynh hướng văn nghệ đối địch nhau. Ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chúng ta, tuy hãy còn có những giai cấp đối lập, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đang tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta muốn có hàng trăm, hàng ngàn bút pháp, hàng vạn, hàng vạn sáng tạo, nhưng văn nghệ ta chỉ có một khuynh hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cái lý luận về khuynh hướng văn nghệ của nhóm Nhân văn – Giai phẩm hoàn toàn sai lầm.
Lớn tiếng kêu gào lập ra nhiều trường phái, nhóm Nhân văn – Giai phẩm chỉ có một đường hướng, là chống lại sự lãnh đạo của Đảng ta, chống lại chế độ ta. Trần Dần nói: Chút tài mọn tôi làm thơ chính trị. Đúng! Họ làm thơ chính trị, nhưng đó lại là thứ chính trị chống Đảng, chống chế độ, chống chủ nghĩa xã hội. Trong báo Nhân văn, trong các tập Giai phẩm, trong mấy tập thơ khác, trong những thơ họ chép hoặc đánh máy chuyền tay, họ tung ra một thứ thơ mà họ cho là “làm lớn con người”.
Con quạ đen đầu đàn là bài "Nhất định thắng" của Trần Dần. Trong khi quân đội viễn chinh Pháp còn đóng sát nách ta, tại Hải Phòng, và giữa không khí nhân dân đang vui mừng ngày mới giải phóng, họ không tiếc lời mô tả xã hội miền Bắc ta rất đen tối, đến một con chó cũng không sống được:
Con chó mực nghe mưa là rú…
… Nó thiếu ăn – Hay là giết đi ư?
Nó đỡ khổ – cả em đỡ khổ.
Họ khinh những người chung quanh là “không tim không óc”. Cái hình ảnh xuyên tạc về “con người không tim, không óc” đó, sau này, họ sẽ còn đem ra bêu riếu trên báo Nhân văn, Trần Duy còn lấy hình ảnh đó kể chuyện ngụ ngôn để mạt sát những người cộng sản.
Những “thi sĩ” của báo Nhân văn, “Nhân câu chuyện mấy người tự tử”, chộp lấy ngay rất kịp thời để quy trách nhiệm giết người ấy là tại chế độ ta đem bục công an máy móc đặt giữa tim người. Lê Đạt làm bài thơ đó, mấy lần đay đi, nghiến lại: “Sao họ lại đưa nhau đi tự tử.Có phải vì họ không bằng lòng chế độ,bất mãn với cuộc đời?”, “Chế độ ta không cấm họ yêu nhau.Mà sao họ chết?”. Lê Đạt luôn luôn đặt vấn đề con người: “Cho con người được làm người”, “Ngang nhiên xúc phạm con người”; cùng với nhóm Nhân văn, Lê Đạt lại hát cái điệp khúc:
Nhưng còn tim
còn óc con người?
Nhưng họ quan niệm con người theo kiểu của họ chứ không phải theo kiểu của ta. Trong bài “Mới”, Lê Đạt thấy chúng ta, những người đặt quyền lợi riêng dưới quyền lợi chung, những người cố gắng, cần cù, biết trọng từng việc vô danh hàng ngày, là “công thức xỏ giây vào mũi – Những kiếp người sống lâu trăm tuổi - Ỳ như một chiếc bình vôi – Càng sống càng tồi – Càng sống càng bé lại”. Được sự giáo dục của Đảng, những con người cũ trong chúng ta càng ngày càng bé lại thật, cố gắng thu hẹp cái cá nhân chủ nghĩa của mình càng nhỏ càng tốt, để cho con người mới, con người tập thể càng lớn mạnh lên: đó là điều đáng vui mừng của chúng ta! nhưng những người làm thơ trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm thì lại cho là: “Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm hại – Khôn ngoan không dám làm người”. Hoàng Cầm cũng luôn luôn nói đến nhân phẩm, như trong bài “In dấu chân” (Văn số 15):
Dù sợi tóc còn cứa vào nhân phẩm
Tôi còn thét to, dù khản tiếng, tàn hơi.
Nhưng người “đảng viên cộng sản”, tù vượt ngục Sơn La, do Hoàng Cầm dựng lên tháng 8/1957, thực chất không phải là đảng viên cộng sản, mà chỉ là hiện thân tư tưởng của Hoàng Cầm: anh ta là “sứ giả của tự do vô hạn”, anh ta “sẽ phá hết” các thứ “tù”: “tù Sơn La, tù Côn Lôn, Lao Bảo”, anh ta phá đã đành, chứ tại sao bất cứ “phố hẹp”, bất cứ “dòng sông nước cạn” nào anh cũng cho là tù, mà phá? Chúng ta chỉ phá “phố hẹp” khi nào có lợi cho giao thông, phá “dòng sông nước cạn” khi nào vấn đề thuỷ lợi đòi hỏi, phá hay không là do từng hoàn cảnh cụ thể, chứ chúng ta không hề phá để mà phá, cho sướng tay; người “cộng sản” của Hoàng Cầm cũng không quên đả đụng tới “tim óc” theo kiểu nói của Nhân văn:
Tù trong sách, chữ đen ngòm vênh váo
Cũng như tù óc lụi, trái tim mòn.
Nếu bài thơ này làm trong thời thuộc Pháp, người ta có thể tha thứ cho những sai lầm tư tưởng của nó; nhưng nó lại làm tháng 8/1957, trong chế độ của ta; nó bộc lộ cái luồng “tự do vô hạn” yêng hùng, phá phách, vô chính phủ. Với một loạt “thơ tình” bảy bài, làm từ 1950 đến 1956 (Giai phẩm), Hoàng Cầm một mặt bi quan, hoang mang, một mặt khác, dưới cái trá hình chống giáo điều, đã hằn học nhìn tất cả những sự phân tích, giải thích, giáo dục của ta như là một sự giả dối tàn ác: “Tình yêu là cái chi – Mà lắm thầy mổ xẻ – Dao cắt đôi lòng người – Ruột thầy không sứt mẻ”, “Thầy ban bố đạo đức – Như bóng cậu về già”, “Diễn văn cót két chân giường mới – Gặm hết tình yêu, hết ước mơ”. Còn trá hình một cách tinh tế hơn, Hoàng Cầm rất khéo léo nói bóng gió để cho người ta đoán hiểu:
Thôi anh đừng viết thư
Mỗi dòng một thêm tội
Thầy mẹ em mất rồi
Em có thầy mẹ mới…
Đêm nay sao lặn góc trời
Bao giờ em được mồ côi.
Hoàng Cầm bất bình với những thứ “giáo điều” đến mức nào, mà phải liên hệ đến những cha mẹ phong kiến? Mà phải mong cho chết cha, chết mẹ? Dùng chiến thuật “nói ngọt lọt đến xương”, thơ của Hoàng Cầm không có thiện cảm gì với ta, trái lại, nhìn xã hội ta qua một chủ quan oát ghét.
Cái In đầu chân “cộng sản” kiểu Hoàng Cầm, đến Trần Dần lại được phóng đại lên thành “Hãy đi mãi” to tát (Văn số 28). Mục đích của Trần Dần và những người làm thơ của nhóm Nhân văn – Giai phẩm là sống “táo bạo”, táo bạo để mà táo bạo. Họ “có thể mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn”, họ không coi tiếng chửi chống Đảng, chống chế độ là ô nhục, họ chỉ sợ có:
Trừ tiếng chửi
– sống không sáng tạo!
Đó là cái tôi siêu nhân bạo chúa, cái tôi hôn quân vô đạo. Họ “mới” để mà “mới”, nổ “tan xác pháo mọi cái gì cũ rích”, coi cái gia đình cụ thể của mình là “hàm răng chuột nhắt”, coi mọi người cần cù, kỷ luật của ta là “mọi thứ rũa đã quen rũa người tròn trặn quá hòn bi”. Trần Dần đi, “khi bàn tay chết cứng vẫn ôm cờ”; Trần Dần thề: “Tôi yêu chủ nghĩa này – cờ đỏ cãi cho tôi”. Nhưng chính cái cờ đỏ này đã bị anh ta nhắm mắt không thèm nhìn trong bài “Nhất định thắng”:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà}
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ!}
Họ huênh hoang khoác loác như vậy, nhưng ta không thấy họ đi với ai cả, họ không đi với Đảng, họ không đi với phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo, họ chỉ có đi một mình cho gió sương đầu độc, cho nắng thiêu đốt; họ đi như vậy, để tìm khoái cảm, để phiêu lưu tột độ, để tự phong mình là anh hùng, đi mãi kiểu như thế thì rồi sẽ đi đâu? đến “thế giới tự do” nào? Chúng ta, những người xây dựng cuộc đời mới, vâng, chúng ta cũng đi mãi, đi đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nhưng chúng ta đi rất cụ thể chứ không đi trừu tượng; vâng, chúng ta mới, mới mãi, nhưng từ cày bừa cá thể xưa cũ đi sang cái mới của tổ đổi công, rồi đi sang cái mới của hợp tác xã, lại đi sang cái mới nữa của nông trường tập thể, mà trong khi đó, ta luôn luôn siết chặt quanh Đảng lao động Việt Nam cụ thể, do đồng chí Hồ Chí Minh vĩ đại lãnh đạo. Vâng, chúng ta đi mãi như thế, đi với vệ tinh Liên Xô vào vũ trụ, chứ không đi trong những đám mây làm bằng nước bọt của bọn vô chính phủ!
Những kẻ viết Nhân văn – Giai phẩm rất khoái trá khi họ ném được hoả mù vào mắt của toà soạn báo Văn, khi báo Văn đăng những In dấu chân, Hãy đi mãi, đăng những Lời mẹ dặn của họ. Lời mẹ dặn của Phùng Quán vờ ngây thơ như một chú bé, “Yêu ai cứ bảo là yêu – Ghét ai cứ bảo là ghét”, cái chân thật kiểu Phùng Quán là một thứ “ngây thơ cụ”, một thứ “chân thật” bới móc, ám chỉ xỏ xiên vào chế độ ta. Phùng Quán tại sao lại phải đặt một vấn đề không có, là:
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi…
than phiền như vậy, và “yêng hùng” như vậy, nhưng chẳng cần đến sét nổ đâu, chỉ cần một cái vỏ chuối của bọn muốn phá hoại chế độ ta vứt ra cũng đủ làm cho Phùng Quán trượt ngã thảm hại!
Phùng Quán cũng nói tới Đảng, có “Bài thơ làm theo yêu cầu của Đảng”, kêu gọi “Trung ương Đảng ơi!... Có tôi!...”, chúng ta cũng hoan nghênh Phùng Quán chống tham ô lãng phí, vì đó là việc Đảng ta luôn luôn làm; nhưng Phùng Quán có thật yêu Đảng hay không, ta hãy nghe cái thái độ của Phùng Quán khi nói những tên quan liêu (Giai phẩm):
Khắp mặt đất
Như ruồi nhặng,
Ở đâu cũng có!
Đảng muốn phê bình tất cả
Phải một nghìn số báo Nhân dân!
Nhìn thấy tất cả nhà nước dân chủ nhân dân đầy những ruồi nhặng, đó là một sự ác cảm không thường, đến như đối với cơ quan Trung ương của Đảng mà xách mé như vậy, đó có phải là phê bình xây dựng không? hay muốn ngậm mực phun đen lên cả tờ báo Đảng?
Đừng có nhầm chế độ
Tôi muốn nói đến bài thơ “Cửa hàng Lê Đạt” mà Lê Đạt đã tìm cách đưa in, công bố ra, để làm một đòn hằn vào chế độ ta. Lần đầu khi xem xong “Cửa hàng Lê Đạt”, tôi nói: − Bài thơ này mà làm ra ở miền Nam hiện nay thì rất đúng, rất tốt. Là vì cả bài thơ toát ta một tiếng S.O.S: Cứu tôi với! Tôi bị đè đến nghẹt thở, người ta không cho tôi sống, không cho tôi suy nghĩ! Đó là thực trạng phát xít ở miền Nam hiện nay.
Lê Đạt “đẻ sau đến muộn”, muốn mở một cửa hàng thơ, nhưng bị chèn ép, Lê Đạt ghen với:
Bao nhiêu chỗ ngon
người ta cắm trước…
… Anh em tôi đành ra góc phố
Đăng ký mở hàng
Chưa có tiếng tăm
rồi sẽ có tiếng tăm
Lê Đạt mở cửa hàng, theo anh nói thì sẽ có bạn bè xúm lại giúp đỡ. Cửa hàng Lê Đạt sẽ có sao, có trăng, có gan ruồi, phổi muỗi, có công, có phượng, có cả bú dù, “có những thứ đời quên bỏ – Những rế cùn – dẻ rách, - mảnh sắt – mảnh chai”…
Từng đoạn, từng đoạn, Lê Đạt lại điệp khúc gào than: nào những ông phê bình
Nhai chữ mòn răng – không hiểu cuộc đời
Mấy chữ i tờ – lòng người chưa biết
Ngắt ngọn bao nhiêu suy nghĩ – tìm tòi.
Nào
Có những ngày – tôi chỉ còn muốn chết
Nào những cảnh đau đớn:
Còn anh
con sát
vợ chửa
Sòn sòn hai năm đôi
Quanh quẩn tã con thuốc vợ.
………………………………
Còn anh
mơ ước trong đầu nhức mủ
Bao nhiêu dự định quay cuồng
Bực bội tay chân
đói thèm cửa sổ.
vân vân…
Sau những lời gào than đó, Lê Đạt lại tập trung dồn vào liền nhau bao nhiêu là u uất, là rên siết; cả bài thơ Lê Đạt toát ra một cảnh tối đen, ngột ngạt:
… Nước mắt vẫn còn rơi
Vẫn còn những đầu xanh sớm bạc
Những thành kiến – nghi ngờ – dốt nát
Vẫn còn hạ thấp con người.
Sao ta chưa biến được cung trăng
thành chỗ ở.
vân vân…
“Cửa hàng Lê Đạt” dọn theo kiểu ấy là một sự bày biện hoàn toàn lệch lạc, một cửa hàng buôn lậu về tinh thần ở giữa miền Bắc chúng ta. Xem bài thơ, tôi có cảm tưởng như Lê Đạt khóc thật. Nhưng Lê Đạt nhầm mất rồi! Trước đây, Vũ Hoàng Chương nói:
Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh;
chứ bây giờ Lê Đạt và những kẻ viết Nhân văn – Giai phẩm:
Lũ các ngươi đầu thai nhầm chế độ!
Nhầm cái gì chứ nhầm chế độ thì nguy hiểm lắm! Lê Đạt đem những tiếng khóc để buộc tội chế độ áp bức bóc lột cũ mà buộc tội cho chế độ đang nhằm xoá người áp bức bóc lột người. Cho nên càng khóc lóc “thành thật” bao nhiêu, thì chỉ càng chống lại chế độ mới một cách sâu cay, độc địa, và rẫy rụa bấy nhiêu! Những tiếng rên siết sai lầm đó chỉ có kẻ địch lắng tai nghe để hòng lợi dụng, chứ chúng ta thì biết ngay cái thực chất của nó. Những kẻ viết Nhân văn – Giai phẩm không hiểu rằng: đấu tranh tư tưởng là đấu tranh quyết liệt, không nhân nhượng. Tư tưởng chuộng lao động, yêu tập thể và trọng kỷ luật đúng đắn và tốt đẹp của giai cấp vô sản, nhất định đè nát không cho những tư tưởng vô chính phủ, tự do vô hạn độ, anh hùng siêu nhân, đi mãi phiêu lưu…ngóc dậy, không cho nó thở, không cho nó sống. Nhất định tư tưởng tư sản phải đầu hàng ta. Đối với những tư tưởng lạc hậu, chúng ta giúp đỡ, chăm nom, cải tạo, nhưng đối với những tư tưởng chống Đảng, chống chế độ, chúng ta không thoả hiệp, bắt phải quy hàng.
Nói rộng ra, ở trong văn học, sự nhầm lẫn chế độ nhất định dắt đến chỗ chết của tư tưởng. Trước kia, trong những chế độ áp bức bóc lột cũ, anh say rượu, anh hút thuốc phiện, thì chế độ áp bức bóc lột chịu trách nhiệm; anh vô chính phủ trong chế độ đó, thì cũng phần nào là có giá trị chống đối. Nay trong chế độ ta, anh say rượu, anh bê tha với giai cấp tư sản, anh cá nhân chủ nghĩa, anh vô tổ chức, thì chế độ không chịu trách nhiệm thay cho anh đâu, mà những cái ấy là tại anh. Đem những cái nhược điểm về tư tưởng của Nguyễn Du, của Ban-dắc (Balzac), mà khoác vào mình rồi tưởng mình làm Nguyễn Du, làm Ban-dắc là ngây ngô; cóp nguyên xi những lệch lạc của Véc-len, của Bô-đơ-le mang vào trong chế độ của ta, là tự đưa mình vào ngõ cụt.
Nếu Mai-a-kốp-ski mà sống lại
Chúng ta rất tức giận khi thấy báo Nhân văn và các tập Giai phẩm đăng thơ Mai-a-cốp-ski, khi thấy Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm khen thơ Mai-a-cốp-ski theo lối của họ, khi thấy cả bọn họ phất ngọn cờ Mai-a-cốp-ski, để làm hoàn toàn trái ngược với Mai-a. Mai-a là nhà thi sĩ yêu mến, ngợi ca, trung thành với chế độ Xô Viết, với Đảng cộng sản Liên Xô, Mai-a không thoả hiệp chút nào hết với chủ nghĩa đế quốc, văng vào mặt chúng tất cả cái kiêu hãnh chiến thắng của những người không đội trời chung với giai cấp tư sản; bên cạnh đó, Mai-a cũng có một số bài thơ vạch những phía tiêu cực còn lại trong chế độ Xô Viết, vạch với một nhiệt tình xây dựng rõ rệt. Đồng thời, theo sự hiểu riêng của tôi, Mai-a thoát ra từ chủ nghĩa vị lai, vẫn còn mang ít nhiều ảnh hưởng của trường phái văn học đó trong cách diễn tả. Những người làm thơ mong nhóm Nhân văn – Giai phẩm đi học trước tiên là thơ leo thang của Mai-a, mà không học cái yêu chế độ của Mai-a, họ mài rất nhọn cái cá nhân chủ nghĩa của họ mà họ cho là cá tính theo kiểu Mai-a. Mùa đông năm 1919, Mai-a đi đến nhà người yêu, phải cầm hai củ cà rốt và một thanh củi đến biếu, nghèo khổ như vậy, Mai-a lại càng yêu miếng đất mà trên đó người ta đã trải qua cái đói. Còn Trần Dần, năm 1955, mới gặp một ít khó khăn khi chưa xin được việc cho vợ, mà đã mờ mắt đi, “chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”, làm thơ đâm sau lưng chế độ ta trong khi địch còn đóng tại Hải Phòng, Trần Dần học Mai-a ở chỗ nào? Mai-a thì “nói lớn”, còn họ thì đại ngôn, Lê Đạt đề tựa cho tập thơ dịch Mai-a, làm như là mình là một Mai-a đang bị oan uổng, bất công, vùi dập. Hoàng Cầm giới thiệu tập thơ dịch đó, cho rằng chúng ta chưa hiểu nổi Mai-a vì Mai-a là biển. Không, nếu chúng ta chưa hoàn toàn thưởng thức được cái cách diễn tả của Mai-a, là do một sự khác nhau nào đó giữa hai tính cách dân tộc, do dịch chưa được nhiều nhạc điệu như trong nguyên văn, do chưa quen hơi bén tiếng lắm, chứ không phải do vì chúng ta thấp bé, tồi; vì Mai-a là biển, mà Nguyễn Du cũng là biển, một dân tộc yêu được biển của Nguyễn Du thì cũng yêu được biển của Mai-a, một quần chúng nhân dân làm nên biển lớn Điện Biên Phủ, tất nhiên có đầy cái tinh thần ưu tú mà Mai-a đã đại diện. Những kẻ viết Nhân văn – Giai phẩm cho rằng thơ của họ quá cao, quá làm lớn con người, nên bọn họ bị chúng ta không hiểu nổi họ. Nhưng nếu Mai-a mà sống lại, thì Mai-a sẽ cốp vào đầu họ, mà bảo: các ngươi đừng có nấp vào ta mà phản lại tinh thần của ta!
Nhấn mạnh và nâng cao tính chất quần chúng trong thơ
Nền văn học theo chủ nghĩa Mác Lê-nin là một nền văn học nhân đạo nhất, vì nó là nền văn học lần đầu tiên trong lịch sử loài người đề ra việc phục vụ cho quần chúng nhân dân, cho đa số, cho công nông binh. Chúng ta học tập chỉ thị của Lê-nin, kế thừa tất cả những gì tinh hoa và tiến bộ do loài người đã sáng tạo ra trải qua các chế độ; đồng thời chúng ta cũng hiểu rằng trong các chế độ trước, căn bản là quần chúng chưa có những nhà văn của giai cấp họ, phục vụ trực tiếp cho giai cấp họ. Dưới chế độ của ta, quần chúng sáng tạo ra lịch sử càng mạnh mẽ và huy hoàng hơn bao giờ hết, nhưng trừ một vài trường hợp thì quần chúng hiện nay còn chưa có những nhà văn từ trong lòng họ xuất thân ra. Chủ nghĩa xã hội cần có những chuyên gia đỏ, đỏ hẳn, chứ không phải hồng hồng. Chúng ta cũng cần có những nhà văn đỏ, đỏ hẳn, chứ không phải hồng hồng; trong khi chúng ta tự cải tạo mình để thật sự thành những nhà văn của quần chúng, ta phải thông hiểu điều đó, rằng chúng ta còn xa, còn xa nhiều cái mức cần thiết, cái mức là những nhà văn cộng sản, những nhà văn toàn tâm toàn ý cộng sản, chứ không chỉ những nhà văn có thẻ đảng viên.
Tình hình thơ của ta trong vài năm nay, có những triệu chứng tách rời quần chúng rất là không tốt. Mà quần chúng đã cảnh cáo rồi đấy: nhiều tập thơ đã bị ế, bị quần chúng chán rồi. Những biên tập viên của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho đó là vì thiếu tuyên truyền quảng cáo; thật là một sự phân tách rất ngây ngô. Quần chúng Việt Nam ta hiện nay vẫn yêu thơ như trong Kháng chiến, như bao giờ, nhưng quần chúng không yêu một thứ thơ nào đó hiện nay cố lan tràn, thứ thơ xa quần chúng về nội dung và xa quần chúng về hình thức.
Vấn đề nâng cao trên cơ sở phổ cập là vấn đề còn cần bàn cãi khi áp dụng cụ thể, ở đây ta chưa đi sâu vào các khía cạnh. Nhưng, tôi nghĩ, rồi từ ý thức sẽ thấm vào ngòi bút. Cái thứ thơ Nhân văn – Giai phẩm, nội dung nó xa quần chúng hàng vạn dặm, vì nó chống chủ nghĩa xã hội, chống tập thể, nó đi vào chủ nghĩa cá nhân, siêu nhân, “anh hùng táo bạo”. Về hình thức, nó càng xa quần chúng, nó nhảy lò khò một chân, lai căng, ném sỏi vào tai bạn đọc, nó lập dị đến điên khùng.
Nội dung thơ phải có tính chất quần chúng
Theo tôi hiểu, trước hết, các đề tài phải mang tính chất quần chúng, phải là những vấn đề quần chúng có thể thông cảm được. Quần chúng không cần cái thứ Hãy đi mãi, một mình chết thiêu giữa sa mạc của Trần Dần, quần chúng cũng không muốn Trung ương Đảng điều động Lê Đạt vào “Bộ tâm hồn quần chúng”, hay Lê Đạt bày cửa hàng buôn lậu bán “gan ruồi, phổi muỗi”, quần chúng không muốn nhìn những giọt nước mắt cá sấu của Lê Đạt, khóc lóc vì chế độ ta không cho họ tự do bừa bãi, độc lập siêu nhân. Quần chúng cũng không dung nạp cái thơ quanh co và bạc ác của Hoàng Cầm, ao ước được chết cha, chết mẹ để được làm kẻ mồ côi.
Nội dung của thơ cần phải phong phú trên cơ sở giản đơn. Trên cơ sở những tình cảm của hàng triệu con người, trên nét lớn đó, chúng ta đi sâu tìm các chi tiết thật sâu sắc. Phong phú mà không có cơ sở, thì sẽ thành rắc rối, phức tạp theo kiểu Một trò chơi nguy hiểm; nếu nội dung mà cô đơn, ốc chui sâu vào vỏ, thì dù hình thức diễn tả có giản đơn chăng nữa, cũng không ai hiểu được.
Nội dung có tính chất quần chúng, tức là dành ưu tiên cho những đề tài chính, những tình cảm lớn, những vấn đề nước sôi lửa bỏng của thời đại. Ngay từ thế kỷ 19, Bi-ê-lin-ski (Biélinsky) đã nói: “Không một nhà thơ nào có thể tự mình nói đến những đau khổ, những sung sướng riêng của mình mà thôi, mà trở thành một nhà thơ lớn được…Chỉ có nhà thơ bé mới khổ riêng cho mình, và tự mình làm lấy khổ”. Béc-tôn Bờ-rết (Berthol Brecht) cũng nói: Đừng có làm như một anh hoạ sĩ đứng trên một chiếc tàu sắp chìm, đã lật ngược trở vỏ lên rồi, mà vẽ tranh tĩnh vật trên mu tàu.
Nhà văn, nhà thơ là kỹ sư tâm hồn, tức là kỹ sư tâm hồn của quần chúng, thông qua tâm hồn nhà thơ. Các nhà thơ, nhà văn thường quá tự phụ là tâm hồn mình “tinh vi” phong phú. Nhưng theo tôi nghĩ, một nhà văn trong một thời kỳ cách mạng mà quần chúng là vai chính của lịch sử, có lẽ cần phải trải qua một quá trình ba điểm: điểm đầu tiên là bỏ cái vốn nhà giàu cũ, bỏ cái kho đầy những sợi tóc của mình chẻ ra làm tư, đầy những móng tay của mình cắt ra tích luỹ, đầy những “phong lưu mỹ tật” rất xa rời quần chúng; điểm thứ hai là học tập cái giản đơn, rắn chắc của quần chúng; điểm thứ ba là trên cơ sở đó, lại xây dựng những cái giàu mới, hợp với quần chúng, những cái tinh vi của lao động và đấu tranh; ba điểm này cũng chỉ là một. Phải thấy rằng mình trước kia là dốt, cần phải học lại quyển sách đời viết theo lối của quần chúng. Có như vậy, tâm hồn mình mới trở thành tâm hồn quần chúng, để có được một nội dung thơ của quần chúng.
Không thể san bằng các đề tài được, không thể xoá nhoà dòng chính và dòng phụ. Lấy một ví dụ khá điển hình trong văn xuôi: Việt Nam dân chủ cộng hoà chúng ta có giận hờn gì với phở, rất yêu phở, nhưng sở dĩ công chúng kêu bài Phở của Nguyễn Tuân, là vì phở đã từ giòng phụ bị đưa lên giòng chính, phơi bày la liệt trên hai kỳ báo Văn, trong khi giòng chính là sản xuất, là phấn đấu thì lại dìm xuống là giòng phụ hay rất phụ.
Hình thức thơ cũng phải có tính chất quần chúng
Không những nội dung có tính chất quần chúng mà hình thức cũng phải có tính chất quần chúng. Nguyễn Du làm Truyện Kiều bằng thơ lục bát, và câu thơ lục bát của Kiều lại là nâng cao trên cơ sở phổ cập, gần gũi đại chúng, nên quần chúng rất thuộc, rất yêu. Còn câu thơ lục bát của Hoa Tiên thì còn sang trọng quá, khúc mắc quá, mặc dù là lục bát, quần chúng vẫn khó gần, và khó yêu, khó thuộc. Chúng ta nay không đóng khung chỉ hiểu hình thức quần chúng tức là lục bát; ta không hẹp hòi như vậy. Vả lại ở đây ta chưa bàn sâu vào khía cạnh các thể thơ và vần điệu, mà chỉ nói đến cái tư tưởng của vấn đề, trong khi lấy thơ cổ làm ví dụ.
Những người làm thơ của nhóm Nhân văn – Giai phẩm ý chừng tự cho mình là kế thừa Mai-a-cốp-ski, đã học hình thức thơ Mai-a một cách rất giáo điều. Họ bất chấp cả công chúng Việt Nam, họ tìm một thứ mới lập dị lai căng nào đó.
Cố nhiên, tính chất quần chúng và tính chất dân tộc không đứng bất di bất dịch. Sta-lin nói: “Tính cách dân tộc không phải một cái gì làm sẵn một lần; nó chuyển biến dần với các điều kiện sinh sống thay đổi; nhưng nó mà tồn tại trong một lúc nào đó, thì nó để một dấu vết trên cục diện của dân tộc”. Theo nhà phê bình cách mạng Ý Gờ-ram-xi (Gramsci, 1891-1937), muốn giữ được tính chất dân tộc của một nền văn học, thì “ngữ ngôn” diễn tả của văn học phải “gắn chặt mật thiết với đời sống của quần chúng trong nước, phải phát triển chầm chậm và chỉ từng ít một”. Như vậy, tôi hiểu rằng: về hình thức, cần phải đưa những cái xa lạ vào dần dần, từng ít một, để dần dần hợp tạng của công chúng, để tránh đấm vào tai công chúng một cách vô ích và trắng trợn, tránh ngang phè phè đè lên ngực người đọc.
Ta phải đi trước quần chúng, nhưng nên nhớ lời Lê-nin, đi trước một bước, để có thể lôi kéo quần chúng theo. Nếu ta cho là Lê-nin nói vậy quá khắt khe, thì ở trong thơ, các thi sĩ hãy đi trước mười bước, hai mươi bước cũng được, nhưng thỉnh thoảng phải nhớ ngoái đầu lại xem quần chúng có còn ở sau lưng mình không, chứ đừng đi tuốt mất hút vào trống rỗng.
Chúng ta không đòi hỏi bất cứ một bài thơ nào làm ra cũng phải đọc được cho đại chúng công nông binh hiểu ngay. Trong khi Đảng làm cuộc cách mạng văn hoá nâng cao trình độ văn hoá của đại chúng lên, và trong khi ta vươn lên đến cái gương nâng cao trên cơ sở phổ cập của thi hào dân tộc Nguyễn Du, ngõ hầu ai cũng thích được thơ của ta, thì ít nhất hiện nay, thơ ta cũng phải làm cho những cán bộ công đoàn, những cán bộ trung đội, đại đội, những huyện uỷ viên, những con cái nông dân học lớp bảy, lớp tám, những sinh viên, những viên chức yêu và hiểu; những người đó có thể coi như, theo lời Mai-a-cốp-ski nói, những trạm chuyền điện, nguồn điện vào trạm, rồi từ trạm tia về các nơi. Nếu những người ấy mà cũng không tiếp nhận được thơ của ta, thì rất nguy! Thì chỉ còn có “tiểu chúng” các nhà văn nào đó hiểu với nhau, thậm chí chỉ có những kẻ viết Nhân văn – Giai phẩm bù khú công kênh thán phục lấy nhau, thì thật là nguy hiểm!
Chúng ta cần phải nhớ rằng thời đại ta có nhiều cái to lớn lắm, chứ không phải cái thời thuộc Pháp, các cô đan áo len hay học sinh ngồi bên cửa sổ, nhàn vô sự, dễ xuýt xoa về những bài thơ; chúng ta phải nhớ rằng nhân dân ta bận rất nhiều việc lo nghĩ và làm lụng to lớn. Cho nên thơ phải tìm hết mọi cách bám vào trí nhớ của công chúng, ấy thế mà còn sợ bị rơi, bị bật ra thay! Huống chi thơ lại như lối thơ Nhân văn – Giai phẩm tìm hết mọi cách để ẩy trí nhớ của quần chúng ra, thì còn ai yêu, ai thuộc được?
Có một sự việc không thể để cho kéo dài, là gần đây, do bộ máy Xuất bản của Hội nhà văn và tuần báo Văn bị tư tưởng của nhóm Nhân văn – Giai phẩm lũng đoạn nên bất chấp dư luận, cứ đi theo hằn bánh xe của Nhân vănGiai phẩm, vẫn khuyến khích, đề cao cái thứ thơ đó! Một nhà xuất bản như Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cứ in thơ theo kiểu Nhân văn – Giai phẩm, nếu có ế, thì cứ xếp đống vào kho, đã có Đảng, Chính phủ và nhân dân nai lưng ra mà chịu!
Vấn đề cá tính
Thơ cũng theo quy luật chung của sáng tác văn nghệ, cần phải cụ thể hoá và cá thể hoá. Cần phải thông qua tâm hồn của một thi sĩ để nói cái chung thì mới sâu sắc được. Cái chung phải đầu thai qua cái riêng; nhưng cái riêng đó lại phải tiêu biểu cho cái chung; cần phải có cái riêng, cần phải có cá tính, có bút pháp riêng, cần phải độc đáo.
Nhưng cá tính của nhà thơ hay nhà văn là để tôn tình cảm của đa số lên, xuyên qua những khía cạnh đặc biệt; cá tính không phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là môi giới để phản ánh cuộc sống. Chứ không phải mới bước vào ngưỡng cửa của bài thơ, đã thấy lù lù cái cá tính phát phì của đức ông thi sĩ, đã thấy đức ông thi sĩ bắt mọi người cúi quỳ, khuất phục trước đức ông. Bạn tôi là chiến sĩ thi đua ưu tú, đồng thời cá tính hay hút thuốc lào, hơi nóng nảy, và cũng hay tán gái; tôi yêu bạn tôi, mặc dù những nhược điểm đó; nhưng hút nhiều thuốc lào, nóng tính và hay tán gái là những cá tính vặt; mà tôi rất hiểu rằng chính sự lao động cần cù và nhiều sáng kiến lại là cá tính sâu sắc nhất của bạn tôi. Không phải là nhà thơ cứ vặn vẹo câu thơ, ngổ ngáo trong thơ là mới có cá tính. Nhà thơ cứ lăn vào quần chúng, yêu mến quần chúng hết lòng hết dạ đi, trút cả tâm hồn mình ra phục vụ quần chúng rồi làm thơ, cái độc đáo nhất định là gắn liền với nhiệt tình của thi sĩ, chứ không đi tìm ở đâu xa cả.
Nhà thi sĩ có tài cũng như người đàn bà có duyên, cứ làm việc đi, cứ ca hát đi, duyên sẽ toát ra ngoài, chứ chẳng cần phải ưỡn ẹo đi trên sợi giây thép, chẳng cần phải soi gương cố nặn ra cho mình một dáng điệu người hùng, chẳng cần phải cố tình táo bạo bằng những hình ảnh làm xiếc như thơ Lê Đạt:
Kinh tế không thể vác ba lô đi bộ
hoặc những con đường
Vạch cỏ vạch lau đứng dậy
Giơ tay chào những công trường
hoặc
Trái đất
không chúng ta
Ngơ ngác mù loà
Chống gậy bước đi loạng choạng.
Kinh tế vác ba lô, con đường giơ tay chào,trái đất chống gậy bước, đó, cái thứ cá tính cố làm lấy được ấy thật chỉ là một cái bong bóng thổi phồng.
Nói chung, chúng ta vẫn đi tìm chất thơ của thời đại. Cố nhiên, mỗi thi sĩ tìm mỗi khác, nhưng theo tôi nghĩ, chất thơ của thời đại ta phải có một cái gì trong sáng, lạc quan, giản đơn và phong phú, mê say mà lại tỉnh táo, táo bạo mà không điên loạn, một chất thơ có tính chất quần chúng, để cho hàng triệu người yêu, thuộc, có thể bồi dưỡng cho tâm hồn người như một chất phù sa thần diệu; chứ không phải là cố nặn ra một chất thơ ác, đập vào giác quan bằng mọi cách, cố giật gân người đọc như Trần Dần, huênh hoang như Lê Đạt, trá hình nhiều cách lập lờ, giả trá như Hoàng Cầm.
Người thi sĩ của chế độ ta luôn luôn phải có một thắc mắc: tìm tòi làm thế nào mà hàng vạn quần chúng yêu thích thơ ta được. Nếu ta chưa làm được như thế, thì ít nhất cũng phải thấy có làm được như vậy thì mới đúng chân lý; mà chưa làm được như vậy, thì phải thấy là mình hãy còn bất lực, hãy còn nợ lớn với quần chúng. Chứ có ai lại cố tự phụ mình là “biển”, tự phụ rằng ba trăm năm sau mới có người hiểu ta. Khoác lời của Nguyễn Du vào mình như vậy, cho khéo kẻo mà đầu thai nhầm chế độ đấy. Nhà thơ muốn tác động được vào lịch sử, thì phải tác động thông qua quần chúng, muốn lấy thơ đấu tranh cho thống nhất, thì phải đem thơ mình thúc đẩy quần chúng đấu tranh cho thống nhất, chứ cứ tự phụ mai sau mới có người hiểu ta, thì là đợi đến lúc thống nhất đã thực hiện được rồi, lúc đó thơ thống nhất của mình mới có người hiểu hay sao?

°

Thơ của ta phải có nội dung quần chúng, có hình thức quần chúng; thơ của ta phải có tính đảng, phải trung thành không lay chuyển với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân. Bởi vậy các nhà thơ của chế độ ta phải quyết liệt đập cho tan cái thứ thơ Nhân văn – Giai phẩm là nơi bộc lộ rõ nhất những tư tưởng liên tục chống chế độ ta, chống chủ nghĩa xã hội, là thứ thơ mà quần chúng không thể nào yêu được. Chúng ta rất rộng rãi với những mầm non văn học phục vụ công nông binh, với những tìm tòi thiện chí, với tất cả các bút pháp đúng đường hướng, nhưng không thể rộng rãi chút nào hết với thứ thơ ngược giòng xã hội chủ nghĩa. Thật đúng như vậy rồi, đấu tranh cho thơ cũng là đấu tranh cho tư tưởng, cho Đảng.
3-1958
Những suy nghĩ chung quanh vấn đề chỉnh huấn
Gần đây, trong khi hình thành một luồng tư tưởng “xét lại”, có những người nhân một số trường hợp “chụp mũ”, quy kết mắc phải ở những kỳ chỉnh huấn trước kia, đã phủ nhận cái tác dụng tích cực lớn lao của chỉnh huấn.
Nhân một việc biện luận chung quanh Sê-khốp, bạn Nguyễn Tuân cũng có viết: “… Nghe mà muốn giật mình nghĩ đến chỉnh huấn văn nghệ năm nào, có những phần tử hăng máu vịt bốc đồng lên rồi quy cái lầm, cái yếu của người khác lên theo với cái hứng chủ quan của mình…” [1] Giật mình nghĩ đến chỉnh huấn văn nghệ… Học tập chỉnh huấn nào có phải đâu là bị bỏng nước sôi? Nhưng theo ý tôi, không ai vì một lần bị áp-xe nào đó mà cho là việc tiêm thuốc trị bệnh là không nên; một số trường hợp dùng phương pháp chưa chắc tay đâu có xoá mờ được cái nhiệm mầu của chỉnh huấn! Bạn thân, đồng chí ta trong khi trị bệnh cứu người, có một vài cái chệch, ta không nên nói về họ một cách ác cảm; họ cũng chính là ta thôi.
Đấu tranh là quy luật
Thường tình, không ai muốn “mệt” làm gì. Những người tiểu tư sản càng thích mọi việc đều êm đẹp, hoà hảo, yên vui. Nhưng làm gì có một cái bối cảnh xã hội như thế để dựa lưng cho lâu dài! Cái thuở trước Cách mạng tháng Tám nào có yên bình gì đâu! Nếu có những người thuở ấy có thể ngồi ngậm kẹo mạch nha bọc ngoài đá cuội ướp hương hoa lan, đó là nhờ họ rúc đầu vào cánh như chim đà điểu. Những người tiểu tư sản cứ muốn “tôi là kẻ giữa, tôi chữa đôi bên”. Nhưng rồi Cách mạng cũng đến, lôi bật dậy những người cầu an hoặc hưởng lạc. Nói chung, trong một thời kỳ cách mạng của lịch sử, quần chúng nhân dân chuyển động mãnh liệt, ai muốn “yên thân” cũng không yên thân được: trong cuộc sắp xếp lực lượng, thế tất anh phải có một chỗ đứng, một hàng ngũ. Có người thấy báo Nhân dân một số chủ nhật đăng bài về giới văn nghệ Trung Quốc vạch tập đoàn chống Đảng Đinh Linh−Trần Xí Hà, đã nói cay chua: Ngày chủ nhật để cho người ta nghỉ, lại ném quả bom ra! Nhưng máy bay của đế quốc Mỹ hàng ngày điên loạn mang những quả bom khinh khí mà bay trên không của nhiều nước; bom thật, nghĩa đen, của Mỹ doạ dẫm trên đầu người ta đấy, chứ không phải bom nghĩa bóng đâu! Có giai cấp, thì tất yếu có đấu tranh giai cấp. Có những luồng tư tưởng chống đối nhau, thì tất yếu có đấu tranh tư tưởng. Đó là thực tại khách quan, chứ chúng ta nào muốn bày việc ra làm gì! Dưới chế độ cũ, nhiều người đã cố tình mũ ni che tai, nhắm mắt vờ ngủ, ngày tháng dài rong chơi cho hết, họ hầu như không biết đấu tranh là gì. Nhưng chung quanh họ, đời vẫn theo quy luật đấu tranh gắt gao; không có cái gì đứng yên cả! đến hòn đá nọ, trong mình nó các điện tử cũng quay không ngừng; mà thật ra, nếu những người đó tự thú nhận với mình, thì lòng họ có êm đẹp, hoà hảo gì đâu, nó luôn luôn bất ổn, nơm nớp lo lo một cái gì, nó buồn muốn chết được!
Sợ đấu tranh mà không tránh được đấu tranh, chi bằng mình nhìn thẳng vào cái tất yếu, tích cực đấu tranh theo hướng cần thiết của cuộc sống.
“Đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn”
Hỡi người bạn rất dễ cảm xúc của tôi ơi! Bạn là người rất thanh tao trong đời, một tí đậm loãng của nước trà đã làm lưỡi bạn săn lại hay dãn ra, bạn không bao giờ nỡ đánh ai, hoặc phụ nữ hay đàn ông, dù là với một cành hoa hồng; bạn bất nhẫn trước một lời nói nặng; bạn rất quân tử và “nhân đạo”, bạn không muốn một người nào hết phải khổ đau… Một mặt bạn muốn có thiên đường trên mặt đất và có ngay! một mặt bạn nghe nói đấu tranh, bạn nghe nói chuyên chính, là cái tâm hồn bằng tơ và bằng bóng trăng của bạn đã rợn gió e sương, sè ra che chở cho tất cả mọi người.
Nhưng chính giai cấp vô sản và Đảng của nó muốn dần dần thiết lập một thiên đường thật sự trên mặt đất, muốn thực hiện giấc mơ muôn đời của loài người và cả của bạn đấy! Còn gì khổ đau bằng cái xã hội có giai cấp trong mấy nghìn năm nay! Nhưng mấy nghìn năm nay, nhân loại không có con đường lịch sử nào khác để đi, nên phải đi qua máu và nước mắt của các xã hội có giai cấp. Đến thời đại này, thì cái nguồn đau khổ là các xã hội có giai cấp đã có thể diệt được, và diệt được hàng loạt rồi. Cái “tội tổ tông” ấy đã có thể xoá được rồi, những người Việt Nam chúng ta ở miền Bắc nước ta, cũng đã lên đường xoá cái nguồn đau khổ căn nguyên ghê gớm ấy! Tôi nghĩ rằng Đức Phật xưa kia mang một lòng thương vô lượng đối với những đói rét, ốm đau, giặc giã, chết chóc của nhân loại, và trong phạm vi của hơn hai nghìn năm trăm năm về trước, chỉ hòng giải quyết bằng phương pháp duy tâm, thì đến nay, chính các Đảng của giai cấp vô sản, thực hiện chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đã thực sự giải quyết được về căn bản, bằng cách thiết lập cái xã hội không giai cấp, và đó là “đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn”!
Bóc lột là nguồn gốc đau khổ, áp bức là nguồn gốc đau khổ, chạy theo lợi nhuận tối đa, tích luỹ để mà tích luỹ là nguồn gốc đau khổ. Chuyên chính vô sản là nhằm chặn những quy luật ấy của tư bản chủ nghĩa, không cho nó tác oai tác quái, chặt nó từ gốc, nhổ bật rễ nó, thay nó bằng quy luật “vì lợi ích của nhân dân, của xã hội mà phục vụ”. Còn chính nghĩa nào hơn, còn nhân đạo nào bằng! – Hỡi người bạn rất dễ cảm xúc của tôi ơi! bạn vẫn thấy những việc “chặn”, “chặt”, “nhổ bật” là mạnh quá, là không hiền lành, nhưng làm thế nào khác được? Đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản là đỡ đẻ cho cái xã hội không giai cấp công bằng, bác ái ngày mai ra đời. Bạn vẫn không muốn có đấu tranh giai cấp mà được như vậy, thì khác nào chuyện những trẻ con tưởng mình nảy ra ở ngoài bụi, mẹ nhặt đem về, chứ không phải do mẹ rứt ruột, xé thịt đẻ mình ra!
Chúng ta đang sống trong thời kỳ tổng khủng hoảng tư bản chủ nghĩa, thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Nước ta, ở miền Bắc, các giai cấp bị áp bức bóc lột xưa kia đã nắm lấy chính quyền, làm chủ tất cả. Chúng ta thay trời đổi đất của đế quốc, của phong kiến, của tư bản thành trời đất của ta; mà việc thay đổi này không gì có thể ngăn cưỡng được. Tư tưởng của ta bắt buộc phải theo cho đúng, theo cho hợp, cho kịp sự cải tạo cách mạng của xã hội khách quan; muốn vậy, nó phải là tư tưởng của giai cấp vô sản. Nếu tư tưởng của ta cứ muốn tự nhiên nhi nhiên, cứ muốn mình không phải là tư tưởng của giai cấp vô sản, thì tất là nó phải đối kháng với cuộc tiến lên cách mạng. Lúc đó sẽ có một cuộc đấu tranh quyết liệt, một cuộc trừ khử nhau không thương tiếc giữa ta và thực tại cách mạng khách quan. Lúc đó sẽ diễn ra một cảnh châu chấu đá xe của lịch sử. Quần chúng cách mạng sẽ đập hộ tư tưởng lạc hậu hay phản động của anh cho vỡ lẽ, cho toé lửa ra! Xe lịch sử chắc chắn là không lùi, mà con châu chấu không tránh được tan nát.
Chỉnh huấn tức là cưu mang, giúp đỡ bạn chọn lấy con đường tư tưởng đúng, tránh cho bạn cái thảm hại gãy đổ, mở cho bạn con đường sống vinh hiển. Trong cái vô minh không phân biệt được phải trái của tư tưởng bạn, Chỉnh huấn dọi ánh sáng vào; cái bể khổ ngàn đời của xã hội có giai cấp đã phản ánh trong tâm người thành cái bể khổ của tư tưởng; nếu không giành được quyền chủ động giữa sự hỗn độn ấy, thì bạn sẽ còn trầm luân lặn ngụp không thôi; mà tôi biết rằng cái đau khổ về tư tưởng là “mười hai cửa điện tùng xẻo của Diêm Vương”; Chỉnh huấn chính là “đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn”! Đã nhiều lần tôi tự mình nghiệm nghĩ rằng: đấu tranh tư tưởng là việc đã tất yếu rồi; nhưng còn cái trí tuệ cao cả đã tạo ra phương pháp chỉnh huấn thật là vô cùng kỳ diệu! Thời cổ Hy Lạp, nhà hiền triết Xô-cơ-rát [2] có nói đến việc đỡ đẻ cho những tâm hồn; phương pháp chỉnh huấn của ta là thực sự đỡ đẻ cho những tâm hồn mới; đáng lẽ để cho bão táp của cuộc đấu tranh xã hội trong thời kỳ cách mạng đập anh xơ xác và thay đổi óc cho anh. Chỉnh huấn là một lồng ấp diệu kỳ làm cho tâm hồn mới của anh được tự nở… Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, trong Chỉnh huấn, giúp cho ta nắm được quy luật của tư tưởng đặng mà, từ cái bị động đã ngàn kiếp, giành lấy cái chủ động từ rày về sau. Tôi tưởng như phương pháp chỉnh huấn bày ra các loại, các kiểu tâm hồn để cho ta nhận xét, so sánh và tự nguyện chọn lấy loại tâm hồn nào tốt đẹp nhất, vui sướng nhất… Đây là tư tưởng địa chủ với cái nghiệp của nó − “nghiệp” tức là quy luật − là hút máu hút mủ của nông dân, làm sao chiếm được nhiều ruộng, cướp được nhiều thóc nhất; nó khát làm chúa đất, một cái măng tre mọc, nó cũng gọi là “lông tơ của đất bà”, mặt trời dọi, nó bảo là “nắng của ông”; nó ăn bẩn đến cái lũng quần của bố cu mẹ đĩ. Đây là tư tưởng tư sản với cái nghiệp của nó là bệnh khát vàng; nó muốn uống vàng cho đầy miệng; nó bòn từng bát cơm manh áo, rút sức lực của công nhân để đúc lại thành vàng mà uống; nó nặn hết máu tuỷ của khách mua hàng, của người tiêu thụ, cũng lại để mà được uống vàng; càng nuốt vàng càng đòi uống thêm; nó không nề một thứ bần tiện nào hết, tiền đối với nó không có mùi; dưới đáy mỗi tế bào của nó, có một đồng xu nằm trong đó. Đây là tư tưởng tiểu tư sản với cái nghiệp của nó là nổi nênh như cánh bèo mặt nước, là ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, là lúc cách mạng lên, thì nó hăng hái như diều được gió, lúc cách mạng gặp trở ngại, thì nó bổ nhào như diều đứt giây… Còn nhiều thứ tư tưởng nữa của xã hội cũ; nhiều khi tất cả pha trộn, chế biến với nhau như giây leo chằng chịt trong rừng. Trong cái xã hội cũ đầy đen tối, xấu xa, có tư tưởng của giai cấp vô sản “gương trong chẳng chút bụi trần”, nó không khát ruộng đất, nó không khát vàng, nó không bấp bênh; nó chí công vô tư, nó cách mạng triệt để. Quy luật của tư tưởng vô sản là như vậy, như người trèo vươn lên đỉnh núi, tuy gian khổ, nhưng luôn luôn thấy phấn chấn, sảng khoái! Chỉnh huấn giúp ta phân tách, chiêm nghiệm tất cả những điều trên đây, rồi tự do chọn lấy con đường ít tốn nước mắt nhất, con đường tốt đẹp, vinh quang nhất: lấy tư tưởng của giai cấp vô sản làm tư tưởng của mình. Một việc bản chất nhân đức như vậy, tưới cây chết thành cây sống, sao nghĩ đến lại giật mình? Đó mới là “đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn”.
Chữ “giác”
Chỉnh huấn thật là trả lại cái tự do cho tư tưởng con người, giải phóng tư tưởng con người khỏi những cái nghiệp xấu xa. Những cái nghiệp đó, ôm lấy trong các xã hội áp bức bóc lột, một khi “đã mang lấy nghiệp vào thân”, thì nó bắt anh làm tù binh; đêm nằm anh cũng không ngủ được mà cứ thấy mình đi thu thóc tô; anh buôn bán, tráo trở trong cả chiêm bao của anh, anh tương tư đồng tiền, anh uống thuốc độc để cho đỡ khát. Ruộng, thóc, đồng tiền hay lạc thú dính liền vào anh đã thành bản chất của anh. Nay anh phải gỡ những cái ấy ra khỏi anh. Chỉnh huấn một mặt đòi hỏi đấu tranh tư tưởng gắt gao, không thương tiếc, không nhân nhượng, đầy sát khí đối với những tư tưởng sai xấu, một mặt rất nâng niu, ấp ủ, tạo một lồng ấp mầu nhiệm cho tư tưởng mới nở ra. Khi những cánh đầu tiên của tư tưởng mới đập đập ở trong bạn, bạn cảm thấy một thứ vui sướng lạ lùng. Đó là chữ giác; đó đúng là cái giác ngộ tự ở trong lòng, từ thâm tâm, người ngoài không thể tả cho bạn nghe, mà chính bạn phải tự kinh nghiệm lấy. Khi tư tưởng của bạn bắt đầu thay đổi quy luật, có thể nói cũng ví như một hành tinh bấy lâu vẫn quay trong một hệ mà trung tâm là một ngôi sao đen tối, bây giờ hành tinh rời bỏ cái hệ cũ mà quay trong hệ mới, trung tâm là mặt trời của tư tưởng vô sản, chịu sức hấp dẫn, nhận ánh sáng của mặt trời đó, theo những quy luật của hệ thống mới. Cái nhích, cái chuyển, cái thay đổi hệ thống ấy là một sự đẻ lại nó chi phối cả tâm hồn bạn, hồi xuân cho trí tuệ bạn. Từ giờ trở đi, bạn nhất quyết giữ cho đừng bật ra khỏi cái bầu trời mới; trái lại, tư tưởng của bạn luôn luôn tiến tới, nhích gần sức nóng, sức sáng của mặt trời; và khi đó, bạn sẽ cảm thấy bạn dồi dào sức sống và khả năng, bạn cũng mang một phần vạn năng của tư tưởng vô sản!
Sống trong thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa, bạn phải làm thế nào được mang thai cái chữ giác đó, nếu không, bạn sẽ không có vốn để sống cuộc đời mới. Những người đứng giữa ngậm đá cuội bọc kẹo mạch nha trong thời cũ, thực ra họ có trung lập đâu; gián tiếp họ cũng ủng hộ những tầng lớp bên trên. Nếu hiện nay anh không có được, hay không muốn có cái chữ giác ấy trong lòng, thì thế tất tư tưởng của anh quay theo những quy luật khác hẳn, chống đối. Tư tưởng của ta như con cá, nó không ăn muối của tư tưởng giai cấp vô sản, thì nó sẽ ươn. Việc các bạn thân, các đồng chí giúp ta trong học tập chỉnh huấn làm tôi nhớ đến câu chuyện tôi được đọc ngày nhỏ: có một ông vua ở rất bẩn, không bao giờ chịu tắm giặt, gọi là Ma lem hoàng đế; đình thần, lính tráng lôi ông ra tắm gội, kỳ cọ; ban đầu ông ta thấy nước lã thì sợ xanh mặt, nhưng xong, thay quần áo mới, thì ông lại được lấy Xà phòng nữ hoàng rất đẹp đẽ, thơm tho. − Đúng như vậy, Chỉnh huấn cũng như Xà phòng nữ hoàng; tư tưởng của ta đừng run sợ như Ma lem hoàng đế.
Những tư tưởng xấu của các giai cấp phi vô sản, trong suốt cuộc Kháng chiến vĩ đại, phần bị đánh bại, phá tan, phần bị bao vây, dồn ép. Trong hoà bình, thừa cơ sự giáo dục của Đảng có lúc bị lơi lỏng, nó vùng dậy trở lại, xông ra múa may ăn nói huyên thiên, nó hằn học tư tưởng vô sản với cả một tự ái giai cấp, nó không công nhận học tập chỉnh huấn về trước và muốn tự tồn theo bản chất cũ. Nhưng cách mạng của ta lại tiến lên một bước nữa, làm cách mạng xã hội chủ nghĩa; nhất định tư tưởng vô sản không nghỉ tấn công các thứ bóng tối và sương mù đó.
Nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu; số lượng giai cấp công nhân của ta không đông; có thể nói rằng chính nhờ Chỉnh huấn, chính nhờ giáo dục tư tưởng mà làm cho bản chất giai cấp vô sản của Đảng vững mạnh không ngừng; trong Kháng chiến, có thể nói rằng mỗi đợt học tập chỉnh huấn lại đem tới mỗi đợt thắng trận lớn lao. Đảng luôn luôn cần mở Chỉnh huấn, để đưa cách mạng tiến lên; coi thường, thậm chí phản ứng Chỉnh huấn là làm yếu tư tưởng của Đảng.
Chỉnh huấn Văn nghệ 1953 đã vũ trang tốt đẹp cho giới văn nghệ để đi vào thực tế và quần chúng, đã làm cho các tác phẩm xây dựng sau đó có một xương sống tư tưởng. Nếu có một số chệch choạc nào trong khi dùng phương pháp, đó là điều ta cần rút kinh nghiệm để tránh về sau. Theo ý tôi, cái điều có lẫn lộn, tức là khi viết những bài tự phê bình trên tạp chí Văn nghệ tháng 7/1953, một số văn nghệ sĩ đã hoàn toàn phủ nhận giá trị các tác phẩm mình trước Cách mạng. Những tác phẩm trước Cách mạng là làm trong hoàn cảnh Pháp thuộc, khi người sáng tác chưa có chủ nghĩa Mác – Lê-nin soi đường; bên cạnh những sai lầm về tư tưởng cần phải phê bình, một số tác phẩm đã đạt tới một mức nghệ thuật nào và đã có một khuynh hướng tiến bộ so với hoàn cảnh thời đó, thì vẫn còn lại một giá trị văn học nghệ thuật. Hoàn toàn vứt cả, coi nó là “dưới Zê-rô”, là không có quan điểm lịch sử trong phê bình. Nhưng mặt khác, từ chỗ đó lại đi tới chỗ coi Chỉnh huấn trước đây là sai cả, rồi “sửa sai” bằng cách phục hồi nguyên xi các tác phẩm cũ không phân biệt, không phê phán, đó là điều xoá nhoà rất nguy hại. Chỉnh huấn Văn nghệ 1953 căn bản là rất bổ ích, quý báu cho tâm trí giới văn nghệ; hiện trạng có chủ nghĩa “xét lại” trong văn nghệ hiện nay, chứng minh rằng Chỉnh huấn Văn nghệ 1953 là đúng, là học tập như thế còn chưa đủ.
Cái giác ngộ về tư tưởng vô sản, chúng ta cần giữ mãi và đào sâu, làm cho nó lớn mạnh không ngừng.
Cảm ơn tư tưởng vô sản
Đời là một cuộc đấu tranh không ngừng: ai cho câu này là sáo và không muốn nghe, tôi thì thấy cái chân lý giản đơn đó, nghiệm mãi mà vẫn chưa thuộc, vẫn cứ mới. Buông rời chân lý đó ra một hôm, là đã mất vũ khí trong hôm ấy rồi. Không có tư tưởng của giai cấp vô sản, lấy gì mà xây dựng cho tâm trí? Những ngày lao động bình thường, tư tưởng vô sản là cái chất men cách mạng nó đưa thắm thiết đến cho mỗi việc dù nhỏ đến đâu; tư tưởng vô sản là máu nóng của mọi công tác cách mạng. Những khi tối lửa tắt đèn, tư tưởng vô sản nhen ánh sáng lên trở lại. Chơi vơi giữa dòng, có tư tưởng vô sản là có chèo lái đưa ta tới bờ.
Không thể tưởng tượng được rằng dưới thời Pháp Nhật thuộc, một đêm đi xem chiếu bóng về, tôi bị ám ảnh bởi hai con mắt của cái thằng ma quái trong phim: tên “khách kỳ dị” này có cái bệnh là thích giết vợ, nó đã lấy nhiều người đàn bà về, để giết liên tiếp. Đêm khuya, nằm trên giường, tôi không dám ngủ nữa, bị đôi mắt của thằng nọ chi phối; tôi phải gọi, cầu cứu với bạn tôi, để giúp tôi chống lại. Con người trong xã hội cũ bị nhu nhược, hãi hùng đến ngần nào! Con người bây giờ có tư tưởng vô sản, có chân lý của chủ nghĩa Mác rồi, sẽ nhổ vào những thứ phim ấy mà không xem, hoặc có xem thì tức giận mà phê bình, chứ nhất định không chịu kinh sợ!
Song le, cái nọc độc của xã hội cũ, là xã hội phá hoại con người, không ngờ lại có thể thấm quá sâu xa! Có đôi khi, giữa canh khuya, tôi chiêm bao những cái mộng mị gớm ghê, vô lý, quái dị, những cái tiền kiếp u uất ở đâu xưa mình không kiểm soát được, lộn về trong giấc mơ; thức giấc, nửa thực nửa hư, ngàn vạn sương mù bao phủ dày đặc. Trong khoảnh khắc, tôi lấy cái “chiếu yêu kính” [3] của tư tưởng vô sản, dọi vào đánh tan được cái hỗn mang, ổn định lại tâm trí, lấy lại được cho mình cái thế sáng sủa. Nếu không có tư tưởng vô sản, những trường hợp đứng trên mép vực của tâm hồn như vậy, tôi lấy gì để trừ tà khí?
Và nhiều lần cuộc đời quả thật là không đơn giản, con người cũ trong tôi, nặng mang mấy chục thế kỷ buồn phiền, bi quan, chán nản, bỗng trở dậy đòi quyền tồn tại. Có những đôi ngày như vậy, bộ máy tâm hồn bỗng như hỏng bánh xe, đứt giây cót, lầu tâm hồn bỗng như sụp xuống, đổ vụn. Giữa đám gạch ngói ngổn ngang, giữa cái hư vô lâm thời ấy, tôi còn có tư tưởng vô sản; tư tưởng vô sản lại là cái đòn bẩy giúp tôi kích mọi cái lên, xây dựng trở lại phơi phới vững vàng hơn. Tư tưởng vô sản nói với tôi rằng: “Đời vẫn đẹp tươi, cách mạng ngày càng thắng, những triển vọng lớn lao nhất đang mở ra cho nhân loại…”; và tôi không thể nào không là một người lính chiến đấu của cuộc đời.

°

Cảm ơn tư tưởng vô sản! Quý biết bao, cái chất tư tưởng tiến bộ nhất, hoàn mỹ nhất, mạnh mẽ nhất, tinh hoa của lịch sử tư tưởng loài người! Cảm ơn Chỉnh huấn đem đặt tư tưởng vô sản vào giữa tâm trí con người, tức là đặt cái mầm, cái nhân sinh ra sức sống ở giữa cái hạt. Cảm ơn Đảng, có sức giáo dục cải tạo mầu nhiệm, có lòng nhân đạo vô biên!
3-1958
Chú thích
[1]Trong bài tựa Tuyển tập truyện ngắn của Sê-khốp (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) (nguyên chú)
[2]Socrate: nhà triết học Hi-lạp trước Công nguyên (468-400) (nguyên chú)
[3]Trong các truyện thần kỳ xưa, là một cái gương để soi dọi vào ma quỷ, làm cho chúng tan tác hoặc trở lại nguyên hình. (nguyên chú)
Nguồn: Những bước đường tư tưởng của tôi, tiểu luận phê bình văn học của Xuân Diệu, Hà Nội, 1958: Nxb. Văn hoá (Cục xuất bản, Bộ văn hoá), tr. 123-156. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Xem Tiếp: ----