Chương 4
TỔNG THỐNG DIỆM VÀ CÔNG GIÁO

Chúng tôi đơn cử một thí dụ về "mặc cảm Công giáo" đối với Tổng thống Diệm. Vào lần cải tổ Chính phủ năm 1961. ông Nhu được uỷ thác tìm một nhân vật giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp.
Ông cho mời bác sĩ Tuyến bàn luận và ngỏ ý:
- Tôi muốn mời một luật sư
Suy nghĩ một lát, ông nói:
- Giới thẩm phán thì có chuyên môn nhưng “Sans caractère politique". Bác sĩ Tuyến đáp: Trong hoàn cảnh này, ông Cố vấn nên chọn người trong giới thẩm phán.
Ông Nhu băn khoăn:
- Khó lắm. ông Sĩ đó cũng là thẩm phán!
Bác sĩ Tuyến trình bày:
- Giới thẩm phán có nhiều người rất khá.
Ông Nhu hỏi:
- Ai đấy? Liệu có làm được gì không hay cũng chỉ như…gagner quelque chose!
Bác sĩ Tuyến đề nghị:
- Phía nguời Bắc tôi thấy có ông toà Nguyễn Văn Lượng. Phía người Nam tôi thấy có ông toà Trần Minh Tiết.
Ông Nhu không ngần ngại chấp nhận để ông toà Trần Minh Tiết giữ Bộ Tư pháp vì ông Tiết có ba ưu điểm: Người Nam, thẩm phán cao cấp và ở tuổi tráng niên.
Vì biết tính ông Diệm nên "chú Nhu” đưa cả Trần Minh Tiết và Nguyễn Xuân Lượng để tuỳ ý ông Diệm lựa chọn. Trước đó ông Nhu đã hết lời khen ngợi nồng nhiệt ông toà Trần Minh Tiết trước Tổng thống Diệm. ông Tổng thống chọn Trần Minh Tiết theo đề nghị của "chú Nhu”. Ông Nhu biết tâm lý ông anh nên đề nghị mà như không đề nghị. Muốn tiến cử ai, ông Nhu thường dùng lời nói khéo léo, gián tiếp khen ngợi nhân vật này. Trường hợp ông Trần Minh Tiết ông Nhu nói đại cương: "Tiết tương đối trẻ, tôi nghĩ giới thẩm phán tín nhiệm ông ta lắm… Tiết làm việc hăng hái…". ông Nhu chỉ cần nói như vậy là coi như ăn chắc. Nhưng nếu ông Nhu đề cử đích danh ai và có tính cách chỉ định thì coi như thất bại, ông Tổng thống sẽ lờ đi luôn. Nhưng sau một đêm thì ông thay đổi ý kiến ngay và gọi ông Nhu vào cho biết ông chọn thẩm phán Nguyễn Văn Lượng. Ông Nhu trở về phòng gọi bác sĩ Tuyến vào cho hay: "Tổng thống nói cái gì cũng công giáo…công giáo". Thẩm phán Trần Minh Tiết có ưu điểm là người Nam điều mà ông Tổng thống lưu ý trước nhất, nhưng ông Tiết lại là tín đồ Thiên Chúa giáo. ông Nguyễn Văn Lượng là một Phật tử, được trao chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Theo Lương Khải Minh, trong 9 năm chế độ Ngô Đình Diệm, mọi sự bổ nhiệm cao cấp đều căn cứ theo hai yếu tố địa phương và tôn giáo vì ông Diệm muốn như vậy. Một trong mấy cộng sự thân tín của ông Tổng thống lại là một Phật tử như trường hợp ông Võ Văn Hải. ông Hải theo ông Diệm từ hồi còn thiếu niên, Bộ, Sở nào mà nhiều viên chức cao cấp người Bắc, ông Tổng thống cũng không chịu hoặc nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo ông cũng không ưng. Cuối cùng Bộ Tham mưu của Nhu đưa ra một giải pháp:
Nếu Bộ trưởng là người Nam thì ông Đổng lý sẽ là người Bắc, ông Tổng Giám đốc sẽ là người Trung. Trên thực tế, giải pháp này rất khó thực hiện vì vấn đề địa phương nếu có kỳ thị thì chỉ linh cảm thấy sự kỳ thị chứ thực ra làm gì có kỳ thị. Trước sau chỉ có mặc cảm và thành kiến địa phương do địa vị, quyền lợi tạo nên mà thôi.Vấn đề tôn giáo cũng vậy. Trong cuộc sống chung giữa cộng đồng dân tộc từ trước đến nay không có vấn đề kỳ thị tôn giáo, song trên phương diện quốc gia nhiều cái vụn vặt và tầm thường lại dễ dàng tạo nên những hiện tượng như là kỳ thị tôn giáo.
Những cuộc rước xách với cờ xí rợp trời của tôn giáo cũng là những lý do vụn vặt từng tạo nên ngộ nhận. Tín đồ Thiên Chúa giáo lại hay tổ chức rước xách như vậy.
Tuy là việc thiêng liêng và phải được chính quyền tôn trọng, nhưng nó cũng dễ dàng tạo nên sự khó chịu của những người không cùng tôn giáo.Mỗi khi có cuộc rước xách đồng bào Thiên Chúa giáo lũ lượt kéo đi và có khi kéo dài cả hàng cây số, giao thông bị tắc nghẽn. cũng dễ dàng gây nên sự khó chịu cho người không cùng tôn giáo.
Linh mục X đến thăm Lương Khải Minh ông Minh phàn nàn:
- Cho đến nay, tôi cũng không hiểu sao mối bất đồng giữa cha Lê Hữu Từ và Linh mục Hoàng Quỳnh lại như vậy… Chính quyền này là một chính quyền chống cộng mà đức cha Lê cũng như cha Quỳnh đều là những chiến sĩ chống cộng.
Linh mục X đáp:
- Thực ra thì có nhiều nguyên nhân. Theo tôi, điều mà làm cho Tổng thống Ngô Đình Diệm giận nhất là dạo cuối năm 1954, cha Hoàng Quỳnh lại uỷ cho Trần Thiện tổ chức một trung đoàn Bắc tiến tại Bình Tây do Bình Xuyên tài trợ.
Lương Khải Minh biết vụ đó và cho rằng, trong tình thế nguy nan lúc ấy, cha Hoàng Quỳnh uỷ cho Trần Thiện làm như vậy chỉ vì cha có ý nếu chính quyền Ngô Đình Diệm bị Pháp lật đổ thì ít ra công giáo di cư còn có lực lượng để tự vệ.
Linh mục X cho biết Linh mục mới vào yết kiến Tổng thống Diệm, Linh mục phàn nàn về việc Tổng thống Diệm có vẻ cấm đoán giáo dân treo cờ giáo hội. Lương Khải Minh cho biết:
- Cách đây không lâu tôi cũng đề cập đến vấn đề này. Nhưng xử ta ở trong một tình trạng chậm tiến thì cái gì nó cũng chậm tiến cả..
Linh mục X nói:
- Cờ giáo hội là cả một sự thiêng liêng, cấm đoán sao được.
Lương Khải Minh đáp:
- Sự thục thì như vậy nhưng trên phương diện quốc gia thì cờ giáo hội Công giáo trước hết là quốc kỳ của Vatican. Tổng thống cũng có lý. Thời gian du học tại Pháp lại không thấy giáo dân Pháp treo cờ Vatican đầy đường như tại Việt Nam.
Linh mục X nói:
- Pháp là một chuyện, Việt Nam là chuyện khác. Trên phương diện bang giao quốc tế thì Vatican đối với Việt Nam là hai quốc gia. Nhưng Vatican tiêu biểu cho cho thần quyền đối với chúng tôi.
Linh mục X băn khoăn:
- Nếu tôi trình việc này với Đức Tống Giám mục Nguyễn Văn Bình thì chỉ tạo thêm sự hiểu lầm giữa Chính phủ với hàng giáo phẩm. Sau vụ bất hoà giữa Tổng thống Diệm và Đức cha Simone Hoà Hiền tôi nghĩ giới Công giáo cũng buồn lòng không ít.
Lương Khải Minh góp lời bàn:
- Cha nên gặp ông bộ trưởng Bùi Văn Lương. Theo tôi, tổng thống nói thì nói thế thôi nhưng mai một là quên ngay. Tôi nghĩ cũng cha nên gợi lại.
Đề cập đến vụ đất tại khu vườn cao su Phú Thọ, Linh mục X nói:
- Hai bên còn đang giằng co, chúng tôi ở giữa bị kẹt. Nhưng khu vườn cao su Phú Thọ trên giấy tờ hợp pháp là tài sản của giáo khu Sài Gòn. Đức cha Nguyễn Văn Bình ngài quá hiền lành nên không quyết liệt đấy thôi. Tại sao Tổng thống lạ ingăn cản không cho giáo khu Sài Gòn được phát triển, chỉnh trang khu vục này mặc dù giáo khu SàI Gòn là sở hữu chủ.
Lương Khải Minh đáp:
- Tôi cũng biết vụ đó. Mới hôm qua, tôi đưa các cháu đi dạo qua khu này. Khu đất rộng bao la. Nhưng Cha nghĩ coi Tổng thống đã quyết định thì không cách nào ngăn nổi. Nhưng đã thấy nhiều gia đình đến chiếm ngụ. Hình như đã có chương trình phân lô.
Linh mục X nói:
- Giả dụ, Giáo khu cứ cho giáo dân đến xây dựng nhà cửa và phát triển, ông nghĩ sao?
Lương Khải Minh đáp:
- Theo tôi ông Nhu chả dám nói với Tổng thống về tôn giáo, chỉ có Phó Tổng thông Thơ có thể nói với Tổng thống thì Tổng thống mới tin. Tôi nhớ từ dạo 1959-1960, Tổng thống đã cho lập chương trình chỉnh trang khu đất này. Chắc là chưa có ngân khoản nên chưa thực hiện.
Nếu Tổng thống làm thế thì gặp phản ứng lớn. Tài sản của Giáo khu Sài Gòn chứ đâu phải của Quốc gia mà Tổng thống cho chỉnh trang sát nhập vào đô thành.
Tổng thống Diệm rất ghét những chuyện “Áp phe xin xỏ". ông là người Quốc gia cực đoan, cho nên cứ cái gì dính với Tây là ông không chịu. Nếu ai hay tổ chức nào dùng áp lực đòi ông giải quyết thì không giải quyết được gì cả. Vụ cờ "Giáo hội Vatican" chỉ một ngày sau là êm rồi không ai nhắc tới nữa.
Nhưng đến ngày Phật đản năm 1963 thì vụ cờ quạt lại nổ tung. Chính quyền ra lệnh cấm treo cờ vào dịp này.
Sáng ngày 5-8-1963 ông Đổng lý Quách Tòng Đức vào phòng Tổng thống để nhận chỉ thị, bỗng dưng Tổng thống Diệm có thái độ giận dữ. ông la mắng vu vơ: 'Đã ra chỉ thị mà không thi hành, quốc gia này còn chi là thể thống". Tổng thống Diệm trong giây phút nóng giận như thế đã chỉ thị cho Đổng lý Đức đánh công điện về thể thức cấm treo cờ tôn giáo. Thực ra không có chuyện cấm treo cờ Phật giáo mà chỉ ấn định lại thể thức treo cờ tôn giáo tại nơi tôn nghiêm. ở nơi tôn nghiêm thì quốc kỳ phải được tôn trọng trên hết. Điều này rất đúng; mặc dầu tôn giáo là thiêng liêng nhưng trong cộng đồng dân tộc với nhiều tôn giáo khác biệt thì quốc gia phải trên hết. Quốc gia đứng trên tập thể. ông Đổng lý vốn là một công chức gương mẫu lại có tính nhẫn nại và bao giờ cũng tuân hành đúng y lời chỉ của Tổng thống nên ngày hôm sau, bức công điện được gởi đi. Trong Phủ Tổng thống không một ai hay kể cả ông Ngô Đình Nhu.
Tại Huế, cố đô của những lăng tẩm chùa chiền, ngày lễ Phật đản mỗi năm đều như đại hoa đăng. Đồng bào Phật giáo ở đây chiếm đại đa số. Huế từ bao nhiêu năm vẫn là một hình ảnh của Thuận Hoá, của Phú Xuân, của tiếng chuông Thiên Mụ và ấp ủ trong chiếc nôi ru bằng từng hồi kinh chùa Báo Quốc, Diệu đế, Từ đàm. Cho nên, lễ Phật đản là một dịp thiêng liêng trọng đại. Trước ngày lễ, từ nhà đến chùa chiền đã tấp nập và cờ xí rợp trời. Phật kỳ tung bay nơi nơi. Mọi năm vẫn như thế.
Bỗng dưng chỉ vì một cái công điện, Huế bắt đầu đổi thay và chuyển mình. Ngọn lửa nào đó gặp cơn gió lớn bắt đầu bốc cao.
HẬU QUẢ
Vụ cấm treo cờ Phật giáo chỉ là nguyên nhân gần tạo nên cuộc biến động 1963. Giả thử không có vụ Phật giáo thì cũng có một vụ khác. Tuy nhiên vụ Phật giáo lại trầm trọng quá và hậu quả của nó thực ghê gớm và kéo dài mãi mãi đến sau này.Về vụ Phật giáo nếu xét theo khía cạnh chính trị thì chính quyền Ngô Đình Diệm đã mắc phải một lỗi lầm lớn. Nếu cắt nghĩa theo sự an bài của định mệnh (nếu cho là có định mệnh thì vụ Phật giáo quả là một "định mệnh" đối với Tổng thống và chế độ Ngô Đình Diệm.
Ngay khi được hình thành chế độ Ngô Đình Diệm đã có sẵn cái mầm của sự tan rã…chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung vào ngày 1-11-1963 nhưng nó đã có khởi điểm của sự cáo chung ấy từ nhiều năm trước.
CÁ NHÂN VÀ TẬP THỂ
Nhiều người ngộ nhận rằng, Thiên Chúa giáo luôn luôn đứng đằng sau lưng “Ngô Tổng thống " và một lòng hỗ trợ chính quyền Ngô Đình Diệm. Điều này không đúng. Nếu có thì chỉ có những cá nhân theo Thiên Chúa giáo hết lòng với chế độ Ngô Đình Diệm.
Vụ "Chủng viện" năm 1958-1959 là một thí dụ.Vụ Chủng viện được coi như hành động của chánh quyền Ngô Đình Diệm nhằm hạn chế tự do của hệ thống giáo dục Công giáo. Tổng thống Diệm đã từng sống trong tu viện và hiểu rõ hệ thống giáo dục trong tu viện quan trọng như thế nào đối với Giáo hội Thiên Chúa giáo.
Tại quốc gia phương Tây, hệ thống tư thục cũng như các Chủng viện đều được hưởng một quy chế tự do trên tinh thần tôn trọng tôn giáo, song vẫn được phép phát triển theo từng sắc thái và khuynh hướng riêng.
Thế nhưng Tổng thống Diệm tuy là một tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng ông lại làm trái tinh thần ấy và với quy chế tư thục, ông Tổng thống đã "thế tục hoá" hệ thống giáo dục Chủng viện và hạ thấp giá trị của các Chủng viện bằng cách xếp Chủng viện ngang hàng với trường tư. Hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo Việt Nam coi đây là một sự cưỡng chế tự do trong ngành giáo dục của Thiên Chúa giáo.
Các Linh mục thuộc nhiều địa phận đồng loạt đứng lên phản đối. Sự thực, nếu không bị kẹt vì đức cha Ngô Đình Thục và nhất là Đức Khâm sứ toà thánh lúc bấy giờ hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo không dễ gì để chính quyền Ngô Đình Diệm quyết định một cách cứng rắn như vậy. Đức Khâm sứ toà thánh trực tiếp can thiệp nhưng trước sau Tổng thống Diệm vẫn không thay đổi lập trường.
Mọi sự dàn xếp bên trong cũng không đi đến đâu. Một số Linh mục xin vào yết kiến và trình bày nguyện vọng, Tổng thống nghe rồi nói ngắn ngủi: "Giáo hội ở trong quốc gia chứ không phải quốc gia ở trong Giáo hội".
Linh mục Joseph: “Xin Tổng thống cứu xét lại Các Chủng viện không thể nào đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của một Giám đốc Nha tư thục".
Tổng thống Diệm nhìn ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục rồi mắng vu vơ: “Anh không hiểu gì luật lệ cả Anh phải chỉ vẽ cho người ta. Anh cứ ngậm miệng hoài".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục tự nhiên bị lôi vào vòng chiến và bị mắng oan trước mấy vị Linh mục. Đó cũng là cách mà Tổng thống Diệm thường hay xử dụng để biểu lộ thái độ tức giận. Nói đúng ra thì ông đã mắng xéo các vị Linh mục đang hiện diện trước mặt.
Trước khi vào yết kiến Tổng thống Diệm thì Linh mục nào cũng mạnh miệng. Một Linh mục hăng hái nhất nói: "Tôi sẽ nói thẳng cho Tổng thống rõ - Tôi sẽ nói hết không nể nang gì cả". Tuy nhiên, khi gặp Tổng thống Diệm, các Linh mục mỗi người chỉ nói vài ba câu rồi im lặng, nghe Tổng thống Diệm thuyết giảng.
Kết quả, Tổng thống Diệm không nhượng bộ. Giáo hội Thiên Chúa giáo đành chịu vậy nhưng trong lòng vẫn hậm hực. Vụ Chủng viện đến tai Toà thánh Vatican. Tuy Toà thánh không có một phản ứng nào (vì đường lối ngoại giao đối với Chính phủ Ngô Đình Diệm) nhưng có lẽ do vụ chủng viện vào năm 1960, khi mà đức cha Ngô Đình Thục qua La Mã xin triều kiến Đức Giáo Hoàng, đức cha đã phải chờ đợi cả nửa tháng mới được vào triều kiến. Kể từ vụ Chủng viện, mối bang giao giữa Toà thánh Vatican và chính quyền Ngô Đình Diệm trở nên lạnh nhạt, bên ngoài không mấy ai rõ.
Trong khi đó Tổng thống Ngô Đình Diệm lại cho rằng Toà thánh Vatican không ủng hộ chính quyền của ông một cách cụ thể.
Kể từ năm 1956 khi đã thành lập nền Đệ Nhất Cộng hoà, Tổng thống Diệm ngỏ ý muốn thiết lập bang giao với Vatican trên cấp bậc Đại sứ (Nonce). Tin đưa đi đưa lại và dàn xếp cả mấy năm vẫn không đạt được kết quả mong muốn.
Ông Ngô Đình Nhu đã hiểu rõ được thế lực của Vatican trên thực tế. Ngoài Anh, Pháp Mỹ thì Vatican cũng là một "Voix"([i]) trong thế lực quốc tế.Nếu được Vatican ủng hộ công khai thì chế độ miền Nam vừa có bề thế vừa tạo được một số yếu tố quan trọng để áp đảo miền Bắc trên mặt trận ngoại giao.
Cuộc dàn xếp đã âm thầm diễn ra trong 7, 8 năm. Bác sĩ Tuyến cũng như Đại sứ Nguyễn Dương Đôn (tại Ý) Đức Khâm sứ Brini, Ngoại trưởng Việt nam Cộng hoà, ông Ngô Đình Nhu đều là những người đóng vai trò tích cực trong cuộc thảo luận để thiết lập bang giao với Vatican qua một đường hướng mới. Ta có thể mô tả cuộc dàn xếp đó theo một hình thức đối thoại như sau:
- Tổng thống Diệm: Việt Nam Cộng hòa đã thu hồi độc lập. Miền Nam là một lãnh thổ có chủ quyền, là một quốc gia muốn nối liên lạc với Vatican trên cấp bậc Đại sứ.
- Toà thánh Vatican: Vatican biết rõ như vậy. Trên phương diện tinh thần, Vatican ủng hộ Việt Nam Cộng hoà và cư xử với Chính phủ như một quốc gia độc lập. Nhưng trên thực tế Việt Nam còn bị chia cắt Miền Bắc do cộng sản nắm chính quyền, trên thực tế họ vẫn là đại diện có thẩm quyền của một nửa lãnh thổ Việt Nam và ở đó, Giáo hội vẫn có trách nhiệm với giáo dân. Hàng Giáo phẩm Miền Bắc vẫn thuộc quyền cai trị của Đức Giáo Hoàng.
Và Toà thánh Vatican còn dè dặt chưa thể dứt khoát, nhiều người thường lầm tưởng Khâm sứ Toà thánh tại Việt Nam tương đương với một Đại sứ và như vậy Toà thánh đã công nhận và thiết lập quan hệ bang giao với miền Nam Việt Nam. Sự thực vị Khâm sứ chỉ là vị đại diện có tính cách tôn giáo (Délégué Apostohque). Khâm sứ Toà thánh tuy đi xe mang số dành cho ngoại giao đoàn và được hưởng quy chế ngoại giao thì đó chỉ là trường hợp đặc cách.
Cấp bậc của vị Khâm sứ chỉ được xếp ngang hàng với một Tổng lãnh sự. Từ khi tuyên cáo thành lập chế độ Cộng hoà, Tổng thống Diệm rất mong mỏi được Vatican "chiếu cố" nâng hàng Khâm sứ lên hàng Đại sứ.
Vatican vẫn hờ hững. ông Ngô Đình Nhu đưa ra một điều kiện trong trường hợp Vatican chấp nhận đặt Đại sứ tại Sài Gòn. Điều kiện ông Nhu muốn Toà thánh chấp nhận lại quá tế nhị, nhưng thực tại miền Nam phải nêu như vậy: Tổng thống là một tín đồ Thiên Chúa giáo. Mà Thiên Chúa giáo chỉ có gần 2 triệu người trong tổng số 14 triệu dân miền Nam Việt Nam. Nếu Toà thánh đặt Sứ thần tại Sài Gòn thì vị Sứ thần đó có nên từ chối chức vị Niên trưởng ngoại giao đoàn không".
Toà thánh vẫn im lặng. Nhưng ông Nhu và Bộ tham mưu của ông lại băn khoăn: Trường hợp Vatican chấp thuận đặt Đại sứ tại Sài Gòn, lợi thì có lợi nhưng lại gặp một số tiểu tiết rất tế nhị theo truyền thông ngoại giao.
Vị Đại sứ Toà thánh đương nhiên trở thành Niên trưởng Ngoại giao đoàn (một chức vị danh dự nếu không có Đại sứ nào ở miền Nam Việt Nam lâu năm nhất so với các Đại sứ khác). Như vậy sẽ không thuận lợi đối với tâm lý quần chúng nhất là quần chúng chiếm 85% không Thiên Chúa giáo (Cao Đài, Hoà Hảo, Ba hai, Phật giáo, Khổng giáo…) Vì rằng, nếu là Niên trưởng Ngoại giao đoàn thì vị Đại sứ Toà thánh phải xuất hiện hàng đầu trong các cuộc lễ nghi chính thức và chính ông sẽ đại diện đoàn Ngoại giao chúc mừng Tổng thống theo truyền thống Ngoại giao quốc tế, hoặc can thiệp đến quyền lợi của Ngoại giao đoàn. Đây quả là một vấn đề nan giải.
Cuối cùng theo ý ông Nhu thì cứ tạm thời duy trì như cũ, nghĩa là giữ nguyên cấp bậc Khâm sứ Mặt khác, Đại sứ Việt Nam Cộng hoà tại Ý sẽ linh động giao thiệp hẳn với Vatican theo mức quan hệ bình thường.
Như trên đã viết, Tổng thống Diệm là một nhà quốc gia cực đoan. Trong đời sống cá nhân của ông thì tôn giáo là thiêng liêng nhất nhưng trong đời sống quốc gia nhiều khi địa vị tôn giáo đã trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên nhiều chuyện vặt vãnh rất không đáng nói lại trở nên những yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý, quần chúng có mặc cảm rằng Tổng thống Diệm đã "Công giáo hoá " quốc gia Việt Nam Cộng hoà. Chẳng hạn sau mỗi bài diễn văn hay thông điệp Tổng thống Diệm bao giờ cũng kết luận: “Xin ơn trên phù hộ cho chúng ta " Sự thực đó là thành ý của ông và ông muốn chứng tỏ ông chống lại chủ nghĩa vô thần và tin nơi Thượng đế. Nhưng đồng bào không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo lại cảm thấy khó chịu mặc dầu chữ phù hộ là một chữ quen dùng trong các lời khấn vái và văn sử cúng tế ông bà.
Trên thực tế thì ông Diệm luôn luôn tỏ ra khó tính đối với Thiên Chúa giáo và nhất là những cha cố “cầu cạnh". Với mặc cảm thượng tôn uy quyền quốc gia, Tổng thống Diệm qua nhiều trường hợp đã tỏ ra quá coi thường trong cách xử sự với hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo.
Theo giới thân cận, vào khoảng tháng 3-196l một vị Linh mục thừa phái từ Ban Mê Thuột về Sài Gòn và xin gặp Tổng thống Diệm. Sĩ quan tuỳ viên vào trình:
"Thưa, có cha P xin vào hầu Tổng thống". Tổng thống Diệm hỏi: "Còn có những ai ngoài đó". Sĩ quan tuỳ viên kể thêm một số nhân vật quan trọng ngồi chờ ngoài phòng khách để được vào tiếp kiến. Khi nhắc đến Thiếu tá Nguyễn Văn Minh,Tỉnh trưởng An Giang, ông Tổng thống nói "Gọi nó vô". Ông Tổng thống tiếp 3 người khoảng chừng 2 giờ sau đó mới bảo sĩ quan tuỳ viên: 'Mời ông cha vô". Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi không đầy nửa giờ. Sau đó, thấy ông Tổng thống giận dữ mặt hầm hầm.
Sau này Linh mục P tiết lộ: Linh mục đã trình bày thẳng thắn với Tổng thống về một số Linh mục miền Nam Việt Nam có những lạm dụng quá đáng về việc khai thác rừng lấy gỗ bán và làm cho thường dân rất bất mãn, nhất là đồng bào Thượng.
Một tuần sau, bất thần Tổng thống Diệm đi kinh lý Cao nguyên. Sau đó có những chỉ thị rất nghiêm ngặt về việc khai thác rừng.
Lần ấy ông nổi giận mắng Đại tá Lê Quang Trọng Tư lệnh sư đoàn 23 “Mi làm Tư lệnh trông coi lãnh thổ mà mi không biết chi hết”. Ông Tổng thống ra lệnh: “Bất kỳ ai phá rừng chặt cây mi bắt bỏ tù cho ta". Ông nhắc đi nhắc lại trong cơn tức giận “Bắt bỏ tù, bất kỳ ai".
Từ đó Tổng thống lại càng có mặc cảm đối với một số cha hay có tính "lo toan chạy chọt".
Tuy vậy tại các địa phương cũng như các cấp chỉ huy vì hèn cũng có, vì nhu nhược cũng có, vì quá sợ thượng cấp cũng có cho nên đã xúm nhau bợ đỡ các vị Linh mục tất nhiên là một thiểu số.Họ ngán “các cha cố" vì cho rằng. các cha cố có ảnh hưởng rất nhiều tới Tổng thống và nói gì Tổng thống nghe nấy. Do vậy, cứ áo dài đen vào cửa công nào thì công việc đều sẽ qua trôi chảy.Trong sự lạm dụng về những vụ lặt vặt như xin giấy tờ, xin môn bài cho đạo hữu, xin hợp thức hoá đất đai v.v.. Những "áp phe"([ii]) vặt vãnh đó đã gây nên nhiều chuyện ngộ nhận.
Song thực tế giới thân cận nhất tại dinhTổng thống đều xác nhận rằng Tổng thống Diệm (khác với ông Nhu và ông Cẩn) ông đều luôn hết lòng, cung kính hàng giáo phẩm. Nhưng ngoài Đức cha Ngô Đình Thục thì chẳng một ai có thể lay chuyển được ông Tổng thống… Nhiều Linh mục được ông hỏi ý kiến nhưng hỏi để mà hỏi thế thôi.
Linh mục Hồ Văn Vui được coi là một tu sĩ có nhiều uy tín trong giới Thiên Chúa giáo tại miền Nam. Dạo năm 1958, Linh mục Vui đã nhiều lần công khai phê phán chế độ và trong một bài thuyết giảng tại nhà thờ Đức Bà, Linh mục Hồ Văn Vui đã lên tiếng phê bình Chính phủ một cách vô tư thẳng thắn. Khi nghe được tin Linh mục công kích Chính phủ, Tổng thống Diệm tỏ vẻ tức giận:
Nhà thờ là nơi tôn nghiêm tại sao lại đưa chính trị vào vô đó mà công kích Chính phủ.
Ông Nhu cũng tỏ vẻ tức giận nói với bác sĩ Trần Kim Tuyến: Tại sao Đức cha Simone Hoà Hiền lại để cho Cha Vui nói lôi thôi như vậy, việc nhà thờ tại sao lại đem chuyện nhà nước xía vô. Giận Linh mục Vui thì ít, nhưng không bằng lòng đức cha Hoà Hiền thì nhiều.
Lời nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng. Tổng thống Diệm lại bị mấy ông Dân biểu và Bộ trưởng "xàm tấu” rằng: "Cha Vui công kích Tổng thống thế này, kết án Chính phủ thế kia”. Do đó càng tạo nên hố sâu ngăn cách cho nên thay vì tìm gặp Linh mục để tỏ rõ sự tình, ông Ngô Đình Diệm với uy quyền của một Quốc trưởng không gặp linh mục và cũng không công khai bày tỏ thái độ nào với địa phận Sài Gòn. Mặt khác ông lại bảo ông Chủ tịch Quốc hội và vài ông Dân biểu (là những giáo dân thuộc địa phận Sài Gòn) tìm cách khác để đức cha Simone Hoà Hiền thuyên chuyển Linh mục Vui đi một nơi khác.
Qua vụ cha Của và cha Vui, giáo dân miền Nam tuy ngoài mặt vẫn vui vẻ với chính quyền nhưng thâm tâm đa số có mặc cảm rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đã xử ức họ và coi thường giới công giáo Việt Nam.
Riêng vụ cha Của thì lỗi cũng không phải do nơi cha mà quy hoàn toàn trách nhiệm cho Tổng thống Diệm cũng là oan. Số là sau khi quân đội Viễn chinh Pháp rút lui một vài sĩ quan người Pháp đã bán rẻ cho cha Của mấy chiếc xe thuộc loại phế thải. Sau Nha Công an Nam Việt do Trung tá Trần Bá Thành là Giám đốc đã làm nổ tung vụ này. Sự việc xảy ra mấy hôm sau mới đến tai Tổng thống Diệm. Nhưng ông lại không can gián và cứ để mặc đấy cho toà xử để làm gương, nếu xét thấy có tội…Vụ này Trung tá Thành muốn chứng tỏ tinh thần vô tư và cứng rắn của Công an và ông đặt Tổng thống Diệm trước một việc đã rồi.
Việc xét xử cha Của tuy tình ngay nhưng lý gian, đã gây nên mâu thuẫn trầm trọng giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và giáo dân thuộc Địa phận Sài Gòn.
Lúc ấy dư luận xầm xì rằng, nếu cha Của thuộc đia phận Vĩnh Long của đức cha Ngô Đình Thục thì cho dù, có phạm pháp thực cũng không sao. Dư luận lại xầm xì rằng: Cha Của là con tốt thí vì sự bất hoà giữa đức cha Simone Hoà Hiền và gia đình Tổng thống Diệm.
Từ đó sự liên lạc giữa Địa phận Sài Gòn và gia đình Tổng thống Diệm càng trở nên lạnh nhạt xa cách. Cuối cùng đức cha Simone Hoà Hiền lên trọng nhậm Địa phận Đà Lạt cũng là một cách tế nhị của Giáo hội Thiên Chúa giáo muốn tìm lại không khí tốt đẹp giữa chính quyền Ngô ĐìnhDiệm với địa phận Sài Gòn qua một con người trung dung hiền dịu là đức cha Nguyễn Văn Bình.
CHÙM MÂU THUẪN VÀ NGỘ NHẬN
Năm 1961, 1962, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ngồi trên một nồi "Súp de" sôi bỏng đầy mâu thuẫn: Mâu thuẫn giữa chính quyền với các “khối quần chúng", mâu thuẫn giữa chính quyền với quần chúng trong hệ thống ấp chiến lược của chính quyền, mâu thuẫn ngấm ngầm giữa chính quyền và các tôn giáo trong đó có cả Thiên Chúa giáo. Mâu thuẫn và nứt rạn phân hoá ngay trong giới thân cận của Tổng thống Diệm, mâu thuẫn giữa ông Nhu với ông Cẩn, mâu thuẫn giữa ông Cẩn với đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục. Rồi còn bao nhiêu những "mâu thuẫn" ở ngay trong hàng ngũ thượng tầng của chế độ. Cái chùm mâu thuẫn này không phải là mâu thuẫn về chính kiến mà lại mâu thuẫn do những cá tính dị biệt cùng thành kiến và ngộ nhận. Người có quyền thế nếu có thành kiến với ông A và ông A là Phật giáo, rồi ông A bị thất sủng thì y như rằng thành kiến cá nhân trở thành kỳ thị tôn giáo. Rồi ông Bộ trưởng người Nam có thành kiến và ngộ nhận về ông C do đó ông C bị thất sủng, ông C là người Bắc thì y như rằng thành kiến và ngộ nhận trở thành kỳ thị Nam-Bắc… Chúng tôi nêu ra hai trường hợp sau đây để có thể thẩm định ông Diệm có kỳ thị tôn giáo không? Đó là trường hợp ông Võ Văn Hải, Chánh Văn phòng đặc biệt của Tổng thống và ông Nguyễn Đình Thuần. Ông Hải là người thân cận của Tổng thống Diệm và như ruột thịt của ôngDiệm khi ông Diệm chưa chấp chánh. Có thể nói, hai người đó một già, một trẻ keo sơn với nhau như định mệnh đã an bài, và không thể rời bỏ nhau được. Nếu đòi hỏi điều kiện khoa bảng thì ông Hải là một nhà khoa bảng. Ông Hải lại là người cần cù biết việc, có đủ lòng tin cẩn của Diệm. Nhưng trong suốt 9 năm ông Hải phải đóng vai trò của một người bị "ông Diệm sáng cằn nhằn, chiều la lối". Song ông Hải trước sau vẫn chỉ là một Chánh Văn phòng bù đầu suốt tháng năm và ông đã không hề được chế độ đặt ông ở một vị trí khác (người nào ở trong trường hợp ông Hải mà chẳng mơ ước có thể thi thố được tài năng). Ông Hải lại kỵ ông Nhu.
Phải công nhận rằng, ông Hải tuy thân thiết với Diệm nhưng ông giữ được sự khí khái và lại xa cách ông Nhu. Đó cũng là lý do ông Hải là một Phật tử thuần thành, sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo…nhưng không phải vì lý do tôn giáo khác biệt mà ông Hải không được làm việc trong bộ này hay bộ khác…ông Diệm coi ông quá thân thiết và chức vụ Chánh Văn phòng chính là phần trái tim ông Diệm trao cho ông ấp ủ khiến ông Hải phục vụ hết mình, nhưng bổng lộc của chế độ thì lại do những ai "nhanh chân lẹ miệng thụ hưởng".
Trong chế độ có rất nhiều người ở vào trường hợp ông Hải…nhưng lại được ông Diệm tin yêu, tín nhiệm như ruột thịt. Vấn đề tôn giáo ông không quan tâm vì nếu quan tâm thì hẳn nhiên ông Hải không được tin dùng…Tuy có điều, ai được ông Diệm coi như tâm huyết thì nhiều khi lại có cảm tưởng bị thất sủng, bỏ rơi. Đồng thời có một số người khác "may tay" lại lên như diều gặp gió. Đó là trường hợp ông Nguyễn Đình Thuần. Ai cũng biết, ông Thuần là "đàn em" của ông Trần Trung Dung, và đã làm báo cho ông Dung từ ngày còn ở Hà Nội. Ông Dung được coi như một bạn bè thân thiết của Ngô Đình Nhu. Ông thuộc gia đình công giáo đại gốc.
Khi ông Dung là Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng thì cất nhắc đàn em là Nguyễn Đình Thuần lên Đổng lý Văn phòng. Ông Dung tuy là thân cận của ông Nhu và cũng là hàng con cháu trong gia đình nhưng đến năm 1960 thì ông Dung rời bỏ Bộ Quốc phòng (18-10-1960) và ông Thuần được cử thay thế. Dạo ấy có dư luận cho rằng ông Dung bị ông Thuần "đá" và tranh chức Bộ trưởng. Sự thực không đúng như vậy.
Tuy tin cẩn ông Dung nhưng ông Diệm lại không "chịu" cách thức làm việc của ông. Ông Diệm vẫn thường cằn nhằn "Ông ta làm Bộ trưởng Quốc phòng mà không hiểu công việc gì cả. Khi hỏi đến chỉ nói những vấn đề đâu đâu”. Ông Dung tuy xuất thân từ một Tri huyện nhưng có lẽ cái "chất Tri huyện" chưa thấm sâu vào mạch máu ông cho nên ông không có cái cần cù mẫn cán của một người ngồi viết công văn, đọc báo cáo và ghi nhớ hồ sơ, cho nên khi ông Diệm hỏi đến các công việc gì ở Bộ Quốc phòng thì ông Dung chỉ tường trình một cách tổng quát.
Tổng thống Diệm không chịu như vậy, cho nên ông phải gọi thẳng ông Đổng lý. Ông Đổng lý Thuần vốn là người thông minh, sắp đặt công việc có hệ thống tuy bị ghi nhận là quá lanh chân, lẹ miệng. Có lẽ nhờ vậy, mỗi khi ông Diệm hỏi đến công việc ông đã trả lời rất vừa ý ông Diệm. Hồ sơ này thế này, hồ sơ này thế kia…Mà thực ra trên phương diện tổng quát, ông Thuần lại thiếu khả năng của một Bộ trưởng Quốc phòng vào thời chiến. Thế nhưng ưu điểm của ông là "Tổng thống gọi thì thưa ngay, hỏi hồ sơ nào thì có liền".
Do đó, thay vì tìm sự công tác trên bình diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng ở nơi ông Trần Trung Dung, thì ông Diệm lại chỉ sai phái và hỏi han ông Đổng lý. Khi ông Dung vào làm việc với Tổng thống thì chỉ muốn mau chóng trình bày một cách tổng quát rồi tuỳ nghi thi hành, ông Thuần thì trái lại sẵn sàng có thể ngồi đến bao giờ cũng được để nghe lời " dạy". Vốn là người cô đơn khắc kỷ và ưa được dài lời chuyện trò lan man qua công việc Tổng thống Diệm đã tìm được một người vừa ý như ông Thuần luôn luôn biết lắng nghe và làm rất vừa ý. Ngày này qua tháng khác và luôn chứng tỏ tài mẫn cán, ông Thuần trở thành người Tổng thống Diệm coi là giới “biết việc". Khi luật sư Nguyễn Hữu Châu rời bỏ chức vụ Bộ trưởng Phủ Tổng thống, ông Diệm chưa biết tìm ai thay. Ông Nhu biết ý ông anh nên để tuỳ ý ông anh "để ông muốn tìm ai thì tìm”, ông Nhu cũng không đoán nổi ông anh sẽ chọn ai. Có điều là cho đến phút chót khi Tổng thống Diệm quyết định chọn ông Thuần làm Bộ trưởng Phủ Tổng thống, thì chính ông Nhu vẫn tưởng ông Thuần sẽ được ông Diệm bổ nhậm là Đặc sứ tại Tunisie. Ngay ông Thuần cũng không hay biết. Khi Lương Khải Minh gọi điện thoại báo cho ông Thuần hay: “Moa có lời mừng cho toa". Ông Thuần ngạc nhiên: “Thưa anh có chuyện gì vậy?" "Toa được cử làm Bộ trưởng Phủ Tổng thống”. Cho đến lúc ấy ông Thuần mới biết là mình đã được ông Diệm tín nhiệm ở chức vụ quan trọng như vậy.
Ông Thuần trở thành Bộ trưởng Phủ Tổng thống sau này kiêm nhiệm Bộ trưởng phụ tá quốc phòng (thay thế ông Trần Trung Dung) rồi lại được tạm giữ chức Bộ trưởng phối hợp An ninh (Chính phủ cải tổ ngày 28-5-1961). Giới thân cận phủ Tổng thống cho rằng: ông Thuần là người biết "chiều ý" Tổng thống đến tuyệt mức.
Cái sự lên như diều gặp gió của ông Thuần cũng như sự "dẫm chân một chỗ" của bao nhiêu người khác đã tạo nên mầm bất mãn tuy không ai nói ra, và cái mầm bất mãn "trong nhà" đã không bùng nổ vì còn một Tổng thống Diệm. Vì thế những mâu thuẫn không tạo nên sức ép và những tia điện.
Trong cuộc tiếp xúc và tâm tình với các "nhân chứng " thân cận Tổng thống Diệm, chúng tôi thấy rằng phần lớn những cộng sự viên thân tín của ông đều là Phật giáo. Điển hình là ông Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, bác sĩ Bùi Kiện Tín, ông Võ Văn Hải, Đại tá Đỗ Mậu cũng như Trung tá Cao Văn Viên. Các Tư lệnh lữ đoàn Liên biệt phòng vệ phủ Tổng thống như Đại tá Hoàng Văn Lạc, Trung tá Lê Ngọc Triển đều là Phật giáo ngoại trừ Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, vị Tư lệnh cuối cùng của Lữ đoàn này là tín đồ Thiên Chúa giáo. Vì ông Tổng thống mặc cảm với Thiên Chúa giáo nên nhiều viên chức Công giáo ở trung ương đã không được Tổng thống Diệm cất nhắc nên chức vụ quan trọng…Tư lệnh các binh chủng như lữ đoàn nhảy dù, Lữ đoàn Thuỷ quân lục chiến trước sau từ Đại tá Đỗ Cao Trí, Nguyễn Chánh Thi đến Cao Văn Viên và Trung tá Lê Nguyên Khanh đều là Phật giáo…Vậy thì Tổng thống Diệm có kỳ thị Phật giáo hay không, sử gia sau này sẽ phán đoán công minh. Điều rõ rệt là Tổng thống Diệm quá nhiều mặc cảm và thành kiến sâu nặng đối với một số chánh khách thuộc Đảng Đại Việt gồm quan lại đã từng tham chánh dưới thời Thủ tướng Trần Văn Hữu và Nguyễn Văn Tâm…
Chú thích
[i] Tiếng nói quan trọng
[ii] vụ buôn bán làm ăn