Những cơn bão biển.

Theo lời mời của một người bạn thân, tôi đến thành phố biển Nha Trang để thăm vợ chồng anh ta và tìm cảm hứng cho những bản phác thảo màu dự tính vẽ về vùng biển tuyệt đẹp này. Để làm bất ngờ người bạn thân ở đó, tôi đã không báo trước. Nhưng thật xúi quẩy khi nhìn thấy tờ giấy dán trước căn nhà khóa kín mít của anh ta. Vợ chồng người bạn tôi đã vào Sài Gòn để...thăm tôi.
Thế là đành phải thuê một phòng ở khách sạn để tá túc cho vài ngày ở đây. Sắp xếp đồ đạc xong, tôi vội vàng đem bộ đồ vẽ của mình ra bãi biển. Lần này tôi quyết tâm thể hiện bằng được qua khung vẽ của mình cái hồn của biễn, cái tĩnh lặng êm đềm của con sóng biển dập dờn, cái thanh thoát của bầu trời cao trong xanh... Nhưng rồi tôi lại gặp xúi quẩy một lần nữa.
Khi tôi đã cắm cọc cho khung tranh xong và cầm bảng phối màu lên để bắt đầu những nét phác thảo màu xanh dương đầu tiên cho bức tranh thì bỗng chốc biển trở nên xám xịt. Những gợn sóng nhấp nhô êm đềm mà tôi dự định đưa vào tranh đã trở thành những con sóng cao ngất chen chúc nhau đổ xô vào bờ. Gió thổi mỗi lúc một mạnh làm tấm bảng vẽ của tôi muốn tung bay đi mất. Cố gắng một cách tuyệt vọng, tôi vừa giữ lấy mớ đồ nghề vừa ghì chặt tấm bảng vẽ xuống cát....
  Nhưng có một bàn tay mạnh mẽ đã đưa ra giúp tôi, giữ chặt lấy mấy cái cọc cắm xuống đất. Đó là một người đàn ông trung niên, dáng vẻ khắc khổ với hàm râu để dài bay phất phơ trước gió. Anh ta nhanh chóng cuốn gọn cuộn tranh chưa vẽ của tôi lại và chỉ cho tôi nhìn thấy một ngôi nhà cách đấy không xa, một ngôi nhà nhỏ nằm chơ vơ trên bãi biển vắng ngắt và nói lớn trong cơn gió thổi vù vù:
- Kia là nhà của tôi. Nếu anh muốn tránh mưa thì mau lên, chúng ta sẽ kịp đến đó trước khi cơn giông đổ xuống. Cơn giông sẽ lớn lắm vì đây là mùa bão nghịch.
Tôi gật đầu đồng ý liền. Nhưng tôi ngạc nhiên khi thấy anh ta cũng cúi xuống lấy đồ vẽ của anh đang để nằm trên cát.
- Anh cũng là họa sĩ? Tôi hỏi.
- Nghiệp dư thôi. Anh ta trả lời miễn cưỡng. Thỉnh thỏang tôi có vẽ khi có hứng như lúc này chẳng hạn...
Chúng tôi vội vàng khiêng các bộ giá vẽ vào nhà. Đó là một căn nhà nhỏ nhìn ra biển. Nó đã cũ nên có thể thấy tiếng gió thổi làm rung rinh các tấm ván sàn nhà. Như đọc được lo ngại của tôi, người đàn ông đó lên tiếng:
- Đừng lo. Căn nhà được làm bằng gỗ rất tốt và có thể chịu được những cơn bão mạnh nhất.
Chúng tôi bước vào căn nhà sặc mùi ẩm mốc, mùi hắc của thuốc vẽ và mùi ngái của bụi bẩn. Có rất nhiều tranh treo kín mít quanh tường, hoặc chồng chất lên nhau ở dưới đất. Người đàn ông kia ngượng ngùng khóat tay một vòng quanh những bức tranh đó và nói với tôi:
- Tôi chỉ có hứng vẽ vào những khi biển động và cũng chỉ vẽ về những cơn bão lúc đó. Đây là tất cả những tác phẩm về biển của tôi. Anh xem qua đi...
Hoàn cảnh của tôi lúc đó thật khó nói. Người đàn ông xa lạ kia đã cho tôi tạm ẩn vào nhà anh ta trong lúc biển đang động mạnh. Mưa quất rầm rầm, gió gào thét hung tợn ở bên ngoài trong khi tôi đang được an toàn ở trong này. Thế nhưng trong lòng tôi vẫn nổi cơn dậy sóng khi nhìn những cái gọi là tác phẩm hội họa của anh ta.......
Đó không phải là những tác phẩm hội hoạ, xét theo nghĩa thông thường. Đó là sự bôi bác nghệ thuật của một tay mơ. Những bức hoạ lem nhem, được bôi phết dày đặc màu dâàu tối thẫm. Đúng là anh ta chỉ vẽ về biển, những cơn sóng biển tối đen, hoặc u ám như biển dưới địa ngục vậy.
Trong khi chờ đợi cho cơn bão bên ngoài ngớt bớt, anh ta xin phép được tiếp tục cái công việc ưa thích của anh ta, đó là vẽ về cơn bão biển. Dĩ nhiên là tôi đồng ý và ngay sau đó tôi đã phải  hối hận liền.
- Tôi không dám múa rìu qua mắt thợ. Người đàn ông mỉm cười hiền hậu nói. Nhưng tôi mong anh góp ý đôi chút về tính nghệ thuật của bức tranh, nếu anh không phiền.
Tôi không phiền, nhưng tôi muốn nổi điên lên khi nhìn anh ta hành hạ cái gọi là tác phẩm của mình. Như một kẻ lên đồng, anh ta hùng hục cày xới tấm vải toan bằng những đường cọ cứng quèo, nguệch ngọac. Anh ta hì hục trét sơn dầu lên tranh như một tay thợ sơn trét bùn lên tường....Chưa hết, trong khi hùng hục bôi trét, anh ta còn thao thao bất tuyệt về cái nghệ thuật kinh khủng đó của anh ta. Tiếng anh ta nói thật lớn, vang lên giữa tiếng gào rú của cơn cuồng phong đang cuồn cuộn bên ngòai.
- Cái chết là một trong những điều đáng sợ nhất của con người, thì cái đáng sợ nhất của biển chính là những cơn bão biển.
Anh ta vừa nói vừa liên tiếp trét màu lên khung vải đã loang lổ màu, lần này thì giống như người ta trét bơ lên bánh mì vậy. Những lát bơ xám xịt, chồng chất lên nhau....
- Và đây chính là Nó. Những cơn sóng biển....
Anh ta hài lòng nói, mắt long lanh nhìn ngắm tác phẩm của mình. Nhưng nhìn thấy thái độ của tôi, anh ta vội vàng nói thêm:
- Tất nhiên tôi đang nói về những cơn sóng biển của riêng mình, những cơn sóng dậy trong lòng của mình mà thôi.  Ý anh thấy thế nào?
- À, nếu sóng biển lớn như thế thì nó sẽ trào ra khỏi bức tranh và giết hết tất cả đấy. Tôi cố nén giận nói mát anh ta một câu.
- Ôh, đúng vậy đó. Thì chính tôi muốn thể hiện điều đó mà. Người đàn ông kia reo lên. Anh ta không để ý hay không hiểu câu nói móc của tôi mà vội vàng giải thích tiếp, mắt long lanh: Tôi muốn vẽ những cơn sóng biển thật lớn, lớn hơn bình thường để người  xem hiểu được sự vĩ đại, sự lớn lao và sự tàn phá của một cơn sóng biển là như thế nào. Tôi muốn thể hiện nó như là một sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên, tôi muốn nó sẽ dữ dội và khắc nghiệt như thế nào nếu nó gieo tai họa đến cho ta....
Tôi cắn răng chịu trận ngồi nghe những lời giải thích kinh khủng của anh ta về cái tác phẩm cũng kinh khủng không kém đó. Nhưng tôi sẽ không kể tiếp về công việc đó của anh ta nữa vì sợ bạn đọc khó chịu, nhất là khi nói về một công việc lãng mạng và đầy tính nghệ thuật như công việc của một họa sĩ.
Nói tóm lại cảm nghĩ của tôi là, nếu không lịch sự thì tôi đã bỏ ra về ngay lúc đó. Chẳng thà đi về giữa lúc trời nổi cơn giông bão còn hơn là ngồi lại để chịu trận cái mà anh ta gọi là:”Những cơn sóng ở trong lòng”.
- Phải. Đó chính là những cơn sóng ở trong lòng tôi. Người đàn ông kỳ lạ mà tôi không biết tên, và thú thực là tôi cũng không muốn biết đã nói như vậy khi hòan thành tác phẩm của anh ta. Ngắm nhìn bức tranh với vẻ thoả mãn,  anh ta lên tiếng nói tiếp:
- Có thể anh không thích bức tranh này cùng với cách thức thể hiện nó, nhưng với tôi qủa thật thì đó là tất cả những gì tôi muốn.
Nhìn tác phẩm của anh ta, tôi nhớ đến một tác phẩm nổi tiếng cũng vẽ về biển, một giai thọai trào phúng có thật trong giới họa sĩ thế giới. Những bức tranh lem nhem được vẽ lên bởi cái đuôi buộc cọ vẽ của một con lừa, và tác giả chính là con lừa có cái đuôi ngọ ngoạy đó. Một câu chuyện châm biếm, riễu cợt tính siêu thực trong giới hội họa hiện đại.
Không kềm được tôi thốt ra:
- Nhìn những tác phẩm của anh khiến tôi chợt nhớ đến một bức tranh nổi tiếng thế giới vẽ về biển, bức:” Mặt trời mọc trên biển Atlantic”  mà tác giả là một chú lừa có một cái đuôi trứ danh...
- À, tác giả là chú lừa Pingo, Paris 1909...Người đàn ông kia nói tiếp, anh ta mỉm cười nhìn vẻ mặt kinh ngạc  của tôi : Cái đuôi của của chú lừa danh tiếng đó còn tạo nên những bức tranh nổi tiếng không kém như bức: “Thiên đường của Địa Ngục”, bức: “Vũ điệu Plamengo bốc cháy”...
Anh ta thôi ngắm nhìn tác phẩm của mình mà quay sang tôi nói, giọng nhẹ nhàng:
- Tôi hiểu ngụ ý của anh, nhưng nói thật là tôi không phải là một kẻ bị thần kinh. Tôi cũng không phải là một họa sĩ và chẳng muốn làm một hoạ sĩ. Những tác phẩm về biển động này của tôi chỉ là những điều đã ám ảnh tôi bao nhiêu năm nay. Nó đè nặng lên tôi tới mức  chịu không nổi mà chỉ muốn trút ra ngoài. Tôi không phải là một nhà văn để viết nó ra, mà cũng không thể khóc lóc than thở với ai được....Tôi chỉ biết trút hết nỗi ám ảnh nặng nề trong lòng tôi vào giấy vẽ. Vẽ những cơn bão biển đang dậy sóng ở trong chính con người tôi... Tất cả những bức tranh của tôi tự nó tuôn ra theo cảm xúc chứ không theo một niêm luật hay trường phái nào cả. Nhưng nó có chung một điểm duy nhất.
Anh ta cầm một bức tranh ở dưới đất lên ngắm nghía và nói tiếp:
- Anh hãy nhìn vào một điểm sáng nằm giữa bức tranh này đi. Đó là một khoảng màu trong sáng và thanh thoát nằm giữa những lớp sóng biển cuồn cuộn toàn những gam màu  tối u ám. Điểm sáng đó được nhấn mạnh trong các tranh của tôi nên có thể treo ngang treo dọc, thậm chí có thể treo ngược lên thì vẫn thấy nó...
- Nhưng điểm sáng đó là cái gì vậy? Tôi hỏi và không khỏi chêm thêm một câu riễu cợt cái anh chàng hoạ sĩ nửa mùa đó. Anh đừng nói với tôi đấy là “Mặt trời” trên biển Atlantic nhé?
Người đàn ông kỳ lạ không phật ý với câu nói riễu của tôi. Anh ta nhìn như bị thôi miên vào bức tranh  rồi trầm ngâm nói:
- Đó là khuôn mặt của một người con gái. Đó là khuôn mặt của cuộc đời mà tôi đã đánh mất giữa những cơn bão biển hung hăng ngoài kia...
Anh ta như lắng nghe tiếng biển gào thét bên ngoài, đôi mắt thất thần dại đi. Thật lâu  sau đó, anh ta mới lên tiếng như đang nói với chính mình:
- Những bức vẽ này thể hiện chính cuộc đời xám xịt của tôi. Đó là một chuyện tình buồn và đầy tiếc nuối của đời tôi và nếu tôi kể ra, anh sẽ hiểu...
Không đợi tôi đồng ý, anh ta bắt đầu lên tiếng như một kẻ lên đồng. Trong tiếng mưa rơi xầm xập, tiếng gió gào thét bên ngòai cửa sổ, giọng của người đàn ông kỳ lạ vang lên như từ trong nhà mồ....
Nhiều năm về trước tôi học ở trường đại học Thủy sản ở thành phố Nha Trang. Đó cũng là những năm học đầu tiên sau giải phóng, những năm học trong buổi giao thời. Lúc đó người đi học ít hơn người nghỉ học. Sinh viên cứ teo tóp dần đi theo đà vượt biên tăng lên đến mức chóng ở cái thành phố ven biển này. Các lớp học cứ dồn lại mỗi tuần cho đủ sĩ số. Thầy giáo cũng thưa vắng dần đi...
Trong hoàn cảnh đó thì chuyện học hành chẳng quan trọng gì lắm. Có một thứ ngấm ngầm đang lan ra nhanh chóng trong giới sinh viên chúng tôi và trở thành một thứ mốt thời hậu  chiến. Đó là một cuộc sống ăn chơi buông thả của thanh niên trai gái, mà bọn chúng tôi là đứng đầu. Một số sinh viên cũ, gia đình đổ vỡ vì thời cuộc, đã lao vào cuộc chơi một cách không thương tiếc. Còn đám sinh viên mới, hầu hết là con cái cán bộ tập kết trở về như tôi, thì như  những kẻ bị nhốt cũi qúa lâu nay được sổ lồng, tất cả cũng tham gia hết mình vào các cuộc chơi đó. Các buổi cắm trại kéo dài hết ngày này sang ngày khác cùng các buổi party liên miên đêm nào cũng có. Những cuộc dong duổi đường xa để lên núi hay tập kết ở nhà thằng bạn nào đó có điều kiện chứa m0ột lúc mười mấy cặp trai gái. Vì chẳng còn các ông bố bà mẹ theo kèm nữa nên các chàng trai tử tế và các cô gái nhà lành đều trở nên thoải mái dễ dãi vô cùng.
Cuộc sống thật sôi động và tuyệt vời đối với tôi. Hoàn toàn khác với anh chàng ngố mới tới thuở nào, hiện giờ tôi là tâm điểm của nhóm ăn chơi trong trường. Ngoài chức danh giám đốc của ông bố ra, tôi còn được một bộ mã bảnh bao nữa. Và điều quan trọng nhất là dòng họ tôi ở thành phố này đều là những nhà tư bản cũ giàu có. Họ thường dúi từng nắm tiền vào tay tôi gọïi là để cho thằng con anh Tư chút tiền tiêu vặt. Với những lợi thế hiển nhiên như thế, tôi đã trở thành kẻ săn mồi bất bại đối với các cô nữ sinh chán đời còn sót lại ở trường, và cũng trở thành con mồi ngon lành đối với họ.
Trong những ngày rong chơi thâu đêm suốt sáng đó, tôi đã gặp Vân hoá ra cô ta ở ngay gần chỗ tôi ở. Một ông chú tốt bụng đã cho tôi ở một căn phòng đầy đủ tiện nghi và nó nằm không xa nhà của Vân. Cha cô là một sĩ quan chế độ cũ đã đi học tập ngay từ ngày đầu giải phóng. Gia đình cô có vẻ sa sút thấy rõ qua dáng vẻ bên ngoài của căn biệt thự mà xưa kia hẳn là nó sang trọng lắm.
Vân không phải là cô gái đẹp nhất trong số các cô gái bao quanh tôi, nhưng nàng lại có một vẻ đẹp dịu dàng thánh thiện. Đôi mắt đen lóng lánh như lúc nào cũng có giọt lệ chực trào ra. Chính cái vẻ đẹp e ấp thùy mị đó của nàng, giống như một của báu đã thôi thúc tôi bỏ công ra chinh phục. Nàng đã đón nhận tình cảm của tôi và vào một buổi chiều mưa bão, khi mặt biển nổi cơn cuồng phong dữ dội thì nàng đã trao thân cho tôi.
Kẻ đi săn bất bại đã lại thành công. Vân đã thuộc về tôi và trở thành một trong số vài cô nhân tình của tôi ở rải rác khắp thành phố này. Nhưng nàng gần gũi với tôi hơn các cô kia vì nhà nàng ở ngay đằng sau chỗ tôi đang ở. Chẳng khó khăn gì khi chúng tôi đến với nhau. Mỗi khi tôi muốn nàng, tôi chỉ  cần đến quầy thuốc lá của mẹ nàng ở trước cửa nhà. Ở bất cứ đâu trong nhà, Vân cũng có thể nhìn thấy tôi khi tôi đứng  nấn ná trước cửa với vài câu chuyện bâng quơ với mẹ nàng. Sau đó tôi trở về, mở cổng sau và đợi. Vân có mặt ngay lập tức, với nét mặt ngời lên hạïnh phúc. Chúng tôi lao vào ân ái...
Sau đó bao giờ nàng cũng nấn ná lại với tôi trong khi tôi rất muốn đi ngủ.
- Mẹ em sẽ đi tìm em, nếu không thấy em về đấy. Tôi nói với nàng.
- Em nói là sang nhà nhỏ bạn học bài mà. Nàng phụng phịu nói. Em nói học chừng hai tiếng đồng hồ. Vậy mà bây giờ đã về sao? Có phải anh muốn đuổi em về để cho một cô gái khác xuất hiện ở đây không?
- Ôi, trời. Lại những chuyện ghen tuông của đàn bà. Tôi to tiếng làm bộ giận dữ. Anh có phải là một thằng Sở Khanh  đâu mà em lại nói vậy?
- À. Sở khanh thì chưa nhưng chuyện có nhiều cô gái xuất hiện ở đây là chuyện có thật. Anh phải nhớ em cũng là hàng xóm của anh nữa đấy.
Qủa thực là ở vị trí nhà của nàng, có thể nhìn thấy hết tất cả những người ra vào chỗ tôi đang ở.
- Vậy là từ nay anh sẽ bị theo dõi rồi phải không?
- Phải. Hai mươi bốn trên hai mươi bốn đó anh chàng đẹp trai ạ.
- Và chuyện gì sẽ xãy ra nếu như anh bị bắt tại trận nào? Tôi nói đùa thêm. Nếu theo dõi theo kiểu như vậy thì chắc chắn anh sẽ bị bắt qủa tang với đầy đủ tang chứng vật chứng. Anh sẽ bị xử lý như thế nào đây?
- Anh sẽ chẳng bị làm sao cả đâu. Nàng trả lời với giọng nói nghẹn ngào Nhưng với em thì điều đó làm cho tim em rướm máu.
- Ôi, thôi đi cho anh xin lỗi nào. Tôi hoảng hốt khi nhìn thấy những dòng nước mắt tràn ra từ đôi mắt đen buồn rười rượi của nàng. Anh chỉ nói giỡn chơi với em một chút thôi mà.....Anh xin lỗi nhé.
Nàng gật đầu và cố che đi bộ mặt ướt đầm nước mắt. Tôi phải đưa cho nàng chiếc khăn tay và ngồi bên cạnh để an ủi nàng.
- Bộ em yêu anh thật sao? Tôi hoang mang hỏi nàng. X, gật đầu.
- Nhưng em biết anh là một kẻ như thế nào kia mà. Em sẽ chỉ khổ tâm thêm nếu nghĩ anh là một người yêu lý tưởng. Anh chỉ là một thằng đàn ông chuyên chạy theo bám váy đàn bà và không một cô gái nhà lành nào ở thành phố này cho anh bước lại gần. Anh không xứng đáng với em đâu....
Nhưng nàng đã lao vào lòng tôi và bịt miệng tôi lại bằng một cái hôn dài đắm đuối. Đôi mắt đẫm lệ khi khi nàng nói với tôi bằng giọng nói thổn thức đứt quãng:
- Nhưng em đã lỡ yêu anh rồi. Em đã yêu anh từ...từ cái ngày đầu tiên anh dọn đến đây. Từ khi thấy anh xuất hiện ở ngôi nhà này thì không lúc nào em không nghĩ tới anh. Em đã....đã theo dõi anh, và biết được tất cả. Có lẽ em còn biết rõ các cô gái ra vào cái nhà này nhiều hơn anh nữa kia. Em rất sung sướng khi được  làm quen với anh, và cũng hạnh phúc bao nhiêu khi được hiến dâng cho anh cả tình yêu đầu đời lẫn đời con gái của mình. Em đã sống như mơ trong niềm hạnh phúc đó. Cho đến khi em phát  hiện thấy các cô gái quen anh vẫn đến đây như bình thường. Giống như trước kia, khi anh chưa quen em vậy. Lúc đó em mới hiểu rằng anh đã không yêu em. Anh chỉ coi em như các cô gái kia mà thôi.
Nàng ngưng lại để lau nước mắt rồi nói tiếp: “ đáng lẽ em phải căm thù anh, hận anh đã làm hại đời của mình. Nhưng không thể nào em giận anh được. Em cũng không thể nào quên anh được. Chỉ nội ý nghĩ  sẽ phải mất anh đã làm em hoảng sợ rồi....”
Tôi ngồi ngơ ngẩn nghe nàng nói trong nước mắt. Thế là lại có một người con gái nữa yêâu tôi một cách mù quáng rồi. Tôi không phải là mẫu người để các cô gái có thể trao thân gửi phận được. Tôi có thể là một anh chành tình nhân tốt mã cho những cô nàng thích rong ruổi ngoài đường, chứ không thể là một người chồng tốt được. Tự tôi biết điều đó hơn ai hết. Và trong thâm tâm tôi, tôi không muốn một cô gái hiền lành ngoan ngoãn như Vân lại phải đau khổ vì mình. Sống với nhau một thời gian, tôi mới biết nàng yêu tôi rất nhiều. Cái đó thì đã rõ rồi nhưng còn tôi có yêu nàng hay  không thì tôi không thể trả lời được, vì xung quanh tôi lúc đó có quá nhiều cô gái đáng được yêu như nàng.
Thời gian trôi qua. Tôi vẫn miệt mài với cuộc sống buông thả cũ. Thỉnh thỏang tôi trở về nơi mình ở và gặp Vân như đang ngóng chờ tôi trước cửa nhà nàng. Dường như nàng chỉ chờ tôi phát tín hiệu là nàng lập tức kiếm cớ gì đấy để sang ngay bên tôi. Chúng tôi lại lao vào cơn mây mưa tình ái....
Nàng hỏi tôi khi chúng tôi đã rời khỏi vòng tay nhau:
- Anh có nghĩ đến một lúc nào đó, anh sẽ phải chấm  dứt các cuộc ăn chơi phóng túng như bây giờ không?
- Không? Tôi trả lời nghiêm túc.
- Kể cả khi có một cô gái nào đó giữ được chân anh. Nàng nói, không có vẻ gì là đùa cợt cả.
- Ôi, thế thì lại càng không nữa. Một người vợ rồi lại thêm mấy đứa con nhỏ. tức là một gia đình?  Kịnh bản đó hấp dẫn với nhiều người nhưng với anh thì không.
- Anh không thích trẻ con ư? Những đứa con của chính mình đó?
- Không. Việc thích đứa con mình sẽ kéo theo việc thích cả mẹ của nó và thế là lại có cả một gia đình. Ở hòan cảnh còn phải sống dựa vào cha mẹ như anh bây giờ thì đó là điều đáng sợ nhất.
- Nhưng rồi anh sẽ ra trường, sẽ đi làm và không còn phụ thuộc vào cha mẹ anh nữa...
- Ôi, trời. Lúc đó thì chẳng còn có một cô gái nào chịu theo anh đâu cô bé ạ. Anh sẽ là kẻ luôn rỗng túi vì những đồng lương thảm hại đó không đủ cho anh hút thuốc lá. Em có nghe câu:” Khi cái nghèo vào cửa trước thì tình yêu sẽ ra đi cửa sau” không?
Chúng tôi nằm bên nhau để nghe tiếng gió gào thét bên ngoài, tiếng mưa xối xầm xập trên mái nhà.  X, nằm sát vào lòng tôi và thỏ thẻ nói:
- Nếu em có con thì em sẽ yêu chúng vô cùng. Vì chúng chính là hoa thơm cỏ ngọt được sinh ra khi tình yêu của chúng ta thăng hoa.
Tôi bật cười vì những lời lẽ  cao siêu của nàng, của một cô gái trẻ quá nhiều mộng mơ. Còn tôi luôn thì luôn nghĩ rằng đứa con chỉ  là hậu qủa bất đắc dĩ của tình yêu. Một hậu qủa mà những kẻ như tôi luôn muốn lẩn trốn.
- Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này thì sẽ có lúc anh trở thành ông bố trẻ đấy? X. vẫn tiếp tục.
- Không thể được. Không những chúng ta không thể có con, mà còn không thể trở thành một gia đình được. Bởi vì em không hiểu hoặc không muốn hiểu rằng, thời buổi này còn có những ràng buộc không thể vượt qua nếu muốn đến với nhau....
- Anh nói rõ được không? Em chẳng hiểu gì cả.
- Hừm, biết nói với em thế nào nhỉ. Thời buổi hậu chiến này còn có rất nhiều điều luật bất thành văn đã áp đặt lên cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn như một gia đình cán bộ cách mạng như gia đình anh sẽ không làm thông gia với một gia đình trước đây làm cho chế độ cũ như gia đình em, mà phải kết thông gia với một gia đình cũng là cách mạng. Như vậy mới là “môn đăng hộ mối”. Tuy rằng anh lấy em, chứ không phải hai gia đình lấy nhau,  nhưng việc đó cũng gây ảnh hưởng xấu đến tương lai và sự nghiệp của nhiều người trong gia đình anh. Nên thật là ngược đời khi bây giờ hôn nhân của con cái lại do chính các bậc cha mẹ quyết định. Giống như ngày xưa theo kiểu:”cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” vậy. Không có một văn bản giấy tờ nào chỉ ra như vậy, nhưng nó lại là như vậy đấy, hiểu chưa cô bé.
- Anh càng nói em lại càng chẳng hiểu gì cả. Nàng nói. Em chỉ hiểu một điều rằng nếu chúng mình tiếp tục như thế này thì những đứa con sẽ ra đời đấy, dù anh có lấy em hay không.
Chẳng cần đợi lâu, chỉ mấy tháng sau đó, Vân đã hồ hởi báo tin nàng có thai. Nhìn nàng hớn hở với niềm vui mới này bao nhiêu thì tôi lại hỏang sợ bấy nhiêu. Rõ ràng là tôi chưa sẵn sàng cho một đám cưới được. Một tên còn ăn bám vào gia đình như tôi thì làm sao có thể lấy vợ lúc này được. Chưa kể đằng sau tôi còn có cả một dòng họ ba đời làm cách mạng, sẽ phản đối đến cùng ý muốn lấy Vân làm vợ của tôi.
Chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều về cái thai này. Rõ ràng là cả tôi và Vân đều biết được cái kết cục đáng buồn này. Nhưng có lẽ nàng vẫn còn có một chút hy vọng nào đó, dù nó mong manh vô cùng.
- Không chỉ cha mẹ anh, mà cả cha mẹ em cũng sẽ nổi giận đến mức nào nếu biết được chuyện cô con gái ngoan của họ đã có bầu với một anh chàng không - thể - lấy - làm - chồng được. Nhưng vì đứa con em sẵn sàng chấp nhận tất cả.
Tôi nhẹ nhàng nói với nàng:
- Anh biết điều đó, nhưng vấn đề không phải chỉ ở em hay anh mà là ở gia đình anh. Gia đình anh sẽ không bao giờ chấp nhận cho anh, một cậu con trai sẽ tiếp nối truyền thống cách mạng  của gia đình lại đi kết hôn với con gái của một gia đình...Ngụy, ấy, anh xin lỗi, một gia đình tham gia chế độ trước như gia đình em.
- Nhưng em lấy anh chứ đâu có dính dáng gì đến gia đình anh.
- Có chứ, em là con gái của một sĩ quan chế độ cũ đang đi học tập cải tạo thì có dính dáng nhiều đấy. Vì khi đó con đường công danh sự nghiệp của cha mẹ anh, của dòng họ anh và cả của anh nữa sẽ tiêu tan.
Nàng ngồi ngẩn ngơ những lời tôi nói, đôi mắt đen buồn rười rượi nhìn tôi đăm đăm:
- Vậy chúng ta phải làm gì với cái bào thai này?
- Chỉ còn cách duy nhất. Đó là...phá nó đi.
Vân im lặng nghe lời tôi nói. Có lẽ nàng đã nghĩ trước đến cái kết cục không hay này và biết được không còn cách nào khác. Nàng im lặng gật đầu. Và thế là tôi dẫn nàng đến nhà một ông bác sĩ quen, một ông béo ú bị tước bằng bác sĩ  vì tội phá thai lậu...
Vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng và chúng tôi lại trở về với cuộc sống như trước. Thanh rất buồn sau sự kiện đó. Nàng thâm trầm hẳn lại. Nhiều lúc nằm bên nhau, nàng khóc và nói: “ Em cứ nghĩ mãi đến đứa bé mà chúng ta vừa bỏ đi. Nó chẳng có tội tình gì. Cũng giống như chúng ta, nó sinh ra khi cha mẹ chúng ta đã trở thành kẻ thù của nhau. Em nghĩ rằng chiến tranh đã kết thúc. Vậy mà chúng ta vẫn phải chịu hậu qủa của nó? “
- Đúng là chiến tranh đã kết thúc. Tôi nói với nàng. Nhưng những hậu qủa cũng như định kiến của nó thì không dễ bỏ đi được. Sẽ có rất nhiều phiền phức nếu như anh làm đám cưới với em. Cha mẹ anh sẽ mất uy tín ở chỗ làm việc, còn anh sẽ mất hết cơ hội phấn đấu vươn lên.
Nàng nghe những lời nói của tôi mà không hề nghi ngờ chút nào. Nhưng đó chỉ là những lời nói dối. Cha mẹ tôi chắc chắn sẽ phản đối cuộc hôn nhân này. Nhưng nếu tôi yêu nàng thực sự thì đó không phải là vấn đề không vượt qua được.
Cuộc sống cùng với các trò chơi liên miên và những cô gái khác đã làm cho tôi bỏ mặc Vân, cùng vơí nỗi đau khổ của nàng. Tôi chỉ nhớ đến nàng khi buổi tối nào đó tôi cô đơn trở về ngôi nhà lạnh lẽo của ông chú. Những lần đó tôi lại qua nhà nàng mua thuốc lá và quay trở về để mở cái cổng đằng sau. Thanh xuất hiện không bao giờ chậm trễ. Tôi  chẳng nói một lời đè nàng ra giường để làm tình. Và rồi nàng ở lại trong khi tôi chỉ muốn ngủ một mình.
- Nếu mình giữ đứa nhỏ thì giờ này bụng em đã lớn lắm rồi anh nhỉ. Nàng lên tiếng hỏi tôi mà như tựï hỏi chính mình. Tháng thứ năm rồi thì không thể dấu diếm được ai anh nhỉ?
Tôi ậm ừ cho qua chuyện.
- Có lẽ nó là một đứa bé trai. Nàng tiếp. Nếu được ra đời thì nó sẽ là một đứa con trai kháu khỉnh. Em sẽ đặt tên nó là bé Hoàng Tử. Và khi lớn lên nó sẽ trở thành một chàng thanh niên cao lớn đẹp trai như bố nó. Nhưng sẽ không Sở Khanh như bố nó đâu….
- Ối, Trời. Tại sao em cứ mè nheo về một chuyện như vậy? Tôi gắt lên. Những chuyện đã qua rồi kia mà.
- Nhưng nếu chúng ta cứ thế này thì sẽ lại có một chuyện tương tự như thế xảy ra đấy. Và lần này em sẽ không chịu bỏ nó đâu đấy.
Quả nhiên lời Vân nói không sai. Nàng lại có thai sau đó chỉ vài tháng. Nàng không còn cái vẻ mừng rỡ như lần đầu tiên nữa, khi báo cho tôi biết tin này.  Nhưng rồi tôi đã thuyết phục được nàng lại đi phá cái bào thai như lần trước. Chỉ có điều lần này nàng đã khóc rất nhiều khi tôi đưa nàng về từ cái nhà ông bác sĩ béo ú bị tước bằng nọ.
  - Có thể chúng ta vừa bỏ đi một đứa con gái. Nàng nói trong nước mắt. Em luôn luôn thấy nó hiện về từ khi em có bầu. Một đứa con gái xinh xắn với hai bím tóc hai vai mà em đã đặt tên là Hoa Khôi. Đôi mắt của con bé Hoa Khôi này luôn buồn buồn. Dường như nó đã biết trước được số phận của nó rồi cũng giống như của thằng anh trước đó của nó, thằng bé Hoàng Tử. Đó là số phận hẩm hiu của những đứa bé chẳng bao giờ ra đời.
- Thôi mà. Sao em cứ hành hạ anh mãi với những chuyện như thế? Tôi cáu tiết lên. Đâu có phải lỗi của anh gây ra?
- Vậy thì em gây ra chắc?
- Cũng không phải tại em gây ra. Mà vì hoàn cảnh...
- Không phải lỗi của anh cũng không phải lỗi của em?  Nàng uất ức nói với tôi. Nhưng chắc chắn không phải lỗi của hai đứa bé chưa ra đời kia rồi. Vậy mà hai đứa đó đã phải gánh chịu tất cả. Chúng nó phải trả giá cho những điều mà chúng ta gây ra bằng chính cuộc sống của chúng.
- Nhưng dù sao thì mọi việc cũng đã qua rồi. Tôi không muốn cho nàng phải đau khổ nữa. Chúng ta sẽ có thật nhiều đứa con khi chúng ta chính thức lấy nhau…
- Em không cần chúng ta phải chính thức. Em chỉ  cần những đứa con. Nàng nức nở khóc. Nước mắt nàng thấm đẫm vai áo tôi. Hai đứa kia không thể ra đời có phải vì chúng ta không chính thức không?
Không thể trả lời lời nàng, tôi chỉ còn biết lặng thinh.
Việc gì đến sẽ đến nữa. Điều mà Vân đã linh cảm thấy, và cả tôi cũng thấy nữa đã lại đến. Một hôm với vẻ mặt lạnh lùng, Vân báo cho tôi biết nàng đã lại có bầu nữa. Lần có bầu thứ ba và cũng là đứa con thứ ba theo cách suy nghĩ của nàng.  Chưa hết nàng còn khẳng định rằng nó là con gái nữa và đã đặt tên cho cái đứa con chưa ra đời này tên là Hoa Hậu. Lần có thai con bé Hoa Hậu này, Vân tỏ ra cương quyết nhất. Coi tôi như một kẻ không liên quan gì đến cái thai trong bụng, nàng cho biết sẽ nhất định giữ cái thai này. Và bé Hoa Hậu sẽ ra đời, dù tôi có muốn hay không? Và nếu yêu nàng thì tôi phải làm gì đó để chứng tỏ là tôi xứng đáng làm cha của đứa bé, làm chồng của nàng.
Trước quyết tâm sắt đá của Vân, tôi đành phải về nhà để nói chuyện với cha mẹ của mình. Cha mẹ tôi trợn tròn mắt khi nghe thấy tôi nói đến tên của cô gái tôi muốn lấy làm vợ.
- Mày có điên không? Lấy con một sĩ quan Ngụy tức là con đã tự đào mồ chôn tương lai của mình rồi. Cha tôi gay gắt nói.
- Mà điều đó còn ảnh hưởng đến uy tín và công việc của ba nữa chứ? Mẹ tôi thêm vào. Ba con đang làm lãnh đạo  xí nghiệp và sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp của ông ấy nếu để con lấy con gái của cái ông sĩ quan Ngụy ấy.
- Và mày sẽ tay trắng, sẽ ra khỏi nhà nếu mày cứ lấy đứa con gái ấy. Cha tôi quyết định như đinh đóng cột.
Tôi phản đối, nhưng vô ích. Trở về gặp lại Vân tôi báo cho nàng biết kết qủa của chuyến đi. Nhưng thật ngạc nhiên, nàng đã không thất vọng như tôi đã tưởng.
- Không sao đâu anh. Nàng ôm và hôn tôi trìu mến. Em lấy anh chứ đâu có lấy gia đình anh, phải không nào? Em chỉ cần nhìn thấy việc anh đã hỏi bố mẹ anh về việc anh muốn cưới em, muốn giữ cái thai lại cũng đủ chứng minh là anh đã thật lòng với em rồi. Chúng ta sẽ vượt qua tất cả vì đứa con anh nhé? Chúng ta sẽ lấy nhau và con bé Hoa Hậu sẽ bình an ra đời.
- Nhưng chúng ta sẽ sống như thế nào đây khi anh chưa ra trường? Tôi lúng túng hỏi lại nàng. Chúng ta không có tiền, không có việc làm. Thậm chí không có cả cái nhà để ở thì làm sao chúng ta có thể sống được. Lại thêm cả đứa con nữa…
- Thì cũng chính vì đứa con mà chúng ta sẽ sống được với nhau. Nàng khẳng định. Chỉ miễn là anh chấp nhận được.
Đúng là chỉ có tôi phải chấp nhận được mà thôi. Nhưng đó lại là một vấn đề khó khăn nhất. Từ trước đến giờ tôi chỉ là một kẻ sống nhờ vào gia đình. Rời khỏi đó thì thân tôi đã tàn tạ như một cái dây leo bị cắt gốc rồi chớ đừng nói đến vợ hay con nữa.
Không muốn làm nàng thất vọng nên tôi trả lời nàng cho qua chuyện.
- Cho anh thời gian suy nghĩ để tìm xem có cách nào khác không nhé?
Tôi chẳng suy nghĩ gì cả và dĩ nhiên là không có cách nào khác. Chúng tôi lại đến cái nhà ông bác sĩ quen thuộc để làm cái công việc cũng quen thuộc đó lần thứ ba.
Vân đã xuống tinh thần hẳn sau lần bỏ rơi đứa con này. Khác với những lần trước, lần này nàng không còn khóc được nữa. Suốt ngày nàng chỉ im lặng ngồi vơ vẩn nhìn đống đồ trẻ con mà nàng đã mua trước đó. Nàng lượm từng cái áo nhỏ xíu hay từng cái tã lót còn thơm mùi nước hoa lên để ngắm vuốt trìu mến.
- Chắc chắn nó là một đứa con gái. Nàng nói và tôi kinh hãi khi nhìn thấy nét mặt nàng rạng rỡ hẳn lên, cứ như thể nàng đang vuốt ve một đứa con vậy. Cầm chiếc quần nhỏ xíu màu sắc sặc sỡ lên để áp chặt vào miệng, nàng nhìn tôi bằng ánh mắt lóng lánh giọt lệ, nàng nói. Em như ngửi thấy mùi khai nước đái của nó. Em còn nhìn thấy cả khuôn mặt của nó nữa kia. Khuôn mặt xinh xắn, bụ bẫm của một con bé xinh đẹp. Bé Hoa Hậu …..
Cha nàng đã đi học tập về. Ông già với mái tóc lốm đốm bạc, khuôn mặt khắc khổ và luôn lầm lì. Oâng ta thường ngồi bất định trước cửa nhà và đưa ánh mắt lạnh lẽo nhìn tôi mỗi khi tôi sang bên đó mua thuốc lá.
- Cha em có vẻ khó tính. Tôi nói khi nàng vừa tọt qua  cái cửa để ngỏ đằng sau nhà. Ánh mắt ông ấy nhìn anh thấy ghê qúa.
- Thế anh muốn ông ấy ôm hôn anh ư? Dù sao thì mấy năm đi học tập vừa rồi cũng làm cho cha em buồn khổ nhiều chứ thật ra ông ấy là một người rất dễ mến. Chiến tranh đã qua nhưng nó để lại hậu qủa mà không phải ai cũng chịu đựng được đâu, ông Vici con ạ. Đó là tâm lý của kẻ bại trận mà.
- Này không nói chuyện thắng trận trận hay bại trận gì đâu nhé. Hãy nói chuyện về em chứ không phải về cha của em...
- Chuyện về em ư? Thì em cũng là một kẻ bại trận đây. Nàng cười buồn. Em cũng nằm trong số những kẻ phải chịu thua thiệt trong chiến cuộc này.
- Thôi, anh xin em mà.
- Không, anh cứ để cho em nói hết đã. Cha em đã mất hết tất cả, nhưng ông còn sống và nguyên vẹn trở về với gia đình. Còn em cũng mất mát nhiều lắm. Song điều đó cũng chưa bằng những đứa trẻ con của chúng ta. Cả ba đứa chúng nó đã phải trả giá cho chiến tranh bằng việc không thể ra đời như những đứa trẻ bình thường khác. Thằng bé Hoàng Tử, con bé Hoa Khôi rồi đến con bé Hoa Hậu mới đây nữa. Chúng nó đã xuất hiện không đúng thời. Nhưng chúng nó đâu có quyền chọn lựa khi cha mẹ ông bà chúng đã ở vào hai phía khác nhau trong cuộc chiến vừa rồi.
Tôi chỉ còn biết im lặng mỗi khi nói đến đề tài này. Thanh lặng im một hồi lâu rồi nói với tôi, giọng dứt khoát:”Nhưng nếu em có đứa con nữa, đứa thứ tư thì không bao giờ em để nó chịu chung số phận với ba đứa anh chị trước của nó. Hoặc là có tất cả, hoặc là mất tất cả...”
Đúng như lời Thanh đã nói. Nàng đã có thai lần nữa, lần thứ tư. Lần có thai này là nàng tỏ ra quyết liệt nhất. Nàng tuyên bố với tôi bằng giọng của một kẻ đã cùng đường. Đôi mắt đen long lên dữ dội.
- Dứt khoát em sẽ không đời nào chịu bỏ đứa bé này. Em sẽ đem nó nhảy xuống biển nếu như anh bắt em phải làm như những lần trước.
- Nhưng làm sao em có thể mang bầu và sanh con được khi...
- Em bất cần. Vì đứa con này em có thể làm được tất cả mọi thứ. Em sẽ không làm phiền đến anh cùng với cái gia đình danh giá của anh đâu. Em sẽ đi đến một nơi thật xa để sinh sống và sanh con. Đây chắc chắn là một đứa con trai và em sẽ đặt tên nó là thằng bé Hy Vọng. Để hy vọng nó được sinh ra bình thường như bao đứa trẻ trên đời.
Tôi không có can đảm chống lại cha mẹ của mình để bắt đầu một cuộc sống mới bấp bênh với Vân. Và tôi cũng không có can đảm để chịu trách nhiệm với cái thai trong bụng nàng.
Mặc cho tôi nói đủ mọi cách, Vân vẫn cương quyết không đổi ý. Và thế là như một kẻ hèn nhát, tôi lẩn trốn nàng bằng cách lao vào các cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng, và với những cô gái khác.
Một đêm khuya mưa gió sụt sùi, tôi trở  về nhà thì thấy Vân đang ngồi chờ tôi trước cửa phòng. Đây là lần đầu tiên nàng sang chỗ tôi mà không phải do tôi gọi nàng.
Vân đứng lên lấy áo mưa ướt đẫm trên người tôi xuống. Nàng vội nói như để thanh minh:
- Em có chuyện quan trọng cần nói với anh ngay. Em không thể ngồi nhà chờ cho tới khi anh về được.
- Có chuyện gì vậy? Tôi hỏi.
- Thì vẫn chuyện đứa bé trong bụng em...
- Chuyện đứa bé trong bụng em? Bộ em sanh nó rồi hả?
- Thôi anh đừng giỡn nữa vì em đang bối rối lắm đây. Nàng nghiêm giọng nói. Em sang đây để cho anh biết rằng gia đình em sẽ vượt biên trong hôm nay hoặc mai. Và em cũng sẽ ra đi...
Tôi lặng người đi. Thì ra cha nàng đã không chấp nhận ở lại quê hương mình...
- Ý của anh như thế nào? Nàng hỏi, đôi mắt đen láy nhìn tôi đăm đắm với hy vọng tôi sẽ nói ra một điều gì đó tốt đẹp.
Không thể nói điều gì tốt đẹp được, tôi chỉ biết im lặng lẩn trốn ánh mắt chờ đợi của nàng.
Vân im lặng và tôi có thể nghe thấy tiếng thở dài của nàng.
- Thế là hết phải không anh? Nàng hỏi mà không cần tôi trả lời. Anh không thể lấy em, mà cũng không thể đi cùng em, còn em thì lại  không thể ở lại một mình vì gia đình em đều ra đi hết cả.
Nhìn khuôn mặt buồn rười rượi và những giọt lệ long lanh chực trào ra khỏi đôi mắt đen của nàng, tôi cố tìm ra một điều gì đấy để nói:
- Tại sao cha em lại quyết định đi vào thời điểm này. Đang mùa bão biển mà..
Nàng thở dài nói:
- Chỉ có chấp nhận đi biển vào mùa này thì giá sẽ rẻ hơn vào các mùa khác. Gia đình em không có nhiều tiền để chọn lựa thời điểm ra đi tốt nhất được. Với lại đã chấp nhận đi thì mùa nào cũng vậy cả thôi. Có phải đi vào lúc trời yên biển lặng thì không bị chìm tàu hay cướp biển sao?
- Em đã quyết định đi rồi à?
- Thì em còn biết làm gì được nữa. Em không còn con đường nào để chọn lựa vì chính anh đã quyết định như vậy rồi mà.
Tôi sẵng giọng tự ái:
- Em phải thông cảm cho anh chứ? Anh cũng chỉ muốn những điều giống như em mà thôi. Chỉ vì gia đình anh....
Đột nhiên Vân đến bên cạnh tôi và quỳ xuống chân tôi. Ngước đôi mắt đen long lanh nhìn tôi như khẩn cầu, nàng nói giọng tha thiết: “Hay chúng ta bỏ tất cả đi anh nhé? Anh bỏ gia đình bên anh, còn em cũng vậy. Chúng ta sẽ vào Sài Gòn sinh sống. Dù có cực khổ thế nào em cũng chịu đựng được. Miễn là chúng ta được ở bên nhau và đứa con này của chúng ta sẽ được bình yên ra đời.
Tôi đỡ nàng dậy và khó chịu nói:
- Em không chịu hiểu những điều anh đã nói. Anh không thể nào sống một cuộc sống như em nói đâu. Và cha mẹ anh sẽ từ anh...
- Em hiểu hết những điều anh nói. Em cũng hiểu lý do mà cha mẹ anh đã không đồng ý cho anh lấy em. Em cũng không thể trách cứ cha mẹ anh được. Nếu em ở vào địa vị của cha mẹ anh, em cũng làm như thế. Em sẽ không đời nào làm hỏng tương lại của thằng bé Hy Vọng trong bụng em đây....Nàng bật khóc rồi nói tiếp: Nếu nó ra đời thì lớn lên, em sẽ không để cho nó lấy con gái một gia đình như gia đình em đâu. Thời buổi này là vậy. Nhưng giờ đây chúng ta còn có nhau, có thằng bé Hy Vọng đây, chúng ta sẽ đi xa, đi thật xa khỏi những giáo điều cứng ngắc đó để xây dựng cuộc sống mới....Chúng ta sẽ ở bên nhau cùng với những đứa con của chúng ta.
- Thì chúng ta vẫn ở bên nhau đây.
- Nhưng phải có cả những đứa con cơ. Em sẽ không để cho bé Hy Vọng phải chịu chung số phận đáng buồn của anh chị nó.
Thấy nàng xúc động mạnh khi nhắc đến những đứa con, tôi nói giọng dàn hòa:
- Thôi mà em. Làm gì có những đứa con nào ngòai những điều em tưởng tượng ra. Đấy chỉ là những bào thai...
Nàng khăng khăng nói:
- Tại sao lại tưởng tượng ra được khi hàng ngày nó cứ lớn dần lên trong bụng em. Như đứa bé trong bụng em đây nè. Nó quẫy đạp mỗi khi không bằng lòng cái gì đấy. Ngay lúc này đây em cũng thấy nó đạp mạnh. Chắc nó đang buồn khi bố nó đã thờ ơ với nó...
- Em vừa bướng bỉnh lại vừa giầu trí tưởng tượng.
- Em là gì cũng được, nhưng em quyết tâm giữ đứa trẻ này bằng mọi giá. Kể cả liều mạng trong chuyến đi này em cũng chấp nhận. Chỉ miễn thằng bé Hy Vọng được bình an ra đời. Hoặc nó ra đời nơi xứ lạ, hoặc nó cùng em chìm xuống biển. Chỉ vì dứt khóat không chịu bỏ nó mà em quyết định theo gia đình để ra đi chuyến này.
Bên ngòai trời đang nổi cơn giông bão. Gió mưa sụt sùi gào thét trên nóc nhà. Trong căn phòng chúng tôi nằm ân ái trong nỗi buồn thê thảm. Tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài sự im lặng, trong khi Vân khóc rất nhiều. Tôi vuốt ve cái bụng trắng nõn của nàng. Nới khỏang bụng trắng muốt đó của nàng đã hơi đẫy lên.
- Trong đó là đứa con của chúng ta, thằng bé Hy Vọng đang lớn lên từng ngày đó anh à.
Tôi ậm ừ và hỏi cho qua chuyện:
- Thế bao giờ em  đi?
- Cũng sắp sửa rồi anh ạ. Khi dự báo thời tiết cho biết sẽ có cơn bão biển tiếp theo là người ta sẽ bắt đầu khởi hành chuyến đi ngay. Họ lợi dụng đi vào mùa bão này để tránh được sự kiểm tra của tàu Hải Quân.
- Nhưng còn em với đứa bé trong bụng em nữa. Như vậy sẽ rất nguy hiểm cho cả hai mẹ con.
Nàng mỉm cười buồn bã:
- Em biết mình sẽ mạo hiểm bản thân và đứa bé khi ra đi trong thời điểm biển động này. Nhưng em chẳng còn lựa chọn nào khác. Dù sao thì ở trong bụng mẹ nó vẫn an tòan hơn là không ở đó theo ý của bố nó. Chỉ khi nào mẹ nó bị nguy hiểm thôi, còn nhất định nó sẽ không phải chịu chung số phận với anh chị nó.
- Em đang óan trách anh phải không?
- Oán trách ai thì có thay đổi được gì nữa. Ba đứa kia đã phải trả giá  rồi. Số phận đứa bé này cũng như vậy nếu như em không mạo hiểm chuyến đi này.
- Thôi mà. Tại vì gia....gia đình anh...Tôi phản đối yếu ớt. Tại vì...
Nàng ngắt lời tôi và gạt những giọt lệ long lanh trên má nàng nói cương quyết:
- Anh không cần phải thanh minh nữa. Chính vì em hiểu như thế nên mới quyết định ra đi chuyến này. Em phải giữ lấy đứa nhỏ bằng mọi giá. Từ mấy tháng nay em thấy nó gần gũi với em lắm. Dường như số phận của nó và của em đã gắn chặt với nhau lắm rồi. Nó không thể sống thiếu em thì giờ đây em cũng không thể sống thiếu nó được nữa.
Có tiếng réo gọi tên Vân từ phía nhà nàng. Vội vàng ngồi dậy, nàng nói với tôi giọng gấp  gáp:
- Chuyến đi mà gia đình em chuẩn bị sẽ xuất phát chỉ nội trong tối hôm nay mà thôi. Em xin anh hãy vì em, vì con của chúng ta mà hành động một lần cuối cùng cho xứng đáng với tư thế của một người chồng, ngừoi cha anh nhé. Đêm nay khi anh thấy có nhiều người đến tập trung trong nhà em là bắt đầu chuyến đi của gia đình em rồi đấy. Em sẽ có mặt trong nhóm người ra đi. Nếu lúc đó mà anh nghĩ lại thì anh chỉ cần kêu tên em thôi. Anh hãy nói lớn lên cho những người trong gia đình em biết rằng, anh muốn em ở lại cùng anh. Anh chỉ cần nói như thế thôi là qúa đủ với em rồi. Em sẽ bỏ chuyến đi này, bỏ gia đình em và cả tương lai bên xứ người....Em sẽ vứt bỏ tất cả để cùng bé Hy Vọng ở lại với anh.
Nàng nghẹn lời nhiều lần, đôi mắt đen đẫm lệ khi nàng nói những lời tha thiết đó: “Em sẽ ra đi như một kẻ đã chết đi vào cõi chết...Em chỉ mong muốn, chỉ hy vọng anh sẽ lên tiếng vào giây phút cuối cùng. Và nếu anh không thể lên tiếng được thì anh chỉ cần mở cánh cửa sổ bên nhà anh là em biết được ngay. Khi em thấy cánh cửa sổ bên anh mở toang giữa lúc trời mưa gió bão bùng như thế này thì em hiểu rằng anh đã lên tiếng kêu em ở lại. Nếu anh yêu em và yêu con thì em chỉ cầu mong anh làm một việc như thế thôi anh nhé? Còn nếu không thì...Thôi. Vĩnh biệt anh.
Và thế là nàng đã chia tay tôi để đi vào chốn bão táp mịt mùng. Đêm đó mưa gió gào thét suốt đêm. Gió thổi mạnh ầm vang phía ngoài biển. Tôi nằm trong phòng đầu óc rối tung lên. Tôi nghe thấy tiếng chân người, tiếng nói chuyện khe khẽ của rất nhiều người từ bên nhà nàng vọng sang. Rồi tôi nhỏm dậy nhìn qua khe cửa để thấy những bóng người lố nhố đi trong màn đêm. Họ cứ đi qua, đi qua, ai cũng giống ai với áo mưa trùm kín đầu. Tôi đã muốn mở miệng kêu lớn lên tên nàng. Tôi biết nếu mình làm như thế thì nàng tiên của tôi sẽ xuất hiện. Nàng sẽ từ trong đám người kia nhảy bổ vào lòng tôi. Nàng và đứa con chưa ra đời của chúng tôi sẽ ở lại với tôi...
Nhưng như một kẻ hèn nhát, tôi đứng im lặng đằng sau cánh cửa sổ đóng chặt mà không dám thở mạnh. Tôi cứ đứng như thế, sợ hãi nhìn từng bóng người đi qua phản chiếu lên tường nhà tôi lấp loáng như những bóng ma. Đã có lúc tôi định lao ra ngòai trời mưa gió để la lớn lên rằng:”Vân ơi? Anh yêu em. Hãy ở lại với anh.”. Nhưng tôi đã không làm được việc đó mà chỉ biết đứng chôn chân tại chỗ trong phòng mình. Tôi biết rằng khi Vân theo chân đoàn người vượt biên đó đi qua nhà tôi, nàng đã hy vọng tôi sẽ cất tiếng gọi nàng. Cũng như nàng hy vọng nhìn thấy cánh cửa sổ trong phòng tôi mở rộng trước giông gió. Nhưng chẳng có tiếng gọi tên nàng vang lên, cũng như cánh cửa sổ phòng tôi đóng chặt.  Chắc hẳn nàng  đã phải thở dài trước khi bước tiếp vào đêm tối giông bão.....Tôi cứ đứng trong phòng như thế cho tới khi người cuối cùng đã biến mất. Chẳng còn ai cả ngòai tiếng gào rú mỗi lúc một khốc liệt hơn của cơn giông bão mùa biển động.
Thế là Vân đã ra đi vào chốn mịt mùng, mang theo cái mồng sống nhỏ nhoi yếu ớt của tôi và nàng. Đó là bé Hy Vọng. Đứa bé mà nàng đã đặt tên và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Nàng đã không chịu mất đi cái sinh linh nhỏ bé ấy, nàng không chịu mất đi cái thiên chức làm mẹ thiêng liêng để rồi phải dẫn theo thằng bé Hy Vọng của chúng tôi vào chuyến đi định mệnh của nàng.
Không bao giờ tôi còn nghe được tin tức về nàng nữa. Cả gia đình nàng và toàn bộ số người đã ra đi vào đêm mưa gió đó đã không tới được bến bờ hy vọng của họ. Họ đã chìm trong đêm tối, trong mưa gió biển động chẳng còn lại dấu vết gì giữa những cột sóng khổng lồ trắng ngắt đánh vào bờ che lấp cả bầu trời âm u.
Cái tin dữ đó như một cú đánh thẳng vào trái tim đầy ích kỷ của tôi và khiến cho tôi như chợt tỉnh. Nhiều ngày liền sau đó, tôi lang thang trên bờ biển đang dậy sóng để tìm kiếm trong tuyệt vọng cô gái có đôi mắt đen buồn và một mầm sống bé nhỏ mà nàng đã mang đi vào cõi mênh mông ngoài xa khơi kia. Tôi lăn lộn gào thét tên nàng, đòi những lớp sóng hung tợn đang chen nhau xông vào bờ phải trả lại người vợ và những đứa con  của chúng tôi. Nhưng chẳng có gì ngoài tiếng cuồng phong gào rít đắc thắng trả lời tôi.
Mệt mỏi, rũ rượi tôi trở về nơi cũ để nhìn thấy căn nhà nàng giờ đóng cửa im lìm. Chẳng còn cô gái xinh xắn đang ngồi đọc sách bên người mẹ bán thuốc lá trước cửa để đợi tôi nữa. Cô gái có đôi mắt đen buồn nhưng luôn ánh lên vẻ rạng rỡ hạnh phúc khi nhìn thấy tôi sang bên ấy....
Nhiều năm sau, những hôm biển động tôi cứ đứng trong căn phòng của mình trước cánh cửa sổ mở toang để chờ đợi nàng trở về. Nhưng chẳng có gì, ngoài gió mưa xầm xập quất thẳng vào người tôi...
Kể từ khi nàng tiên của tôi cùng với những thiên thần nhỏ bé, những sinh ling đáng yêu còn chưa ra đời của chúng tôi đi vào cõi mịt mù của biển khơi thì cuộc sống sau đó của tôi như thế nào tôi không còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng đã hơn hai mươi năm kể từ ngày đó, tôi vẫn độc thân và đang tàn tạ đi trong nỗi tiếc nuối không nuôi. Cha mẹ tôi qua đời đã lâu. Những cuộc vui xưa chỉ còn là những ký ức nhạt nhòa vô nghĩa. Chỉ còn lại trong trái tim khô cằn của tôi một vết đen không bao giờ phai. Như một vết thương rỉ máu khi nhớ lại người con gái có đôi mắt đen buồn năm xưa.
Nàng đã ra đi vào cơn giông bão nên giờ đây, mỗi khi có giông bão là tôi lại thấy nàng hiện về. Những đợt sóng cao ngất trắng xóa, biển màu đen u ám, gió gào thét xé toạc mây tơi tả, trời và biển hoà lại....Tất cả hoà trộn với nhau để thấy nàng hiển hiện  như một vị Thánh, với vầng hào quang là những cột sóng bạc đầu cao ngất. Chung quanh nàng là những đứa con của chúng tôi. Thằng bé Hòang Tử, con bé Hoa Khôi, bé Hoa Hậu và cả thằng bé Hy Vọng nhỏ bé nhất nữa. Đó là những đứa con của tôi và chúng có thực ở trên đời này. Ở đâu đó ngòai biển khơi xa tít kia, chúng đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ chúng, người phụ nữ chỉ biết sống chết vì những đứa con. Xinh đẹp, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống, chúng đang vây quanh lấy mẹ chúng.  Tất cả đang nhìn thương hại đến một kẻ đáng thương đang đứng chơi vơi giữa cơn bão. Một kẻ chỉ còn sống bằng một qúa khứ đầy hối hận muộn màng. Một kẻ mà sự ăn năn đang bào mòn cơ thể. Đó là tôi và đã bao năm tôi sống với ý nghĩ mình đã đang tay vứt bỏ đi cả một gia đình hạnh phúc....
Đó là câu chuyện tình đau thương của tôi, và lý do vì sao tôi thích đứng nhìn biển động. Mỗi khi có những cơn bão biển tràn thì tôi lại ra để ngắm nhìn chúng. Ngắm nhìn để mà nhớ về một kỷ niệm buồn đã chìm sâu trong ký ức, mà chỉ có những cơn bão biển hung hăng ngoài kia mới làm chúng ào ào thức dậy như một bầy thú dữ để cắn phá trái tim khô cằn của tôi. Và đó cũng là lý do để tôi trút ra khung giấy vẽ những cơn cuồng phong của gió biển, của cơn sóng dữ chỉ toàn một màu xanh u ám, của sự dữ dội mà những cơn bão tiếc nuối đang tàn phá tâm hồn tôi.....
Kể đến đó người đàn ông kỳ lạ nọ nghẹn lời với đôi mắt long lanh sáng rực lên. Anh ta đứng lặng trước bức tranh vẽ những cơn sóng biển đó với vẻ ngẩn ngơ lạ kỳ. Dường như bị những bức tranh âm u đó thôi miên, khiến cho anh ta chìm vào một ký ức đen tối đang dậy sóng trong lòng.
Để mặc người đàn ông đó ở lại một mình, tôi ra về khi biển vẫn còn đang nổi sóng dữ dội. Những cơn gió mạnh thổi ào ạt như muốn hất tung căn nhà với người đàn ông kỳ lạ nọ ra biển. Lớp lớp sóng biển hung tợn như đang chen nhau chồm mình lên cao ngất để vội vã xông vào bờ. Gió lồng lộn gào thét rít lên xoay tròn trên đầu những con sóng bạc trắng đầu. Mây đen tả tơi như chìm xuống đại dương hung tợn, tung những ánh chớp cùng tiếng sấm sét chói chang. Trời và biển như như hòa lẫn vào nhau trong cơn thịnh nộ điên cuồng. Những cơn sóng điên cuồng lao tới đập đầu vào đá tan tác. Rồi một cơn sóng hung dữ nhất nuốt gọn kẻ khốn khổ kia trong tiếng ầm vang của muôn ngàn cơn sóng vỗ. Từng lớp sóng xô nhau chen vào bờ như những con thú hoang đói khát đang vật mình trong cơn đói triền miên. 
Sài Gòn ngày 14/10/2007 
HẾT