Dịch giả: Phạm Cao Tùng
Phần I - Chương 4
CÁ TÍNH CỦA CON NGƯỜI


I. KHÍ CHẤT - NHỮNG BẨM CHẤT CĂN BẢN THUỘC CẢM TÍNH

Chúng ta đã nhận thấy mỗi chứng bệnh trong bảng kê trước đây tương ứng với bệnh thái của một bẩm chất căn bản thuộc cảm tính của cá tính chúng ta.
 
Lòng tham muốn:
Bệnh cuồng vọng chỉ là sự phát triển quá mức của một bẩm chất thiên nhiên: lòng tham muốn. Ở đây chúng ta không nên hiểu chữ “tham muốn” theo cái nghĩa “xấu” mà người ta thường gán cho nó. Đó là một bẩm chất thiên nhiên nó khiến chúng ta biết đòi  hỏi những gì chúng ta có quyền “có” hoặc có quyền “hưởng” để nhận lấy của đời sống những tài sản vật chất hoặc tinh thần mà chúng ta thấy rằng cần thiết cho chúng ta. Đó là một bẩm chất hữu ích, nó đem lại cho chúng ta một mục đích sống mà người ta thường gọi một cách hơi thô là “lợi lộc”.
Tùy người, lòng tham muốn có nhiều giá trị khác nhau. Nếu nói về tài sản vật chất (tiền bạc, bàn ghế, nhà cửa, đất đai) nó có thể đi từ óc vô tư, bất vụ lợi đến lòng gian tham và từ sự nhún nhường hoặc khiêm tốn đến thói quen kiêu ngạo, nếu nói về những tài sản thuộc tinh thần hoặc danh vọng.
 
Lòng nhân:
Sự thác loạn của tâm đức là bệnh gian ác, do sự thiếu bẩm chất lòng nhân một khuynh hướng thiên nhiên nó khiến chúng ta yêu người đồng loại, muốn kết thân với họ, lưu tâm đến họ, nghĩ đến họ cũng như chúng ta nghĩ đến mình, nói tóm lại, nó làm cho chúng ta có lòng nhân, biết thương nhau. (Lòng nhân là sự gạt bỏ những lợi lộc riêng của mình một khi biết rằng muốn đoạt được những lợi lộc ấy tất phải làm thiệt hại kẻ khác (A. Delmas). Sự gian ác chỉ là sự khuyết kém “lòng nhân” nó không như người ta thường tưởng là sự đối ngược với “lòng nhân”. Sự gian ác không phải luôn luôn có nghĩa là làm ác một cách cố tình, đôi khi đó chỉ là một hành động mà người đã làm không lưu tâm gì đến những thiệt hại hoặc những đau khổ gây ra cho kẻ khác. Sự gian ác nó thuộc về bệnh lý, là một sự khuyết kém, chứ không phải sự mất hẳn “lòng nhân”. Người ta nhận thấy tình thương ở người gian ác, tình thương ấy thường hướng về một người hoặc số rất hiếm người.
Không có danh từ nào riêng để chỉ về mực cao nhất của lòng nhân. Người ta có thể gọi là lòng ái nhân vẹn toàn.
 
Óc hợp đoàn:
Bệnh khoác lác là sự phát triển quá mức của một bẩm chất tự nhiên: óc hợp đoàn. Bẩm chất này khiến chúng ta biết làm cho người khác quan tâm đến mình, khiến cho chúng ta tìm kiếm, mua chuộc hoặc chinh phục tình cảm, sự kính nể hoặc lòng tốt của kẻ khác. Thật thế, người khoác lác là người có nhiều óc hợp đoàn nhất, họ đặt điều vẻ chuyện để đề cao mình một cách thái quá, để đoạt được những lợi lộc về mặt xã hội, để làm người khác phải ngạc nhiên, phải bất ngờ v.v…
Óc hợp đoàn khác lòng nhân ở chỗ, một đàng thì tìm kiếm còn một đàn thì phân bố tình cảm.
Óc hợp đoàn là điều kiện tất yếu của đời sống tập thể: Nó nảy sinh ra phép lịch sự, phép xã giao, những nghi thức, những nghi lễ v.v…
Ở phần cao của nó là tính diêm dúa, tính khoác lác bịp đời, lẻo dối, nói một cách chung là sự giả dối.
Ở phần thấp nó là tính trắng trợn, tính nói xẵng, nói thực nhưng cộc lốc, nói như “dùi đục chấm mắm”.
Được phát triển điều hòa, nó nảy sinh ra tính thực thà.
 
Hoạt động tính:
Bệnh tâm thần bất định là sự lệch lạc của bẩm chất cốt yếu thứ tư: hoạt động tính.
Hoạt động tính chỉ về sức hoạt động mạnh mà cũng có nghĩa là sự cần dùng hoạt động. (Một người hoạt động không bắt buộc phải là một người khỏe về thể chất. Chúng ta thường thấy những người ốm yếu nhưng hoạt động rất hăng, trái lại có người “voi vật không ngã” nhưng lại tỏ ra bải hoải, suy nhược). Hoạt động không cốt là vận động, nó gồm những cử chỉ, những sắc mặt, những thái độ, những lời nói, xét cách chung, nó gồm tất cả những phương cách để diễn đạt tình cảm, biểu lộ tư tưởng. Bẩm chất này giúp chúng ta chuyển tư tưởng sang hành động.
Đừng làm lộn hoạt động tính với thái độ và lối xử sự của một người nó thuộc về động lực. Hoạt động tính là một khả năng đã có trong chúng ta, là những gì chúng ta có thể làm. Thái độ và lối xử sự là tổng kết những hành động đã được thực hiện, là những gì chúng ta làm. Hoạt động tính thuộc về tiềm tế, thái độ và lối xử sự thuộc về thực tế.
Ở địa hạt trên của hoạt động tính là: tính liến thoáng, náo động, bộc lộ, cởi mở. Ở địa hạt dưới là tính nhu nhược, chậm chạp, bất động. Hoạt động tính có nhiều cấp bậc nó đi từ sự thoải mái tới sự khích động.
Hoạt động tính tùy thuộc mật thiết với một trạng thái thể chất chung mà người ta gọi là toàn thân cảm giác. Toàn thân cảm giác là tất cả những cảm giác bên trong con người do trạng thái thần kinh chúng ta gây ra. Khi bộ thần kinh chuyển vận điều hòa toàn thân cảm giác chúng ta tốt, chúng ta cảm thấy một sự khoan khoái toàn thể khó tả, một cảm giác khoan khoái nó giúp cho sự chuyển vận của hoạt động tính. Trái lại khi toàn thân cảm giác chúng ta không được tốt thì hoạt động tính bị ngưng trệ.
 
Cảm xúc tính:
Đa cảm xúc là sự phát triển quá độ của bẩm chất cảm xúc tính, bẩm chất thứ năm và sau cùng của những bẩm chất thuộc cảm tính.
Cảm xúc tính là phản ứng của một người trước sự khiến dụ của ngoại giới, nó có thể là một sự đau khổ, một nguy hiểm, một niềm vui. Cảm xúc tức là buồn, vui, sợ hoặc giận dữ. Đó là bẩm chất đặc biệt giúp bản ngã phòng thủ, một bộ máy đề phòng, một con chó giữ nhà nó nhận biết đâu là thù, đâu là bạn của chủ nó. Nó giúp chúng ta đề phòng, tự vệ.
Ở phần cao nó là tính nỏng nảy, đa cảm. Ở phần thấp tính lanh lợi, tính thản nhiên.
Những phản ứng sinh lý có thể làm cho những cảm xúc lộ ra ngoài: Khi chúng ta giận dữ hoặc sợ hãi, mặt chúng ta sẽ đỏ bừng hoặc tái xanh, tay chân run rẩy.
Năm bẩm chất căn bản ấy: tham muốn, lòng nhân, óc hợp đoàn, hoạt động tính, cảm xúc tính được gọi là những bẩm chất thuộc hoạt động và tình cảm. Đó là những trạng thái tiên nhiên, do trời sinh, do cách cấu thành thể trạng của con người.
Hai trong những bẩm chất ấy là hoạt động tính và cảm xúc tính có liên quan mật thiết với sinh lý và có thể biểu lộ ra ngoài mặt nên được gọi là những bẩm chất thuộc hoạt động. Còn lại ba bẩm chất kia lòng tham muốn, lòng nhân, óc hợp đoàn thì được ghép vào những bẩm chất thuộc cảm tính.
Đem một người ra mà xét, chúng ta thấy những bẩm chất ấy không thay đổi, lúc nào chúng cũng hiện diện và giữ nguyên giá trị. Chúng nó tồn tại suốt một đời người và vẫn ở một mức độ, nhưng ở phần sau đây, chúng ta sẽ thấy bằng cách nào cái cá tính tập thành có thể che đậy nó, kích thích nó hoặc làm giảm sức hoạt động của nó.
 
II. TRÍ TUỆ - NHỮNG KHẢ NĂNG TINH THẦN
 
Căn cứ vào những chứng bệnh tinh thần do thể tạng sinh ra, chúng ta đã nhận định năm bẩm chất cốt yếu của khí chất, nhưng còn những bẩm chất của trí tuệ thì ra sao? Vì sao những chứng bệnh nói trên không thể giúp chúng ta biết gì về những bẩm chất của trí tuệ cả?
Thưa, bởi một lẽ giản dị là ở những chứng bệnh này trí tụê không hề bị thương tổn. Nói cho đúng, những người mắc bệnh “tham vọng”, “khoác lác”… không phải là những người cuồng trí hẳn. Đầu óc họ chỉ bị lệch lạc ở một điểm nào đó thôi, ngoài ra họ vẫn biết suy luận đúng đắn, trí tụê họ không hề hấn gì cả. Vì thế, lâu nay người ta vẫn cho rằng họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi của họ (và hiện giờ vẫn thế, tòa án vẫn kết tội họ), họ là những người nửa khùng nửa điên. Khi họ bị giam giữ, người ta có thể dùng họ để làm những công việc cần đến trí tuệ.
Người ta có thể ngờ rằng những bệnh thuộc nhóm đầu, những bệnh do thương tích gây ra có thể giúp chúng ta biết rõ về những bẩm chất của trí tuệ, vì những chứng bệnh này có ảnh hưởng đến những bẩm chất thuộc trí tuệ, và những con bệnh ấy đều là những người điên thật sự. Nhưng người ta vướng phải một lối bí. Những thương tích đã gây nên những chứng bệnh ấy cũng đã làm hư hỏng cả guồng máy trí tuệ. Bộ não của những con bệnh ấy không giống những người khác, vì thế cũng không rút tỉa được một vài nhận xét hay ho nào về những bộ não lành mạnh.
 
Nguồn gốc của sự sống:
Phải khảo xét ở một nguồn gốc khác: ở nguồn của sự sống, nó đã giúp chúng ta kiểm điểm những bẩm chất thuộc hoạt động và cảm tính vì lẽ đương nhiên, những bẩm chất này cũng xuất hiện cùng một nguồn gốc ấy.
Không có cách nào khác để định nghĩa sự sống hơn là dựa theo những biểu hiện của nó. Đặc tính cốt yếu của sự sống là sự liên tục. Mỗi sinh vật đều do một sinh vật khác sinh ra. Mỗi tế bào đều bắt nguồn gốc ở một tế bào khác. Nhưng ai đã sáng tạo ra tế bào đầu tiên?
Vấn đề này đã gây ra bao nhiêu cuộc bàn cãi sôi nổi cho đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Những người tin theo thuyết “quyết định”, thuyết “duy vật” cho rằng sự sống là sự hợp thành toàn bộ những hiện tượng thuộc lý hóa học mà về cách truyền chủng, chúng ta chưa hiểu được, không phải vì không hiểu nổi bản thể của những hiện tượng ấy mà vì tính cách vô cùng phức tạp của chúng.
Những người thuộc phái “vạn vật sáng tạo” thì tin rằng phải có một đấng tối cao dựng nên vạn vật. Mỗi phái đều có một số người bênh vực cuồng nhiệt. Chúng ta không dự vào cuộc bàn cãi ấy, nó vượt qua khỏi phạm vi sách này. Chúng ta chỉ biết rằng cho đến ngày nay chúng ta chưa hề biết gì cả về nguồn gốc sự sống. Nếu chúng ta rõ được, chúng ta đã làm những bậc thần thánh, nhưng chúng ta chỉ là người, nghĩa là chưa có gì đáng kể.
Song nếu chúng ta chưa biết gì về nguồn gốc của sự sống, ít ra chúng ta cũng biết được những điều kiện căn bản của sự sống. Mỗi sinh vật sống đều biểu thị bởi bốn hiện tượng riêng biệt.
 
Những hiện tượng của sự sống:
Hiện tượng đầu tiên là dinh dưỡng. Tất cả mọi sinh vật đều biết tự dưỡng, nghĩa là ở mỗi sinh vật đều có một sự trao đổi những thực chất với hoàn cảnh mà nó đang sống. Những sinh vật thô sơ nhất chỉ gồm có một tế bào, như loài “protiste” chẳng hạn, cũng nhận được của cái hoàn cảnh mà chúng đang sinh sống, những chất bổ cần thiết nó ngấm qua cái vỏ bọc nguyên sinh chất của chúng. Càng bước cao lên trên đẳng cấp sinh vật, chúng ta sẽ thấy cơ năng dinh dưỡng được quy định vào một cơ quan do đó những cơ quan này đã trở nên phức tạp.
Hiện tượng thứ hai là hiện tượng sinh sản. Tất cả những sinh vật đều được truyền tồn, nối dõi. Đó là do tính cách liên tục của sự sống. Để thi hành công việc ấy, tạo vật dùng nhiều phương thức khác nhau và bất chấp cái luân lý của con người. Đôi khi, ở những sinh vật thô sơ, cái tế bào nguyên khởi tự chia ra làm đôi để sinh ra hai sinh vật mới riêng biệt; có trường hợp sinh vật ấy nảy sinh thêm bằng cách nảy mầm nở mọng, lại cũng có khi những sinh vậy ấy tạo ra những tế bào đặc biệt, được gọi là tế bào tính dục. Hai tế bào trống mái sẽ kết hợp nhau để sinh ra một sinh vật mới. Đó là lối sinh sản tính biệt.
Hiện tượng thứ ba là hiện tượng di động. Tất cả những sinh vật đều có thể di động, tự động, vận động, chuyển động. Dù là những sinh vật sơ đẳng nhất, trông ở mặt ngoài hình như không có động lực, nhưng bên trong vẫn có nhiều sự vận chuyển dù là yếu ớt. Những sự máy động này có thể rất chậm như ở giống san hô hoặc nhanh như ở loài chim én.
Hiện tượng sau cùng là cảm thụ tính. Tất cả những sinh vật đều bị khích động hoặc ít hoặc nhiều bởi những khích động của hoàn cảnh bên ngoài. Tất cả đều biết cảm giác. Lẽ dĩ nhiên ở đẳng cấp dưới, những cảm giác này rất thô thiển, nó được cảm giác bởi toàn bộ của tế bào. Càng lên cao ở đẳng cấp sinh vật nó càng trở nên phức tạp. Các sinh vật cao đẳng có những cơ quan riêng biệt cho mỗi loại cảm giác.
Người ta cũng nhận thấy bốn điều kiện của sự sống này ở những vật thể vô tổ chức nhưng chỉ thấy riêng từng hiện tượng một. Một ngọn lửa chẳng hạn, cho chúng ta thấy hình ảnh của sự dinh dưỡng. Nó cũng biết hấp thụ và biến hóa những thực chất của cảnh vật bên ngoài.
Việc thành lập những tinh thể trong một thứ nước mà chất thuốc đã tan đến nung độ, gần giống như sự sinh sản. Sự vận động rất thông thường trong tạo vật: những con nước, cái trọng lực, những tinh tú, đều di chuyển.
Sau hết một vài vật thể cũng biết cảm thụ, cũng có những cảm giác thực sự. Chất thép thu nhận một vài tính chất mới khi gặp phải một từ dả và biến thành nam châm. Dưới ảnh hưởng của ánh sáng, chất “gélatine bichromatée” không còn tan được trong nước, và chất “gélatino bromure d’argent” (hai chất này dùng trong việc làm phim ảnh) sẽ trở nên đen sậm. Điện trở của chất sélénium đổi thay tùy theo sức sáng và điện trở của chất kim khí thì thay đổi tùy theo nhiệt độ v.v…
Nghiên cứu về những sinh vật, chúng ta nhận thấy điều này: bốn tính chất nói trên, xét riêng từng tính chất một thì nó chỉ thuộc về phương diện lý hóa học. Người ta chỉ có cách phân biệt một hiện tượng sinh sống với một hiện tượng vật chất bởi một cái gì đó, mà hiện tượng sau này không thể có.
Tất cả vấn đề là sự hiện diện đồng thời của bốn hiện tượng nó biểu thị cho sự sống.
Bốn tính chất này vừa “đầy đủ” vừa “bất biến”. Đầy đủ vì môt khi có đủ bốn tính chất này thì có sự sống. Bất biến vì không một sinh vật nào mà không có đủ bốn tính chất này.
Người ta nhận thấy ngay hai tính chất đầu tiên (dinh dưỡng và sinh sản) là hai cơ năng bảo tồn có mục đích làm cho sinh vật được trường tồn. Còn hai tính chất kia (vận động và cảm thụ tính) là những cơ năng tiếp ngoại, giúp cho sinh vật liên lạc, giao dịch với cảnh vực bên ngoài, để hoặc tự sử dụng hoặc để tự bảo vệ.
 
Nguồn gốc của những bẩm chất thiên nhiên:
Những bẩm chất tâm lý làm cơ sở cho cá tính chúng ta, chắc chắn có liên hệ mật thiết với bốn tính chất của sự sống. Nếu không do đó mà ra thì do đâu? Sau đây chúng ta sẽ tuần tự xem xét qua.
Sự dinh dưỡng đã nảy sinh ra những bản năng thèm khát như khát ăn, khát uống, hô hấp v.v… Những bản năng này về phương diện tâm lý, đối ứng với bẩm chất tham muốn. Vả lại lời tục người ta cũng thường nói là: thèm tiền, khát danh vọng v.v…
Sự sinh sản đã tạo ra tính năng ăn sâu ở mỗi sinh vật. Về mặt sinh lý tính năng  đã tạo ra lòng nhân và các giai đoạn phụ thuộc: ái tính, tình mẫu tử, tình bè bạn, tình thương, lòng ái nhân. Freud đã có nói, tuy nói lơi hố về ảnh hưởng của tính dục trong cá tính con người.
Tình dục cũng đã gây nên gia đình và bành trướng ra để lập thành những bộ lạc, những giống dân nói tóm lại là xã hội. Trong ngành này, tính năng cũng đã phát sinh ra óc hợp đoàn, điều kiện cần thiết cho cuộc sống chung.
Sự di động thì chuyển thành bản năng: một thuộc về hoạt động, để tiến tới, để di chuyển, hai là thuộc về phản ứng để tự vệ. Một sinh vật có thể dùng cái cảnh vực để sinh sống hoặc để bảo vệ sự sống.
Bản năng trước là nguồn gốc của hoạt động tính, bản năng thứ hai là nguồn gốc của cảm xúc tính mà chúng tôi đã nói đó là lối phản ứng để phòng thủ.
Tính chất sau cùng là cảm thụ tính đã phát sinh những khả năng trí tuệ của chúng ta. Điều đó có thể đoán biết, vì cảm thụ tính là dấu vết của hoàn cảnh đã in trên sinh vật. Nhờ nó mà chúng ta có thể hiểu nổi những hiện tượng chúng ta đã chứng kiến, những hiện tượng ở bên ngoài chúng ta.
Cảm thụ tính đã sinh ra ba khả năng: trí nhớ, trí tưởng tượng óc phán đoán.
Trí nhớ là sự hấp thụ những tri giác, sự gìn giữ, ký giữ, xếp đặt để có thể nhận biết lại những tri giác ấy khi cần. Đó là cơ năng trí tuệ thụ động.
Trí tưởng tượng là khả năng làm cho tri giác, những ký ức mà chúng đã moi móc trong trí nhớ có thể gần gũi, tập hợp hoặc liên kết với nhau để đối chiếu, tương phản nhau và tạo thành những liên hợp mới mẻ. Đó là yếu tố cốt yếu của sự sáng tạo dưới mọi hình thức.
Óc phán đoán là khả năng giúp chúng ta phân biệt những tri giác bằng cách đối chiếu, so sánh và đánh giá những tri giác ấy.
Trí nhớ, trí tưởng tượng óc phán đoán là ba bẩm chất cốt yếu hợp thành trí tuệ của chúng ta.
Đến đây chúng ta có thể lập thành bảng kê cái cá tính thiên nhiên của con người như sau đây:
 
III. NHÌN TỔNG QUÁT VỀ CÁ TÍNH THIÊN NHIÊN
 
Như chúng ta thấy, cá tính thiên nhiên của chúng ta căn cứ trên tám yếu tố căn bản:
Năm yếu tố thuộc cảm tính và hoạt động, hợp thành cái khí chất con người.
Ba yếu tố thuộc tinh thần, hình thành nên trí tuệ con người.
Tám bẩm chất này có tính cách tiên nhiên, căn bản thường xuyên.
Tiên nhiên, vì chúng ta thừa hưởng những bẩm chất ấy bởi di truyền, do cha mẹ, do ông cha tổ tiên chúng ta. (Ông Jean Rostand một nhà sinh học có tiếng chủ trương rằng: Di truyền ảnh hưởng đến trí tuệ nhiều hơn tính tình. Chúng ta không hiểu lý do. Vì những bẩm chất thiên nhiên của chúng ta có lẽ cũng phải được truyền sang bởi những yếu tố di truyền của những nhiễm thể như những đặc tính của thể chất và chắc chắn cũng do theo những định luật giống nhau).
Căn bản, vì đó là những vật liệu làm cơ sở hành lý, là những khả năng chúng sẽ theo người trong cuộc thi chạy trên đường đời.
Thường xuyên, vì từ lúc mới sinh ra đến lúc chúng ta chết, những bẩm chất ấy không hề thay đổi. Chúng ta không thể thay đổi mực độ của chúng. Đó là những công cụ đã đặt để sẵn trong tay chúng ta, chúng nó như thế nào, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc tệ, chúng ta cũng phải nhận lãnh; nhưng nhờ cái thế của cá tính tập thành, chúng ta có thể làm giảm bớt hoặc gia tăng hiệu năng của chúng.
Tám bẩm chất này được phân phát cho chúng ta không theo một cấp bậc, một phẩm trật nào cả. Nếu chúng ta nhận thấy nơi một người có một bẩm chất ở mực độ cao, điều ấy không chỉ rằng những bẩm chất khác tất cũng ở mực độ ấy. Muốn phán đoán về một người chúng ta phải biết rõ tất cả những bẩm chất của họ, vì sự liên kết giữa những bẩm chất ấy có thể sinh ra vô số những bẩm chất phụ thuộc khác mà sau đây chúng ta sẽ có dịp xét quan.
Sự khác biệt giữa khí chất và trí tuệ thực ra không quá rõ rệt như người ta có thể tưởng khi nhìn qua bảng kê trước đây. Một người không phải là một tinh thần thuần túy, họ cũng không phải là tôi đòi của những bẩm chất thuộc cảm tính. Hai loại bẩm chất này luôn luôn có ảnh hưởng đối lại nhau.
Một bẩm chất được gọi là quyết định khi nó có ảnh hưởng ưu thế đối với toàn diện của cá tính. Nó được xem là phụ trợ khi nó chỉ đóng một vai trò phụ thuộc. Một bẩm chất quyết định chế ngự cả cá tính, một bẩm chất phụ trợ chỉ có thể tu chính, điều chỉnh cá tính.
Nên gọi ngay rằng ba thành phần của trí tuệ chỉ đóng một vai trò phụ trợ, nó không bao giờ có tính cách quyết định. Nói một cách khác, chúng ta thành động theo ảnh hưởng của những bẩm chất thuộc cảm tính. Trí tuệ chỉ xen vào để bổ chính, tu chính những hành động của chúng ta.
Năm bẩm chất thuộc cảm tính và hoạt động tính có tính cách quyết định hoặc phụ trợ.
Một người quá tham đến nỗi không còn biết trọng quyền lợi của kẻ khác sẽ biết dùng những ngón xã giao, lịch thiệp, những giao du để kiếm lợi lộc. Ở đây bẩm chất tham muốn chế ngự còn óc hợp đoàn thì tu chính.
Lại có người chỉ biết tìm cách đề cao mình lên, làm cho người ta yêu thích mình, thích tìm danh vọng hơn là tiền tài, họ dám tốn bạc để mua chuộc danh vọng. Ở đây lòng tham muốn là một tu chính cho óc hợp đoàn.
 
Ảnh hưởng của những bẩm chất thuộc cảm tính:
Lòng tham muốn là một bẩm chất quyết dịnh, nó là nguyên động lực mọi hành động của con người. Nói rằng “Tư lợi dẫn dắt loài người” là một điều thừa. La Rochefoucauld đã chẳng nói: “Đạo đức mất trong tư lợi cũng như con sông nào rồi cũng trổ ra biển cả”. Nhưng bẩm chất tham muốn cũng có thể đóng vai trò tu chính khi nó ảnh hưởng để tu chính sự thái quá của một bẩm chất khác.
Lòng nhân thường có tính cách tu chính hơn là quyết định. Những bậc ái nhân hoàn toàn rất hiếm. Thánh Vincent de Paul, thánh Gandhi là gương sáng của những cá tính bị lòng nhân chi phối. Văn nghiệp của Tolstoi cũng tràn ngập tình yêu nhân loại.
Óc hợp đoàn vừa tu chính vừa quyết định. Nó chi phối ở những người diêm dúa hay làm dáng, những thích nói, ham nói, những người hay khoe khoang, khoác lác v.v…
Hoạt động tính là một yếu tố tu chính, nhưng nó có thể trở thành quyết định ở những người say mê hoạt động. Chúng ta há chẳng thấy có người suốt đời mình hướng về một mục tiêu: hoạt động, họ hành động để mà hành động và đôi khi thiếu suy xét.
Cảm xúc tính khi thì bổ trợ, khi thì quyết định. Nó đóng vai trò tu chính khi nó khích động một bẩm chất nào đó của cá tính chúng ta.
Do đó cảm xúc tính có thể ảnh hưởng đến người hoạt động làm cho họ đâm ra cuồng nhiệt và ở một người giàu bác ái nó có thể gợi ra lòng thương hại.
Cảm xúc tính có tính quyết định trong việc đi tìm những thích thú tinh thần, trong những công trình của nhà nghiên cứu, nhà bác học, nhà nghệ sĩ. Sự khích động thường can thiệp vào những sinh hoạt tinh thần có tính cách thực tiễn hơn là tư duy. Sự phối hợp của hai tính cách nói trên cũng thường thấy.
Cảm xúc tính dự vào, với tư cách là thành phần trong việc đi tìm những thú vui xác thịt, từ thú vui lành mạnh do thể thao đem lại cho đến những thú vui về nhục dục. Ở trường hợp sau, lòng tham muốn và sự khích động liên kết với cảm xúc. Những sự đòi hỏi hạ cấp về sinh lý, không phải chỉ tùy thuộc lòng tham muốn. Người đa cảm lắm khi cũng là người đa dục.
 
Ảnh hưởng của những bẩm chất thuộc trí tuệ:
 Trí nhớ là một yếu tố thụ động nhưng vai tuồng của nó rất quan trọng trong việc thành lập cái cá tính tập thành mà cũng sẽ nói đến.
Trí tưởng tượng là một khả năng cần thiết cho sự sinh hoạt. Thiếu nó, đời sống khó mà tồn tại, Bergson nói: “Đời sống chúng ta hướng về tương lai”. Có những người tưởng rằng họ kém tưởng tượng, dù vậy họ cũng có dùng đến nó, dùng để tiên đoán về tương lai thiển cận.
Óc phán đoán là khả năng trọng yếu nhất của cá tính. Nó đứng trên chót vót cái tòa nhà trí tuệ vì nhờ nó mà chúng ta có thể đánh giá, đo lường sự vật. Nó cũng ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống tình cảm chúng ta. Như thế, vai trò của óc phán đoán cũng ảnh hưởng đến tất cả mọi thể thức phô diễn, trong đời sống thực tiễn, trong trường doanh nghiệp, trong đời sống tình cảm, cũng như trong đời sống tinh thần.
Những thói mê tín, những lỗi lầm, những hớ hênh đều do phán đoán sai lầm mà ra cả, nguyên do vì óc phán đoán do bẩm sinh rất kém hoặc vì một bẩm chất nào đó thuộc cảm tính phát triển quá mạnh để có thể hủy diệt óc phán đoán trên một vài phương diện nào đó.
Mọi người đều có cái cá tính thiên nhiên và đặc tính của nó là bất di bất dịch, nó được di truyền từ lúc chúng ta sinh ra, do những tổ hợp mới mẻ song không có sự “tiến bộ” nào về phẩm cả, bởi nó được kết hợp một cách may rủi, những nhà thần học có thể dựa vào đó để bênh vực tin điều cho rằng mọi người đều mắc tội tổ tông và nhân loại cần được cứu rỗi…
Song nếu muốn bác lại, người ta cũng có thể viện lẽ rằng sở dĩ mắt phàm của con người nhận thấy cái tính cách bất di bất dịch của cá tinh thiên nhiên là bởi cái thời gian của những “thời kỳ lịch sử” chỉ là một nháy mắt sánh với những “thời đại địa chất” hoặc “thời đại thiên văn”. (Một nhà bác học, ông Rchard Carrington viết trong quyển A Guide To Earth History: Nếu chúng ta thâu gọn lại lịch sử quả địa cầu trong một năm thôi chúng ta sẽ thấy rằng phải đợi đến tám tháng qua sự sống mới xuất hiện. Hai tháng kế tiếp đó chỉ có những sinh vật thô sơ, từ những vi phân, những vi trùng chỉ có một tế bào đến những con sứa. Loài vật có vú chỉ xuất hiện vào tuần lễ thứ nhì của tháng chạp. Và con người, con người như chúng ta thấy hiện giờ chỉ ra đời vào ngày 31 tháng chạp lúc 23 giờ 45 phút. Còn cái lịch sử văn minh có biên chép lại đàng hoàng thì chỉ thấy kể lại từ phút sau cùng trong năm (dẫn theo tạp chí “Sélection số tháng 4 năm 1956).