m tôi bây giờ ở Hà Nội. Từ ngày tôi vào Nam đến nay thấm thoát đã được ba năm. Ba năm trời xa nhau, anh em tôi không có dịp nào trao đổi thư từ, tin tức. Thỉnh thoảng tôi viết về Bắc tấm bưu thiếp thì vài tháng sau mới nhận được cũng trên khuôn khổ mảnh giấy nhỏ bé điền sẵn chữ in ấy, em tôi gói ghém gửi vào trong này cho tôi một chút tình thương giới hạn.Mấy hôm nay trời chớm lạnh. Heo may trở gió sang mùa thu rồi đây. Lòng tôi bỗng nhiên trống trải như túp lều giữa khoảng đồng không mông quạnh. Hơn cả bao giờ, tôi thấy nhớ chân trời quê hương quá. Những hình ảnh thân yêu hiện ra rõ rệt và buồn thương se sắt. Tôi ngồi lặng im cho cạn niềm đau khổ, hy vọng sẽ quên đi tất cả trong giây lát. Nhưng tôi lại bắt gặp những kỷ niệm tha thiết giống như mọi lần. Đấy là Dực, chú em nhỏ yêu dấu của tôi.Năm 1951 gia đình tôi về thành. Trạm hồi cư là tỉnh Thái Bình, quê hương của mẹ tôi, miền đồng chua nước mặn. Ở đấy, anh em tôi đã sống những tháng ngày cùng cực, đói rách vì hồi ấy cha tôi bị Tây bắt giam cầm sau trận hành quân chớp nhoáng.Thoạt tiên mẹ tôi thuê một căn nhà gianh tồi tàn ở phố An Tập cách tỉnh ly hơn cây số. Ngày ngày mẹ thôi xôi nấu chè đem lên phố bán cho lính. Hai đứa em gái sợ Tây nên chỉ ru rú ở xó nhà thay phiên nhau coi em nhỏ. Tôi và Dực bạo dạn hơn cả, rủ nhau vác dao lên tỉnh kiếm củi. Câu chuyện “phi thường” này em tôi đã làm hồi ấy ghi sâu vào tâm khảm tôi khó phai mờ.Một hôm anh em tôi chặt củi xong toan về thì bọn lính Tây đi tới. Mấy thằng mũi lõ yêu đời tệ. Chúng gặp bọn trẻ con Việt Nam, cười nói ầm ĩ và đem kẹo sô-cô-la phân phát, cảnh tượng ấy lọt vào đôi mắt thơ dại của em tôi. Em nhìn những thanh sô-cô-la thèm muốn quá. Tôi biết, vì cứ thấy em nuốt nước bọt ừng ực. Bỗng em hỏi:- Anh Long ơi làm thế nào để xin kẹo Tây hở anh?- Chìa tay ra làm hiệu.- Anh ăn kẹo sô-cô-la chưa?- Ăn rồi, sao em hỏi ngớ ngẩn thể?- Em ra xin anh nhé!- Đừng, khốn nạn lắm.- Tụi kia thì sao hở anh?Em tôi nói giận dỗi, tuy nhiên mắt vẫn không rời đám trẻ con.- Mặc kệ, em cứ xin đây.Và em ù té chạy, tôi chẳng kịp ngăn cản. Phút chốc tôi thấy đám trẻ nhỏ bằng tuổi em giãn cả ra, còn tụi Tây vẫn cười như phá. Chúng nó vỗ tay ầm ỹ. Thì ra em tôi và đứa nhỏ khác cùng dại dột đang đánh đấm nhau về mấy miếng sô-cô-la. Tôi dành thúc thủ, hồi hộp, lo âu. Chắc chắn mấy mũi giầy đinh sẽ không ngần ngại đá bụng tôi nếu tôi can thiệp.Lát sau, cuộc tranh hùng bế mạc, em tôi lếch thếch trở về chỗ tôi ngồi chờ. Quần áo rách tứ tung, mặt mày sứt sát, em tôi đau lắm.- Sao thế em?- Thằng kia cướp của em. Nó đánh em, em đánh lại, cố giữ kẹo về cho bé Hải. Em sự rơi, vội bỏ vào túi nên bị nó đấm vào bụng.Rồi em móc kẹo đưa tặng tôi. Tôi lắc đầu từ chối.- Anh giận em hở anh?- Không đâu, em ăn đi.Nghĩ thế nào em liệng kẹo ra xa. Tôi nín lặng nhìn đứa em ngây dại mà ứa nước mắt. Em tôi òa lên khóc. Sau này lớn hơn, từng trải hơn, hiểu thấm thía hơn ý nghĩa thèm khát, tôi càng buồn tha thiết câu chuyện tranh giành kẹo sô-cô-la của em tôi.Ít tháng sau cha tôi được thả, người lại kinh doanh nghiệp cũ. Từ đây đời chúng tôi tạm gọi là tươi đẹp. Em tôi cắp sách đến trường học tập giữa lúc thiên hạ rủ nhau về Tề đông như trẩy hội. Nhà tôi dọn lên tỉnh lỵ. Mẹ tôi vội vàng quẳng cái gánh xôi chè đau thương để trở về nhiệm vụ săn sóc con cái. Mọi người đều có việc làm. Riêng tôi vẫn nằm trông tháng ngày trôi xuôi. Em tôi bây giờ đã bớt ngô nghê, thông minh hơn độ nọ đôi chút.Tôi yêu em - dĩ nhiên - nhưng còn những cái vượt trên cả tình anh em, những hình ảnh rõi sâu vào tâm khảm mà ở nơi em, ở nơi người bạn tâm tình nho nhỏ, tôi nhớ đến muôn đời. Như đôi mắt đen và sâu hoắm, cái đầu bò liếm vẹt một khoảng tóc ngôi bên trái của em sao mà dễ cảm thế! Mặt em, trên đôi má bánh đúc có lấm chấm vài mụn in vết như người mắc bệnh đậu. Mỗi lần mẹ tôi mắng yêu hoặc anh em trong nhà chế là “thằng rỗ huê”, em tôi khóc vòi không ai dỗ được. Vì em có rỗ đâu, nói thế con gái hết mê em.Ở trường em hay đánh nhau lắm. Em tôi chẳng hề hãi một đứa trẻ nào bằng lứa tuổi hay lớn hơn em chút ít. Thấy em “anh hùng” quá, tôi thường khuyên bảo nhưng em chỉ vâng dạ cho có lấy lệ rồi chứng nào vẫn tật ấy. Mãi có lần cu cậu bị đứng thứ bét, hạnh kiểm xấu, cha tôi nện cho một trận mê tơi và bắt tôi kèm em học, em mới hết gây hấn.Em học dốt quá chừng. Tháng nào cố ngoi ngóp mới được xếp hạng 38 trong số 45 học trò. Tính đố là môn em sợ nhất, là môn cả năm em ăn dê-rô. Nhằm đúng chỗ yếu đó của em, tôi dạy nhiều hơn cả. Tôi kèm Dực và hai đứa em họ vào mỗi buổi sáng. Hôm nào không có tính đố thì lớp học im phăng phắc. Nếu có tính đố thì tiếng hò hét, tiếng roi vọt, tiếng khóc nức nở làm cho mẹ tôi phải mắng tôi nhiều lần:- Dạy em làm gì mà hét ầm lên thế, không sợ ho lao hay sao? Trẻ con dạy ngon bảo ngọt nó mới nghe chứ.Nhưng mẹ đi khỏi tôi vẫn cứ hét vì tôi muốn em chóng giỏi, vì tôi yêu em, tôi quý người bạn tâm tình nho nhỏ ấy lắm. Có một bận cả nhà tôi cười, chuyện như sau:Tôi bắt Dực lên bảng, ra bài tính đố: “Ông Lý Toét có số tiên là 4.800 đồng, trước khi chết đem phân phát cho 4 người con. Hỏi mỗi người được bao nhiêu”? Em tôi run run, ngập ngừng bước lên bảng. Thấy cử chỉ lúng túng của em, tôi đã thầm đoán được kết quả rồi nên chỉ liếc em mà thương hại:- Thế nào dễ hay khó chú mình?Em lặng thinh không nói.- Bây giờ muốn biết mỗi người con nhận được bao nhiêu phải làm tính gì?Ở dưới có tiếng xì sào “cộng cộng”. Em vẫn đứng im.- Làm tính gì? - Tôi hét lớn.- Thưa anh... em không làm được ạ!Em tôi trả lời với tất cả sự sợ hãi rồi ngây người ra chờ đợi hình phạt. Lúc ấy sao tôi ghét cái đầu bò liếm của em thế. Tôi bực tức quát lớn:- Đồ ngu. Dực chỉ đáng làm con bò thôi. Anh hẹn hai phút nữa Dực phải làm xong.Trong khi chờ đợi, tôi hỏi hai cậu em họ “quý tử”.- Làm tính gì? Ai biết?- Thưa anh tính cộng.Tôi giận lắm nhưng vờ cười khen các em giỏi. Các cậu tưởng đúng cười thích chí. Em tôi chẳng khác gì thằng chết đuối vớ được tấm mảng. Hỡi ơi! Tấm mảng này lại mong manh quá. Hai phút gần hết, em thẹn thùng trả lời:- Làm tính cộng...Hết cả bình tĩnh, tôi tặng mỗi cậu học trò người nhà một thước kẻ nên thân. Chưa đứa nào dám khóc.- Cộng à, cộng sản hả lũ mán, làm tính gì Dực?- Trừ ạ... - Em nói bừa khỏi cần suy nghĩ.Dĩ nhiên tôi lại vụt cho em một thước kẻ nữa.- Tính gì?- Nhân ạ...-....- Chia ạ...Tôi khoan thai đáp “đúng rồi” nhưng vẫn đánh mà lần này đánh nhiều hơn, đau hơn. Cả ba đứa khóc vang nhà làm cha tôi, mẹ tôi rồi em gái tôi đều ngừng việc chạy vào lớp học. Cảnh tượng khá khôi hài. Tôi ngồi im lặng, trong tay còn lăm lăm cái thước kếch sù. Ba cậu học trò người nhà sụt sùi, nức nở, lệ rơi tơi tả trên sách, trên bàn. Giá góp số nước mắt ấy lại cũng có thể thay nước lã pha nổi một lọ mực.. Thấy cha mẹ tôi can thiệp, Dực khóc to hơn, ai oán hơn.- Sao thế Long? Anh dạy em mà cứ đánh chúng nó luôn luôn. Trí óc trẻ con non nớt, dễ sợ, dạy chúng mà làm chúng hoảng hồn thì chúng không hiểu gì đâu.Cha tôi dịu dàng giảng khoa sư phạm cho tôi và hỏi Dực:- Tại sao con bị đánh?Em mếu máo nói trong nước mắt:- Anh Long ra tính đố, hỏi làm tính gì con trả lời tính cộng anh ấy đánh, tính trừ anh cũng đánh, tính nhân anh cũng đánh (đến đoạn này em lý luận làm cha mẹ tôi phì cười). Rồi tính chia là đúng anh cũng đánh nốt. Có bốn phép tính anh đánh cả bốn thì con biết làm tính gì?- Sao Dực không nói ngay là...Tôi chưa kịp dứt câu, mẹ tôi đã xua tay:- Thôi mẹ hiểu rồi. Cho các em học đi đừng đánh em nữa, tội nghiệp.Mọi người bỏ ra sân cười ầm ĩ. Tôi còn nghe theo được tiếng nói cuối cùng của mẹ tôi:- Học trò với thầy giáo thật đoảng vị!Phút chốc tôi cũng buồn cười những hành động vừa qua.Em tôi dốt toán lại lười nữa. Em ham chơi hơn học. Sau buổi học ở trường về thì em chỉ cặm cụi làm diều, sáng tác nhiều kiểu chơi mới lạ và... đánh nhau chí chóe. Em giỏi về môn vật đối với tụi trẻ con hàng xóm nên đứa nào cũng gờm. Có lần tôi bị cha mắng vì tổ chức cuộc tranh tài sôi nổi. Bữa ấy Dực thắng giải, em đánh ngã ba lần những đứa to hơn, giữ chức vô địch.Khi tôi hỏi em “học bài chưa” em đều đáp “rồi” tuy chả lúc nào tôi nghe em học. Thế mà đến lúc em đọc vẫn thuộc mới chết chứ. Không những vậy em còn thuộc rất nhiều bài chính tả nho nhỏ trích của các nhà văn nhà thơ Việt Nam nữa. Lúc cao hứng em đọc, thế nào dứt bài cũng có tên tác giả. Em thích bài “Mồ côi” lắm. Luôn mồm em đọc:“Con chim non không tổTrẻ mồ côi không nhàHai bên cùng đau khổCùng vương vất bê tha”.Môn tủ của em tôi đấy. Dạy toán pháp thấy em dốt nát tôi cứ ngỡ em ngu đần, ai ngờ em có “khiếu” văn chương tệ.Đọc chuyện trẻ con của Tô Hoài, em nhớ vanh vách. Những đoạn văn tả “Bữa cơm tối, Mặt trời mọc, Chiều, Mùa gặt...” của Trần Tiêu, Thạch Lam em thuộc lòng nên làm luận cứ việc tương vào mới bạo phổi chứ! Em còn là cây “quốc văn giáo khoa thư”. Ai muốn nghe tôi khôi hài không? Em sẽ vờ làm thằng nhút nhát, đọc chuyện luân lý:- “Ba, ra ngoài sân mang cái rổ vào đây cho tao.- Con sợ lắm.- Sợ cái gì?- Trời tối lắm con sợ ma!...”hoặc bài tập đọc:- “Ôi chao! Có người đứng rình bên ven tường.- Người đâu, đâu nào, chỉ nói nhảm!...”Ai cũng buồn cười vì chỗ nào đối thoại, em bắt chước nói hai giọng duyên dáng đáo để. Tôi để ý tới trình độ quốc văn của em từ bài chính tả đầu tiên. Em viết rất ít lỗi. Cho đến hôm tôi ra bài tập làm văn “Tả buổi tối trong gia đình” thì lại càng phục em. Đoạn kết em viết ngây thơ và thành thực như niềm thương không chia giới hạn:“Tôi đang sống với gia đình tôi, sung sướng lắm nhưng ngoài trời bao nhiêu người đang lăn lộn với bom đạn. Có người không nhà cửa ở rét mướt. Tôi thương hại họ quá. Giá bây giờ có em bé mồ côi nào đến gõ cửa, tôi sẽ nói với mẹ tôi cho em vào ngủ với tôi cho ấm áp”.Chuyện em tôi không phải chỉ có chuyện học hành. Vào những buôi chiều đẹp, tôi hay dắt em ra bờ sông Trà Lý nhìn trời, mây, nước. Có lẽ, em thú vị hơn cả những lần dẫn em đi ăn phở, uống nước cam. Em hỏi tôi như một thi sĩ hỏi người yêu:- Anh Long này, con thuyền kia trôi về đâu?- Về bến em ạ!- Cánh bèo kia trôi về đâu?- Ra bể.- Rồi đi đâu nữa hở anh?- Ra đại dương.- Rồi đi đâu nữa?- Rồi nó theo mình về nhà.Và tôi dẫn em về, không muốn để em mơ mộng để rồi không trả lời được em nữa. Em tôi ưa ngồi nói chuyện với tôi sau khi đã giải trí bằng mấy cú đấm trẻ con hàng xóm. Tôi tự hỏi nhiều lần sao em chẳng thích nghe chuyện cổ tích mà chỉ cầu khẩn được trả lời những câu hỏi vu vơ. Hay trong lòng em đã ấp ủ một hoài vọng mà em chưa biết đến, mà tôi hiểu sao nổi ý nghĩ của một thằng bé chưa đầy chín tuổi đầu. Có khi đang ngôi bên nhau, em vội bỏ tôi, chạy nhặt chiếc lá rơi đem vào hỏi:- Sao lá lại rơi hở anh?- Người ta bảo mỗi thu về thì lá vàng rụng rơi. Em có thuộc bài “ngày khai trường”...- Của “ông tác giả” Thanh Tịnh chứ gì, em thuộc lòng “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều”...Tôi định làm em quên lá rơi bằng cách dụ em đọc bài tập đọc, nhưng mới được câu đầu, em trở lại chuyện lá để dồn tôi vào ngõ bí.- Em muốn hỏi ai làm nó vàng hở anh?- Gì?- Lá ấy mà anh ạ! Ai làm lá vàng?- Thời gian.- À, à nhưng mà thời gian là gì hở anh?- Em hỏi vớ vẩn lắm, nhìn chim sẻ líu lo trên cây cau kia kìa...- Ai sinh ra cây cau?- Người ta trồng nó em ạ!- Ai sinh ra nó cơ mà?- Dực lôi thôi ghê đi ấy, em nhìn mặt trời sắp lặn, nắng rớt trên tầu cau đẹp chứ em?- Tại sao có mặt trời hở anh?- Để tối nay nhìn trăng đã.- Trăng có họ hàng anh em không? Họ có thương yêu như mình không anh?- Thôi để lúc nào anh kể cho em nghe, bây giờ anh dạy em nốt bài “Chiều quê” nhé!- Vâng ạ.Chuyện như thế xảy ra luôn, có nhiều câu hỏi tôi trả lời được nhưng mình nói mình nghe chứ em hiểu sao nổi. Chả lẽ nói dối em. Tôi không dám vì sợ làm hư hỏng bộ óc thơ dại của em nên tôi chỉ tìm cách lờ đi. Thỉnh thoảng tôi hỏi em:- Anh đánh em, em có ghét anh không?- Không đâu vì Dực yêu anh Long lắm.- Em có biết tại sao anh đánh em?- Vì anh muốn em giỏi.- Thế Dực có muốn giỏi tính không?- Không anh ạ! Em ghét tính lắm. Tính không làm em thuộc lòng như bài “cổng làng”.Nghe em nói thành thực mà thương hại. Từ đây tôi ngừng hẳn mọi hình phạt, có cái roi mây mới tảo, tôi vội vất đi. Không đánh, không hò hét như trước nữa, lớp học bỗng nhiên vui vẻ, thân mật và các em tôi được tự do kể những mẩu chuyện thật nên thơ.Bên hàng xóm có cô bé ở hậu phương mới về, duyên dáng và xinh tệ. Tôi cảm thấy mê cô ta nhưng ngu si quá, khó diễn tả được nỗi ước muốn của mình. Tình đầu chởm nở trong lòng tôi rạo rực, băn khoăn ghê gớm. Tôi muốn biết tên cô, điều ấy dễ, song làm cách nào để cô hiểu rõ nỗi lòng tôi, đấy mới khó. Vậy thì tôi chỉ biết ngâm tràn thơ Nguyễn Bính. Cô hàng xóm xinh đẹp của tôi đã lân la sang chơi với em gái tôi. Dực mách tên cô ta là Phương, Ngọc Phương. Đến lúc đôi lứa thân mật, cha tôi quyết định cho tôi về Hà Nội tạm ở với chú tôi để nối tiếp việc học hành.Nửa tháng nữa tôi rời Thái Bình, quê hương của mẹ, nơi có dòng sông Trà Lý êm ả chảy xuôi về nhưng cảnh đồng mầu mỡ Tiền Hải, Kiến Xương. Em tôi được tin bỏ hai bữa ăn. Tôi phải an ủi em và nói trước khi đi nhờ em một việc. Em vui vẻ nhận lời. Trước ngày tôi xa gia đình, họ hàng bà con đến cho tiền và cho luôn cả mớ giáo huấn đã quá ư quen thuộc. Hành lý sẵn sàng rồi mà người ta còn ân cần dục tôi xem có thiếu gì. Tôi không muốn nghe nữa, bao nhiêu ý tưởng đều dồn hết vào lá thư dài bốn trang giấy sắp sửa nhờ Dực đem cho Ngọc Phương. Lúc ấy em đang thập thò ngoài cửa. Tôi nháy mắt, em bước vào. Tôi chỉ cho em quyển sách trên giường. Đã được dặn dò, em hành động ngay. Khi em đi, tôi cũng xin phép đi nói là đến chào bè bạn. Thực ra tôi đứng chờ em ở góc phố. Làm xong công việc “tầy trời” ấy, tôi khao em chầu phở. Tôi thủ thỉ với em:- Nếu chị Phương viết thư trả lời anh, anh sẽ không đi Hà Nội nữa. Anh ở Thái Bình với em cho vui.Em sung sướng, luôn mồm em “lạy trời chị Phương viết thư”. Tôi cũng nghĩ vậy, nếu Phương yêu tôi, tôi giả vờ ốm ở lại ít lâu. Nếu Phương từ chối, tôi đi cho đỡ ngượng. Hai anh em tôi đi chơi trắng buổi chiều đến tối mới về, run run, hồi hộp.Chúng tôi bước vào giữa lúc nhà đang ăn cơm. Thấy anh em tôi, cha tôi buông đũa bát đứng dậy tóm cổ Dực tát mấy cái liền. Em khóc van xin, cầu khẩn. Vô ích. Cả nhà nín thinh. Tôi hỏi mẹ:- Em Dực tội tình gì?Mẹ thở dài không đáp. Cha tôi quát lớn trả lời tôi:- Ai cho phép mày đưa thư cho cô Phương?Em ngước nhìn tôi, đôi mắt đẫm lệ, lặng im. Tôi cảm động đến nghẹn lời. Giây lát tôi cố can đảm gỡ tội cho em:- Con, thưa cha con ạ!- Con à, đồ mất dậy. Mới tí tuổi đầu đã trai gái. Thư với từ không sợ người ta chửi vào mặt tao à? Người ta ném trả lại mày đây, đọc xem nào!Sợ cha tôi làm dữ, mẹ tôi từ tốn can xin, viện lẽ mai tôi đi rồi. Rồi mẹ cầm bức thư, xé “tác phẩm” đầu tay của tôi tơi tả không thương tiếc. Cha tôi bỏ đi, đe dọa:- Lên Hà Nội mày hãy coi chừng!Hai anh em lủi thủi dắt nhau xuống nhà. Tôi liếc nhìn sang bên cạnh thấy bóng dáng Ngọc Phương tựa cửa mơ màng. Lòng tự ái bị tổn thương, tôi không còn rung động được nữa. Đêm ấy, anh em tôi ngủ chung một giấc dài. Chuyện tình đầu tan vỡ đánh dấu chuỗi ngày ly biệt của anh em tôi. Sáng hôm sau tôi đi. Theo tiễn ra xe có hai đứa em gái, mẹ tôi và Dực. Cảnh tượng của kẻ ở người đi nào mà chẳng giống nhau. Tất cả nhìn tôi thương tiếc làm tôi cứ tưởng xa mãi mãi hình ảnh thân yêu ấy. Cho tới lúc xe nổ máy, Dực mới cảm khái nói một câu trong “quốc văn giáo khoa thư”:- “Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”Tôi cười, nhìn em thông cảm. Em không cười mà khóc, nước mắt nối hàng rơi xuống đôi má non nớt còn in vết sự trừng phạt tối qua.