Lần gặp gỡ ấy là một vận may đối với Văn Thiên Thành, ví như ngày xưa Mã Siêu gặp được Lưu Bị mừng rỡ quá mà thốt lên “nay tôi gặp được minh chúa thì ví như vén đám mây mù mà trông thấy trời xanh”.Họ Văn cũng thế, y cảm thấy gặp người có thể giúp mình được.Đó là điều y khác với Hồ Vũ.Và đó cũng là điểm phân biệt y với Hồ Vũ.Ngắm nhìn Bác Sanh tự nhiên Hồ Vũ chợt nhớ đến Bác Kình, họ thật là giống nhau, nhưng Bác Sanh từ bấy lâu nay đã buông dao đồ tể và bây giờ ngồi trong cái tòa dinh thự vĩ đại này ông ta đang mong tìm đến một bờ bến mới…Trong lúc đó thì Văn Thiên Thành bắt đầu nói, y trình bày một ý định làm ăn thật là kỳ lạ mà có lẽ trong thời điểm đó chỉ có y với cương vị từng là chủ lò gạch mới có thể nghĩ ra được.Đó là thời điểm mà Bình Dương mới bắt đầu rục rịch phát triển, ý định của Văn Thiên Thành là sẽ mua một khu đất thật lớn khoảng trên 20 héc ta, cạnh bờ sông. Sau đó sẽ lên dự án làm khu trang trại sinh thái, đào một số ao hồ để làm nhà hàng thủy tạ, thả cá chép hay cá tai tượng, xung quanh xây biệt thự, nhà nghỉ…Điều này cũng bình thường thôi, nhưng cái làm Bác Sanh lắng nghe là việc khác: Khu đất mà ta mua sẽ thuộc loại đất chỉ dùng để làm gạch, không phải loại làm gốm vì thế sẽ không quá đắt. Hơn nữa sẽ xây những lò gạch ngay cạnh để tận dụng đất sét, né việc phải đóng thuế khai thác khoáng sản, một loại thuế rất nặng, tính trên từng xe đất sét thành phẩm. Cái quan trọng là tôi có sẵn các mối mua gạch thuộc Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh… Ao hồ đào đến đâu làm gạch xây dựng bán đến đó, vận chuyển bằng đường sông, tránh sự dòm ngó của đám thuế vụ. Phần còn lại để xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ, làm đường nội bộ… Nếu tính toán hợp lý, đào sâu từ sáu đến tám mét để làm gạch thì ta sẽ lấy lại vốn mua đất ngay sau khi hoàn thành phần cơ sở hạ tầng, xem như toàn bộ trang trại là lãi ròng.Văn Thiên Thành có lợi thế là y có nghề làm gạch lâu năm, không sợ rủi ro trong quá trình xây lò và chất lượng gạch, cộng thêm cái đầu óc kinh doanh bẩm sinh để có thể vạch ra được những dự án lớn mà các tay chủ lò gạch khác không thể tưởng tượng ra được. Trong lúc đang sa cơ lỡ vận, không một xu dính túi, phải mượn cả tiền của Hồ Vũ mới có để chi dùng mà y vẫn không quên nuôi chí lớn, con người của Văn Thiên Thành là như thế.Bác Sanh chỉ im lặng, ông ta đã từng làm nhiều công việc tương tự… ở xứ sở kỳ quặc này phải dương đông kích tây thì cơ may thành công mới hé lộ, đó là cái mẹo “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, mèo trắng bắt chuột trắng” mà Văn Thiên Thành đang cố thuyết, Ông ta lại thấy ở họ Văn một tiềm năng lớn mà chính Lưu Đại Nhân cũng không có được.Lưu Đại Nhân có quá nhiều thành công và vì thế ông ta cũng có quá nhiều kẻ thù, hơn nữa đó là một người thích phiêu lưu mạo hiểm, khó có thể dùng lâu dài được.Bác Sanh cần một người hơn thế… cũng đã đến lúc phải thay ngựa rồi… Trong lúc họ Văn thao thao bất tuyệt thì Hồ Vũ lại ngồi mơ màng, y không quan tâm hay không hiểu mấy về cái dự án này, y chăm chú nhìn lên trần nhà, nơi có treo một cái đèn chùm tráng lệ.Y nhớ ngày nào từng bắt những con đom đóm bỏ vào trong lọ thủy tinh để chiếu sáng… thời xa xưa ấy, cái thời của “đèn đom đóm”.Y nhớ đến “Nàng”, nàng vẫn ngồi bên cạnh y nhưng chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng chói chang của mặt trời, huống hồ là cái ánh sáng mong manh của đom đóm. Có lần Bác Kình nói “chú cũng đâu có nghèo gì mà sao sống cứ như kẻ không nhà…” – “sao chú không lấy vợ và xây một căn nhà đàng hoàng?”.Một kẻ như Bác Kình tất nhiên không thể hiểu được cái gọi là “nhà” trói buộc con người như thế nào, nhà càng cao rộng, nguy nga, sang trọng thì càng trói chặt. Hồ Vũ từng thấy biết bao người tự giam mình trong những cái chuồng cao sang, lộng lẫy và họ không còn thấy cái gì khả dĩ xa hơn là cái chuồng của họ. Đến khi chết đi thì cũng phải chui vào một cái hộp chật chội như bao người khác?Xung quanh Bác Kình lúc nào cũng có cả chục đệ tử thuộc dạng “hàm rô trán bếch, mắt sếch răng nhô…”, sinh ra đã gần nhà tù hơn là trường học. Chưa kể đến đám đàn bà trẻ đẹp – Một kẻ như thế thì có thể nhìn thấy gì ngoài kim tiền? có thể ngửi thấy mùi gì ngoài mùi kim tiền?Sau này khi đã chơi thân với Chín Lênh Đênh, cùng y đi khắp các nhà hàng, vũ trường sang trọng bậc nhất của chốn Sài thành, ngồi suốt đêm dài với các vũ nữ trẻ đẹp, có lần Chín Lênh Đênh bất ngờ hỏi “chú có bao giờ ngửi mùi chồn hương chưa?” – Y cười ha hả và nói “anh đoán chú mày chưa hề biết đó là gì…”. Hãy nhớ rằng cái mùi vũ nữ nó nhạt nhẽo lắm, nó chỉ làm người đàn ông si mê trong một khoảnh khắc rồi tan biến đi rất nhanh… nó không bao giờ có thể làm lắng đọng, làm thời gian như ngừng lại… không thể tỏa mùi như loài chồn hương dù cho có mưa gió dầm dề như thế nào cũng vẫn còn phảng phất.Rồi y kể “Con chồn hương bao phủ toàn thân một bộ lông màu vàng tro. Nó sống bằng những cây cỏ thơm gọi là “cỏ xạ hương”, vì thế đi đến đâu nó cũng tỏa ra một mùi thơm nồng nàn. Người ta săn lùng và giết hại loài chồn hương một cách ráo riết chỉ là để lấy cái túi xạ… con chồn hương chết là vì nó sở hữu cái túi xạ độc nhất vô nhị đó, đàn bà cũng vì sở hữu cái sắc đẹp trời cho mà nhiều khi phải trả giá đắt, loài người gọi đó là “hồng nhan bạc phận”. Nghe Chín Lênh Đênh nói thế bất giác Hồ Vũ nhớ đến lần bồng Lưu Hoàng Yến ra khỏi chiếc xe bị lật, trong lúc trời con mưa to, sình lầy lết bết như vậy nhưng y vẫn thoang thoảng ngửi thấy một mùi hương thật quyến rũ.Thời đó trên con đường THD rộng lớn có một quán bar nổi tiếng vào bậc nhất, của một tay trùm cũng vào bậc nhất thời đó, mỗi khi vô mánh lớn, trúng vài khối cẩm lai hay gõ đỏ là Chín Lênh Đênh lại dẫn Hồ Vũ đến đây “chú phải biết đất Sài thành này ăn chơi như thế nào, phải thấy gái Sài thành quậy bạo như thế nào…”Có lẽ gái đẹp tụ về nơi đây cả.Tụ về giữa quán, các em đứng để rót rượu, bao quanh là một cái bàn tròn, đám đàn ông say khướt ngồi xung quanh.Vào đây mà không say kể cũng lạ.Nếu dẫn bạn gái đi thì có thể qua phía bên, có sân khấu và ca sĩ chuyên nghiệp biểu diễn với những màn múa lửa rừng rực.Nhưng đàn ông phần lớn tụ tập ở chỗ này.Chín Lênh Đênh uống liên tục không nghỉ, rượu XO ở đây giá gấp năm lần bên ngoài, nhưng mua hai chai sẽ được tặng thêm một chai vì thế dân chơi bao giờ cũng phải cố uống cho đủ cặp.Mấy em rót rượu xinh như mộng, chỉ độ đôi tám, mặc váy ngắn cũn, áo hở ngực hở bụng, đứng phô ngay trước mặt, thỉnh thoảng lại lắc lư uốn éo theo tiếng nhạc, khi rót rượu nếu khách mời cũng sẵn sàng uống nên nhiều em mặt trở nên đỏ hồng, mắt long lanh. Còn có vài em mặc áo dài mỏng tha thướt thêm vạn phần hấp dẫn.Chín Lênh Đênh dẫn Hồ Vũ vào đây là phải say mèm.Nhưng phải đợi đến nửa đêm thì không khí mới trở nên cuồng loạn, lúc đó tất cả đàn ông còn lại đều tập trung về đây, nhạc chỉ còn phát ra một thứ tiếng “thình thình” to như sấm, đèn tắt hết và chỉ còn một thứ ánh sáng chớp giật liên tục… các em rót rượu bấy giờ mới bước lên bục và bắt đầu những điệu nhảy quằn quại…Thế nhưng cái tầng dưới này chỉ là để dành cho đám thực khách bát nháo thuộc hàng em út, nếu là dân có máu mặt thì phải bước lên tầng trên, đó mới là chốn “tiên bồng” thực thụ. Đó là nơi đi mây về gió của các tiên ông và tiên bà, Hồ Vũ nhìn thấy vài em trên người chỉ mặc độc cái quần sịp nhỏ xíu, bộ dạng lả lơi đang phê khói thuốc, thấy những gã đàn ông ngồi gục mặt lim dim hàng giờ trong làn khói trắng. Chín Lênh Đênh không dừng ở đây, y dẫn Hồ Vũ lên tầng trên cùng, nơi đây lúc nào cũng ngập trong cái không khí căng thẳng của một sòng bài với những “chến” đánh vào hàng lớn nhất ở cái xứ này…Hồ Vũ không quan tâm mấy đến lời thuyết của Văn Thiên Thành, y mải nghĩ về cái mùi hương tưởng chừng xa lạ, nhưng lại nồng nàn, giúp ta nhận ra người ấy giữa hàng trăm, hàng vạn người tấp nập… đó là cái mùi xạ hương của tình yêu, của thủy chung, của thương nhớ và xa cách… Một câu nói của Bác Sanh vang lên kéo Hồ Vũ trở về với thực tại “anh chỉ uống rượu pha mật gấu rừng,cao hổ cốt… chứ ba cái thứ rượu XO chỉ đáng để anh… rửa chân thôi”Hồ Vũ bất giác phải mỉm cười bởi vì y đã từng nghe Bác Kình nói một câu tương tự...Xưa có một lần Bác Kình bị hàng tá đơn kiện lên chính quyền vì khai thác cát bừa bãi trên sông. Mọi người tưởng lần ấy y “tiêu” rồi, nhưng Bác Kình đâu có dễ thua như thế, sẵn đang có 2 chiếc sà-lan đang hồi mục nát, thanh lý bấy lâu nay mà chẳng có ma nào mua, Bác Kình cho tàu kéo ngay đến trạm giao nộp, lần ấy Trạm được cấp trên khen thưởng vì “thành tích” đã bắt được tang vật hẳn hòi… Bác Kình đã tận tâm “cống hiến” cho trạm nên tất nhiên việc khai thác cát của y cứ tiếp tục đều đều như cũ… y lập tức đóng thêm mấy cái sà-lan mới chát…Bác Kình vững vàng như thế, hùng mạnh như thế chẳng lẽ y không có một điểm yếu nào? Thực ra không phải như vậy, Bác Kình cũng y như mọi người giàu ở trên thế gian này, đó là y rất tin vào các thế lực vô hình đã phù hộ độ trì cho y có ngày hôm nay. Càng giàu có thì hình như người ta lại càng tin vào những điều huyền bí… Từ cái ghế ngồi cho êm cái bàn tọa cho đến cái áo mặc cũng phải coi thầy coi bà cho nó đúng “cách”, đúng “phong thủy, thời vận”… Vì thế nên một kẻ keo cú như Bác Kình cũng cúng bái không tiếc tiền, hình như đó là chỗ duy nhất để y xài tiền mà không tiếc.Theo tưởng tượng của con người thì đời sống người âm cũng trần trụi và thô lỗ như của người dương vậy. Nhìn những món đồ cúng bái như tiền bạc, đô-la, vàng mã, quần áo, giày dép, nhà cửa, xe cộ… xem ra người âm cũng vô cùng… tham ăn, tham mặc… Và các vị thần quyền uy chắc cũng thích được quà cáp hậu hĩ nên vào những ngày lễ Bác Kình cúng bái thật long trọng, thật hoành tráng… hiển nhiên điều này quá đúng với ý của vị Pháp sư lắm lắm.Vị Pháp sư tốt số đó là một người đàn bà rất nổi tiếng ở Định Quán.Bà này pháp thuật nghe nói là vô cùng ghê gớm.Đến ngày nước lớn bà ta ra bờ sông ngồi chắp tay nổi lềnh phềnh trên mặt nước, thậm chí còn trôi ngược dòng trước hàng trăm cặp mắt thán phục của những người hiếu kỳ. Còn khi hành lễ thì từ miệng bà thầy nhả ra đủ thứ tượng phật bằng ngà voi hay nanh heo rừng không biết là thật hay giả, có khi còn bằng đồng thau vàng chói nhưng nói vô phép…chỉ vài ngày sau là trở nên đen thui. Có lần có người cắc cớ đòi xin một tượng phật ba mặt làm bà thầy thì nhăn nhó còn đám đệ tử thì gầm gừ, đành phải hẹn mấy ngày sau. Nơi bà ta hành nghề người lúc nào cũng đông như kiến, ba cái chuyện lấy thư, giải ếm từ người thân chủ ra thì hà rầm: “công việc của cô đang hanh thông mà bỗng dưng bị ách tắc phải không? – có kẻ tiểu nhân đang mưu đồ hãm hại, nó mướn thầy bùa thư ếm cô… thằng này thật cao tay và tàn ác, những số cô có quý nhân phò trợ chứ như người ta thì đã vong mạng rồi, hôm nay cô được Cậu thương là may mắn lắm…” - bà lấy một quả trứng gà, lăn lăn vài cái lên da là lấy từ đó ra đủ thứ đinh, tóc, vải… Nhiều khi bà phán dõng dạc “ ông xã còn thương cô lắm nhưng bị con đó bỏ bùa mê thuốc lú, hôm nay Cậu sẽ cho cô đạo bùa này về mấy ngày sau bảo đảm ổng sẽ trở về với cô ngay…”Lừa đảo mọi người để thu lợi, nhất là trong tâm linh sẽ gánh những hậu quả vô cùng, không thể biết trước được. Vì thế bà ta sinh ra những người con vừa câm vừa điếc, lại thêm khật khùng. “Ba cái thứ rượu XO chỉ đáng để anh… rửa chân thôi”, Hồ Vũ nghe Bác Kình nói câu đó trong lần dự đám đầy năm đứa con của ông ta với Bà Tư.Bà Tư thật trẻ, thật đẹp, nom như cô gái vừa qua tuổi dậy thì, chừng mười bảy mười tám, tay bồng con cứ như “con chị cõng con em”… Cô ta còn nhỏ tuổi hơn cả con trai lớn của Bác Kình nữa. Cô này là cháu ruột của Bà Thầy Pháp, lấy cô vợ này thì tình thân của Bác Kình và Bà Thầy Pháp càng trở nên thân thiết. Suy cho cùng thì mỹ nhân kế là một thứ gì đó cũ kỹ lắm… nhưng vẫn là một mưu kế vô cùng hữu dụng trước mọi con người, trước mọi sự xoay chuyển của thời gian.Chín Lênh Đênh dẫn Hồ Vũ đến những chốn xa hoa đó là một sai lầm lớn, y không lường được một kẻ như Hồ Vũ thì hay “thương hoa tiếc ngọc”. Hồ Vũ thấy tim mình như chùng xuống trước một đôi mắt u buồn, một dáng vẻ hao gầy và giọng nói run rẩy của một nàng vũ nữ, y có thể rất lịch duyệt trên chốn giang hồ những lại tỏ ra ngu muội trong ái tình hơn bao giờ hết.Đến khi Văn Thiên Thành phát hiện ra thì Hồ Vũ đã lậm rất nặng với một nàng Kiều xứ Huế. Y mướn nhà, bảo bọc cho cô ta đủ kiểu, Hồ Vũ tin rằng với một tình cảm chân thực của mình thì sẽ cảm hóa được trái tim vốn dĩ không có của một con người?Gợi buồn chi này Cố đô ơiHoàng thành kia giờ không thấy lốiTừng nét xưa đã phai rồi và dáng em cũng mất rồiCòn nữa đâu lời trăn trốiKìa dòng Hương sầu nước quên trôiNhịp cầu đang chìm theo bóng tốiĐò đứng mơ khách phương trờiĐường phố kia vắng không ngườiNhìn Cố đô núi ngậm ngùiThành xưaĐắm trong lửa khóiĐổ nát tơi bờiCòn chăng nước mắt rơiTìm đâuDấu tích cho đờiCố đô rã rờiMuôn vạn hồn chơi vơiAi có thể tìm về nơi quá khứ, ai có thể tìm về chốn xa xưa của một thời quên lãng? Lưu Đại Nhân là một người như thế, ông ta tin rằng mình có thể làm được tất cả, có thể làm được những cái mà người khác không bao giờ làm được.Đó là một ngày như mọi ngày, trên con đường đất đỏ quanh co, đầy ổ gà, đầy cạm bẫy… Những phát súng bắn tỉa không làm tổn hại đến Lưu Đại Nhân một cọng lông, nhưng những quả mìn thì có thể…Quả mìn chống tăng làm chiếc xe ben bật văng lên cao tít, xé nó thành hai mảnh và con người thì không còn lấy một mảnh thịt vụn.Không ai biết đó là một món quà của Thượng đế, của Bạn bè, hay là của Kẻ thù?Lưu Đại Nhân và Bảy Nổi…Họ ra đi thật nhanh, trong một buổi chiều cô quạnh….Trong cái điệu Tùng lỳ buồn bã, Lưu Phi Phượng Vũ bỗng nhìn thấy một người đàn bà nghèo khó đứng bên vách cửa, bên cạnh là một bé gái. Người đàn bà có cái gương mặt của kẻ nghèo hèn với ánh mắt đầy thèm khát và xin xỏ… gương mặt mà ta vẫn hằng thấy trên các nẻo đường gió bụi. Còn đứa bé thì lại khác, trẻ thơ không ý thức được giàu nghèo, chưa cảm nhận được sự nghèo khổ là nhục nhã như thế nào… vì thế một đứa trẻ con nhà giàu chưa chắc đã sung sướng hơn một đứa trẻ con nhà nghèo, chưa chắc đã vui chơi thoải mái bằng một đứa trẻ nhà nghèo.Nghe nói Lưu Đại Nhân đã thấy hai mẹ con ăn mày này bên vệ đường, ông ta thương cảm mà cho họ về tá túc.Đứa bé có ánh mắt trong veo và ngời sáng, cuộc đời chưa làm vẩn đục nó, nhìn ánh mắt ấy Lưu Phi Phượng Vũ bất giác thốt lên “Trước đây ta vẫn tưởng Hồ Vũ là người mà ta cần tìm… nhưng ta đã lầm. Lưu Đại Nhân đã ra đi rồi, ông đã kịp để lại cho ta cái mà ta tìm kiếm bấy lâu nay…”.