Ông Hóa không muốn và không được chứng kiến cảnh bà ra xe, cảnh bà lên xe. Nhưng ông tưởng tượng ra được cảnh đó. Nó không có gì đáng chú ý, chỉ tại ông nghe xa quá nên sợ thấy rồi phải nghĩ xa hơn nên đi trốn vậy thôi. Thái Lập Thành!Không có bà chủ nào mà ra lệnh cho tài xế của họ khác hơn bà Hóa, dài dòng hơn hoặc dịu giọng hơn bà, là vì không cần phải nói dài, và không cần cố ngon ngọt làm chi.Nhưng Minh lại nghe như cái câu ngắn ngủn ấy chém phớt qua tim chàng, không làm cho các cơ quan ấy đau, nhưng vẫn gây cái cảm giác tê tái khó chịu của xác thịt suýt bị thương. Cũng chỉ vì chàng nghe xa quá nên thất vọng.Xe xuống đường Tự Do, quẹo tay trái vào Thái Lập Thành, Minh cho xe chạy rề rề vì bà chủ không đưa ra địa chỉ nào cả, mà chàng không buồn hỏi.Khi qua khỏi chùa Hồi giáo, bà Hóa mới bảo ngừng. Minh thắng xe đứng lại ngay sau khi xỉa nhẹ vô lề.Huyền Trân mở cửa xuống, đi tới trước đầu xe rồi nói: Đi về nhà hay đi chơi đâu thì đi, đúng ba giờ đồng hồ thì trở lại đây, đứng đợi ở đây mất công.Mặc dầu nói trổng, Huyền Trân nhìn thẳng vào mắt của Minh mà nói, mặt tươi cười, giọng rất dịu, và Minh phân vân không biết là lối nói trống ấy là khinh thường hay thân mật.Rốt cuộc chàng kết luận là thân mật vì Huyền Trân đã nói: “Cám ơn thầy ký” hôm chàng đón lấy mớ dĩa hát giúp nàng.Hôm ấy nàng đã không khinh chàng thì không có lý do gì hôm nay nàng lại khinh. Chàng làm tài xế thật đó nhưng không phải là bị hạ tầng công tác và giữ chức thư ký như cũ. Hơn thế, chàng đã bước lên được một bước là được bà chủ ngồi ở băng trước bên cạnh chàng.Vậy đó là lối đối đãi tử tế của Huyền Trân vậy.Huyền Trân băng qua đường rồi vào một hiệu uốn tóc cạnh chùa. Đó là một hiệu uốn tóc của đầm, loại mỹ viện hiếm hoi còn sót lại ở xứ nầy và bấy giờ Minh mới hiểu vì sao mà ba tiếng đồng hồ nữa chàng mới phải trở lại.Minh đợi năm phút xem Huyền Trân có quên gì căn dặn nữa hay không rồi mới cho xe chạy. Chàng chạy thẳng về nhà chớ không đi đâu vì chàng không biết đi đâu.Trên đường về, chàng mới cố nhớ lại xem cảm giác của chàng khi nãy thế nào, lúc được bà chủ ngồi cùng băng.Chàng đã hãnh diện ghê lắng và dọc đường cứ nhìn người bát phố xem có gặp ai quen để họ thán phục chàng chăng. Không, chàng không có gặp người quen nào cả. Nhưng người lạ nhìn chàng cũng làm chàng sung sướng lắm.Chàng đã thử đứng vào địa vị họ để nhìn chính chàng bằng tưởng tượng: chàng có vẻ công tử lắm, mặt mày hơi còn ngây thơ nhưng lại trẻ tuổi thì phải vậy, ngây thơ chớ có quê, có ngáo đâu?Họ có khen thầm là người xứng đôi với nhau hay không? Họ có phục chàng còn trẻ mà sang trọng quá hay không? Họ có ước ao được như chàng hay không?Chỉ phiền là chiếc xe to quá đối với người Á đông, chàng như bị nó bóp cho teo nhỏ lại. Và chỉ phiền là chiếc xe đạo mạo quá đối với tuổi trẻ.Chàng có vẻ con nhà giàu, nhưng không giàu xụ vì ông bố hà tiện, chỉ sắm có một cái xe cho ông ta và cho cả nhà chớ không có xe thể thao cho con cái.Nhưng mà chàng buồn lắm. Có được Huyền Trân ngồi cùng băng, chàng mới nhận thức rõ khoảng cách giữa nàng và chàng, nó lớn lao quá.Họ giống hành khách của một chuyến xe buýt, ngồi cạnh nhau mà không hề trao lời với nhau, vì chỉ qua vài trạm là mạnh ai lấy xuống, chẳng ai buồn làm quen với ai làm chi.Nếu được là hành khách xe đò, nó cũng an ủi phần nào. Đường gần bao nhiêu cũng phải mất một tiếng đồng hồ đi xe và không nói với người bên cạnh sẽ hôi miệng mất.Họ xa với nhau ghê lắm, xa hơn ngày rước dâu nhiều lắm.Ngày đó cũng đã xa lắm rồi, lâu lắm rồi, tuy chỉ mới có ba mươi ngày qua, trăng mới khuyết một lần tròn một lần thôi.Ngày ấy xa lắm rồi! Cô gái ngây thơ mà chàng thương xót rồi thầm yêu, coi bộ như là cá xuống nước, sanh hoạt dễ dàng trong nếp sống mới và xem ra không hề tính chuyện tháo ống lộn nài.Minh vẫn cho xe đậu ngoài sân khi về tới nhà. Chàng lặng lẽ vào trong. Ông Hóa ngước lên rồi ngạc nhiên hỏi: Sao mau về dữ vậy? Dạ, bà chủ làm tóc, bảo tôi về coi ông có dùng xe hay không. Ba tiếng đồng hồ sau tôi trở lại rước bà. Tốt! Nè, đánh máy bức thư xin sổ Quốc gia danh bộ cho bà. Vâng!Người tài xế lại đổi vai. Chàng nghe cảm giác kỳ kỳ, mới là công tử đây thì trở lại ngay địa vị cũ và thật của chàng, lên mau quá, xuống lẹ quá, khó chịu như đi máy bay nhà binh.Chàng có số giả danh hay sao chớ? Làm rể giả, giờ lại làm tài xế giả, à không, công tử giả! Trong giây phút, Minh đâm ngờ rằng mình đang sống thật đời sống của mình mà chỉ đóng kịch trên sân khấu thôi.Hôm nay chàng là một viên thư ký rất dở, có một bức thư mấy dòng chữ mà cứ đánh sai mãi, phải làm lại đến mấy bận.Và hôm nay chàng là một viên thư ký kém lương tâm nghề nghiệp, cứ ngước lên vách nhìn đồng hồ, xem đã qua ba tiếng chưa.Hồi chàng để Huyền Trân trước mỹ viện là tám giờ rưỡi. Mười một giờ rưỡi thật là còn lâu tới hết sức.Chuyến về nầy, chắc cũng như chuyến đi vì chàng chỉ là công tử với kẻ qua đường, chớ với Huyền Trân, chàng cứ là tài xế.Họ vẫn sẽ xa lạ với nhau như khi sáng và chàng sẽ tủi thân vì chỉ được có thế thôi.Nhưng chàng cứ trông cái giờ ấy, làm như là chuyến về, chàng sẽ được thân hơn với Huyền Trân.Ông Hóa lại bận rộn công việc làm ăn như ngày chưa cưới vợ. Trông ông không có vẻ gì sung sướng hơn ngày thường cả. Minh nghe chàng khinh ông ta lắm, tưởng tượng ông ta thiếu tình cảm, vì một cuộc tình duyên thần tiên như vậy mà không biến đổi ông ta bằng thép già nước trui.Minh hì hục với bức thư một hơi rồi cũng xong.Đồng hồ bấy giờ mới chịu chỉ mười giờ rưỡi. Tuy còn tới một tiếng nữa mới tới giờ hẹn, Minh cũng quyết định đi đón bà chủ vì chàng không đủ kiên nhẫn ngồi nhà nữa. Vả lại biết đâu mỹ viện hôm nay ít khách, hoặc thợ hộ bỗng giỏi thình lình và làm xong công việc mau lẹ hơn mọi ngày.Dầu sao, đợi một tiếng đồng hồ là thường chẳng hơn là các tài xế xe nhà khác họ đợi hằng ba bốn tiếng một buổi.May mắn cho anh tài xế mới ra lò là phố Thái Lập Thành mát rượi những bóng me thành ra ngồi đợi trong chiếc xe sắt phơi giữa trời, chàng đã không khổ lắm, lại còn được nghĩ vơi vẩn nhờ bóng mát và tàn me đẹp đẽ gợi hứng cho.Ý nghĩ của chàng vẫn cứ quanh quẩn theo một đối tượng, đối tượng duy nhứt mà tâm trí chàng không rời được từ hôm rước dâu đến nay.Minh buồn vô hạn khi nghĩ rằng Huyền Trân vẫn cứ làm dáng, thế nghĩa là nàng không sầu duyên phận và yêu đời lắm.Rất ích kỷ, chàng cứ muốn cho thiếu phụ nầy buồn chán, mất ăn mất ngủ, không thiết sống nữa và tiều tụy trông thấy để chàng được dịp an ủi nàng.Nhưng biết đâu, chàng nghĩ trái lại, tự đính chính mình để nghe đỡ khổ phần nào, biết đâu được rằng thái độ của Huyền Trân chỉ là một lối sắm áo quan của các cụ được hiện đại hóa, được trẻ trung hóa theo thời?Minh nhớ lại một kỷ niệm buổi thiếu thời của chàng. Bà ngoại chàng, trong những năm cuối cùng của đời bà sắm một chiếc hòm bằng gỗ huỳnh đàn rồi tối ngày cứ săm soi rờ rẫm chiếc hòm ấy. Bà lại sắm khăn lau miệng bằng nhiễu đỏ Thượng Hải, sắm rồi cất đó, bảo rằng để xuống âm phủ mà dùng, còn ngày thường bà chỉ lau miệng bằng vải tây đỏ thôi. Bà lại sắm áo cặp bằng lụa màu rất đẹp, nói để mặc hầu đi cái chuyến cuối cùng trong đời người.Và gần với ta ngày nay, chàng có nghe một anh bồi phòng của một buyn dinh kia kể về vụ tự tử của một thanh niên ở trọ trong buyn đinh ấy.Sáng hôm uống thuốc độc, người khách trọ ấy đã cho tiền anh ta để anh ta ủi cấp tốc một bộ bi da ma cho gã, và hôm sau, phát giác ra vụ quyên sinh của người khách trọ, anh bồi phòng thấy xác của khách mặc đúng bộ quần áo mà anh ta đã ủi, bộ bi da ma đẹp nhứt và mới nhứt của chàng.Người khách trọ nầy muốn chết cho sạch, cho thơm và cho đẹp.Tắm rửa để rồi chết, chải gỡ để rồi chết, phấn son để rồi chết, ăn diện vào để rồi chết là những việc thường thấy hằng ngày.Nghĩ tới đây, tự nhiên Minh lại nghe hài lòng lắm, một sự thỏa mãn quái ác của lòng dạ xấu xa của con người.Bỗng Huyền Trân xuất hiện ra trên vỉa hè bên kia.Minh như vụt hóa đá thình lình. Chàng sửng sốt nhìn người thiếu phụ đã khác hẳn đi, đã được biến đổi đột ngột trong vòng có mấy tiếng đồng hồ.Huyền Trân như đã sống qua bốn năm năm trong vòng mấy tiếng đồng hồ đó và, trái hẳn với các mệnh phụ phu nhân, ra khỏi mỹ viện thì trông cứ như là trẻ hơn lúc mới vào, Huyền Trân ngược lại già hơn khi đến đây.Mái tóc dài và bồm xồm một cách man dại phủ lên vai nàng, lối tóc thiếu nữ đợt sống mới 1962 được thay thế bằng một bộ tóc hớt ngắn phơi ót ra của những người đứng tuổi.Từ một tháng nay, người trinh nữ biến thành đàn bà ấy đã thay đổi về thân thể mà chàng không hay, vì cuộc thay đổi ấy kín đáo quá, từ từ quá, lăn nhịp theo những biến đổi chầm chậm trong đời sống sinh lý của các tế bào của nàng.Nay thình lình bộ tóc đàn bà già giặn làm lộ rõ ra sự biến thể ấy, khiến chàng kinh ngạc tưởng chừng như một phép lạ nào đã gây ra đột biến nơi người của Huyền Trân.Cùng với gương mặt bỏ hẳn vẻ ngây thơ con gái, thân thể nàng đã nở nang ra, những đường cong đã rõ rệt và định cư hẳn nơi một hình thức (có lẽ sẽ vĩnh viễn nếu nàng biết giữ gìn) chớ không mơ hồ như lúc trước nữa: Huyền Trân đã già giặn toàn thể.Hôm đêm đầu nàng tiếp khách trước mặt chồng nàng, Minh dã nhận thấy sự già giặn nơi nàng rồi, nhưng hôm ấy chàng chỉ mới nhận ra cái già giặn nơi tác phong của nàng thôi.“Hẳn là nàng muốn lấp bằng cái hố cách biệt giữa nàng với chồng nàng. Minh nghĩ bụng như vậy. Nàng vói lên để theo kịp ông ấy ở bề ngoài và ông ấy cũng đã cúi xuống để đợi nàng bằng cách nhuộm tóc và ăn mặc trẻ trung hơn.”Điều ấy khiến Minh buồn vô hạn. Nếu Huyền Trân chạy nước rút để rượt theo thế hệ trước thì hẳn là chàng bị bỏ rơi lại với tuổi tác đúng của chàng.Huyền Trân nhìn trước nhìn sau giây lát có lẽ để nghe lại lòng mình, lòng một người đàn bà, xem nó đối với thành phố thế nào, có khác lòng người trinh nữ yêu đời ngày trước chăng?Rồi nàng day vào trong mà ngắm rất lâu ngôi chùa Hồi giáo đồ sộ của người Ba Kít Tăng.Hồi giáo làm cho Minh nghĩ ngay đến sa mạc là nơi phát tích của đạo ấy và nơi mà hiện nay đa số tín đồ của đạo ấy đang sống. Và Minh tin chắc chắn rằng Huyền Trân cũng đang liên tưởng như chàng.Hơn thế, nàng lại từ sa mạc mà liên tưởng đến cảnh đời nàng, nó khô khan như sa mạc, không có thấy một bóng xanh mát tình cảm nào làm dịu bớt vẻ đìu hiu trơ trọi của đồng cát khô cằn.Đó chẳng qua là tưởng tượng của Minh thêu dệt ra thế thôi chớ thật ra Huyền Trân chỉ nghĩ đến một tu viện và tưởng tượng đời sống khắc khổ nơi các tu viện của bất kỳ tôn giáo nào.Không, nàng yêu đời lắm, không muốn để một bức tường ngăn nàng với xã hội quanh nàng. Thà là chết chớ sống để lắng nghe tiếng động sôi nổi của cuộc đời bên ngoài thì thế nào mà chịu được.Ngắm chùa một hồi lâu, Huyền Trân băng qua đường và Minh xuống xe để mở cửa cho nữ chủ.Huyền Trân hỏi lúc bước lên xe: Minh mới đến hay chờ đợi đã lâu rồi?Minh vừa toan đóng cửa xe lại thì chết sững mấy mươi giây. Huyền Trân đã gọi chàng khác hơn hai lần trước. Lần đầu nàng gọi chàng là “thầy ký”, lần sau đó, tức khi sáng nầy, nàng nói trống không, khiến chàng phải thắc mắc hơn một tiếng đồng hồ, tự hỏi xem lối xưng hô đó thân mật hay khinh miệt.Chàng đã suy luận và gượng ý kết luận rằng đó là lối ăn nói thân mật của nàng. Giờ nàng gọi tên chàng, tức là xác nhận kết luận của chàng vậy.Minh đóng cửa xe thật nhẹ, tránh gây cái tiếng phập mà ai đóng cửa cũng gây ra và nói: Thưa bà, tôi không phải chờ đợi lâu, nhưng cũng không phải mới đến.Huyền Trân mỉm cười trước lối trả lời ngộ nghĩnh của người thanh niên. Rồi nàng lại hỏi, khi Minh đã lên ngồi ngay ngắn trên chỗ của chàng: Minh có muốn đi đâu cho chuyện riêng của Minh hay không? Thưa không. Nếu có thì cứ tự tiện đi, tôi sẵn lòng theo và chờ đợi.Minh ngạc nhiên hết sức không hiểu vì sao mà bà chủ lại nói như thế. Rồi chàng đâm hoảng. Chàng không biết mình sợ cái gì, nhưng kẻ thạo lòng người, nếu rõ câu chuyện nầy, thì giải thích thái độ của Huyền Trân rất dễ.Minh đã nghĩ quấy vì cái ý muốn vô tội của Huyền Trân. Nàng buồn quá lại không có bạn, cũng chẳng có công việc gì để đi đâu, muốn đi bậy cho khuây khoả nỗi lòng nên mới đề nghị theo Minh. Chỉ có thế thôi.Nhưng gã si tình khờ khạo nầy lại nghĩ quấy về ý định của bà chủ nên gã ta sợ là phải! Gã ta sợ cái nỗi sợ của một nam trinh trước một cuộc chinh phục và nhứt là trước một cuộc bị chinh phục. Gã ta lại sợ sự trừng phạt ghê gớm thế nào chủ gã cũng dành cho gã.Chàng hiệp sĩ toan bắt cóc người đẹp để quất ngựa truy phong với nàng, chưa chi đã run en phát rét lên rồi.Hoảng quá chàng vội đáp: Thưa không, tôi không cần đi nơi nào khác hết.Đáp xong, không đợi lịnh chủ xe xem bà có tự ý bà đi đâu hay không, chàng vội mở máy chạy về nhà với tốc lực đường trường, làm như quyết giao trả người ngọc cho ai lập tức kẻo bị truy nã, vừa trả vừa lặp cặp nói:“Trăm lạy ngài, tôi mang ngọc báu về hoàn lại cho ngài đây, xin ngài tha cho giây phút lỡ lầm của tôi.”Xe vào tới sân, Minh nghe Huyền Trân thở dài và bấy giờ gã anh hùng gan sứa mới tiếc đã bỏ mất một cơ hội tốt mà đáng lý gã phải chụp lấy ngay.° ° Má ơi, con thương má lắm. Ba ơi, vĩnh biệt! Em Thu Hà ơi, bây giờ chị mới đi xa thật sự đây, đi một chuyến cuối cùng và không bao giờ trở về nữa!Băng nhựa còn ghi rất nhiều di ngôn của Huyền Trân. Nàng cho máy phát thanh ra và lắng nghe chính giọng nói của nàng rồi khóc.Loại máy ký âm mà Huyền Trân đã mua hôm nọ ở hiệu Dư Âm là loại máy tinh xảo, ghi giọng người thật trung thành, và Huyền Trân có cảm tưởng rằng nàng đã xuất hồn ra khỏi xác rồi, linh hồn nàng còn nuối tiếc cái xác xinh đẹp của nàng nên ghé qua và nghe cái xác ấy nói chuyện. Em Bạch Vân ơi, chị xin lỗi hẹn với em mà không bao giờ về Ban Mê Thuật nữa cả! Tha thứ cho chị em nhé!Huyền Trân khóc rất nhiều và rất lâu, rồi tắt máy quấn băng nhựa vào bô bin, đoạn dán lên đó một mảnh giấy có đề mấy chữ: “Kính gởi ba má. Xin người sống đừng phụ lòng người chết mà hủy hoặc giấu cuộn băng nhựa nầy, không trao tới tay người phải nhận.”Xong đâu đấy, nàng bước qua buồng tắm để rửa mặt, rồi chải đầu, đoạn xuống dưới nhà, sớm hơn mọi ngày.Mọi ngày ông Hóa dậy hồi hai giờ rưỡi trưa, và ông xuống dưới nhà để làm việc vào ba giờ.Một tiếng đồng hồ sau đó Huyền Trân mới dậy và khoảng năm giờ nàng mới xuống.Tới chân thang gác, Huyền Trân ngạc nhiên hết sức mà thấy Minh đang ngồi đánh máy. Khi nãy nghe xe ra cổng, nàng biết chồng đi công việc và ngỡ Minh theo lái xe không dè ông Hóa lái lấy và đi một mình.Minh cũng ngạc nhiên mà thấy bà chủ nhà xuống sớm thế. Bà ta chỉ có cắt đặt công việc cho người nhà thôi chớ chẳng phải làm gì thì không cần có mặt lâu ở dưới nầy. Đành rằng bà ta chăm sóc cây cảnh rất tha thiết và lắm hôm ở ngoài vườn rất nhiều giờ với anh làm vườn, nhưng đó là trong buổi sáng kia, chớ bà ta sợ nắng chiều lắm, không khi nào chăm sóc vườn hoa và vườn cây trong buổi chiều cả.Vào giờ nầy, bà bếp và chị Lầu về đâu! Vì nhà nầy ăn cơm tối rất trễ nên đến sáu giờ bà bếp mới nhóm lửa nấu ăn và sau bữa cơn trưa, bà được phép đi chơi cho tới giờ đó.Chị Lầu, tuy phải ở cạnh chủ luôn luôn để chủ sai vặt, nhưng một hôm trong mỗi tuần, hôm ấy là hôm thứ hai, tức ngày hôm nay đây, chị cũng được buông tha như vậy để chị đi giải trí ở ngoài.Thế nghĩa là ngoài sau bếp vắng hoe, thế mà bà chủ lại đi ra đó rồi không trở lên nữa.Minh đánh máy vừa xong một bản liệt kê các khoản thuế mà ông Hoá phải trả trong một năm, còn nhiều tài liệu nữa phải đánh, nhưng chàng bỏ đó ngồi nghĩ vẩn vơ.Huyền Trân xuống ấy làm gì mà lâu thế. Thắc mắc của chàng là thắc mắc thường bữa, thường giờ đối với cái đối tượng duy nhứt của đời chàng trong vòng hai tháng nay, nhứt là trong vòng hai mươi hôm nay, từ ngày chàng được chỉ định kiêm luôn cả chức tài xế và chức bạn đường của bà chủ.Nếu Huyền Trân không xuống bếp sớm, không ở dưới bếp lâu, chàng cũng vẫn thắc mắc y như thế, vì tâm trí chàng không thể rời Huyền Trân được nữa. Tâm trí chàng giống một oan hồn, và cứ vất vưởng bay theo nàng trong những lúc nàng không ngồi cùng xe với chàng.Huyền Trân đang làm gì trên lầu? Huyền Trân đang nghĩ gì ngoài sân? Đó là những câu hỏi thầm thường xuyên của chàng.Giây lâu không chịu được với thúc đẩy của tánh tò mò, Minh đứng lên.Nhưng có thật chăng là chỉ vì tò mò? Anh chàng si tình nầy đã ân hận lắm mà đã bỏ qua một dịp may hiếm có, nên từ cái hôm dại dột ấy chàng cứ rình cái dịp hi hữu chờ mong nó tái diễn.Chàng thích đi riêng với Huyền Trân, chỉ có thế thôi, thích có cuộc sống tay đôi với nàng trong hai phút đồng hồ cũng được. Không cần phải gần nhau lâu, không cần phải có cái gì để nói với nhau cả.Dãy nhà phụ thuộc ngăn ra làm nhiều buồng, một buồng vệ sinh cho người nhà, rồi buồng ngủ của họ, kế đến nhà bếp rồi buồng ăn riêng của chàng và cuối cùng là một buồng trống không, chỉ trang trí bằng một chiếc bàn. Đó là buồng ủi quần áo, giang sơn của chị Lầu.Minh đi qua các buồng, buồng nào cũng mở cửa cả nhưng không thấy Huyền Trân. Đến trước buồng ủi quần áo, chàng mới gặp người chàng tìm kiếm.Huyền Trân đứng trước chiếc bàn kê sát tường day lưng ra ngoài nên không thấy Minh. Nàng cũng chẳng nghe tiếng bước của chàng vì chàng đi giày đế kếp, lại bước nhẹ quá.Huyền Trân đang loay hoay làm gì trong ấy không rõ, hình như là dọn bàn ủi để ủi một chiếc áo dài để trên bàn. Cạnh chiếc áo có chiếc mền cũ mà chị Lầu trải ra mỗi lần ủi để lót cho êm dưới vải phải ủi.Chàng toan bước vào để giúp Huyền Trân nhưng nghĩ sao không rõ, chàng lại lặng lẽ đi vòng ra phía sau.Sau dãy nhà nầy còn một quãng đất trống mà chủ nhà cho trồng những thứ cây ăn trái không đẹp mắt như là chuối, chanh, ổi v.v... những cây xấu xí bị dãy nhà nầy che khuất nên không làm mất vẻ thẩm mỹ của toàn thể khu vườn.Mỗi căn buồng nhỏ ở đây đều có cửa sổ trông ra vườn cây ăn trái nầy. Lá sách của cửa sổ là loại lá sách bằng sắt lay động được, có thể đẩy một cây song hồng đứng thì cả bộ lá sách đều đổi vị trí, nằm ngang để người bên trong nhìn ra ngoài.Minh đi bọc ra sau, đến trước cửa sổ của buồng ủi quần áo, dán mắt vào đó để nhìn vào bên trong.Cây song hồng nói trên chỉ có người trong nhà vận dụng được thôi. Nhưng do một tình cờ trước đây, chàng biết có một chiếc lá sách bị lủng một lỗ nhỏ bằng mút đũa.Chính qua cánh cửa tí hon ấy mà chàng quan sát bên trong. Chàng thích ngắm gương mặt của Huyền Trân mà chưa bao giờ chàng nhìn thẳng vào cả.Ngắm trộm thế nầy, chàng xấu hổ lắm nhưng biết sao!Nhưng ngắm dung nhan người đẹp là một cái thú vô song mà chàng để dành lại sau rốt như trẻ con ăn quà, ăn trước các món dở, để đành món ngon lại hầu thưởng thức trước sự thèm muốn.Minh xem Huyền Trân trổ tài thợ điện sửa chiếc bàn ủi có lẽ vừa hỏng và chàng kinh ngạc biết bao mà thấy nàng cắt lớp vỏ bọc ngoài của sợi đây điện, và cắt đúng vào nơi mà dây điện sẽ đụng phải ruột gà thép bảo vệ đầu dây.Đầu dây điện, từ bàn ủi chun ra, thường hay bị gập lại và vì thế, dễ đứt. Chính cái ruột gà thép bao quanh dây nơi đó, ngăn điều ấy xảy ra.Người cầm bàn ủi hay chạm tay họ vào đầu ruột gà đó mà hễ chạm tay vào đó mà ruột gà lại có điện là chết, nếu không ai cứu kịp.Đây là một âm mưu giết người, một cuộc mưu sát mà ngành cảnh sát gọi là cuộc “sát nhơn hoàn toàn” nghĩa là tuyệt xảo về mặt kỹ thuật, không thể truy tầm ra ý định giết người. Nhà điều tra sâu sắc nào cũng sẽ kết luận rằng kẻ bạc mạng gặp rủi mà thôi, và đó là một tai nạn thường xảy ra như bất kỳ tai nạn nào.Gương mặt xinh đẹp lại vừa dễ yêu của Huyền Trân thình lình mang một vẻ ác hiểm lạ kỳ trong con mắt của Minh. Chàng bỗng nghe đau nhói nơi tim một cái.Dây điện được bọc ngoài bằng cao su, và ngoài lớp cao su đó còn có một lớp chỉ bố nữa, rất chắc.Huyền Trân dùng một lưỡi dao bào mà cắt lớp chỉ bố, cắt được sợi nào thì vuốt đầu sợi nấy cho nó lừ xừ như là tự nhiên mà nó đứt.Minh thắc mắc tự hỏi người ác phụ nầy toan giết ai, giết chị Lầu chăng, vì nhà nầy chỉ có chị ấy là sử dụng bàn ủi. Như vậy, nguyên động lực xui khiến hành vi bất nhơn của nàng là gì, thật không hiểu được.Chàng nhìn lại khuôn mặt của nàng xem sự hung ác lộ ra trên đó được bao nhiêu phần trong công việc chuẩn bị nầy và thấy người thiếu phụ nầy vẫn hiền từ như bao giờ và mặt buồn vô hạn.Tình cờ mắt chàng hạ thấp xuống và kỳ dị thay; Huyền Trân đi chơn không chớ không có giày dép gì cả.Trong,giây phút, một ý nghĩ mơ hồ thoáng xẹt qua trí Minh rồi liền đó chàng thấy Huyền Trân xong công việc toan gắn dây bàn ủi vào lỗ câu điện thì chàng vụt hiểu cả: Huyền Trân âm mưu giết chính nàng.Hoảng hốt, chàng thét lên: “Huyền Trân hãy khoan!” Rồi ba chân bốn cẳng chạy vòng trở ra cửa trước của buồng ủi quần áo.Huyền Trân thình lình bị kêu lớn đúng tên mình từ một nơi bất ngờ nhứt là sau cửa sổ nên hết cả hồn vía, thả rơi sợi dây điện lên bàn.Rồi chợt nhận ra giọng kêu của Minh, nàng cũng vụt hiểu là hắn đã rình nàng, theo dõi công việc của nàng và hiểu thấu ý định của nàng, nên nàng vội bước ra để đóng cửa lại.Lúc Minh chạy đến nơi thì hai cánh cửa của buồng nầy được khép lại đến chín phần mười rồi.Minh hỏa tốc nhảy vào, níu cửa mà rị lại, Huyền Trân không bỏ cuộc vì nàng biết rằng nếu nàng đóng được cửa là thoát thoát khỏi được sự can thiệp đáng giận của Minh, vì không thể nào hắn đi báo động cho ai kịp, trong nháy mắt nàng đã chết rồi.Kẻ ngoài, người trong, giành nhau hai cánh cửa, Minh mạnh hơn Huyền Trân, nhưng cửa lại khép khá nhiều rồi, nên chàng vẫn không sao mở ra.Bỗng nảy ra một sáng kiến, Minh thò tay vào khoảng cách giữa mí của hai cánh cửa gần bị khép kín.Quả nhiên Huyền Trân bối rối không biết làm thế nào, vì nàng mà có mạnh tay hơn người con trai bên ngoài, cũng không đóng cửa được. Hắn liều mạng chịu đau và tay hắn sẽ là chướng ngại không vượt qua được.Tuy nhiên nàng vẫn cố thủ không chịu lui bước trước một ngõ bí lối.Cả hai đều toát mồ hôi dầm dề, Minh lại nghĩ được thêm một kế nữa, nên cố gắng thi hành kế đó là dùng một luận cứ vững chắc để thuyết phục Huyền Trân. Huyền Trân ơi, chàng gọi thiếu phụ toan quyên sinh, và không hiểu sao mình lại bạo dạn thế, dám thân mật kêu tên - hay biệt hiệu cũng thế - của nàng, Huyền Trân ơi, đã trễ quá rồi, Huyền Trân chống giữ chỉ nhọc sức một cách vô ích thôi.“Huyền Trân ơi, có phải chăng là Huyền Trân muốn tự tử trá hình? Có phải chăng là Huyền Trân muốn chết mà không bị trách móc phiền hà gì, vì người ta sẽ ngỡ Huyền Trân rủi ro vì tai nạn”.“Mà như vậy không được nữa rồi, vì đã có nhơn chứng là Minh đây thấy rõ Huyền Trân đang sắp đặt nguỵ trang cho cuộc tự tử có vẻ tai nạn.“Huyền Trân đã nghe ra chưa, vậy thì mở cửa kẻo chèo kéo nhau mãi, có ai bắt gặp thì thật bất tiện vô cùng.”Luận cứ nầy khiến Huyền Trân thôi ra sức kéo cửa vào. Nàng đứng yên, làm thinh để suy nghĩ, nhưng vẫn còn giữ cánh cửa buồng.Minh biết rằng lý lẽ chàng đưa ra sẽ có tác dụng mạnh trên quyết định của kẻ liều mạng, nên cũng thôi níu cửa đứng đó mà đợi.Giây lâu chàng hỏi, vừa hỏi vừa mở cửa ra: Huyền Trân đã nghe ra chưa?Hai cánh cửa không bị ai trì lại bên trong nữa cả. Căn buồng ủi vừa hiện ra thì người thư ký riêng của ông Hóa thấy Huyền Trân đang úp mặt trên bàn mà khóc nức nở.Chàng bước đến đứng cạnh nàng, nhìn cái ót trắng và no phơi bày trọn vẹn ra, cái ót mà lối xén tóc mới của Huyền Trân đã giải thoát ra khỏi màn tóc um sùm, nhìn cái lưng của người thiếu phụ cứ chốc chốc nhảy lên vì toàn thân nàng run rẩy bởi cơn khóc, rất muốn đặt nhẹ bàn tay lên vai nàng để an ủi nàng một tiếng, nhưng lại không dám.Giây lâu chàng nói thầm thì: Huyền Trân nên lên lầu ngay, kẻo lỡ bị ai bắt gặp mặt mũi như vầy với Minh thì nguy. Hãy trang điểm để Minh đưa đi một vòng cho tan những ý nghĩ đen tối. Phần Minh, Minh phải sửa lại dây điện kẻo lát nữa chị Lầu sẽ chết oan mạng.Huyền Trân đứng lên lau lệ bằng tay áo, vì nàng mặc bi da ma nên không có khăn rồi lặng lẽ đi ra khỏi buồng. Chiếc áo!Minh nói thế và Huyền Trân lại lặng lẽ quay lại để lấy chiếc áo dài mà nàng mang xuống để dàn cảnh.Khi Huyền Trân đi rồi, Minh chạy qua nhà bếp để tìm một con dao nhỏ. Chàng cắt bỏ chỗ dây điện mà Huyền Trân đã làm hỏng rồi gắn lại chỗ hỏng ấy, độ ba phút đồng hồ là xong cả.Khi người thư ký riêng trở lên nhà trên, ngồi lại đánh máy thì ông Hóa về tới nhà. Có gì lạ không Minh?Ông muốn hỏi có ai gọi điện thoại để nói cái gì quan trọng hay không, nhưng Minh đang bị tấn kịch vừa xảy ra lúc nãy làm chàng xúc động mạnh quá và còn ám ảnh chàng, nên lẽ dĩ nhiên là chàng hiểu sai ngỡ ông Hóa đoán biết sự việc ở nhà nên mới hỏi như thế.Chàng bối rối lên rồi ấp úng đáp: Thưa... ông... không... có gì lạ.Ông Hóa ngạc nhiên, nhìn anh thư ký không dám ngước lên nầy và tự hỏi thầm tại sao hắn lại cuống lên như vậy.Tuy nhiên rất tin cậy Minh, ông không nghi ngờ gì hắn và lại bàn để ký tên bức thư gấp mà khi nãy Minh đã đánh xong trước hơn hết.Đoạn ông lên lầu. Tới nửa chừng thang gác, thấy vợ đi xuống, ông cười hỏi: Em đi ra ngoài à? Em đi dạo mát một vòng. Phải rồi, nên đi vài vòng. Hôm nay trông em buồn lắm. Trong người có khó chịu gì không? Cám ơn, không. Thôi thì em đi một mình.Ông Hóa khỏi nói điều đó. Huyền Trân vẫn biết rằng nàng sẽ phải đi một mình. Ông Hóa không bao giờ đòi đi với nàng khi nàng đi dạo hay đi mua sắm cái gì. Có lẽ ông ngại Huyền Trân không bằng lòng. Nhưng thật ra Huyền Trân chưa hề tự hỏi xem đi với chồng có tiện hay không. Những lần đi thăm trả lễ các gia đình bạn của ông Hóa, nàng vẫn đi với chồng mà không bị mặc cảm.Huyền Trân học trường đầm từ nhỏ tới lớn, và những năm trước ở trường còn đầm nhiều lắm, nàng thường lên tới các gia đình người da trắng nên quen được phần nào với những cuộc hôn nhân chênh lệch mà nàng thấy rất thường trong xã hội da trắng ấy.Chẳng những không bị mặc cảm khi đi chung với người chồng già, trái lại nữa, Huyền Trân đã nghe bơ vơ hết sức mỗi bận nàng đi ra ngoài một mình và quên mất ngại ngùng của chồng mà nàng không đoán biết, nàng hơi hờn chồng về sự bỏ bê ấy.Rồi hai vợ chồng chia tay nhau, kẻ lên người xuống. Huyền Trân thẫn thờ, chậm rãi đi qua chỗ Minh làm việc mà không nhìn chàng, cũng chẳng nói một lời.Minh vội chận giấy má, đậy các thứ lại bằng những chiếc bìa màu, chớ không kịp cất vào tủ, rồi chạy dông ra ngoài.Chàng tới xe trước Huyền Trân rồi mở cửa cho nàng lên...Chiều hôm nay Minh hành động ra vẻ người lớn lắm. Chàng được tự tôn mặc cảm nãy giờ, từ lúc quyết định mau lẹ và sáng suốt mọi việc trong tấn bi kịch toan tự tử trá hình của Huyền Trân, nên mạnh dạn và thành thạo thình lình trong mỗi cử chỉ, khiến Huyền Trân hơi ngạc nhiên về sự thay đổi ấy.Minh không đợi lịnh, mà Huyền Trân cũng chẳng buồn ra chỉ thị cho chàng, vì nàng ngầm nhận đề nghị của chàng khi nãy thì cứ để chàng tự do điều khiển cuộc phiếm du nầy.Vì trời còn sáng nên Minh chạy vòng lớn thật sự, vòng lớn riêng của chàng, chớ không phải vòng lớn hạn chế như đêm mà chàng lái theo chỉ thị của ông Hóa.Cái vòng lớn của chàng là đại lộ Nguyễn Văn Thoại - Lăng Cha Cả - Phú Nhuận Gia Định rồi trở về Sài Gòn.Hai người cứ làm thinh, mãi cho đến lúc xe qua khỏi cư xá Lữ Gia một đỗi, Minh mới cho xe đỗ lại ở đầu một con đường nhỏ trải đá đỏ, đưa vào một sở cao su. Tại sao Huyền Trân lại làm thế? Minh đột ngột hỏi. Giọng chàng là giọng kẻ cả, có từ lúc được tự tôn mặc cảm nói trên.Huyền Trân làm thinh mà nhìn vào con đường đỏ sâu thăm thẳm và tối om dưới tàn cao su. Nắng rớt của chiều tà không soi vào đó được, nên nhìn vào sở, người ta có cảm giác rằng đêm đã xuống hẳn rồi.Riêng Huyền Trân, bóng tối đó không làm nàng liên tưởng đến bóng tối đời nàng và cả những hàng cao su thẳng tắp cũng khiến nàng nghĩ đến lối sống theo ước lệ của nàng bây giờ.Thở dài, nàng đáp rất trễ: Tại sao, chắc Minh đã đoán biết rồi, còn hỏi làm gì. Không, Minh không thể hiểu được. Huyền Trân đã chịu số phận rồi, vui lòng nhận hay nhẫn nại chịu thì không rõ, nhưng ba tháng đã qua rồi mà không hề có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Thế sao... Ba tháng là thời hạn mà Huyền Trân đã tự đặt ra, và trong thời hạn ấy Huyền Trân đã cố sống yên lành, không cho chuyện gì xảy ra đáng tiếc cả... - …để rồi chết mà ai cũng ngỡ mình còn tiếc đời. Đúng như vậy. Để làm gì? Một là để cho cha mẹ Huyền Trân khỏi phải ân hận... Trời ơi Huyền Trân chí hiếu đến thế à? Không dám nhận đức tánh ấy, nhưng Huyền Trân thương ba má Huyền Trân lắm. Còn lý do thứ hai? Hai là để khỏi lường gạt chồng của Huyền Trân. Lường gạt? Huyền Trân có lường gạt gì đâu. Thủ tiêu một lời hứa mà không do lỗi của người ta là lường gạt rồi. Huyền Trân đã hứa gì? Đã hứa làm vợ của chồng Huyền Trân, Huyền Trân không có quyền trốn bổn phận, không thi hành lời hứa trong khi ông ấy không có lỗi gì cả. Không lỗi? Không lỗi sao Huyền Trân không thích sống với ông ấy? Tại lòng Huyền Trân như vậy. Thế thì sự lường gạt vẫn có. Ừ, vẫn có nhưng ông ấy lại không biết thì ổng sẽ khỏi tức giận đã bị lường gạt. Sự lường gạt gây thiệt hại tinh thần cho kẻ bị gạt nhiều hơn là thiệt hại vật chất. Chồng Huyền Trân sẽ sầu vì mất Huyền Trân hơn là tức vì bị gạt. Rắc rối lắm! Lòng dạ Huyền Trân phức tạp quá, không tốt cho Huyền Trân chút nào.Nên giản dị như muôn triệu người đàn bà khác là không nhận một cuộc hôn nhơn mà mình không thích, nhưng đã trót nhận thì đi luôn cho suông sẻ con đường vậy. Minh nói rất có lý. Nhưng Minh ơi, lòng Huyền Trân như vậy, biết sao bây giờ.Minh thở dài rồi nói: Đời đẹp lắm. Nhưng nếu ta không thích cái đẹp ấy, ta cũng đừng nên để người khác thấy nó bi thảm. Huyền Trân thử nghĩ, Huyền Trân quyên sinh một cách dàn cảnh như vậy, cha mẹ Huyền Trân không hận, nhưng ắt hẳn phải buồn chớ? Có nên làm cho những năm cuối cùng của hai cụ hóa ra bi thảm hay không? Khổ lắm là Huyền Trân học trường đầm, trót nhiễm phần nào cá nhơn chủ nghĩa của người Âu Mỹ, tuy vẫn dám hy sinh cho gia đình, theo Á đông ta, nhưng lại còn tham hưởng hạnh phúc riêng của mình. Nếu Huyền Trân có một tâm hồn hoàn toàn Á đông đúng theo những tâm hồn mà luân lý cổ truyền của ta đề cao thì không có gì rắc rối cả, và Huyền Trân có thể tự hào là sung sướng nhứt trần đời. Ham muốn của Huyền Trân rất chính đáng và riêng Minh, Minh không thấy cá nhơn chủ nghĩa là bậy lắm.Đừng tưởng Âu Mỹ người ta không biết hy sinh cho gia đình, cho đoàn thể rồi thóa mạ cá nhơn chủ nghĩa của họ. Á đông ta xưa đã coi rẻ cá nhơn quá sức thì cũng chẳng tốt gì đâu mà Huyền Trân phải ân hận.Nhưng đời Huyền Trân còn dài lắm. Hạnh phúc chia ra rải rác trong nhiều giai đoạn đời người, chớ chẳng phải chỉ có bây giờ mới có. Huyền Trân không hiểu. Nói không phải trù rủa gì, nhưng luật tạo hóa không ai tránh được. Ông Hóa sẽ qua đời trong khi Huyền Trân còn, Huyền Trân sẽ có dịp sống cuộc sống mà Huyền Trân thích. Người ta bảo bốn mươi vẫn còn sống được, nhưng đó chỉ là lời nói gượng gạo của mấy bà già. Không, quả bốn mươi vẫn còn sống được. Minh chỉ phụ họa theo họ chớ Minh làm gì mà biết được cuộc đời bốn mươi nó ra thế nào. Huyền Trân cũng chẳng giỏi gì hơn Minh đâu. Ta chỉ bằng tuổi nhau thôi. Đúng như vậy, nhưng Huyền Trân chắc chắn được rồi - mà Minh cũng không thể cãi - là Huyền Trân đã mất giai đoạn thú vị nhứt là giai đoạn tuổi trẻ.