Người khách ăn cơm thứ nhì là Cần.Bé Thọ đã được hai tháng rưỡi rồi mà vẫn “bị ăn đầy tháng” một lần nữa.Cần tự xưng là họa sĩ, nhưng thật ra anh chỉ là chủ nhơn của một nhà quảng cáo mà anh là họa công chánh.Thảo được quen biết với Cần qua sự trung gian tình cờ của thầy họa công trong phòng kiến trúc mà chàng giúp việc.Thầy Cần hay hay lại nhiều tương lai vì nhà vẽ quảng cáo của Cần hiện nay thạnh vượng vào bực nhứt ở Sài gòn, hắn lại lanh lợi, tháo vác thì hắn sẽ lên nữa chớ không xuống. Cần bảnh trai lắm, Hồng không xứng với hắn chút nào. Nhưng biết đâu! Thảo nhận thấy rằng con người không thoát khỏi luật tạo hóa là con gà trống đẹp hơn con gà mái, con cá trống đẹp hơn con cá mái, con cọp đực đẹp hơn con cọp cái và anh con trai đẹp nhứt nước, đẹp hơn cô con gái đẹp nhứt nước.Chàng đã biết rất nhiều cặp vợ chồng mà chồng đẹp hơn vợ nhiều quá, bởi đã bảo anh con trai đẹp nhứt nước, đẹp hơn cô con gái đẹp nhứt nước kia mà.Bữa ăn đầy tháng giả hiệu diễn y lại như lần trước, chỉ có khác lạ lần nầy thiếu Tấn. Tấn nó biết mưu kế của chàng rồi thì cho nó đến, sẽ ngượng với nó quá.Còn khác một điều nầy nữa là Hồng đã dẫy nẩy lên không nhận triển lãm nữa. Cúc phải thuyết nàng lâu lắm nàng mới xiêu lòng, nhưng suốt bữa ăn, nàng ngường ngượng làm sao chớ không tự nhiên như lần đầu.Còn khác nữa là những gì xảy ra sau bữa ăn. Cần có trở lại, mà trở lại nhiều lần.Lúc đầu, hắn chỉ thăm xã giao, rồi xã giao mời cả nhà đi ăn cơm, để trả nợ miệng. Vì hắn độc thân nên chi họ ăn ở tiệm cố nhiên.Lần sau hắn đến chơi nữa. Thấy hắn cũng lịch sự không có lời lẽ cử chỉ nào vô lễ, Hồng chịu ra tiếp hắn.Hắn mời Hồng đi xi nê, Hồng từ chối. Hắn hơi buồn xin phép về rồi không bao giờ đến nữa.Lâu lắm, Thảo mới có dịp hỏi người họa công trong sở về Cần. Chàng rất khôn khéo, không hỏi thẳng về chuyện vợ con, nói điều khác rồi dẫn dắt anh họa công thế nào rồi anh ta cũng nói về chuyện đó. - Tôi nói điều nầy không biết anh nghĩ sao. Cậu tôi kể rằng những năm I933-1934, cô gái nào còn mặc áo thùng thình, chớ không mặc áo eo Cát Tường, bị con trai thấy là quê. Còn bây giờ thì chính chiếc áo dài ta rất eo theo lối Cát Tường ấy lại bị các cậu xem thấy quê rồi. Các cậu chỉ thích các cô mặc duýp-sê-rê thôi.Con mắt thầy Cần như vậy đó. Thảo cười hỏi ;- Con mắt anh có như vậy hay không ?- Không, nhưng tôi đâu có phải dân bảnh như thằng Cần. Thằng Cần nó lại chỉ thích những cô gái nào chịu tự do giao thiệp với nó mà thôi, nếu biết nhảy thì nó càng quí.- À, ra vậy !Đó là một tiếng kêu than mà thầy họa công không biết.“Thì ra, Thảo nghĩ, Hồng đã bị anh ấy xem là quê mùa. Nhưng giá Hồng chịu giao thiệp tự do với hắn, chắc hắn có thể đổi ý vì thật ra, Hồng không quê chút nào, chỉ không bảnh bằng mấy cô mặc đầm… ở bề ngoài thôi. Nói năm ba câu chuyện là thấy Hồng văn minh hơn bọn mặc đầm mà đầu rỗng nhiều lắm. “Ừ, để mình gợi ý cho Cúc nó thuyết phục Hồng thử xem !”Người họa công thêm:- Nhưng mà cái thằng mới khốn nạn chớ ! Tôi được biết quan niệm của nó về phụ nữ rồi. Nó thích mấy cô mặc đầm, biết nhảy, giao thiệp tự do, nhưng nó nói rằng nó cưới vợ rồi thì nỏ sẽ cấm vợ nó ra khỏi cửa.- Thế à?- Nó thề như vậy.Thảo bỗng thấy rằng cố gắng theo đuổi con cá nầy thật vô ích. Cần thuộc hạng tiến bộ bề ngoài mà rất lạc hậu bề trong. Tâm trí và thể xác của hắn rượt không kịp nhau trong hai cuộc chạy đua. Thể xác hắn vô địch về đời sống vật chất, còn tâm trí hắn thì cầm cờ trong hiểu biết.Hồng sẽ không được chút hạnh phúc nào đâu. Hồng nó tiến bộ điều hòa, bước chầm chậm mà rất vững về cả hai mặt vật chất và tinh thần. Bé Thọ cứ lớn và Thảo còn đưa khách về nữa mà không lợi dụng nó được vì nó đã to xác quá rồi, không thể cứ gian lận nói là ăn đầy tháng cho nó mãi.Ông Tơ Thảo chưa hành nghề lần nào mà đã hết thời, se đâu hụt đó.Chàng rất lo âu, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chàng tin ở chàng, tin ở nết hạnh của Hồng, nhưng người thanh niên nầy rất già giặn trong việc suy tư về lòng người nên chàng rất chánh đáng mà lo sợ như vậy vì con người thường có những phút yếu hèn không lường trước được.Dầu sao cuộc đời hiện tại của bộ ba nầy có thể gọi là rất hạnh phúc. Họ dư giả, họ thương yêu nhau trong hòa thuận, họ có một cái đích tinh thần chung là bé Thọ mà cả nhà thấy là cái gì quí báu nhứt trần đời và cần được bảo vệ săn sóc bằng nỗ lực của ba người.
°
° °
NHỰT KÝ CỦA BÉ THỌ
Do Má Hồng viết hộ cho đến năm nó lên tám2.7.1964 - Má Hồng mua tập nầy ở kho giấy vụn của chú chệt ve chai. Không biết do đâu mà nhà in lại bán cho chú ấy hàng ngàn tập giấy khổ lớn, bìa cứng, mà giấy bên trong còn tốt quá. Má Hồng viết nhựt ký cho bé Thọ cho đến khi nào bé Thọ biết tự viết lấy, tức là năm bé Tho lên tám.3.7.1964 - Bé Thọ đã thành con lật đật rồi, hễ để nằm xuống là lật sấp ngay. Mới có năm tháng mà cứng quá.4.7.1964 - Tiến bộ trông thấy. Bé Thọ biết chơi cút hà. Bé Thọ lật sấp rồi ngóc đầu lên gọi má Cúc u… u…u. rồi cười, má Cúc day lại, bé Thọ vội úp mặt lên gối mà trốn. Thấy ghét quá !5.7.1964 - Má Cúc đi uốn tóc. Bé Thọ dậy, nhớ má Cúc, khóc dữ. Hôm nay má Hồng về sớm. má Hồng chạy vô ẵm bé Thọ, bé Thọ nín liền. Bé Thọ không phân biệt được má Cúc với má Hồng, hay phân biệt được mà cứ thương má Hồng y như má Cúc?15.9.1964 - Bé Thọ ấm đầu. Bé Thọ tước mọc răng chăng ? Mấy tháng trước, tước lật cũng thế. Và tháng nầy bé Thọ ưa cắn lắm. Bú má Cúc, bé Thọ cắn đến má Cúc phải la lên, phải vả miệng bé Thọ, bé Thọ mới thôi cắn. Ngứa nướu ấy mà !20.10.1964 - Bé Thọ chịu ngủ với má Hồng, má Hồng thích ghê, còn má Cúc thì tức lắm. Lêu lêu mắc cỡ má Cúc nhé ! Má Cúc sợ má Hồng cướp luôn bé Thọ đó.2.12.1964 - Chựng...ựng...chựng cho lâu đuổi trâu về chuồng ! Bé Thọ đứng chựng giỏi quá !6.12.1964 - Bước,.. bước... và bước. Bé Thọ cười toét miệng, đưa hai tay tới trước và còn hơn năm tấc nữa mới tới ba Thảo mà bé Thọ đã vội ngã vào ba Thảo. Cũng may là ba chụp kịp.Bé Thọ hãnh diện ghê lắm, nhìn hết người nầy đến người kia mà cười.Rồi bé Thọ lại lên đường nữa.Bước… bước… bước... bước... và bước... Tiến bộ mau quá và lần nầy bé Thọ đi gần tới má Cúc mới ngã vào mình má Cúc.17.I2.1964 - Đây là bức ảnh thứ mười lăm của bé Thọ. Đứng cho yên nhé! Không phảì tập đi nữa đâu nghen cậu. Coi kìa, lại đi! Ai bảo đi bao giờ ? Chỉ ham đi thôi !Đứng lại không bác thợ chụp ảnh bác ăn thịt bây giờ !Đèn bật lên. À, chỉ có cách đó nó mới chịu đứng yên để ngó đèn. Nhưng phải làm sao cho nó nhìn ống ảnh chớ !“Ê kia: chú bé !” Bác thợ chụp ảnh gọi thật to, bé Thọ day lại thì đã mắc mưu rồi.°
° °
Từ sáng đến giờ bé Thọ chỉ nóng hầm hầm thôi, nhưng tối lại thì nó khóc tợn quá, khiến ba má, với lại má Hồng hoảng lên vì sờ lên trán nó thì nghe nó nóng như vừa rời khỏi lò lửa.Bé Thọ chỉ nói bập bẹ thôi, nên chỉ vào đầu để cho biết rằng đau đầu. Ba má và má Hồng nóng lòng quá, thương bé Thọ quá nhưng không biết làm sao.Đã cho uống tiêu ban tán rồi, nhưng sao không ăn thua gì cả. Đêm nay Thảo, Cúc và Hồng thức sáng trắng vì chốc chốc bé Thọ giựt mình ré lên khóc và như là sợ hãi cái gì lắm.Thảo nào mà các cụ bảo rằng “Ông Sát” chụp trẻ con.“Ông Sát” là một hung thần hễ trời sụp tối là vào nhà chụp trẻ sơ sinh từ đứa mới đẻ cho tới đứa trên một tuổi, ổng không tha đứa nào. Nhưng càng già ngày tháng càng bị ổng chê. Có lẽ thịt của mấy đứa đó hết mềm rồi chăng ? Vì thế mà trẻ lối một tuổi rưỡi sắp lên không hề bị ổng chụp. Trông bé Thọ dễ sợ lắm. Nó ngó dớn dác rồi đưa hơi lên, rồi úp mặt vào ngực má Cúc, hoặc má Hồng, hoặc ba, ôm người ẵm nó chặt cứng. Rõ ràng là có kẻ khuất mặt nào chụp nó.Cả ba lẫn hai má đều rỡn óc. Cả nhà cãi nhau coi sáng nên đi đốc tơ hay đi Bà thầy 20. Bà Thầy nầy ở trên một ngõ hẻm đường Phan thanh Giản, và chuyên trị bịnh trẻ con bằng bùa, ngãi. Bả chuyên môn bắt “Ông Sát” và tiếng đồn vang dậy khắp nơi, chỉ thua Thầy Ba Cầu Bông có một bực thôi và chỉ khác là Thầy Ba Cầu Bông đã bị bắt một lần làm chết trẻ con, còn bà thì chưa. Dầu sao, gia đình ấy cũng gần người có ăn học phần nào, nên rốt cuộc cả ba đều đồng ý đi đốc tơ, đi bà Ngộ, cái bà đã giúp Cúc an lòng được trước viễn ảnh mổ bụng ấy.Bà Ngộ chỉ trị bịnh cho phụ nữ thôi. Nhưng thỉnh thoảng các bà cũng mang trẻ đến, và hễ nghe tiếng trẻ khóc ở ngoài phòng chờ thì bà cho người ra xin lỗi những thân chủ đã tới trước, yêu cầu họ nhường cho trẻ con, vì bà chịu tiếng trẻ la hét không nỗi.Thảo vẫn có mặt như lần trước, vì chàng sợ vợ không hiểu lời giải thích của y sĩ và không nhớ những lởi căn dặn của bà.Bà Ngộ vẫn yêu đời y như năm ngoái và nhận diện được ngay đôi vợ chồng trẻ rất sợ mổ nầy. Bà cười hỏi:- Đã tin tôi chưa ? Tôi nói dễ như thiến gà ấy mà ! Chà, chú bé kháu lắm. Đau ốm thế nào đây, hay nhõng nhẽo cho Ba, Má cưng?Bé Thọ đã dịu bớt cơn sốt, nên không quấy rầy lắm lúc bị khám. Khám xong, bà Ngộ nói:- Tôi thấy hai vợ chồng là người có ăn học, tức là có thể hiểu biết, nên tôi nói thật. Tôi chưa biết được cháu có mắc bịnh gì, không phải tại tôi không chuyên môn, mà tại như vậy, thầy thuốc nào cũng phải quan sát nhiều lần mới biết đúng. Sốt không phải là một bịnh mà chỉ là triệu chứng của hằng trăm thứ bịnh.Vậy ngày mai nên ẵm cháu đến nữa. Giờ thì tôi cho thuốc để ngăn ngừa chuyện dữ, nhứt là một thứ thuốc an thần, hễ cháu sốt tới ba mươi chín độ thì nên cho uống ngay để ngừa chứng kinh phong.Nhà có nhiệt kế hay không ?- Dạ có, nhưng đã bể rồi.- Nên mua một cây ngay. Nhà có trẻ không thể không có món đó. Hai ông bà biết xử dụng nhiệt kế chớ ?- Dạ biết.- Nên để ở hậu môn là hơn. Nhớ nhé, hễ sốt tới 39 độ thì cho uống thuốc an thần ngay. Tôi nói tôi chưa biết cháu nó mắc bịnh gì, nhưng ông bà đừng có lo. Nếu bịnh dữ như tê bại trẻ con chẳng hạn thì tôi đã thấy rồi, đây có lẽ chỉ là ban đỏ, hoặc hồng tinh huyết, hoặc sưng phổi là cùng, mấy bịnh đó đều không sao. Chỉ cần ngừa kinh phong, tôi nhấn mạnh ở chỗ đó, vì trẻ sốt dữ hay làm kinh phong lắm.- Họ nói … ơ … hơ … có Ông Sát chụp, có không thưa bà ?Nghe Thảo hỏi, bà bác sĩ phá lên cười rồi hỏi lại:- Cháu nó có dấu hiệu bị Ông Sát chụp à ?- Dạ … ơ…hơ… thưa có.- Vậy thì càng nên cho cháu uống thuốc an thần. Sự sợ hãi của trẻ về ban đêm mà người mình cho là ông “Sát chụp” đó là dấu hiệu trẻ nó bị kích thích thần kinh. Vì bộ thần kinh ban đêm làm việc nhiều, nên ông Sát mới tới ban đêm. Ban ngày thần kinh dịu lại thì ông Sát biến mất.Bà bác sĩ mỉa cái vụ ông Sát rất có duyên, nên Thảo và Cúc đều cười và an lòng được ngay.Thảo cho vợ con về trước, còn chàng thì dông ra Sài gòn để mua thuốc, vì hôm nay thứ bảy, không mua, sợ các nhà thuốc đóng cửa, nhà thuốc gác thì hiếm hoi, rủi họ thiếu thuốc, nhứt là thiếu dụng cụ như cây nhiệt kế chẳng hạn, thì nguy.Từ đó cho tới bốn giờ chiều thì bé Thọ chơi chút chút, chỉ làm biếng ăn bột thôi. Nhưng khi mặt trời xế ngang đầu thì nó khởi sự nóng lại.Má Hồng đo nhiệt độ liền: 38 độ.Bé khóc mãi, không khó nhiều nhưng dỗ bằng gì cũng không chịu nín.Hồi sáu giờ rưỡi sáng, cây thủy ngân leo lên tới 39 độ rưỡi.Má Hồng hoảng quá, vì quên lấy nhiệt độ mỗi nửa tiếng đồng hồ, nên nó lên quá cao mà không hay.Nàng vội chạy lấy thuốc an thần trong tủ thuốc để cho bé uống.Thuốc ngọt rất thơm, nên bé không làm khó, uống ừng ực vì bé cũng đang khát nước lắm.Trong toa dặn cho uống mỗi tiếng đồng hồ một liều trong ba tiếng như vậy, nên hồi bảy giờ rưỡi khi ăn tối má Hồng lại cho bé uống một lần nữa.Lần thứ hai nầy thì hơi khó khăn bởi bé đã sật sừ, nửa ngủ nửa thức, nó làm trận rất lâu mới chịu uống.Được cái là nửa tiếng đồng hồ sau khi uống liều thứ nhứt, bé thôi không khóc nữa.- Đêm nay coi mòi êm. Thảo nói trong lúc ăn.- Nhưng nó cũng sốt dữ, không kém đêm rồi, Hồng cho hay như vậy vì bé Thọ nằm bên buồng của nàng. Đêm rồi Cúc thức nhiều quá, nên Hồng muốn thay cho Cúc một đêm kẻo Cúc đuối sức.Cúc nói:- Bà bác sĩ Ngộ bả nói nếu là bịnh dữ thì nhiệt độ không thể lui vào buổi sáng, mà nhiệt độ của Thọ đã lui thì…- … Ta có thể lạc quan được. Thảo nói đoạn sau câu của vợ. Sau bữa ăn, cả ba đều vào buồng Hồng. Hồng đo lại nhiệt độ của Thọ thì thấy nó lên tới 40 độ hai. Chỉ có Thảo là biết nhiệt độ tới mức đó là nguy thôi nên chàng hỏi:- Hồng cho Thọ uống thuốc an thần đúng theo toa chưa?- Chưa, còn một lần nữa. Nhưng nó ngủ say rồi.- Mặc kệ, cứ cạy miệng đổ vào cho nó, không thôi nguy mất. Chính chàng cạy miệng con bằng đuôi muỗng nhôm và Hồng đổ thuốc cho bé Thọ. Xong xuôi đâu đó, hai vợ chồng gởi gắm Thọ cho Hồng rồi đi ngủ vì họ buồn ngủ lắm. Hồng đêm rồi, tuy không thức tới sáng như Cúc, nhưng cũng chỉ ngủ được có mấy tiếng đồng hồ thôi. Nàng mệt lắm nhưng không dám đi nằm, ngồi canh thử xem sao.Hồi tám giờ rưỡi sáng thì nhiệt độ xuống còn 39,5.Tuy nhiên, Hồng vẫn chưa dám đi nằm, bởi bà bác sĩ đã bảo nhiệt độ lên tới 39 thì có thể làm kinh phong kia mà!Chín giờ rưỡi. Nhiệt độ của bé Thọ còn 38,7 và bé ngủ say mèm. Sự hạ nhiệt rất đều, nên Hồng định là đã êm chuyện rồi, nên đi nằm rồi ngủ quên luôn.°
° °
Cúc vừa qua một cơn ác mộng thì giựt mình thức dậy. Nếu không có cơn ác mộng, có lẽ nàng cũng thức, vì tiềm thức của người mẹ không thể yên được và đánh thức nàng dậy để thăm chừng con.Nàng lo sợ quá vì ngủ quên đã lâu lắm rồi. Chiếc đồng hồ đeo tay của nàng mặt nhỏ quá, mà ánh đèn chong thì mờ, nàng không dám mở đèn lớn sợ phải đánh thức chồng nên không biết đích xác được vị trí thời khắc, nàng càng hoảng hơn.Nàng rón rén bước qua khỏi mình chồng rồi xuống giường, đi chơn không, qua mau bên buồng của Hồng.Tới nơi, nàng mở cửa ra, xem lại đồng hồ thì thấy đã năm giờ sáng rồi, bé Thọ bị nàng bỏ quên lâu quá, nhưng không biết Hồng nó có canh chừng hay không.Bản năng người mẹ như xô nàng tới thật nhanh và nàng nhảy có mấy bước là tới bên giường của Hồng.Hồng giựt mình thức dậy rồi cũng hoảng hốt vì chính nàng cũng có cảm-giác rằng ngủ quá lâu.Hồng vụt ngồi dậy và hai chị em đều sờ trán bé Thọ một lượt với nhau rồi cả hai đều rụng rời,bé Thọ lạnh ngắt như nằm ngoài sương từ đầu hôm đến giờ. - Trời ơi, sao Thọ như vầy, anh ơi!Cúc kêu lớn lên khiến Thảo giựt mình dậy và chàng càng hoảng hơn là Hồng và Cúc nữa. Chàng nhảy hai cái là tới nơi.- Sao, cái gì đó hử?- Hu … hu… anh ơi... sao...Thảo xô nhẹ Hồng và Cúc ra, ôm Thọ lên và thấy nó dịu ngoặt và lạnh như đồng.- Trời ơi!Chàng kêu lên như thế rồi té ngồi lên nệm của Hồng.Hồng và Cúc rống lên mà khóc, trong khi Thảo cố trấn tỉnh, vừa lay con, vừa đặt tay lên ngực nó nghe tiếng trái tim của nó. Cái đồng hồ đã tắt máy rồi, tiếng tíc tắc đều đều không còn nữa!- Con ơi!Chàng lại kêu lên rồi nấc một tiếng ngắn, đoạn để bé Thọ xuống rồi hai tay ôm lấy đầu.Hồng và Cúc càng khóc dữ hơn và cả hai chị em đều bổ nhào xuống, kẻ ôm đầu bé Thọ, người ôm chơn nó mà gào.Giây lâu, Hồng như sực nhớ lại thực tế nói:- Mau mau ẵm lên bà Ngộ.- Vô ích nó không còn nữa, Thảo đáp rồi lại nấc lên một tiếng ngắn. - Thây kệ, lên bắt đền bả.- Bắt đền sao được, Hồng đừng có nói điên. Nhưng khổ lắm là không biết nó chết về nghiệp gì? Hồng canh chừng thấy cháu làm sao?Hồng thổn thức đáp:- Hồng thú thật rằng Hồng ngủ quên từ lúc mười giờ. Nhưng chắc chắn là Thọ không có bị kinh phong vì khi Cúc và Hồng mở đèn ra thì thấy cháu vẫn được đấp mền ngay ngắn không có dấu hiệu vật mình vật mẩy.Thảo lại nấc lên một tiếng nữa và hai phụ nữ nầy lại ôm Thọ mà khóc kể rùm nhà.Mấy tiếng đồng hồ sau, Thảo đi lo mọi việc tang ma vì Hồng và Cúc không còn đầu óc đâu nữa mà nghĩ tới việc gì cả.Cúc cố nhiên là khóc nhiều hơn Hồng, vì trọn đời nàng không thể có con được nữa, lòng mẹ thương con lớn lao không gì bằng, phương chi đây là đứa con độc nhứt, hễ mất rồi thì cảnh tuổi già bóng xế của nàng thấy trước là sẽ quạnh hiu vô cùng, không còn hy vọng nào ở tương lai nữa cả.Nhờ bạn hữu giúp cho nên mặc dầu hôm nay là chúa nhựt, Thảo cũng xin được giấy phép chôn con, nên mới tẩn liệm cho nó được. Khi để Thọ vào chiếc hòm nhỏ thì Cúc nhào lăn dưới gạch mà kêu gào.Xế lại thì Thọ được đưa lên nghĩa địa của hội ái hữu của tỉnh Sađéc là quê hương của chàng. Chàng không muốn để Thọ ở nhà lâu, chỉ tổ làm của Cúc đau đớn thêm chớ không ích lợi gì cả.Cúc khóc quá nên đôi mắt sưng húp lên và tối lại thì kêu nhức đầu.Hồng tìm thuốc át pia rin trong tủ thuốc để cho em uống và bỗng giựt mình khi thấy chai thuốc an thần, không, hai chai thuốc an thần.Cả hai chai đều một hiệu với nhau, bằng cỡ nhau, nhãn cùng màu, chỉ có khác là chai của người lớn thì đề: CHO NGƯỜI LỚN, còn chai của Thọ thì đề: CHO TRẺ EM và kinh khủng thay, chai thuốc mua cho Thọ chưa được khui ra.Hồng đứng chết lặng rất lâu trước sự khám phá động trời lỗi lầm của nàng, lòng đau không tả được. Thì ra trong lúc bối rối, nàng đã vô ý dùng chai thuốc cho người lớn mà quên cả cái việc chai thuốc ấy đã khui rồi, chi tiết đó phải nhắc nhở ngay rằng đó không phải là thuốc mới mua cho Thọ. Bây giờ Hồng còn mất hồn hơn là Cúc từ khuya đêm trước tới giờ nữa. Cúc chỉ mất con, còn nàng đã phạm tội ngộ sát, mà không phải ngộ sát người xa lạ, nàng đã giết một người thân yêu của nàng, hơn thế có thể giết thêm một người nữa, vì nếu Cúc không tự tử thì đời sống tình cảm của Cúc cũng kể như là vứt đi rồi.“Trời ơi! Ba liều thuốc cho người lớn mà vào bụng trẻ sơ sanh trong vòng ba tiếng đồng hồ. Không, mình không thể được tha thứ!”.Thất thểu, Hồng mang thuốc vào cho em rồi, trở ra ngay.Đi ngang qua chiếc tủ thuốc nhỏ gắn trên tường ở buồng ăn, nàng lấy chai thuốc an thần mua cho bé Thọ vào buồng mình, khui ra rồi mở cửa sổ, thò chai thuốc ra ngoài đổ xuống sân độ vài ba muỗng. Làm xong công việc ấy rồi Hồng chợt thấy ngay là mình vô lý hết sức. Nàng không dè là trong khi tâm trí rối loạn nàng chỉ hành động theo bản năng tự tồn của một con thú vật, tự tồn và tự vệ, chứ thật ra, nàng không còn biết sợ tội tù gì nữa cả. Đã nhận tội lỗi với mình, thì với thánh thần hay với luật pháp thật không đáng kể, vì kẻ mà mình sợ nhứt, mà người luơng thiện sợ nhứt chính là họ.Hơn thế, khi tội lỗi ấy làm hại to người thân yêu của mình thì mình có khuynh hướng tự hủy diệt hơn là tự vệ, về lòng và trí thì như vậy đó. Chỉ có bản năng tự tồn là còn cưỡng lại thôi.Hồng không buồn cất chai thuốc ấy, đặt nó lên chiếc bàn con trong buồng nàng, rồi ngã lên giường mà khóc.Nàng khóc như vậy không biết bao lần rồi ngủ thiếp đi. Ở buồng bên nầy, Thảo và Cúc cũng chưa ngủ. Thảo bận an ủi vợ, sợ nàng đau khổ quá rồi sanh bịnh thì nguy.Đây là lần đầu tiên mà chàng nói triết lý với vợ, những câu triết lý rẻ tiền về sự sống chết, về luân hồi, đầu thai, hóa kiếp, âm phủ, dương gian, cố xúi Cúc tin rằng con là nợ kiếp trước của hai vợ chồng, số nợ nhỏ nên nó chỉ ở với họ có già một năm thôi, và con người hoàn toàn bất lực trước cuộc sắp đặt của Ngọc hoàng Thượng đế.Cúc được ru ngủ như vậy nên đi lần vào cõi mơ màng và chính người ru ngủ nàng cũng đã bắt đầu du lịch trong giấc ngủ cô miên.Thình lình cả đôi vợ chồng đều giựt mình vì có ai kêu lên những tiếng thất thanh đâu đó.Họ vụt ngồi dậy, định rõ lại hướng phát khởi của tiếng kêu, thì chắc chắn trong bụng là chính Hồng đã la hét. Đôi vợ chồng ở cách Hồng hai cái cửa buồng, giữa hai cửa buồng lại có thêm một khoảng trống là buồng ăn, nên chi họ không biết được Hồng kêu lên những tiếng gì, chỉ nghe ra giọng Hồng kinh sợ lắm.Thảo tuột xuống giường thật lẹ, rồi trong ánh sáng lờ mờ của ánh đèn chong, chàng chạy chơn không đùi đụi, mở cửa ra, và trong nháy mắt đã qua tới buồng của Hồng. Hồng không cẩn thận nên không có đóng cửa buồng nầy, đó cũng là cái may.Công tắc đèn lớn gần ở tường, cạnh khung cửa nên Thảo mở đèn ra trong nháy mắt.Hồng mở mắt tròn xoe, nhìn trừng trừng nóc mùng tay chơ huơi lịa, kêu lên những tiếng vô nghĩa nhưng nghe lạnh cả người.- Hồng! Hồng! Gì đó?Cúc sợ quá, mở đèn bên buồng nàng rồi mới lục tục bước theo chồng.- Gì đó? Gì đó? Nàng cũng hỏi lớn như Thảo, nhưng giọng nàng run ghê lắm.Thảo ngỡ Hồng bị ác mộng, gọi lớn là nàng giựt mình thức dậy.- Hồng!- Hồng!Cả Thảo lẫn Cúc ráp nhau mà gọi, nhưng thấy vô hiệu quả. Cúc giở mùng chun vô trong ấy, nắm Hồng mà lay. Vì sợ quá, nàng lay thật mạnh, không khác gì trẻ con lăn gối mà chơi.Thình lình Hồng vụt ngồi dậy, chụp lấy Cúc và la.- Làm sao? Không! Không! Tôi không có muốn như vậy.Đôi mắt mở to của Hồng, không có thần trong đó mà cứ nhìn thẳng: Cúc bây giờ lại bị Hồng lay mạnh ở hai vai, khiến nàng khủng khiếp run lập cập và gọi chồng:- Anh ơi, sao thế nầy? Trời ơi!Thảo gom chơn mùng lại thành một bó rồi ném mạnh lên nóc mùng. Cái giường, bấy giờ đã trống trơn, chàng bước lại đứng sát mép nệm, vừa gỡ nhẹ tay Hồng ra, vừa cố dịu giọng nói: - Hồng, đừng có làm điên! Tỉnh lại đi coi nào!Cúc sợ quá, được thoát khỏi tay Hồng, vội tuột xuống giường và bước ra sau lưng chồng.- Anh ơi, sao Hồng lại làm gì mà kỳ vậy! Hu... hu...hu...Hồng lại quơ tay chụp lấy Thảo, rồi vụt cười khan lên những chuỗi cười dài, nghe rợn người, khiến Thảo phải mọc óc lùng mình. Thảo đứng dưới đất sát giường. Nhưng giường thấp quá, hóa ra chàng còn cao hơn Hồng nhiều. Hồng chồm lên, rồi đứng dậy trên nệm, bá lấy cổ Thảo rồi đánh đu trên đó.- Hồng! Tỉnh lại coi nào!- Hu...hu...hu...chị ơi, Hồng ơi! Đừng làm như vậy nữa, em sợ lắm!Hồng xích đu, nhảy ra khỏi giường, đánh đeo nơi cổ của Thảo. Nàng đạp chơn lên người Thảo rồi leo như khỉ leo cây. Thảo khó chịu vì sức nặng ấy, nên ngã đại xuống giường cho Hồng ngã theo rồi cố gỡ tay nàng ra. Nhưng Hồng vòng tay lại quanh cổ chàng chặt cứng, chàng không làm sao mà thoát được. Chàng gọi vợ:- Cúc phụ lực với anh coi nào!Cả hai vợ chồng vật lộn với Hồng, hì hục lâu lắm Thảo mới được giải thoát và cả hai vội dang ra khỏi giường lập tức.Hồng không thôi cười, vác gối mà ném vào Thảo và Cúc. Thảo nói lớn:- Cúc ra buồng ăn xem coi mấy giờ? Giây lát sau. Cúc trở vô nói: - Bốn giờ anh à!- Đã hết giới nghiêm rồi, nhưng chưa có taxi đâu, phải đợi thêm một hồi lâu nữa. Em nên đi về buồng chải gở, mặc áo dài vào rồi mang qua cho anh bộ âu phục máng trên lưng ghế. - Chi vậy anh?- Đừng hỏi, anh không trả lời được đâu. Nhưng mau lên. Bây giở thì đã hết gối rồi, ba chiếc gối nằm, gối dài và gối ắp đều rơi xuống gạch sau khi được tung vào người Thảo, Hồng chụp món khác. Thảo sợ điếng người vì cái món đầu tiên mà chàng thấy Hồng cầm lên là cái ly uống nước còn đựng nửa ly đặt trên đầu giường của Hồng. - Mau lên! Đi ra khỏi đây ngay.Chàng vừa hét vừa thụt lùi, vừa lấn vợ bằng lưng để che chở cho nàng, với lại để đẩy nàng đi, vì Cúc sợ quá đứng chết sững như bị trời trồng. Thảo vừa khép cửa lại thì nghe tiếng ly nước chạm vào bên trong cánh cửa, kêu đánh đoáng một cai rồi nó rơi xuồng đất bể ra kêu lổn rổn, cùng với tiếng nước đổ lách chách trên gạch.Thảo đi trước ý định của Hồng nên dùng hết sức nặng của chàng mà chận cánh cửa đó. Quả nhiên, liền sau tiếng ly bể, chàng nghe cánh cửa bị đẩy ra. Chàng rất lo, cho Hồng đạp phải miểng pha lê mà bị thương ở chơn nhưng biết làm thế nào bây giờ.Cô Hồng yếu đuối ngày thường, bỗng trở nên mạnh mẽ lạ thường, và rất lắm lần cánh cửa và cả chàng nữa bị trôi đi đến năm sáu phân, khiến chàng phải nỗ lực ghê hồn để kiên thủ.Hồng lại bỏ cánh cửa rồi đập phá gì trong đó kêu đùng đùng.Cúc tay chơn run rẩy chỉ chải lại mớ tóc rối và mặc chiếc áo dài vào mà hơn hai mươi phút mới xong. Nàng xách sơ mi và quần tây của Thảo, nhưng Thảo không nhận mà hỏi:- Chìa khóa hai cửa buồng nầy có giống nhau không?- Giống hệt.- Vậy lấy đưa đây anh!Năm phút sau, cửa buồng đã bị khóa lại bên ngoài và Thảo mới rảnh tay rảnh chơn trở vào buồng chàng mà ăn mặc vào. Cúc hỏi.- Anh định làm gì?- Chớ em không thấy là Hồng lên cơn điên à? Anh không dám nói tiếng “điên” trước mặt Hồng vì anh thấy đôi khi người điên bỗng điên dữ tợn lên khi nghe tiếng đó.Ta đưa Hồng đi Chợ Quán, nhưng cũng đừng nói nhé, nó nghe đưa nó đi nhà thương, nó càng làm dữ hơn.Giờ em đánh thức con nhỏ dậy, bảo nó lên đường Trần Hưng Đạo đón một chiếc tắc xi đem về đây, đừng cho nó biết gì hết, kẻo nó bép xép nói tùm lum ra, tắc xi họ sợ, họ không dám nhận chở. Còn em ở nhà phụ với anh.Cúc đã biết rõ tình thế và biết mình phải làm gì nên tự trấn tĩnh được. Nàng vội thi hành mạng lịnh của chồng ngay là đi mở cửa sau, đánh thức con nhỏ ở dậy, nó ngủ như chết; mặc dầu nãy giờ trên nầy có một đám giặc nhỏ xảy ra nó cũng không hay gì cả.Trẻ con bị đánh thức giữa giấc ngủ, sật sừ rất lâu mới tỉnh hồn, và tỉnh dậy trong giờ bất thường, lại nghe một lịnh bất thường, nó lại ngơ ngác một hồi nữa, thành thử cái vụ sai đi gọi xe nầy kéo dài rất lâu.Tuy nhiên, Thảo không sốt ruột vì chàng biết có vội lắm cũng chẳng có ích gì vì hết giờ giới nghiêm thì các bác tài tắc xi chỉ mới có thức dậy thôi, và giờ nầy chỉ có thể tìm được xích lô máy là may lắm rồi, nhưng xích lô máy lại không tiện.Trong khi đó thì trong buồng Hồng, tiếng động càng phút càng to, và Hồng la hét càng phút càng dữ dội.Con nhỏ ở chạy ra khỏi nhà, tim đập thình thình và tiếng la hét đập phá cho nó đoán rằng trong nhà có chuyện dữ, mà không rõ thuộc loại nào.Nó đi rồi Cúc trở lên để nghe chồng nàng hỏi:- Làm sao đưa chị ấy ra xe?- Em làm sao mà tính được chuyện khó đó. - Một mình anh, em e rằng...- Nếu đánh lộn, anh sẽ thắng. Nhưng ta đâu thể làm đau đớn người thân yêu của ta được. Khó trấn áp người điên là vì lẽ đó.Họ vừa bàn tới đây thì nghe tiếng cửa xe hơi đóng lại ngoài trước. Họ dáo dác nghe ngóng thì quả con nhỏ chạy vô cho hay rằng đã có xe tới.Thảo còn bối rối, vụt nghĩ ra một ý hay, bèn lấy cái mền chưa xếp, tìm hai chéo rồi cầm nơi hai tay dăng ra, buông thả mền xuống trước ngực chàng rồi nói:- Em len lén mở khóa thật nhẹ, rồi thình lình vừa kéo ra vừa núp sau cánh cửa mở đó. Hồng thoát ra ngoài hay cứ đứng lì trong buồng cũng sẽ bị anh chụp mền lên người. Anh sẽ trói Hồng lại bằng cách đó rồi ẵm Hồng ra xe. Em chạy ra trước, ngồi sẵn trên ấy để phụ lực với anh lúc anh đút Hồng vào xe.- Liệu anh sẽ...- Em đừng lo. Anh chỉ sợ chị Hồng đánh đập thôi, nhưng khi Hồng bị chụp vào mền rồi thì anh vật ngã Hồng rất dễ.Hai người làm y theo kế hoạch của Thảo. Hồng đang đập rầm rầm và la hét om trời nhưng vẫn nghe đuợc tiếng chìa khóa khua trong ổ khóa, vì nàng có thói không khóa cửa bao giờ, nên ổ khỏa khô dầu và sét rỉ, động tới nó là nó kêu ầm lên.Người điên thường thì họ hành động khôn quỉ vô cùng trong những cuộc tấn công bất ngờ và trong những cuộc thoát thân. Hồng thôi kêu la, thôi đập phá, để tiến đến cửa mà bên ngoài không hay biết, bởi không định được vị-trí của nàng.Nên chi, khi cánh cửa vừa bật ra thì nàng đã chớp nhoáng nhảy ra buồng ăn rồi. Nhưng Thảo vẫn lẹ tay hơn vì Hồng chưa kịp có hành động nào khác thì đã bị thiên la địa võng chụp lên người nàng, từ đầu đến chơn. Nàng toan thoát khỏi sự lúng túng đó thì bị Thảo ôm lại khóa hai tay nàng trong mền và khóa mền bằng hai tay của chàng.Sự vùng vẫy của Hồng chỉ là phản ứng trẻ con đối với sức mạnh của Thảo. Chàng giơ bổng Hồng lên, đặt nàng nằm sắp trên vai chàng, tay vẫn khóa tay nàng rồi vác nàng đi thật lẹ ra xe. Hồng chỉ còn đá hai chơn, nhưng không ăn thua gì, cả chơn nàng cũng vướng mền nên không cử động được thong thả lắm.Rất khó là lúc đẩy người điên vào xe. Cửa xe loại Rờ Nô quá hẹp, thành thử Thảo phải cho Hồng vào trước, mà Cúc ngồi sẵn trên xe lại không đủ sức chế ngự Hồng. Trong khi đó thì Thảo bước vào sau lại bị Hồng đạp mạnh vào ngực xuýt té ngửa. Nhưng rốt cuộc rồi anh tài xế tắc-xi rất mừng mà thấy họ thành công. Anh ta không dè mới bét mắt mà gặp phải một đám rắc rối như thế nầy, nhưng đã trót đến không bỏ đi được, nhứt là vì lúc thấy Thảo vác Hồng, anh ta ngỡ Hồng là một con bịnh thường, và khi biết ra sự thật, Hồng đã bị đút vào xe rồi, có từ chối cũng không được nữa. Thủ tục giấy tờ thu nhận bịnh nhân kéo dài lâu quá và đôi vợ chồng về tới nhà đã tám giờ rưỡi rồi.Thảo ghé qua đó có giây lát để xem có gì không, rồi đi làm. Cúc chưa tỉnh hẳn cơn ác mộng, cứ ngồi đó mà ngó mông, quên cả việc chợ búa.Từ thuở giờ, nhà nầy không gặp phước lớn, nhưng cũng không hề gặp họa to. Cái chết của đứa con không thể có thêm nữa của nàng là cái khoen đầu của sợi dây xích tai họa hay sao mà chưa chi người chị thân yêu của nàng lại hóa điên.Tử thuở giờ, Cúc chưa hề thấy tận mắt những hình ảnh ghê rợn như là tử nạn, điên cuồng nên chi sự chấn động tâm trí nơi nàng to lớn quá trước cơn điên loạn của Hồng.Tại sao Hồng lại điên? Cúc soát lại tất cả mọi việc xảy ra trong gia đình để tìm nguyên nhơn bịnh tâm trí của chị mình thì không tìm thấy gì cả. Cái tang nhỏ, có làm cho Hồng buồn nhiều thật đó, nhưng chắc chắn là nỗi buồi của Hồng không đủ làm cho nàng mất trí.Cúc yếu đuối tinh thần, mà cuộc chấn động hồi khuya lại làm cho nàng yếu đuối hơn. Trong lúc rối trí, nàng nghĩ đến những quyền lực huyền bí của kẻ khuất mặt, y như các cụ ta xưa. Ý nghĩ đó đưa đến ý nghĩ khác: Tìm trung gian của quyền lực huyền bí đó, một pháp sư chẳng hạn, để người trung gian ấy can thiệp xin xỏ cho Hồng, chứ nhà thương sẽ bất lực cho mà xem.Bây giờ đã trưa lắm rồi, khi Cúc ra khỏi giấc mơ của nàng. Nàng đưa tiền cho con nhỏ ở đi chợ mua thịt quay, xá xíu ăn đỡ ngày ấy, chớ không đi mua đồ ăn mà nấu cho kịp nữa.Thảo đi làm về chỉ biết an ủi vợ bằng thương yêu thầm lặng. Không khí trong nhà buồn thảm như vừa chôn ai chưa mở cửa mả.- Chiều nay anh xuống nhà thương lấy tin tức của Hồng nhé! Cúc dặn chồng.- Ừ.Cuộc đàm đạo của đôi vợ chồng chỉ có thế trong bữa ăn trưa và bữa nghỉ trưa: rồi xế lại Thảo đi làm, Cúc nằm nhà để nhơi những ý nghĩ âm u của nàng.Nhà vắng quá. Không, cũng y hệt như trước, đâu có vắng hơn, thế mà Cúc lại cảm thấy quạnh quẽ bao quanh nàng. Nàng ngó trước nhìn sau rồi rùng mình. Các quyền lực huyền bí đã cướp mất tâm trí của Hồng, biết đâu lại không còn lẩn quẩn đâu đây?Thế nên, nàng van vái lầm thầm. Khi con người bất lực trước thần quyền, họ đầu hàng bằng cử chỉ ấy Và cử chỉ đó dẫn dắt họ tiến sâu thêm trong việc đầu hàng: Van vái là hứa hẹn, mà hứa hẹn thì phải y hẹn. Hứa hẹn tạ lễ và hẹn y lễ. Nhưng muốn y hẹn, chỉ có cách là tìm cho được người trung gian chớ thật ra kẻ đầu hàng chỉ khấn người vô danh chớ chưa biết người ấy là ai thì khó lòng mà tạ ơn y được.Mãi cho tới đỏ đèn, Thảo mới về. Cúc sốt ruột đón chồng từ ngoài cửa ngõ hồi 6 giờ mười lăm, và đứng đó hàng giờ mỏi rụng cả hai chơn, nên chi khi Thảo từ xa chạy xì cút tơ tới, nàng cười vui lên như những ngày họ mới lấy nhau.- Làm sao? Chị ấy đã đỡ chưa? Nhưng sao anh về trễ quá vậy?- Bữa nay không phải là bữa thăm bịnh, nên anh vô trại không được, chỉ hỏi ở văn phòng mà thôi. Nhưng lại không biết. Vậy nên anh phải đợi đến giờ làm để đón người trưởng trại mà hỏi thăm.- Họ nói sao?- Cố nhiên là chưa đỡ. Đâu có lẹ làng quá như em mong. Bịnh của Hồng có phải là bịnh thường đâu. - Nhưng họ cũng đã biết gì chớ?- Họ chưa biết gì hết. - Em không tin là họ sẽ biết gì.- Sao vậy? Anh nghe nói mười mấy năm sau nầy có phương pháp mới khám bịnh và trị bịnh điên. - Không phải như vậy đâu. Em tin là chị Hồng mắc tà.- Em chỉ nói nhảm.Thảo định cho vợ biết những điều chàng đã nghe ngóng được, không chánh thức, về Hồng nhưng thấy vợ bỗng đâm ra nói bậy, chàng lại thôi, sợ Cúc có phản ứng không hay thì phiền. Chàng nghe những anh lao công làm cỏ trong nhà thương họ bảo con bịnh nào đập phá, dữ như Hồng đều bị nhốt riêng ở một buồng đặc biệt làm sao đó không rõ nữa, buồng ấy sắp đặt như thế nào mà Hồng không đập phá được nữa, chẳng có gì để mà đập. Tuy nhiên, dầu sao cũng đỡ khổ hơn là những con bịnh ở các trại bố thí, họ ở chung nhau hàng trăm, đập nhau vỡ trán.Thảo định kể câu chuyện ấy ra, không phải để làm cho vợ sốt ruột, hoặc để trấn an nàng mà chỉ để cho nàng biết rằng Hồng vẫn còn đập phá.Hai hôm sau, Thảo vào trại được, nhưng không thấy mặt Hồng. Người trưởng trại cho biết rằng Hồng chưa “ngoan” còn la hét, đánh phá lung tung nên không tiện cho người nhà thăm viếng. Nhưng họ lại cho chàng biết rằng theo kinh nghiệm của họ, thì những con bịnh làm dữ, chính là những con bịnh mau lành, có người vào có một tuần lễ thì khỏi hẳn suốt đời, trái với những con bịnh lầm lầm, lì lì, năm ba năm chưa đỡ, phải cho đi Biên Hòa luôn để họ ở vĩnh viễn trên ấy, vì trên ấy có nhiều buồng nhiều trại hơn ở đây, chữa bịnh lâu năm được.Tuy không có gì cụ thể cả, những lời quả quyềt của người trưởng trại cũng an ủi ghê lắm, nhưng chỉ an ủi đối với chàng thôi. Khi chàng về nhà kể lại mọi điều nghe thấy cho vợ nghe thì Cúc nói: - Thì em đã nói mà! Họ làm sao trị được bịnh của Hồng. Em phải đi về dưới một chuyến mới được.- Để làm gì?- Hồi sớm, em gặp chị bảy Hạnh, người đồng hương, chỉ cho biết rằng dưới em giờ có cô Mười Ba, một cô cốt rất giỏi, truy tầm tà ma bắt bịnh hay lắm, và ếm với lại xin tội còn hay hơn. Thảo cười ha hả nhưng chẳng những không phản đối ý muốn của vợ, lại còn nói: - Tùy thích em. Anh thì anh không tin nhảm, nhưng nếu cúng vái giúp em đỡ sốt ruột thì cứ làm. Chừng nào em bắt Hồng uống bùa dơ thì chừng đó anh sẽ quyết liệt ngăn cản. Suốt buổi ăn tối, hai vợ chồng cãi nhau về vụ cúng vái. Nói Cúc cự chồng thì đúng hơn, vì Thảo đã nhượng bộ ngay từ phút đầu. Nhưng đàn bà họ vẫn thế. Đàn ông nhượng bộ họ cũng chưa vừa lòng. Họ thích đàn ông biểu đồng tình với họ hơn là chiều ý họ một cách miễn cưỡng. Cúc hỏi:- Chớ theo anh thì tại sao Hồng lại điên?- Anh biết đâu vì anh đâu phải là thầy thuốc.- Anh cứ nói đến ông thầy thuốc của anh ; bịnh điên ăn thua gì thầy thuốc!- Nếu không ăn thua gì thì đừng gọi nó là bịnh.- Anh gọi như vậy chớ có phải em đâu. Em nói Hồng điên, chỉ giản dị có thế thôi.Hai người im lặng một lúc rồi Cúc lại hỏi:- Hễ có bịnh thì phải có nguyên nhân, Hồng không bị nguyên nhân nào làm cho chị ấy mất trí hết. Chị ấy có sầu thành đâu.- Ai biết đâu được!- Anh nghi quấy cho chị Hồng à?- Không. Anh nói không ai biết được bí-mật của một người, trong cái đám ai đó, có cả anh nữa.- Không biết, là có chỗ nghi ngờ.- Không nghi ngờ, cũng không nên quả quyết gì hết.- Đàn ông thật vô lý quá.- Có lẽ. Mà đàn bà cũng thế.- Cũng thế làm sao được. Em suy luận có căn có cội hẵn hòi.Thảo chỉ biết cười trừ và câu chuyện cứ loanh quanh như thế nữa cho đến hơn chín giờ và chàng dỗ Cúc ngủ, Cúc mới chịu nín cho. Nhưng trước khi nín nàng còn nói thêm nuột câu:- Mai em về dưới. Anh chịu khó ăn cực một hoặc vài hôm.- Được, em đừng lo cho anh lắm. Té ra mai em đi? Sao bất thần như vậy?- Không, em định thế từ hôm đưa chị Hồng đi nhà thương. Sáng hôm sau, Cúc đi chợ thật sớm để mua ăn, về kho một nồi thịt và cá như để dự trữ ăn trong ba ngày Tết, rồi giao nhà cho con nhỏ ở, gọi xe vô bến An Đông để đáp lô-ca-xông về tỉnh nhà là Định Tường.Ngôi biệt thự giả ở đường Huỳnh quang Tiên bây giờ mới thật là quạnh hiu. Chiều nào Thảo đi làm về, cũng xuống nhà thương trước để nghe ngóng tin tức của Hồng nhưng không có gì lạc quan cả, rồi mới về nhà mà lắng nghe sự vắng lặng ở đây.Chàng không buồn, không lo sợ cho tương lai lắm bởi chàng không biết sự thật về chứng loạn trí của Hồng. Nếu chàng biết rằng Hồng đã quá sầu về tội lỗi của nàng nên mới mất trí như vậy, chàng đã khổ không biết bao nhiêu.Có ai ngờ được tình trạng sanh đôi lại có thể gieo hết tai họa nầy đến tai họa khác đâu, mà nếu Thảo ngờ được, chàng đã hoảng hốt khi tự hỏi không biết tấn thảm kịch nào sẽ xảy ra trong nhà nầy nữa.Chàng không buồn lắm, vì chàng tin rằng Hồng sẽ khỏi, trong một thời gian ngắn, theo lời ông Trưởng trại nói. Chàng không lo gì hết, bởi không ý thức gì hết về xâu chuỗi tai họa bắt nguồn từ trên hai mươi năm nay, từ ngày Hồng và Cúc ra đời. Tuy nhiên chàng vẫn nghe rằng có cái gì không được trơn tuột, trong cuộc đời của bộ ba Hồng Cúc và chàng: Một đứa bé vừa đầy tuổi thôi nôi thì hóa hữu sinh vô dưỡng ; môt cô vợ không thể nào cho chàng một đứa con nối dõi thứ nhì, rồi một người chị vợ, hay một đứa em vợ, giống như một cây diêm quẹt đang cháy mà chàng là một thùng thuốc súng. Không, chàng không được hạnh phúc trong cuộc hôn nhân nầy, không được hoàn toàn hạnh phúc, mặc dầu chàng cũng vẫn yêu vợ lắm và được Cúc yêu lại thật nhiều.Có những tấn thảm kịch gia đình nho nhỏ, nhỏ vì không có ai chết, nhưng thật ra thì to lắm, to hơn tang tóc nữa, bởi một cái tang đau đớn sẽ quên được sau vài năm, nhưng những cái nho nhỏ ấy lại không để họ yên thân suốt đời. Có những tấn thảm kịch như vậy, ngoài không ai thấy là thảm kịch, nhưng người trong cuộc rất khổ sở vì nó.Thảo chỉ phải chịu cảnh hiu quạnh có hai ngày và một đêm thôi vì chiều mai lại, đi làm về thì chàng đã thấy vợ tới nhà đâu hồi nào, hỏi ra thì Cúc về từ hồi ba giờ trưa.Cúc vui tươi hơn mấy hôm trước nhiều, và khi nghe chồng báo tin là Hồng đã đỡ, nàng reo lên:- Đó thấy không?- Thấy cái gì?- Thì em đã nói là Hồng mắc tà mà! Cốt cậu Mười Ba cũng xác nhận điều đó. Em đã van vái, nhờ Cậu xin giùm nên Hồng đỡ đó.Thảo hỏi đùa, nhưng giọng rất bình thản và vẻ mặt rất nghiêm nghị:- Cậu nói ai bắt Hồng?- NGƯỜI TA.- Người ta là ai chớ?- Anh không biết gì hết. Chữ Ta phải viết với chữ T hoa. NGƯỜI TA là kẻ khuất mặt.- Cố nhiên là kẻ khuất mặt, chớ kẻ có mặt mà bắt được Hồng thì chỉ có ông Cò. Nhưng ông ấy bắt bỏ bót chớ không bắt cho điên.- Anh cứ như vậy ! Cậu nói cuộc đất cất nhà nầy, hồi xưa có một cái miếu đổ. NGƯỜI TA không còn miếu nữa, mất chỗ ở, NGƯỜI TA phạt đó.- Té ra NGƯỜI TA là dân bị giải tỏa, đâm ra nổi loạn. Sao NGƯỜI TA không vào đơn xin nhà Kiến thiết.- Anh ăn nói bất kể thần thánh. Đáng lý gì NGƯỜI TA bắt anh mới phải cho.- Đúng, em nói đúng, Hồng không có tội gì hết. Cứ theo lời em thì nhà nầy cất đã 50 năm rồi. Từ ngày ấy những nay sao NGƯỜI TA không làm gì những người đã trao tay nhau ngôi nhà nầy mà đợi Hồng lớn lên mới bắt Hồng!- Ai biết đâu.- Thôi cũng được, miễn Hồng khỏi là đủ rồi, nhờ NGƯỜI TA tha cho, hay nhờ thầy thuốc chữa trị, không quan trọng lắm. Nhưng NGƯỜI TA tha cho với giá nào.- Cậu bảo phải trả lễ bằng một con heo quay, chừng nào Hồng khỏi. - Lẽ cố nhiên là phải cúng tại nhà cậu ?- Chớ sao, mình đâu có biết cúng. - Rồi không lẽ ta lại khiêng con heo đó về Saigon nên ta biếu luôn cậu? - Anh đừng có ba gai với người khuất mặt.- Anh đâu dám. Nhưng ta nên mừng hơn là cãi nhau vì Hồng đỡ nhiều, và ta mừng sẽ gặp lại nhau.Nói xong, Thảo hun vào cổ vợ một cái, khiến Cúc thích quá, vui vẻ trở lại như lúc chồng mới về.Nàng thỏ thẻ nói: - Hồng đỡ làm sao. À, nhưng anh đi tắm đi cái đã.- Anh nghe muốn sốt, không tắm. Chắc bị NGƯỜI TA bắt rồi đây. - Lạy anh, đừng có nói nhảm. Không nên đâu. Vậy Hồng làm sao ?- Hồng được cho uống thuốc an thần liều mạnh, nên ngủ li bì, nhưng đã tỉnh dậy từ trưa hôm qua tới nay, gần như thường, tuy không nhớ rõ mọi việc, và rất ít nói năng. Bác sĩ khám thì không thấy gì cả, tạm kết luận là Hồng sầu muộn gì đó, nhưng họ nói không sao. Mai vợ chồng ta đi thăm Hồng, được rồi đó. Đêm nay, tình trạng trong gia đình nầy cũng không có gì thay đổi cho lắm, nhưng đôi vợ chồng lại rất vui vẻ vì họ không còn phải lo gì cho Hồng nhiều.Đây là lần đầu tiên từ ngày bé bỏ cha mẹ, mà họ yêu nhau, và xem như là mới lạ y như trong đêm tân hôn.Chiều hôm sau, hồi bốn giờ, Thảo xin phép về sớm và tới nhà thì Cúc đã sẵn sàng cả rồi như họ đã thỏa thuận trước nhau, và năm phút sau đó, họ có mặt tại nhà thương Chợ Quán. Trại của những con bệnh có tiền, nằm bên tay trái, không sâu lắm như trại nữ bố thí mà cũng không nằm phía ngoài như trại nam bố thí.Người thăm bịnh không vào được hẳn trong trại, mà ngồi chờ ở một cái phòng thăm, con bịnh được nhà thương gọi ra đó.Hồng vừa thấy Cúc bước vào phòng thăm thì chạy a lại ôm nàng, rồi hai chị em khóc òa. Thảo kéo cả hai lại ngồi trên chiếc băng gỗ không có dựa rồi hỏi:- Hồng nghe thế nào ?- Ngầy ngật ghê lắm. Chớ Thảo không thấy là Hồng bơ phờ lắm sao?- Không, Thảo đáp láo.- Hình như là Hồng bị uống thuốc ngủ nhiều quá.- Nhưng Hồng đã nhớ hết mọi việc chưa?- Chỉ nhớ đứt khúc thôi. Có một khoảng trống giữa lúc Hồng tỉnh lại và lúc...lúc...Hồng muốn nói là lúc mà nàng đổ bớt lọ thuốc không bao giờ được con bịnh nào uống cả, và lẽ cố nhiên là nàng ngập ngùng rồi nín luôn.- Ông Trưởng trại nói chiều thứ bảy Hồng sẽ ra về được. Cúc và Thảo sẽ đến rước Hồng.- Ông bác sĩ ổng bảo Hồng nên đi nghỉ mát ở đâu đó trong nửa tháng.- Được. Để Thảo xin phép cho. Ngân hàng họ nói sẽ hoàn tiền nhà thương lại cho gia đình ta, và trả lương đủ như Hồng có đi làm. Xin phép nghỉ dưỡng bịnh chắc sẽ dễ dàng lắm. Hồng định đi đâu?- Hồng cũng chưa biết. - Thảo đề nghị Hồng đi Đà Lạt.- Để xem.Bấy giờ Thảo mới trao giỏ đồ ăn cho Hồng: bánh mì, chả lụa để ăn liền, bánh mì hộp với ba tê gan vô hộp để ăn mấy bữa sau, bánh ngọt vô hộp, để ăn chơi.Hồng vừa soát các món, vừa hỏi: - Nhưng Hồng bịnh làm sao, và đây là nhà thương nào ?- Không cần biết vội, vài bữa về nhà hãy hay. Cúc đáp. Dưới đồ ăn là quần áo của Hồng và son phấn. Hôm đưa Hồng vào đây, Hồng mặc đồ ngủ, nhưng chiều thứ bảy về thì phải chỉnh tề, toàn là đồ ni lông xếp lại, không nhầu nát đâu mà lo.Họ lại tiếp tục nói chuyện, nói gì không ra gì mà cũng kéo dài cho tới lúc hết giờ thăm bịnh họ mới chia tay nhau.Bước ra khỏi cửa, Cúc nói với lại:- Chiều thứ bảy, Hồng nhé.Trên con đường trải đá đỏ xắn ngang bồn cỏ, Cúc nói với chồng: - Nhiều cô điên đẹp quá. Chắc họ ghen. Nhưng đã đẹp như vậy mà còn bị phụ thì không biết đàn ông họ muốn cái gì !Thảo cười mà rằng:- Yêu nhau, đâu có phải chỉ vì bóng sắc. Nhưng sao họ lại không bị tà bắt mà lại ghen ?Bị chế giễu, Cúc bật cười, rồi ngụy biện:- Vì mấy cô đó có chồng, thì họ chỉ có ghen thôi chớ gì. Anh không thấy họ nhõng nhẽo với chồng họ đó sao ?- Hễ có chồng thì không thể bị tà bắt à ?Cúc ít cãi hơn hôm trước và không dễ nổi giận nữa. Sự khỏi bịnh của Hồng giúp nàng yêu đời và dễ dãi tánh tình.Thảo có ý kiến:- Em từ ngày phải mổ tới giờ, chưa nghỉ ngơi lần nào để bồi bổ sức khỏe. Anh thấy em nên đi nghỉ mát với Hồng chuyến nầy có lợi cho cả hai. Em thì cần nghỉ, Hồng cần có người ở luôn bên cạnh để nó khỏi buồn nếu có chuyện buồn riêng.- Anh tin Hồng có tâm sự riêng ?- Ai biết đâu. Nhưng đó là sự có thể. Dầu sao, em cùng đi với Hồng thì lợi hơn. Thuê phòng khách sạn cho một người ở hay hai người ở cũng một giá thôi. Ăn uống cũng vậy. - Chà, bộ có cô nào rồi đó hả ? Cúc nói đùa, nhưng cũng hơi nghi ngại.- Em khỏi lo chuyện đó. Nếu anh có, em ở nhà cũng không ngăn anh được kia mà. Nhưng không có đâu.- Em nói chơi vậy chớ em chỉ lo anh không ai săn sóc.- Một tuần lễ không được em săn sóc, chắc anh cũng không mất ký lô thịt nào đâu. Đi em nhá?- Để xem. - Lạ quá, hai chị em, ai cũng bảo để xem hết, không biết còn xem cái gì!