Guam và Bản Tình Ca

Chiếc C-130 đáp xuống phi trường Anderson, Guam, căn cứ không quân Hoa Kỳ chiều 20-6-1975. Phi cơ lăn bánh chậm dần và tách ra khỏi phi đạo vào một khu trống. Đoàn người tị nạn khoảng 300 nam - nữ - già - trẻ - lớn - bé, ăn mặc đủ màu, đủ kiểu với những bộ đồ rộng thềnh thoàng được phát từ trại tị nạn Subic Bay, vai mang túi xách lố nhố đứng lên khỏi ghế ngồi. Khi chiếc phi cơ ngừng hẳn, một cầu thang cao, dài được đẩy lại và áp vào thân phi cơ, đoàn người tị nạn lần lượt bước xuống bực thang.
Dưới sự hướng dẫn của binh sĩ Hoa Kỳ, đoàn người xếp thành một hàng dài ngay thẳng, bước đến những chiếc xe buýt màu vàng chờ sẳn trên sân bay. Sau khi năm ba binh sĩ Hoa Kỳ kiểm soát xong, và ra dấu hiệu đoàn người tị nạn đã lên xe, những chiếc xe buýt nối đuôi nhau rời phi trường Anderson.
Tôi ngồi trên xe với đoàn người tị nạn. Chiếc xe chạy boong boong trên đại lộ dọc theo ven biển về phương Nam của đảo Guam. Nhìn chung quanh nhà cửa thưa thớt, bóng cây thấp lòi còi. Bên đường những ngọn cỏ yếu ớt, lưa thưa trải trên lớp đất cát màu trắng đục. Đó đây một vài tiệm ăn nghèo nàn nằm bên cạnh những quán bar. Quang cảnh nơi đây trơ trụi đến hốc hác như những thị trấn ở miền Tây Hoa Kỳ trong những bộ phim Wild Wild West. Mọi người đang chăm chú nhìn quang cảnh hai bên đường thì đoàn xe buýt chạy chậm lại, và quẹo mặt vào một doanh trại bên bờ biển. Tôi đưa mắt nhìn về phía cổng, một hàng chữ trắng, lớn, đậm nét chạy trên tấm biển xanh. Tôi quay qua nói với người con gái ngồi bên cạnh:
“Đây là trại Asan của đảo Guam.”
“Sao anh biết?” Người con gái hỏi tôi.
“Ừ, thì trên bảng ghi là Camp Asan, Marine Barracks Guam kia kìa.”
Chiếc xe buýt ngừng lại trước doanh trại. Mọi người lục đục mang túi xách tay bước xuống xe. Vừa đặt chân xuống đất, tôi thấy một đám người Việt đứng cách xa khoảng vài ba chục thước, lao nhao dõi mắt nhìn về chúng tôi. Họ là những người ti nạn đến đây vài ba tuần trước, ra tìm người quen. Tiếng la tên người ơi ới vang cả khu trại. Những bàn tay đưa lên, những tiếng la đáp lại, và trong đám đông có những gương mặt mừng vui.
Trại Asan là một trong những trung tâm đón nhận người Việt tị nạn trong Chiến Dịch Đời Sống Mới (Operaion New Life) di tản sau ngày miền Nam sụp đổ.
Theo “Operation New Life April 23 – October 16, 1975” của tờ TenderTale.com:
Vào đầu tháng 4-1975, biết rằng miền Nam Việt Nam sẽ rơi vào tay miền Bắc, Hoa Kỳ ra chỉ thị dùng đảo Guam làm trạm chuyển tiếp để cứu xét những người di tản. Chiều 21-4-1975 chính quyền địa phương phát hiện một chiếc phi cơ của đội Phi Hổ đến Guam với 99 hành khách, đây là giọt nước đầu tiên của dòng thác tị nạn. Hai ngày sau đó, 23-4-1975, làn sóng tị nạn bắt đầu tràn ngập, mở màng cho Chiến Dịch Đời Sống Mới, và dòng thác tị nạn có lúc đã phun ra đến năm ngàn người di tản mỗi ngày.
Trong khi những người di tản đầu tiên tạm cư trong những căn cứ nhỏ rải rác trên đảo Guam, chính quyền nhận thấy giải pháp này không đáp ứng được nhu cầu tị nạn lâu dài, nên đã chỉ thị quân đội bắt đầu thiết lập những trại tị nạn quy mô hơn: Phố hộp (Tin City) gồm những trại lính chung quanh căn cứ không quân Anderson, và Mũi Orote (Orote Point). Mũi Orote thuộc căn cứ Hải Quân Guam được tẩy sạch hơn 500 mẫu tây hoang dã nằm bên cạnh phi đạo để dựng lên hàng trăm căn lều vải và được mệnh danh là Phố Lều - Tent City.
Kết quả, Mũi Orote là điểm đến của hàng ngàn người di tản đầu tiên. Trong nhóm người này, một phần là quân nhân và những người di tản đến đây bằng phi cơ vào ngày 30-4-1975 và những ngày trước đó. Sau ngày 30-4-1975 những phi trường miền Nam Việt Nam đều bị cưỡng chiếm và phong tỏa, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục ra đi bằng tàu Hải Quân của quân lực VNCH hoặc những thương thuyền và tàu đánh cá.
Cũng theo tờ TenderTale.com:
Ngày 7 tháng 5, 1975 ba chiếc tàu cập vào hải cảng Apra, Guam với gần 15 ngàn người di tản. Và hai ngày kế đó, ba chiếc tàu khác đổ xuống Apra gần 8 ngàn người tị nạn. Tất cả, có trên 115 ngàn người ti nạn đi qua ngã Guam. Một con số trên cả dân số của đảo Guam ở thời đó ít nhất là 25 ngàn người. Trong khi hầu hết những người tị nạn tiếp tục con đường đến đất liền Hoa Kỳ thì có khoảng 500 người chọn Guam làm quê hương thứ hai. Chiến Dịch Đời Sống Mới chính thức chấm dứt vào ngày 16 tháng 10, 1975, nhưng thật ra mãi đến ngày 15 tháng Giêng, 1976 người di tản cuối cùng mới rời khỏi đảo Guam!
Kết thúc Chiến Dịch Đời Sống Mới có khỏang 140.000 người Việt tị nạn ra đi khắp nơi trên thế giới. Những chiếc tàu đến đảo Guam trong những ngày đầu tháng 5, 1975 gồm có chiếc thương thuyền USS Challenger của Hoa Kỳ, Việt Nam Thương Tín, Tân Nam Việt, và nhiều chiếc tàu khác thuộc Đệ Thất Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Những ngày kế tiếp hàng loạt những tàu khác như Long Châu, Long Hồ, Đồng Nai, và 45 chiếc chiến hạm của Hải Quân VNCH đến từ Subic Bay.
Dòng thác người tị nạn càng ngày càng đông, Orote Point không thể cưu mang nổi. Từ đó trại Asan được mở ra để đón tiếp người tị nạn. Trại Asan là hậu thân của Trạm Xá Y Tế Asan nằm trên bờ biển phía Đông đảo Guam.
Theo tờ nps.gov:
Sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, biển Asan được biết với tên Trại Asan cho đến năm 1947. Trại Asan được xử dụng làm tổng hành dinh và trại lính cho tiểu đoàn công binh Seabees của Hải Quân Hoa Kỳ, tiểu đoàn này đã giúp đở tái thiết đảo Guam thời hậu thế chiến II. Và từ năm 1948 đến 1967 trại Asan được đổi thành Trại Dịch Vụ Dân Sự (Camp Civil Service). Thực chất đó là một căn cứ quân đội nhỏ với những đơn vị gia binh, rạp chiếu bóng ngoài trời, sân quần vợt và trạm cứu hỏa. Đến năm 1968 Hải Quân Hoa Kỳ biến đổi cơ sở này thành Trạm Xá Y Tế phục vụ quân nhân Hoa Kỳ bị thương từ chiến trường Việt Nam. Trạm Xá Y Tế này hoạt động được 7 năm, đến năm 1975 Trạm Xá được đổi thành trại tị nạn, đón nhận dân di tản Việt Nam. Năm 1976 một trận cuồng phong mang tên Pamela đã san bằng trại tị nạn Asan!
Tôi theo đoàn người bước xuống xe, xếp thành một hàng ngoằn ngoèo như con rắn lần lược đi vào trung tâm cứu xét hồ sơ (Processing Center). Hàng người đông, dài di chuyển chậm chạp như rùa. Rồi cũng đến phiên tôi được phỏng vấn bởi nhân viên phòng Processing Center. Người phỏng vấn là một nhân viên Hoa Kỳ và một thông dịch viên Việt Nam. Những câu hỏi đều bằng tiếng Anh và được thông dịch viên lập lại. Sau này tôi biết những nhân viên phỏng vấn người Mỹ đều biết nói và hiểu tiếng Việt rất rành, nhưng họ vẫn không nói tiếng Việt khi phỏng vấn. Câu hỏi đầu tiên là:
“Gia đình bạn có mấy người và bạn muốn đi định cư nước nào?”
“Dạ em chỉ có một mình và em muốn đi Mỹ.”
“Tại sao muốn đi Mỹ, bạn có người thân nào bên Mỹ không?”
“Dạ em không có bà con nào sống ngoài Việt Nam hết, nhưng em có nhiều người quen là sĩ quan Mỳ và một người là Bác Sĩ Mỹ.”
“Đàn ông hay đàn bà, tên gì, ở tiểu bang nào?”
“Dạ đàn ông, một anh Thiếu Úy tên Bob Beau ở Washington DC, một anh Thiếu Úy khác tên Chilldress ở đâu em quên mất, còn một người Bác Sĩ giải phẩu tên Hugh Crawford ở tiểu bang Cali. Em có tờ giấy bảo lảnh của ông Bác Sĩ đây nề.”
“Bạn quen với những người này trong trường hợp nào?”
“Dạ hồi em làm cho cơ quan USAID ở Sài Gòn.”
“Giấy tờ bảo lảnh của ông Bác Sĩ đâu cho xem.”
“Đây, anh xem xong cho lại em nhe. Ông BS gởi thư này cho em hồi tháng 2, 1975 nói chịu trách nhiệm cho em bất cứ nơi nào, sẽ bảo trợ cho em và giúp em tiếp tục đi học nên em chỉ muốn về nhà ông ấy thôi. Và đây là giấy khai sinh, thẻ căn cước, chứng chỉ Tú Tài đôi, và thẻ sinh viên của em ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn.”
Tôi đưa hết những giấy tờ tùy thân và lá thư của người bạn BS cho người phỏng vấn xem. Xong họ trả lại tôi những giấy tờ và bức thư. Người phỏng vấn trao cho tôi, cũng như mọi người tị nạn khác, một thẻ I-94 nhỏ bằng ba ngón tay rồi bảo trở về trại. Thẻ I-94 là tấm bùa hộ mạng duy nhất mà mỗi người tị nạn Việt Nam được cấp khi vào đất Mỹ. Trên mảnh giấy I-94 có ghi ngày tháng cấp phát, tên người tị nạn được chấp nhận vào Hoa Kỳ theo chế độ “tạm trú” (Parole) và có quyền làm việc tại Hoa Kỳ.
Tôi rời Processing Center, bước chân vào trại Asan một chiều nắng cháy của tháng 6 năm 1975. Doanh trại là những căn nhà hẹp, dài, thông suốt từ đầu này đến đầu kia. Trong căn trại trống trải người ta đặt hai dãy giường bố dọc theo chiều dài của trại, mỗi giường cho một người, và chừa lối đi ở giữa. Những gia đình đông người được ở sát bên nhau, và họ lấy những tấm vải treo lên để có chút riêng tư. Những người độc thân có thể khai là bạn bè và cũng được ở chung trong một khu.
Hành trang tôi mang theo chỉ là một túi vải đựng năm ba cuốn sách giáo khoa và một cây sáo trúc. Nhưng cây sáo trúc không chịu nổi những va chạm trên đường đi nên đã bị dập, không còn phát ra tiếng sáo. Bộ sách Toán Lý Hóa và cuốn tự điển sau khi cùng tôi nhảy xuống biển Đông ngoài khơi Vũng Tàu ướt như chuột lột, giờ những trang giấy sần sùi, cong lên làm cho bộ sách có phần “mập” ra. Nhìn chung quanh những người “hàng xóm” của tôi cũng đang nhét những túi vải dưới gầm giường. Có người bật lưng ra trên giường thở dài một tiếng, có người bắt chuyện làm quen với những người “láng giềng.” Trong giây lát căn trại đầy ấp những người “cũ” đến tìm người quen, tiếng chào hỏi, nhừng câu dặn dò, tiếng cười làm cho căn trại vui hẳn lên. Tôi quay qua bên cạnh, bắt gặp người con gái ngồi bên tôi trên chuyến xe buýt từ sân bay Anderson, đang sắp xếp đồ đạt cùng gia đình. Tôi nhìn nàng, chỉ tay xuống gầm giường và nói:
“Nhờ em ngó dùm gói đồ của anh chút nhe.”
“Cái gì trong đó, quan trọng không?”
“Đối với anh thì quan trọng, còn người khác thì cho còn bị chửi nữa.”
Nàng cười dòn và nói:
“Vậy đưa đây em giữ dùm cho. Mà anh đi đâu?”
Tôi trao túi sách cho nàng rồi bước ra sân doanh trại. Bóng người đi lại trong sân rộn ràng, tôi bước đến bản thông tin chăm chú đọc từng mẫu tin nhỏ mong tìm được một vài tên quen thuộc. Không thấy. Tôi lại lang thang khắp nơi trong trại tìm nhóm người đi trên tàu Long Châu. Không gặp ai, tôi trở về phòng gieo người trên giường nằm nhìn trần nhà. Tôi thấy cũng lạ, ngày ra đi tôi chỉ đi một mình, tất cả anh em, bạn bè, Phương và gia đình đều ở lại Việt Nam. Nhưng bây giờ, mỗi lần bước chân đến trại tị nạn nào việc đầu tiên tôi làm là đến bảng thông tin tìm tên, may ra có một tên gọi là Phương! Nhưng rồi tìm đỏ mắt cũng không thấy tên Phương mà tôi muốn tìm, tôi lại lủi thủi trở về trại. Rồi mỗi lần có tin người tị nạn mới nhập trại là tôi lại lật đật chạy ra xem, may ra gặp được người thân. Chưa lần nào tôi được gặp hên, nhưng cũng chưa lần nào đoàn người mới đến trại Asan mà tôi không ra đón xem. Mà không chỉ riêng mình tôi làm điều này! Thì ra những người tị nạn khác, như tôi, cũng đang nhớ nhà, nhớ người thân.
Chiều về tôi ra xếp hàng vào nhà ăn. Hàng người dài lê thê, tôi bước ra khỏi hàng ngũ và đi từ đầu đến cuối, trong hàng người này tôi tìm và gặp lại hết những người đi trên tàu Long Châu. Nhưng Điện, người cùng tôi nhảy xuống biển Đông, không đến đây. Một lần nữa chúng tôi được hội ngộ, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn rồi chúng tôi cũng phải chia tay, như mấy lần trước. Cuộc đời như những cánh bèo trong dòng nước. Sau này tôi biết Điện lên tàu Hải Quân Hoa Kỳ cùng với hàng ngàn người khác đến Wake.
Trong trại tị nạn có những em bé ra đi cùng cha mẹ, nhưng khi cha mẹ đưa những em bé này từ tàu nhỏ lên tàu lớn, nữa chừng tàu đầy người, rút giây thang không không cho người lên thêm. Cha mẹ chỉ biết đưa tay ra khóc, la ú ớ nhìn con đi một nơi mình một nẽo. Có em may mắn gặp lại cha mẹ trên trại, có em chỉ biết theo chân những người “cha nuôi”. Thỉnh thoảng người ta nhìn thấy những người “cha nuôi” bắt đắc dĩ dắt tay “con mình” đi lang thang trên trại như gà trống nuôi con. Bạn tôi, Sơn, 20 tuổi. Một hôm tình cờ một em bé 13 tuổi đi trong Chiến Dịch Babylift (Operation Babylift), không cha, không mẹ, không người thân, gặp Sơn, Sơn dẫn về trại. Người trong trại hỏi:
“Ai đây?”
Sơn trả lời:
“Thằng con nuôi của tui.”
Mọi người bật cười:
“Trời! Thằng con gì mà lớn hơn thằng cha rồi.”
Vậy mà “hai cha con” dẫn nhau đến Mỹ rồi cũng học thành tài như ai!
Lúc tôi đến thì trại Asan đã đông người lắm rồi. Sinh hoạt nơi đây rất nhộn nhịp. Như trên đã nói, trại Asan trước kia là một bệnh xá, có nhà ăn, sân chơi, khu chiếu bóng ngoài trời, và bãi biển nằm bên cạnh. Trại Asan có một người tên Tony Lâm làm đại diện trại. Bên cạnh Processing Center là một trụ đèn cao, trên trụ đèn có gắn hai, ba loa phóng thanh chỉa ra mọi hướng. Giống như Sài Gòn sau ngày “giải phóng” vậy, chính quyền gắn loa phóng thanh trên nhiều cột đèn khắp ngõ hẻm để nhắc nhở dân. Loa phóng thanh phát lên tùy hứng, không kỳ thị giờ giấc, bất kể sớm - trưa - chiều - tối và luôn cả lúc những người mẹ đang nhọc nhằn ru con vào giấc ngủ! Hay sáng sớm tinh sương những người lao động vẫn còn vùi trong giấc ngủ thì, tiếng loa phóng thanh vang lên, đinh tai nhức óc! Mà chuyện này vẫn còn xảy ra hơn ba mươi năm, sau khi chiến tranh chấm dứt!
Loa phóng thanh ở cột đèn Asan đưa những tin nóng liên quan đến người tị nạn, và thỉnh thoảng người tị nạn cũng nhờ ban quản trị rao tìm người thân, con em đi lạc.
Bấy giờ ở Guam có một chương trình phát thanh tiếng Việt do cô Kim Vui phụ trách. Cô Kim Vui là nữ ca sĩ tại Sài Gòn thời 50’s, 60’s, có giọng ca cao vút được thính giả ái mộ qua những bài ca của Phạm Duy. Nữ ca sĩ Kim Vui lấy chồng Mỹ và lúc đó đang cư ngụ tại Guam nên cộng tác với chương trình đài phát thanh để đưa tin cho hàng ngàn người Việt tị nạn. Ngoài ra đảo Guam còn có phát hành nhật báo Chân Trời Mới, lưu hành trong các trại tị nạn. Nhật báo Chân Trời Mới khổ nhỏ hơn báo bình thường, có 4 trang và tiếng Việt phải bỏ dấu bằng tay. Qua đài phát thanh và nhật báo Chân Trời Mới, người Việt tị nạn được cập nhật nhiều thông tin về cộng đồng người tịn nạn và các nghệ sĩ có mặt tại đảo Guam như: Phạm Duy, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, v.v. Ca sĩ Khánh Ly thì ở bên đảo Wake. Nhưng tin tức bên trong Việt Nam thì rất hiếm hoi.
Mỗi buổi sáng, khi mặt trời lên cao, hàng ngàn người tị nạn đổ ra sinh hoạt nhộn nhịp. Processing Center là nơi thu hút nhiều người. Người người đi và đến Processing Center để điều chỉnh, bổ túc hồ sơ và tìm người thân tại các trại tị nạn khác. Trong trại cũng mở những lớp học Anh Văn cho người tị nạn. Những người dạy Anh Văn thường là những người tự nguyện và một số là giáo sư Anh Văn từ Sài Gòn trong đoàn người tị nạn.
Nhà ăn mở cửa sáng, trưa, chiều và lúc nào đồ ăn cũng dư thừa. Mà thường khi con người dư thừa thì hay sinh chuyện. Sữa tươi đuợc uống xả dàng, đến nổi nhiều cô mang sữa tươi về trại tắm cho da đẹp. Khi bị phát hiện thì bị cảnh cáo và từ đó sữa tươi không còn được lấy tự do nữa! Thượng vàng hạ cám, hàng ngàn người chen chúc trong một khu trại chật hẹp, khi cái ăn cái mặc đầy đủ, con người nghĩ đến cái đẹp, và nhu cầu đòi hỏi. Từ đó những bóng hồng thấp thoáng xuất hiện. Nói cho cùng thì xã hôi lớn bé nào cũng mang đầy đủ đặc tính của con người.
Những người tị nạn trong trại Asan mỗi tuần được xe buýt chở ra phố thăm chơi, mua sắm một lần, (nếu có tiền và muốn đi.)
Nhóm anh Hoàng, những người đi từ chiếc Long Châu qua, đều có mặt tại đảo Guam. Anh Hoàng, T và ông Si được chủ tàu Đồng Nai mướn ra ở và giử tàu Đồng Nai đậu tại Apra Harbor. C, người đi cùng tôi trên Việt Thủy, vì nhớ nhà quá đã xin trở về Việt Nam. Và ngày 16-10-1975 chiếc tàu Việt Nam Thương Tín rời đảo Guam chở gần 1500 người hồi hương, trong đó có C. Tôi không biết C và hàng ngàn người kia nghĩ gì, khi họ trở lại Việt Nam, thay vì ôm choàng người thân sau ngững ngày xa cách, lại đi thẳng vào trại tù. Và không biết những người cọng sản trả lời cho thế giới như thế nào về những lời hứa khoang hồng của họ trước khi Việt Nam Thương Tín rời đảo Guam! Nhưng ở đời không hiếm gì cuộc hội ngộ để rồi chia ly! Như chúng tôi, những người trên tàu Long Châu và hàng ngàn người đang sống trong căn trại Asan, ngày mai mỗi người một ngã.
Chiều tối về, Asan lên đèn và khu chiếu bóng thường chiếu những phim võ thuật của Lý Tiểu Long như Mãnh Long Quá Giang, Đường Sơn Đại Huynh, v.v. Và trên khu đất trống đêm nào cũng chật người xem.
Hằng ngày tôi thường lang thang ngoài bãi biển bên trại. Biển cạn có nhiều sỏi đá, không có ai thích tắm biển ở đây. Hay có lẽ những cảnh tượng hãi hùng trên biển làm người ta sợ mỗi khi nhìn nước biển! Tôi thường ra đây lội trong biển và bắt những con sao biển, sao biển ở đây rất nhiều. Chỉ bắt chơi cho vui, qua ngày tháng, rồi cũng trả chúng lại với biển cả. Có những buổi chiều tôi ngồi bên bờ đá nhìn xa xa ra đại dương, và bên kia bờ là quê hương, là Mẹ, là anh em, là Phương.
Và mỗi ngày, khi chiều về mặt trời lặng dần xuống bên bờ Tây của hải đảo là tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh lại nổi lên. Chiều nào cũng vậy, cũng giờ đó, tiếng hát đó và bắt đầu từ chiếc loa trên cao của cột đèn, lời ca:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! …
Tiếng hát cất vang và lịm dần trong bóng đêm với hàng ngàn con tim thổn thức. Tiếng hát độc ác hay tiếng hát vô tình đã làm rơi giọt nước mắt, của tôi, và chắc của nhiều người khác, trong đêm trường!
Một tháng sau, giả từ bạn bè, tôi lại leo lên chiếc xe buýt của ngày đầu trở lại sân bay Anderson với hàng trăm người tị nạn khác. Ở tạm trong Hilton Hotel, Anderson một ngày. Nắng chiều ấm áp, tôi theo vài người xuống tắm biển bên cạnh Hilton Hotel. Một tháng trước tôi thường trầm mình trong biển trong xanh cùng với những con cá đầy màu sắc ở Subic Bay, và nghĩ rằng đây là biển tắm đẹp nhất mà tôi từng biết. Nhưng, hôm đó bước chân xuống biển Anderson tôi ngở mình đang nằm trong khúc biển blue lagoon nào! Tuyệt đẹp, biển trong xanh, cát trắng, sóng lăn tăn bên cạnh đàn cá bơi lội! Tôi ngủ lại một đêm trong khách sạn Hilton ở Anderson rồi ngày mai lên phi cơ B747 rời đảo Guam.
Khi máy bay cất cánh tôi nhìn xuống đảo Guam, Asan nhỏ dần và lời ca:
Tiếng nước tôi…!
Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi …
vẫn còn văng vẵng bên tai!
Biết đến bao giờ máy bay mới đáp xuống trại Pendleton, California? Tôi cũng không buồn muốn biết.
 
Đồng Sa Băng. 10 tháng 7, 2009.