Có khi tàn nhẫn hơn, thần chết tới trước mặt, ra lệnh cho nạn nhân chủ động đón chờ lưỡi hái. Thần chết nói: “Đó là vận mệnh của ngươi!” Từ khi máy bay được lắp “hộp đen”, chúng ta có thể nghe được bao nhiêu chuyện trước khi máy bay lâm nạn. Nếu như máy bay đột nhiên nổ, những cuộc đối thọai trong khoang lái trước đó rất đơn giản. Ngược lại, nếu như máy bay rơi từ từ, những lời cuối khoang lái khiến ta xúc động mạnh, bởi phi công không hề hoảng hốt mà họ lại bình tĩnh thuật lại tình huống. Những người đối mặt với cái chết mà vẫn bình thản đều gây cảm xúc bi tráng; trong cảm xúc bi tráng đó còn có một vẻ đẹp đau đớn. Do chuyển hướng sai, một máy bay cất cánh từ sân bay Hoa Liên không lâu thì đâm vào núi. Trước khi đâm vào núi mấy giây, cơ phó cảm thấy không ổn bèn bảo cơ trưởng: Cơ trưởng! Sang trái? Sang trái?” Cơ trưởng đáp ngắn gọn: “Đúng rồi!” Một máy bay của công ty hàng không Florida cất cánh từ Washington do bị băng đóng quá nặng trên cánh nên lên cao được một lúc thì lao xuống. Khi đó cơ phó nói: “Chúng ta đang lao xuống!” Cơ trưởng đáp ngắn gọn: “Tôi biết!”. Trước lúc chết, giọng họ đều thật lạnh, đối thọai ngắn gọn một cách lạ thường, bởi thời khắc sống chết không để họ nói nhiều. Song cũng có nhiều câu nói trước lúc chết rất “đẹp". Ví như phi công lái chiếc máy bay chở khách nhỏ của Đức gặp tai nạn mấy năm trước đã nói một câu: “Thế giới đáng yêu! Hẹn gặp lại!”. Viên phi công đó đã cố lái máy bay tránh đâm xuống khu đông dân cư. Một máy bay bay từ Osaka tới Tokyo, đang bay thì thân máy bay bị rời ra, một ông lão Nhật Bản đã tranh thủ mấy phút cuối cùng để ghi lại trong sổ tay những lời yêu thương gởi gia đình. Dường như khi đối mặt với tử thần, ai cũng trở thành nhà triết học về sinh mệnh. Bởi bao kế họach cuộc đời phút chốc tan biến, họ dùng chút thời gian ngắn ngủi để nghĩ về những gì quý giá nhất, hệt như đứa trẻ ôm chặt món đồ chơi quý giá nhất của mình. Có khi tàn nhẫn hơn, thần chết tới trước mặt, ra lệnh cho nạn nhân chủ động đón chờ lưỡi hái. Thần chết nói: “Đó là vận mệnh của ngươi!” Trong các trại tập trung của Phát-xít thời chiến tranh thế giới lần thứ hai, những người Do Thái biết rõ mình sẽ bị giết. Họ viết lại những lời cuối, sau đó xếp thành hàng ngũ, yên lặng bước vào phòng hơi ngạt. Một bé gái ở Hiroshima viết sau vụ nổ bom nguyên tử: “Em biết mình uống nước này sẽ chết, nhưng em khát quá!” Sau đó cô bé đã uống no thứ nước nhiễm phóng xạ và lặng lẽ chết. Xúc động nhất là câu chuyện tôi đọc được trên báo về một thiếu nữ bị bọn Khmer đỏ xử tử. Lúc hành quyết, cô xin một ân huệ cuối cùng: Cô chầm chậm cúi xuống bãi cỏ dưới chân, hái lên một bông hoa nhỏ nói: “Nó rất nhỏ bé, nhưng tôi yêu nó!” Rồi cô ôm chặt bông hoa trước ngực, nhắm mắt lại…