Tính lại, trong những năm ở Sài Gòn – từ 1937 đến 1945 – tôi đã tự học mà biết thêm một ít chữ Hán, một ít văn học và triết học Trung Quốc; và đã viết được trên ngàn trang, mục đích chỉ là để tiêu khiển, tự học, chứ chưa có ý xuất bản, tuyệt nhiên không phải vì lợi hay vì danh. Viết để tiêu khiển thì tất nhiên chưa có chủ trương, đường lối rõ rệt, thích cái gì viết cái đó, tuỳ hứng. Tuy nhiên cũng đã có xu hướng: tôi không làm thơ, không viết tiểu thuyết, mà thích loại ký (du ký, hồi ký), luận (nghị luận, cảo luận, tuỳ bút) và chú ý tới các vấn đề giáo dục, văn học, nhưng chưa có ý bước vào khu vực biên khảo. Hồi đó, tôi trên dưới ba mươi tuổi, sự hiểu biết còn hẹp, lý luận chưa vững, nhưng nhận định không đến nỗi hời hợt, tự xét không kém những nhà văn thời đó trạc tuổi tôi và viết những loại như tôi mà đã có chút danh trên văn đàn, mà bút pháp đã định rồi: văn cần sáng sủa, bình dị, nếu hơi hoa mỹ thì càng quý (đẽo gọt quá thì tôi không ưa), cần nhất là cảm xúc phải chân thành. Những nét đó sau này tôi vẫn giữ. Đến năm 1945, tôi đã có được khoảng chục bản thảo. Không kể những tập Hồi ký tuổi xuân (viết từ hồi đi đo đất ở Hậu Giang), Ba lần về Bắc (năm 1949, 43, 44), tập Du Ký Nha Trang – Quy Nhơn, tập dịch Cổ văn Trung Quốc, tập Tuỳ bút cảo luận, tất cả đều chưa sửa lại, chỉ coi như tài liệu, còn sáu tập nữa: - Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (mất) - Đế Thiên Đế Thích - Giáo dục thanh niên (mất) - Huấn luyện tình cảm, dịch P. F. Thomas - Nam du tạp ức, dịch Hồ Thích - Dịch văn nước ngoài (một chương trong Un Art de vivre của A. Maurois (mất), bài Tam bất hủ của Hồ Thích) tôi đều sửa kỹ, định sau sẽ in, nhưng bản thảo Đồng Tháp Mười, Giáo dục thanh niên, dịch văn A. Maurois đã thất lạc trong hồi tản cư. Trong số những bản còn lại, nhà P. Văn Tươi năm 1951 in tập Huấn luyện tình cảm, năm 1968 nhà Thời Mới in tập Đế Thiên Đế Thích; bài Tam bất hủ tôi cho vô phụ lục cuốn Nghệ thuật nói trước công chúng (P. Văn Tươi xuất bản – 1951), tập Nam du tạp ức để lâu quá, mất thời gian tính, tôi bỏ; còn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười năm 1954 tôi phải viết lại và xuất bản cùng năm đó[1]. (ch. XIII).
[1] Nxb Nguyễn Hiến Lê. (Goldfish).[2] Tức lớp Lớp Dự bị, nay là lớp Hai. (Goldfish).[3] Tên là Hữu Hùng. (Goldfish).[4] Nay là trường Trung học Lê Hồng Phong. (Goldfish).[5] Tức khổ 20 x 25cm. (Goldfish).[6] Nay là đường Yersin. (Goldfish).[7] Có lẽ tất cả các bài đó hoặc vài bài trong số đó, cụ NHL dùng bút hiệu Lộc Đình. Năm 1980, khi ông Lê Phương Chi hỏi về bút hiệu này, cụ NHL cho biết: “(…) Bây giờ thì anh đã thấy bút danh Lộc Đình tôi dùng ký dưới một vài bài văn ngắn từ hồi trẻ…” (trích trong bài Tâm tình học giả Nguyễn Hiến Lê của Lê Phương Chi). (Goldfish).
°
VIẾT BÁO Từ 1943, Nhật thua Mỹ ở Thái Bình Dương; năm 1944 Mỹ dội bom xuống các căn cứ quân sự của Nhật ở Đông Dương, xuống đường xe lửa xuyên Đông Dương, xuống Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn. Gần cuối năm 1944, tôi cho vợ con tản cư xuống nhà vợ chồng cô em gái nhà tôi ở làng Long Điền, quận Giá Rai, Bạc Liêu. Cháu đương học lớp tư (cours préparatoire)[2] trường Tân Định phải xin nghỉ để xuống Long Điền học. Tôi ở Sài Gòn với em trai tôi[3], và hai anh Tân Phương và Việt Châu (con bác tôi) làm trong cơ quan thông tin Domei của Nhật. Đêm 9.3.1945, Nhật lật đổ Decoux (Toàn quyền Pháp) làm chủ Đông Dương. Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập: Trần Trọng Kim lập nội các. Pháp thua, tôi mừng, nhưng tôi không tin người Nhật mà cũng không thích họ, nên không học tiếng Nhật, không hoạt động gì cả, vẫn tiếp tục viết lách, dịch thuật, nhìn xem Nhật hành động ra sao. Tôi tưởng họ còn chịu đựng được một năm, trong thời gian đó nội các Trần Trọng Kim tổ chức xong hành chánh, kinh tế và quân đội mà nền độc lập của mình sẽ được thế giới công nhận. Tháng 5 hay tháng 7.1945, ông giám đốc nhà Tín Đức thư xã cho ra tờ tuần báo Tân Việt Nam, mời ông Nguyễn Văn Nho làm chủ bút. Ông Nho thuộc lớp sau Nguyễn Văn Tố, nổi tiếng học giỏi trong tỉnh Bắc Ninh, ở trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội ra, đã viết ít bài đăng báo Pháp và lúc đó dạy Việt ngữ ở trường Pétus Ký[4], được giáo giới quý, học sinh trọng. Tờ Tân Việt Nam 16 trang, khổ như tờ Tri Tân[5], có tính cách chính trị (số nào cũng có một bài xã luận lời già giặn của Nguyễn Văn Nho), bán không chạy bằng tờ Thanh niên của Huỳnh Tấn Phát vì hơi đạo mạo, có ít cây viết trẻ, thiếu phần văn nghệ. Tôi nghĩ nước nhà đã đi vào vận hội mới nên gởi ông Nho vài bài tuỳ bút, tiểu luận đã viết từ trước, ông đăng và mời tôi lại nhà nói chuyện ở đường Boresse[6] (?). Từ trước cửa bước vào là một phòng hẹp với một bàn viết, mấy cái ghế, cái tủ. Sách vở giấy tờ ngổn ngang trên mặt bàn, dưới chân bàn, thật lộn xộn. Ông Nho khoảng 50 tuổi, lúc đó có lẽ đã bắt đầu bệnh cùi, mặt có vết đỏ hơi sần sùi, nhất là ở tai. Ông thông minh, hoạt bát, cởi mở, hiểu đời. Tôi nhớ ông viết một bài về việc cứu đói ở Bắc Việt, đại ý bảo những kẻ yếu quá rồi thì đành hy sinh họ đi, chỉ cứu những người còn có thể cứu được, nếu không thì rốt cuộc chẳng cứu được ai hết. Tôi khen ông có óc làm chính trị. Một hôm, ông ngỏ ý muốn giao cho nhiệm vụ chủ bút cho tôi vì ông mắc nhiều công việc chính trị. Tôi chưa kịp trả lời thì báo đình bản. Trước sau tôi đăng được 4-5 bài[7]. Đó là lần đầu tiên tôi ra mắt độc giả. (ch. XV). Ngày 15.8.1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện. Tình hình biến chuyển thật quá mau. Đồng minh để cho Anh giải giới Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vô. Một đạo quân viễn chinh của Pháp theo gót quân đội Anh, đổ bộ lên Sài Gòn mong chiếm lại Việt Nam. Ngày 2.9, Việt Minh xuất hiện ở Sài Gòn, toàn dân miền Nam trong các mặt trận, các giáo phái nổi lên chống Pháp. Ngày 23.9, Pháp chiếm các công sở ở Sài Gòn. Hai bên giao tranh vài trận nhỏ, ngừng rồi lại đánh. Khu tôi nhà nào cũng đóng cửa, cũng có một cây tầm vong vạt nhọn, cũng tích trữ gạo, muối, nước mắm, hột vịt muối… Tôi đóng cửa nằm nhà hơn nửa tháng.°
TỰ HỌC TIẾNG ANH Lần này cũng như mùa thu 1934, không có công việc gì làm, tôi lại học ngoại ngữ. Tôi học tiếng Anh trong cuốn L’Anglais en 100 leçons (không nhớ tên tác giả) mà tôi đã mua từ 1931, bắt đầu học được ít bài rồi sau đó bỏ vì thi đậu vào trường Công chánh. Tôi chỉ nhờ anh Tân Phương chỉ cách đọc cho đúng giọng thôi vì anh đã du học ở Hồng Kông, Thượng Hải hai năm. Loại sách đó thời tiền chiến rất thịnh hành, giúp những người tự học muốn thi Tú tài Pháp. Mỗi bài có độ ba chục từ mới, có chỉ cách đọc, sau mỗi bài học có một bài tập ngắn: dịch Anh ra Pháp hoặc ngược lại; cuối sách có bài corrigé (sửa lại) để người học coi mà tự sửa lấy bài của mình. Học như vậy chỉ ba bốn tháng có thể viết được ít câu tiếng Anh thông thường, ngắn, đọc được những loại sách dễ (loại cho trẻ em), nhưng nói thì người Anh không hiểu mà người Anh nói mình cũng hiểu. Ngày nay phương pháp học đó đã lỗi thời. Ở Âu My, người ta dùng phương pháp thính thị (audio-visuelle), chỉ sáu tháng là tạm nghe được, nói được, viết được những câu thông thường. Nhưng mới học độ nửa tháng thì ngưng vì tất cả ba chúng tôi (Việt Châu đã đi Cần Thơ), sáng ngày 10.10.1945 cùng nhau tản cư về Tân Thạnh, nhà bác tôi. Tôi ngây thơ quá, tưởng đi độ một tháng rồi trở về vì tin rằng Đồng Minh cho Anh giải giới Nhật ở miền Nam, Trung Hoa giải giới ở miền Bắc, nghĩa là không cho Pháp trở lại Đông Dương. Pháp đổ bộ càn lên Sài Gòn rồi thế nào cũng phải thương thuyết với mình. Nghĩ vậy tôi chỉ mang theo một cái va ly nhỏ chứa ít quần áo và bản thảo. Đồ đạc, sách vở bỏ lại Sài Gòn hết (kể cả cuốn Anh văn đương học cũng vậy); khoá cửa lại, nhờ bà láng giềng coi chừng giùm. Vì đi không lâu, mà đường xuống Long Điền, chỗ nhà tôi tản cư xa quá, xe cộ không có, nên tôi về Tân Thạnh với Tân Phương, nhân tiện thăm bác tôi. Không dè lần đó, tám năm sau mới trở lại Sài Gòn.[1] Nxb Nguyễn Hiến Lê. (Goldfish).[2] Tức lớp Lớp Dự bị, nay là lớp Hai. (Goldfish).[3] Tên là Hữu Hùng. (Goldfish).[4] Nay là trường Trung học Lê Hồng Phong. (Goldfish).[5] Tức khổ 20 x 25cm. (Goldfish).[6] Nay là đường Yersin. (Goldfish).[7] Có lẽ tất cả các bài đó hoặc vài bài trong số đó, cụ NHL dùng bút hiệu Lộc Đình. Năm 1980, khi ông Lê Phương Chi hỏi về bút hiệu này, cụ NHL cho biết: “(…) Bây giờ thì anh đã thấy bút danh Lộc Đình tôi dùng ký dưới một vài bài văn ngắn từ hồi trẻ…” (trích trong bài Tâm tình học giả Nguyễn Hiến Lê của Lê Phương Chi). (Goldfish).