Dịch giả: LÊ THỊ THANH MINH
- 4 -

Vào lúc quá trưa chúa nhật Missy bỗng tuyên bố là cô đã chán đọc sách và thay vì đọc sách cô sẽ đi dạo trong rừng. Cô nói ý định bằng giọng êm ái và quả quyết đến nỗi mẹ cô chỉ còn biết bối rối ngó cô trân trân một hồi mà chả biết phải tính sao.
- Đi dạo? Cuối cùng thì bà cũng kịp lên tiếng – Trong rừng à? Nhất định là không được rồi! Làm sao con có thể biết được con sẽ có thể gặp ai.
- Không gặp ai cả - Missy kiên nhẫn trả lời - Từ trước đến nay cô nghe ai nói là có bọn trộm cướp hay bọn gạ gẫm đàn bà con gái xuất hiện ở Byron đâu.
Octavia chộp ngay lấy câu nói đó:
- Làm sao có thể biết là không có bọn trộm cướp lảng vảng gần đây, thưa bà? Đó chính là lũ mèo rừng cần phải canh phòng cẩn mật, và bà không được quyền quên điều đó! Còn nếu lũ trộm cướp nào đang lởn vởn quanh khu vực này thì chúng cũng nhận ra rằng sẽ chẳng tìm ra được người nào gạ gẫm bởi vì dòng họ Hurlingford chúng ta bao giờ cũng giữ rịt con gái trong nhà, chính là nơi mà bà cần phải trú ẩn cho an toàn.
- Nếu con đã quyết chí như vậy thì có lẽ má sẽ cùng đi với con – Drusilla nói bằng giọng kẻ định tử vì đạo.
Missy bật cười thành tiếng:
- Ồ, má ơi, làm sao má có thể đi cùng với con một khi má đang vô cùng bận bịu với xâu chuỗi hột kết áo của má, hả má? Không cần đâu, con sẽ đi một mình và đừng ai bàn tán gì thêm nữa.
Cô bước ra khỏi nhà, chẳng khoác áo choàng hoặc quấn khăn quàng dù trời đang nổi gió.
Drusilla và Octavia đưa mắt nhìn nhau.
- Em không nghĩ là cơn đau vừa qua đã ảnh hưởng tới thần kinh của nó – Octavia nói với giọng ai oán.
Thâm tâm Drusilla cũng mong mỏi điều đó nhưng bà mạnh dạn trả lời:
- Ít nhứt em cũng không thể gọi đó là hành động thách thức lén lút được!
Trong khi ấy Missy đã bước ra khỏi cổng và thay vì rẽ phải như mọi khi cô quẹo qua trái, lần xuống đường Gordon nơi đường phố cứ thu hẹp dần dần thành hai dấu xe ngựa ngoằn ngoèo mờ nhạt dần vào tận trong rừng sâu. Cô liếc vội ra đằng sau lưng để biết chắc là không có ai theo mình: tên lùn xấu xí gác cửa Missalonghi vẫn ngồi yên với cổng rào chào đóng chặt.
Đúng là một ngày trong trẻo và ấm áp mặc dầu ánh nắng đã được lọc qua bóng lá. Ở ven bìa rừng cây mọc thưa thớt vì đất cằn cỗi và bất cứ loại thảo mộc nào xuất hiện được ở đây đều phải gần như đập bể nền đất sa thạch để chui ra khỏi lòng đất. Vì vậy những cây bạch đàn còi cọc, thấp lè tè, nhánh lá lơ thơ. Mùa xuân mới về: và trên chót vót đỉnh Núi Xanh màu xuân đến sớm với hai, ba ngày nắng ấm đủ làm cho những cây keo dầu mùa nhú mầm trên bãi đất lởm chởm những mầm lá màu vàng nhỏ xíu và mịn màng.
Thung lũng trải dài phía bên trái lối đi của Missy thấp thoáng sau rừng cây: phía đó là nhà của Smith, nếu thật sự Smith có một ngôi nhà? Chuyến thăm viếng dì Aurelia mỗi sáng chúa nhật theo như thông lệ của mẹ cô vào ngày hôm qua đã chẳng thu thập thêm tin tức gì mới về John Smith mà chỉ chuyển dư luận cho rằng John Smith đang điều hành một công ty xây cất ở Sydney sang nguồn tin Smith có một cơ ngơi lớn trên đỉnh các vách đá nhằm khai thác gạch đá cát tại chỗ. Nhưng Missalonghi không có một bằng chứng gì để hỗ trợ nguồn tin đó được vì Missalonghi nằm trên con đường duy nhứt mà cách xây dựng bắt buộc phải đi ngang qua. Ngoài chuyện đó ra dì Aurelia còn có một vấn đề cần phải quan tâm hơn, thân thế của John Smith: dường như tổ chức cao cấp của Công Ty làm Thuỷ Tinh Byron hiện đang bị đặt trong trường hợp báo động nghiêm trọng về một vài vụ chia chác bí mật nào đó.
Missy không có hy vọng gặp lại John Smith trên đỉnh đồi vì hôm nay là ngày chúa nhật; vì vậy, cô quyết định đi kiếm một con đường đưa đến ven thung lũng. Sau cùng, khi cô ngẫu nhiên tìm được một chỗ thích hợp có thể nhìn thấy toàn bộ cảnh dưới thung lũng thì cô thấy một vết trượt khổng lồ do những khối đá lớn đổ tạo thành một lối đi thoai thoải từ trên đỉnh chỗ cô đứng xuống tận đáy của vách đá rồi thu hẹp lại thành một đường cong của khe vách. Đứng ở đầu đường hẻm nhỏ xuyên rừng ấy cô chỉ có thể nhìn thấy con đường uốn khúc băng qua một vệt đất lở theo một chuỗi hình chữ chi: một lối đi xuống rất hiểm trở, đúng, nhưng chẳng hề thấy bóng dáng của một vật gì giông giống chiếc xe ngựa của John Smith.
Tuy nhiên, cô chẳng đủ can đảm mạo hiểm xuống dưới đó, không phải do cô sợ ngã mà vì sợ có thể lọt vào hang ổ của John Smith. Và thay vì men theo lối mòn xuống thung lũng cô thơ thẩn đi sâu vào rừng dọc theo bờ của con đường nhỏ có lẽ do lũ thú rừng tạo nên nhằm tìm đến nguồn nước. Như để làm cô thấy an tâm trong lúc lần theo tiếng suối chảy róc rách càng làm càng cuốn hút chân người, âm thanh bất tận của rừng cây bạch đàn nhựa uể oải, rầu rĩ và mệt mỏi không ngừng xào xạc suốt những tháng ngày êm ả. Tiếng nước chảy róc rách cứ lớn dần cho đến lúc trở thành âm thanh gầm gừ đe dọa: bây giờ thì cô đã đến nguồn nước vừa sâu vừa rộng tuôn tràn giữa hai bờ dương xỉ yên ả. Tiếng gầm gừ của mạch nước hối hả vẫn bề bỉ vọng ra.
Cô rẽ phải và men dọc bờ sông, giấc mộng trong sâu thẳm lòng cô hân hoan ca hát. Mặt trời lấp lánh trên mặt nước thành muôn ngàn ánh chớp và chiếu cả trên những tàn dương xỉ đầm đìa nước, trên đôi cánh màu ngũ sắc óng ánh của những con chuồn chuồn đang nhởn nhơ bay lượn, những con vẹt rực rỡ cứ lượn vòng từ tàn cây của bờ này dang tàn cây của bờ bên kia.
Bỗng nhiên con sông biến mất. Chẳng có gì là lạ, chỉ là một khúc quanh. Bây giờ thì Missy đã hiểu vì sao có tiếng gầm gừ đầy đe dọa kia, cô thở hắt ra, vội vã quay trở lại. Cô đã tiếp cận với cửa ngõ thung lũng và dòng sông cắt ngang thung lũng như một lối đi duy nhứt cứ đi xuống, đi xuống mãi. Thận trọng men theo bờ vực khoảng một dặm cô mới đến được một nơi đỡ nguy hiểm hơn có mỏm đá to tướng nhô ra khỏi vách đá thật xa. Và nơi đây, khi mọi lối đi đều tắt nghẽn, hai chân đu đưa một cách vô thức, cô đành ngồi ngắm nghía thác nước đổ trong nỗi kinh hoàng. Cô biết mình không thể khám phá đáy vực thẳm ấy mà chỉ có thể ngó thấy một mớ hỗn độn hùng tráng bay phất phới trong không gian đầy gió và một cầu vồng xinh đẹp phản chiếu trên vùng đầy rong rêu trên vách nước đổ ầm xuống giống như một lời kêu cứu.
Mấy tiếng đồng hồ trôi qua như nước bắt đầu chảy dưới kia. Mặt trời đã khuất trên đỉnh núi. Missy bắt đầu rùng mình: đã tới lúc phải trở về nhà ở Missalongki rồi.
Nhưng khi vượt qua lối mòn nhỏ nối liền con đường dẫn xuống thung lũng của John Smith, Missy bỗng gặp chính John Smith. Anh đang cưỡi trên một cỗ xe ngựa từ chất đống các dụng cụ, thùng gỗ, bao tải và máy móc. Lẽ nào có một cửa hàng mở cửa vào ngày chúa nhật.
John Smith lập tức đứng bật dậy và nhẩy phóc xuống, cười hớn hở:
- Chào! Anh nói với cô - Khoẻ chưa?
- Khoẻ, cảm ơn.
- Tôi rất mừng khi gặp lại cô trong tư thế nầy bởi vì tôi đang tự hỏi không biết cô có tồn tại trên cõi dương trần nầy không. Mẹ cô đã cam đoan với tôi là cô bình thường lại rồi lúc tôi đến thăm cô nhưng bà chẳng chịu cho tôi nhìn thấy cô tận mặt.
- Ông có đến thăm tôi nữa à?
- Có chớ, hôm thứ ba vừa rồi.
- Ồ, cảm ơn sự quan tâm của ông – Cô nồng nhiệt nói.
Lông mày anh nhướng cao nhưng anh không có ý định trêu chọc cô. Trái lại, anh bỏ cỗ xe ngựa ở nguyên chỗ cũ và đi ngược lại Missalonghi cùng với cô.
- Theo tôi thấy là không có gì nghiêm trọng phải không? Anh hỏi cô sau khi hai người đã đi bên nhau suốt mấy phút không nói gì.
- Tôi cũng chẳng hiểu ra sao nữa – Missy đáp, nhận ra rằng cần phải giải tỏa thương hại và thương cảm của con người hoàn toàn khoẻ mạnh nầy – Tôi phải cấp tốc đi đến một bác sĩ tận Sydney, tôi nghĩ rằng ông ta là một chuyện gia về tim.
Bỗng nhiên lại nói điều ấy ra với người ta lúc nầy làm chi!
- À! Anh bối rối trả lời.
- Ông hiện ở tại đâu, ông Smith? Cô hỏi, có ý muốn đổi đề tài.
- À, cứ lần theo hướng cô mới vừa đi qua, chỗ thác nước ấy mà! Anh nói, không một chút e dè trong giọng nói tỏ cho Missy thấy rằng có thể vì tình trạng đau yếu của cô hoặc do chỗ cô hoàn toàn vô hại mà anh quyết định coi cô như người bạn của mình - Dưới lòng thung lũng có một túp lều dành cho người đốn gỗ và hiện nay tôi đang tạm ở đó. Nhưng tôi đang bắt đầu cất một ngôi nhà ở gần thác nước, riêng biệt hẳn công trường mà tôi sắp mở ra để khai thác vùng nầy. Tôi mới mua từ Sydney một cái cưa được cây nữa.
Missy nhắm mắt lại và bất giác thở ra một hơi dài:
- Ôi, tôi cảm thấy ghen tỵ với ông quá chừng!
Anh cúi xuống ngó cô đăm đăm:
- Cô có biết là đàn bà thì không được nói cái điều kỳ cục ấy không?
Missy mở mắt ra:
- Không được nói ư?
- Bởi vì đàn bà thường không muốn bị tách rời khỏi các cửa hiệu, nhà cửa và các đàn bà khác - giọng John Smith trở nên cứng rắn.
- Ông có thể có lý khi quan niệm chung như vậy – cô tư lự nói – nhưng do tôi không muốn là một đàn bà bình thường nên tôi ao ước được sống như ông. Tôi khao khát tự do, sự yên tĩnh và cuộc sống biệt lập.
 
Đoạn cuối của hẻm nhỏ hiện ra trước mắt hai người kể cả mái tôn uốn cong màu đỏ của Missalonghi.
- Ông luôn mua sắm mọi thứ cần thiết ở Sydney à? Cô hỏi cho có chuyện để mà nói và sau đó lại thầm nguyền rủa mình sao lại hỏi một điều ngu ngốc như vậy: cô đã chẳng gặp John Smith tại tiệm tạp hoá của cậu Maxwell trong lần đầu tiên anh tới Byron là gì!
- Hễ rảnh rỗi là tôi đi mua sắm – anh trả lời, hiển nhiên là không đá động gì đến việc gặp cô ở tiệm cậu Maxwell – nhưng điều nan giải nhất là phải chuyển cả một gánh nặng như vậy lên các mỏm núi trong khi tôi chỉ có duy nhứt một đôi ngựa này. Ngoài ra dân Sydney đặc biệt thích đi mua sắm ở Byron lắm mà! Chà, tôi chưa bao giờ thấy khu chợ nào đông như khu Nosey Parkers.
 
Missy nhoẻn cười:
- Đừng vội cằn nhằn về mấy vụ mua bán đó, ông John Smith à! Không những ông là một hiện tượng kỳ lạ mà ông còn cả gan lấy trộm đi của của người ta cái thứ mà họ vẫn đinh ninh là thuộc quyền sở hữu của riêng họ, riêng chuyện ấy thì chẳng ai muốn hoặc nghĩ tới bao giờ.
John Smith phì cười, rõ ràng vô cùng khoái trá với chi tiết mà cô vừa thông báo:
- Cô định ám chỉ cái thung lũng mà tôi mới mua phải không? Thì mọi người có toàn quyền trong vụ mua bán như nhau mà, giá cả có gì là bí mật đâu, người ta đã đăng trên các báo Sydney và cả báo Katoomba kia mà. Có điều là họ không mấy chi hào phóng như họ vẫn tự hào, có vậy thôi.
- Chắc là ông cảm thấy mình sống như là một ông vua ở dưới kia.
- Đúng vậy, Cô Wright à.
Anh mỉm cười với cô, chạm nhẹ vào cái nón đi rừng mòn vẹt như thể định cúi chào, quay lưng và đi ngược trở lại.
Trên suốt quãng đường còn lại cô gần như lướt đi trên mặt đất: đã đến giờ vắt sữa bò. Ngay cả Drusilla lẫn Octavia đều không hề dò theo coi Missy đi đâu; Drusilla cảm thấy hài lòng về việc con gái bộc lộ tính độc lập của mình, hơn là quan tâm đến hậu quả của hành động bướng bỉnh còn Octavia thì tự an ủi mình bằng ý nghĩ: thần kinh Missy rõ ràng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cơn đau.
Thật ra, hồi bốn giờ, khi không thấy tăm hơi Missy đâu, hai người đàn bà ở Missalonghi đã có một mối bất hoà nhỏ. Octavia cho là đã đến lúc cần báo cảnh sát.
- Không, không, không! Drusilla thô bạo ngắt lời.
- Phải báo cảnh sát mới được, Drusilla à! Thần kinh nó không còn bình thường nữa. Từ nhỏ tới giờ có bao giờ nó xử sự như vậy đâu.
- Chị cũng đang suy nghĩ về việc Missy đã giành lấy quyền tự do của nó, em à, và chị cũng không dấu diếm em rằng khi thấy ông Smith bồng Missy vô nhà chị hết sức kinh hoàng. Và chị không bao giờ có thể chịu được ý nghĩ là chị sẽ mất đi đứa con; vì vậy chưa bao giờ chị thấy mừng rỡ bằng lúc được nghe chú Neville nói là chú không thấy có gì nghiêm trọng trong ca của cháu. Rồi sau đó chị bắt đầu tự hỏi liệu chị sẽ ra sao nếu có chuyện gì xảy ra cho Missy. Mình phải khuyến khích Missy sống tự lập chớ, Octavia! Rõ ràng là không phải lỗi của Missy nếu như Chúa không ban cho nó bề ngoài lộng lấy như Alicia hoặc tâm hồn quả cảm của chị. Và chị cũng nhận ra một điều là sự chứng tỏ tâm hồn quả cảm của chị từ trước đến giờ không hề có lợi cho Missy. Chị luôn quyết định tất cả công việc và nó chỉ còn biết tuân thủ vô điều kiện. Vì vậy mà chị đã tính toán mọi chuyện cho nó nhiều hơn mức cần thiết. Và chị sẽ không làm điều ấy nữa.
- Vô lý! Octavia cáu kỉnh nói - Thứ con gái vô tâm! Đòi mua giày chớ chẳng chịu đi ủng! Đọc tiểu thuyết suốt ngày! Đi dạo trong rừng! Theo em, từ rày trở đi chị càng phải nghiêm khắc với nó hơn, chẳng thể nào lơi lỏng nó ra được đâu.
Drusilla thở dài:
- Nhưng Octavia ơi, hồi còn trẻ chị em mình mang giày chớ có đi ủng đâu. Ba là một người cha chu đáo và chúng mình có phải thiếu thốn thứ gì đâu. Chúng mình toàn đi xe ngựa, túi lúc nào cũng đầy nhóc tiền. Mà nói nào ngay, hồi đó cuộc sống chưa đến nỗi khó khăn như bây giờ cứ thử nhớ lại mọi chuyện đi: giày đắt tiền nè, quần áo thì toàn thứ sang trọng, dạ hội, tiệc tùng, vui chơi thoả thích. Còn Missy thì chưa hề biết thế nào là giày, là quần áo đẹp. Chị chẳng thể tự trách móc vì đó chẳng phải là do ý muốn của chị, nhưng hễ chợt nghĩ rằng cháu có thể sẽ phải chết đi, chà, chị quyết định sẽ cho cháu hưởng tất cả những gì mà cháu ao ước nếu khả năng chị có thể đáp ứng được. Giày thì chị không đủ sức sắm cho cháu, nhất là còn phải lo thuốc thang cho cháu. Nhưng nếu nó muốn đi dạo trong rừng và đọc tiểu thuyết thì chị sẵn sàng đồng ý.
- Nhảm nhí, nhảm nhí, nhảm nhí! Chị phải tiếp tục đường lối cũ. Missy cần phải được định hướng kỹ càng.
Thế là Drusilla không mong lay chuyển được quan niệm đó của Octavia.
Không hề hay biết về sự nuông chiều của mẹ, Missy định bụng sẽ không đọc sách sau giờ cơm chiều, cô tính đan ren.
- Dì Octavia nè, cô vừa đưa bàn tay lên vừa nói – Dì tính coi sẽ cần bao nhiêu đăng-ten để viền áo? Như vầy đã đủ chưa? Cháu sẽ đan thêm bao nhiêu cũng được nhưng phải biết số lượng thì tốt.
Octavia xoè bàn tay chai sần ra và Missy đặt vào đó cuộn ren đã cuốn thành búi, để mặc cho dì trải ren ra ướm thử.
- Chèn ơi, Missy, đẹp dữ vậy à! Dì kinh ngạc kêu lên, vừa kêu vừa thở hổn hển – Nhìn đây nè, Drusilla!
Drusilla chộp mảnh đăng-ten trên tay em gái và đưa ra chỗ cây đèn sáng lờ mờ:
- Chà, đẹp thiệt! Phải công nhận là lúc nào con cũng chế ra được mẫu ren mới, Missy à?
- A! Missy nói rành rọt – Đó là nhờ con biết cách tháo những mẫu tay áo.
Cả hai người phụ nữ lớn tuổi ngó nhau sững sờ trong một lúc khá lâu sau đó Octavia ném về phía Drusilla một cái liếc mắt đầy ý nghĩa, thậm chí còn gật gù đầu. Nhưng Drusilla không để ý tới chuyện đó.
Bà trầm trồ kêu lên.
Do bận bịu với chiếc áo mặc vào dịp đám cưới Alicia, Octavia tạm để cơn rối loạn thần kinh của Missy sang một bên:
- Như vầy là đủ ren chưa, Drusilla? Dì lo lắng hỏi.
- À, theo như chị tính từ đầu thì chừng này là đủ rồi nhưng bây giờ chị lại nẩy ra ý định là sẽ kết thêm ren dọc theo mấy đường viền trên cái áo chẽn mặc ngoài, như vậy mới đúng mốt! Còn Missy, có phiền gì cho con không nếu phải đan thêm ít ren nữa! Nếu con không muốn đan thêm thì cứ nói cho má biết.
Bây giờ thì đến lượt Missy lấy làm lạ: từ trước đến giờ chưa bao giờ mẹ cô chịu cất công tìm hiểu ý muốn của cô cũng như không hề hỏi cô là những điều mà bà yêu cầu cô có quá khả năng của cô không. Chắc là cơn bịnh tim đã đảo lộn mọi thứ như vầy đây, đúng quá rồi còn gì. Kinh ngạc thật!
- Chẳng sao đâu, má! Cô đáp nhanh.
Octavia tươi ngay nét mặt:
- Ô, cám ơn – Nhưng sau đó dì cau mày – Hay em khâu áo tiếp chị nghe chị Drusilla! Chị hiện lu bu công việc dữ.
Drusilla ngắm cái đống nhiễu màu hoa cà ướm thử trên người mình và thở dài:
- Em đừng lo! Drusilla bảo – Missy sẽ đảm trách những việc lặt vặt như xỏ lỗ khuy áo, viền tà và may túi áo. Còn nếu mà có máy may hiệu Singer thì càng tuyệt vời.
 
Điều này tất nhiên là đã vượt ra ngoài tầm suy luận của họ: những người phụ nữ ở Missalonghi may quần áo theo lối cổ truyền hết sức vất vả, mỗi tấc nối đều phải khâu bằng tay. Drusilla đảm nhiệm việc cắt may chính, Missy phụ trách khâu trang trí trong khi Octavia phụ giúp cả hai nghĩa là đưa đồ lề kim chỉ.
- Má vô cùng áy náy khi phải đề nghị con mặc màu nâu, Missy à! Drusilla vừa nói vừa ngó chừng con gái có vẻ muốn bào chữa – Nhưng màu nâu là một màu lý tưởng, nó sẽ làm tôn vẻ đẹp của người, rồi con sẽ thấy. Con có ưng gắn hạt lên áo không?
Missy đáp:
- Nhưng gắn hạt lên áo thì hư kiểu áo còn gì? Má vẽ kiểu cho con thì hết sẩy rồi nhưng kiểu ấy thì không được gắn chuỗi hạt.
 
Đêm hôm đó, nằm trong bóng tối, Missy ôn lại toàn bộ chi tiết cuộc nói chuyện của buổi chiều đẹp nhất đời cô. Không những người ấy đã chào cô mà còn nhảy xuống khỏi xe và tự ý đi theo cô một đỗi đường, trò chuyện với cô như thể cô là bạn bè lâu năm chớ không coi cô là người thuộc bè lũ Hurlingford nhiễu sự. Mà trông anh mới duyên dáng làm sao! Coi thì có phần giản dị nhưng đáng yêu. Người cũng không nồng nặc mồ hôi như đa số bọn đàn ông đáng kính. Hỡi ơi, cánh Hurlingford mà thơm mùi xà-bông đắt tiền! Cô nhận ra mùi xà-bông hảo hạng đó ngay lập tức vì mỗi khi các đàn bà ở Missalonghi được tặng món quà hiếm hoi đó họ thường không dám dùng để tắm cho thơm (bù lại họ chịu khó phơi mình dưới ánh nắng mặt trời) mà chỉ dè xẻn gắn dưới những nếp gấp của quần áo hoặc bỏ vào túi của quần đùi mặc lót. Hai bàn tay người ấy dường như ram ráp vì lao động nhưng sạch sẽ, móng tay cũng không bị vàng ố. Riêng mái tóc người ấy thì không chê vào đâu được nữa: chẳng có lấy một vệt dầu bóng hoặc pô-mát mà cứ mượt mà đầy sinh lực giống như lông của con mèo con rất siêng năng tắm rửa. Một người đàn ông kiêu hãnh và tự trọng: John Smith.
 
Nhưng điểm mà cô thấy gợi cảm nhứt ở anh là đôi mắt: chà, đôi mắt màu nâu bàng bạc trong trẻo lúc nào cũng như đang cười. Nhưng cô hoàn toàn không thể nghĩ rằng, hay đúng hơn là không thể tưởng rằng trong đôi mắt ấy có ẩn chứa điều gì không chân thật hoặc ý quỵ luỵ. Trái lại cô biết rằng mình có thể nương tựa cuộc đời mình vào bản chất chính trực và nền tảng đạo đức được bảo vệ chặt chẽ ở con người đó. Cô có cảm giác rằng một người đàn ông như vậy có thể dám giết người nếu bị công kích nhưng chắc chắn là sẽ chẳng bao giờ cô thấy anh dở trò trộm cắp hoặc lừa đảo.
 
Ô, John Smith, em yêu anh quá chừng! Từ tận đáy lòng em xin cảm ơn anh về việc đã trở lại Missalonghi để coi em ra sao rồi.
 

°

°  °

 

Chỉ còn một tháng nữa là đến đám cưới, Alicia Marshall ngày càng đến giai đoạn rực rỡ nhất của thời kỳ xuân sắc lâu dài và lộng lẫy và cô sự định sẽ tận dụng tháng điên cuồng cuối cùng này để vui chơi thoả thích. Ngày cưới được ấn định trước tám tháng và cô chẳng hề mảy may lo lắng về thời tiết. Để đảm bảo đám cưới không bị trở ngại vì thời tiết, đôi khi mùa xuân đến rất muộn trên dãy Núi Xanh nên có thể vào lúc ấy khí hậu sẽ ẩm ướt hoặc là gió bấc còn thổi vi vu, theo ý muốn kỳ quặc của Alicia, khách khứa sẽ được mời đến vườn hoa Eden yên tĩnh và mơ mộng.
- Vì chẳng còn tổ chức ở nơi nào khác được – Aurelia nói với Drusilla bằng tất cả lòng tha thiết vì đã hơn một lần mẹ Alicia được dịp chứng kiến các dự định của con gái bị tan vỡ nửa chừng.
Chuyến đi Sydney của Missy tuy đã được hẹn trước nhưng đành phải lui lại sau đó một tuần, điều đó cũng nằm trong mong muốn của Missy, bởi vì ngày thứ ba mà bác sĩ Hurlingford tính cho Missy đến gặp bác sĩ chuyên khoa, Alicia không thể đi thành phố theo như thông lệ. Bữa họp mặt do phía đàng gái tổ chức của Alicia không phải đơn giản là một bữa tiệc nhỏ mà những đồ dùng bếp núc được mang ra trao tặng và các câu chuyện tâm tình bạn gái được trao đổi sôi nổi, thật ra Alicia coi đó là một buổi tiếp tân chính thức đối với đàn bà trong họ hàng ở mọi lứa tuổi, một dịp để giới thiệu với mọi người những gì sẽ diễn ra trong ngày trọng đại ấy. Trong suốt buổi họp mặt Alicia cũng nhằm giới thiệu tên các phù dâu, các nghi thức, tổ chức lễ cưới cũng như trang trí nhà thờ.
 
Chỉ có một ảnh hưởng xấu duy nhất về buổi họp mặt bạn gái của Alicia: cha và các em trai cô quyết liệt phản đối cô định liệt kê họ vào thành phần tham dự và đúng là thái độ thô bạo chưa từng thấy bao giờ.
- Ô, lạy Chúa, Alicia, con hãy bỏ mặc cha với bọn thanh niên trong nhà này! – Cha cô cáu kỉnh kêu lên, giọng điệu giận dữ làm cô thấy khó có thể quên được giây phút đó – Cứ tiến hành buổi tiệc tội nợ ấy theo sở thích của con nhưng xin đừng làm phiền đến cánh đàn ông! Nhiều khi đàn bà cũng cần hội họp rùm beng và đây chính là một dịp hiếm có như vậy mà!
- À, ra thế đó! – Alicia giận dỗi, trì níu những sợi đăng-ten viền áo và đến gặp mẹ để than phiền về việc ấy.
- Má nghĩ rằng chính lúc nầy má con mình phải cư xử thật dè dặt mới được con à! – Aurelia nói với vẻ lo âu.
- Nhưng mà có chuyện gì mới được chớ?
- Má không rõ lắm, nhưng có lẽ có một vụ rắc rối trong khâu chia lợi nhuận của Công ty Thủy tinh Byron. Má nghe nói là các cổ phần công ty đã biến mất đâu đó.
- Vô lý! – Alicia kêu lên. – Các cổ phần trốn đi đằng nào được mà biến mất.
- Nghĩa là chúng không bước chân ra khỏi nhà chớ gì? Có phải như vậy không? – Aurelia lơ đãng sửa lại - Ồ, nhưng chuyện này đã vượt lên trên tầm hiểu biết của má, má có phải là người điều hành công việc đâu.
- Sao không nghe Willie nói gì?
- Chắc là Willie chưa hay nội vụ con à! Nó cũng chưa thạo việc công ty lắm. Hơn nữa nói vừa mới tốt nghiệp đại học kia mà.
Alicia chấm dứt cuộc trò chuyện về công việc kinh doanh rắc rối bằng một cái khịt mũi và bước ra ngoài dặn người quản gia là chỉ nên cho phép gia nhân nữ phục vụ mọi phần việc trong buổi họp mặt vì khách mời toàn là nữ.
Dĩ nhiên là có Drusilla đến dự, dẫn theo Missy, riêng dì Octavia khốn khổ, muốn đi chết được nhưng đến giờ phút chót vẫn đành phải ở nhà trong bộ y phục đẹp nhất vì Aurella đã quên cho xe đón những người ở Missaloghi như đã hứa. Drusilla mặc bộ áo màu nâu có kết hạt, lấy làm hân hoan rằng kiểu phục sức đó không bộc lộ trang phục hiện có mà bà phải hết sức thu vén trước ngày hôn lễ chính thức. Missy mặc bộ đồ linen nâu, đầu đội chiếc mũ lính thủy cũ kỹ, chiếc mũ Missy bắt buộc phải đội trong bất cứ trường hợp phải cần đội suốt mười lăm năm nay, kể cả những ngày chúa nhật đi lễ nhà thờ. Nhưng mà tới đám cưới thì phải đội nón mới, nếu không mua nổi nón ở Tiệm Nón Alicia thì ít nhất cũng phải là nón mua ở hiệu trang phục Herbert và đem về tô điểm trang trí thêm tại Missaloghi.
Alicia nổi bật rực rỡ trong chiếc váy bằng nhiễu mịn màu mơ chín có thêm rìa màu oải hương xanh nhạt pha đỏ và gắn một chùm bông oải hương bằng lụa to tướng ở mỗi bên vai. Ô, Missy thầm nghĩ, ước chi mình được ăn mặc như vậy dù chỉ một lần! Bây giờ thì mình đã nhớ lại được cái màu mơ chín nầy rồi: mình cũng hợp với màu mơ chín mà. Mình còn biết thêm được màu xanh nầy: nó gần giông giống như đỏ nhạt.
Khoảng trên một trăm tân khách được mời đến buổi họp mặt. Các bà đi rảo quanh nhà thành từng nhóm nhỏ, ngắm nghía nhau và trò chuyện ríu rít. Đến bốn giờ các vị khách quý tụ tập trong phòng như những con gà mái đến giờ vào chuồng để bắt đầu thưởng thức buổi tiệc trà gồm bánh ngọt, mứt và kem, bánh pơ-ti phoa, dưa chuột và những chiếc sừng dê[1] làm bằng măng tây có kết hoa quả, bánh kem dài, bánh bao nhân nho có phết kem và bánh kem ướt kiểu Napoleon rất ngon. Thức uống thì có trà Darjeeling, Earl Grey, Lapsang Souchong và trà Jasmine.
Đàn bà thuộc dòng họ Hurlingford có nước da trắng mịn theo di truyền của tổ tiên, chiều cao truyền thống và lối ăn nói đãi bôi y hệt khuôn phép giáo dục của gia đình. Ngắm nghía những người tụ tập chung quanh và nghe các mẩu chuyện phiếm của họ, Missy bắt đầu quan sát họ hàng bằng chính sự nhận xét của mình. Đây là lần đầu tiên cô được tham dự những nghi lễ long trọng như vầy bởi vì có lẽ sẽ vô cùng khiếm nhã khi rất nhiều phụ nữ còn có liên hệ họ hàng xa hơn Missy có thể đến dự họp mặt mà cô thì lại không được mời. Dù sao đi nữa khối lượng đáng nể sợ của sự hiện diện của cánh phụ nữ thuộc họ Hurlingford tại nhà thờ mỗi sáng chúa nhật đã bị chìm ngập trong số đàn ông mạnh mẽ tương đương như vậy cũng thuộc vây cánh Hurlingford. Còn bây giờ ở đây, trong phòng khiêu vũ của dì Aurelia, giống cái không hề bị loãng và đang chiếm thế độc tôn.
Không khí đặc sệt những động tính từ và những động từ nguyên thể thanh lịch được nối lại và vô số lời lẽ êm ái theo đúng thời trang của chừng năm chục năm nay. Dưới mái nhà huy hoàng xinh xắn của Aurelia không một kẻ nào dám sử dụng những từ “không thể được” hay “sẽ không” hoặc “đã không”. Và cô bé Missy tự biết mình là người đàn bà duy nhất có mái tóc đen ở đây. Ồ, chỉ có một vài mái tóc xám (màu xám và màu trắng thì không nổi bật lắm) nhưng mái tóc đen huyền của cô hiện ra mồm một như một nhúm than giữa một cánh đồng ngập tuyết: bây giờ thì cô đã hiểu vì sao mẹ cô luôn dặn cô phải luôn luôn đội nón. Rõ ràng là khi bất cứ người nào trong gia tộc lấy chồng hoặc cưới vợ ngoài gia tộc thì cũng phải chọn người tóc vàng. Thật ra cha Missy tóc vàng nhưng ông nội cô, theo lời Drusilla kể lại, thì có mái tóc đen nhánh như tóc người đa-gô[2], điều này cũng được chấp nhận vì hợp lệ.
- Chào chị Augusta và Antonia quý mến, đây đúng là người Saxon của chúng ta – Drusilla cất giọng thánh thót với hai người chị gái mà bà ít gặp nhứt.
Aurelia tập trung toàn bộ sự tiếp đãi cho Lady[3] Billy, người từ chối không đến bằng xe ngựa của bà hồi trưa không phải là chẳng có sự chống đối ngấm ngầm và cay đắng. Hiện Lady Billy đang ngồi im lìm như một bức tượng mà không suy nghĩ và không cảm giác bởi vì bà không có con gái và cũng chẳng lấy làm thú vị với những chuyện thuộc phạm vi phụ nữ. Nói chung bọn đàn bà vừa làm phiền vừa uy hiếp bà, và nỗi lo âu lớn nhất đời bà là việc tiếp nhận Alicia Marshall như con dâu tương lai. Không hề nao núng trong cuộc chiến đấu đơn độc, Lady Billy kịch liệt chống đối việc cậu Willie bé bỏng đính hôn với người chị họ hai đời Alicia, tuyên bố rằng không bao giờ đồng ý cho hai người kết hợp và sự kết hợp đó chỉ sản sinh cho dòng họ loại trẻ không lành mạnh. Tuy nhiên Ngài William (còn được gọi là Billy) đã trấn áp vợ như ông đã độc đoán đối với mọi người: ông luôn để ý quan sát Alicia và đặc biệt thích thú với viễn cảnh tương lai là mỗi tối được ngắm nghía mái tóc óng mượt và gương mặt xinh xắn của con dâu ở bàn ăn. Vì vậy mà cặp vợ chồng mới này sẽ phải lưu lại ở lâu đài của Ngài William và Phu Nhân ít nhứt là dăm ba tháng: quà cưới của Ngài William là một khu đất tốt chừng mười mẫu như ngôi nhà định cất thì chưa được hoàn chỉnh.
Bỏ qua mọi điều quan tâm, Missy đảo mắt kiếm Una. Cô trông thấy dì Livilla nhưng không thấy Una đâu. Lạ lùng thật!
- Sao không thấy Una, chị?
Missy hỏi Alicia sau khi nhân vật xinh đẹp tuyệt trần này vừa hạ cố nở một nụ cười rạng rỡ và mê hoặc.
- Ai? – Alicia đứng lại hỏi.
- Chị Una, cháu của dì Livilla, làm việc ở thư viện.
- Chẳng có người nào thuộc dòng họ Hurlingford ở Byron mang tên như vậy cả, ngốc ơi!
Alicia, người chưa biết đọc quyển sách nào trong đời, trả lời rồi bỏ đi, cố trang trải sự hiện diện rực rỡ của mình đồng đều trước đám thực khách, dáng dấp duyên dáng của cô lướt qua mặt đám đông trông giống như lớp mứt mỏng tang phết lên mặt cái bánh put-dinh của nhà ăn sinh viên.
Về điểm này sự thật đã được phơi bày. Dĩ nhiên! Vì Una đã li dị chồng! Một tội lỗi trước đó chưa hề có ai được nghe nói! Khuấy động dư luận bằng việc chứa chấp cô cháu gái là việc dì Livilla dám nghĩ và dám làm nhưng thiên hướng nhân đạo chưa cho phép dì chấp thuận cho cô cháu đã một lần ly dị đó gia nhập xã hội Byron. Do đó, dường như dì đã quyết định không đề cập đến Una. Về chuyện này thì chỉ mình Missy là biết đến sự có mặt của Una nhưng từ khi Una đến thư viện làm việc Missy rất ít khi gặp dì Livilla, trong những lần gặp gỡ hiếm hoi chưa bao giờ Missy thấy dì nhắc nhở gì tới Una và Missy vốn rất sợ dì, cũng chẳng nói năng gì.
Drusilla rối rít đứng dậy, cô em Cornelia của bà bừa bước đến:
- Ôi, hoan hỉ quá, phải không? – Dì Cornelia hỏi, giọng êm ái.
- Hết sức hoan hỉ, dì à! – Missy đáp, dời sang một cái ghế xô-pha ở phía sau một cái chậu cọ to tướng của vùng Kentia.
Drusilla và Cornelia ngồi xuống, chỉ cần nếm qua các món bánh trái mỗi thứ một ít cũng đủ no ứ.
- Alicia thương yêu, vô cùng hào phóng! Hết sức chu đáo!
Cornelia liến thoắng nói, luôn coi việc được làm nhân viên bán hàng cho Alicia với tiền công rẻ mạt là một đặc quyền lớn lao đến nỗi không hề có chút hoài nghi nào chen lẫn lòng tri ân và sự cống hiến toàn tâm toàn ý của dì. Trước khi Tiệm Nón Alicia khai trương dì Cornelia làm cho anh dì là cậu Herbert trong tiệm vải; do đó cũng dễ hiểu thôi một khi dì có ảo tưởng về lòng tốt của Alicia: sự bủn xỉn của cậu Herbert đã làm Alicia trở thành Phu Nhân Bác Ái. Trường hợp của dì y hệt Octavia và đã đưa đến hậu quả không khác nhau mấy; chỉ có điều dì phải bán ngôi nhà và năm mẫu đất riêng của dì để lấy tiền cho em gái Julia mua phòng trà của Herbert.
- Suỵt! – Drusilla thì thầm – Alicia định nói gì kia kìa!
Alicia cất giọng nói, má hồng, mắt ngời sáng như hai hòn ngọc xanh biếc. Tên của mười cô phù dâu được chào đón bằng những tràng ó ré và các đợt vỗ tay, cô gái được chỉ định làm phù dâu chính ngất đi vì quá sung sướng và được cứu tỉnh lại bằng cách cho ngửi thuốc muối. Theo sự tính toán của Alicia màu áo của phù dâu sẽ có năm sắc hồng: từ màu hồng nhạt nhất đến màu hoa anh thảo đậm để cho khi cô dâu mặc toàn trắng đứng trước bệ thờ sẽ được bao quanh bởi năm cô gái mỗi bên, cô ở gần sẽ mặc màu nhạt nhất, dần đến cô ở xa nhứt mặc áo màu hồng đậm.
- Chúng ta có cùng chiều cao, cùng màu tóc và vóc dáng cũng tương tự - Alicia giải thích – Tôi nghĩ là sẽ đạt hiệu quả cao.
- Đúng là một sáng kiến hay, phải không? – Cornelia thì thầm, cảm thấy hết sức vinh hạnh khi được tham dự buổi họp mặt bàn định toàn bộ công việc cho ngày cưới – Tà áo của Alicia sẽ may toàn bằng ren Alecon dài hai mươi bộ, không hề có lằn nối nhé.
- Hết ý! – Drusilla thở ra, nhớ lại tà áo của bộ đồ cưới năm xưa: cũng bằng ren và thậm chí còn dài hơn thế nữa nhưng bà quyết định không nhắc lại chuyện này.
- Alicia chỉ lựa các cô gái chưa chồng thôi – Missy nói trong khi cơn đau nhói lại nổi lên, cơn đau đã bắt đầu suốt bảy dặm đi bộ từ Missalonghi đến đây. Rời khỏi phòng lúc này thì không ổn rồi nhưng cô thấy khó thể ngồi yên và im lặng thêm giây phút nào nữa, để quên đi cơn đau, cô cất tiếng – Chị Alicia đã tuân theo đúng tập tục cổ truyền – cô nói luôn – nhưng con rõ ràng là phụ nữ chưa chồng.
- Suỵt! – Drusilla rít lên.
- Cháu Missy bé bỏng dễ thương nhứt của dì à, vì cháu quá thấp mà lại còn ngăm đen nữa – Cornelia thì thào, tỏ vẻ lấy làm tiếc cho cô cháu gái.
- Nếu không tính giày thì cháu đã cao năm bộ rồi kia mà – Missy không buồn hạ giọng nhỏ xuống trả lời – Chỉ khi nào đứng trong dòng họ Hurlingford cháu mới có vẻ hơi thấp thôi.
- Suỵt! – Drusilla lại rít lên lần nữa.
Ngay lúc đó Alicia đã chuyển sang vấn đề hoa cầm tay và báo với cử tọa đang ngẩn ngơ của cô rằng mỗi bó hoa sẽ gồm hàng lố hoa hồng lan sẽ được gửi đến Byron trong những chiếc hộp có hơi lạnh theo chuyến xe lửa từ Brisbane.
- Hồng lan! Đúng là thói phô trương thường tình! – Missy buột miệng nói lớn.
- Suỵt! – Drusilla thất vọng kêu lớn.
Alicia lập tức im lặng, môi mím chặt.
- Ai cũng tưởng chị ấy là sung sướng lắm khi muốn dẹp bỏ mọi cuộc biểu diễn ngay lúc mới khởi sự - Missy nói bâng quơ không nhằm ám chỉ riêng ai – Không biết tôi nói có chính xác không chớ tôi nhận thấy chị ấy hết sức tự kiêu mà chẳng ai cảm thấy được.
Alicia quét nhanh ánh mắt về phía các khán giả của mình, bật cười, mặt đỏ bừng lên vì giận dữ trước mọi tia nhìn về phía cô, tay còn cầm các tờ chương trình lễ cưới và mấy màu vải.
- Thật tội nghiệp em Missy, em đen thui và còn thấp như thế - cô kiều diễm trả lời – Chị định nhờ em nhưng em phải hiểu em là phù dâu thật chẳng hợp chút nào.
- À, em thì lại tội nghiệp chị không ngăm đen và thấp như em – Missy cũng đáp lại với vẻ kiều diễm không kém – Với những cô phù dâu bao quanh có cùng một chiều cao và cùng màu da lại mặc màu hồng nhạt dần chị sẽ bị chìm nghỉm vào trong tường cho mà coi.
Alicia há hốc miệng. Drusilla há hốc miệng. Cornelia há hốc miệng.
Missy ung dung đứng dậy và có vẻ như còn muốn giữ vạt áo váy bằng vải linen màu nâu:
- Thôi, em phải về đây – cô thỏ thẻ nói – Đúng là một buổi tiệc thú vị, chị Alicia à, nhưng chẳng có gì đặc sắc cả. Tại sao cứ bắt khách khứa phải ăn toàn những món mọi người vẫn thường ăn? Em vẫn thấy phải chi mình thay đổi thực đơn thành bánh xăng-quýt kẹp trứng ca-ry thì tốt hơn.
Cô rời khỏi phòng khách trước khi quan khách kịp thở phào và Drusilla cố giấu nụ cười giả bộ nghe không rõ khi Alicia lớn tiếng buộc Missy phải được gọi lại để xin lỗi mọi người. Missy đã xử sự không chê vào đâu được! Tại sao Alicia không cố gắng tử tế dù chỉ một lần ưng thuận cho Missy tham gia hội phù dâu dù rằng như vậy có thể làm xấu đội hình? Thật đáng kinh ngạc! Sự phân tích của Missy quả vô cùng chính xác: Alicia sẽ chìm nghỉm vào vách tường hoặc bị lấp giữa màu hồng và màu trắng của những chiếc nơ hình bướm hay những bó hoa và các dải lụa cô dự định trang trí nhà thờ.
Ngay khi vừa ra tới cửa chánh Mon Repos cơn đau kỳ quái đó xen lẫn với sự nghẹn thở mới phát. Quyết định có chết cũng phải chết kín đáo và tươm tất, Missy rời bỏ con đường trải sỏi dẫn ra cổng rẽ qua phía bên hông nhà. Dĩ nhiên quan niệm của Aurelia Marshall về cách bố trí vườn là không để cho một dấu vết um tùm nào được tồn tại do đó khó mà tìm ra được một chỗ có thể ẩn núp mà chẳng sợ bị phát hiện. Chỗ gần nhứt có thể trốn vào là một bụi đỗ quyên lớn ở ngay cửa cầu thang đi xuống; vì thế Missy bò vào giữa lùm cây tựa lưng vào tảng đá đỏ phía sau bụi cây trong tư thế nửa nằm nửa ngồi. Đúng là cơn đau khủng khiếp nhất từ thời cha sinh mẹ đẻ tới giờ. Cô nhắm mắt lại và thầm mong đừng chết ngay lúc này: để chờ gặp lại John Smith đã, cô sẽ mãn nguyện mà chết trong vòng tay anh như nhân vật nữ của Trái tim bối rối. Nhưng cái chỗ cô tìm được chuẩn bị cho giờ chết sao mà hoang vu và lạnh lẽo, lùm cây đỗ quyên của dì Aurelia!
Missy không chết được. Chỉ một lát sau cơn đau lắng xuống và cô bắt đầu cựa quậy. Cô nghe có tiếng nói lao xao gần đó, và vì bụi đỗ quyên vẫn còn trụi lá sau mùa thu tơi tả, cô lo là những người đang nói chuyện có thể đến gần lùm cây và trông thấy cô. Cô nhỏm dậy, quỳ gối lên và sửa soạn đứng dậy. Cũng chính lúc đó cô nhận ra tiếng nói từ cửa sổ phía trên đầu cô phát ra.
- Chị có bao giờ trông thấy cái mũ nào quái gở như vậy không? – Missy nhận ra đó là giọng nói của con gái út dì Augusta, chị Lavinia, dĩ nhiên Lavinia cũng được chọn làm phù dâu.
- Mà lúc nào cũng đội cái nón đó, kể cả lúc đi nhà thờ mỗi sáng chúa nhật – Alicia phụ họa bằng giọng nói khàn khàn không được êm ái – Và theo chị cái người đội nón thì càng quái dị hơn nhiều.
- Con nhỏ đó mới thật là chán! – Một giọng thứ ba cất lên: Marcia, con gái dì Antonia, vừa được chọn làm trưởng nhóm phù dâu – Thật tình mà nói, Alicia, biết không, chị đừng chấp nhứt con Missy làm gì, cứ coi nó là một đứa kỳ dị, tệ hơn nữa nó là đứa không ra gì. Có lẽ từ “không ra gì” hợp với nó nhất, mặc dù cái nón của nó, em đảm bảo với chị, đúng là một món đồ kỳ dị.
- Em có lý.
Alicia công nhận, vẫn còn phẫn nộ vì việc bị Missy tiên đoán là sẽ chìm nghỉm vào nền tường. Dĩ nhiên cô đã sai lầm! Tuy vậy, Alicia biết rằng rồi đây hình tượng rực rỡ về ngày cưới sẽ chẳng còn đậm đà như trước nữa: Missy quả có khiếu châm chọc hơn là cô vẫn biết lâu nay.
- Chúng ta có còn thực sự để tâm đến Missy nữa hay không?
Đó là câu hỏi của một người chị họ xa là Portia.
- Chị Portia ơi, em thấy là dù má nó với má em là hai chị em thân cận nhứt em vẫn phải có thái độ với nó – Alicia tuyên bố, giọng rướn cao – Em chẳng hiểu nổi vì sao má em cứ quyến luyến dì Drusie; riêng em kể như mọi việc đã chấm dứt. Ồ, em dám nói là lòng nhân hậu của má em thật đáng biểu dương nhưng em phải nói để chị biết là em luôn phải tránh có mặt ở nhà vào các sáng chúa nhật khi dì Drusie đến để ăn ngấu nghiến những cái bánh ngọt của má em. Chúa ơi, sao mà dì ấy lại có thể ăn nhiều đến như vậy không biết! Má thường bảo chị bếp làm hai lố bánh nhưng dì Drusie ra về thì mỗi lố chỉ còn lại duy nhất một cái – Alicia bật ra một tiếng cười khô khan chẳng lấy gì làm thú vị cho lắm – Chuyện đó trở thành câu chuyện đùa bình thường trong nhà em, thậm chí bọn người làm cũng biết.
- Chà, bởi vì họ nghèo thê thảm cơ mà, phải không? – Lavinia, vốn học môn sử rất giỏi khi còn là học sinh, khoe kiến thức bằng cách kể - Em thường không hiểu vì sao bọn kích động quần chúng bên Pháp lại chém đầu Maria Antoinette khi bà hạ lệnh là dân chúng có thể tha hồ ăn bánh ngọt nếu thiếu bánh mì. Em có cảm giác là cái hạng bần cùng thường tận dụng những trường hợp có thể ăn bánh ngọt để bù vào những lúc không được ăn như trường hợp dì Drusie.
- Nghèo xơ xác chớ còn gì – Alicia nói – và chị lo rằng họ sẽ cứ tiếp tục nghèo hoài một khi họ chỉ có mỗi mình Missy để hy vọng thay đổi cảnh nghèo.
Cả đám cười phá lên.
- Điều đáng buồn là con người không thể bị loại bỏ theo kiểu loại bỏ nhà – một giọng khác cất lên của Julia, người đang thất vọng vì không được chỉ định làm phù dâu, cố tập trung miệng lưỡi độc địa trong một hoặc hai câu đích đáng.
Alicia nói:
- Nhưng chị Julia à, trong cái dịp vui vẻ này và một ngày y như ngày hôm nay thì mình phải tỏ ra rộng lượng. Do đó chúng ta sẽ phải thương lượng với dì Drusie, dì Octie, dì Julie, dì Cornie, Missy và những mụ gái già cũng như gái góa khác. Em lo là họ sẽ làm hỏng đám cưới của em cho mà coi. Nhưng má thì nhất định phải mời họ và chắc chắn họ sẽ đến trước nhứt và về trễ nhứt chưa biết chừng. Và chị sẽ không thể lường trước là loại ung nhọt ấy sẽ bùng nổ như thế nào khi không được nồng nhiệt tiếp đón như mọi người. Tuy nhiên má em đã nảy ra một sáng kiến nhằm tránh khỏi những bộ đồ nâu gớm ghiếc kia. Má mua tất cả vải vóc như chăn màn, khăn bàn của dì Drusie với giá hai trăm pao. Và theo em thì đúng là những tác phẩm thêu cực kỳ công phu và tuyệt mỹ, nhờ vậy tiền của má chẳng bị phí hoài, cảm ơn Chúa. Này nhé, các mặt áo gối thêu dày đặc các nụ hoa và những nụ hoa ngoài rìa thì còn được viền bằng những búp hồng nhỏ xíu! Phải nói thật là đẹp lắm lắm! Hơn nữa, ý đồ của má em đã được thực hiện vì cậu Herbert mới nói nhỏ cho má hay là Missy có mua ba xấp vải may áo dài: tím nhạt cho dì Drusie, xanh cho dì Octie. Chị thử đoán coi Missy thì mua màu gì?
- Nâu!
Mọi người đồng loạt kêu lên và thế là tiếng cười phá lên.
- Em có ý kiến – Lavinia lớn tiếng nói khi tràng cười ngưng lại – Sao chị chẳng cho phắt Missy một bộ áo nào chị không mặc tới nữa mà có màu hợp với nước da nó?
- Chị thà chết còn hơn – Alicia khinh miệt trả lời – Thử tưởng tượng coi lấy quần áo đẹp của chị ra cho con da-gô giống hệt bộ xương cách trí ấy bận à? Nếu em thật sự thấy như vậy là cần thiết thì, Lavinia thân mến, sao em không cho nó một bộ phế thải của em?
- Em chẳng tội gì mà cho nó cả - Lavinia chua chát nói – bởi vì chị giàu có như vậy mà vì sao em phải cho! Cứ suy nghĩ lại đi, chính chị đã lấy làm khó chịu vì bộ đồ của nó kia mà! Chị thì mặc không biết bao nhiêu quần áo màu hổ phách, màu hoàng kim và màu mơ chín. Em thấy là các màu như thế sẽ hợp với Missy hơn.
Tới lúc này Missy đã có thể chống tay ngồi dậy và bò ra khỏi bụi đỗ quyên để leo lên lối đi. Cô bò cho tới mép cửa sổ rồi đứng bật dậy và bỏ chạy. Nước mắt chảy ròng ròng trên má nhưng cô vẫn không buồn dừng lại lau đi, lòng tràn ngập tức giận và xấu hổ và sợ có người bắt gặp.
Cô chưa hề nghĩ tới bất cứ điều gì người ta có thể chê bai và làm tổn thương mình bởi vì hàng ngàn hàng ngàn lần cô thường cố tình hình dung biết bao chuyện khốn khổ và đáng khinh khác nhau mà người khác có thể nói về cô. Thật ra chẳng có điều gì có thể làm tổn thương cô được. Vấn đề xúc phạm cô nhất là những lời Alicia và đám bạn mới nói về mẹ cô và về những bà dì không chồng đáng thương, những kẻ luôn an phận, tự trọng và siêng năng, bao giờ cũng lấy làm cảm động khi được ai đó quan tâm, rất hãnh diện khi nhận lãnh điều gì không xuất phát từ sự bố thí. Vì sao Alicia dám cả quyết những điều gay gắt và vô lương tri đến thế về một phụ nữ đáng kính? Thử đặt Alicia vào hoàn cảnh khó khăn như vậy thì coi Alicia sẽ ăn uống ra sao cho biết!
Khi cô hối hả băng qua Byron với cơn đau điếng ở hông, cô lầm thầm cầu mong thư viện vẫn còn mở cửa và Una đang trực. Ôi, đêm nay cô cần gặp Una ghê gớm! Nhưng cả khu nhà tối đen và trên cửa thư viện có gắn một ký hiện cho biết là thư viện đang tạm nghỉ.
Octavia đang ngồi trong nhà bếp của Missalonghi, đã thay quần áo mặc ở nhà như thường lệ và đang chụm cỏ khô ninh nhỏ lửa món ăn trên lò. Thịt hầm. Hai bàn tay thô kệch còn lóng ngóng cầm que đan cố sức đan chiếc khăn quàng buổi chiều có hình mạng nhện để mong gởi món quà cưới tặng Alicia bạc bẽo.
- A! – Dì kêu lên, dẹp bỏ đồ đan khi thấy Missy bước vô nhà – Vui không cưng? Má cháu có cùng về không?
- Cháu khó chịu quá nên cháu về trước – Missy đáp nhanh, cúi xuống lấy cái thùng vắt sữa và lách ra khỏi cửa.
Con bò cái đang đứng kiên nhẫn chờ đợi người dắt vô chuồng, Missy với tay vuốt ve cái mõm đen mịn như nhung và ngó sâu vào đôi mắt to nâu hiền lành.
- Cây Mao Lương Hoa Vàng ơi, mi còn tử tế hơn chị Alicia nhiều thành thử tao chẳng hiểu vì sao người đời cả gan xúc phạm mi bằng cách kêu những người đàn bà mất dạy là bò cái. Từ rày về sau tao sẽ kêu những người đàn bà bị thiên hạ gọi là bò cái là Alicia, nghe chưa!
Cô vừa thủ thỉ vừa dắt con bò cái vô chuồng để nó đứng vào chỗ thích hợp cho việc vắt sữa. Cây Mao Lương Hoa Vàng là con bò dễ tính nhất trần gian, thường ngoan ngoãn đứng yên chẳng một chút kháng cự, chẳng hề ca cẩm lấy nửa lời cho dù bàn tay Missy có lạnh ngắt đi nữa mà điều ấy thì thường xảy ra. Điều đó chứng minh vì sao sữa của nó luôn béo ngậy và thơm: những con bò dễ thương chừng nào thì sữa của chúng cũng ngon lành chừng ấy.
Khi Missy ở chuồng bò trở vô thì Drusilla cũng vừa về tới nhà.
Thường thì hễ vắt sữa xong thì phải rót hết ra một cái chảo lớn đáy trẹt đặt ở chỗ râm mát ở hiên nhà phía sau; trong khi rót sữa vào chảo cô nghe mẹ đang sôi nổi kể cho dì Octavia nghe về toàn bộ buổi họp mặt trước ngày cưới của Alicia.
- Ồ, em cũng phần nào an ủi khi có một trong hai người cảm thấy hài lòng vì bữa tiệc – Octavia nói – Missy chỉ nói vắn tắt là nó bị khó chịu quá. Em đoán là nó không có bạn đồng trang lứa.
- Đúng rồi, và chị là người áy náy về chuyện đó nhứt. Nhưng do Eustace chết sớm cháu đành chịu cảnh đơn độc không anh chị em gì còn nhà mình thì vừa ở xa vừa trẹo đường đi Byron nên chẳng ai muốn đến thăm nom chúng ta.
Missy chờ đợi lúc tội lỗi bị phơi bày nhưng mãi chẳng thấy mẹ cô nói gì. Lòng cam đảm đã trở lại, cô bước vô nhà. Hình như chỉ lúc cơn rối loạn về tim cô mới thấy dễ bộc lộ bản thân mình và mẹ cô cũng dễ chấp nhận mọi hành động của cô như một dấu hiệu của chí tự lập. Nhưng không phải chứng bịnh hiểm nghèo kia là nguyên nhân sự thay đổi. Chính là do Una. Đúng vậy, mọi chuyện khởi đầu từ sự xuất hiện của Una, từ tính thẳng thắn của Una, từ lòng chân thật của Una, từ ý muốn quyết không tuân theo sự sắp xếp của mọi người. Una đã dám nói rằng James Hurlingford là quân ăn bám ti tiện, đã dùng lời lẽ nặng nề với Alicia khiến Alicia phải nhớ đời nếu Alicia biết phục thiện, Una luôn bắt mọi người phải đối xử với cô bằng sự lễ độ. Và tính cách ấy đã ảnh hưởng nhiều đến đứa trẻ khờ khạo như Missy Wright.
Khi Missy bước vào Drusilla đứng bật dậy, cười tươi tắn:
- Missy ơi, con không thể nào ngờ được đâu! – Bà kêu lên, trở lại chỗ bà vừa ngồi khi nãy nhặt một cái hộp lớn nãy giờ vẫn đặt trên sàn nhà – Khi má sửa soạn ra về thì Alicia nó đưa cho má một món quà để cho con mặc vào ngày cưới của nó. Alicia quả quyết là màu nầy rất hợp với nước da con, dầu má không chịu nhận nó vẫn kéo nài. Đâu, con thử ngó qua coi.
Missy đứng chết trân tại chỗ trong khi mẹ cô mở nắp hộp ra và tháo đống vải phin nõn nhàu nát để trưng cái áo ra trước sự tò mò kinh ngạc của Missy. Một chiếc áo dài lộng lẫy màu kẹo bơ nhạt, không phải màu vỏ dà, không phải màu vàng cũng không hẳn là màu hổ phách, đây là kiểu áo có nếp gấp ở cổ và váy mà những kẻ sành ăn mặc phải biết rằng đã lỗi thời cách nay ít nhất năm hay sáu năm rồi nhưng mặc dù vậy nó vẫn là một cái áo khá lộng lẫy và nếu đem sửa lại cẩn thận nó sẽ rất hợp với Missy.
- Còn cái nón nữa, coi cái nón nè! – Drusilla ríu rít kêu lên, móc ra khỏi hộp chiếc nón rơm to tướng màu kẹo bơ nhạt có hình răng cưa, vuốt vuốt những nếp nhăn vì bị bỏ vào trong hộp – Con có bao giờ thấy cái nón nào đẹp như vầy không? Ồ, Missy cưng của má, con sẽ có cả giày mới nữa, không phải lo lắng về vụ giày nữa đâu!
Cuối cùng thì tảng đá nặng nề vẫn đeo chặt vào tay chân Missy cũng rớt ra, cô bước tới, dang rộng hai tay để đón nhận tặng vật của Alicia và mẹ cô lập tức đặt chiếc áo và cái mũ vào tay cô.
- Con sẽ mặc cái áo bằng xa-tanh nâu mới may và đội cái nón má sửa lại và sẽ mang đôi ủng thô.
Missy nói qua kẽ răng, bước ra khỏi nhà bếp bằng cửa sau, đống vải phin nõn phập phồng chạm vào người cô giống như những lượn sóng biển nhồi vào người lúc cô nhảy xuống nước.
Trời chưa tối hẳn, lúc Missy chạy bay ra chuồng bò cô nghe tiếng gọi thất thanh của mẹ và dì phía sau nhưng khi họ đuổi kịp cô thì đã quá muộn. Chiếc áo và cái nón đã bị chà xuống dưới đống phân dưới bục đứng vắt sữa bò. Missy, với cái xẻng trong tay đang điên cuồng hất bất cứ đống phân nào ở gần đó lên trên cái vật biểu hiện tình hữu nghị vĩ đại của Alicia.
Drusilla cảm thấy bị xúc phạm nặng nề:
- Tại sao con dám? Ô! Tại sao con lại dám làm như vậy hả Missy? Đây là dịp duy nhất trong đời để con làm đẹp.
Missy dựng chiếc xẻng dựa vào thành chuồng và phủi tay với điệu bộ hoàn toàn thỏa mãn.
- Má là người trước nhất hiểu vì sao con hành động như vậy – cô nói – không có kẻ tự trọng nào có thể nhạy cảm hơn má và cũng chẳng ai có thể giải thích cho con hiểu món quà từ tâm có ý nghĩa được ngụy trang nhanh bằng má. Vậy sao má lại từ chối không cho con chia sẻ lòng tự hào đó? Liệu má có chấp nhận một món quà như vậy cho má không? Vì sao má lại lấy nó về cho con? Má có thực sự tin rằng Alicia cư xử như vậy là vì muốn con được vui lòng không? Dĩ nhiên là không rồi chớ gì! Alicia khẳng định là đám cưới của chị ấy sẽ phải tròn vẹn cho đến người khách cuối cùng và con… chính con sẽ làm hỏng đám cưới của chị ấy! Do vậy mà chị ấy quyết định đóng một màn kịch cho con bé Missy Wright ngu đần. Chà, cảm ơn má rất nhiều nhưng con thà làm con nhóc quê mùa hơn là chui đầu vào màn kịch do Alicia hư cấu lên. Và con sẽ báo cho chị ấy biết quyết định của con.
Và thế là Missy nói tất cả với Alicia vào sáng hôm sau. Đêm đó, Drusilla đã cất công rón rén cầm đèn lần ra chuồng bò trong đêm tối đen như mực nhưng cái áo và nón đã biến mất khỏi cái nơi tồi tệ mà nó phải ở rồi, và chẳng bao giờ bà được trông thấy chúng lần nào nữa cũng như không thể biết chuyện gì đã xảy ra với chúng vì không một kẻ biết chuyện nào dám kể cho bà nghe những biến cố kinh thiên động địa đã xảy ra tại điền trang của Marshall vào buổi sáng thứ sáu đáng ghi nhớ ấy.
Missy đến trước cổng Mon Repos vào lúc mười giờ, khá là cồng kềnh với một gói lớn được bọc cẩn thận xách theo bằng một sợi dây có buộc vòng để ngoắc ngón tay vào. Nếu người quản gia có hơi lấy làm ngạc nhiên về chuyện có ai đó xâm nhập vào phòng khách nhỏ thì chắc Missy đã không thể đi sâu hơn hiên trước nhưng may thay ông ta không hề có chút khái niệm gì về chuyện đó nên chỉ còn biết góp phần nhỏ mọn vào không khí chung của tai họa.
Phòng khách nhỏ thật ra không nhỏ lắm và đang có khá đông người tụ tập khi Missy lướt vào với cái gói lớn cột ở đầu sợi dây mà cô đang xách. Dì Aurelia, dượng Edmund, Ted, Ranpholph, Ngài William Thứ Ba và cậu con trai kiêm thừa kế: cậu bé Willie, Alicia; phu nhân Billy thì không có mặt ở đó, bà đang bận đỡ đẻ cho một con ngựa.
- Tôi không tài nào hiểu được vấn đề - Edmund Marshall đang lớn tiếng phát biểu trong khi Missy nở một nụ cười với người quản gia và làm dấu tỏ ý muốn được báo sự có mặt của mình sớm chừng nào tốt chừng ấy – Tôi chỉ không sao hiểu nổi! Bằng cách nào mà các cổ phần cứ lọt vào tay người khác? Bằng cách nào? Ai là kẻ bán cổ phần và ai là người mua cổ phần?
- Theo như nhân viên của tôi báo cáo – Ngài William Thứ Ba nói – mỗi cổ phần không thuộc dòng họ Hurlingford đã được mua với giá cao gấp mấy lần giá trị thật và sau đó người bí mật nọ bắt đầu xâm nhập vào các cổ phần của người Hurlingford. Bằng cách nào, hồi nào và vì sao thì tôi chẳng nắm được nhưng kẻ mua nọ tìm cách biết được là mỗi người thuộc gia tộc ta đều đang rất cần tiền và kẻ nào không gắn bó với Byron và hắn đã đưa ra một sự thỏa thuận mà không ai có thể từ chối được.
- Thật quái đản – Ted la lên – Với số tiền phải trả như vậy lúc ban đầu hắn sẽ chẳng có cách chi thâu lại đủ chi phí đâu. Ý tôi nói là dù Công Ty Thủy Tinh Byron là một công ty kinh doanh tương đối có lời nhưng có phải là đào ra được vàng từ đất đen đâu mà nó cũng không chế tạo được thuốc cải tử hoàn đồng đâu! Nhưng cái giá mà hắn phải trả chính là cái giá lạm dụng dùng để trả cho mảnh đất có mỏ vàng thì phải.
- Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định đó – Ngài William nói – nhưng chẳng thể nào giải thích được vì chưa ai biết là vì sao cả.
- Cậu Billy nè, có phải cậu định nói là như vậy sẽ làm số lượng cổ đông của dòng họ mình giảm xuống tới mức tối thiểu hay không? – Alicia, kẻ luôn sử dụng thành thạo mọi thuật của thế giới kinh doanh và bản thân cũng chẳng phải có ít cổ phần trong Công Ty Thủy Tinh nhất là khi nắm hoàn toàn tài chánh của Hiệu Nón Alicia thì tham vọng biến cửa hàng thành một vương quốc đầu cơ tích trữ an toàn hơn càng bộc lộ, lớn tiếng chất vấn.
- Lạy Chúa lòng lành, không phải vậy, chưa đến nỗi như thế - Ngài William kêu lên nhưng sau đó lại nói thêm, vẻ kiên quyết rõ ràng đã giảm xuống – Tuy nhiên tôi thấy là sắp tới phải xúc tiến việc ngăn chặn cơn sốt mua bán Cổ phần tại Công Ty bằng cách vừa không cho kẻ lạ mặt nọ mua thêm vừa mua thêm cổ phần cho chính chúng ta.
- Liệu có kẻ nào có cổ phần trong Công Ty hiện ở tại Byron mà chúng ta có thể đến thương lượng mua bán ngay lập tức hay không? – Randolph hỏi.
- Có đấy, mấy người thuộc họ ngoại của dòng Hurlingford và hai trong số ba người đàn bà nọ chỉ ngẫu nhiên thừa kế cổ phần mà họ thực sự cũng chẳng có quyền hành gì. Bởi vì chưa bao giờ họ được chia một phần lãi suất cổ phần nào.
- Làm sao chúng ta tiến hành mua bán hả cậu Billy? – Randolph hỏi.
Ngài William khịt mũi:
- Nhưng mà mấy mụ già ngốc nghếch kiểu Cornelia, Julia và Octavia thì làm sao biết được chuyện các cổ phần? Tôi không muốn cho họ biết là họ đang có một nguồn lợi nhuận nên đã chưa bao giờ chia lãi suất cho họ: tôi đã nói với họ rằng cổ phần chẳng có giá trị vì thuộc quyền sở dụng của Maxwell và Herbert. Tuy nhiên, để cho vấn đề đừng đi đến chỗ rùm beng tôi chỉ nói vắn tắt là các bà nên sửa chữa sự lầm lẫn bằng các chuyển các cổ phần cho con trai của Maxwell và Herbert.
- Khôn thật! – Alicia kêu lên đầy vẻ thán phục.
Ngài William ném về phía Alicia một cái nhìn nồng cháy đầy ham muốn khiến cho cô bắt đầu cảm thấy rằng sẽ hết sức dễ dàng trong việc làm thân với cậu Billy sau ngày cưới và sau khi dời vô ở trong khu nhà thuộc dòng họ Hurlingford cần thông qua cả sự đồng ý của ông.
- Chúng ta bắt buộc phải mua cho được cổ phần của các mụ gái già đó ngay bây giờ - Edmund Marshall buồn bã nói – Nhưng Billy ơi, thật tình mà nói tôi chẳng biết đào đâu ra tiền. Tôi đã hết sức hạn chế chi tiêu mà như anh biết đó, gia đình tôi vô cùng bất mãn khi tôi trở thành tiết kiệm đến bủn xỉn.
- Tôi cũng đi cùng một xuồng với anh, anh bạn già à – Ngài William nói rồ rồ trong cổ họng – Tất cả mọi chuyện đều bắt nguồn từ thế chiến ở châu Âu, khốn nạn thật! Cũng do bọn chuyên phao tin đồn mà ra mọi cớ sự.
- Vậy thì tại sao lại mua cổ phần làm chi? – Alicia hỏi, có vẻ như hơi dè bỉu sự dại dột của những người đàn ông có mặt trong phòng – Tất cả những chuyện chúng ta cần làm là tới gặp dì Cornie, dì Julie và dì Octie để hỏi họ định liệu ra sao! Chắc chắn là họ sẽ tặng tất cả cho chúng ta mà không một lời kêu ca!
- Cũng được! Mình cứ tiến hành nói chuyện với cả ba bà cô, và không chừng Drusilla cũng đồng ý luôn cho coi. Chẳng hiểu cái gì xui khiến mà lão Malcolm Hurlingford lại nảy ra ý định để cổ phần lại cho con gái. Lão ta còn có vẻ nuông chiều con gái nữa chớ, nhưng, lạy Chúa, may sao Maxwell và Herbert lại chẳng bắt chước bố về cái khoản này – Ngài William bực bội thở dài – Quả là vấn đề nan giải! Bởi vì cho dù khi mấy người đàn bà kia có bằng lòng giao hết các cổ phần cho phe ta mà không một lời than vãn như Alicia đã nói khi nãy thì chúng ta vẫn phải đương đầu với bọn bất tài vô tướng và bọn Hurlingford còn lại, cái quân ngũ mà chắc chắn sẽ không chịu ly cách với các cổ phần chẳng đem lại chút lợi lộc nào. Rõ ràng chúng ta phải hết sức tranh thủ về phía mình để mọi người đừng bị cuốn hút vào cơn xoáy của kẻ độc quyền bí mật kia. Làm sao có thể cạnh tranh giá cả với y được!
- Nhưng rồi sẽ bán thứ gì để có tiền mặt đây? – Alicia nhanh nhảu hỏi.
Mọi người đều tập trung sự chú ý vào cô và Missy lúc ấy vẫn chưa bị phát hiện, vội rón rén chuyển từ vị trí ngay trước cửa ra vào (do màu nâu của áo cô hợp với màu nâu của cánh cửa nên chẳng ai nhận ra cô) sang một nơi an toàn hơn sau chậu cọ kiểng xứ Kentia, loại chậu cảnh mà dì Aurelia rất hay bày khắp nơi trong căn nhà xinh xắn của dì.
- Trước hết hãy bán bày ngựa còn đỏ hỏn của phu nhân Billy – Ngài William hào hứng nói.
- Nữ trang của tôi nữa kia! – Aurelia quả quyết nói.
- Và luôn cả nữ trang của tôi – Alicia liếc mẹ một cách cáu kỉnh như muốn giành ưu tiên trong vụ mua bán nầy.
- Còn một điều nầy nữa – Edmund kể lể - cái kẻ nặc danh kia chẳng hiểu có một người hay nhiều người, dường như biết rõ ai là kẻ có cổ phần trong Công Ty Thủy Tinh hơn chúng ta rất nhiều dù chúng ta nắm quyền giám đốc! Khi tôi tham khảo danh sách cổ đông tôi phát hiện ra rất nhiều trường hợp các cổ phần đã chuyển từ người được coi là sở hữu chúng sang con trai hoặc cháu trai rồi từ đó sang nhượng cho kẻ lạ mặt ấy. Không thể ngờ được là bọn con cháu của dòng họ Hurlingford lại cam tâm bán đi quyền lợi của gia tộc một cách hiểm nghèo như vậy được!
- Thời thế đã đổi thay! – Aurelia thở dài – Khi tôi còn nhỏ truyền thống gia tộc được bảo vệ nghiêm ngặt. Còn bây giờ tôi có cảm giác bọn trẻ thuộc dòng họ Hurlingford không hề muốn đem lại cho gia đình bất cứ một thu nhập nhỏ nhặt nào.
- Chúng nó hư hỏng quá rồi! – Ngài William nói bằng giọng có phần trong trẻo hơn hồi nãy, và vừa vỗ đùi vừa cương quyết – Thôi được, tôi đề nghị chúng ta tạm gác lại chuyện nầy cho đến cuối tuần vì thứ hai tuần nầy chúng ta mới có chút ít tiền mặt.
- Ai sẽ đi gặp các dì? – Ted hỏi.
- Alicia – Ngài William lập tức đề nghị - Nhưng theo tôi tính thì gần ngày cưới mới nên đi. Bởi vì làm cách đó chúng ta sẽ dễ làm họ có cảm giác là họ cần đồng ý như thể tặng cho Alicia một món quà cưới vậy.
- Liệu kẻ lạ mặt kia có phỗng tay trên chúng ta không đấy? – Ted vốn hay lo lắng về mọi chuyện do đó hết sức chú ý đến chuyện tiền bạc.
- Nhưng một điều cháu phải an tâm là không kẻ nào trong đám người khù khờ đó dám tự tiện giao dịch bất cứ chuyện gì với người ngoài mà không hỏi ý kiến cậu hay cậu Herbert, Ted à! Kẻ mua cổ phần có thể đề nghị một giá khá hời nhưng chắc chắn là họ sẽ đợi cậu hoặc Herbert quyết định.
Chú thích:
[1] Chiếc sừng dê là biểu tượng của sự phong phú, dồi dào.
[2] Người Mỹ gốc tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý.
[3] Lady: Phu nhân, dung để gọi các phụ nữ quyền quý.