áng hôm sau Tôlic tỉnh giấc sớm. Nằm nguyên trên giường, nó cố nghĩ xem vì sao lúc này nó cảm thấy khoan khoái, dễ chịu như vậy. “Có cảm giác như hôm nay là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè và tiếp theo là những ngày vui chơi bất tận – hàng ngày có thể bơi lội và không phải đến trường. Nói chung, nó cảm giác một cái gì đó đầy thú vị đang chờ đón ở phía trước, nhưng chính xác là cái gì thì không nghĩ ra. Ngoài hành lang có tiếng chân bước nhẹ nhàng. Có lẽ mẹ đã dậy và im lặng đi vào bếp. Im lặng để không đánh thức Tôlic. Và vào bếp để chuẩn bị bữa sáng cho nó. Tôlic nghe thấy tiếng lửa reo và tiếng xoong nồi lách cách. Rồi tất cả bỗng yên lặng – mẹ đã đóng cửa bếp. Tôlic nhắm mắt và bắt đầu ngược theo thời gian ôn lại những việc đã xảy ra. Đây là cảnh Tôlic đang bay trên con tàu vũ trụ, ở phía dưới là ba, và bên cạnh là Misca trong bộ trang phục của nhà du hành. Còn nó vẫn trong bộ quần áo học sinh bình thường. Hình như nó ở phía ngoài con tàu. Nhưng Tôlic thở nhẹ nhàng và thấy ba đang ra lệnh cho chúng nó hạ cánh. Tôlic dõng dạc báo cáo: “Mọi việc đều trôi chảy. Sức khỏe các nhà du hành rất tốt” và tăng vận tốc con tàu. Tất nhiên, đây là mơ. Tiếp theo là gậy Canada chất đống như củi. Đó cũng là mơ. Ba chạy vào bếp kêu lên rằng chúng ta đã thắng hai – không. Đến nay không phải là mơ, vì trước đó đã … Rồi Tôlic đã nhớ lại trước đó là cái gì và thấy rợn người. Ngay lập tức nó sờ tay xuống dưới gối. Hộp diêm ở đây. “Hoan hô” – Tôlic reo. Tất nhiên là nó chỉ reo trong ý nghĩ, chỉ một mình nó nghe thấy. Reo thành tiếng sẽ không có lợi: mẹ có thể nghe được và tra hỏi tại sao nó lại kêu “hoan hô” mà đáng lẽ ra là phải đi đánh răng. Hộp diêm nằm dưới gối. Lúc này có thể hiểu được là tại sao Tôlic thấy thoải mái và hoàn toàn không muốn ngủ. Hộp diêm không phải là thấy trong mơ. Đây là hộp diêm thần và Tôlic bây giờ trở thành người hạnh phúc nhất trên thế giới. Cửa hé mở. Qua kẽ hở có thể thấy đôi mắt lo lắng của mẹ. - Con không ngủ à? – Tiếng mẹ khe khẽ. - Con dậy từ lâu rồi – Tôlic trả lời, đẩy hộp diêm vào sâu hơn. - Chào con – mẹ nói và đi vào phòng – Mẹ đã chuẩn bị bữa sáng cho con – bánh kem với mứt mà con thích. Dậy rửa mặt đi. - Con không rửa cũng được chứ mẹ? – Tôlic hỏi. - Tất nhiên là được – mẹ đồng tình ngay – Hãy để dơ, nếu con thích. Tôlic nghi ngờ nhìn mẹ. Còn mẹ thì âu yếm nhìn Tôlic và mặt mẹ tỏa ra vẻ đôn hậu làm tan biến ngay nỗi khi ngại của nó: Hộp diêm vẫn còn hiệu lực. - Con cũng sẽ không đánh răng! – Tôlic tuyên bố. - Tất nhiên rồi – mẹ nhíu mày – mẹ không bao giờ đồng tình với những bà mẹ cứ ép buộc con mình phải đánh răng buổi sáng. Mẹ không phải là loại người đó. Trẻ con cần phải làm những gì chúng thích. Còn những bà mẹ thì phải thực hiện tất cả những ước muốn của chúng. Nếu không thì mẹ sống trên trái đất này để làm gì? Tất nhiên là chỉ để cho con – đứa trẻ quý giá và đáng yêu của mẹ. Trong khi Tôlic ăn sáng, mắt mẹ không rời khỏi nó. Mẹ dõi theo từng cử động của Tôlic, lấy thêm mứt vào đĩa, đẩy cốc cà phê đến gần … Bà tỏ ra quá đỗi hạnh phúc khi nhìn Tôlic nhai bánh bằng hàm răng vàng khè. - Cám ơn mẹ - Tôlic nó khi cầm cái bánh thơm chín. Mẹ phật ý: - Nói gì vậy Tôlic … Mẹ phải cảm ơn con mới phải chứ. - Vì sao? - Vì con ăn ngon miệng như thế. - Không đáng – Tôlic nói – Mẹ à, con đi học bài đây. - Con của mẹ thông minh thật – mẹ nói – Học giỏi đi. Con sẽ là bác học. - Hay tốt hơn là con đi chơi? – Tôlic đề nghị. - Tất nhiên, tốt hơn là con đi chơi! – mẹ sung sướng – Con học bài làm gì kia chứ. Không phải mọi người đều phải là bác học. Tốt hơn là lớn lên vô học. Đẩy sâu hộp diêm vào túi, Tôlic đi ra sân. Mặt trời đã mọc từ lâu, nhưng trên sân chưa có ánh nắng. Mặt trời còn dạo chơi ở đâu đó trên các nóc nhà, làm rỏ xuống những giọt nước tí xíu. Ánh nắng chỉ đến sân này vào cuối ngày nên tuyết rất khó tan. Ở cuối sân tuyết vẫn còn dày, hằng ngày bọn trẻ say sưa đuổi theo những quả sai-ba trên tuyết trắng. Và lúc này cũng có bọn chúng – bọn cùng lứa với Tôlic và mấy đứa trẻ nhỏ hơn. Ra sân đầu tiên là các cậu bé nhỏ nhất: chúng không phải học bài. Chúng mang ra nào là gậy, nào là các mảnh gãy của batoong gậy chống, hòm hư và mọi thứ đồ gỗ vớ được. Chúng không có lấy một cây gậy thực, còn sai-ba thì chúng thay bằng một trái bóng cao su. Bọn trẻ chạy khắp sân hò hét, đánh vào chân nhau bằng những khúc gỗ nhỏ và tưởng tượng là đang chơi khúc côn cầu thật. Ra sân muộn hơn là các cậu bé lớp ba, tư và năm, sau khi đã học thuộc bài. Bọn nhỏ hơn bị đuổi khỏi sân và trò chơi đã bắt đầu nghiêm chỉnh hơn một chút – đã có sai-ba thật và vài cây gậy thật. Khi Tôlic ở nhà ra, giờ chơi của bọn trẻ nhỏ nhất đã kết thúc, tuy cũng còn một vài chú bé con nán lại trong sân, chạy đuổi theo sai-ba, nhưng chỉ cần bọn lớn hơn đẩy nhẹ một chút là cúng bay ra khỏi sân còn nhanh hơn bóng. Bọn trẻ chơi không có giày trượt băng. Gôn là hai cái thùng gỗ đặt hai đầu. - Lại đây, Tôlic – một đứa bạn gọi. Tôlic không muốn tới. Nó rất thích chơi khúc côn cầu nhưng không có gậy. Tôlic đã làm gãy gậy của hai ngày trước đây. - Tớ không có gậy – Tôlic nói. - Thì đứng ở gôn. - Trông gôn cũng phải có gậy. - Cậu lấy của thằng nhỏ kia. Tôlic cau mày nhìn thằng bé con cuối cùng còn lại trong sân. Tay nó cầm một cái gì như là cái nạng gãy. Chơi bằng miếng gỗ ấy thì chẳng thích thú gì lắm, nhưng còn hơn là đứng ngoài. - Nào, đưa đây! – Tôlic ra lệnh. Thằng bé con rầu rĩ nhìn Tôlic và chìa miếng gỗ ra. - Nào, có chạy đi ngay không? – Tôlic cầm lấy và dọa. Thằng bé con thở dài đi về một phía. Trận đấu được bắt đầu bằng đợt tấn công về phía gôn Tôlic. Tiền đạo và hậu vệ chạm nhau gần thùng gỗ, cùng đập gậy – quả sai-ba không tiến mà cũng chẳng lùi. Cuối cùng một đứa đẩy được bóng vào chỗ trống. Tôlic lui tới trong gôn rồi quì một chân như những thủ môn thực thụ. Sát! Sai-ba bắn vào đùi Tôlic và bật trở lại. Hậu vệ chặn được bóng và đẩy bóng về gôn bên kia. Tôlic đau chân nhưng đứng ngay dậy – những đôi mắt thán phục bên ngoài đang nhìn về phía nó. Lúc này sai-ba nằm ở phía nửa sân bên kia, bị đẩy từ góc này sang góc khác. Khung thành đối phương bị tấn công tới tấp nhưng sai-ba vẫn không lọt được vào gôn. Cuối cùng một tiền đạo của đội Tôlic cũng ghi được bàn thắng nhưng đội bạn lại không chịu bàn thua, thế là chúng cãi nhau. Tôlic đứng ở gôn mình lo hết giờ chơi, bởi chẳng mấy chốc nữa bọn lớp trên sẽ đến. Buồn bực, Tôlic nhìn về phía cổng nhà và thấy mẹ đang đi ra. Hình như mẹ ra cửa hàng. Nhưng sai-ba lại đến “khung thành” nó. Và một tiếng vụt, Tôlic không đỡ kịp. Thế là đội bạn dẫn một – không (bàn đầu không tính). Bị thua Tôlic càng thêm buồn. Nó thích chơi tiền đạo chứ không ưa để “thủng lưới”. Tôlic nhìn ra cổng. Mẹ đã về. Trên tay mẹ có một cái gì như là … Tôlic bỏ gôn chạy ra đón mẹ. Bọn trẻ ngừng chơi, thèm thuồng nhìn chiếc gậy Canada mới tinh mà mẹ Tôlic vừa mua cho nó. - Con muốn có hai cái – mẹ nói – nhưng ở cửa hàng chỉ có một cái duy nhất. Mẹ cãi nhau với họ rất lâu … Họ bảo trong kho không con cái nào nữa. Và bóng cũng hết. Thật là tồi tệ! Thôi được, bây giờ mẹ sẽ đi đến Bách hóa tổng hợp. - Lúc khác mua cũng được – Tôlic nói – mẹ phải đi làm kia mà! - Khỏi lo con ạ, công việc không quan trọng. Cái chính là làm sao để con có mọi thứ cần thiết cho trò chơi tuyệt diệu này, mặc dù mẹ cũng chưa biết tên nó là gì. - Thôi mẹ đi làm đi – Tôlic cầu khẩn – bởi bọn trẻ đang chăm chú nghe mẹ nó. - Nếu con cho phép thì mẹ đi. Con ở nhà nhé. Bọn trẻ cười rộ. Tôlic dùng gậy mới đập mạnh vào miếng băng vỡ làm bọn trẻ im bặt. Chẳng có gì đáng cười cả - trước mắt chúng là chiếc gậy Canada tuyệt đẹp. - Nào, quả sai-ba đâu rồi? – Tôlic hỏi. Bọn trẻ mang sai-ba đến. - Nào, tránh hết ra đi! Tôlic sửa lại sai-ba, và bùm một phát, quả sai-ba đã nằm gọn trong thùng gỗ. Tôlic đá thanh gỗ mà nó vừa chơi về phía thằng bé lúc nãy. - Này, gậy của mày đấy! – Tôlic gọi thằng bé – Nào, chúng ta tiếp tục các bạn! Tôlic chơi không hay hơn các bạn của mình, nhưng vị sợ làm hư cây gậy mới nên tất cả đều né tránh cho Tôlic đi bóng. Sai-ba được chuyển cho nó liên tục. Chẳng mấy chốc Tôlic đã ghi được hai bàn. Sau mấy cú làm bàn, Tôlic hãnh diện lắm. Nó bắt đầu lên giọng chỉ huy. - Bac! – Tôlic hét – đưa đi đâu đấy? Chuyền đây! Bọn trẻ lại chuyền sai-ba cho nó. Và Tôlic lại sút – tất nhiên có quả trật, nhưng nhiều quả đã “thủng lưới”. Một lúc sau, học sinh lớp trên xuất hiện. Một đứa trong bọn mới đến là Ôleg Tritrerin, thường gọi la Tritra, cũng không có gậy. - Bac! – Tôlic chạy về phía mé sân. Nhưng ở đấy một bàn tay đã giữ lấy vai nó. Tôlic dừng lại một giây, ngước lên và đứng khựng. Trước mặt là Tritra đang nhìn nó cười nham nhở. - Nào, đưa đây xem – Tritra nói và chìa tay về phía chiếc gậy. - Đây là gậy của tôi – Tôlic nói nhỏ. - Nào, có đưa ngay không? – Tritra ra lệnh. Tôlic rầu rĩ chìa chiếc gậy mới cho kẻ lớn hơn. Tritra gõ gõ chiếc gậy xuống tuyết, rồi đi về phía gôn. - Nào, chúng ta bắt đầu – Tritra nói. Tôlic và các bạn của mình đứng về một góc xem bọn lớp trên chơi. Hầu hết bọn chúng đều có gậy nên chẳng ai thương xót cho chiếc gậy của Tôlic. Chiếc gậy mới cũng bị xây xát như những chiếc khác. Chẳng mấy chốc nó có thể biến thành gỗ vụn. Tôlic không thể chịu nổi. Chờ lúc Tritra chạy đến gần, nó nói: - Tritra, trả đây! - Nào, có xéo đi không! – Tritra đe dọa, vung gậy đập mạnh vào quả sai-ba. Tôlic căm phẫn nhìn về phía Tritra. Nó nhớ ngay đến hộp diêm, nhưng không muốn tốn diêm thần vào những chuyện lặt vặt như thế này. Tôlic thử dùng biện pháp cuối cùng. - Tôi sẽ nói mẹ - Nó dọa và đi về phía cầu thang. - Đứng lại! – Tritra gọi, không muốn gây chuyện với mấy bà mẹ - Thôi thế này. Chú mày sẽ tập hợp đội của chú. Anh sẽ tập hợp đội của anh. Thế là chúng ta sẽ thi đấu. Nếu như bọn anh thua thì bọn anh sẽ đưa gậy cho các chú. Còn nếu các chú thua thì các chú đưa gậy của mình cho bọn anh. Và mọi chuyện sẽ công bằng. Đồng ý chưa? Tritra nháy mắt cho các bạn của mình. Bọn lớp trên đồng tình ủng hộ “sáng kiến” của Tritra. Tất cả chúng nó đều cao hơn Tôlic một cái đầu. Thắng bọn chúng là không thể được. Tôlic hiểu là chúng muốn giễu mình. Tôlic càng lúc càng tức hơn. Đã thế cả bọn lại còn cười kiêu ngạo, như chúng là những cầu thủ mạnh nhất thế giới không bằng. Ồ, chắc chắn là chúng không mạnh hơn hộp diêm thần! - Nào, thì thì đấu! – Tôlic quyết định. - Chơi một hiệp – mười phút – Tritra nói – Và đừng quên là chúng ta chơi ăn gậy đấy nhé. - Cứ yên tâm – Tôlic trả lời – Nào các bạn, ai theo tôi? Nhưng các bạn của Tôlic đều dồn về một góc. Không ai muốn từ bỏ chiếc gậy của mình. Ngay lúc ấy Tôlic nhìn thấy Misca đang đứng chờ nó. - Misca, lại đây! – Tôlic gọi. Và quay về phía Tritra – Chúng ta sẽ chơi mỗi bên hai người. - Được thôi – Tritra bỗng nhiên trở nên dễ dãi – Điều luật vẫn như cũ. Nếu như bạn chú không có gậy thì bọn anh chỉ cần lấy một gậy của chú em thôi. Còn các chú thắng thì lấy cả hai. Bọn lớp trên cười rộ. Chúng cười nghiêng ngả gần như lăn xuống đất. Trong khi chúng cười Tôlic giải thích cho Misca biết chuyện gì đã xảy ra. Misca đồng ý ngay mặc dù không biết chơi khúc côn cầu. Nó chỉ có một ý nghĩ là bạn bè cần phải giúp nhau trong mọi trường hợp và sẵn sàng chơi bằng chân vì không có gậy. - Cái chính là cậu cản phiá bọn nó thật nhiều vào – Tôlic nói – Còn tớ sẽ sút. - Thế nào, bắt đầu chứ? – Tritra hỏi, rồi cầm lấy một triếc gậy tốt của đồng bọn. Không trả lời, Tôlic chạy về phía hàng rào, bẻ một que diêm, lẩm bẩm: - Tôi muốn ghi hai mươi bàn – Nó cho rằng chừng ấy là đủ ăn rồi. Tôlic và Misca đứng ở giữa sân. Đối diện chúng là Tritra và mội đứa khỏe nhất của lớp trên. - Học tập đội bạn! – Tritra ra vẻ trang trọng. - Học tập đội bạn! – Tôlic trả lời mặc dù biết thằng Tritra chỉ làm bộ như vậy. Rồi đến khi thua thằng vô lại sẽ không chịu đưa gậy cho xem. Một thằng lớp trên thả sai-ba. Tôlic và Tritra cùng một lúc đập gậy vào bóng và … Không ai có thể hiểu nổi! Quả sai-ba dường như bật ra từ gậy của Tôlic, bay lên không trung và chui tọt vào thùng gỗ. Bọn lớp trên nín thinh há hốc. Chúng cho là Tritra đánh trật vào gôn mình. Chính Tritra cũng nghĩ như vậy, nó tiếc rẻ là không đánh về phía bên kia. - Không – một – cuối cùng Tritra nói – Thả bóng! Và sai-ba lại chạy thẳng vào gôn Tritra. Bảy lần thả thì bảy lần sai-ba chui lọt vào gôn lớp trên, mặc dù cả đôi bên chưa di chuyển một bước. Tritra không tài nào hiểu nổi. Sau mỗi quả thua nó lại nhìn về phía đồng bọn. Còn đồng bọn thì nghĩ rằng Tritra muốn chấp. Lúc đầu bọn chúng reo cười, nhưng sau quả thứ bảy thì im bặt, bắt đầu lo lắng. Sau quả thứ muời, Tritra trắng trợn xô Tôlic trước khi sai-ba chạm đất, rồi một mình dẫn bóng về phía gôn đối phương. Tỉ số trở thành 10: 1. Chín lần tiếp theo Tritra lặp lại y như vậy. 10: 10. Tôlic không thể chạm được vào sai-ba. Bọn lớp trên cười đắc thắng. Chỉ riêng Tritra là không cười nổi. Nó phải vất vả lắm mới giành được mười quả. Khi tỷ số 11: 10 nghiêng về lớp trên, Misca quyết định tích cực hơn. Nó dốc toàn lực. Nó bổ về phía chân Tritra, chắn gậy, cản đường. Biết là luật khúc côn cầu cho phép dùng lực cản, cho nên nó không thấy xấu hổ lắm khi bị hất ngã xuống đất. Đã bị sây sát nhiều ở chân, ở lưng, nhưng Misca vẫn xông xáo. Nhờ Misca giúp sức, Tôlic chạm sai-ba được bốn lần nữa và cả bốn bóng chui vào thùng tỗ, tỷ số 11: 14 nghiêng về phía đội lớp dưới. - Giữ nó lại! – Tritra chỉ Misca – Đẩy nó ra! Đồng đội, Tritra chạy về phía Misca và “đẩy nó ra” đúng theo luật khúc côn cầu. Hoàn toàn đúng luật … Chỉ có điều là Misca nhẹ hơn đối phương đến mười lăm cân, nên bị đẩy mạnh là nó bật tung lên và bay vào chính gôn nhà. Theo sau nó là quả sai-ba do Tritra đánh vào. Thế là một thằng “giữ” Misca, còn một thằng đẩy Tôlic và ghi bàn. Còn hai phút nữa thì kết thúc trận đấu. Tỷ số 19: 16 nghiêng về Tritra. Bọn lớp trên đã sẵn sàng bạt tai Tôlic nếu như nó không chịu đưa gậy. Trong ý nghĩ, Tôlic chuẩn bị chia tay với chiếc gậy của mình, nó chỉ không hiểu tại sao que diêm thần lại không có hiệu lực. Còn Tritra thì vừa chùi mồ hôi ở trán vừa ranh mãnh nhìn chiếc gậy mới. Bỗng Tôlic thấy mình trở nên nhẹ nhàng, dẻo dai như chiếc lò xo. Nỗi sợ trước Tritra tan biến. Tay nó khỏe khoắn là thường. Còn chân trượt thì dường như không bị tuyết cản. Trong khoảnh khắc nó đuổi kịp Tritra cướp lấy sai-ba và trở người đập mạnh Gôn. Trọng tài thả bóng. Và Tôlic lại nhẹ nhàng lấy bóng trong tầm tay Tritra. Gôn! Bạn Tritra chạy xô đến giúp nó, nhưng bản thân thằng này lại bị Misca dũng cảm ngăn cản. Tritra dồn sức xông về phía Tôlic vì giận dữ. Nó không nghĩ đến sai-ba nữa mà chỉ mong gạt ngã Tôlic, và nếu có thể thì giẫm bẹp Tôlic đã làm nhục nó trước bạn bè và dọn đàn em! Tritra dồn hết sức nặng lớp tám của mình ra hòng đè bẹp Tôlic. Còn Tôlic không hiểu vì sao, chỉ cần hất nhẹ là Tritra bắn tung ra. Cứ thế Tôlic tiếp tục ghi bàn, mặc cho Tritra giãy giụa, chửi thề. Tỉ số 19: 19. Trọng tài mang sai-ba đến giữa sân, liếc nhìn đồng hồ, đội Tritra đứng vào vị trí. - Còn năm giây nữa – trọng tài nói. Là đồng bọn với Tritra, trọng tài trắng trợn câu giờ, không chịu thả bóng. Bọn lớp trên chỉ cầu hòa. - Còn ba giây nữa – Trọng tài đểu cáng giữ chặt sai-ba như sợ tuột khỏi tay. - Còn hai giây … Chính vào lúc ấy sai-ba tự nhiên nhảy khỏi tay trọng tài và rơi trúng gậy của Tôlic. - Gôn! – Misca hét lên. 20: 19! Lớp dưới chiến thắng! Bọn nhỏ từ đằng xa gõ thùng inh tai, mừng ra mặt. Còn bọn lớp lớn thì im lặng nhìn Tritra, chờ đợi. Tritra mím môi. - Nào, chơi một hiệp nữa – nó nói qua kẽ răng. Tôlic không trả lời, dùng gậy bới tuyết. - Nào! – Tritra tiếp. - Chúng ta đã thỏa thuận: mười phút. Còn gậy của anh tôi cũng chẳng lấy. Tôi không cần – Tôlic nói nhẹ nhàng. - Còn tao nói là phải chơi nữa! Hiểu không? Tôlic bối rối nhìn quanh. Misca đến bên nó. Nhưng Misca có thể làm gì được? Tất cả lòng dũng cảm của Tôlic bỗng nhiên biến mất. Nó cảm thấy mình không còn dẻo dai và khỏe mạnh như vài phút trước đây. - Nào, ra sân! – Tritra ra lệnh – Thêm mười phút thôi. Tôlic chậm chạp bước ra. Nó sợ Tritra đến nỗi quên cả hộp diêm. Nhưng Misca giữ nó lại. - Tritra – Misca nói – chúng ta đã thỏa thuận là mười phút. Tốt hơn là anh đưa gậy. Còn tôi phải về nhà chuẩn bị bài. Tritra há hốc mồm. - Cái gì? … - hắn nhăn mặt – Mày nói ai đấy hở con rệp kia?! Và Oleg Tritrerin, thường gọi là Tritra, giơ tay lên định tát Misca để chứng tỏ đâu là sự khác biệt giữa lớp tám và lớp bốn. - Hê, không được! – một giọng nói vang lên. Bên cạnh hàng dậu, một người đàn ông cao lớn, đội mũ xanh đang đứng. Anh ta đứng đấy từ lâu để theo dõi trận đấu và chú ý là xem Tôlic đánh. Anh hướng về phía Tôlic: - Này lại đây, cậu bé! Tritra cau mày thả tay xuống. Tôlic tiến về phía người lạ mặt. - Em tên gì? - Tôlic Rưzcôp. - Em thích khúc côn cầu? - Dạ thích – Tôlic trả lời – nhưng sao cơ? Người lạ mặt ghi gì đó vào một tờ giấy rồi đưa cho Tôlic – Hãy đến bãi tập vào thứ sáu. Em sẽ chơi cho đội thiếu nhi. Đồng ý chứ? Tôlic kiêu hãnh nhìn bọn lớp trên. Trước mắt đông đảo bọn trẻ trong phố nó đã được mời vào chơi cho một đội khúc côn cầu thực sự. Còn gì thích thú bằng! - Dạ đồng ý – Tôlic trả lời. - Còn cậu kia, đi tới đây! – Người đàn ông chỉ vào Tritra. - Làm gì? – Tritra không bằng lòng. - Không có gì, trả cây gậy đi. Và hãy nhớ là một cầu thủ chân chính không bao giờ chơi vì tiền, vì gậy. Nhưng cậu muốn chiếm đoạt gậy của đứa bé, thì bây giờ hãy đưa của mình cho nó. - Thế việc gì đến ông? … - Tritra bỗng im bặt, nó chăm chú nhìn người lạ rồi kêu lên: - Anh là Altưnôp, tuyền thủ quốc gia? - Tôi là ai, không quan trọng – người lạ mặt nói – Tốt hơn là cậu đưa gậy cho đứa bé. - Vâng, đây – Tritra nói, một tay chìa gậy cho Misca, còn tay kia đưa cùi chỏ về phía nó – Cầm đi. Anh ghi tên em vào đội chứ? - Không, không ghi. - Em không cần gậy – Misca nói – Dù sao em cũng không biết chơi. Anh ta cứ việc giữ lấy. Người lạ mặt chăm chú nhìn Misca, mỉm cười. - Em cũng đến nhé. Em chơi rất dũng cảm. Mà khúc côn cầu là trò chơi của những người như thế! - Nhưng em không biết chơi – Misca nói. - Điều đó không quan trọng – người lạ mặt nói – chơi thì có thể học được, nhưng lòng dũng cảm thì khó. Đến cả hai nhé. Anh sẽ chờ đấy. Còn một giờ nữa mới phải đến trường. Tôlic qua nhà Misca. Misca vẫn đang làm toán. - Còn hai bài nữa, - Misca nói – Bài vở nhiều quá, cả ngày phải ngồi học, chẳng có thời gian để chơi. - Còn tớ chẳng phải học – Tôlic khoác lác. - Thì cậu sẽ nhận điểm hai. - Cậu yên trí, - Tôlic nói – Tớ sẽ nhận toàn điểm năm. Tớ cuộc với cậu đấy. Nếu có một điểm bốn thì cậu búng vào trán tớ một trăm cái. Còn nếu không thì ngược lại. Đồng ý không? - Vâng, có lẽ hôm nay cậu đã thuộc tất cả, chắc tớ phải chìa chán cho cậu mất. - Tớ chưa học một chữ! - Danh dự? - Danh dự. - Thế cậu sẽ ăn hai nếu như bị gọi. - Cuộc nhé. - Thì cuộc, - Misca đồng ý – nhưng tớ phải làm xong bài tập đã. Cậu chờ một tí nhé. - Được, tớ chờ. Tớ đang nghĩ là nên búng vào chỗ nào trên trán cậu. Misca không trả lời. Nó đang tập trung làm bài. Còn Tôlic chẳng biết làm gì, nó đi lại trong căn phòng. Năm phút trước nó đã tốn que diêm thứ mười. Bây giờ Tôlic đã thuộc hết bài vở của cả năm học. Từ nay đến tận mùa hè nó sẽ không phải đụng đến sách giáo khoa nữa. Trong đầu của nó đã có sẵn câu trả lời cho bất cứ câu hỏi nào. Và tất cả có được không phải tốn một chút sức, chỉ cần bẻ một que diêm là đủ. Chậm rãi bước trong căn phòng, nó cảm thấy thật là hạnh phúc. Bây giờ trở đi nó có thể làm bất cứ việc gì và đòi hỏi bất cứ cái gì – ngay cả máy bay phản lực TU-104. Nó có thể trở thành anh hùng Liên Xô. Hoặc nhà vô địch thế giới. Hoặc một nghệ sĩ nổi tiếp như ông Ôleg Pôpôp. Hoặc có thể ước một nghìn hộp dứa. Chỉ có điều phải cẩn thận, đừng để xảy ra những chuyện không hay như trong giờ học của Anna Gavrilôvna. Tôlic nhìn Misca chăm chú giải bài tập. Chỉ còn tốn một que diêm là Misca sẽ thuộc bài vở của cả mười năm … Nhất định Tôlic sẽ chia diêm cho Misca. Nhưng không phải bây giờ. Có thể là ngày mai, khi đã nghĩ ra cho mình tất cả những điều mong ước. Số còn lại sẽ cho Misca. Bởi Misca dù sao cũng là bạn, không thể không chia cho nó.