Chương 5

    
ội khoa học của sinh viên khoa Văn được thành lập hồi đầu năm. Fedor Kaplin, một trong số những thanh niên uyên bác, hiểu biết nhiều, những người khi còn học phổ thông đã được gọi là “giáo sư” và từ năm thứ nhất ở đại học đã được dự kiến là nghiên cứu sinh - được bầu làm chủ tịch Hội. Lãnh đạo khoa học của Hội khoa học sinh viên là giáo sư Kodensky, người giảng môn văn học Nga thế kỳ thứ XIX.
Ngay lập tức có nhiều sinh viên ghi tên xin vào Hội, một trong những người đầu tiên là Vadim. Anh rất vui mừng trước khả năng được thử sức mình trong hoạt động độc lập nghiên cứu, mặc dù tương lai của một nhà bác học lý thuyết hầu như không hấp dẫn đối với anh - anh tự chuẩn bị để tham gia hoạt động thực tiễn.
Ngày xưa, khi còn nhỏ, - lúc đang học phổ thông, theo sáng kiến riêng của mình Vadim đã nghiên cứu nhiều bộ môn khác nhau - địa chất học, thiên văn học, cổ sinh vật học. Và hồi đó chú bé Vadim thậm chí còn viết “những công trình khoa học”, chẳng hạn về núi lửa, về loài bò sát đã bị tuyệt chúng để làm việc đó chú không tiếc phải cắt những bức tranh trong những cuốn từ điển bách khoa cũ và dán cả vào một quyến vở. “Những công trình” đó được thảo luận ở các nhóm khác nhau, đi khắp các cuộc triển lãm của trường. Vadim tự hào về những công trình đó và tuy mới mười ba tuổi chú đã tin chắc rằng mình sẽ là một nhà bác học tương lai. Còn giờ đây anh cảm thấy rằng muốn trở thành một nhà bác học thật sự cần phải có được nhiều tài năng đa dạng mà anh, một người suy nghĩ chậm chạp, ngay cả chuyện mơ ước cũng không dám.
Nhưng dù sao Vadim cũng đã gia nhập Hội khoa học sinh viên và quyết định hoạt động một cách nghiêm túc trong Hội. Trường học mà anh trải qua trong chiến tranh đã dạy cho anh biết đánh giá những điều đơn giản - hoà bình, công tác, sách vở dạy cho anh biết thực hiện công việc của mình một cách vững vàng, trung thực và biết coi đó là cơ sở của những sự nghiệp mới sẽ được đặt ra trong tương lai.
Vadim thường tranh luận với Sergei. Sergei cho rằng nghề dạy học là số phận của những con người có tư chất đặc biệt, hạn chế trong những năng lực sáng tạo của mình. “Cậu không nên theo nghề dạy học, - cậu ta nói. - Với tính kiên trì, ham hiểu biết của cậu, với trí nhớ của cậu, cậu sẽ trở thành một nhà bác học tuyệt với. Cậu nên theo học nghiên cứu sinh”. Sergei không có một phút giây nào suy nghĩ về bản thân mình: nhất thiết cậu ta sẽ trở thành một nhà bác học. Vadim luôn luôn bực mình khi Sergei gợi ra chuyện đó.
- Thế thì cậu đến trường này để làm gì? - anh giận dữ hỏi.
- Trước hết là để có học vấn cần thiết và sau đó là để theo lớp nghiên cứu sinh. Mà ở đây thì điều đó dễ dàng hơn là ở trường Tổng hợp. Dựa vào hoàn cảnh chung.
Và quả thật là như vậy, trong hoàn cảnh chung thì nhân vật Sergei Palavin tỏ ra rất trội. Bằng sự uyên bác và năng lực thi cử hoạt bát, chủ động, không có chút lúng túng qua sức nào của người học sinh phổ thông - điều này khiến các thầy giáo hỏi thi luôn luôn hài lòng - anh đã nhanh chóng được các giáo sư quý trọng.
Sergei tích cực tham gia vào công việc của Hội khoa học sinh viên. Số phiếu đề cử anh vào cương vị chủ tịch Hội ngang với số phiếu đề cử Kaplin, và Kaplin thắng cử chỉ là nhờ ở chỗ anh ta đã học năm thứ tư và nhờ chỗ anh ta đã có một số khoá luận được khoa tán thành, trong khi đó ở năm thứ ba Sergei chưa có được những khoá luận như vậy. Nhưng chỉ hai tháng sau đột nhiên Sergei tỏ ra lạnh nhạt với Hội, bắt đầu bỏ những phiên họp của Hội và nói về chúng một cách hoài nghi. Nói chung Vadim hiểu được những nguyên nhân của sự thay đổi đó. Tính hiếu danh của Sergei đã phải chịu hai đòn: đầu tiên là việc Kaplin trúng cử và sau đó là việc bản đề cương của Andrei Syryk được đánh giá cao nhất trong khi thảo luận. Vào thời gian đó, Sergei có viết được một luận văn nhỏ về Griboedov, một bản luận văn khá hời hợt, vội vã và bị bỏ qua một cách âm thầm.
Và Sergei bắt đầu nói về sự cần thiết phải cải tổ Hội khoa học, về sự giáo điều sách vở, về tình trạng thù công, về những con người thừa… Có lẽ trong sự phê phán này cũng có một điều gì đó đúng đắn. Nhưng Vadim cảm thấy rằng tất cả những khuyết điểm thiếu sót đó đều xuất phát từ một điều chủ yếu - từ cấp lãnh đạo. Giáo sư Kodensky còn chưa biết cách làm cho Hội trở thành một tổ chức thật sự đáp ứng yêu cầu: là trung tâm của hoạt động sáng tạo có sức hấp dẫn của sinh viên. Giáo sư đã không biết cách - và liệu sẽ có lúc nào đó giáo sư biết cách hay không? Thời gian gần đây, càng ngày Vadim càng thấy hoài nghi về vấn đề này…
Phiên họp thường kỳ của Hội khoa học sinh viên diễn ra ở giảng đường rộng rãi và sáng sủa nhất mà khối năm thứ nhất vẫn thường học. Vadim và Sergei cùng nhau bước vào phòng.
- Chúng mình lên trên kia đi, gần chỗ cửa sổ ấy. - Sergei vừa nói, vừa nắm cánh tay Vadim kéo đi và khe khẽ nói thêm: - Mình cần phải nhìn rõ tất cả mọi người.
Anh ta đã chuẩn bị để phát biểu ngày hôm nay. Hai người bước đến bên cửa sổ và ngồi xuống bên cạnh Petr Lagodenko, cũng học năm thứ ba - đó là một anh chàng béo mập, ngăm ngăm đen, có về khắc khổ, mặc chiếc quần rộng ống và chiếc áo bằng vải phlanen kiểu lính thủy. Lagodenko chưa phải là hội viên, nhưng vẫn đến dự những phiên họp gần đây và thường phát biểu trong những buổi thảo luận. Thẳng trước mặt họ, đằng sau một chiếc bàn dài là Fedor Kaplin nghiêm nghị một cách oai vệ, râu ria cạo cẩn thận, má bầu bầu, vai tròn và xuôi - anh ta hý hoáy viết cái gì đó, không hề ngẩng đầu lên. Cả Lena hôm nay cũng đến họp - với tư cách là khách mời - và ngồi ở đằng sau với các bạn gái. Vadim nghe thấy giọng nói của cô ở đằng sau, ngay cả giọng thì thầm - cô thì thầm nói gì đó với Nina. Fonika, - và sau đó là tiếng cười. Vadim không ngoái nhìn lại, nhưng anh thấy vui vì Lena cũng có mặt ở đây, mặc dù cô ngồi xa anh và hai người có thể sẽ không nói được với nhau dù chi một lời trong ngày hôm nay. Giảng đường thật là ồn ào, mọi người nói chuyện với nhau, trong lúc giáo sư Kodensky chưa đến.
Giáo sư Boris Matveyevich Kodensky trông khá trẻ so với tuổi năm mươi của ông. Ông có vóc người cao lớn, bước đi nhanh nhẹn, mái đầu bạc chải mượt về đằng sau một cách kiêu hãnh, cằm nhô về phía trước - và hình như ông đều nhìn mọi người, kể cả những người cao lớn hơn ông từ trên xuống dưới, Ông có sắc mặt luôn luôn tươi tỉnh hồng hào: giáo sư Kodensky thường xuyên tập thể thao - ông thích chơi quần vợt.
Hồi còn học năm thứ nhất Vadim thấy thích con người cao lớn đầu bạc có tư thế một nhà thể thao, luôn luôn hút thuốc bằng tẩu và ngập trong mùi thuốc lá thơm “Lông cừu vàng”. Kodensky không dạy năm thứ nhất, và Vadim thường quan sát ông từ xa khi gặp ông ở ngoài hành lang. Ông bắt đầu dạy từ học kỳ thứ tư, và thời gian đầu ông cũng gợi cho Vadim lòng yêu thích - chủ yếu là bằng trí nhớ đồ sộ và bằng sự uyên bác của ông. Kodensky không bao giờ dạy theo giáo án, trên bục giảng của ông không có gì cả, ngoài chiếc đĩa gạt tàn thuốc lá. Thỉnh thoảng ông lại trích đọc thuộc lòng hàng trang văn xuôi liền.
Nhưng càng biết rõ Kodensky, Vadim càng không thấy thích ông giáo sư đó nữa. Sự uyên bác của giáo sư, nếu nó không có sự sôi nổi bởi suy nghĩ sắc sảo, mới mẻ, đầy nhiệt tình, thì thường chỉ khiến người ta bực mình và không chịu đựng được. Chẳng bao lâu Vadim tin rằng dự thi các môn của Kodensky không phải là dễ dàng gì. Kodensky hay hỏi vặn, đòi hỏi diễn đạt đúng từng chữ một và không thích những ý kiến, những cuộc tranh luận, những câu hỏi có tính chất chủ động sáng tạo - nói chung ông không thích ồn ào. Bản thân ông là một người điềm tĩnh và không hề to tiếng bao giờ cả.
Bước vào giảng đường. Kodensky chào mọi người và nhanh nhẹn về chỗ bàn của mình. Fedor Kaplin đứng bật ngay dậy và hướng khuôn mặt đầy suy nghĩ về phía giáo sư, anh nói với ông giọng nho nhỏ. Kodensky nghe anh nói, nhướn lông mày lên một cách ngạc nhiên.
- Fonika! - ông hỏi nhỏ. - bản đề cương của chị hình như chưa chuẩn bị xong?
- Vâng ạ, thưa thầy Boris Matveyevich, xin thầy tha lỗi cho, - Nina đứng dậy nói.
- Em định viết thêm một chút nữa. Tuần sau em sẽ nộp ạ!
- Ra thế, Thôi được, quyền chị, - Kodensky đồng ý một cách độ lượng, và Vadim cảm thấy rằng thậm chí ông còn vui mừng trước việc đó: có thể ra về sớm hơn được. “Quyền chị, quyền chị, - Kodensky đăm chiêu nhắc lại và nhồi tẩu thuốc. - Thôi được, chúng ta sẽ chờ một tuần nữa… Hình như chị viết bản đề cương về các tác phẩm của Karavaieva phải không?
- Về những truyện vừa của Vera Panova ạ, thưa thầy Boris Matveyevich!
- À ra thế, hoàn toàn đúng… Chính xác hơn đó là một bài phê bình, phải thế không nào? ồ, chúng ta sẽ còn kịp đọc và thảo luận bài đó, điều đó không thành vấn đề.
Đã khá lâu, Sergei sốt ruột ngọ nguậy tại chỗ ngồi, dùng bút chì ngoáy tít trong sổ tay và cuối cùng, xin phép phát biểu. Anh đứng nói tại chổ, hơi nghiêng người về phía cử toạ:
- Thưa các đồng chí, hôm nay, do lỗi của Fonika, phiên họp của chúng ta không thành công. Nhưng điều đó có lẽ lại tốt hơn. Chúng ta hãy cùng bàn thêm. Đã đến lúc chúng ta phải thảo luận nghiêm túc các công trình của chúng ta và nói với nhau một cách hoàn toàn cởi mở. Tôi cho rằng, thưa các đồng chí, cho tới nay hoạt động của chúng ta rất kém. Tại sao vậy? ở đây có nhiều nguyên nhân. Chúng ta không có một kế hoạch thống nhất xuất phát từ một kế hoạch khoa học của khoa. Một kế hoạch tương lai như vậy là cần thiết, nếu không thì chính công việc của chúng ta lại diễn ra một cách tự phát, lộn xộn đến nổi công việc đó - các đồng chí tha lỗi cho tôi vì sự gay gắt này - không và sẽ không mang lại một chút kết quả nào. Chính đề tài các bản thuyết trình của chúng ta không có những xuất xứ nghiêm túc lắm! Chẳng hạn, một đồng chí bắt tay vào viết về Ultich von Gutten, đồng chí đó ngồi lì hai tuần liền ở thư viện, rồi sau đó đột nhiên tuyên bố: “Cậu biết không, mình chán cái ông Gutten qua rồi. Chán quá chừng. Có lẽ mình sẽ lại chọn Mayakovsky thôi”. Các đồng chí cười à? Các đồng chí cười ai vậy?” - Vâng, thưa các đồng chí, buồn lắm… Còn một bạn gái khác lại bắt tay nghiên cứu “Trận quyết đấu của Kuprin”. Tôi hỏi tại sao lại phải là “Trận quyết đấu?”, bạn đó nói, ở đó viết về tình yêu rất hay và hơn nữa truyện đó ngắn…
Cử toạ cười vang, có người nào đó hỏi to:
- Cô ấy tên là gì vậy?
- Tên họ mà làm gì. Tôi đang nói về các sự kiện. Tất nhiên những trường hợp đó chỉ là cá biệt, nhưng nó chứng tỏ rằng, không hiểu rồi tính phi kế hoạch trong công tác như vậy sẽ dẫn đến đầu. Và hơn nữa, - những trường hợp đó còn cho thấy rằng có nhiều người không cần thiết cũng ghi tên vào Hội. Vâng, đúng thế! Ở chúng ta, thưa các đồng chí, không phải là Hội khoa học mà là một nhóm văn học gì đó - những ai không phải là kẻ lười đều ghi tên vào được cả. Vì vậy mà các công trình đều được viết theo kiểu học trò phổ thông! những luận thuyết chung đều rút ra từ các loại sách giáo khoa, những bài viết phổ cập không lóe lên một chút suy nghĩ độc đáo nào. Ai cần đến điều đó, tôi xin hỏi? Tôi là người phản biện của Fonika, tôi biết rõ công trình của đồng chí ấy về Panova. Đúng thế, tôi đã biết cái bài viết mà chính bản thân tác giả đã loại bỏ. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ nói thẳng với đồng chí, đồng chí Nina ạ, - đồng chí viết một công trình khoa học, chứ không phải là một bài nghiên cứu phê bình gửi cho tạp chí “Những người bạn thân ái”. Và điều đó có quan hệ không chỉ đối với đồng chí Fonika, mà cả với nhiều đồng chí khác nữa. Tóm lại tôi xin kết thúc: nếu tình hình trong Hội không có gì thay đổi, thì chính tôi, tôi không thấy trong hoạt động này có điều gì bổ ích cho bản thân cả. Các đồng chí có biết không, tiếc thời gian lắm. Sinh viên chúng ta không có nhiều thời gian lắm… Thưa các đồng chí, tôi xin kết thúc…
Sergei ngồi xuống, đút cuốn sổ tay vào túi trong của chiếc áo khoác một cách đứt khoát.
- Tình hình như thế này thì ai có lỗi? - Lagodenko hỏi bằng giọng khàn khàn, mắt không nhìn về phía Sergei, mà nhìn về phía bàn chủ toạ.
- Chính chúng ta có lỗi, - Sergei nhanh nhẹn trả lời - trước tình trạng lộn xộn này. Chính chúng ta cần phải chấn chỉnh lại…
- Bảo chúng ta thì là chúng ta… - Lagodenko nói lầm bầm.
- Lagodenko, đồng chí muốn nói gì vậy? - Fedor Kaplin nghiêm khắc hỏi.
- Xin chờ một chút…
Nhích gần về phía Sergei, Vadim nói nho nhỏ:
- Petr nói đúng - không phải chỉ chúng ta có lỗi, còn thầy Kodensky? Thầy là người lãnh đạo, nhiệm vụ của thầy là tố chức công tác một cách hấp dẫn…
- Không phải thế, không phải! - Sergei cau mày bực tức, nói thì thầm. - Nghĩa là ở mức độ nào đó tất nhiên… Nhưng thầy Kodensky là một con người đáng yêu, thầy sẵn sàng ghi tên cả trường vào Hội. Còn bây giờ thì phải tuyển chọn lấy một nửa…
- Palavin, đồng chí định đề nghị điều gì cụ thể vậy? - Kaplin hỏi.
- Cụ thể là như thế này: rút đi một nửa số hội viên. Càng ít càng tốt. Công tác khoa học nghiêm túc không vừa sức với nhiều đồng chí, và họ kéo nhiều đồng chí khác tụt lại, do vậy các phiên họp của chúng ta trở nên nghèo nàn, thiếu hấp dẫn. Các đồng chí hãy hiểu đúng ý tôi…
- Chúng tôi hiểu đồng chí, - Lagodenko nói.
Một số người cắt ngang nói ngay:
- Chẳng lẽ đó là một hội dành riêng cho những người được chọn lọc?
- Đồng chí ấy nói đúng đấy, chúng ta đông quá…
- Thế thì càng tốt!
- Vớ vẩn, vấn đề không phải là ở số lượng!
- Thế ai sẽ là người đứng ra tuyển chọn, không phải là Palavin chứ?…
- Đồng chí Fedor, tôi xin phát biểu! - Lagodenko đứng dậy nói. Và lập tức mọi người lặng hẳn đi: vì trong lúc Lagodenko nói thì chẳng thể nghe được ai nói cả. - Trong ý kiến phát biểu của đồng chí Palavin, tôi xin nói, có thể hiện tính cách nửa vời kiểu Palavin thường thấy của đồng chí ấy. Suỵt, các đồng chí đừng cười!. Đồng chí ấy đúng khi nói rằng trong Hội khoa học sinh viên hoạt động của chúng ta được tiến hành thiếu nghiêm túc, lộn xộn và nghèo nàn. Đúng là như vậy. Hội của chúng ta quả có như vậy. Nhưng đồng chí ấy đã không đúng khi giải thích điều đó bằng nguyên nhân nhiều người. Tầm bậy, điều bí mật không phải là ở đó! Mà là… - Lagodenko ho như tiếng kèn, ưỡn vai ra và đút cả hai bàn tay vào vòng thắt lưng to bản có khoá to, - ở chỗ ban lãnh đạo Hội, cả thầy Boris Matveyevich kính mến, cả Fedor đáng yêu của chúng ta, rất ít quan tâm thật sự đến công việc của chúng ta. Tôi nói “của chúng ta” bởi vì rằng dù tôi vẫn chưa gia nhập Hội, nhưng tôi đang nghĩ đến việc gia nhập, và việc đó kích thích tôi rất mạnh. Đề tài các bản đề cương báo cáo của chúng ta không phải chỉ là ngẫu nhiên, phi kế hoạch…
Theo thói quen, Lagodenko nói rất tự tin, kiên quyết và hơi thiếu khiêm tốn. Trong các bài phát biểu của anh ta luôn luôn vang lên giọng trầm trầm của sự dạy đời. Vadim không thích giọng nói đó, cũng như nói chung không thích sự dạy đời của bất cứ ai. Nhưng dù sao, Lagodenko cũng đúng hơn là Sergei và hiểu sâu sắc hơn đâu là thực chất của vấn đề. Fedor Kaplin nghe anh ta nói, khẽ nhíu cặp lông mày thanh thanh hơi hung hung, thở dài, ho khúc khắc và dáng điệu thể hiện sự không hài lòng trông thấy. Kodensky, hình như, hoàn toàn không nghe Lagodenko nói: ông điềm tĩnh hút thuốc, lơ đãng nhìn cử toạ, sau đó bắt đầu lật giở từng trang cuốn tạp chí gì đó nằm ở trên bàn.
Khi Lagodenko kết thúc và ồn ào ngồi xuống, thì Kodensky cuối cùng cũng phát biểu. Ông nói bằng giọng làm như thật sự là ông không nghe thấy gì khác ngoài ý kiến phát biểu của Palavin - nhưng thủ đoạn đó chỉ có thể làm cho một số người, chứ không phải là Lagodenko, bị lúng túng.
- Tôi có một ý kiến bổ sung cho lời phát biểu nồng nhiệt và rất súc tích của Sergei… của đồng chí Palavin đáng kính của chúng ta, - Kodensky mỉm cười cải chính. - về việc chọn đề tài cho các bản đề cương, tôi coi nguyên tắc sau đây là hợp lý: sinh viên cần phải chọn những đề tài trùng với những đề tài của giáo trình văn học sử mà thời gian đó anh ta đang nghe giảng. Điều đó sẽ bổ ích cả cho các bản đề cương, cả cho mọi sinh viên - họ sẽ nắm được bài giảng một cách dễ dàng hơn. Các đồng chí thấy thế nào?
- Điều đó là hợp lý, thưa thầy Boris Matveyevich! - Sergei gật đầu vẻ nghiêm nghị.
- Không đúng sao? Làm bản đề cương, phải nói, đó là sự tiếp tục một cách tự nhiên những điều được nghe giảng trên lớp.
- Thưa giáo sư, em xin hỏi! - chàng Lagodenko hiếu động lại thét lên. - Có một cái “nhưng”. Không phải tất cả mọi người đều hứng thú với những điều mà họ được nghe trong các giờ lên lớp đâu. Chẳng hạn em phải nghe giảng về Kinh cựu ước… -, trong khi đó em lại quan tâm đến, giả thử là, Novikov-Priboi, thế thì sao? Tất nhiên là có chuyện như vậy. Và sẽ dẫn đến tình trạng là, ví dụ, những công trình văn học Xô-viết chỉ do các sinh viên năm thứ tư viết, bởi vì môn văn học Xô-viết chỉ được giảng ở năm cuối…
- Đúng thế, nhưng tôi xin phép, - Kodensky nói nhanh và quay nhìn về phía Lagodenko. - Tôi muốn nhắc để các đồng chí nhớ, như ta thường nói, “ab ovo“: các Hội khoa học sinh viên, giống như Hội của chúng ta, được thành lập trong các trường đại học để làm gì? để truyền cho sinh viên lòng yêu thích khoa học, để giúp họ làm giàu kinh nghiệm chủ động tổ chức tài liệu. Nếu chúng ta quá say mê những tác phẩm hiện đại, thì mục đích của chúng ta sẽ không thể đạt được.
- Tại sao lại không ạ? - Lagodenko ngạc nhiên hỏi.
- Bởi vì, anh bạn trẻ ạ, các tác phẩm hiện đại còn sực mùi mực in. Chúng còn chưa được ghi thành thư mục, bản thân các nhà phê bình còn đang lúng túng, sai lầm trong việc đánh giá chúng. Và các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
- Hoan hô! Càng khó càng thú! - Lagodenko nói. - Nhưng chúng em quan tâm nhiều nhất đến văn học của chúng ta, thầy hiểu chứ ạ?
- Còn tôi thì lại quan tâm cung cấp cho các đồng chí những kỹ năng làm công tác khoa học, - Kodensky nói, hơi cố ý cao giọng, - cung cấp cho các đồng chí những kiến thức. Cung cấp kiến thức đó là nhiệm vụ của tôi. Các đồng chí có thể tiêu khiển bằng thứ triết lý suông vào những giờ khác, vào những buổi hội thảo chuyên đề khác, còn với tôi thì xin các đồng chí hãy đọc cho. Tôi đào tạo các đồng chí thành những nhà bác học và những nhà giáo dục, chứ không phải là những người ba hoa, sáo rỗng. Đồng chí hiểu ý tôi chứ, Lagodenko? Các đồng chí đừng quá câu nệ vào lời tôi mà hãy cố gắng hiểu: dù các đồng chí đã có râu, và có thể đã có con, có cháu, nhưng các đồng chí vẫn còn là học sinh, các đồng chí đang học tập. Và các đồng chí cần học tập theo những mẫu mực cổ điển mà xung quanh chúng, người ta đã viết ra hàng tạ sách báo, đã có nhiều ý kiến mâu thuẫn với nhau, đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận. Các đồng chí cần phải biết cách phân tích cặn kẽ điều đó và đưa ra được những ý kiến chủ quan của mình. Đồng thời các đồng chí cũng sẽ nắm được những kiến thức thực tiễn bổ sung cho vốn kiến thức của mình. Đó là một hoạt động tinh tế, nghiêm túc. Còn những bài viết hời hợt, trong đó chỉ có một chủ để trần trụi, và thậm chí không phải là một chủ đề, mà chỉ là một ý đồ chưa có những kiến thức thực tế cụ thể - thì tôi chẳng cần làm gì cả. Tôi yêu cầu các đồng chí hãy loại bỏ điều đó! có thể đào tạo một nhà phê bình báo trong vòng một tháng, còn một nhà bác học thì phải mất hàng năm mới hình thành nổi. Kodensky im lặng một lát, lấy tay vuốt mái tóc không cần vuốt đã bóng, rồi thở dài, nói nhỏ nhưng đầy tình cảm: - Khoa học đó là lao động, lao động căng thẳng nhất hàng ngày! Người nào không thể, hoặc không muốn hiểu điều đó - thật quá tầm thường - người đó sẽ chẳng bao giờ đạt được điều gì cả.
- Dù sao thầy cũng điều qua, - Vadim vừa nghĩ, vừa nhìn Kodensky một cách thiếu thiện cảm. - ở đây tất cả đều là hình thức. Cả những cử chỉ trang trọng đó: cả chiếc tẩu thuốc, cả những sợi tóc bạc cao quý, cả những kiến thức của thầy - thầy cũng chỉ dùng để phô trương mà thôi. Hơn nữa, thấy khoác những kiến thức đó như là khoác chiếc áo gi-lê có đính những chiếc khuy sừng màu huyết dụ…
- Thế đấy! Đúng thế, tất nhiên là như vậy, - Lagodenko nói và Vadim cũng thấy thích thích giọng nói tự tin, thái độ không nhân nhượng và mạnh dạn của anh ta. - Nhưng tại sao, thưa giáo sư, giáo sư lại không coi môn nghiên cứu văn học Xô-viết là một khoa học.
- Vì sao mà đồng chí nói vậy? - Kodensky cau mày. - Ai nói với đồng chí thế? Đồng chí nói sai sự thật, điều đó không được phép. Một lần nữa tôi nhắc lại: bằng mọi cách, tôi hoan nghênh những công trình viết về những tác phẩm hiện đại, nhưng để làm một công trình nghiêm túc trong lĩnh vực này, thì các đồng chí chưa đủ sức.
- Thưa giáo sư…
- Đồng chỉ Lagodenko không được nói nữa! - Kaplin bỗng nhiên đứng dậy, mặt đỏ gay gắt nói. - Nếu đồng chí muốn hỏi, đồng chí hãy xin phát biểu. Làm gì mà cứ như chợ vỡ ấy? Đồng chí có biết là đồng chí đang nói với ai không?…
Kodensky điềm tĩnh cắn cắn chiếc tẩu thuốc lá và chăm chú nhìn Lagodenko. Bỗng nhiên ông hỏi bằng giọng đều đều và khe khẽ hơn mọi khi:
- Tiện đây xin hỏi, Lagodenko, vì sao đồng chí lại đến dự các phiên họp của Hội khoa học sinh viên? Tôi thấy đồng chí chẳng có cơ sở gì để làm việc đó cả, có lẽ chính đồng chí cũng biết rõ điều đó. Lagodenko cau mày im lặng. Tất cả đều hiểu điều Kodensky nói về Lagodenko có ngụ ý gì: trong đợt thi mùa xuân, Lagodenko đã thi trượt môn của Kodensky. Anh được lên năm thứ ba một cách có điều kiện. Tháng Mười anh lại thi lần thứ hai và vẫn không đạt. Quan hệ giữa anh với giáo sư - không có chuyện này cũng đã căng thẳng - đã trở nên gay gắt tột độ trong thời gian gần đây.
Vadim ngạc nhiên về tính bướng bỉnh của Lagodenko: làm sao mà ở bất kỳ hoàn cảnh nào anh ta cũng có thể đến dự các phiên họp, phát biểu rất lưu loát, hầu như có tính chất thuyết lý và thậm chí lại dám tranh luận cả với giáo sư nữa!
- Anh cho rằng sẽ thi xong môn của tôi à? - Kodensky hỏi.
- Giáo sư cứ yên tâm, thưa giáo sư, em sẽ thi được, - Lagodenko nói rõ ràng. - Không phải giáo sư là người đau khổ về chuyện đó, mà là em - em hiện không được cấp học bổng nữa. Tuần sau em sẽ thi xong.
- Thế thì tốt. Tôi lo là lo cho anh, chứ không phải là cho tôi.
Ngày hôm ấy thế là cũng chẳng giải quyết được chuyện gì về việc tổ chức lại Hội. Kodensky còn nói với sinh viên đến nửa tiếng nữa về việc chuẩn bị các bản đề cương của họ, sau đó ông nhìn đồng hồ và vội vã đi ra. Ông đã xách cặp, bước ra phía cửa, bỗng ông dừng lại và phẩy tay bực mình.
- Ố, suýt nữa thì quên mất! Các đồng chí làm tôi hoàn toàn rối trí… - ông mỉm cười nói và đặt chiếc cặp lên bàn. - Tôi cần phải báo để các đồng chí biết một tin này: hôm qua tôi đã nói chuyện với đồng chí hiệu trưởng về Hội của chúng ta, và đồng chí ấy có nói rằng đồng chí ấy vừa nhận được quyết định của Bộ về… - Kodensky im lặng một cách diễn cảm trong nháy mắt và nói một cách trang trọng, nhấn mạnh từng tiếng một:… việc - xuất bản - từng - tuyển tập - các - công trình - khoa học - của - sinh viên! Độ dày khoảng mười tờ in, các đồng chí ạ! Đó không phải là một ấn phẩm nhỏ. Nhưng tất nhiên, chúng ta sẽ chỉ in những công trình xuất sắc, lý thú nhất, như vậy trước mắt các đồng chí sẽ mở ra một môi trường thi đua rộng lớn.
Những sinh viên đã đứng dậy, đến vây quanh giáo sư, đua nhau nói một cách sôi nổi, vui vẻ, không ai nhường ai cả.
- Thưa thầy Boris Matveyevich, thế bao giờ sẽ xuất bản ạ? Cuối năm hay sao?
- Thế điều đó là chính xác chứ ạ? Thầy cũng biết là người ta có thể hứa…
- Thế in bằng cách nào ạ? Có phải bằng máy in cảm quang không ạ?
- Không, không phải, các đồng chí ạ! - Kodensky nối và lắc đầu vẻ nghiêm nghị. - Nếu tôi đã nói, tôi sẽ không nói một cách vu vơ. Hoàn toàn là hiện thực. Và đó sẽ là một cuốn sách thật sự được in trong nhà in của một tờ báo ở Moskva.
- Oai… thật! - Fedor Kaplin hào hứng thốt lên và, quên mất cả tư cách chủ toạ của mình, nhảy tốt trên ghế và vỗ tay ầm lên.
Một số sinh viên hô vang “u-ra” và bất ngờ túm lấy Fedor mà lắc.
- Dừng lại… Vì sao vậy? Vì sao lại lắc mình? - Fedor vừa cười vừa kêu vang lên và lảng tránh. - Các cậu hãy lắc thầy Boris Matveyevich ấy! Thầy Boris Matveyevich!
Sergei bước về phía Kodensky và hỏi vẻ thành thạo:
- Số bản dự kiến là bao nhiêu ạ?
- Ồ, số bản tất nhiên là không lớn. Khoảng hai ba trăm bản, chứ nhiều hơn cũng chẳng để làm gì. Chúng ta có bán đâu. - Kodensky thậm chí còn cho phép mình mỉm cười hóm hỉnh. - Chẳng lẽ lại tặng cho họ hàng hoặc các cô gái quen biết…
- Thưa thầy Boris Matveyevich, ai sẽ là người tuyển chọn và biên tập ạ?
- Có lẽ thầy Ivan Antonovich Kretsetov, giáo sư Krylov và tôi. Mới dự định thế thôi mà, có thể còn có thay đổi…
Vadim từ xa quan sát hồi lâu nét mặt thay đổi của Sergei đang mỗi lúc một thêm chú ý và hứng thú. Định trêu bạn một chút, anh hỏi to:
- Sergei, thế cậu thích thú cái gì vậy? Cậu chắc là sẽ không được chọn vào hợp tuyển đâu!
- Sao vậy? - Sergei cảnh giác.
- Bởi vì cậu sắp rút ra khỏi Hội!
- À, à! Ra thế, ra thế! - Kodensky cười phụ hoạ. - Anh định bỏ chúng tôi rồi à? Anh nói thử xem có phải anh tiếc thời gian không? Bực thật, nhưng biết làm sao…
- Ổ, không ạ! - Sergei ngoẹo đầu đùa. - Bây giờ thì em sẽ không rút ra nữa đâu, không đâu! Ha, ha, ha… - Và lập tức nghiêm mặt lại: - Nhân tiện em xin nói với thầy là em không định nói theo nghĩa đen… Còn sự phê phán của em - em không hề từ bò. Thầy có đồng ý với em không, thưa thầy Boris Matveyevich?
- Đúng, tất nhiên, nhưng chỉ đúng một phần thôi. Bây giờ tôi đang vội, thưa các đồng chí, nhưng tới phiên họp sau, chúng ta sẽ thảo luận chi tiết mọi việc về cuốn hợp tuyển. Xin chào các bạn!
- Chào thầy Boris Matveyevich! - nhiều giọng cùng đồng thanh trả lời.
Kodensky đã đi khỏi, nhưng phần lớn sinh viên vẫn còn ở lại giảng đường. Mọi người còn muốn nói về cuốn hợp tuyển đó, muốn nói lên những dự đoán và giả định của mình, - tin mới này thật là bất ngờ và vui sướng đối với tất cả, trong giảng đường lập tức ồn ào và vui vẻ hẳn lên. Vadim nhìn về phía Lena, cô đang đứng trong nhóm các bạn gái và nói đặc biệt to và sôi nổi:
- Thật là tuyệt nếu chúng ta có tờ tạp chí riêng của mình, đúng không, các bạn. Đáng tiếc mình lại chưa phải là hội viên!
- Có ai cản trở cậu gia nhập Hội đâu? - Nina hồi.!
- Không, Nina, mình không thể vào Hội được. Mình còn phải tham gia nhóm ca hát, hoàn toàn không có thời gian. Các cậu ơi, thế chúng mình đặt tên cho nó là gì nhỉ? cần phải đặt tên cho tạp chí đó, nhất định thế, và làm sao thật độc đáo vào!…
Sergei lại gần Lagodenko đang ngồi trên mép bàn, hút thuốc vẻ đăm chiêu và chăm chú nhìn vào lòng bàn tay.
- Còn cậu, Petr ạ! Cậu đã tấn công ông già một cách rất không trung thực, - Sergei nói giọng trách móc. - Cậu đã xuyên tạc sự thật…
- Xuyên tạc thế nào?
- Cậu đã không hiểu hoặc không muốn hiểu ông già: ông khuyên chúng mình chú ý đến những đề tài văn học cổ điển là để chúng ta có được những kinh nghiệm, những hiểu biết về việc nghiên cứu văn học - cậu hiểu không? Lúc đó chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nghiên cứu các tác phẩm hiện đại. Đó là điều cơ bản!. Chứ ông già còn có thể có lý do gì khác nữa nào? Đúng không?
Lagodenko chăm chú nhìn lòng bàn tay - anh lật lật nó trước mặt, xoè các ngón tay ra, rồi lại co lại, sau đó thì nắm chặt thành nắm đấm và nặng nề tì xuống bàn.
- Lý do khác à? Rất đơn giản thôi, - anh nheo nheo cặp mắt bướng bỉnh có tròng đen như than nhìn Sergei. - Ông già tỏ ra bàng quan đối với nền văn học Xô-viết. Thậm chí còn không biết đến nó và không đọc nó nữa.
- Thứ nhất là về văn học Xô-viết, chúng ta đã có một chuyên gia là phó giáo sư Grolinkov. Còn thứ hai, điều đó không đúng, điều đó là dối trá. Ông có đăng ký mượn về nhà tất cả các cuốn tạp chí dày cộp! Mình biết, mình có thấy! Phải là một giáo sư văn học Nga mới có thể…
- Đăng ký thì ông già có đăng ký, - Lagodenko ngắt lời Sergei. - Rõ ràng là ông cần phải nắm được các sự kiện. Nhưng chủ yếu là ông chỉ đọc những bài phê bình sách, điều đó không đến nổi mệt gì.
- Thế do đâu mà cậu biết điều đó?
- Thề đấy! Mình cảm thấy! - Lagodenko nói một cách nghiêm nghị. Anh dập tắt điếu thuốc trong giọt mực đổ ra bàn, nhảy xuống sàn nhà và ưỡn thẳng cơ thể mập mạp có bộ ngực rộng kêu răng rắc. - Các bạn reo to lên: ồ, ồ! Hợp tuyển!. Ồ, thầy Boris Matveyevich… Còn thầy Boris Matveyevich thì lại một lần nữa chứng tỏ sự bàng quan của mình đối với các công việc của chúng ta suýt nữa thì quên nói về điều chủ yếu nhất. Một nhà lãnh đạo cừ thật!
Nghiên cứu sinh Kamkova, một cô gái tóc hung, đẫy đà, oai vệ, có khuôn mặt và nửa thân giống như pho tượng bằng đá hoa cương, nói dằn giọng một cách nghiêm nghị:
- Dù sao tôi cũng khuyên anh, anh Lagodenko ạ, nên có thái độ trân trọng hơn khi nói về các giáo sư của mình. Ở năm thứ ba thì thái độ tự kiêu quá đáng chỉ có hại thôi.
- Khi cô mới học năm thứ ba thì, cô bạn ạ, tôi đã học năm cuối cùng của chiến tranh, - Lagodenko nói sau khi liếc nhìn Kamkova một cách lơ đãng. - Nhưng vấn đề không phải là ở đó. Tôi xin nói rõ - tôi không có ý muốn viết công trình thứ một nghìn lẻ một về Ivan Sergeyevich Turgenev, hơn nữa lúc này tôi cũng không thể viết được một điều gì độc đáo về Ivan Sergeyevich. Mà tôi lại muốn suy nghĩ về những sáng tác mới của văn học Xô-viết, muốn cố gắng hiểu rõ trong những tác phẩm đó có cái gì hay, cái gì dở, và dù cho công trình của tôi còn chưa được sâu sắc và không phải bao giờ cũng có sức thuyết phục, nhưng nó thật sự chân thành, có mục đích đúng đắn và cần thiết. Và điều chủ yếu là nó thú vị đối với tôi! Nó thú vị gấp hàng nghìn lần so với bài viết ba hoa thứ một nghìn lẻ một về Bazarov hoặc Zanin Zatochnik!
- Fedor, điều đó qua quẩn lắm rồi đấy, - Nina nói.
- Quá quẩn thế, còn hơn là ngược lại!
- Không, không hơn đâu! Đó là một sự quá quẩn nguy hiểm, có hại! - Fedor bước về phía Lagodenko, xúc động và giận dữ nói. - Cái gọi là “tôi thú hơn” nghĩa là thế nào? Thị hiếu chủ quan nghĩa là thế nào? ở đây là Hội khoa học của chúng ta, chứ không phải là “Cửa hàng thực phẩm “! Chúng ta cần phải học tập và làm việc!. Thấy không, đã xuất hiện người bảo vệ nền văn học Xô-viết rồi đấy! Đó là sự mị dân!. Và cuối cùng… cậu vẫn không gia nhập Hội mà chỉ gây bực mình cho mọi người! đủ rồi! Chúng mình không cho phép cậu động đến thầy Boris Matveyevich và nói chung là… làm cho mọi người ở đây mất tinh thần!
- Ô, Fedor, cậu nói quá đấy! - Sergei nói vẻ dàn hoà. - Petr không làm ai mất tinh thần cả… - Có lẽ cần phải thế, - Lagodenko mỉm cười. - Đã đến lúc phải làm cho một người nào đó mất tinh thần.
- Thế thì cậu hãy gia nhập Hội, lúc đó sẽ tha hồ mà nói. Đối với cậu thì chẳng có gì đáng kể cả, chẳng có uy tín nào hết - cậu nghĩ xem, một siêu cá tính! cần phải học tập, thế thôi!
Sergei thở dài và gật đầu vẻ quan tâm:
- Đó là điều chủ yếu, tất nhiên rồi. Còn đối với cậu, Petr ạ, điều quan trọng là học tập, đừng quên…
Vadim nhận thấy Lagodenko bỗng nhiên sa sầm mặt lại, muốn đáp lại điều gì đó, nhưng rồi lại mắm môi lại, chỉ có đôi gò má là như căng phồng lên. Và Vadim thấy khó chịu, dường như những lời nói khoan dung bực mình đó nhằm vào chính bản thân anh.
- Các cậu công kích cậu ấy làm gì? Các nhà giáo! - Vadim nói và bước một cách dứt khoát về phía Lagodenko. - Công kích rồi cằn nhằn, cằn nhằn… bởi vì về cơ bản cậu ấy đúng chăng? Đúng! Thầy Kodensky quả đúng là một người bàng quang đối với chúng ta. Và nói chung là bàng quan. Và thái độ của thầy đối với Hội của chúng ta cũng giống như đối với nền văn học mới, là mỉa mai thầm. Điều này mình tin tưởng một trăm phần trăm. Ông già là một người theo chủ nghĩa hình thức, là một người giữ kho của khoa học đó, ông già là thế đấy!
- Do đâu mà cậu nói như vậy? - Fedor nổi xung - Dẫn chứng đâu?
Vadim không thích bắt đầu những cuộc tranh cãi trước mặt mọi người, nhưng nếu đã bắt đầu - lúc đó anh thường không giữ được bình tĩnh, mà nhanh chóng phát khùng và to tiếng. Ngay lúc này đây, anh cũng cau có và nói một cách gay gắt:
- Đúng, ông già đã không coi môn nghiên cứu văn học Xô-viết là một khoa học. Mà nghiên cứu văn học Xô-viết. Có lẽ, còn đa dạng và phức tạp gấp trăm lần so với cái văn học cổ điển mà ông già thích thú! Tất nhiên rồi! ở đó thì yên tâm hơn, đã có phương hướng và công thức rồi, mọi điều đã được thảo luận quá nhiều lần rồi. Ở đó thật là an toàn! Còn ở đây thì tự mình phải suy nghĩ, phải tranh luận - không cẩn thận dễ mắc sai lầm. Và chủ yếu là điều đó không làm ông thú vị. Bởi vì ông được đào tạo về văn học Nga cổ…
- Thế chúng ta được đào tạo về những gì? - Sergei hỏi, - Mình với cậu…
- Đào tạo đủ loại, - Vadim ngắt lời gay gắt. - Văn học Xô-viết không phải trưởng thành trên một nền tảng trống không, mà nó cũng có cơ sở là văn học cổ điển Nga. Chứ sao nữa?. Nhưng hơn nữa, nó có cơ sở là những tư tưởng mới, tư tưởng cộng sản chủ nghĩa…
Câu chuyện chuyển sang nói về những cuốn tiểu thuyết Xô-viết mới nhất. Đến đây thì bắt đầu một cuộc đấu khẩu với đầy đủ ý nghĩa của nó. Họ thảo luận say sưa về những thành công và hạn chế của những cuốn tiểu thuyết đó, họ tranh luận đến khản cổ về từng chi tiết một. Sergei và Kaplin công kích Lagodenko:
- Được, thế sự khác nhau cơ bản giữa chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa với chủ nghĩa hiện thực phê phán là ở đâu?
- Hãy lấy Gorky…
- Đừng trích dẫn - hãy nói bằng lời của mình!
- Ồ, em thấy là các anh định ngồi đây đến khuya, - bỗng Lena nói, có đã im lặng hồi lâu và ngồi một cách đăm chiêu giữa những người đang tranh luận. - Đến giờ em về nhà rồi!
Cô đứng dậy, khoác lên vai dây đeo chiếc túi xách bằng đa có hai chữ lồng “E. M“ - và chào chia tay. Vadim muốn đi theo cô ngay, nhưng không hiểu sao anh không thể đứng dậy khỏi chỗ mình được. Anh không còn tâm trí nghe tranh cãi nữa. Anh ngồi im đến mấy phút trong giảng đường và bỗng đứng bật dậy một cách vội vã, dường như đang bị chậm đèn một nơi nào đó.
- Xin lỗi, mình phải đi đây! Muộn mất rối, - anh vừa nói lắp bắp vừa nhìn đồng hồ.
- Anh đã đi mất một nửa rồi còn gì, - Nina nói và cười mỉm.
Không có ai nghe thấy lời nhận xét đó, ngoài Vadim lúc này đang lúng túng đến nổi không biết cách trả lời như thế nào. Sergei và Lagodenko lơ đãng bắt tay anh.
Anh bước ra ngoài hành lang. Từ trong giảng đường vang theo sau lưng anh giọng nói sang sảng của Lagodenko:
- … không có dẫn chứng à?
- Văn học Xô-viết đã trở thành của thế giới, vì rằng toàn thế giới thích thú được biết cuộc sống của chúng tôi. - Vadim đi theo hành lang và nghe thấy giọng Lagodenko tắt nhanh: - Và đó là những người giản dị, không phải là những người theo chủ nghĩa hình thức.
Vadim chạy từ cổng trường ra ngoài. Không thấy Lena đâu nữa. Cô đã đi khỏi và bây giờ thì đã xa rồi, chắc là cô ta đi xe buýt.
Những hàng cây trụi lá ngoài vườn hoa vẳng lặng khe khẽ reo lên trong gió. Vadim dừng lại bên cạnh hàng rào. Lúc này anh lại muốn quay trở lại giảng đường, nơi đang diễn ra cuộc tranh luận thú vị và hấp dẫn đối với anh, nhưng một tình cảm vụng về, giả dối và vô lý đã kìm anh lại và anh biết rằng anh sẽ không quay trở lại đó nữa.
- Mình xử sự thật là ngốc, - anh bực mình nghĩ. - Không, cần phải giản dị hơn. Dù sao mọi người cũng đã thấy…”.
Tin về việc chuẩn bị in cuốn hợp tuyển lập tức làm cho hoạt động của Hội khoa học sinh viên trở nên sôi nổi. Cả Sergei Palavin cũng tươi tỉnh trông thấy - anh không còn nói đến việc xin ra khỏi Hội nữa, đã tích cực phát biểu ở các phiên họp và, theo cách nói của anh, đã ngồi “như một kẻ đáng nguyền rủa” để viết bản đề cương. Mọi người đều muốn được đưa vào hợp tuyến, đặc biệt là Sergei, Thất bại khi làm bản đề cương đầu tiên mà nhiều người, có lẽ, đã quên đi từ lâu, vẫn còn giày vò Sergei đến tận bây giờ, vẫn còn như một chiếc dằm đâm nhói vào ký ức hiếu danh của anh.
Bản đề cương của Nina Fonika đã được trình bày một cách thành công và thành công đó càng thôi thúc Sergei nhiều hơn. Anh không đến dự phiên hợp tiếp đó và đã nói với Vadim rằng anh sẽ chỉ đến Hội khoa học sinh viên khi nào hoàn thành bản đề cương.
Nhưng đến cuối tháng Mười Một đột nhiên anh bị ốm do cảm lạnh lúc chơi trượt băng.