Chương III

    
áng hôm sau, người coi cửa trường đưa cho tôi một phong thư, nhìn chữ biết là thư nàng, trong lòng thấy chuyển động, lại tưởng là bức thư vĩnh biệt, mà những giọt nước mắt hôm đó là mấy chén rượn quan hà... Đạm Thủy nói đến đó thì mở hộp lấy thư cho ký giả mà nói rằng: “Thư đây, anh xem lấy, cho tôi nghỉ một tý”. Đạm Thủy tựa lưng vào ghế, ngửa đầu ra đằng sau rồi gọi “bồi” lấy nước.
Ký giả mở thư ra xem thấy chữ mềm mại, mà những nét dài lại cứng cáp. Thư:
“Mấy lời thú tội của kẻ non gan,
Kính gửi anh Đạm Thủy,
Khổ lòng lắm anh ơi! Nói ra thì những ngượng nhời, mà để dạ cũng đến khô héo. Anh có biết em đem lòng yêu anh đã lâu, và anh đã làm cho em thổn thức mấy tháng nay rồi không? Em nói thế thì anh ngạc nhiên, nhưng thật vậy từ khi em đọc văn thơ anh trên tờ báo thì em đem lòng yêu anh, em kính mến ba chữ tên anh như người bạn quý của em vậy. Em chưa biết người, biết mặt, em chỉ xem văn chương, tính tình, tư tưởng của anh mà em yêu, cái yêu kỳ thay, không biết có ai yêu lạ lùng thế không? Em đọc văn anh, em tưởng tượng ra một người thiếu niên có tư tưởng khăng khái, mà nghĩ như em đã được gặp anh đâu rồi. Em đọc đến văn thơ anh là trong người thấy phấn chấn, sinh ra một tình cảm phảng phất nhẹ nhàng như vơ vẩn ở chỗ không gian vậy. Em đọc văn anh, em không nhìn tên cũng biết không thể lạc được. Có nhiều chỗ em không hiểu hết ý, nhưng cứ đọc giọng văn anh lên là em đủ biết, sao anh lại hợp tâm hợp trí với em như vậy! Nhưng lắm lúc em lại tự hỏi không biết văn với người có giống nhau không? Vì có lắm người văn chương, tư tưởng đem so với tấm lòng sai nhau nhiều lắm. Em lại sợ con mắt em còn non nớt, điều quan sát đã đúng với sự thực chưa, nên lòng kính yêu vẫn thăng, trầm, không đích.
Nhưng từ khi cơ giời run rủi, cái ví giấy của anh lạc vào chú Huyện em thì em chắc dạ, mà đem lòng kính mến anh bội phần. Chuyện tình cờ đó em xin thuật lại anh nghe.
Một hôm, em bỏ giầu cau vào tráp của chú em, em thấy một cái ví rất đẹp, em mở hé ra xem thấy danh thiếp của anh, em ngạc nhiên tự hỏi sao cái tên của người mình kính mến lại chạy vào nằm trong đây, em mở từng ngăn ví ra xem. Ngăn thứ nhất, để danh thiếp của anh và của các bạn, em biết hết những bạn anh là ai, ngăn thứ hai, để các ảnh của anh và giấy nhà trường cấp, ngăn thứ ba, có các mảnh giấy nhỏ hoặc bức thư thân tín, hoặc những câu quốc văn, pháp văn anh mới viết xong hay còn viết dở, ngăn thứ tư có quyển số con chép những điều anh quan sát hàng ngày và những ý tưởng lạ. Em đọc thư anh, ngắm ảnh anh, xem giấy má của anh, em hiểu anh là người thế nào rồi. Em càng hiểu anh bao nhiêu thì lòng kính yêu lại càng mạnh lên bấy nhiêu, mà chắc anh thì cứ dửng dưng biết đâu trên cõi đời này có người yêu anh nhỉ?
Có khi em cả gan nghĩ đến chuyện tính cách gặp anh, mà cũng nhiều lúc em muốn viết thư cho anh để tiếp chuyện với một vị khách văn chương, tri kỷ, đế gọi tỏ lòng cảm phục văn anh, nhưng nữ nhi đâu đã dám làm những lối tối tân ấy.
Em tưởng như gặp anh thì có thể đối diện mà tiếp chuyện được thế mà hôm anh đến chơi nhà, em vui mừng e lệ bối rối, phải chạy vào trong nhà. Mấy lần muốn ra chào anh một tiếng, mà hễ ra cửa lại quay vào, hình như trong mình có sức gì mạnh bảo em phải ngồi yên.
Lần thứ hai anh đến, em ở trong nhà ra chợt thấy anh thì tự nhiên người thổn thức, nên em phải đi thẳng ra ngoài cửa hàng nhưng em vẫn giữ được vẻ tự nhiên, tính em như vậy. Em ngồi một lúc lại muốn quay vào nhưng hễ đi qua anh lại phải đi thẳng. Ôi! lòng yêu với tính e lệ của người thiếu nữ hay xung đột nhau như vậy, đã làm cho em thổn thức biết bao phen! Nhưng tự khi em bắt đầu tiếp chuyện với anh, thì em đem lòng yêu quý anh như một người huynh trưởng vậy. Thật ý em chỉ định lấy tình huynh đệ mà thừa tiếp anh, giời chứng quả cho lời nói của em lúc này. Nhưng anh ơi! anh có ma lực gì mà lòng em một ngày một vướng vít, khiến em hết sức giữ lấy mực xưa mà không giữ nổi, hễ xa anh thì nhớ nhớ, vắng anh thì buồn buồn, cuộc đời em không thể rời anh ra được nữa. Lòng em yêu anh là thế mà vẫn phải nén lòng một cách khổ sở.
Nhiều lần anh sơ ý để em hiểu rõ lòng định, em tưởng như giá anh hở ra một câu thì em vái anh mấy vái. Em thấy cử chỉ của anh rất đứng đắn mà em sợ, em phục, em phục thì em lại yêu thêm, như trong người em vẫn có một sức tự đâu đến bắt em không được nói ra trước. Ôi! cái thầm yêu trộm nhớ xót xa ấy đọng lại mà làm cho em phải khóc òa lên lúc anh bới thấy lòng em trên mảnh giấy. Thật cũng may mà cũng tủi cho em.
Anh ơi! em hạ bút viết thư này cho anh nghĩ cũng tủi, nhưng lòng em thực tình em ngay, nên em nói hết với anh: đối với người em yêu, em không thích dùng cách “kín hở”. Em yêu anh bởi tâm tình tự nhiên, em biết yêu là yêu còn những chuyện đời dính dáng chung quanh anh, em không thể nghĩ đến. Nên bức thư hôm nọ em coi cũng thường như những bức thư khác của anh mà thôi. Em chỉ buồn vì một nỗi em quấy rối lòng anh và để phiền đến người sẽ cùng anh nên gia thất. việc gia thất của anh em đã biết trước, biết từ lúc em quen anh được ít lâu. Em vẫn tự hiểu rằng: cuộc đời của em là đời vấn vơ, ái tình của em là ái tình vô hy vọng, nhưng em đã đem lòng yêu anh thì em cứ biết yêu anh, em lấy tình luyến ái của anh em ta làm khuây khỏa, còn về sau nữa em phó mặc khuôn thiêng.
Thôi, em không thế viết nữa mà anh cũng đừng bắt em nói nhiều.
Mấy nhời tỏ tình anh biết, chắc anh cũng hiểu cho rằng: em thật lòng với anh mới viết đến những thư này.
Em anh:
TỐ TÂM bái”.
Ký giả không phải là người trong cuộc mà xem xong bức thư này cũng hơi chút gợn lòng, gập thư lại thì Đạm Thủy vừa uống nước xong lại nói luôn rằng:
- Anh xem thư ấy cũng đủ biết Tố Tâm đến thời kỳ không rời tôi được.
Tôi tự hiểu rằng tình luyến ái đó sẽ có ảnh hưởng to đến cuộc đời hai đứa chúng tôi. Nhưng bây giờ thì không sao ngăn được nữa, trong cách dẹp ái tình không gì dở bằng đương đằm thắm mặn nồng mà đem ngăn lại, mà không gì vô ích bằng giảng đạo đức với người đương ham mê!
Từ khi hai bên đã thú nhận với nhau rồi, tôi ít đến nhà nàng lắm, vì tôi lấy làm ngượng, và lòng quyến luyến của tôi đã lộ ra khắp trong nhà, đến tai bà án; nên bà ra ý gìn giữ Tố Tâm. Một vài khi tôi đến chơi, nàng ít khi ra tiếp chuyện. Chúng tôi thưa gặp mặt thì thư từ đi lại luôn, phần nhiều thì thư đàm luận, nàng viết cho tôi lắm bức thư rất hay. Cảm động nhất là bức thư hôm mồng ba tháng bảy, có nhẽ tại thư đến trùng vào lúc tôi mới ngủ dậy một mình ngồi tựa bao lơn trên gác, ôn lại giấc mộng lúc ban đêm mà tưởng nhớ nàng, nên thư hợp cảnh hợp tình mà làm cho tôi cảm động, xem đi xem lại đến thuộc lòng. Tôi đọc anh nghe:
“Trong buồng khuê nửa đêm hôm mùng ba tháng bảy
Anh ơi, đêm hôm nay là đêm gì mà mưa gió âm thầm, góc trời đen nghịt, có phải mồng ba tháng bảy, là ngày ả Chức chàng Ngâu một năm mới thấy mặt nhau một lần không, anh nhỉ? Thảo nào mà chiều hôm nay em tiếp được thư anh, nhưng thư không phải là người, chỉ là ảnh và bút tích của người mà thôi, còn chàng Ngâu và ả Chức là người cả, chả biết rằng Ngưu Lang Chức Nữ những khi xa cách nhớ thương bên sông sùi sụt có oán hận những người đem sông Ngân mà chắn qua con đường ái ân không nhỉ? Người tiên thì không biết, chứ người trần thì phải đau đớn ngậm ngùi mà ngâm mấy câu rằng:
Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thủy.
Tức là sông Tương một giải nông sờ, bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia, đó anh ạ.
Thôi chả nói chuyện xa cách nhớ thương này nữa, vì nói càng thêm gợi, gợi càng thêm buồn, mà cuộc gặp nhau vẫn khó bằng ba dịp cầu ô thước bắc trên sông Ngân”.
Thơ nàng viết có mấy câu mà rất là lưu loát. Anh thử tưởng tượng ra một người thiếu nữ có văn chương, một mình trong buồng khuê lúc đêm thanh cảnh vắng, ngồi bên cái màn đào nửa vắt nửa buông. Ngoài hiên giời mưa sa tý tách, mở cửa sổ ra thấy giời mây u ám, chợt nhớ đến chàng Ngưu ả Chức đương cùng nhau giọt lệ vắn dài, nên “trông người lại ngắm đến ta” mà mượn bút tả tính tình lúc bấy giờ gửi cho người yêu của mình thấu tỏ, nên tính tình càng bi thiết lắm thay!
Có một điều anh đáng lưu ý là từ khi nàng yêu tôi trò chuyện thư từ luôn vời tôi, thì giọng văn của nàng tập nhiễm giống y như giọng văn tôi. Cách lập ngôn, lối luận thuyết cùng một thể. Nàng chịu ảnh hưởng của tôi rất mạnh, từ câu văn nhời nói cho đến cử chỉ, tính tình cũng mài theo khuôn tôi cả. Tôi yêu gì là nàng yêu, tôi ghét gì là nàng ghét, tôi bảo nàng gì nàng cũng nghe, tôi cấm nàng gì nàng cũng chịu. Đến cả những thói quen, tập từ thuở nhỏ về lối đài các không hợp thời, hễ tôi chê là nàng bỏ dần được hết, thành ra tôi chủ trương được lòng nàng, được tính tình và tư tưởng của nàng cả. Điều này làm cho tôi mơ tưởng đến một lối giáo dục tôi gọi là “giáo dục bằng ái tình” nghĩa là tôi định lấy ái tình mà truyền bá tư tưởng cảm hóa tính tình, rồi nhờ thói quen giữ lấy những điều đã truyền bá và cảm hóa được, tức như lấy ái tình làm quân đi chiếm đất, rồi luyện thói quen để về sau làm quân giữ thành, vì ái tình là thứ quân nhất thời rất mạnh bạo nhưng khó bề sợ rằng quân tàn thì thành chiếm cũng mất.
Chứng tôi đã bước lên cái thời kỳ say đắm rồi, anh ạ. Thư từ không thể làm cho nguôi được nỗi nhớ thương, phải gặp mặt nhau, phải trông thấy nhau, phải cùng nhau trò chuyện để nghe những giọng cười, tiếng nói của nhau mời yên dạ, nhưng tôi không thể gặp luôn nàng ở nhà nàng nữa, anh nghĩ thế có buồn không. Lần cuối cùng tôi đến nhà nàng là rằm tháng tám. Nàng bày cỗ mời tôi ra xem, cỗ của nàng bày thì cũng như cỗ của các tay mỹ nhân khéo ở Hà thành, mà tháng Tám năm nào cũng thấy ngần ấy thức. Trong đám cỗ của nàng, thích mắt nhất là cành hoa lan gọt bằng đu đủ rất tinh tế và bốn bát gạo nếp nhuộm các mùi giạt thành bốn chữ Đ.T.T.T rất đụng công. Chị em bạn nàng đến xem cho là khéo lắm, xúm xít lại đoán mãi không hiếu nghĩa bốn chữ ấy là gì, chỉ hai đứa chúng tôi tự hiểu với nhau, nàng đưa mắt cho tôi thì tôi hơi mỉm cười một chút rồi lại điềm nhiên như không. Có một điều nàng khờ là nàng không phòng lấy một câu mà giải nghĩa bốn chữ ấy để khi có người hỏi, sẵn mà giả nhời. Thành ra lúc chị em bạn đoán mãi không ra, hỏi nàng thì nàng có phần lúng túng, nhưng cũng giả nhời được rằng: Đ.T.T.T là “Đêm thu trăng tỏ”. Tôi gật đầu mà khen nàng nhanh trí, nhưng chính ý nàng viết bốn chữ “Đạm Thủy Tố Tâm” chả nói thì anh cũng hiểu.
Tôi giữ tiếng cho nàng nên không đến nhà nàng, thế mà chúng tôi phải cần gặp nhau mà trò chuyện, nên những khi nàng rỗi việc gặp vào ngày tôi được nghi thi tôi rủ nàng và cậu em đi dạo chơi ở các vùng nhà quê chung quanh Hà Nội.
Hôm thì đi về lối Cầu Giấy, đi qua đền Voi Phục, chùa Láng rồi đi quanh về Ngã Tư Sở. Hôm thì đi quanh quẩn trong ấp Thái Hà, lắm hôm đi lang thang trong các làng nhà quê, hay vơ vẩn ở giữa quãng đồng lúa chín, ngồi dưới gốc cây mà ngắm đồng lúa mênh mông bát ngát, trận gió ào lay động ngọn lúa như những làn sóng bế vàng, còn những bám tre lơ thơ ở giữa đồng thì tựa như những hải đảo có cây xanh; ngồi tưởng tượng hình như chúng tôi ngồi ở bờ bể. Có khi chúng tôi chạy hẳn xuống ruộng với những người gặt lúa. Tố Tâm đi ngắt từng bông lúa, chạy đuổi cào cào, châu chấu như một đứa trê ngây thơ rồi bắt tôi cầm một cách nũng nịu. Tính nàng xưa nay vẫn trầm tĩnh, nghiêm chỉnh, sao những lúc đi với tôi đây lại hớn hở nghịch đùa một cách ngây thơ? Nàng cứ chạy chơi như vậy hết ruộng nọ sang ruộng kia, lên bờ cao xuống bờ thấp mà dưới ánh nắng buổi chiều thu hơi nhạt nhạt, trông mặt nàng đỏ hồng hồng, giấp tý bồ hôi, dính mấy sợi tóc mây xõa xuống trán, nàng càng đẹp thêm lên. Tôi bản tính vẫn trầm mặc, ít hay nô đùa, mà sao lúc này cũng đi theo sau nàng cười cợt. Người ta dù nghiêm chỉnh thế nào, lúc ái tình bầng bầng trong ruột cũng hóa ra trẻ thơ, làm những cái tỷ mỉ, nói những câu ngây thơ, hai người trong cuộc nghe thì cực thú mà lọt vào tai người ngoài thỉ nhiều câu rất vô nghĩa: Tôi tuy đùa nghịch mà vẫn lặng ngắm cái dáng điệu tự nhiên của khối tình trong sạch tự trong lòng nàng tự thổ lộ ra ngoài và bức tranh kiệt tác về người thiếu nữ bên cảnh thiên nhiên của Tạo vật.
Chứng tôi đi chơi như vậy, mệt thì ngồi xuống bờ cỏ, khát nước thì chạy đến những túp nhà tranh bên đường mua uống, có lắm khi mải vui chịu nhịn đói mà về, cũng có lúc gặp mưa to gió nhớn....Tôi còn nhớ một hôm tôi đi chơi với nàng ở giữa quãng đồng làng B. gặp cơn mưa rất to. Cậu em chạy trước ẩn được vào trong cái quán, còn hai chúng tôi chỉ có một cái ô đen mỏng mảnh của nàng cầm, thành phải cùng núp vào bên một cây to để lấy ô che cho đỡ ướt. Giời mưa càng dữ, sấm sét ầm ầm, tôi nhớ đến ngày bé học cách trí có dặn rằng lúc có sét không nên đứng dưới gốc cây to. Tôi vui câu chuyện nói với nàng thì nàng cười mà bảo tôi rằng:
- Túng nhiên sét đánh thì chết cả đôi chứ gì.
Tôi cho câu nói ấy có ý vì, nhưng tôi không thích đàn bà nói gở... Mưa tạnh, nước ở đường chảy chưa hết, nàng phải bỏ giầy đi chân, tôi thấy hai bàn chân trắng của nàng giẫm vào chỗ bùn lầy đen xám, mà tôi chạnh nghĩ đến mấy cành hoa rất đẹp rơi xuống đống rác ở gốc cây... thành động lòng thương nàng; nhưng trong lòng lại nảy ra cái tự đắc là đôi bàn chân ngọc ngà do đã yêu tôi mà phải bùn lầy. Và ngắm cái vé tương phản của bàn chân trắng bên đám cỏ xanh thì tôi lại muốn nàng cứ đi như thế mãi.
Nhiều hôm nàng về chậm thì phải quở, nhưng tôi xem như nàng đã đến lúc “ái tình xui làm liều” nghĩa là nàng coi việc về chậm đó là thường, không lấy làm ngại.
Ái tình có một cái ma lực mạnh quá, khéo xui dần dần người ta làm những việc bất thường, mình tưởng không khi nào làm được, và tính e lệ cứ mất dần. Lần thứ nhất còn giằng giằng, lần thứ hai đã hơi quen, lần thứ ba không thấy ngượng, cho đến lúc làm điều tối vô nghĩa lý mà không thấy hối hận nữa, cho nên những người lúc đứng ngoài cuộc, tưởng như mình không khi nào làm đến việc vô lý của kẻ mê đắm kia, thế mà lúc làm rút cục lại sai nhầm hơn nữa. Những người non nớt chưa biết đến chuyện đời là gì, lòng chưa bị một chút đam mê nào cả, tôi không dám chắc suốt đời giữ được nguyên tính mãi.
Trong những cuộc ngao du như vậy, có một lần chúng tôi ngắm cảnh bể ở Đồ Sơn, và độ tình luyến ái của chúng tôi chưa vỡ lở đến tai bà Án, mà tôi chưa phải từ biệt nhà nàng.
Độ ấy vào tháng hè, bà Án yếu, quan thầy thuốc bảo đi hóng gió bể. Nhân tiện bà Án có một người chị là vợ một vị đại thần có nhà nghỉ mát ở Đồ Sơn nên bà Án và hai con cùng ra đó nghỉ. Tố Tâm biết đích ngày bà Án đi thì bảo tôi biết trước. Tôi ra chơi hỏi chuyện thì cậu Tân rủ đi, tôi nhận nhời vì tôi có nhiều nhà quen ở Đồ Sơn, nên ra cũng tiện lắm.
Hôm đó, nắng quá nên chúng tôi đi chuyến xe lửa đêm, phải buổi trên xe hạng ba chật mạch người, mà dưới hạng tư vắng hành khách nên ba chứng tôi cùng đi xuống ngồi hạng tư mở hé cánh cửa mà ngắm phong cảnh những cánh đồng thăm thẳm, bóng giăng soi xuống mấy ruộng nước trắng xóa, hình như lẫn với chân mây và in cả một giời sao xuống gầm đất. Trên mặt nước phẳng lặng chỉ thấy lô nhô những đám tre bao bọc các xóm làng, ngọn gió nồm đưa phất phới.
Đêm càng khuya, giăng càng tỏ. Lúc nãy còn lơ lửng trên mấy hàng tre, bây giờ đã đủng đỉnh ngang giời. Bóng giăng xuyên qua cửa soi ngang vào chỗ chúng tôi ngồi. Mặt Tố Tâm một nửa biêng biếc xanh, một nửa mờ mờ trắng. Hồng nhan dưới bóng nguyệt, có một vẻ đẹp lạ thường, khiến cho người ngồi lặng ngắm trong tâm thần cũng phảng phất thấy “cái đẹp ghê sợ”. Lúc xuống đến Hải Phòng đã có xe ô tô của bà dì Tố Tâm ra đón để đi luôn ra Đồ Sơn. Tôi ở lại Hải Phòng sáng hôm sau ra sớm. Tôi ra ở nhà một người bạn ngay bên cạnh nhà bà dì, thành ra tôi vừa là chỗ thân tình nhà bà Án, lại ở nơi quen biết với bà dì nên đi lại rất tiện. Cũng vì thế mà nhiều khi ở trên chỗ mặt bể bao la kia lại được nghe những cung đàn thảnh thót của mấy vị khuê môn tàn nhân vật, tức là các cô chị Tố Tâm.
Buổi chiều hôm ấy, tôi gặp nàng ở bãi cát, chính là lúc vui nhất trong ngày đau ở bãi bể Đồ Sơn. Trên mặt bể mênh mông, bát ngát, sóng cuộn từng lớp đuổi nhau, chạy giỡn vào bãi cát dài phẳng nước tóe trắng phau phau. Trên bãi cát dài hàng mấy nghìn thước, phất phới áo vàng, áo đỏ, áo trắng, áo xanh như bươm bướm lượn; trẻ con reo, tiếng sóng vỗ ầm ào như tiếng chợ đông người, có nhiều cô thiếu nữ của các nhà đại phú hay đại gia cũng hớn hở vui đùa như thiếu nữ người Tây vậy. Trong đám các cô lại có điểm vào một vài tay “tân nam tử”; hoặc anh em hoặc “phò mã” củng chơi đùa với các cô một cách thân mật lắm. Xem cũng vui mà ngắm cũng thường vậy. Trông ngần ấy cô thiếu nữ, cái đẹp của Tố Tâm lại càng rõ rệt mười phần làm cho Đạm Thủy thấy trong mình lúc đó nảy ra một thứ kêu căng, kiêu căng của ái tinh, vì khi mà Tố Tâm dạo qua đó thi mười mấy con mắt cũng nhìn theo.
Khi gần hết nắng thì những đám xanh đỏ lúc nãy đã hóa như một đàn cò mình đen chân cánh trắng, lô nhô giữa làn sóng lờ lờ. Tố Tâm cũng theo mấy chị em con bà dì đi ra tắm, nhưng có mấy cô không quen mặc thứ áo tắm, “hở đùi” và lại hay e lệ, nên mặc cả áo trắng quần thâm, dắt tay nhau cứ từ từ lội xuống nước. Nước dần dần ngập lên, gặp sóng to thì phải nhảy, nhấp nhô xa trông có vẻ ngộ nghĩnh như người ngã xuống sông. Lúc lên áo quần tha thướt, dính sát vào mình nom như mấy bức tượng ngà mới tạc, còn phủ tấm vải mỏng ở ngoài.
Đến đêm lúc người đã vắng, nàng lén ra để nói chuyện với tôi.
Bấy giờ phong cảnh lại càng thêm bát ngát. Trước chỗ giời cao bể rộng, mình tự thấy mình bé nhỏ lạ thường, như gợn bụi, như mảy lòng, lửng lơ không dính vào đâu cả. Trong lòng sinh ra một thứ kinh sợ, sợ cái tối vĩnh tối đại của hóa công. Nhưng, có một điều chúng tôi tự thấy hơn cái vô cùng, vô cực đó là chúng tôi có tri giác biết Tạo hóa là to, có tính tình, biết yêu nhau là sướng. Còn giời cao bể rộng mấy muôn năm vẫn trơ trơ đó, ngọn sóng kia cứ việc ào ào suốt ngày nọ sang ngày kia, không biết mình là to lớn. Chúng tôi dạo quanh vài vòng trên bãi cát rồi ngồi xuống những mỏm đá nổi lên gần bờ. Lúc đó thủy triều lên mạnh; chúng tôi bỏ chân xuống nước cho sóng vỗ vào, thỉnh thoảng bi cơn sóng to đập vào đá, nước tóe bắn lên tận mặt. Lúc sóng vỗ dưới chân như vậy thì tôi nhớ đến chỏm đá tả trong bài thơ “Le Lac” của Lamartine tiên sinh mà hồn thơ lai láng, vô tình ngâm một câu rằng:
“Mênh mông mặt biển chân giời,
Nào ai Ngư phủ, đâu người Đào nguyên”.
Tố Tâm đọc chữa lại rằng:
“Mênh mông sóng rợn chân trời,
Ấy ai du tử tức người Đào nguyên”
Trong khi đêm khuya cảnh vắng như vậy ở đó chỉ nghe tiếng thông reo bên bờ, tiếng sóng gầm dưới nước. Lặng ngồi mà ngắm quang cảnh, thì thấy trong lòng sinh ra một thứ cảm giác mơ màng như các con đồng ngồi trước điện nghe những tiếng đàn, tiếng hát, ngửi những mùi hương khói trầm thì ngà ngà say và thấy lòng khoan khoái vô hạn. Thứ cảm giác bát ngát ấy cũng làm cho chúng tôi tưởng tượng ra như vũ trụ chỉ có hai người mà thôi, bao nhiêu những thường tình eo hẹp, những thảm cảnh lôi thôi, bao nhiêu những tiếng khóc, câu cười, đường danh, mối lợi ở chốn thon hoa đã chìm đắm đâu mất cả, trước mắt chỉ còn thấy khói hương của ái tình đương nghi ngút bay trong đám tít mù, khiến cho hai người tương tri đó tưởng là đôi chim nhạn đương cùng nhau tung giời mà bay...
Đứng bên một thiếu nữ tài sắc tuyệt vời lại cùng tính tình, tư tưởng với mình mà lặng ngắm chung cảnh thiên nhiên của Tạo vật thì ở đời tưởng không thú gì hơn. Một bên trời nước mênh mông một bên lứa đôi đằm thắm ái tình này, đối với cảnh vật ấy, gây nên lắm vẻ ly kỳ, biết bao nhiêu ngọn bút đã tê mê mà ca tụng.
Chúng tôi ngồi trên tảng đá cho đến lúc đêm khuya giăng lặn, gió thổi lạnh mình mới về.
Tờ mờ sáng sớm mai tôi ra bãi cát thời nàng cũng đã ra rồi, hình như suốt đêm nàng không ngủ. Lúc đó cả Đồ Sơn còn đương an giấc, mặt bề phẳng lặng, gió hiu hiu hơi gợn sóng lăn tăn. Ngoài xa lơ thơ những chiếc thuyền đánh cá, buồm trắng phất phơ in vào mấy giăng núi mờ xanh ở bên chân giời hung hung đỏ. Trên bãi cát cũng phẳng phăng, chưa có một vết chân dẫm xuống; nước thủy triều lên ban đêm đã rửa sạch những ghét rác phồn hoa chiều hôm trước rồi. Chứng tôi bỏ giầy lội xuống mấp mé mặt nước, đi đuổi bắt những con giã tràng, tức là một thứ cua rất bé cả ngày chỉ xe cát thành viên tròn, chất lại từng đống một, một cơn sóng đến lại đánh tan đi. Tố Tâm cầm một giã tràng xem, vô linh đọc rằng:
“Giã tràng xe cát biển đông.
Nhọc mình mà chẳng lên công cái gì!”
Tôi đáp rằng:
- Phải, cũng đáng thương cho giã tràng lắm nhỉ, nhưng biết đâu gần đây không có hai người cũng chịu một tình cảnh như dã tràng mà chả hay có ai hiểu thấu mà thương không.
Tôi nói vậy, thấy đôi mắt nàng thoáng qua một vẻ buồn, bên kia bể mặt giời cũng hé ánh nắng... hồng quân với khách hồng quân. Chúng tôi chia tay ra về, nàng đi vài bước quay cổ lại bảo tôi rằng:
- Chiều ra, anh nhá.
Bao nhiêu những cảnh thú thanh cao vơ vẩn, ngày thường tôi xem sách mà khao khát, hay bởi thứ óc văn chương tưởng tượng ra, tôi cùng nàng đã đem thi hành mà được hưởng gần hết.
Phong cảnh thiên nhiên thì bao giờ cũng có, nhưng người cùng mình mà ngắm cảnh đế cho cảnh nầy vẻ thêm lên thì hiếm lắm. Tôi được gặp nàng đồng tâm, đồng trí với tôi lại sẵn một thứ cảm tính yêu cảnh thiên nhiên như tôi vậy
Tôi nói đến đây chắc anh mỉm cười và cũng nghĩ như nhiều người rằng phàm một người thiếu nữ lúc đã đến tuổi biết ái tình, lúc trong tâm can huyết mạch bầng bầng chạy, thì không hưởng được cuộc thanh cao như những cảnh tôi cùng Tố Tâm đã hưởng đó. Câu nói ấy tôi cũng biểu đồng tình, cho là đúng tâm lý và sinh lý lắm nhưng chỉ đúng cho một hạng người mà thôi, không thề lấy làm luật chung được, vì phải tuỳ theo tính chất từng hạng, hạng thiên về thể chất, hạng thiên về tinh thần, hạng ẻo lả, hạng béo đỏ v.v...
Một nhẽ nữa là người ta ai cũng có cái dục tình tự nhiên của động vật. Dục tình ấy lúc giai gái yêu nhau tất lay động. Nhưng tránh được những quang cảnh, những thế tình có thể làm gợi được lòng dục, lại khéo lấy thú vui khác mà làm lảng đi thì không say đắm vào dục tình được. Phàm giai gái yêu nhau, nếu bởi lòng ham muốn về tình dục, khi mới trông thấy nhau đã tính ngay đến cuộc thỏa thích rồi, bao nhiêu những cảnh gợi dục như con mắt long lanh, màu da mơn mởn, như cái lưng cong, đôi má đỏ, v.v... đã thu nhập tâm như cách anh hàng thịt đứng trước con thú đã tách bạch từng khổ thịt roi, thì sao tránh khỏi chuyện bẽ bàng vế sau được?
Nếu yêu nhau bởi đồng tính tình tư tưởng, bởi phục nhau về việc, cảm nhau về tình, bởi những bức thư hay, câu chuyên thú, còn sắc đẹp chỉ là giúp thêm vào mà thôi thì có thể xa tình dục được.
Nhưng, anh ơi! Bên cuộc chúng tôi yêu nhau đằm thắm như vậy, chúng tôi vẫn có một nỗi đau đớn trong lòng, chắc anh còn nhớ câu Tố Tâm viết trong thư rằng: “đời của em là đời vẩn vơ, ái tình của em là ái tình vô hy vọng”.
Tôi nghĩ mà thương nàng vô cùng. Phàm thường tình nam nữ yêu nhau cần có một cái hy vọng, đại khái như tính cuộc trăm năm để mà di dưỡng lấy ái tình cho trong sạch vẹn toàn. Ái tình của Tố Tâm là ái tình vô hy vọng, ngoài lòng yêu tôi, nàng không nghĩ một chuyện gì, chuyện trăm năm thì không hẳn, chắc anh đã hiểu vì sao rồi. Nhưng khi tôi bởi yêu nàng quá mà nói hở ra những nhời vàng đá, những cuộc sum vầy thì nàng vội gạt đi Nàng cứ ân hận luôn về một điều là nàng làm phiền cho người sẽ cùng tôi nên gia thất, và luỵ đến tôi sau này. Chắc lúc nàng đem lòng yêu tôi, thì nàng cũng mong đến chuyện sẽ được cùng tôi sum họp, nhưng khi nàng đã biết rõ tình thế của tôi thì nàng đành chịu thiệt mình mà không muốn làm phiền đến người bạn gái vô tội kia. Nàng vì yêu tôi mà không thể rời tôi, nàng cũng vì yêu tôi mà không chịu lấy tôi, cái thứ tính tình tương phản này làm cho nàng bối rối mà nàng cứ đành đề chịu nỗi chua xót một mình.
Lòng đâu mà sẵn mối từ tâm, người đâu mà cao thượng làm vậy! Có một điều này làm cho tôi rất buồn rầu khó nghĩ nữa là nàng có nhiều người đến giạm hỏi mà nàng không bằng lòng ai cả. Lúc bà Án hỏi ý nàng thì nàng chỉ giả nhời rằng nàng xin ở nhà thờ mẹ cho đến lúc em khôn nhớn, em nên vợ nên chồng cho có người trông nom nhà cửa rồi nàng sẽ tính bề gia thất. Nàng cứ một mực như vậy thì nhà nàng cũng không dám ép hay để lỡ về sau cũng tạm im câu chuyện. Có một cậu mới đỗ “tú tài Tây” mà nhà cậu là một chỗ cố tri với quan Án, lại có lòng theo đuổi mãi, ý bà Án muốn gả lắm, duy chỉ Tố Tâm không bằng lòng thôi. Tôi sợ về sau mang với nàng một điều lỗi suốt đời không khi nào gỡ xong nên thường vẫn lấy nhời phải trái mà khuyên nàng vâng nhời giáo huấn. Bao nhiêu tài ngôn luận của tôi dùng ra muốn thắng ý nàng mà không thắng được. Nhiều khi tôi giảng đạo đức, thuyết nhân nghĩa thì nàng chỉ mĩm cười mà trả nhời một câu vắn tắt nửa thực nửa đùa rằng:
- Em không muốn lấy chồng...
Tôi cũng nói cợt rằng:
- Em điên.
- Vâng, điên với anh.
Tôi xem chừng lý thuyết vô ích thì dùng cảm tình mà cảm lòng nàng, thì nàng chỉ khóc, tôi càng nói nàng càng nức nở khóc thêm, thành ra câu chuyện lại bỏ không bàn nữa.
Nhiều khi tôi hỏi nàng tại sao không tính cuộc trăm năm với ai cả, thì nàng nhất định không nói; nàng không nói thì tôi củng hiểu rồi, nhưng tôi muốn biết câu giả nhời của nàng để tôi xoay phương diện. Tôi hỏi nàng không nói thi tôi làm ra bộ giận dỗi, buồn rầu, nàng hỏi gì tôi cũng không thưa, mà cũng không nói gì với nàng cả. Tôi làm như vậy thì nàng khổ lắm, lúc tôi đứng dậy đi về, nàng đưa cho tôi một mảnh giấy có mấy chữ rằng:
“Em đã yêu anh thì không thể yêu ai được nữa, mà cũng không muốn yêu ai. Đã không yêu thì không lấy, vì sợ làm phiền cho một người nam nhi nữa”.
Tôi xem mấy chữ lấy làm buồn lắm, nhưng bên cái buồn lại có cái thỏa vì đã chiếm được lòng nàng.
Về độ ấy thì tôi bối rối lắm. Tôi yêu nàng quá, nên không thể rời nàng được nữa, mà chính tại tôi yêu nàng nên không muốn để cho nàng phải thiệt thòi vì tôi. Tôi nghĩ rằng giá nàng không biết tôi thì có phải nàng vui vẻ mà chồng chất bao nhiêu là hy vọng bên mình vì con người yểu điệu ấy, tính nết ấy thì làm gì mà chả gặp được một chỗ gửi thân êm ái, trăm năm mai trúc đề huề. Trong cuộc đời người con gái, hy vọng to nhất, êm ái nhất là hy vọng lấy chồng mà được hưởng cuộc ái ân đằm thắm. hy vọng đó Tố Tâm đã đem tấm lòng quá yêu tôi mà đánh đổ đi. Thật là lỗi tại tôi, nhưng nghĩ kỹ ra thì tại Hóa công đặt trong lòng người một mối ái tình cay nghiệt buộc chết người vào những việc không muốn làm.
Trong khi lòng tôi bối rối như vậy, nhiều lần tôi đã dám nghĩ đến chuyện đem nàng đi trốn một chỗ thâm sơn cùng cốc, hay góc bể chân giới nào, không ai biết đến, để cùng nhau hưởng cuộc ái ân trăm năm, tôi sẽ đem hết sức mà bấm đủ cho nàng được no ấm, đem hết tình mà âu yếm cho nàng được thỏa lòng không tưởng gì đến đời nữa, bỏ cả sách vở, công danh, mà mặc cho đời bình phầm, bao nhiêu hy vọng định lập chút sự nghiệp cỏn con gọi là góp mặt với non sông đều đồ ụp như mấy lớp lâu đài nguy nga bi động đất.
Lúc tôi đương nghĩ như vậy, thì trong lòng bừng bừng lên như muốn thi hành ngay, nhưng tôi lại nghĩ đến nhà, nghĩ tình ấu yếm của song thân tôi tuổi tác nghĩ đến tình huynh đệ rất đậm đà thì tự nhiên có một thứ tính tình gì rất mạnh nó cản tôi lại. Thế mới biết hồn gia quyến là mạnh.
Tôi xin thú thực cùng anh rằng những cách tôi tưởng tượng đem nàng đi như vậy mà không ngại đến ly hương biệt tộc là bởi tôi chịu ảnh hưởng ở các ái tình tiểu thuyết Âu-Tây. Nhưng tôi xem tình gia quyến của tôi còn mạnh lắm, đánh đổ được những ảnh hưởng mới kia mà giữ tôi lại. Có khi tôi đem chuyện tôi định làm liều đó mà hở ý với Tố Tâm, thì tôi xét ra trong những lúc nàng mơ màng thổn thức nàng cũng nghĩ đến thế, nhưng nàng chợt tỉnh thì vội gạt đi, vi nàng cũng thương mẹ, yêu mẹ lắm và bao giờ nàng cũng sợ làm phiền đến người sắp kết duyên với tôi và sợ làm phí mất một đời thiếu niên của tôi nữa. Lắm lần nàng thỏ thẻ với tôi rằng:
- Anh ơi! Anh đừng nghĩ vơ nghĩ vẩn để em mang lỗi với anh. Em là phận gái, cái chức phẩm đối với đời, có cũng hay mà không cũng được, chả ai nghị luận gì, ai trách chi nữ nhi nan hóa, nhưng anh là bậc nam nhi hai vai nghĩa vụ, anh đừng làm như em mà giữ lấy một mối tình vô hy vọng. Anh là người có văn chương, có tư tưởng, anh nên nhớ rằng cái thân anh không phải là của một mình anh, phải làm việc cho nhà, cho nước, cho xã hội. Anh không thể lấy đời anh mà phí đi cho em. Làm nam nhi có hai chữ chung tình cũng không gọi là đủ được.
Anh ơi! Anh nghe nhời em cho em được yên lòng, anh nghe nhời em ấy là tỏ lòng rất thương yêu em đó.
Tôi nghe nàng nói mấy câu ấy mà ứa nước mắt ra tôi không hiểu sao mà khóc được, không biết là giọt lệ của người thiếu niên bi chạm vào đoạn lòng khảng khái, yêu nước yêu nhà, hay giọt lệ thương bạn hồng nhan đã quá yêu mình chịu thiệt?
Có nhẽ cả hai thứ.
Nhưng lời nàng nói đó, tôi lấy làm phải mà chuyển động được lòng tôi: một là những câu ở miệng người yêu ra thì dễ lọt tai lắm, hai là nếu tôi thu được tinh thần nàng, làm cho nàng phải kính yêu, khép nàng vào trong khuôn khổ của tôi; quay giở lại tôi cũng chịu ảnh hưởng nàng chút đỉnh. Ý nghĩ trong mấy câu nàng nói thì thường tôi cũng nghĩ đến luôn, thế mà lúc đó nghe ra mới lắm, phải lắm. Mà thực vậy, mình cũng có chút học thức, vẫn khăng khăng theo đuổi sự nghiệp, về văn chương, giáo dục, thế mà nay bi xô đầy vào trong bể tình, chìm đắm mãi, quên cả rằng có thể nhà mong, bạn đợi nước chờ về cái kết quả sự học của bạn thiếu niên đương lúc này, người còn hiếm của còn hiếm. Nghĩ mang lấy hai chữ thiếu niên mà thẹn mình, giận mình, ghét mình, mà tức lây cả đến Tố Tâm nữa, tưởng như có thể xa được nàng ngay, thế mà lúc thấy mặt nàng, lúc nghe nàng thỏ thẻ, hay nhận được bức thư tâm huyết gửi đến, cùng những lúc nước mắt nàng thấm ướt khăn tay, thì những điều nghĩ kia đã đi đâu mất cả. Tuy những câu đó lúc thử thời tan đi cả nhưng về sau lúc xa cách nàng, vẫn đinh minh bên góc dạ. Lúc tôi vì yêu nàng mà nghĩ đến những câu nàng khuyến khích thì nức lòng mà chăm chỉ học hành thêm.
Tôi kể tình cành bối rối của chúng tôi thế này thi chắc anh nghĩ rằng, nếu đã sợ để thiệt cho nhau, sợ làm hại nhau, thì sao không xa nhau ra để tránh cho nhau một điều đau đớn về sau.
Anh ơi! ấy là chỗ khổ tâm của chúng tôi đấy, anh đừng tưởng lúc yêu nhau đã dễ bỏ nhau như vậy đâu, cái thứ ái tình như ái tình của tôi với nàng không thể bỗng chốc đã lìa nhau ra được, chúng tôi đã hết sức đè nén mà không sao được, vả chăng tôi không hiểu vì sao không muốn buông nhau ra.
Nhiều lần tôi muốn xa nàng để nàng tính cuộc trăm năm với người khẩn cầu nàng đó, tôi dùng đến cái lối gợi lòng ghen của nàng, tôi bỏ những thư từ những ảnh hão vào ví tôi, định cho nàng xem, để nàng tức giận, vì nàng thường hay xem ví giấy của tôi, nhưng vô công hiệu. Nàng nói với tôi rằng:
- Anh bày trò như vậy chỉ làm cho em thêm yêu anh, mà em càng yêu anh bao nhiêu thì lại làm thêm đau đớn lòng anh em ta bấy nhiêu đó thôi.
Tôi xem kế “trẻ con” ấy không hiện, thì tôi tìm những điều lỗi mà giả giận nàng không thư từ thăm hỏi gì cả cố nén lòng mà xa nhau, thì tôi rất khổ mà nàng lại đau đớn hơn, nàng buồn rầu không ăn không ngủ được, suốt đêm vật vã mà người sút hẳn đi.
Tính tình đã bối rối như vậy mà ở nhà nàng thi cứ giục nàng phải nhận lời vì nhà cậu B. tức là ông tú tân khoa tôi nói chuyện đó, có công theo đuổi mãi, không hiểu sao đã biết nàng không thuận mà vẫn đợi chờ. Bà Án nhận nhời, Tố Tâm cứ nhất định không chịu. Bà mối thì không hôm nào không đến nhà bà Án, thôi thì tha hồ mà khoe:
- Bẩm cụ lớn, cậu nó ngoan, cậu nó giỏi ạ... bẩm mới đỗ ở trường to nhất Hà nội, bẩm nay mai làm ông Đốc, ăn tháng hai, ba trăm bạc, bẩm tính hiền lành, cẩn thận, hà tiện, v.v...
Anh còn lạ gì các bà mối Hà thành này, nói kiến trong lỗ cũng phải bò ra, các bà đã làm nên cho nhiều người mà cũng đã làm hại lắm cô thiếu nữ. Tố Tâm mấy hôm ấy thật là khổ, phần thì bị mắng, phần thì bị mụ mối quấy rầy, thôi thì nói gần nói xa, vuốt ve nịnh hót mà chả nhẽ nàng là con người lịch sự nền nếp, lại dùng nhời chua chát mà đối đãi với mụ hay sao, thành ra hễ mụ đến là nàng phải lẩn.
Nàng có một ông cậu tính sốt sắng thích cải lương, làm việc ở Hà nội thấy chuyện lôi thôi bảo bà Án rằng:
- Con Lan nó không bằng lòng thì ép nó làm gì, bắt nó lấy rồi để chúng nó ghét nhau ư.
Bà Án giả nhời rằng:
- Tôi giờ yếu, sinh con ra nhớn lên thì tính đường dựng vợ gả chồng cho chúng nó, có người hỏi đến đáng gả thì gả đi, còn yêu ghét là tự lòng nó và ở duyên giời, chứ tôi làm thế nào được, ai cũng không bằng lòng cả thì lấy ai.
- Thời buổi văn minh nó yêu ai cho nó lấy, tự nó chọn thì về sau hay dở nó phải chịu không còn oán hận gì nữa.
- Nào biết nó bằng lòng ai, con nhà gia pháp cha mẹ bảo thì phải vâng lời có đáng gả mới gả, cha mẹ bao giờ chả muốn cho con hay, ai muốn đầy đọa con, và chúng nó còn trẻ người non dạ, đã trông rõ lòng người đâu mà kén chọn cho sành. Cứ bảo nó bằng lòng ai thì lấy, người ta nói: “yêu nhau quá đỗi nên mê, tỉnh ra mới biết kẻ chê người cười”.
- Nhưng nó không bằng lòng thì làm thêm khổ nó mà lôi thôi chuyện về sau.
- Bây giờ nó không bằng lòng rồi lúc chúng nó ở với nhau nó phải bằng lòng.
- Không xong! Tùy từng đứa, tính con Lan này nó khác lắm.
Bà Án gạt đi nói rằng:
- Phải, tính nó khác! Vì cớ gì mà không bằng lòng tôi đã biết rồi. Tôi cũng nói thế thôi chứ tùy ý nó nghĩ sao cho phải thì nghĩ, sinh con ai nỡ sinh lòng. Bảo chả nghe thì thôi, mặc nó.
Tố Tâm ngồi trong buồng nghe mẹ nói như vậy thì rất khổ lòng. Ngổn ngang trăm đường nghìn nỗi, nằm cả ngày hôm ấy không dậy. Nghe công việc như vậy tôi viết cho nàng bức thư này: [1]
“Tố Tâm em,
Bấy lâu nay anh vẫn khuyên em về chuyện gia thất, nhưng anh ngồi nghĩ lại thì tưởng như chưa nói, vì những nhời anh nói chưa hết ý anh, chưa hết ý anh là vì trước mặt em anh không muốn nói, nói ra em chỉ khóc làm cho anh nghẽn lời vì vậy anh phải mượn bút thay người cho tiện.
Anh không muốn vì anh mà em phải buồn rầu, đau đớn, vì anh mà phải tính quẩn lo quanh để phiền nhà là một, thiệt mình là hai.
Lương tâm anh bảo không được để cái “phiền nhà, thiệt mình”; ấy vì anh mà nên nỗi. Tuy xét kỹ ra thì anh không làm gì nên chuyện, anh chỉ tội lỗi vì quá yêu em mà thôi, nhưng than ôi! Cái lòng yêu đó nó khéo bắt buộc người để khiến cho em phải buồn rầu mà anh phải lo nghĩ.
Thôi cuộc đời dâu bể, lòng thủy chung ta cứ giữ cùng nhau, trước những công việc này, em phải sớm liệu mà vâng nhời giáo huấn để yên chuyện gia đình và yên lòng anh nữa.
Em ơi! Sinh ra gái mưa sa là phận, rủi may âu cũng sự giời, ai biết hay đâu mà tìm, biết dở đâu mà tránh, trước sau cũng một lượt, chả sớm thì chầy một mình em ở đời như chiếc bách giữa giòng, chống sao cho nổi những khi mưa sa gió táp, chi bằng em theo cái lệnh “đặt đâu ngồi đây” là hơn. Thôi em nghe nhời anh, nghe anh đi cho đôi đường cùng vẹn, mai sau này mà em được cảnh xúm vầy êm ái thì là phần nhất, ví bằng gặp phải cảnh éo le thì em chỉ nên nghĩ rằng, ấy là vì ta đã kính yêu thân mẫu ta, không cần phải than thân trách phận, ta đem cái khổ một đời mà đền bù cái công sinh thành 20 năm khó nhọc cũng chưa gọi là đủ. Em chỉ nghĩ thế cũng đủ thỏa lòng. Vì: “Đề nhời thệ hải minh sơn, làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Trong cách đền ơn đó không gì bằng nghe nhời giáo huấn những lúc khó khăn này.
Anh cũng biết những nhời anh nói ra đây làm cho em đau lòng, vì em có chút thủy chung khăng khái, em muốn cùng anh suốt đời giữ lấy chữ chung tình, nhưng than ôi! Ở đời còn bao nhiêu là chuyện nó làm cho ta đau lòng mà ta vẫn phải ôm lòng mà chịu.
Anh thiết tưởng điều đau đớn của em đó cũng như bát nước sôi, thì giờ sẽ đến dần mà làm cho bớt nóng, khi hơi đã lạnh mà cái “quến” đã lấy nốt những điều còn sót ớ trong lòng em, thì em có thể hưởng được cuộc đời rất êm ái, nào cửa nhà, nào con nào cái, sớm trưa sum họp cảnh gia đình, cùng ai âu yếm suốt trăm năm, như gấm, như tranh, như vườn đào mùa xuân, như hồ sen mùa hạ, có phải một đời khỏi nỗi chơ vơ không? Người đời ai cũng vậy “chim khôn đỗ nóc nhà quan”... để gây lấy một cảnh gia đình trăm năm nương tựa.
Mai sau này trong cảnh xum vầy vui vẻ đó có lúc nào chợt nhớ đến anh, thì em chỉ cần nghĩ rằng: ấy là người đã thương ta nên thực tâm muốn cho ta được hưởng cảnh này, thế là em chung thủy lắm rồi, mà anh cũng hả dạ.
Ta yêu nhau, ta quý nhau, ta coi nhau như hạng người tri kỷ trên đời không thể có hai, thế nhưng cái bắt buộc của tình gia quyến tối thiêng liêng nó bảo ta phải bưng mắt ôm lòng mà chịu, biết nói sao đây. Thôi em yêu anh như thế cũng là yêu rồi, đừng yêu thêm nữa mà làm anh hối hận. Em nghĩ sao?
ĐẠM THỦY”
Tôi viết thư này muốn gửi rồi lại sợ không dám gửi, không dám gửi lại phải gửi. Nghĩ rằng nếu nàng theo thư này mà quên mình thì rồi mình làm sao nhỉ? Chắc rằng buồn rầu lắm. Thế mới biết lòng người có lắm tính tình tương phản, mà bên cái can đảm vẫn có cái tính sợ khổ tự nhiên, nên lúc gửi thư đi thì buồn tê buồn tái. Còn Tố Tâm bắt được thư không nói gì cả. Nàng có khóc thầm hay không thì tôi không hiểu. Lạ cho nàng xưa nay tôi bảo gì củng nghe, duy có chuyện này thi nàng dửng dưng mà lúc tôi thuyết lý thì nàng mĩm cười, lúc tôi động đến cảm tình thì nàng chỉ khóc.
Cách đó ít lâu, bà Án bị bệnh nặng, vào quãng đầu tháng chạp ta. Đây mới đến đoạn bi kịch, anh ạ.
Tố Tâm bối rối vô chừng một mình nàng ra vào săn sóc thuốc thang, nào chạy đây, chạy đó, trong lúc nhà nào cũng tiu cảnh kinh keng. Tôi rất ân hận không giúp nàng được việc gì cả. Lúc tôi gặp nàng ngoài phố, thấy mặt nàng phờ ra thì tôi muốn đến gánh cả gánh lo cho nàng, nhưng không muốn đến luôn nữa. Tôi không thể làm cái nghĩa vụ tự nhận là “ông anh” mà giúp nàng được ít nhiều công việc trong khi bối rối này. Có buồn không anh?
Bệnh bà Án càng ngày càng nặng, lúc mấy ông thầy thuốc ở Hà thành đã chạy cả thì bà Án gọi Tố Tâm, hỏi nàng rằng:
- Bây giờ mẹ xem chừng không khỏi được việc gia thất của con nghĩ thế nào, con nói cho mẹ biết để mẹ liệu. Cha con mất đi sớm, em con còn bé dại, chú con thì bận việc quan luôn, mẹ mà nằm xuống thì nhà cửa bộn bề lắm đó, con phải yên bề gia thất để mẹ chia ra cho các con yên phận và có người mà gửi việc học hành của em con, con nghĩ sao cho mẹ biết?
Tố Tâm nghe mẹ nói khóc nức khóc nở ngập ngừng thưa rằng:
- Xin mẹ cứ yên lòng mà thuốc thang cho khỏe, con xin vâng nhời hết cả mẹ bảo sao con xin theo vậy.
- Nhưng bây giờ con nói thế, lúc đến việc, con làm ngăn trở thì lại phiền thêm.
- Bẩm không, mẹ bảo thế nào con xin vâng thế, con không dám làm điều gì ngăn trở trong chuyện cưới xin cả.
- Thế được. Con bảo em đi đánh dây thép cho chú Huyện, bảo mẹ yếu nặng chú sang ngay.
Nàng lui ra thi bà Án cho đi gọi mụ mối đến bảo cho lo cưới, định đến 12 tháng chạp thì làm lễ nghinh hôn, việc cho lo trong ba, bốn ngày.
Lúc đôi bên điều đình xong thì cho sắm áo, sắm màn, tắm hoa, kéo hột, thu xếp cửa hàng, trong nhà có vẻ rộn rịp, nửa cảnh buồn mà nửa cảnh vui
Nhưng ai vui đâu chứ Tố Tâm thì buồn cả. Nàng như người vô hồn vậy, làm gì hỏng nấy, nói xong lại quên, tiền cầm ở tay mà kêu mất, áo để bên cạnh mà đi tìm.
Nhưng cứ điềm nhiên không dám thổ lộ ra một ý gì cả, sợ phiền đến mẹ.
Nàng cũng không cho tôi biết một chuyện gì về việc cưới; nàng chỉ viết thư bảo tôi đợi nàng ở đường Ô Yên Phụ. Lúc tôi gặp nàng thì nàng cười nhưng vẻ cười xem ra tê tái mà mặt nàng kém sắc. Tôi lấy làm nghi vì mỗi lần mà gặp như vậy thì nàng hớn hở vui cười như một cô bé sắp được đi xem hát. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện được một quãng, trên đường đê gió bụi lắm, nên chúng tôi phải rẽ xuống con đường Cổ ngư một bên hồ Tây, một bên hồ Trúc bạch. Nàng mở khăn tay đưa cho tôi một cái ghim vàng đầu có đóa hoa lan nho nhỏ rất tinh tế nàng nói rằng:
- Tặng anh đóa hoa này gọi là một chút di vật của người yêu anh, còn mấy bức ảnh của em đưa ngày trước thì anh bỏ đi kéo về sau bạn gối chăn của anh nom thấy thì để phiền cho anh mà buồn cho bạn.
Tôi nói rằng:
- Cảm ơn lòng em, nhưng anh muốn em để cho anh mấy câu đề cái hoa bày được thêm vẻ.
Tôi nói vậy rồi đưa bút máy và giấy cho nàng. Nàng vừa đi vừa nghĩ rồi kề giấy vào gốc cây mà viết mấy câu rằng:
Tặng ai một đóa hoa này,
Hoa ơi, hoa nhở lấy ngày hôm nay.
Trên giời phấp phới mây bay,
Bên người cỏ nước Hồ Tây soi lòng.
TỐ TÂM kính tặng
Tôi rất vui lòng mà nhận lấy. Mấy câu nàng thốt nhiên mà viết ra thì tả thật được tính tình chứ không phải thứ văn nghĩ sẵn.
Nàng đưa mấy câu cho tôi, rồi giục tôi đi nhanh, gặp một cái xe sắt nàng gọi lại roi bảo tôi rằng:
- Em có việc cần phải về ngay, anh cho phép em đi trước.
Tôi ngăn lại thì nàng nói:
- Thôi anh để em đi.
Rồi nàng khóc òa lên mà nói rằng:
- Thôi từ đây thì anh không thấy em đâu nữa! Nàng gục đầu vào vai tôi như sắp ngã xuống, tôi phải giữ lấy nàng, nước mắt nàng thấm ướt cả vai áo đầm đìa chảy xuống tận ống tay và ướt cả “ca vát” vì nàng lấy lau mặt. Tôi lấy khăn lau nước mắt cho nàng, rồi dìu nàng lên xe ngồi sợ nàng ngã. Nàng lên xe thì bảo thằng xe chạy thẳng.
Tôi đứng ngẩn người ra muốn chạy theo xe nàng để gọi xe đưa đến nhà, nhưng chân không bước được nữa. Tôi ngồi xệp xuống đám cỏ vệ đường vai áo và khăn tay vẫn đầm đìa nước mắt Tố Tâm...
Lúc đó giời đã gần tối, tôi trông phong cảnh Hồ Tây bấy giờ ủ dột lạ thường. Tôi nhớ khi còn học trường Bưởi, chiều chiều tan học, mấy anh em ra đứng bờ Hồ ném thia lia, thả thuyền giấy, cười đùa hớn hở, phong cảnh xem như cũng bỡn cợt với nhau. Mà hôm nay, vẫn da giời kia, vẫn mặt nước ấy núi Tam Đảo vẫn lờ mờ đằng xa, chiếc thuyền ván vẫn từ từ qua lại, thân thế vẫn thân thế năm xưa, mà sao trông phong cảnh rất âu sầu hình như đương vì tôi mà thương người vừa đi đó.
Ôi! Xưa thì thế mà nay thì thế, quãng đường đời có đi mới biết, biết ái tình, biết tư tưởng càng thêm để bận tấm lòng, những nhớ lúc thơ ngây chỉ ăn cùng ngủ và yêu gia quyến mà thôi, chưa biết đời là gì, xã hội những ai...
Tính tình tôi lúc đó thật khó tả, tôi chực lấy bút mà ghi lấy những chỗ éo le của lòng, nhưng bút Tố Tâm chưa giả, tôi ngồi mãi đến 7 giờ tối, kẻ qua người lại ai cũng nhìn tôi mà tôi không muốn nhìn ai cả, hình như toàn là kẻ nghịch thù với tôi, vì không ai biết mà sẻ hộ một chút buồn.
Tôi ngồi quên cả cơm tối, vế đến trường thì đã vắng tanh cả, anh em bạn ăn cơm xong ra chơi cả rồi, tôi vào giường nằm không nghĩ gì đến ăn uống.
Đến sáng hôm sau tôi nhận được thư nàng gửi đến, tức là bức thư vĩnh biệt này:
“Kính gửi anh Đạm Thủy.
Năm năm, tháng tháng, ngày ngày,
Lần lần, lữa lữa, rầy rầy, mai mai.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!
Anh ơi, hiểu tình, tương phản, em đã vâng lời mẹ em trong khi ngọa bệnh nguy cấp này, việc đã sẵn sàng cả rồi, đến 12 này sẽ làm lễ nghênh hôn. Em xin chịu tôi vô tình cùng anh vậy, nhưng trong lòng trương phu, quân tử có xá chi cái thân phận liễu bồ này. Tâm sự em bây giờ có hoa đèn kia biết mà chắc anh cũng thấu hết rồi, em không phải nói dài nữa, và em không muốn nói với anh làm gì, nói ra chỉ thêm phiền cho anh mà làm cho em tốn nước mắt, em chỉ muốn để đau đớn ngậm ngùi một mình mà thôi.
Từ nay là vĩnh biệt, ta chỉ thấy nhau trong giấc chiêm bao, tình xum họp cuộc truy hoan xin để chờ kiếp khác.
Thôi xin anh đừng tưởng nhớ đến em làm gì cho hao tổn tinh thần, anh nên cho là vận mệnh, mà nguôi dần nhớ thương là phải, anh có nghĩ đến em thì nên nhớ nhời em khuyên anh về công danh sự nghiệp để khỏi phí một đời tài hoa và khỏi thiệt đến nhà thì dù em có xa lánh cõi trần cũng được yên lòng nơi chín suối.
Bức thư này là thư từ biệt, nhời nói cuối cùng của em. Rồi đây cánh hồng bay bổng, tin nhạn vắng tanh là cuộc đời bắt buộc, chứ em còn sống ở cõi trần này, còn tưởng nhớ đến anh, xin anh đừng nghĩ mà khổ tâm em lắm đó.
Anh ơi, ai vui đâu tranh hết phần ta cả, cả tình này mấy lúc mà già. Thôi từ đây gần xa anh dù nghĩ đến, nhớ thương thì cũng mua vui bán sầu. Giấy ngắn tình dài khôn tả hết, gửi nhời kính lại tình quân xin tình quân soi xét của người bạc mệnh.
Kính lạy
Tố TÂM”
“Tái bút - Nhà đông người rộn rịp em phải thắp nến viết trong góc buồng, chữ lệch giấy nhàu, anh xem tạm mà thứ lỗi cho”.
Thư nàng viết khó xem thật, những chỗ nhòe tôi đoán là nước mắt nàng rỏ xuống ướt thư.
Tôi xem xong thư, cả ngày hôm ấy không dậy được. Có một thứ cảm giác lạ lùng nó đè tôi xuống. Tôi nghĩ đến nhời từ biệt của nàng thì tôi tưởng tượng ra như sau lưng tôi giời đất sụt xuống mà thành ra một vũng tối thăm thẳm, như tôi đứng giữa sa tràng. Có thế thật anh ạ. Tôi thấy thứ cảm giác lạ lùng lắm như tính tình của những người sắp từ trần, sợ cái khoảng không không mịt mù lạnh lẽo trước mình vậy.
Lúc này tôi hiểu rõ là lòng tôi thương nàng sô sát với lòng tôi tiếc nàng. Tôi thương nàng phải tơi bời rầu rĩ, phần thương mẹ phần yêu tôi, phần nghĩ đến chuyện đường kia nỗi nọ sau này mà kinh, vì những lúc bàn về thế sự nàng vẫn nói với tôi rằng “phàm cảnh vợ chồng, hợp thì vui, không hợp thì thực khổ, như đày trong cái bể thảm, không biết đâu bờ bến mà kêu ai”.
Nàng chạnh lòng thương cảnh đó mà thường kể chuyện cho tôi nghe những chiếc thuyền đã bị chìm đắm trong bề này chỉ còn nhô lên một ngọn buồm con, khiến cho khách qua đường trông thấy phải than thầm cho cái mối vợ chồng đã sung sướng thì thật là sưng sướng, mà đã đắng cay thì quá nỗi đắng cay! Tôi nghĩ rằng giá nàng không biết tôi thì chắc nàng không khổ tâm như vậy, mà bây giờ nàng được hưởng thú vu qui này một cách êm đềm vui vẻ như trăm nghìn cô thiếu nữ khác rất hớn hở lúc được về nhà chồng thì tôi muốn cho nàng quên hẳn tôi đi, để nàng được cùng ai trăm năm ân ái. Tôi có chút hy vọng chắc nàng sẽ được như vậy, là vì tôi vẫn hiểu đàn bà hay nông nổi, bây giờ nàng đương yêu tôi mà phải ly biệt thì buồn rầu đau đớn, nhưng ít lâu nữa lòng nhớ thương hơi nguôi nguôi thì âu duyên mới mà quên hẳn tình xưa. Vả nhân loại là giống ham mới, biết đâu người đến sau tôi đó không phải là người thanh niên tráng kiện “mơn mởn” khéo chiều chuộng mà đoạt được cả tinh thần và thể chất của nàng.
Điều đó tôi đã thấy nhiều mà cách đối đãi đưa đẩy cho bằng lòng đôi bên, nhiều cô cũng khéo lắm!
Tôi nghĩ vậy nên vui lòng mà chính tôi nghĩ vậy lại càng thêm buồn bực. Tôi tiếc nàng, tiếc vì đóa hoa yêu quí của tôi mà lại rơi vào tay người khác nghĩ đến khi bẻ cành cấu cuống thì thấy trong lòng hiện ra một thứ tính tình cạnh tranh, rồi tôi lại sợ nàng quên tôi mà không muốn buông nàng ra nữa. Trong bụng nghĩ rằng nếu nàng quên tôi thì tôi giận nàng lắm, thành ra khi tôi nghe chuyện gì dính dáng đến việc cưới nàng, đại khái như “Hỉ tin” đăng trong báo, hay những câu của các bạn bình phẩm nàng thì tôi không thể chịu được. Ôi! Ái tình là gì mà sinh ra lắm vẻ kỳ quặc làm vậy.
Tôi cứ buồn rầu nghĩ ngợi tình nọ xô xát với tình kia hàng ngày như vậy.
Tôi tiếp được thư từ biệt của nàng thì tôi cũng giả nhời bức thư từ biệt này:
“Tố Tâm em,
Hôm qua, em bỏ anh về trước, làm cho anh vơ vẩn bồi hồi, anh về nhà nằm suốt cho đến sáng hôm sau mới dậy, vừa tiếp được thư em, anh xem thư cảm động quá chừng, bát ngát đến giờ chưa hết. Nghĩ mà buồn cho ta, nhưng thôi nói sao cho xiết, cứ để mà xem, ta còn sống ở đời ta còn trông thấy lắm cảnh ghẹo người hơn nữa.
Ôi! Ai xui, ai khiến, ai bắt buộc lòng người để em phải nói đến chữ “khổ tâm” chữ “bạc mệnh” Thôi chẳng qua ái tình run rủi để đem người ra mà diễn một tấn bi kịch trên đời, đế phản đối với cuộc truy hoan trong khi dan díu. Giá trước kia anh em ta không quen biết thì em khỏi bận lòng. Nhưng em ơi, cái bận lòng đó là biểu hiện của ái tình cao thượng nó phân biệt người hay, người dở, người thấp, người cao đó, em ạ.
Nghe những câu “cánh hồng bay bổng” “tin nhạn vắng tanh” của em viết như nghe tiếng quyên kêu, tiếng dế gọi, mà xui ai đến bãi xa trường. Ôi! Biết làm gì, quen làm gì, gian díu làm gì cho tấm lòng thêm khắc khoải. Chả biết em xem thư này có thấy hết lòng anh chăng?
Thôi từ ngày 12 trở đi là ngày từ biệt của ngòi bút chung tình này. Bút ơi, người đã vì ta mà tả những chân tình từ bấy đến nay, thì ngươi cũng vì ta mà giữ lấy những nhời chung thủy. Ta đã nói câu gì thì ta không quên, ta không quên vì ta là người chung tình, ta là người chung tình, nên ta buồn, ta buồn ai có biết chăng, ta vui ta chỉ mong rằng ai vui.
Người vĩnh biệt
ĐẠM THỦY”
“Tái bút - Bao nhiêu thư từ của anh từ trước đến nay, em sẽ vì anh mà đốt đi cả. Anh biết thế là đau lòng, nhưng anh muốn tránh cho em một điều phiền lụy về sau. Nếu cảnh gia thất em hòa thuận thì thư đó sẽ là mối ngả nghiêng, nếu bất hòa thì thư đó sẽ là mối chia rẽ, mà bao nhiêu cái dở sẽ về phần em, anh dặn em những câu này, ấy là lòng chân thật, anh rất thương em đó. Em nên nghe anh”.
Tôi gửi thư cho nàng rồi không biết tình cảnh nàng ra làm sao cả chỉ vì còn hai hôm nữa thì cưới.
Cửa nhà rộn rịp mà nàng chủ trương công việc trong nhà, lúc nàng đương bối rối buồn rầu như vậy, tôi không muốn hỏi đến nàng. Tối hôm 11, tôi gửi mừng nàng mấy cành hoa lan buộc giải lụa tím và một đôi câu đối viết vào tờ giấy phơn phớt xanh, tôi không mừng nàng những đồ vàng bạc châu báu vì nàng đã dặn trước đừng mừng nàng gì cả, hễ mừng nàng là mỉa mai nàng một cách chua chát.
Lúc con bé mang lễ mừng của tôi đến đưa riêng cho nàng thì nàng gọi nó vào trong buồng. Con bé ấy nói chuyện với tôi rằng cành hoa thì nàng bỏ vào quả tròn, phủ vuông góc thêu, tôi đoán ngày hôm sau nàng sẽ mang hoa đi với nàng, câu đối và thư thì nàng bỏ vào túi áo.
Tôi đọc cả anh nghe:
“Duyên mới kể từ đây, yêu bạn gọi là mừng bạn nhá,
Tình xưa dù nghĩ đến, thương nhau nên phải phụ nhau mà”.
Còn bức thư tôi viết khi buồn quá, bởi lúc đó tôi thương tiếc nàng vả lại là bức thư cuối cùng của tôi.
“Mấy nhời vĩnh biệt gửi em Tố Tâm
Ngày mai là ngày vui mừng êm ái trong đời em, vậy anh xin gửi đôi câu đối và mấy cành hoa đến mừng em, gọi tỏ tấm lòng thân ái trọn năm giời đã kết thành một mối thương tâm.
Thôi hôm nay là ngày từ biệt của ngòi bút chung tình này, từ đây sẽ vắng tanh tin nhạn, bao nhiêu chuyện tình xưa nghĩa cũ, sẽ theo mây bay gió thổi mà mơ màng như giấc chiêm bao... Những khi canh tà giăng xế, khi mưa sa trước cửa, khi gió thổi bên màn, khi em soi gương thấy bóng hay ngồi không mà ngẫm nghĩ một mình, nếu em nhớ đến ai xưa thì chỉ nói một câu rằng: ấy là người yêu ta ngày trước đã vì ta mà mừng, giận, vui, buồn, vì ta mà đành chịu là người không chung thủy.
Em chỉ nói thế thôi, chỉ nghĩ thế thôi, rồi quên đi, quên đi mà, thương làm gì, nhớ làm gì, phảng phất làm gì cho tấm lòng thêm khắc khoải! Anh muốn em quên hắn anh đi, để cho em có thể hưởng lấy thú sum vầy trăm năm cùng ai thân ái. Thôi, mấy nhời gửi lại nói sao cho tỏ hết nỗi lòng”.
Anh xem thư này thật bởi lòng tôi quá thương yêu nàng mà viết, thế mà vẫn có một vài câu chua chát, ấy cũng bởi lòng tôi tiếc nàng.
Sáng 12 là ngày cưới nàng, tôi định ra xem đám cưới vì có giấy mời, nhưng tôi biết chừng không thể đứng xem được, vì không thể đứng mà trông được những chuyện buồn rầu nó ghẹo mình.
Sáng sớm hôm ấy giời mưa phùn một hồi lâu mời tạnh, chiều giời ủ dột thật đúng với câu:
“Giời hôm mây kéo tối ầm,
Rầu rầu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương”
Vì thế hôm ấy tôi nhờ anh ra xem hộ, nên anh mới biết câu chuyện này của tôi, nhưng tôi chắc lúc ấy anh cũng tưởng là một việc thường, không nghĩ đâu đến tấn bi kịch. Hôm ấy, tiếc rằng anh có lòng chịu khó với bạn mà chậm quá nên chỉ thấy xác pháo đầy sân, vết xe lấm đất, trong nhà có một bà cụ đương nằm bưng mặt sụt sùi. Nếu anh ra sớm chắc được trông thấy vẻ mặt và tình cảnh nàng lúc bước chân ra.
Từ đó tôi không thấy tin tức gì như cách nàng mấy vạn dặm.
Chú thích:
[1] Những thư trong chuyện này nhiều bức rất dài, nhưng người chép chuyện không muốn bớt đi vì sợ sai sự thực nên cứ nguyên văn mà trích ra.