Phần 4

    
hế là từ bây giờ, đáng lẽ chỉ nghe tâm sự của một người bạn, thì Trung chỉ được nghe tâm sự của một người bạn lẫn một cán bộ quốc gia chống Cộng. Chắc là Trung không được hài lòng lắm, bởi thế nào Trung chả muốn được nghe thuật lại cuộc đảng tranh một cách vô tư, bởi một người ngoài cuộc?
Nhưng thật ra, Trung ạ, trong cuộc sống dồn dập năm kia, năm ngoái và năm nay, tôi dám quyết với Trung rằng không ai có thể là người ngoài cuộc, trừ những kẻ hèn nhát. Tôi nhất định không thể không chủ quan. Nhưng tôi thành tâm trong đời sống, cũng như tôi thành thật với Trung trong lúc này. Tôi sẽ cố gắng để xứng đáng với danh nghĩa trí thức (hay tiểu trí thức cũng thế), tôi sẽ không cố tình tâng bốc riêng đoàn thể tôi hay chung chung mặt trận quốc gia, tôi sẽ không cố tình bịa đặt về Cộng sản Việt minh. Trung hãy tin tôi ở điểm ấy.
- Trung đã tin rồi, nhưng Trung muốn hỏi vì đâu bạn của Trung chọn Phục Quốc Quân, vì đâu vào tập thể ấy, vì đâu tập thể ấy chống Việt Minh?
Chắc chắn Trung muốn hỏi tôi như thế, nhất là trong bức thư đầu tiên, tôi có nói đến ngày Độc lập với biết bao nhiêu là sung sướng, biết bao nhiêu là hy vọng. Trong ý nghĩ của Trung, chắc hẳn hai chữ độc lập đã đi liền với hai chữ Việt Minh, cho nên phải lấy làm lạ lùng rằng thư này lại nói đến chống Việt Minh.
- Tại sao chống Việt Minh?
- Tại, đối với đoàn thể, Việt Minh không muốn cho đoàn thể nào tồn tại, trừ phi đầu hàng, nhập bọn và chịu sự lãnh đạo của họ. Tại, đối với cá nhân, người ta chống Việt Minh vì biết họ là Cộng sản, vì Việt Minh không để cho người ta yên, hoặc sau hết, có những người chống Việt Minh chỉ vì không chịu cho một đảng nắm chính quyền lại có thể có những cán bộ lưu manh, ô hợp, như cán bộ của họ lúc bấy giờ. Cũng có người chống Việt Minh bội ước. Đó là trường hợp công khai tranh chấp đầu tiên, trường hợp của các lãnh tụ Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh hội.
Người ta nhớ rằng năm 1941-1942, Việt Minh đã xin gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh hội. Cũng năm đó, Hồ chí Minh bị giam trong hang đá, được Đồng Minh hội bảo lãnh cho được tự do, được tham gia Chấp hành Ủy viên hội làm ủy ban dự bị, và sau hết, được bảo đảm cho về nước, với tiền bạc và võ khí, để thực hiện công tác chỉnh biên chỉnh đội. Như vậy, trong ý nghĩ của các lãnh tụ Đồng Minh hội, nếu Hồ Chí Minh thành lập được chiến khu, cướp được chính quyền, ấy cũng là nhờ sự giúp đỡ của hội.
Thế mà từ khi cướp được chính quyền, họ Hồ tuyệt đối không biết đến Đồng Minh hội. Ông ta thản nhiên thành lập một chính quyền lâm thời, với những cán bộ Cộng sản không giấu diếm, như Dương Hoài Nam (tức Võ Nguyên Giáp), Lâm Bá Kiệt (tức Phạm văn Đồng), Đinh Chương Dương, Lý Quang Hoa (tức Hoàng văn Hoan), Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang), Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đức Kính, Nguyễn Đức Chính, và sau hết là Trường Chinh. Trong số cán bộ này, người có, kẻ không có tên trong danh sách các bộ trưởng đầu tiên, nhưng tên tuổi họ được dân chúng nhắc đến hàng ngày. Không những thế, mặc cho lời giao ước chia sẻ trách nhiệm chính quyền còn nóng hổi với các lãnh tụ đảng phái quốc gia, họ đã bắt đầu lùng bắt và thủ tiêu những người đối lập với họ, ngay từ buổi tối ngày 19/8.
Thái độ của Việt Minh, vì quá rõ rệt như thế nên sau khi về đến Hà Nội, các lãnh tụ như cụ Nguyễn Hải Thần, về với các ông Nhượng Tổng, Vũ Hồng Khanh [1] không thấy còn giải pháp nào khác là thành lập một mặt trận quốc gia chống lại họ [2].
Việt Minh đối với các đảng khác lại còn tệ hơn nữa. Thí dụ sau khi Phục Quốc Quân đã về đến Lạng Sơn, vẫn còn đương trong thời kỳ giao hảo với các tổ chức Việt Minh địa phương, thì ở châu Bảo Lạc, họ đánh lừa một chỉ huy Phục Quốc Quân đến dự tiệc liên hoan, rồi bắt giết đi, cùng với hơn 200 anh em cùng đi với vị chỉ huy này. Sở dĩ một lúc có tới hơn 200 người bị lừa, là vì trong cả toán quân, không một ai dám nghĩ rằng người ta có thể phản bội nhau như thế trong một nước độc lập. Vả lại lúc đó cũng chưa có một dấu hiệu gì rõ rệt rằng Việt Minh chủ trương sát hại quốc gia, cũng như chưa có sự xích mích nào giữa Việt Minh với Phục Quốc Quân hết.
Sự giết hại toán Phục Quốc Quân ở Bảo Lạc, giết hại các lãnh tụ Đại Việt ở Hà Nội, giết hại các cán bộ Quốc Dân đảng trên đường về của họ từ Lào Cai tới Hà Nội, bấy nhiêu vụ tàn sát làm cho các đảng quốc gia, ngay trước khi xét đến vấn đề chủ nghĩa, đã phải tụ họp trong một mặt trận đồng nhất chống Việt Minh. Nhà số 21 đường Quan Thánh, Hà Nội, là căn cứ đầu tiên của Đồng Minh hội, lúc đó mặc nhiên là cơ cấu trung ương của các đoàn thể chống Việt Minh, lớn cũng như nhỏ.
Tiếng loa phóng thanh, từ ngôi nhà hai tầng giữa một khu vườn rộng rãi này, có tác dụng đánh thức đa số đồng bào ta còn đương hoan hỷ tin vào lời Việt Minh kêu gọi “Đại đoàn kết chống ngoại xâm”. Lời tố cáo gay gắt những vụ ám sát và phản bội được nhắc đi nhắc lại và truyền rộng ra rất nhanh trong các giới tư sản, trí thức.
Người ta bắt đầu nghi hoặc và đặt ra những câu hỏi cụ thể về đại đoàn kết. Cán bộ Việt Minh bắt đầu lúng túng vì những lời chất vấn, đại để:
“Tại sao giết những nhà cách mạng thân Nhật không làm hại gì đồng bào? Tại sao giết các công chức làm với Pháp? Tại sao giết các nhà giàu thôn quê?”
Riêng ở Hưng Yên, Học Phi, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Tỉnh, đã công khai hạ lệnh xử tử ít lắm là năm ngàn người, ấy là không kể số người bị thủ tiêu đơn giản ở các phủ, huyện, làng, xóm. Cuộc khủng bố này đã khiến cho tỉnh Hưng Yên, trong một năm trời, vắng hẳn bóng những người biết đọc, biết viết. Rồi cũng do đó, tỉnh Hưng Yên sẽ là tỉnh nhiều nhất những người chống Việt Minh, không vì chủ nghĩa hay chính trị, mà chỉ vì oán thù trong tang tóc.
Một số người khác chống Việt Minh, vì không chịu nổi việc Việt Minh đưa lên hàng “trị dân, trị nước” một bọn côn đồ mới bữa trước còn ăn trộm, ăn cắp, du thủ du thực.
Đây phần lớn là những nhà trí thức sâu sắc, đã yên trí từ lâu rằng công việc cai trị phải được đảm nhiệm bởi những người có bảo đảm về trí tuệ cũng như về đạo đức. Thấy Việt Minh giao phó từng địa phương rộng lớn cho những người không những đã vô học lại còn mang tiếng là lưu manh, nhà trí thức lấy làm lo sợ mà so sánh tình trạng ấy với tình trạng ổn định ở các nước tân tiến. Họ thấy Việt minh làm việc trái với lẽ phải thông thường, thì Việt Minh tự nhiên tự nó cũng có ngày tan rã. Họ tham gia các đoàn thể chống Việt Minh chỉ cốt để, theo ý họ, làm cho Việt Minh chóng tan rã hơn. Và do đó, tránh cho đất nước đỡ bị tàn hại bởi bọn “cáo đội lốt hùm”.
Thứ ba đến những người chống Việt Minh vì lý tưởng, gồm những đồng bào có công phu nghiên cứu chính trị từ trước năm 1945. Có lẽ tôi cần phải nói rõ với Trung rằng, trước năm 1945, ngoại trừ các môn đệ của Karl Marx vẫn chống nhau trong ba quan niệm trốt-kýt tức Đệ tứ Quốc tế, ngoại trừ các môn đệ này của Karl Marx, đồng bào ta rất ít người chịu để tâm học tập chính trị. Cũng bởi thế, ngoài số đảng viên của mấy đảng Xã hội, Đông dương Cộng sản, Việt Nam thường trực Cách mạng, chỉ có một số nhỏ đồng bào hiểu biết chính trị mà không vào đảng phái nào hết. Đó là những người còn trung lập cho đến ngày tổng khởi nghĩa. Họ hoan hỷ chào mừng ngày độc lập, nhưng họ vẫn kín đáo xem xét về hành vi và thái độ của Việt Minh. Kịp đến khi Việt Minh kêu gọi đoàn kết thì tự họ sẽ chia làm hai phe.
Phe thứ nhất thành khẩn với tiền đồ của dân tộc, tiếc thay không đủ yếu tố để hiểu biết Việt Minh rõ ràng hơn, nên có những người đã theo hẳn chính quyền mới. Trong số, Trung sẽ nhận thấy có các luật sư Vũ Trọng Khánh, Phan Anh, các cụ Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng.
Việt Minh, để được sự cộng tác của các vị nhân sỹ này, không ngần ngại đội lốt dân chủ quốc gia thuần túy, và đã ủy thác sứ mệnh cầu hiền cho những cán bộ khôn ngoan nhất. Họ đã thành công, như Trung xem báo tin tức cũng biết, khi thành lập được một chính phủ có bộ trưởng Nội vụ là cụ Huỳnh, Bộ trưởng Tư pháp là ông Khánh. Rồi sau đây, Trung sẽ hiểu rõ sự hệ trọng, về lý thuyết và chiến thuật của sự thành công này, sự thành công thật ra không có gì làm to lớn lắm.
Còn bây giờ, đây là trường hợp của những người, như bạn Trung, chống Việt Minh vì chống Cộng sản. Đối với họ, sự dụ dỗ về bất cứ phương diện nào cũng vô hiệu. Họ là người còn trẻ hơn các cụ Huỳnh, Bùi, còn trẻ hơn các ông Anh, Khánh. Chính vì họ còn trẻ, ham đọc, ham hiểu và chịu khó tìm tòi, suy nghĩ, cho nên họ đã tự đặt lấy được một hệ thống lý luận về Việt Minh và Cộng sản.
Để hiểu Việt Minh, họ biết gạt bỏ, coi là không quan trọng, những vụ tàn sát, giết chóc, (bao giờ cũng có trong một cuộc đảo lộn chính trị).
Nhưng Họ không chấp nhận những vụ đồ tể làm quan cách mạng, vì họ biết Việt Minh cũng không muốn thế, và sự lệch lạc này chỉ tồn tại nhất thời. Họ chỉ riêng lo, khi nhìn gần, thấy bao nhiêu cơ sở đầu não trong chính phủ đều lọt vào tay cán bộ Cộng sản: đó là chiến thuật nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo chính quyền”, chiến thuật riêng của đảng Cộng sản. Rồi họ nhìn ra bao quát, nến hành chính trong nước đã do bộ trưởng Bộ Nội vụ, là Võ Nguyên Giáp, ký nghị định ngày 3 tháng 10 lập thành các cấp ủy ban. Chế độ ủy ban là chế độ Xô Viết, không hơn không kém, và đó là một thuộc lý thuyết tổ chức của Cộng sản.
Thế là nhờ một ưu điểm của họ: biết gạn lọc giữa trăm ngàn việc lấy những việc có tính chất nguyên tắc hay lý thuyết; họ đã nhận định được một lần mà đúng vĩnh viễn: Cái nhân của Việt Minh là Cộng sản, Việt Minh trưởng thành tất phải là Cộng sản.
Họ là những người chống Cộng. Vì sao chống Cộng sản, trong khi Cộng sản chỉ tuyên bố giành độc lập, tìm no ấm cho dân? Đây cũng là một điểm lý thuyết. Bởi theo Karl Marx, họ không thấy hai chữ “độc lập” trong cứu cánh: Độc lập chỉ là một phương tiện quyến rũ. Còn no cơm, ấm áo, muốn có phải theo Marx, phải đi qua con đường đấu tranh bằng bạo lực và khủng bố giữa các giai cấp. Họ là những người không tin rằng giai cấp kinh tế là một sự kiện dĩ nhiên, một sự kiện nguyên nhân của lịch sử.
Họ không tin rằng xã hội muốn được cải tạo, phải được cải tạo trong máu, lửa của Cách mạng vô sản.
Như vậy, họ chống Cộng sản trên lý thuyết. Họ biết, sớm hay muộn, Việt Minh tất có ngày nhận lấy tính chất Cộng sản thuần túy. Họ chống Việt Minh là vì thế. Trong trường hợp của họ đã rõ rệt, họ chịu nhận một nhược điểm: Họ chống lại một chủ nghĩa khác để thay thế. Nhược điểm thật nặng nề.
Thành thử họ chỉ là những cá nhân biệt lập chống Cộng: Họ không đủ điều kiện lý thuyết để lập nên những đoàn thể chống Cộng của riêng họ. Đó là nguyên nhân khiến cho sau này họ tham gia vào những đoàn thể quốc gia, tuy cũng không có một chủ nghĩa mới mẻ và quyến rũ, nhưng ít ra cũng có những cứu cánh rõ rệt, là sự tồn tại của dân tộc, của tổ quốc, và sự bảo đảm cho mỗi người dân được tự do lựa chọn lấy con đường riêng của mình, trong khi đi tìm một cuộc sống có hạnh phúc.
Lẽ cố nhiên tôi không thể chối được sự mỏng manh của họ, tức là chúng tôi, về tinh thần. Chúng tôi biết, trong một thời gian ngắn ngủi, khó mà chúng tôi có thể chứng minh với đồng bào chúng ta rằng Việt Minh là Cộng sản, rằng không nên theo Cộng sản, bởi Cộng sản đưa đến một tình trạng bế tắc, khiến người trong một nước phải giết nhau, dù đối với nhau không thù không oán, để giải quyết một vấn đề kinh tế.
Lời chúng tôi sẽ nói xa xôi quá. Lời Việt Minh nói nghe gần ngay bên tai, mà ấm áp dễ thương quá. Việt Minh nói: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Còn chúng tôi đã gào lên, đã thét lên rằng họ điêu ngoa quá đỗi. Nhưng đồng bào ta thèm khát những danh từ ấy đã lâu rồi, nên thấy có, như có nước trong giữa cơn cháy cổ, hãy uống đã, có xá gì nước độc sẽ di hại về sau?
Trung chắc sẽ hỏi rằng biết thua, hà tất chống lại làm gì cho thêm mệt? Nhưng không đâu, Trung ạ. Chúng tôi tin ở sự sai lầm của một chủ nghĩa nên chúng tôi chống lại sự sai lầm ấy. Chúng tôi có thể thua (cho đến lúc viết thư này thì thua thật rồi còn gì!), nhưng chúng tôi dù sao cũng tạo nên một dấu vết cho tranh đấu. Dấu vết in vào lòng người, có những người khác, hoặc tài giỏi hơn, hoặc có hoàn cảnh thuận tiện, sẽ đứng lên tiếp tục. Sự thất bại của chúng tôi không vô ích, mặc dầu sự thất bại, riêng tôi đã thấy rõ từ khi khởi đầu tranh chấp.
Sự thất bại, Trung ạ, đau đớn nhất là không cứ thua Việt Minh về lý thuyết hay tài năng. Chúng tôi thua, phần lớn tại hỗn loạn trong nội bộ.
Trung còn nhớ tôi thuật lại rằng Đồng Minh hội được mặc nhiên coi là cơ cấu trung ương của các đoàn thể chống Việt Minh. Chính bởi thế, Đồng Minh hội là một cái gì hỗn độn quá sức tưởng tượng.
Trung đã biết cụ Nguyễn Hải Thần chỉ là Ủy viên giám sát trong Đồng Minh hội, khi còn ở ngoài Tầu. Nhưng đến khi về nước, toàn thể các lãnh tụ quốc gia phải nhận không ai có uy tín bằng cụ, đối với quốc dân trong nước cũng như đối với chính phủ Trung Hoa bên ngoài. Tất cả bèn tôn cụ lên địa vị lãnh tụ tối cao, Chủ tịch Đồng Minh hội, có ông Nhượng Tống làm bí thư cho cụ, và ông Vũ Hồng Khanh vừa giữ địa vị lãnh tụ Quốc Dân đảng, vừa kiêm nhiệm Tổng bí thư Đồng Minh hội.
Đồng Minh hội có danh là một tổ chức thống nhất các lực lượng quốc gia chống Việt Minh. Nhưng sự thật, không có gì thật cả. Đồng Minh hội, trên thực tế, chỉ là đoàn thể riêng của cụ Nguyễn Hải Thần, cũng như Quốc Dân đảng của riêng ông Vũ Hồng Khanh.
Người ta suy tôn cụ Nguyễn, đoàn thể nào cũng gọi cụ là lãnh tụ tối cao, mà chẳng đoàn thể nào tuân theo mệnh lệnh của cụ hết. Lý do của đương sự: Cụ có uy tín, có đạo đức, nhưng không có tài. Người ta nói rằng những kế hoạch tổ chức, những chiến thuật đấu tranh của cụ đã bị đối phương bỏ xa quá, cho nên người ta phải bỏ cụ, để tiến tới. Và người ta đã có lý, vì quả nhiên cụ Nguyễn chỉ còn là một uy danh thuần túy nữa mà thôi.
Nhưng, cũng là lẽ tự nhiên. Cụ Nguyễn nhất định không thể biết rõ mình như thế. Hơn nữa, các lãnh tụ quốc gia tuy không phục tòng mà vẫn tìm đủ mọi cách lọi dụng. Trong sự tranh chấp với Việt Minh, giai đoạn đầu, bao nhiêu sự xích mích đều do tướng Tiêu Văn, chính trị chỉ đạo viên của Đồng Minh hội, từ ngoài Tàu theo Phòng quân vào Việt Nam phân xử. Những quyền lợi do Tiêu Văn giành cho phe quốc gia, là mặc nhiên giành cho cụ Nguyễn. Các lãnh tụ quốc gia bề ngoài vẫn phục tòng cụ, chỉ để chia phần quyền lợi ấy.
Thái độ mập mờ, mê hoặc cụ Nguyễn của các lãnh tụ quốc gia, những lãnh tụ trong cùng một mặt trận không bao giờ thành thật với nhau, đã nhiều lần làm cho cả mặt trận điên đảo. Thí dụ, hồi cuối tháng Chạp năm 1945 sang tháng Giêng năm 1946, Việt Minh lo ngại tổ chức bầu cử Quốc hội không xong, nên điều đình “mời” mặt trận quốc gia 70 ghế nghị sĩ, trong đó có 50 ghế dành cho Quốc Dân đảng, 20 ghế dành cho Đồng Minh hội. Mặt trận họp bàn, đồng thanh không nhận. Nhưng các nhà lãnh tụ Quốc Dân đảng, đột nhiên và tự ý riêng đi lấy về 50 phiếu. Sau đó, cụ Nguyễn còn một mình bị bọn Bồ Xuân Luật theo Việt Minh, nại danh nghĩa ủy viên thường vụ, chia mất 10 ghế. Các đảng khác trong Đồng Minh hội đành chia với cụ 10 ghế còn lại. Thiết tưởng khỏi nói đến sự bất bình trong nội bộ mặt trận quốc gia!
Một thí dụ khác, vào cuối tháng hai năm 1946. Bấy giờ đồng bào trong nước đã chán cuộc tranh chấp đảng phái lắm. Người ta bèn tổ chức ra một mặt trận mới: Mặt Trận Dân Tộc, ý nói là toàn dân tộc cùng ở trong tổ chức. Mặt trận Dân tộc họp phiên đại hội đầu tiên trong một căn nhà ở phố Hàng Bún trên. Chủ tịch: Một vị giáo sư có danh tiếng về kinh nghiệm sư phạm. Nhưng không có kinh nghiệm về chính trị, bởi lẽ mặt trận của ông đại ý bao hàm cả dân tộc, đến khi họp có mời đại biểu của ngót 10 đoàn thể nhỏ, lại quên mất mấy đảng lớn nhất. Có một đại biểu hỏi đến, vị chủ tịch đã không trả lời được hợp lý, lại nhất thiết yêu cầu hội nghị “cứ” bàn việc “tổng đình công, tổng bãi thị, cho đến khi Việt Minh rời bỏ chính quyền mới thôi”! Hội nghị bèn cứ bàn, rời rạc, lạnh nhạt, các đại biểu từ chối những nhiệm vụ rõ rệt. Họ đều nghĩ có lý: “Đảng nhỏ lật ngụy quyền, đảng nào lập chính quyền mới?” Họ không muốn bị lừa, dù chỉ trong nội bộ quốc gia. Cho nên, đến ngày khởi sự, lại chỉ vẻn vẹn có một số cán bộ của mấy đảng lớn ra mặt, chặn đường vào chợ, hãm máy xe điện và đóng cửa các nhà hàng. Họ đã đành bị Việt Minh phản công dễ dãi: Một số cán bộ đóng vai hàng thịt sấn vào hành hung một họa sỹ danh tiếng, mấy đội viên giả làm thường dân phẫn nộ rút dao găm đâm loạn xạ vào những người đi hô hào đóng các cửa hiệu. Nói tóm lại, cuộc “Tổng đình công, tổng bãi thị” mới thoát thai đã yếu tử, với một ưu điểm là không có một tiếng súng nổ, đúng theo chỉ thị của Phòng quân Trung Hoa. Và kết quả, là Việt Minh chứng tỏ được với Chu Phúc Thành, Tư lệnh Phòng quân, rằng dân chúng không theo quốc gia một chút nào!
Chu Phúc Thành, nhân nói để Trung biết, là một đại tướng vào hạng khá của quân đội Trung Hoa, Tư lệnh đạo quân thứ 53 mà đồng bào ta quen gọi là “quân áo xám”, đến thay thế cho “quân áo vàng” của tướng Lư Hán. Họ Lư là viên tướng vào Việt Nam trước tiên, theo lệnh của Đồng Minh, để thi hành hai nhiệm vụ: Giải giáp quân đội Nhật, giữ trật tự ở miền quân Nhật đóng, đồng thời giúp phương tiện, hoặc giáo dục hoặc giám sát, cho dân địa phương tự tổ chức lấy một chính quyền dân chủ. Hai chữ “Phòng quân” chắc là để ám chỉ nhiệm vụ để phòng quân Nhật trở mặt, hoặc đề phòng loạn lạc ở địa phương.
Trung hẳn đã biết phòng quân Anh thi hành nhiệm vụ như thế nào ở miền Nam, từ Nam vĩ tuyến Bắc 16 độ trở xuống. Trung xem báo Pháp, chắc biết rõ quân đội Pháp đương làm gì ở Sài Gòn. Riêng tôi, có thể nói với Trung rằng Phòng quân của Lư Hán vào Việt Nam, tức khắc bị Việt Minh vừa bắt nạt vừa mua chuộc. Lư Hán phần thì ăn ngập mày ngập mặt, phần thì Tư lệnh một đạo quân hỗn tạp, với đàn bà chửa, với trẻ con và chó mèo ghẻ lở trong quang gánh tòn ten trên vai người lính chiến, lẽ đương nhiên là Lư Hán đánh lá bài hòa giải. Nhưng không xong, vì cụ Nguyễn cũng như Việt Minh, đều không chịu chia nhau một nửa đất nước còn lại, Lư Hán đương luống cuống thì được Chu Phúc Thành sang thay. Chu hình như quyết tâm đánh Việt Minh, nhưng đến lúc đó, phái đoàn Pháp ở Trùng Khánh đã kịp hoạt động có kết quả.
Phái đoàn Pháp ký kết với chính phủ Trùng Khánh một thỏa ước, ngày 26 tháng 02 năm 1946, nhường cho quân Pháp vào Bắc Việt Nam “Tiếp phòng quân” thay thế quân Trung Hoa. Để đối lại, Pháp lấy xong Bắc Việt sẽ giao con đường xe lửa Hải Phòng, Côn Minh cho Trung Hoa làm tư hữu, cùng một lúc với sự mở một khu miễn thuế ở Hải Phòng cho hàng hóa nhập cảng vào Vân nam phủ.
Thỏa ước Pháp-Hoa ký xong thì bảy ngày sau, ngày mồng 6 tháng 3, hiệp định sơ bộ cũng được ký kết giữa Việt Nam với Pháp. Tôi phải nói Việt Nam, mà không nói Việt Minh, là bởi một lẽ bí mật còn tồn tại đến bây giờ, tôi không hiểu vì sao ông Vũ Hồng Khanh đã cùng ký vào đó với Hồ Chí Minh. Ông Khanh, chắc hẳn cũng như Trung, và tôi, và hơn 20 triệu đồng bào ta, cũng thấy rõ hiệp định sơ bộ là một sự thiệt hại vô kể cho quốc gia với quốc dân, tuy hiệp định sơ bộ là một sự thắng lợi to tát cho riêng Việt Minh.
Việt Minh trước hết cùng với Pháp tổ chức Tiếp phòng quân, nghĩa là gián tiếp có nhiệm vụ đối với Đồng Minh. Việt Minh sẽ là một chính quyền hiện hữu. Việt Minh trông thấy rõ sự trở mặt của Pháp sau này, Việt Minh sẽ là một chính phủ kháng chiến hợp pháp và hợp lý. Việt Minh trong khoảnh khắc một chữ ký, từ địa vị một tổ chức nhỏ mọn, có thể bị Đồng Minh đặt ra ngoài vòng luật pháp và trật tự bất cứ lúc nào, Việt Minh đương ở trong tình trạng lo sợ ngày đêm ấy, bây giờ đã là một chính quyền đường đường chính chính, có chủ tịch chính phủ gởi điện văn chúc tụng quốc trưởng Pháp, được quốc trưởng Pháp trả lời rất lịch sự: “Thưa ông Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa....”!
Có thể nói thắng lợi của Việt Minh trong hiệp định sơ bộ còn to lớn hơn cả trong ngày Tổng Khởi Nghĩa.
Việt Minh như lớn hẳn lên trên trường chính trị, mặc dầu ký hiệp định sơ bộ, Việt Minh đã biết trước là đem dân tộc dìm vào một cuộc chiến đấu tàn khốc.
Việt Minh rõ ràng vì quyền lợi riêng mà phản bội tổ quốc và nhân dân.
Người quốc gia bắt đầu có chứng cớ cho công việc chống Việt Minh của họ có hiệu quả, thì vừa lúc đó mặt trận quốc gia bắt đầu tan vỡ. Vì đâu mà tan vỡ? Vì không nương tựa được vào Tiếp Phòng Quân Trung Hoa nữa.
Vì từ ngày khởi sự tranh chấp không một đoàn thể nào xây dựng được một lực lượng võ trang đáng kể:
Quân của Đồng Minh hội giao cho Ủy viên Quân sự Nguyễn Phúc An, nguyên sĩ quan chuyên nghiệp thợ mộc trong quân đội Tàu.
Quân đội Quốc Dân đảng, không quá một ngàn người được huấn luyện, đóng rải rác từ Phúc Yên lên Lào Cai
Phục Quốc Quân không quá bảy trăm binh sĩ tinh nhuệ chiếm đóng phía bắc tỉnh Lạng Sơn
Đồng Minh hội Đệ Tam quân, (chỉ huy trưởng Vũ Kim Thành) không tới năm trăm đội viên, giữ miền Duyên Hải từ Quảng Yên ra Móng Cái.
Tất cả đều bị Việt Minh vây hãm bằng những lực lượng kém huấn luyện nhưng quân số ít lắm cũng gấp mười lần.
Người đã ít, tác động tinh thần đã không có, tài chính với lương thực lại nghèo nàn... cho nên Phòng quân rút đến đâu, lực lượng cách mạng quốc gia rút theo đến đó.
Cuộc rút lui bắt đầu từ Thanh Hóa, tỉnh đảng bộ Đại Việt kéo về Hà Nội, một đằng theo ông Vũ Hồng Khanh qua Lào Cai, một đằng nhờ đường Phục Quốc Quân, lại ra ngoài Tàu. Cụ Nguyễn Hải Thần đã lên tới Lạng Sơn ngày 8 tháng 3, ông Vũ Hồng Khanh cũng phải ra đi bí mật, khiến cho số cán bộ, đảng viên bị bỏ lại, bị bắt giam trong trại trung ương không đủ chỗ.
Mặt trận quốc gia tan vỡ quả là một sự đau lòng, dù cho phần đông người sáng suốt đều đã biết trước. Biết trước mà vẫn phải làm, như tiền nhân khuyên nhủ: “Hãy làm cho hết sức, rồi được đến đâu hay đến đó!”
Riêng phần tôi, tôi bị bắt ngay buổi chiều ngày 08 tháng 03, ở Bán Loọng, một vị trí cách Lạng Sơn 3 cây số. Người bắt tôi là bạn của chúng ta: Trần Minh Tước, nguyên bỉnh bút báo Đông PhápLa Volonté Indochinoise. Ngay khi bắt tôi, Tước đã nói trước sẽ không giết, không phải vì hắn nể nang gì cái danh nghĩa Đại biểu Quốc hội của tôi, mà vì, theo lời hắn, cách mạng vô sản còn cần đến “những người như chúng ta”! Minh Tước nói thế, nhưng ngay sáu bữa sau, Lộc Giang, Chi đội trưởng chi đội (bây giờ được gọi là Trung đoàn) Lạng Sơn đã hạ lệnh trói tay và bịt mắt tôi, đã điểm nửa tiểu đội lính, đã phát cho mỗi tên ba viên đạn. Đạn đã lên nòng, hộp cơ bẩm đã đóng lại, tôi đã gởi về mẹ tôi ý nghĩ cuối cùng, thì có lệnh tạm hoãn. Tôi được đưa tới giam chung với ba cán bộ trung ương của chúng tôi, trong số đó có nhà văn chuyên viết phóng sự về Hà Nội lầm than, với hai chỉ huy quân sự. Chúng tôi được gặp nhau để bị điều đi phố Bình gia, rồi đi Bắc Sơn. Sáu tháng sau, hai đồng chí Vi Văn Hòa, Phạm Chấn Phương của chúng tôi bị giết, khi chúng tôi - đồng chí Trọng Lang với tôi được trả về Lạng Sơn để về Hà Nội bằng phương tiện riêng.
Thân ái Trung,
Sáu tháng giam cầm lần thứ nhất (chao ôi! Tôi trông thấy lần thứ hai bị giam rồi đó Trung!), ngay tại trung tâm chiến khu, đã giúp cho tôi nhiều về suy nghĩ.
Lạ một điều, tôi không hề nghĩ đến lý thuyết suông. Tôi chỉ lo sẽ làm gì sau khi được thả về. Tin đoàn thể phải đi theo con đường thoái triệt của quân Tàu lẽ cố nhiên được thông báo cho chúng tôi biết ngay. Chúng tôi đã thấy rõ: Về Hà Nội chỉ còn Việt Minh với Pháp. Chúng tôi sẽ liên kết với Pháp, như đã nhờ vả Trung Hoa, để đánh Việt minh? Hay ngược lại? thực là đau khổ, ngay khi còn tù tội đã đau khổ vì viễn tượng của tự do!
Một anh bạn đưa ra giả thuyết Pháp thi hành đúng Hiệp định sơ bộ. nhưng không thể được, người Pháp hơn bao giờ hết, cần đến thuộc địa để hàn gắn những đổ vỡ của năm năm chiến tranh. Người Pháp phải ký Hiệp định 6-3 để đuổi được người Tàu một cách yên ổn... hôm tôi đi, cờ Pháp đã treo ở Đại sứ Nhật cũ (Viện Quang Tuyến Ra Đi), chiến xa Pháp đang tiến vào Hà Nội. Người Pháp đã quá quen với người Việt nam của một thời bảo hộ. họ tất nhiên nghĩ rằng lịch sử nước Pháp sẽ không tha thứ cho họ, nếu họ để lỡ mất cơ hôi làm cho tổ quốc họ trở lại cường thịnh. Tất cả đều bảo chúng tôi rằng cuộc chiến đấu không thể tránh được.
Vả lại, Minh Tước, một hôm vào thăm chúng tôi ở Phố Bình gia, cũng có nói đến thái độ của Pháp. Những người lính mắt mèo đương quấy phá đồng bào đô thành. Chính phủ Pháp không hẳn không chấp nhận hiệp định sơ bộ, nhưng trong những lời tuyên bố công khai, các chính khách Ba Lê nhất định chỉ nói đến những khoản không có đính ước. thí dụ: Một là vẫn giữ đồng bạc của Đông dương ngân hàng, hai là nền ngoại giao sẽ nhờ Pháp đảm nhiệm, ba là tướng lãnh Pháp giúp đỡ việc chỉ huy quân đội. nghĩa là, tuy không nói ra, những điều kiện “tài chính riêng, ngoại giao riêng, quân đội riêng”, đã bị người Pháp mặc nhiên coi như không có.
“Thế nào cũng phải đánh, duy ta cần tranh thủ thời gian”, Minh Tước nói như vậy. một chữ “ta” của hắn đủ chứng tỏ hắn là khách quan, hắn biết trước lập trường của chúng tôi, nếu xảy ra chiến sự.
Minh Tước còn cho chúng tôi biết thêm rằng phái đoàn Nguyễn Tường Tam đã đi Đà Lạt gặp phái đoàn Max André. Hắn rất bi quan, vì ngay trong hai bài diễn văn mở màn người ta đã thấy những cương lĩnh trái ngược nhau đến tuyệt đối. Minh Tước tiên liệu hội nghị tan vỡ nhanh chóng. Quả nhiên Fontainebleau. Cả ông Hồ Chí Minh cũng đi. Rồi lại về, với tạm ước 14 tháng 09.
Trung ở bên ấy, hẳn biết rõ về những việc đã bắt ông Hồ Chí Minh ký thỏa ước 14 tháng 09. vì sao? Để thoát thân hay để cố tranh thủ thêm mấy tháng nữa? làm thế nào biết được, khi ông ta lầm lũi, đêm khuya đến nhà riêng xin ký với Marius Moutet? Làm thế nào biết được, khi ông ta thuận cho Pháp tất cả mọi điều kiện Pháp muốn, từ đồng bạc đến nền ngoại giao, đến chỉ huy quân đội? làm thế nào biết được khi một người đàn bà vô học, cứ van lạy không thôi, cũng đòi lại đôi chút quyền lợi, nhiều hơn tạm ước 14-9.
Ông Hồ Chí Minh rõ ràng coi bản tạm ước 14-9 là mảnh giấy lộn, ngay từ khi chưa ký tên. Vậy chắc là để tranh thủ thời gian.
Nhưng đã quá muộn rồi! Trọng tội đã toại thành ngay từ hiệp định sơ bộ. con người Cộng sản ấy đã sờ mó vào chiến tranh ngay từ 6 tháng 14 ngày trước. Nhưng bốn tháng đầu tiên còn tựa vào Pháp để diệt cho xong quốc gia. Quá nửa thời gian đã bỏ phí. Bao nhiêu thanh niên nhiệt tâm ái quốc đã bị tù đày và giết hại. ngót một ngàn cán bộ quân sự, hoặc xuất thân ở Hoàng Phố, hoặc xuất thân ở Liễu Châu, đã bị tan tác đến 900. Việt Minh đương giao quyền chỉ huy quân sự cho một bọn cán bộ chính trị. Nếu phải chiến đấu, sẽ có bao nhiêu thanh niên chết oan vì các cấp chỉ huy bất lực nữa?
Cơn nguy khốn càng ngày trông càng rõ. Tướng Morliere bắt đầu dùng cái thuật không đánh trước, nhưng ép cho đối phương phải đánh. Cuối tháng 10, sang tháng 11, Pháp đem quân vô cớ bắt đội viên tự vệ Khu 7, Hải Phòng. Tự vệ Khu 7 tức khắc đắp ụ phòng ngự. Pháp cho chiến xa đến, tự vệ Khu 7, không hổ danh đệ nhất hào kiệt miền duyên hải, tự vệ Khu 7 đốt 4 xe Pháp. Pháp đòi vào bắt Nguyễn Văn Ngọc, vị chỉ huy vừa 19 tuổi. Ngọc đánh Pháp đại bại. thế là về phần bắn súng chính nhân dân Việt Nam bắn trước. Pháp khởi đánh chiếm cả thị trấn Hải Phòng. Hoàng Hữu Nam thay Võ Nguyên Giáp xuống điều đình. Pháp đòi bắt toàn thể tự vệ Khu 7 và tước võ khí của toàn bộ tự vệ. Hoàng Hữu Nam muốn chịu, nhưng nhân dân không chịu, thế là mất Hải Phòng.
Rồi mất Lạng Sơn.
Sau dĩ nhiên đến Hà Nội. Lính Pháp, qua phố hàng Bún, làm cỏ người, đốt nhà, mong Việt Nam đánh lại. nhưng Hồ Chí Minh van xin nhân dân, van xin Pháp. Dân tạm nghe, nên Pháp lo mất cơ hội. Bèn, ngày 16 tháng 12, Morlière viết thư cho Giáp.
Thư cộc lốc:
“Quân đội của ông không giữ được trật tự. Kể từ 8 giờ sáng ngày 20 tháng 12, quân đội tôi sẽ giữ trật tự lấy”.
Giữ trật tự, nguyên lai là nhiệm vụ của Tiếp Phòng Quân. Ra điều Giáp không giữ được cho ngót 500 đồng bào của hắn khỏi bị giết hại, thì Morlière sẽ thay Giáp, giữ cho đồng bào của Giáp khỏi bị hắn giết thêm 500 nữa. Đó là ý ngụy biện.
Còn tình? Còn sự thật? quân đội Pháp giữ trật tự trong thành phố rồi còn gì! Morlière thật là hay mới nghĩ được câu chuyện khôi hài lạ lùng! Khôi hài, nhưng y chờ đợi Hồ CHí Minh van xin, cầu khẩn và đầu hàng.
Đầu hàng? Cố nhiên rồi! Hồ chí Minh đánh điện tới tấp cho Sainteny, d’Argenlieu, Moutet. Giáp xin gặp Morlière. Morlière không tiếp. Hồ mời, mời không đến, đành đi bộ đến Sainteny, Sainteny đóng cửa tạ khách. Nghĩa là chỉ còn ba giải pháp: một là đánh, hai là hàng. Đánh, theo qua điểm của tướng Pháp, có khác gì tự tử, lại giết theo cả một dân tộc? bởi vậy, có lẽ Sainteny với Morlière cùng chờ đợi một bức xin hàng, đồng thời van xin một vài điều kiện nho nhỏ, để giữ thể diện với quần chúng.
Có người nói rằng sáng ngày 17/12 có nhiều đại biểu dân chúng đến xin đánh. Họ thuật lại: Hồ Chí Minh thở dài, tỏ ý thương nhân dân điêu linh cơ cực quá. Người ta cho rằng đó là giọng lưỡi của người Cộng sản, xưa nay không biết thương, bây giờ thương, chính là để lấy cớ mà đầu hàng.
Nhưng dân chúng không chịu
Sáng ngày 19/12, báo hàng ngày đăng bức thư của Morliere. Hà Nội tức khắc vắng ngắt: đàn bà đem trẻ con đi hết trong buổi sáng, còn đàn ông, có người cùng đi, còn kẻ ở lại, phần lớn là đội viên “sao vàng nền vuông”, chạy tíu tít đi vay đạn, mượn súng, mua lựu đạn. Đến buổi chiều, sát khí bừng trên khắp nẻo đường đô thành. Trời mùa rét nhưng ấm áp, phố phường thưa người đi, người đi nào cũng bước những bước mạnh và dài. Toàn dân không một tiếng kêu, không một nét sợ hãi. Thật rõ rệt: Hà Nội nhận lời thách của Morliere, Tư lệnh Sư đoàn Một trong bộ đội viễn chinh Pháp. Sư đoàn này, bên ngoài thủ đô, còn đóng ở bốn thị trấn “cửa ngõ”: Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, Nam Định.
Người ta nói: 6 giờ, trời đã tối mịt, có cuộc họp ở bắc bộ phủ. Cán bộ báo cáo về dân tình. Nhất định là nếu chính phủ đầu hàng, dân sẽ tự đánh. Nhất định là nếu Việt Minh hàng, một đoàn thể khác sẽ lãnh đạo kháng chiến.
Bởi thế
Ba phát đại bác cách nhau một phút một, ba hỏa pháo xanh tím xanh, tám giờ mười chín phút tối 19/12, tất cả tự vệ chiến đấu bỏ chạy hết. lũ chúng tôi, tự vệ Thành mà người ta gọi là tự vệ công tử, lũ chúng tôi đã khởi đầu cuộc kháng chiến toàn quốc
Tôi không muốn mang tiếng phản bội bằng cách cố dùng ngòi viết mà thuật lại những cử chỉ anh hùng của hơn hai ngàn chiến sĩ giữ Thủ đo trong tháng Chạp năm Ất dậu. Là vì không có bút nào tả xiết, vả lại có tả cũng không mấy ai dám tin, rằng hơn 400 khẩu súng, đã cầm chân, đã chống trả lại năm nghìn quân thiện chiến. Người ta sẽ không tin rằng có em nhỏ tung dây thòng lọng bắt được địch, thu được súng Thomson. (Một khẩu Thomson qúy bằng vạn lạng vàng lúc đó!). Người ta sẽ không tin có em nhỏ hồn nhiên leo lên xe tăng, nằm soài trước tháp súng để bỏ lựu đạn vừa vặn vào lỗ châu mai của khẩu 12,7 ly. Em đó, sau này còn lồm cồm đứng lên, múa mãi hai tay reo, cho đến khi bị xe sau bắn vào lưng, đạn thoát ra phía trước, phá toang lồng ngực. Người ta lại càng không tin có anh sinh viên nhận nhiệm vụ căng dây thép qua đường Hàng Gai để treo chiếu lên đó, làm bức bình phong cho hai bên hè liên lạc được với nhau. Anh sinh viên có lạ gì Pháp đóng ngay trên Tự Hưng lâu phía trước? Thế mà anh đi thong thả, vừa đi vừa giở cuộc dây cho khỏi mắc vòng nọ vào vòng kia. Anh đi thong thả, bốn lần ngã, bốn lần dậy, khi vào đến tận trong hiệu thuốc Normalc, trao vòng dây còn lại cho tôi rồi, anh mới chịu ngã hẳn.
Và Trung không tin, cũng như tôi hôm nay vẫn ngờ ngợ, rằng đến lúc quỵ xuống lần cuối cùng anh Nguyễn Dương Minh vẫn cứ mỉm cười!
Thân ái Trung,
Tôi không muốn kể, mà vẫn kể, ấy là vì, ý ngoại địa, sức tưởng tượng của tôi không theo kịp được sự thật, nên thấy cần phải nhắc lại sự thật để cho chính mình khỏi hóa điên.
Tôi vẫn nói với Trung, khi trước, rằng điên có lẽ là trạng thái hoang lạc nhất của đời người. Nhưng hiện nay tôi không muốn, không thể điên: tôi đã nhận với Việt Minh một nhiệm vụ. Tôi hiện đương lĩnh trọng trách nắm vững tinh thần của Tiểu đoàn 332. Công tác chính tri, trong lúc này, là công tác quyết định. Bởi chúng tôi thiếu thốn, chúng tôi bỡ ngỡ (anh cán bộ Tiểu đoàn là một sinh viên y khoa), chúng tôi hiện đương hăng hái và thèm khát giáp trận...nhưng riêng tôi với anh Quảng, Tiểu đoàn trưởng, chúng tôi cùng biết nếu ngay lúc này gặp một đại đội địch, đơn vị của chúng tôi nhất định tan vỡ.
Chúng tôi lo sợ lắm. Nhiệm vụ lệnh vừa mới đến hôm qua. Chúng tôi không thể từ chối: chung quanh chúng tôi toàn là anh em trẻ tuổi hơn, lại kém chúng tôi kinh nghiệm chiến đấu giữ Liên khu I, chúng tôi đành nhận nhiệm vụ.
Nhiệm vụ lệnh mang tên chữ ký của Võ Nguyên Giáp, có Hoàng văn Thái, thiếu tướng Tham mưu trưởng phó thự, có Bằng Giang đại tá khu trưởng Chiến khu 10 chiếu hội. Chúng tôi nhìn những chữ ký. Tôi nhìn Quảng, thấy Quảng nhìn tôi chằm chằm. trong ánh mắt Quảng sao lại chan chứa những ưu tư
Tôi không hỏi, không dám hỏi, chưa dám hỏi. Nhưng tôi cảm thấy tôi lo buồn không kém gì Quảng. Bởi chúng tôi đã nhận một nhiệm vụ của Việt Minh. Chúng tôi đã mắc vào khe răng cưa của một guồng máy. Chúng tôi đã bị phản bội bởi số mệnh. Dưới quyền chỉ huy Cộng sản, chúng tôi đã trở thành cán bộ. Không còn lòng nào ngụy biện, rằng chiến đấu để giành Độc Lập; chúng tôi biết, ngay từ bây giờ, rằng khi nào Độc Lập là Cộng sản đã bạch đoạt chính quyền rồi.
Chúng tôi biết, nhưng đã lọt vào khe răng cưa của guồng máy. Vì sao? Vì chúng tôi là người, chúng tôi đã vùng dậy theo bản năng chống Pháp. Việt Minh cũng chống Pháp, Việt Minh cho chúng tôi phương tiện. Lẽ nào từ chối? Vả lại từ chối thì đi đâu, và làm gì? Chúng tôi cố nhiên đã nghĩ đến trở về Hà Nội, liên kế với Pháp để diệt Cộng, rồi diệt Pháp sau dễ hơn. Giải pháp hữu lý. Nhưng không được: cứ tưởng tượng con mắt người Pháp không bao giờ giống con mắt người Việt, là đã đủ nổi cơn cuồng nộ. Không được! Dù chúng tôi có muốn liên kết với Pháp, cứ nhìn vào đáy mắt của chúng tôi họ cũng đủ thấy chúng tôi căm hờn tới mực độ nào: họ sẽ giết chúng tôi trước. Và chúng tôi sẽ chết vô ích.
Đành nhẽ trong giai đoạn này theo Việt Mịnh, chờ giai đoạn sau Việt Minh về Hà Nội, lúc đó lại ra đi chống Cộng sản. Chao ôi, Trung thân mến, Trung có biết bao giờ có mộ tuổi thanh niên phải sớm biết những đau khổ, nhưng lo nghĩ như bây giờ? Có bao giờ có một tuổi thanh niên hăng hái mãnh liệt, và thương yêu đồng bào với đất nước, và thật trẻ, thật đẹp như bây giờ!
Cứ điểm d.332,
Ngày 15 tháng 3, 1947, viết xong
Chú thích:
[1] Gọi Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh là lãnh tụ Đồng Minh hội thật ra là chỉ để cho tiện sự theo dõi của bạn đọc, vì đó là sự thật đã xảy ra về sau, trên đất nước nhà. Còn khi ở ngoài Tầu, lãnh tụ Đồng Minh hội là cụ Trương Bội Công (chết ngày 19/8) cùng với một ban thường vụ của Trung ương Chấp hành Ủy viên hội, gồm có Hồ Đức Thành, Lê Tùng Sơn, Đinh Chương Dương, Trung Trung Phụng, Bồ Xuân Luật. Trong bọn này, Thành, Sơn, Dương vốn là cán bộ Cộng sản náu mình trong những đoàn thể giả hiệu như Quốc tế phản đế, Mặt trận Giải phóng các nhược tiểu dân tộc....
[2] Tác giả thấy cần phải ghi thêm vào đoạn này một sự kiện mà trong thư không có dịp nói đến, vì không muốn cho bức thư bị quá nặng nề chi tiết. Sự kiện đó là vụ lụt năm 1945, một vụ nước ngập ít có ở Bắc Việt, dìm sâu và cắt đứt tất cả mọi đường giao thông giữa hai vùng trung châu và đồng bằng dưới từ 1 đến 5 thước nước. Con đường từ Trung Hoa sang Hà Nội bị ngập ở Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, khiến cho lãnh tụ quốc gia, cũng như quân đội Trung Hoa, tới Hà Nội chậm 21 ngày, Việt Minh củng cố được cơ sở, lập được Chính phủ, tuyên bố được độc lập, chính là nhờ được 21 ngày này.