Chương 6

    
ai ngày liền sau đó, ngoại trừ các bữa cơm lai rai bia và tán gẫu với Tâm cùng các quan bị cấm trại, tôi nghiền ngẫm quyển Huấn thị Điều hành Căn bản chiến hạm. Sách mở đầu bằng một Sơ đồ tổ chức. Ô hình chữ nhật cao nhất ghi Hạm trưởng. Ô nhỏ hơn  ngay bên dưới ghi Hạm phó. Dưới hạm phó là các ban ngành: Chiến tranh chính trị, An ninh, Truyền tin, Huấn luyện, Hải hành, Cơ điện khí, Vận chuyển, Phòng tai, Trọng pháo, Ẩm thực. Chương đầu tiên dành cho việc mô tả nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Hạm trưởng. Có một câu tôi đọc qua là nhớ ngay: “Hạm trưởng có toàn quyền sử dụng mọi biện pháp để duy trì an ninh trật và bảo vệ sinh mạng cùng tài sản quốc gia.” Và dĩ nhiên chương tôi đọc kỹ nhất là phần nhiệm ban ẩm thực mà tôi sắp nhận lãnh và chương nhiệm vụ sĩ quan trực nhật. Sáng nay đang cố ghi nhớ vài trang cuối thì tôi được Tâm khởi sự hướng dẫn cách nhật tu sổ lương thực và cách thiết lập danh sách lương bổng hàng tháng cho toàn thể thủy thủ đoàn. Tuy nhiên chỉ vừa bắt đầu thì Hạm trưởng bước vào. Theo sau ông là Hạm phó và sĩ quan trực nhật. Tôi và Tâm đứng lên chào. Ông ngồi vào chiếc ghế đầu bàn dành riêng cho ông. Hạm phó ngồi cạnh ông dãy bên tay phải. Trung úy Hào bên trái. Các sĩ quan lần lượt đến, ngồi vào ghế của mình theo thứ tự thâm niên.
Thấy đã đông đủ, Hạm trưởng nở nụ cười tươi và lên tiếng bằng giọng trầm ấm:
- Thế nào? Mọi người đều vui vẻ khỏe mạnh chứ?
Vài sĩ quan ồ ồ lên tiếng:
- Cám ơn hạm trưởng.
Ông nhìn thẳng vào tôi ở cuối bàn trực diện ông:
- Còn thiếu úy Bằng? Sau gần một tuần, hẳn là anh đã tóm thâu được phần nào hiểu biết căn bản về tổ chức và cấu trúc chiến hạm? Sẵn sàng nhận công tác đầu tiên chứ hả?
Tôi mạnh dạn:
- Thưa hạm trưởng, rất sẵn sàng!
Ông nhìn xuống tập công văn đóng dấu Mật/Khẩn, cười mỉm:
- Thiếu úy Bằng sẵn sàng thì hẳn mọi người dư sẵn sàng! Vậy thì tôi báo cho một “tin mừng”: Sáng chủ nhật, chiến hạm sẽ đi công tác. Khởi hành đúng mười giờ.
Tôi nhận cái nháy mắt đầy ý nghĩa của Tâm: “Vậy là thứ ba tới hết mong gặp nàng”. Giọng hạm trưởng khô khan:
- Lưu ý tất cả các anh, những gì tôi nói sau đây được coi là mật. Có nghĩa là các anh không được tiết lộ cho bất cứ ai, gồm cả nhân viên và người thân. Công tác thì giản dị nhưng hành trình thì khá gian nan. Tàu chúng ta sẽ đi Năm Căn. Năm Căn nằm ở mũi Cà Mau. Tôi nghĩ là tất cả các  anh đều có nghe Chiến dịch Sóng Tình Thương do Hải Quân điều động nhằm bình định và tái lập quận Năm Căn. Cuộc hành quân quy mô đó khai diễn từ đầu năm 1963 và sau hai tháng đã đạt kết quả mỹ mãn. Quận đã thành hình với bốn ngàn dân  trở về sống bằng nghề làm than đước và đánh cá. Tuy nhiên thỉnh thoảng địch vẫn xuất hiện tiếp tục quấy phá.  Suốt tuần qua, một tiểu đoàn bộ binh đã mở cuộc hành quân tảo thanh vùng này.  Nhiệm vụ chúng ta là đến Năm Căn bốc tiểu đoàn bộ binh đưa về Đại Ngãi. Thú thật là tôi chưa từng đến nơi này. Chúng ta sẽ vào Năm Căn bằng cửa sông Bồ Đề, mất chừng hai tiếng. Dọc sông Bồ Đề là rừng đước, cây thon cao, ít lá nên dễ quan sát. Theo tin tình báo thì địch ở Năm Căn chỉ là các du kích địa phương.  Tuy vậy chúng ta vẫn phải cẩn tắc vô ưu, phải chuẩn bị phản ứng tối đa. Địch cũng có thể bắn ra tàu từ các lò gạch. Mỗi lò gạch cách nhau vài trăm thước. Nhớ cho kỹ: Không được tự ý tác xạ. Chỉ bắn khi bị bắn và ngưng ngay khi có lệnh.
Hạm trưởng nhìn sang hạm phó:
- Dòng sông tương đối rộng nhưng các không ảnh chụp cho thấy có rất nhiều hàng đáy, vì vậy việc vận chuyển xem ra không mấy êm xuôi.Tôi muốn có hạ sĩ Thành đi chuyến này. Nếu đang cho đi phép thì cũng phải gọi về tàu. Tôi cũng rất cần Trung sĩ nhất thám xuất Tạo. Lòng sông thì khá sâu nhưng cửa sông lại cạn, chúng ta chắc chắn là phải dùng máy đo chiều sâu. Ngoài ra, tùy tình hình và thủy triều, có thể chúng ta phải quay về vào ban đêm. Vì vậy tôi muốn chiếc radar phải luôn chạy tốt bằng cách có đủ các bóng đèn thay thế. Đi ban đêm, địch khó thấy ta nhưng ta lại dễ thấy địch. Khi bị phục kích, nhân viên được phép tức khắc phản pháo vào ánh lữa trên bờ.
Còn việc tiếp nhận tiểu đoàn bạn, tôi sẽ gặp tiểu đoàn trưởng thảo luận các biện pháp an ninh và an toàn trước khi cho nhập hạm. Điều quan trọng nhất là Hạm phó và sĩ quan an ninh phải chắc chắn tất cả vũ khí, trừ vũ khĩ cá nhân của sĩ quan, đều được tập trung ở sân lái. Tôi sẽ có chỉ thị chi tiết tại chỗ. Và đây là việc mỗi các anh cần làm.
Ông tiếp tục hướng về hạm phó:
- Hạm phó có thể cho phân đội không trực đi bờ kể từ trưa nay. Phân đội còn lại đi bờ ngày mai. Thông báo tất cả nhân viên phải có mặt điểm danh lúc 8 giờ sáng chủ nhật. Mười giờ cho nhận còi nhiệm sở vận chuyển. Tất cả mặc tiểu lễ để dàn chào Bộ tư lệnh Hải quân và thủ đô Sài Gòn. Sau buổi họp, đánh ngay công điện cho các chiến hạm cặp phía ngoài tách ra đúng mười giờ để mình rời cầu. Kiểm soát tình trạng sẵn sàng của chiến hạm. Nhận rõ chứ?
- Thưa vâng!
- Công việc sĩ quan cơ khí như sau. Đôn đốc và hoàn tất sửa chữa máy chánh trước 4 giờ chiều mai. Kiểm soát tình trạng hai máy neo mũi và lái. Lấy đầy dầu và nước ngọt. Nhận rõ?
- Thưa rõ!
- Sĩ quan truyền tin liên lạc phòng sáu lãnh tài liệu truyền tin và nhật tu. Phải bảo đảm tình trạng khiển dụng các máy vô tuyến. Qua phòng hành quân nhận đặc lệnh hành quân. Nhận rõ?
Trung úy Hào:
- Thưa, nhận rõ!
- Thiếu úy Tâm và thiếu úy Bằng chuẩn bị thực phẩm bảy ngày. Chuẩn bị bảng lương cho nhân viên để nạp Phòng Tài chánh ngay khi về bến cho kịp định kỳ. Thiếu úy Bằng sẵn sàng nhận chức Trưởng ban Ẩm thực khi thiếu úy Tâm chuyển sang làm Trưởng ban Trọng pháo.
Tôi và Tâm cùng đáp:
- Nhận rõ.
- Trung úy Tùng?
Trung úy Tùng sốt sắng lên tiếng:
- Có tôi.
- Cho nhân viên bảo trì các khẩu đại bác và mang  một số lượng đạn tương đối đến các ụ súng và cho ràng buộc cẩn thận trước khi ra cửa biển. Xem lại xem có đủ áo giáp và nón sắt. Xin bổ sung ngay nếu thiếu.
Ông tiếp lời, giọng vui vẻ:
- Có lẽ anh nghĩ là tôi quên? Về việc anh thuyên chuyển, anh liên lạc Bộ chỉ huy Hải Lực hỏi xem kết quả đơn xin nghỉ phép thường niên của anh ra sao. Nếu đã được chấp thuận, anh bàn giao mọi việc cho thiếu úy Tâm và rời tàu trước giờ khởi hành. Đồng ý chứ?
Tùng nói bằng giọng cảm động:
- Cám ơn hạm trưởng nhưng tôi muốn đi thêm chuyến này. Rời tàu đột ngột quá cũng buồn!
Hạm trưởng xoa tay, mỉm cười:
- Càng hay. Rất có thể chuyến công tác này chúng ta có dịp “thử súng”. Có anh tôi yên chí hơn.
Hạm trưởng nhìn lướt qua các sĩ quan:
- Ai trực ngày mai?
Hạm phó đáp:
- Dạ tôi!
- Thế thì nhất rồi.  Nhớ chỉ thị nhân viên giám lộ chạy la bàn lúc 2 giờ sáng. Anh gặp tôi lúc hai giờ chiều nay để chuẩn bị hải đồ và hải trình.
- Thưa vâng!
Hạm trưởng chống hai bàn tay lên mép bàn trong tư thế sẵn sàng đứng lên:
- Có ai thắc mắc gì không?
Thiếu úy Được cười:
- Thưa tôi bị thất nghiệp!
Hạm trưởng gật đầu, tỏ vẻ hài lòng:
- Việc của anh thì… khó khăn đấy. Anh xem lại các dụng cụ phòng tai, áo phao, các bè nổi, phải chắc chắn là còn đủ cấp số. Kiểm soát các hộp mưu sinh thoát hiểm để bảo đảm mọi thứ còn đầy đủ và không quá hạn.
- Sẽ làm ngay, thưa hạm trưởng.
Ông lướt nhìn từng người, xoa hai tay, mỉm cười:
- Đêm qua tôi có làm mấy đoạn thơ khá vừa ý. Sẵn có mặt đông đủ, tôi đọc cho các anh nghe:
“Mắt tôi đã rướm buồn ly biệt. Chân ngập ngừng đi lúc tiễn nhau. Ven xóm bao lần nghe tiếng sóng. Bôn chôn luống nước đuổi theo tàu.
Mây hồng rợp bóng trời quan hải. Gió cũng xôn xao biển sóng cười. Nhưng đã xa em hàng mấy dặm. Xuân làm sao thắm mảnh tình khơi”. (thơ Hữu Phương).
Hạm phó gục gặc, cười nụ:
- Hay! “Bôn chôn luống nước đuổi theo tàu”. “Gió cũng xôn xao biển sóng cười”.  Tôi khoái nhất hai câu này, không chỉ mang hình ảnh đẹp mà chất chứa cả một… tâm sự người đi biển.
Vẻ mặt hạm trưởng sáng rỡ:
- Đó chính là hai câu tôi ưng ý nhất. Vậy mà tôi cứ tưởng hạm phó của tôi dốt thơ!
Trung úy Hào, giọng cợt đùa:
- Câu “Gió cũng xôn xao biển sóng cười” còn gợi ta thấy cái hình ảnh sóng lăn tăn đùa giỡn vui mắt. Mong rằng sáng chủ nhật này mình ra cửa biển sẽ gặp môi sóng xôn xao chớ không…  môi sứt lao chao! Cười bằng môi sứt thì chỉ có nước ói với mửa!
Chúng tôi cười ngặt nghẽo. Hạm trưởng vừa cười vừa đứng lên, nói với Tâm trước khi bước vào phòng riêng:
- Thiếu úy Tâm theo tôi lấy tiền ẩm thực.
Tâm đẩy ghế, lách người bước theo ông, giọng đùa cợt:
- Vẫn có những “đêm cháo gà” như chuyến trước, thưa hạm trưởng?
- Tôi không phản đối.
Tâm nheo mắt làm một cử chỉ có tiền đến nơi. Tất cả dõi mắt về phía cửa buồng. Một lúc sau Tâm hiện ra, tay cầm sấp bạc mới, mặt hí hửng. Trung úy Hào xô ghế định phóng đến nhưng anh sựng lại vì hạm trưởng cũng bước theo ra kèm với vài cái lắc đầu ngao ngán dành cho Hào. Anh bẽn lẽn ngồi xuống nhưng vừa khi hạm trưởng khuất dạng anh xòe bàn tay trước mặt Tâm, năm ngón tay lúc lắc:
- Ê, Thiếu úy Tâm! Hì! Hì!
Tâm lạnh lùng bỏ tiền vào tủ sắt, miệng lầm bầm:
- Thôi đi ông! Ông mượn hết một ngàn rồi!
Thấy tôi còn lơ mơ, thiếu úy Được giải thích:
- Phàm những kẻ độc thân đi biển như chúng ta, ai ai cũng thiếu hụt kinh niên. Lương lãnh ra, lả lướt vài ngày ở bờ xa bến lạ là… đi đứt. Cho nên sĩ quan ẩm thực luôn luôn là… vị cứu tinh!
Trung úy Hải đưa ra ba ngón tay dí dí trước tôi, miệng cười hì hì:
- Tân sĩ quan ẩm thực hiểu tôi muốn nói gì không? Cười hì hì là cười cầu tài. Mỗi ngón tay tượng trưng cho một trăm. Nhớ đấy, nay mai tôi sẽ dùng đến.
Tâm nói lớn:
- Mày mà yếu lòng là có khi đói cả tàu đấy. Tiền thì luôn luôn có dư, nhưng cho mượn nhiều quá, lỡ tàu đi công tác dài hạn là không còn tiền đi chợ. Cho mượn vừa phải thôi. Nhất là coi chừng… hạm phó. Chuyên viên sử dụng lục mạch thần kiếm!
Tôi cười thành tiếng:
- Nhận hiểu! Nhận hiểu năm trên năm.
Hạm phó đưa hai ngón tay trước Tâm:
- Hôm nay ta đi bờ. Hì! Hì!
Tâm lắc đầu nhưng bước trở lui về phía tủ sắt! Chúng tôi cùng cười vang trước khi giải tán mỗi người lo phần việc của mình.
Tôi cầm quyển Huấn thị Điều hành Căn bản đặt lại trên giá. Tôi rất hài lòng với nội dung của nó. Nó giúp tôi vỡ lẽ một nghề nghiệp tưởng là đơn sơ nhưng quả là có lắm điều rối rắm, chằng chịt. Muốn trở thành một hạm trưởng, tôi phải qua từng ban ngành, phải rành rẽ từng ban ngành cùng các mối quan hệ đồng bộ giữa chúng. Yếu kém về bất cứ ngành nào cũng khiến cho việc chỉ huy mất hiệu quả. Tôi tự hứa là sẽ theo sát việc ăn uống để mọi bữa ăn đều ngon lành, đầy đủ. Ngay nhiệm vụ đầu tiên, đã là bước đi quan trọng: Có thực mới vực được đạo mà!
- Ê, Bằng! Lại đây tiếp tục vụ lập danh sách lương bổng hàng tháng đi chứ…
Tôi bước sang ngồi cạnh Tâm và chú tâm theo dõi lời anh. Mỗi tháng bảng lương luôn luôn có sự thay đổi, không nhiều thì ít. Nhân viên thăng cấp, thăng trật, cưới vợ, đẻ con…Tôi tò mò dò theo vần T để xem tiền lương của hạ sĩ Thành. Lương hạ sĩ với vợ sáu con còn dưới mức lương thiếu úy độc thân của tôi. Tự dưng tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Tôi sống một mình mà còn chật vật huống hồ cả nhà tám miệng ăn sẽ thiếu thốn cỡ nào! Liệu đúng là có phép màu: “Trời sinh voi sinh cỏ”? Tôi hỏi Tâm về sự khác biệt lương bổng giữa một hạ sĩ và một hạ sĩ nhất. Anh cho biết là khá nhiều vì hạ sĩ nhất không còn kể là lính nữa mà đã lên cấp hạ sĩ quan…
Tôi đang dò danh sách để tìm lương trung sĩ thì chợt nghe tiếng Tâm:
- Có việc gì đó anh?
Tôi quay lui theo hướng Tâm nhìn. Anh lính gác đứng ngay cửa chào tôi:
- Thưa thiếu úy, thiếu úy có người nhà tìm.
Tâm cười cười:
- Thiếu úy Tâm hay thiếu úy Bằng?
- Thưa, thiếu úy Bằng.
Tôi ngạc nhiên:
- Tôi?
- Dạ. Cô ấy nói muốn gặp thiếu úy Bằng.
Tâm lên tiếng đúng với ý nghĩ của tôi:
- Tuyết chăng?
Tự dưng tôi không muốn gặp Tuyết. Tôi bảo Tâm:
- Mày lên gặp Tuyết nói tao không có ở tàu.
Tâm cự nự:
- Bậy bạ! Mày đi mời Tuyết xuống đây. Lâu nay tao đã có ý mời mà còn ngại. Nếu mày không muốn nói chuyện thì tao nói.
Tôi vẫn lắc đầu:
- Đâu có đưa xuống chiến hạm được.
Tâm gắt khẽ:
- Tao bảo được. Sĩ quan nào cũng lai rai mời bồ bịch xuống để khoe tàu.
Thấy không còn cách nào khác, tôi miễn cưỡng theo anh lính gác. Đứng ở đầu hạm kiều nhìn xuống cầu tàu, tôi nhận ra ngay người con gái đứng tựa lan can nhìn về công trường Mê Linh không phải là Tuyết. Cùng lúc tôi nhận ra bóng dáng quen thuộc của Hiền. Tôi nghe tim đập mạnh nhưng vẫn đứng trơ không phản ứng. Anh lính gác đưa tay chỉ Hiền:
- Cô đó đó!
Tôi nói cám ơn anh rồi chầm chậm bước xuống. Được nửa cầu thang thì Hiền quay lại mỉm cười, vẩy vẩy tay. Tôi tiếp tục đi và Hiền tiến lại chân hạm kiều. Tôi đưa tay kéo Hiền bước lên. Hiền lặng lẽ theo sau tôi lên tàu và đi quanh co xuống các bậc thang. Chiếc áo dài màu trắng vướng víu khiến Hiền một tay nắm hai vạt một tay bám vai tôi.
Tâm trố mắt nhìn Hiền. Tôi nói:
- Thất vọng quá hả? Giới thiệu với Hiền, thiếu úy Tâm, người xúi anh bỏ học đi Hải quân.
Tâm cười thật tươi, xăng xái:
- Đâu có ngờ ông Bằng quen được một người đẹp đến thế này. Vậy cứ dấu anh em.
Hiền ngắm nghía Tâm:
- Em còn nhớ anh Tâm.
Tâm kêu to:
- Chết tôi rồi! Hóa ra tôi quá vô tình! Xin cho một chút gợi ý…
Tôi cười:
-  Mày không nhận ra hả? Em gái thằng Dũng …
Tâm nhìn kỹ hơn rồi vẫn lắc đầu:
- Tao biết Dũng có em gái nhưng chịu thua, không nhớ ra.
Anh chiêu đãi xuất hiện đúng lúc. Tôi hỏi:
- Hiền uống cà phê, nước ngọt?
- Hiền xin một ly nước lạnh.
Anh chiêu đãi sốt sắng mang đến. Tâm đứng lên:
- Lần sau nhớ mang thêm một người đẹp như cô Hiền để giới thiệu tôi nghe. Đến một mình là không công bằng.
Khi Tâm vừa khuất, Hiền lên tiếng:
- Anh nhất định không đến nhà Hiền? Anh Dũng có hỏi anh.
Tôi nói đẩy đưa:
- Hiền tìm ra tàu anh thật tài. Anh đâu có nói anh đi tàu nào!
Hiền cười buồn:
- Thì tàu nào Hiền cũng hỏi. Bắt đầu từ cầu tàu ở cuối đường Nguyễn Huệ…
Hiền đã đi đúng con đường “trình diện tân đáo” của tôi. Rời nhà Hiền tôi đi tắc xi đến cầu A. Cuốc bộ qua Bộ tư lệnh Hải quân đến cầu B và tìm ra tàu cặp ở cầu C ngay cuối đường Cường Để. Một nỗi xúc động nhẹ nhàng len lỏi. Hiền hẳn phải thực lòng yêu tôi mới chịu khó lang thang giữa chốn ba quân thế này. Tôi phải nói gì cho Hiền vui đây? Từ khi gặp lại Tuyết, tôi gần như quên hẳn Hiền. Nhưng lần này không phải vì tôi nồng nàn với Tuyết mà quên Hiền. Tôi đã dứt khoát quên Hiền. Tâm trí tôi cứ mãi băn khoăn không biết là nên tiếp tục gặp gỡ Tuyết hay là chấm dứt hẳn để Tâm và Tuyết khỏi bận lòng với sự hiện diện của tôi. Ngày xưa Tâm đã đến với Tuyết trước tôi và …mất Tuyết. Giờ đây Tâm cũng lại đến với Tuyết trước tôi. Lần này tôi nên rút lui mới phải đạo. Tuyết cũng đã nói thẳng thừng là Tuyết cần một người chồng cho cuộc sống không còn buồn đau đơn độc. Tôi hy vọng là Tâm sẵn sàng…
- Cái huy hiệu đẹp quá!
Tiếng reo của Hiền mang theo sức mạnh kéo bộ mặt thẩn thờ của tôi ngẩng lên. Hiền đang say sưa ngắm chiếc huy hiệu gắn ở vị trí trang trọng nhất trên tấm vách ngay sau chỗ ngồi của hạm trưởng. Đó là huy hiệu của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa,  có dạng  hình tròn với lá cờ vàng ba sọc đỏ tạo thành đường viền. Hai chữ Tổ Quốc và Đại Dương màu đen tương ứng ở đỉnh và ở đáy. Trên phần nền nửa biển xanh thẳm nửa trời xanh lơ là bản đồ Việt Nam với chiếc mỏ neo và ngôi sao Bắc Đẩu định hướng. Đây là huy hiệu được vẻ trên một bức tường nhỏ biệt lập thiết trí ngay trước sân cờ của quân trường mà ngày nào chúng tôi cũng  hoặc đi, hoặc chạy ngang qua. Cái huy hiệu nhắc nhở chúng tôi lúc nào cũng phải đặt Tổ Quốc và Đại Dương lên trên hết, trên cả sinh mệnh của mình. Và có lẽ vì đã quá quen mắt nên không còn quan tâm xấu đẹp…
- Và cái phòng làm việc thật dễ thương, mát mẻ. Vì vậy mà anh quên Hiền chăng?
Tôi vẫn không biết lên tiếng thế nào…
- Ngày mai thứ bảy, anh đến nhà Hiền chơi. Hiền đích thân nấu cơm đãi anh.
Tôi nói chậm rãi, cố lấy giọng thân mật:
- Hiền ạ, anh muốn lắm nhưng tiếc rằng ngày mai anh bị … cấm trại.
- Cấm trại?
Tôi giải thích:
- Thì biểu tình tùm lum, tụi anh bị ảnh hưởng.
- Còn ngày mốt?
- Ngày mốt anh đi công tác.
Hiền nhìn tôi, ánh mắt ngờ vực:
-  Công tác thật hay tại anh không muốn đến?
- Công tác. Nếu không tin, mười giờ chủ nhật Hiền đến đây tiễn anh.
- Anh đi bao lâu?
- Độ mười ngày.
- Anh đi đâu?
Tôi ngần ngừ rồi đổi giọng đùa cợt:
- Đi… nơi sẽ đến!
Hiền nhăn nhó:
- Không muốn nói thì thôi.
Tôi đành phải nói láo:
- Anh mới đổi xuống, chưa rõ công việc…
- Chưa rõ mà sao biết đi mười ngày?
Một cảm giác khó chịu nổi lên, tôi xẵng giọng:
- Cái nào nói được thì anh nói, cái nào không nói được, anh không thể. Xin đừng hạch sách…
Hiền ngắt ngang, rối rít:
- Hiền xin lỗi. Vậy, sau mười ngày Hiền chờ anh ở nhà. Bây giờ thì Hiền phải về, Hiền có lớp buổi chiều.
Tôi lặng thinh đứng lên. Tôi không muốn giữ Hiền và cũng không muốn hứa là sẽ tới. Mấy ngày qua Hiền đã thoát khỏi tâm trí tôi và tôi đã thấy nhẹ nhõm. Hy vọng nay mai, tôi sẽ có can đảm nói với Tâm là tôi đã quyết định dứt khoát không gặp Tuyết nữa. Chừng đó tôi tin là tìm được sự thanh thản hoàn toàn.  Cái tôi đang cần là dành hết tâm trí cho việc học hỏi hải nghiệp. Rồi sau đó, sau đó tôi sẽ ghi tên học môn triết và… làm quen người mới. Với những người xưa, với tất cả yêu thương lần cuối, tôi trân trọng xếp vào hồ sơ… dĩ vãng!
Chúng tôi đứng chờ tắc xi ngay tại góc đường Cường Để-Bạch Đằng. Hiền thỉnh thoảng nhìn tôi âu yếm và không che dấu nét hân hoan. Tôi thì bực bội trông ngóng tắc xi. Cuối cùng Hiền leo lên xe, nói vói:
- Thôi Hiền về. Nhớ là Hiền mong chờ ngày anh trở lại.
Tôi như người vô cảm, vẫn lặng thinh, cũng không buồn vẫy tay từ biệt…

Truyện Đời Thủy Thủ ---~~~cungtacgia~~~---

5 Tác phẩm