Chương 4
1

    
uối năm, phố phường ngập tràn tiếng nhạc, người và xe cộ hối hả ngược xuôi trong bầu không khí rộn ràng tấp nập. Những ngày này, bà cụ, anh Osamu và tôi lại sống trầm lặng, như bị cái ồn ào náo nhiệt xung quanh tôi bỏ lại hoàn toàn.
Mỗi lần tới nhà thờ, tôi và anh Osamu lại say sưa đặt dưới chân cây thập giá những chiếc lá đẹp màu, quả thông, cả bức tranh máy bay mà Osamu vẽ, rồi cái cúc áo trông như viên kẹo tròn tròn lấy từ bộ vest mẹ tôi từng mặc, ngoài ra còn biết bao nhiêu thứ đồ lễ khác nữa. Tùy thời điểm mà bức tượng Chúa bằng gỗ mang những sắc thái khác nhau, cũng có khi tôi thấy ông ta giống như người đang bận tâm về một chuyện xúi quẩy nào đó hơn là đang đau khổ, chẳng hạn như bị rơi ví hay giẫm phải đống phân chó. Bị cuốn hút kì lạ bởi những biểu hiện cảm xúc khác nhau mỗi lần ngắm nhìn bức tượng, có những ngày, tôi rủ Osamu leo lên con dốc dài dẫn đến nhà thờ tới hai, ba lần. Lần nào tôi rủ: “Đi đi anh!” Osamu cũng đồng ý: “Ừ, đi!” nên tôi rất vui, có lẽ càng ngày tôi càng thích thú với trò chơi này.
Bà cụ chẳng có vẻ gì là sốt sắng với việc chuẩn bị tết nhất. Nếu hỏi hằng ngày bà cụ làm gì, câu trả lời sẽ là: bà dành cả ngày để dọn dẹp phân mèo. Thường thì lúc đi vệ sinh, lũ mèo sẽ tìm vào tận ngóc ngách nào đó và sau khi xong chúng sẽ lấp đất lên cẩn thận. Nhưng chắc những con mèo tới đây thuộc loại nặng mông, cứ ị phân lăn lóc ngay giữa vườn và để mặc như thế mà chẳng lấp đất che đi. Với một người ưa sạch sẽ như bà cụ, không đời nào bà lại chịu để yên như vây. Lần nào bà cụ cũng đi lòng vòng khắp vườn, tay đeo găng lao động, cầm theo túi giấy và xẻng, mắt sáng lên và cánh mũi phập phồng. Khi tôi và anh Osamu định đi ra ngoài, bà cụ gọi giật lại: “Hai đứa nhìn này!” rồi he hé cái túi giấy để những gì bên trong lộ ra. Chúng tôi nhăn mặt vì mùi khó chịu, còn bà cụ lại thích thú trước thái độ lạ lùng đó. Anh Osamu và tôi đưa mắt nhìn nhau, thế rồi bà cụ chúi mái đầu bạc phơ vào túi giấy và tự gật đầu một mình: “Ừ, có mùi. Mũi ta vẫn ngửi được.” Mũi của bà cụ đã gần như không ngửi thấy gì nữa rồi.
Năm đó, vì nhà đang có tang nên chúng tôi không viết thiệp chúc mừng ai cả. Đêm giao thừa và mùng một Tết, mẹ con tôi đến ở nhà bác anh cả của mẹ. Trước đó không lâu, bà ngoại cũng đến đó sống cùng với bác gái và hai chị họ của tôi.
Hiếm khi mẹ tới thăm nhà bác cả. Không phải vì quan hệ giữa mẹ và bác cả không tốt, mà nói thế nào nhỉ, chắc họ không được hợp nhau cho lắm. Thế nhưng vì bác ấy kiên quyết rằng ít nhất vào dịp tết nhất mẹ con tôi cũng nên tới thăm bà ngoại, hơn nữa khoảng cách ba giờ đồng hồ tàu điện chưa kể phải đổi tàu liên tục là quá xa để có thể đi và về trong một ngày, nên chúng tôi quyết định nghỉ đêm ở đây. Bác cả trách hai mẹ con tôi lâu lắm rồi có chưa đến thăm bà ngoại. Tim của bà ngoại có chuyển biến xấu, phải nhập viện nên lễ tang của bố tôi bà không đến dự được.
Mẹ với bác cả vừa xem chương trình âm nhạc cuối năm vừa nhâm nhi bia và trao đổi với nhau vài câu nhạt thếch. Hai chị họ đang học cấp II của tôi đứng trước ti vi và bắt chước các ca sĩ, hết hát hò lại nhảy nhót ầm ĩ, còn tôi thì vừa ngồi mơ màng bên bàn sưởi vừa nghĩ vẫn vơ, anh Osamu thế nào nhỉ?
Bác gái chăm bà ngoại tôi như chăm con nít vậy.
“Nàooo, mẹ ơi, mẹ ăn dưa vàng nhé.”
Giọng nói của bác ngọt như mía lùi. Bà ngoại vẫn có thể tự làm được nhiều việc, nhưng bác gái vẫn cắt sẵn dưa ra thành từng miếng nhỏ vừa miệng. Được chăm sóc chu đáo, bà ngoại nom thật đáng thương, nhỏ thú lọt thỏm trong cái áo len lông thỏ mềm mại rất hợp với nước da trắng, trên khuôn mặt nở một nụ cười mơ hồ. Bác gái càng ngọt ngào bao nhiêu, bà ngoại càng giống trẻ nhỏ bấy nhiêu. Nhìn bà ngoại như vậy, chẳng hiểu sao tôi lại nhớ tới hình ảnh bà cụ ở trang viên Cây Dương, trông rất oách trong chiếc tạp dề nhưng lại đứng bếp với vẻ lười nhác, lần nào cũng nấu đi nấu lại món canh tương dở tệ rồi húp sì s.
“Mẹ ơi!”
Sau khi chui vào trong chăn, tôi gọi mẹ. Bình thường tôi vốn khó ngủ, nhưng đúng là phải thừa nhận lớp hồ của cái vỏ chăn này quá dày.
“Mai mấy giờ mình về hả mẹ?”
Mẹ trở mình quay về phía tôi.
“Con muốn về ư?”
“Không phải thế nhưng mà…”
“Không phải thế, nhưng con muốn về chứ gì?”
“Vâng ạ.”
“Mẹ cũng thế.”
“Thật ạ?”
Mẹ gật đầu. Hình như lâu rồi tôi và mẹ mới nói chuyện với nhau như thế này, tôi thấy trong lòng vui vui.
“Bà ngoại già quá rồi nhỉ?”
Mẹ nói một mình. “Rồi thì, mọi người đều sẽ đi xa,” mẹ khẽ lẩm bẩm điều đó rồi quay lưng về phía tôi, bật khóc run run.
Tôi ra khỏi chăn mình, chui vào chăn bên cạnh, nằm sát lại như dán vào lưng mẹ. Từ sau khi vào mẫu giáo, hiếm khi tôi được ngủ cùng mẹ thế này, nhưng hôm đó là một ngoại lệ. Hơi ấm từ người mẹ từ từ truyền sang tôi, và rồi ở khóe mắt đang nhắm chặt cả tôi, khuôn mặt bố bất ngờ hiện lên rõ nét. Bố nhắm mắt, dường như đang suy nghĩ điều gì. Đúng rồi, bố vẫn thường nhắm mắt như thế, vừa hút thuốc lá, thỉ thoảng vẫn còn nghe nhạc, vừa suy nghĩ đăm chiêu. Tôi muốn biết bố đang nghĩ gì. Nhưng lần nào tôi tới gần, bố liền mở mắt ra ngay rồi bế bổng tôi lên. Điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc nhưng cũng vì vậy mà chẳng bao giờ tôi bước vào được suy nghĩ riêng của bố…
“Mẹ xin lỗi.”
Mẹ vừa lau mắt khóc như trẻ con vừa quay về phía tôi. “Con bất ngờ phải không?”
Tôi lắc đầu. “Mẹ ơi,
“Sao, con?”
“Con đang viết thư đấy. Cho bố.”
Mẹ sững lại một giây. “Thế à, con đang viết thư cho bố à?”
“Con nhờ được người gửi hộ, thật đấy!”
Nếu mẹ hỏi, ai gửi hộ con, chắc tôi sẽ kể hết cho mẹ toàn bộ sự thật. Nhưng trong một thoáng, mẹ không nói gì, chỉ trân trân nhìn những đầu ngón tay tôi nằm gọn trong lòng bàn tay mẹ.
“Con viết những gì?”
“Ừm.”
“Bí mật à?”
“Con viết cả về những bí mật nữa. Ví dụ như chuyện anh Osamu sau này chẳng hạn.”
Mẹ khẽ cười.
“Mẹ ơi, bố chưa bao giờ nổi cáu, mẹ nhỉ?”
“Đúng rồi.”
Nhưng trong giọng nói của mẹ có điều gì đó mơ hồ.
“Viết thư cho bố, con thấy có cả giác kỳ lạ lắm.”
“Lạ thế nào hả con?”
“Con tự hỏi, bố đã chết rồi sao. Sự thực là bố đã chết rồi. Nhưng con chẳng thấy sợ gì cả mẹ ạ.”
“Trước đây con sợ à?”
“Vâng.”
Giây lát, cả hai mẹ con cùng chìm vào im lặng.
“Mẹ ơi, mẹ sẽ viết chứ?”
“Một lúc nào đó nhé!”
“Nếu viết, mẹ bảo con nhé. Để con nhờ người gởi đi hộ cho.
Tôi vội nhắm mắt lại. Mong sẽ kịp ngủ trước khi mẹ nhắc, “Giờ thì về với cái chân của con đi nào.” Nhưng hình như mẹ không định nói điều đó. Mẹ cứ chĩa mũi vào mớ tóc mái hỉ nhi vừa cắt của tôi và cứ để như vậy thật lâu. Trong khi cố vờ ngủ, tôi đã thiếp đi luôn.

°

°

Mùng một Tết. Mẹ và tôi định sẽ đi dạo cùng bà ngoại. Hàng ngày, đi dạo sau bữa sáng đã trở thành thói quen thường nhật của bà, và bà không hề có ‎định phá vỡ thói quen ấy dù là trong ngày Tết. Bác gái, người luôn đi dạo cùng bà, từ sáng đã mệt lử do uống chút rượu nặng. Bác đã cố gọi vợ dậy nhưng vô ích, “Mau dậy còn dắt mẹ ra ngoài chứ,” cứ như thể bảo bác gái đi chăm cún con vậy. Hai cô chị họ của tôi đã ra ngoài đi lễ cầu năm với bạn bè.
Chúng tôi thong thả ra công viên gần nhà theo nhịp bước chân chậm rãi của bà. Phố xá được gói ghém trong cái tĩnh lặng đặc trưng của Tết, còn bầu không khí như căng ra dưới ánh nắng trong vắt. Bà ngoại không nói gì cả. “Mẹ có lạnh không?” “Đây có phải là con đường mọi khi không mẹ nhỉ?” Mẹ có hỏi gì đi nữa, bà cũng chỉ gật gật hoặc lắc đầu mà thôi. Tôi ngờ rằng bà ngoại chẳng biết gì về hai mẹ con tôi. Suốt từ hôm qua, chưa một lần bà gọi tên tôi và mẹ.
Trong công viên, chúng tôi ngồi xuống một chiếc ghế băng dưới nắng. Ngay bãi cát trước mặt, có một con mèo đang bới bới cát để giải quyết nỗi buồn.
“Mẹ xem kìa. Có con mèo kìa, mèo.”
Mẹ chỉ cho bà ngoai. Bị ảnh hưởng của bác gái, giọng mẹ nghe như đang trò chuyện với con nít vậy. Nhưng lập tức, bà ngoại làm mẹ con tôi sững người.
“Này con, thôi cái kiểu đó đi cho mẹ nhờ.”
Bà ngoại nói xong thở phì phò cả ra đằng mũi, bà vẫn còn mệt.
“Thôi cái gì cơ ạ?”
Mẹ tôi chớp mắt liên tục.
“Nghe cái giọng chảy nước của con, mẹ đến đoản thọ mất.”
Tôi và mẹ cùng há miệng. Bà ngoại ít nhất trước trông còn đáng thương đến thế giờ đã đi đâu mất rồi?
“Con bao nhiêu tuổi rồi?”
Mẹ còn đang ngơ ngác thì bà ngoại liền hỏi lại: “Này con gái. Con bao nhiêu tuổi rồi?”
“Ba bảy ạ.”
Bà ngoại gật đầu rồi mò tìm trong túi ni lông đặt trên đầu gối, lấy ra một phong bì dày đưa cho mẹ.
“Cái gì thế ạ?” Mẹ hé mắt nhìn vào trong rồi lên tiếng. “Đây chẳng phải là tiền sao?”
“Mẹ cứ nghĩ mãi, chẳng biết sau khi mẹ chết đi rồi thì nó có đến được tay con hay không...”
“Nhưng còn các anh con thì sao ạ?”
“Đó là chuyện mẹ sẽ tự lo, được chứ?”
Giọng bà ngoại dần trở nên rõ ràng.
“Con có tiền không? Không có xu nào còn gì?”
“Dạ vâng, nhưng…cảm ơn mẹ đã giúp con.”
Bên trong phong bì, ngoài tiền ra còn có một chiếc nhẫn vàng.
“Mẹ mua nó từ trước khi sinh con. Hơi bốn mươi năm rồi đấy.”
Mẹ bèn đeo thử, chiếc nhẫn còn vừa khít với ngón giữa.
“Mẹ mang thai con năm bốn hai tuổi nhỉ. Ngưỡng mộ thật!”
Mẹ nói, mắt ngắm nghía mãi cái bàn tay đeo nhẫn, bà ngoại không trả lời. Thay vì thế, bà chăm chú nhìn mẹ với một sự lưu tâm sâu sắc, gần như là dò xét.
“Này, có phải con cảm giác như bây giờ mình đã có tuổi rồi phải không?”
Mẹ khẽ cười rồi trả lời bâng quơ: “Vâng ạ.”
“Mẹ biết, thời đại bây giờ khác rồi, nhưng mẹ cũng từng giống như con. Cũng có phần chán chường, buồn bã. Bố con điều hành công ty rất tốt nên mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió. Ngày đó, con còn chưa sinh ra, có một người đàn bà…”
“Đàn bà…với bố ạ?”
“Ừ.”
“Không thể nào. Chẳng phải cứ hễ trên ti vi chiếu gì đó lãng mạn là bố đều tắt đi đấy hay sao?”
“Nhưng mà có đấy con ạ. Chuyện đó đã xảy ra, và mẹ nghĩ cuộc đời mình thế là hết. Rồi bằng mọi cách, mẹ cố gắng tự vực mình dậy, lần đầu tiên mẹ bí mặt mua đồ mà không cho bố con biết. Mẹ thấy thoải mái lắm. Là chiếc nhẫn này đây.”
Mẹ nhìn chiếc nhẫn. Tôi chẳng hiểu gì về nội dung câu chuyện nhưng lại bị khuôn mặt bà thu hút. Cả mắt, miệng và lỗ mũi của bà trông đều phồng lên dễ phải đến gấp đôi lúc ở nhà.
“Từ đó về sau, dần dần từng chút một, nhiều chuyện trở nên tốt đẹp hơn, và rồi con ra đời. Đó là cái nhẫn mang lại điềm lành.”
Bà ngoại nói vậy với mẹ rồi quay sang nháy mắt với tôi, khi ấy đang dỏng tai lên nghe chuyện người lớn. “Cháu có thấy đẹp không? Mai này cháu lớn lên, mẹ cháu sẽ tặng lại nó cho cháu.”
Mẹ chìa bàn tay đeo nhẫn về phía tôi. Trên bề mặt nhẵn bóng của chiếc nhẫn vàng, khuôn mặt tôi ánh lên dài thượt.
“Có lẽ con cảm thấy thật khó khăn nhưng…” bà ngoại ho khẽ, “quan trọng hơn cả là rồi đây sẽ thế nào. Con hãy làm sao để sau này không phải hối hận rằng ‘Ôi, ngày đó mình vẫn còn trẻ, vậy mà…’ ”
Đáp lại lời bà, “Điều đó con hiểu,” - mẹ khẽ gật đầu như muốn nói.
“Con ổn cả mà mẹ.”
“Thật ư? Hôm qua, lúc con xuất hiện trong bộ vest cũ nát đó, mẹ thấy rùng cả mình.”
“A ha ha,” mẹ bật cười, Chắc mọi người chê bộ vest kẻ ca rô mà mẹ đang mặc, điều đó hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Đó là bộ đồ mà tôi yêu thích.
“Bộ này ạ, con chủ định mặc nó đấy. Con đang để tang mà. Anh Hiroyuki chắc là đang càu nhàu nhiều lắm hả mẹ?”
“Thằng bé đó là một đứa cứng nhắc. Nó bảo thủ và độc đoán.”
Mặt bà ngoại nhăn lại.
“Cực chẳng đã, mẹ đành phải đóng vai người có tuổi. Nếu không giả làm một bà già lẩn thẩn thì thật khó sống.”
Mẹ định xen vào, song bà lắc đầu cho mẹ thấy.
“Mọi người đều biết cả. Rằng thực ra mẹ là một bà già lắm điều. Bác cắt tóc, bác sĩ Naganuma, ông Tashiro ở bưu điện, và Yoshizawa ở Hội Người cao tuổi, cả ông Tamiya nữa. Nhưng cũng vì thế nên trước Toshiko, mọi người đều giữ bí mật giúp mẹ, về việc mẹ đóng kịch thế này. Đó đều là những người thực sự tốt.”
“Nào, đến lúc phải đi rồi,” bà ngoại là người đứng lên trước tiên. Tới tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt bà ngoại khi vừa đi qua cổng nhà bác cả: mắt bà trũng xuống còn miệng thì mím chặt lại, có một sự thay đổi ghê gớm vừa diễn ra cứ như thể bà vừa đeo thêm một chiếc mặt nạ vậy. Liền sau đó là bữa trà chiều. Như một chú chim non, bà ngoại ăn những miếng thạch đậu xanh được bác gái cắt nhỏ.

°

°

Bố có khỏe không ạ? Hôm nay, con với anh Osamu, cả bố anh Osamu nữa, ra bờ sông thả diều đấy. Bố anh Osamu chạy mãi, và con diều bay lên cao ơi là cao. Gió bờ sông lạnh lắm. Nhưng con và anh Osamu cứ nóng rực lên vì chạy nhiều quá.
Bố anh Osamu đã cắt tóc ngắn rồi. Chỗ hói trên trán bác ấy bây giờ rõ mồn một. Nhưng con thấy bác ấy như thế trông trẻ hơn ngày trước nhiều.
Anh Osamu nói anh ấy muốn sống ở đây cùng với bố của anh ấy. Bác ấy đồng ý rồi. Nhưng anh Osamu bảo: “Anh không ở lại đây ngay được, phải về bên nhà mẹ một lần đã. Nhưng đến kỳ nghỉ xuân anh sẽ chuyển tới.” Con vui lắm bố ạ, con đã nắm tay anh ấy và dung dăng thật mạnh. Chúng con không buông tay ra, cứ thế chạy lượn vòng vòng trên bờ sông.
Thả diều xong bọn con tới nhà thờ. Hồi ở nhà bác Hiroyuki, lúc đi dạo cùng bà ngoại tới công viên, con nhặt được một cái cài áo rất đẹp. Con đã tặng cái cài áo đó cho ông Jesus. Móc cài bị vỡ nhưng bên trên có gắn một viên đá lấp lánh ánh đỏ, đẹp vô cùng. Con hồi hộp lắm, vì con nghĩ ông Jesus sẽ vui. Nhưng ông ấy trông cứ như đang suy nghĩ cái gì ấy bố ạ. Con hỏi: “Ông đang nghĩ gì thế?” Nhưng ông Jesus không trả lời con. Trên đường về con bảo với anh Osamu: “Em ghét cái ông Jesus kia, anh ạ!” thế mà anh ấy nổi giận: “Sao em lại nói một điều như thế hả?” Con bảo: “Em không biết. Vì ông ấy chết rồi.” Anh Osamu lại bảo: “Không bao giờ có việc Ngài chết cả.” Rồi con đánh anh ấy. Osamu không đánh con, nhưng anh ấy không thèm nói chuyện với con nữa.
Đến tối, con tới gặp anh Osamu và nói: “Em xin lỗi!” thì anh ấy bảo: “Anh không giận em đâu.” Thế là con nghĩ: “May quá, không sao rồi.”
Sau đó, ở chỗ cầu thang, con với anh Osamu chơi oẳn tù tì. Con thích chơi trên cầu thang vào buổi tối bố ạ. Đèn vẫn bật nên chỉ có chỗ đó là sáng thôi còn chung quanh tối om. Bọn con đang chơi thì cô Sasaki về mang theo một túi du lịch to đùng. Con nghe nói là cô Sasaki vừa đi Hawaii. Quà cô ấy cho con và anh Osamu là kẹo sô cô la. Con với anh Osamu ăn dè từng tí một. Ngon ơi là ngon! Thế, con chào bố nhé!
Vì hôm sau là ngày nhập học, anh Osamu xách theo một túi du lịch cỡ nhỏ về bên nhà mẹ. Tôi muốn đi tiễn anh ấy cùng bác Nishioka nhưng bác bảo sau đó sẽ đi làm luôn nên tôi đành chào tạm biệt anh ở cổng khu căn hộ cho thuê. Sang xuân, Osamu lại về. Anh ấy sẽ đến sống cùng bác Nishioka, rồi hàng ngày sẽ lại chơi đùa cùng tôi. Ngoài ra, tôi không nghĩ thêm gì khác nữa.
Thế rồi, vào cái ngày mà dự báo thời tiết đưa tin về đợt không khí lạnh nhất của mùa đông năm ấy, ở trường về đến nhà, tôi nhận được thư của anh Osamu trong thùng thư.
Chiaki, em khỏe không? Anh vẫn khỏe. Nhưng lá thư này không được vui cho lắm. Ban đầu anh đã định không viết, nhưng rốt cuộc anh vẫn viết vì muốn nói rõ với Chiaki.
Cuối cùng mẹ anh cũng ra viện. Nhưng em bé thì mất rồi. Em bé đã được sinh ra, nhưng phổi em ấy hoạt động không bình thường nên em ấy mất ngay sau đó.
Ngày nào mẹ anh cũng khóc. Bố anh (là bố ở đây ấy) cũng rất chán. Nhưng vì còn công việc nên bố không ở bên được.
Hàng ngày, anh nấu cháo cho mẹ. Mẹ anh ăn chẳng được mấy. Lúc anh cho mẹ ăn, mẹ chỉ nói “Cảm ơn con” rồi ăn một chút, sau đó thì lại khóc. Dạo này, mẹ anh hay nói chuyện về hồi mẹ còn bé. Mẹ nói suốt một, hai tiếng đồng hồ rồi sau đó, khi đã mệt lả rồi mẹ liền ngủ thiếp đi.
Chiaki này, anh đã hứa với Chiaki là đến mùa xuân anh sẽ tới đó, nhưng anh không giữ lời được rồi. Thời gian này anh không thể rời xa mẹ anh được. Em bé đã mất rồi, nếu đến cả anh cũng không ở đây nữa thì mẹ anh sẽ đau khổ vô cùng. Xin lỗi em! Bố anh (bố ở trang viên Cây Dương ấy) cũng bảo: “Con hãy ở bên cạnh mẹ!” Bố nói: “Bố quen ở một mình rồi nên không sao đâu.” Nhưng bố cũng có những lúc cô đơn nên anh cũng hơi lo. Nhờ Chiaki chăm sóc bố giúp anh nhé.
Anh sẽ lại viết thư. Anh rất muốn một lúc nào đó lại được cùng Chiaki đi nhà thờ. Không giữ được lời hứa với em, anh thật sự xin lỗi.
Endo Osamu
Tôi chạy đến chỗ bà cụ, chìa lá thư ra ngay lúc bà còn đang bận ủi đồ.
“Mẹ anh Osamu chẳng bảo là vì sắp có em bé nên sẽ không cần anh ấy nữa còn gì? Thế mà giờ mất em bé rồi thì lại thay đổi. Chơi gian! Anh Osamu thật đáng thương.”
Nước mắt, nước mũi, nước miếng của tôi thấm ướt cái tạp dề đầy mùi xà phòng và mùi thuốc sắc của bà cụ. Tôi không nhớ mình cứ như vậy trong bao lâu. Rốt cuộc, khi tôi ngẩng mặt lên khỏi đầu gối bà cụ, bà cụ bèn cho tôi ăn thạch hạt dẻ. Khi cái miếng mềm mềm ngòn ngọt ấy trôi qua cổ họng đẫm nước mắt nước mũi của tôi, bỗng nhiên tôi thấy đói.
Bà cụ không cười, chỉ lẳng lặng dùng dao gọt hoa quả để xắt thạch, xắt đến đâu ăn hết đến đấy. Thường ngày, tôi vẫn kinh ngạc trước tính hảo ngọt của bà cụ, vậy mà hôm đó tôi cũng chẳng hề kém cạnh. Tôi biết món thạch hạt dẻ này là “của để dành” mà bà cụ đặt làm đặc biệt của một chỗ thân quen. Vậy mà chỉ trong chớp mắt, bà và tôi đã ăn hết sạch một miếng thạch, miếng thứ hai cũng gần như hết veo. Suốt khoảng thời gian đó, hai bà cháu chẳng nói gì.
Chẳng mấy chốc, tôi bắt đầu cứ như say đồ ngọt, bà cụ tôi rồi gật đầu: “Ổn rồi.” Tôi không biết cái gì “ổn rồi”, nhưng khi bà cụ nói vậy, tôi lại thấy cơn giận bùng lên. “Bà ơi, cháu sẽ viết trả lời anh Osamu. Cháu sẽ viết là anh nhất định phải đến chơi cùng em đấy.”
“Ôi, thằng bé đó. Cháu này, chả có đứa nào tuyệt vời được như thằng Osamu đâu.”
Rốt cuộc, trong khoảng thời gian tôi còn ở trang viên Cây Dương, không thấy Osamu tới đó lần nào nữa, kiểu liên lạc giữa trẻ con với nhau cũng không kéo dài được là bao. Nhưng đến tận bây giờ, thi thoảng, tôi vẫn nhớ đến những câu văn nghiêm chỉnh mà Osamu viết trong thư. Một lần, anh ấy gửi cho tôi một tấm ảnh. Đó là ảnh chụp khi đi tham quan, Osamu đứng cạnh một chú gấu con bị xích, trông hơi căng thẳng nhưng ngón tay vẫn giơ lên làm dấu chữ V, trên mặt nở một nụ cười gượng gạo. Tôi thích tấm ảnh đó, nó có cái gì rất riêng, rất Osamu.

8
“Có vị nào ở đây là bác sĩ không ạ?”
Đang ngủ, chợt tôi nghe một giọng trầm trầm nhưng rất rõ đập vào tai. Phải mất vài giây tôi mới nhận ra đó là giọng của cô tiếp viên hàng không.
Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, vậy là bay được bốn mươi phút rồi. Có lẽ tôi đã ngủ quá say. Đêm qua, sau khi nói chuyện điện thoại với mẹ và được biết về sự ra đi của bà, tôi đã lần lượt hồi tưởng lại rất nhiều chuyện cũ, vì vậy mà không thể ngủ được.
“Có, tôi là y tá đây…”
Lên tiếng rồi tôi mới thấy hối hận. Nói là y tá nhưng tôi đã bỏ việc rồi còn gì. Lỡ tôi không còn quen việc nữa…
“Chị có thể tới đây được không? Có một hành khách đau bụng dữ dội.”
Cô tiếp viên tiến lại gần từ phía lối đi, vừa nói vừa thu dọn khay đồ ăn ở lưng ghế trước mà tôi đang để mở, như không hề nhận thấy sự bối rối của tôi.
Khi đi tới hàng ghế phía trước được ngăn bằng rèm che, tôi thấy chiếc ghế rất lớn đã được ngả ra và một bé gái tầm mười lăm tuổi đang nằm trên đó. Nhìn cơ thể bé ỏ của cô bé cuộn tròn cứng đờ trong chăn vì đau đớn, sự bối rối trong tôi tan biến đi.
Không có ai đi cùng cô bé cả, cô tiếp viên hàng không cho tôi hay. Biết tôi là y tá, vẻ mặt cô bé giãn ra một chút.
“Em sao thế, nói cho chị biết được không?”
“Tự nhiên em đau bụng quá… rồi em bị nôn.”
“Em đau chỗ nào?”
Tôi cuộc chăn lại rồi hỏi, cô bé chỉ tay vào vùng bụng trên: “Ở đây ạ.” Tôi tháo thắt lưng quần bò của cô bé, rồi dùng lòng bàn tay dò tìm trên làn da lấm tấm mồ hôi.
“Chỗ này phải không?”
“Vâng…”
Tôi thử ấn hơi mạnh xuống phía dưới bên phải chỗ cô bé kêu đau.
“Á…”
“Em nôn ra những gì?”
“Trong nhà vệ sinh…”
“Em thấy có máu không?”
“Em nghĩ là không. Có màu trắng.”
Tôi hít một hơi thật sâu. Rồi tôi hỏi số điện thoại nhà cô bé, may sao mã vùng đó là mã vùng mà chuyến bay đen đủi này sẽ đáp tới.
“Nếu là thuốc giảm đau hay thuốc dạ dày thông thường thì chúng tôi có…” Cô tiếp viên hàng không ái ngại nói. Tôi lắc đầu.
“Có lẽ là viêm ruột thừa. Cô có thể gọi trước cho sân bay yêu cầu xe cấp cứu đợi sẵn được không?”
Đôi mắt trang điểm kỹ của cô tiếp viên hàng không nhìn thẳng vòa mắt tôi như muốn nói: tôi tin chị, mong chị cũng tin ở tôi.
“Được, tôi sẽ liên lạc ngay. Ngoài ra còn cần gì nữa không?”
“Đây là số điện thoại nhà cô bé. À, nếu có cặp và cái chăn nữa, chị mang cho tôi nhé.”
“Tôi hiểu rồi.”
Dù đang rên rỉ vì đau đớn, cô bé vãn ngước lên nhìn tôi vẻ bất an.
“Không sao đâu em. Khoảng ba mươi phút nữa máy bay hạ cánh rồi.”
Tôi ngồi xổm giữa lối đi và nắm lấy tay cô bé.
“Vậy có thể là đau ruột thừa hả chị?”
“Đúng vậy. Nhưng chưa kiểm tra cẩn thận thì chưa biết được.”
“Nếu là ruột thừa thì không sao… Vì mẹ em cũng từng mổ ruột thừa rồi. Nhưng nếu còn lại sẹo thì khó chịu lắm.”
“Không nhất thiết phải phẫu thuật đâu em ạ. Dù sao cũng phải đợi khám bác sĩ xong mới biết được.”
Cô bé khẽ gật đầu. Tôi cứ nắm tay cô như thế và trò chuyện để cô bé ít nhiều quên đi cơn đau. Cô bé cũng hổn hển kể tôi nghe chuyện vừa đi thăm bố đang công tác xa nhà. Một mình đi thăm bố xa như thế đang lúc không phải kỳ nghỉ của trường, liệu có phải đã xảy ra chuyện gì không nhỉ? Trong đầu tôi chợt hiện lên suy nghĩ ấy trong lúc động viên cô bé.
Lần đầu tiên tôi nảy ra ý muốn trở thành y tá cũng là khi trạc tuổi cô bé này. Đó là lần tôi tới thăm bà ngoại, khi ấy bà đã không còn đi lại được nữa, thoạt gặp lần đầu tôi đã vô cùng ngưỡng mộ một cô y tá. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ dáng người mảnh dẻ trong tấm áo choàng trắng tinh của cô y tá. Trước đó, tôi hoàn toàn không thể hình dung nổi khi thành người lớn mình sẽ như thế nào, nhưng rồi, chính cô y tá ấy đã mang lại cho tôi thứ gọi là mơ ước cho tương lai. Thái độ điềm tĩnh và tận tụy, động tác chính xác, sức sống mãnh liệt tiềm ẩn trong lời lẽ khiêm nhường - tất thảy những điều đó, chỉ những người thực sự tự tin mới có được. Và tôi - con bé mười lăm tuổi khi ấy - không khỏi say sưa suy nghĩ về chuyện đó. Ở lớp, thành tích của tôi luôn nhất, nhì. Nhưng dù có học bao nhiêu, thậm chí tập tọe trang điểm, hay thử leo lên sau mô tô của tụi học sinh cấp III, dù có làm những việc đại loại thế bao nhiêu lần chăng nữa, tôi cũng sẽ không thể tìm được chính mình, tôi biết vậy, cho nên lần đó thực sự là một cuộc gặp gỡ mang tính quyết định.
Bây giờ dù có nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng cô ấy là người sinh ra để làm y tá. Một việc nặng nhọc như trở mình cho bà ngoại đang nằm liệt giường, cô ấy cũng làm rất tận tụy và cẩn thận hơn bất cứ ai. Hễ thấy cô ấy tới phòng bệnh, bà ngoại lại nheo nheo mắt ra chiều yên lòng. Rồi bà ngoại bắt đầu kể về ngày bà còn trẻ, những chuyện mà tôi là cháu ngoại cũng chưa một lần được nghe. Bà ngoại từng là nhân viên đánh máy, một nghề vốn rất phổ biến ngày xưa.
Nhưng, tôi quyết chí trở thành y tá cũng không hẳn hoàn toàn là vì cô y tá ấy. Từ hồi đó, tôi đã muốn nhanh chóng rời nhà. Bởi nếu không rời nhà thật nhanh, tôi sẽ chết ngạt vì thứ tình cảm quá ư phức tạp tôi dành cho mẹ. Mỗi lần kể về người bố quá cố của tôi, mẹ chỉ nhắc đi nhắc lại về những kỷ niệm an toàn và tẻ nhạt, nhưng tôi cảm nhận được đâu đó trong lòng mẹ hoàn toàn khép chặt. Một người mẹ như vậy, tôi thấy ghét, ghét không chịu được. Tôi nghĩ thế rồi lại bật khóc ngay sau đó và nghĩ khác đi. Nếu là vì mẹ, tôi có thể vứt bỏ cả tính mạng của mình không sá gì. Mẹ tội nghiệp, mẹ đáng thương của tôi. Mẹ gặp những điều cay đắng, mẹ vất vả, mẹ gánh vác cả vai trò của một người cha, dù chuyện gì xảy ra mẹ cũng phải tự quyết định một mình. Thế rồi ít lâu sau, tôi lại không thể kiên nhẫn chịu đựng mẹ thêm được nữa. Khi ấy, mẹ đã mập lên nhiều do cuộc sống hoàn toàn yên ổn sau khi tái hôn. Một giọng nói ngờ vực cứ quay cuồng trong đầu tôi, “Mẹ có thực sự hạnh phúc? Hay phải chăng chỉ là mẹ đang giả vờ hạnh phúc?”
Lớn lên mình sẽ thành người thế nào, cho tới khi vào viện thăm bà, tôi vẫn chưa có chút ý tưởng gì về chuyện đó, nhưng ý nghĩ rời nhà sống độc lập đã dồn ứ và nung nấu trong tôi từ lâu, khiến nghề y tá trở thành như một sự lựa chọn phù hợp dành cho tôi. Có lẽ vì vậy mà bây giờ tôi phải gánh chịu hình phạt. Phải chăng chính vì động cơ muốn thành y tá của tôi hồi mười lăm tuổi là không trong sạch nên giờ tôi đã phải bỏ việc tại bệnh viện và chìm dần trong cơn suy sụp.
Trong loa vọng ra thông báo máy bay đang chuẩn bị hạ cánh, bàn tay đẫm mồ hôi của cô bé bất ngờ nắm chặt lấy tay tôi.
“Lát nữa thôi là đến nơi rồi.”
Tôi lại đặt tay lên lớp da mỏng trên bụng cô bé. Cơn đau tưởng như vừa truyền trực tiếp sang tôi, trong một khắc, tôi sững người.
Sức chịu đựng của cô bé thật lớn. Cô bé giỏi hơn tôi nghĩ, rất nhiều.
“Chị cứ để tay ở đấy nhé!”
Mắt vẫn nhắm nghiền, cô bé nói, giọng thều thào.
Phải rồi, tuy đã làm việc tận tụy hơn bất cứ ai, nhưng tôi chưa bao giờ là một y tá giỏi. Có những lúc, ngoài miệng tôi nói lời động viên những người trưởng thành hẳn hoi đang khóc lóc sợ hãi cứ như sắp mổ ruột thừa đến nơi, nhưng tận nơi đáy lòng tôi chẳng coi trọng họ chút nào. Nhưng lần này, không hiểu sao cơn đau mà cô bé phải chịu đựng lại có thể truyền sang tôi. Khi mà tôi đã quyết định sẽ không trở lại bệnh viện thêm một lần nào nữa, sao lại là lúc này.
Vừa tới sân bay, cô bé được đặt lên xe cứu thương và đưa đi, nhưng cả sau đó, cơn đau nóng rực vẫn còn lưu lại trong lòng bàn tay tôi. Đứng giữa sảnh đợi rộng thênh thang của sân bay mới hoàn thiện, trong giây lát, tôi lặng đi, vờ như đang xem bảng hướng dẫn, còn bàn tay siết chặt trong túi áo.