Cuộc thẩm vấn thứ hai (tt)

Dịch giả: Quốc Ấn
Cuộc thẩm vấn thứ ba

     ó khi lời nói phải được dùng đi che giấu hành động. Nhưng việc đó phải được làm thế nào cho không ai nhận thấy; hoặc nếu bị lộ, phải có ngay những lời tạ lỗi để thoát liền khỏi ngõ bí.
Machiavel
(Chỉ thị cho Roffaello Girolomi)
Dầu lời của ngươi là dạ, dạ, không, không: những điều mà người ta thêm vô đó phải phát xuất từ kẻ điếm đàng.
(Evangile theo Thánh Mathieu, V, 37)
1.
Trích trong Hồi Ký của N. S. Roubachof ngày thứ hai mươi trong tù.
“... Vladimir Brogrof đã rơi xuống khỏi chiếc đu. Cách đây một trăm năm mươi năm, ngày chiếm ngục Bastille, chiếc đu Âu châu từ lâu bất động, đã hoạt động trở lại. Nó đã rời khỏi sự bạo tàn một cách sảng khoái; với một cái vọt đi hình như không gì cản trở được, nó phóng lên tận trời xanh của tự do. Trong một trăm năm, nó đã lên càng lúc càng cao trên những từng không gian của chủ nghĩa tự do và dân chủ. Nhưng kìa, lần lần chiếc đu chậm lại; nó tới gần đỉnh, và gần giai đoạn tối hậu của chuyến nhảy vọt ấy; kế đó, sau một giây bất động, nó bắt đầu lùi lại với một tốc độ càng lúc càng nhanh. Với cái đà như lúc lên, chiếc đu đưa các hành khách từ tự do trở về với bạo tàn. Kẻ nào nhìn lên không khí thay vì nắm thật vững, đã bị chóng mặt té xuống.
Kẻ nào muốn tránh chóng mặt phải cố tìm quy luật chi phối sự vận hành của chiếc đu. Trong lịch sử, hình như chúng ta thấy mình đứng trước sự vận hành của một quả lắc, nó đu đưa từ chủ nghĩa độc tài đến chủ nghĩa dân chủ, từ dân chủ đến độc tài chuyên chế.
Số lượng tự do cá nhân mà một dân tộc có thể chiếm đoạt được tùy thuộc ở trình độ trưởng thành chánh trị của dân tộc đó. Sự vận hành của quả lắc nói trên hình như chỉ cho ta thấy tiến trình của quần chúng đến độ trưởng thành không theo một khúc tuyến lên cao, như việc tăng trưởng của một cá nhân, mà khúc tuyến ấy chịu sự chi phối của nhiều quy luật phức tạp hơn.
Sự trưởng thành chánh trị của quần chúng là do khả năng giác ngộ quyền lợi của chính họ. Nhưng việc ấy phải được xem như đã có trước một sự hiểu biết về mức tiến triển của sự sản xuất và phân phối tài sản. Khả năng tự cai trị lấy một cách dân chủ của nhân dân phải tương xứng với mực độ hiểu biết, lối kiến trúc và điều hành của các cơ cấu tổng quát của xã hội.
Nhưng mỗi tiến bộ kỹ thuật lại sanh ra những phức tạp mới trong bộ máy kinh tế, mà quần chúng phải cần một thời gian mới hiểu. Một bước vọt tới của tiến bộ kỹ thuật lại đẩy sự tăng tiến trí thức tương đối của quần chúng lùi ra sau một bước, và gây ra việc sụt độ của cái nhiệt kế trưởng thành chánh trị. Phải mấy mươi năm, lắm khi phải nhiều thế hệ để mức hiểu biết của một dân tộc thích nghi lần lần với tình trạng mới của sự vật, cho đến bao giờ dân tộc đó tìm được khả năng tự cai trị lấy mà họ đã có ở giai đoạn thấp hơn trong nền văn minh của họ. Sự trưởng thành chánh trị của quần chúng không thể đo lường bằng một con số tuyệt đối, mà chỉ một cách tương đối, nghĩa là tương xứng với mức văn minh vào một thời khoản nhứt định nào đó.
Khi trình độ giác ngộ của quần chúng theo kịp tình trạng khách quan của sự vật, tự nhiên nền dân chủ sẽ đi đến một cuộc thắng trận hoặc ôn hòa, hoặc bằng võ lực. Cho đến bao giờ bước nhảy vọt kế tiếp của nền văn minh cơ khí - thí dụ như sự phát kiến của máy dệt - đẩy lùi quần chúng trong tình trạng thiếu trưởng thành tương đối, và giúp cho việc thành lập một chánh quyền độc tài, dưới hình thức này hay hình thức khác, trở thành cần thiết nữa.
Hiện tượng này có thể so sánh với sự kiện nâng cao một chiếc tàu lên cái đập có nhiều ngăn. Khi chiếc tàu vào ngăn thứ nhứt, nó ở một mực độ không cao lắm đối với dung tích của ngăn đó; nó được nâng cao lần lần đến khi nước tới mực độ tối đa. Nhưng cái độ lớn này chỉ là ảo giác, vì ngăn kế đó của cái đập còn cao hơn nữa, và sự tiến triển của phương pháp làm ngang mực nước bằng lối dâng nước lên cao cứ tái diễn như trước. Các bức tường của các ngăn đập đại diện cho tình trạng khách quan của sự chế ngự các sức mạnh thiên nhiên, nền văn minh cơ khí chẳng hạn; mực nước trong các ngăn đại diện cho sự trưởng thành chánh trị cúa quần chúng. Nó sẽ vô nghĩa nếu ta đo lường mực nước đó như một độ cao tuyệt đối trên mực nước biển; điều đáng kể, là độ cao tương đối của mực nước trong mỗi ngăn của đập nước.
Sự phát minh máy chạy bằng hơi nước đã mở một thời kỳ tiến bộ khách quan rất nhanh và do đó, sự thụt lùi chánh trị chủ quan cũng cùng một tốc độ. Kỷ nguyên kỹ nghệ hãy còn trẻ trong lịch sử, sự cách biệt rất nhiều giữa sự kiến trúc kinh tế vô cùng phức tạp và sự hiểu biết về kiến trúc ấy của quần chúng. Bởi thế có thể giải thích rằng sự trưởng thành chánh trị tương đối của các quốc gia trong tiền bán thế kỷ 20 ít hơn hồi hai trăm năm trước Thiên Chúa hay hồi cuối thời phong kiến.
Sự sai lầm của chủ thuyết xã hội là tưởng rằng mức giác ngộ của quần chúng tăng tiến luôn luôn một cách đều đặn. Từ đó phát sanh sự bất lực của nó trước cái đong đưa cuối cùng của quả lắc, sự cắt xẻo lý tưởng của các dân tộc bởi chính họ. Chúng ta tưởng rằng sự thích nghi quan niệm của quần chúng đối với xã hội trong những hoàn cảnh mới là một sự tiến triển đơn giản, có thể đo bằng số năm được; nhưng, theo kinh nghiệm của lịch sử, thì đo bằng số thế kỷ thì đúng hơn. Các dân tộc Âu châu còn lâu mới tiêu hóa nỗi những ảnh hưởng của máy chạy bằng hơi nước. Hệ thống tư bản sẽ sụp đổ trước khí quần chúng hiểu rõ nó.
Còn về quốc gia Cách mạng, quần chúng cũng bị cai trị bằng những quy luật tâm lý như ở các nơi khác. Họ đã tiến đến ngăn kế đó của đập nước, nhưng luôn luân họ lại ở một mực thấp của bồn nước mới. Hệ thống kinh tế mới thay thế cho hệ thống cũ đối với họ vẫn chưa hiểu được. Cuộc tiến lên một cách cần cù và khó nhọc phải khởi sự lại. Có thể phải nhiều thế hệ nữa thì dân chúng mới hiểu tình trạng mới của sự vật mà chính họ đã tạo ra với cuộc Cách mạng.
Nhưng đến bây giờ, một hình thức chánh phủ dân chủ không thể có được, và số lượng tự do cá nhân có thể chấp nhận lại thấp hơn ở các quốc gia khác. Đến nay, các nhà lãnh đạo bắt buộc phải cai trị như trong chỗ trống không. Đo lường bằng các tiêu chuẩn tự do cổ điển thì tình trạng đó không phải là một quang cảnh đẹp mắt. Nhưng tất cả ghê tởm, giả trá và tước đoạt đập vào mắt chỉ là sự diễn đạt thấy rõ và không tránh được về quy luật đã xác định trên kia. Khốn khổ cho thằng ngốc hay nhà thẩm mỹ nào hỏi để biết vì lẽ gì chớ không phải tại sao! Nhưng cũng khốn khổ cho phe đối lập trong một thời kỳ quần chúng tương đối chưa trưởng thành như thời kỳ mà chúng ta đang trải qua!
Trong những thời kỳ trưởng thành cần phải kêu gọi quần chúng đảm nhận bổn phận và vai trò đối lập.
Trong thời kỳ chưa trưởng thành về tinh thần, chỉ có những kẻ mị dân mới viện dẫn ‘sự phán xét tối cao của nhân dân’. Trong những tình trạng như vậy đối lập phải chọn lựa một trong hai giải pháp: chiếm chánh quyền bằng một cuộc đảo chánh, không thể tin vào sự ủng hộ của quần chúng; hoặc, trong sự tuyệt vọng câm nín, nhảy xuống từ chiều cao của chiếc đu - ‘chết trong yên lặng’.
Còn một giải pháp thứ ba cũng không kém hợp lý và trong nước chúng ta đã được lập thành hệ thống phủ nhận và hủy diệt niềm tin của mình khi không còn một hy vọng nào tìm lối thoát cho niềm tin đó. Tiêu chuẩn tinh thần duy nhứt mà chúng ta nhìn nhận là sự ích lợi cho xã hội, do đó, sự phủ nhận trước công chúng những niềm tin của mình để còn được ở trong hàng ngũ của Đảng, là giải pháp danh dự hơn là theo gương Don Quichotte kéo dài cuộc tranh đấu vô vọng.
Những vấn đề kiêu hãnh cá nhân; những thành kiến như đã có đối với một vài hình thức tự khuất nhục; những tình cảm cá nhân, sự mệt mỏi, chán chường và hổ thẹn, phải bị tàn nhẫn cắt bỏ và nhổ tận gốc rễ”.
2.
Roubachof đã bắt đầu ghi lại những suy tư của ông về “chiếc đu” ngay hồi kèn đầu tiên trổi lên sau đêm hành quyết Bogrof và cuộc viếng thăm của Ivanof. Khi người ta mang đến bữa ăn sáng, ông uống một ngụm cà-fê, phần còn lại để nguội. Nét chữ của ông, từ mấy lúc sau này có vẻ mềm và không quyết đoán, đã trở nên quả quyết và kỷ luật, những chữ nhỏ hơn, những vòng lớn phóng khoáng nhường chỗ cho những góc nhọn. Đọc lại ông mới nhận thấy sự thay đổi.
Đến mười một giờ, người ta đến tìm ông để đi vận động như mọi ngày, và ông phải ngưng viết. Đến sân, người cùng đi cặp với ông không phải là lão già Rip Van Winkle, mà là một nông đân gầy ốm mang giày gai. Rip Van Winkle không có trong sân, bấy giờ Roubachof mới nhớ ra hồi bữa ăn sáng, ông không nghe câu hát quen thuộc “Bứng lên, những kẻ bị đầy ải trên địa cầu”. Hình như họ đưa lão đi nơi khác. Trời biết lão ở đâu; con bướm đáng tội nghiệp từ năm qua, cánh rách nát, do phép lạ đã sống một cách vô ích quá hạn định của cuộc đời, để rồi hiện ra quá mùa, bay lượn quanh quẩn một cách mù quáng một hai lần, và rơi xuống cát bụi ở một góc trời nào đó.
Nông dân đi cà nhảy lặng lẽ bên cạnh Roubachof, lẻn liếc mắt nhìn ông. Sau vòng đầu, hắn tằng hắng mấy lần, và sau vòng thứ hai, hắn nói:
- Tôi từ tỉnh D. tới. Ngài có tới đó lần nào chưa?
Roubachof trả lời không. Tỉnh D. ở xa xôi về miền Đông, ông không rõ lắm.
- Tỉnh đó chắc cùng đường rồi - Hắn nói - Phải ngồi trên lưng lạc đà mới đến được. Ngài là chánh trị phạm?
Roubachof ừ. Đôi giày gai của người nông dân đã mòn hết nửa đế; hắn bước đi với những ngón chân trần nằm trong tuyết bị dậm nát. Cổ hắn ốm, và gật đầu luôn trong lúc nói, như hắn lặp lại những tiếng “amen” trong buổi đọc kinh.
- Tôi cũng vậy, tôi cũng chánh trị, - Hắn nói - nghĩa là tôi là một kẻ phản động. Họ nói rằng bọn phản động phải đi xa nhà trong mười năm. Ngài nghĩ họ sẽ gởi tôi đi xa trong mười năm không?
Hắn lắc đầu và e ngại liếc nhìn về hướng những lính gác họp thành một nhóm ở giữa sân, đang phủi gót giày và không để ý gì đến đám tù nhân.
- Anh đã làm gì? - Roubachof hỏi.
- Tôi bị vạch mặt là phản động khi họ tới chích con nít, người nông dân nói. Ở đó, mỗi năm chánh phủ gởi cho chúng tôi một ủy ban. Cách đây hai năm, họ gởi cho chúng tôi giấy để đọc và một đống hình của ông chánh phủ. Năm rồi họ gởi một cái máy để đánh chữ và bàn chải cho răng. Năm nay, họ gởi những cái ống bằng chai với nhiều kim, để chích mấy đứa nhỏ. Có một người đàn bà mặc quần đàn ông; cô đó muốn chích hết con nít, từ đứa một. Cô ta tới nhà tôi, tôi với vợ tôi tấn cửa lại và chúng tôi bị lật mặt nạ là phản động. Kế đó, chúng tôi đốt giấy, đốt hình và đập luôn cái máy để dánh chữ; một tháng sau họ tới tìm chúng tôi.
Roubachof lẩm bẩm mấy tiếng và nghĩ đến đoạn sau của thiên tùy hứng của ông về việc cai trị dân chúng bởi chính dân chúng. Ông nhớ trước kia ông có đọc những gì đó về dân bổn xứ ở Tân Guinée. Họ cũng cùng trình độ trí thức với nông dân này, nhưng họ lại sống trong sự hòa hợp xã hội hoàn toàn và có những cơ cấu dân chủ phát triền một cách đáng ngạc nhiên. Họ đã tiến đến một mực độ cao trong cái bồn thấp của đập nước.
Nông dân cho sự yên lặng của Roubachof là một dấu hiệu không tán thành và hắn co rút người hơn nữa. Những ngón chân của hắn đông giá xanh lè; hắn thở dài mãi; cam chịu số phận, hắn đi cà nhảy cạnh Roubachof.
Khi về tới xà lim, Roubachof tiếp tục viết, ông cho rằng mình đã làm được một cuộc phát minh với “luật trưởng thành tương đối” và ông viết trong sự hứng khởi vui vẻ. Khi người ta mang đến bữa ăn trưa, ông mới vừa chấm dứt. Ông ăn phần của mình và nằm dài thỏa mãn trên giường.
Ông ngủ yên một giờ đồng hồ, không chiêm bao, và cảm thấy khỏe khoắn lúc thức giấc. Số 402 gõ lên tường từ một lúc rồi; chắc hắn cảm thấy bị bỏ quên. Hắn hỏi về người láng giêng mới cùng đi dạo bên Roubachof mà hắn đã quan sát từ cửa sổ, nhưng Roubachof ngắt ngang. Mỉm cười với mình, ông gõ bằng cái kiếng mắt:
Tôi đầu hàng.
Ông chờ đợi, tò mò muốn biết ảnh hưởng do ông gây ra.
Một lúc lâu sau, không có gì xảy ra, số 402 yên lặng. Cả phút sau, hắn mới trả lời:
Tôi thà chịu bị thắt cổ...
Roubachof mỉm cười, gõ:
Mỗi người một lối.
Ông chờ đợi sự nổi giận của số 402. Nhưng những tín hiệu hình như dập tắt bớt, và có vẻ kiên nhẫn.
Tôi đã có khuynh hướng thấy ở ông một ngoại lệ. Trong ông không còn một tia danh dự nào sao?
Roubachof nằm ngửa, kiếng mắt trên tay. Ông cảm thấy bình thản và thỏa mãn. Ông gõ:
Quan niệm về danh dự của chúng ta khác nhau.
Số 402 gõ rất mau và chính xác:
Danh dự là sống chết cho lý tưởng của mình.
Roubachof cũng trả lời thật mau:
Danh dự, là trở thành hữu ích mà không kiêu hãnh.
Số 402 trả lời, lần này mạnh hơn và với một giọng chua chát hơn:
Danh dự là phẩm cách - không phải hữu ích.
Phẩm cách là gì? - Roubachof hỏi, vừa đánh rời rạc từng chữ và chẫm rãi. Ông càng gõ một cách bình thản, thì những tiếng trên tường càng tỏ ra giận dữ.
Một cái gì mà những kẻ như ông không bao giờ hiểu nổi. - Số 402 trả lời. Roubachof nhún vai.
Chúng tôi thay phẩm cách bằng lý lẽ. - Ông đáp lại.
So 402 không trả lời nữa.
Trước bữa ăn tối, Roubachof đọc lại những gì ông đã viết. Ông sửa vài chỗ, rồi chép lại tất cả dưới hình thức một lá thơ gởi cho ông Biện lý.
Ông gạch đít những đoạn chót viết về sự chọn lựa có thể được của đối lập, và chấm dứt tài liệu bằng câu:
“Tôi ký tên dưới đây, N.S. Roubachof, cựu nhân viên Trung ương Đảng bộ, cựu ủy viên Nhân dân, cựu Tư lịnh Đệ nhị Sư đoàn của Quân đội Cách mạng được ban thưởng Cách mạng Bội tinh vì dũng mãnh trước kẻ thù của nhân dân, vì những lý lẽ trình bày trên đây, đã quyết định tuyệt đối chối bỏ thái độ đối lập và công khai tố cáo những sai lầm của tôi”.
3.
Roubachof chờ từ ba hôm nay để được đưa tới trước Ivanof. Ông tưởng chuyện ấy sẽ xảy ra ngay sau khi ông trao cho viên ngục tốt già tài liệu thông báo sự đầu hàng của ông; hơn nữa, chính hôm đó là ngày chấm dứt thời hạn do Ivanof đã định. Có lẽ Ivanef nghiên cứu “Thuyết Trưởng thành tương đối”; cũng có lẽ tài liệu đã được đệ lên giới cao cấp thẩm quyền.
Roubachof mỉm cười nghĩ đến nỗi kinh ngạc của các tay “lý thuyết gia” trong Trung ương Đảng trước tài liệu đó. Trước Cách mạng và ngay sau đó, lúc vị lãnh tụ già còn sống cũng vậy, không có sự phân biệt nào giữa những “lý thuyết gia” với các “chánh trị gia.” Chiến thuật phải theo trong bất cứ tình trạng nào đều được suy luận thẳng từ chủ thuyết cách mạng. Trong một cuộc tranh luận tự do, những biện pháp chiến lược trong trận Nội chiến, những cuộc sung công mùa màng, việc phân chia và cấp phát ruộng đất, việc đưa ra một thứ tiền tệ mới, việc tổ chức lại các nhà máy - trên thật tế, tất cả những biện pháp hành chánh đều đại diện cho những hành động của triết học thực dụng. Mỗi người trong số những cái đầu có đánh số trong bức ảnh cũ kỹ trước kia đã trang trí bức tường của Ivanof, đều biết rõ về triết học luật pháp, kinh tế chánh trị và khoa học cai trị, hơn cả những giáo sư danh tiếng của tất cả các trường đại học Âu châu họp lại. Những cuộc tranh luận trong những kỳ đại hội của Đảng trong thời Nội chiến được giữ ở một mức độ mà trong lịch sử chưa bao giờ có một đại hội chánh trị nào đạt được; những cuộc tranh luận ấy giống như những báo cáo của các tạp chí khoa học - với sự khác biệt này là kết quả của cuộc tranh luận dính dáng đến đời sống và hạnh phúc của nhiều triệu người và tương lai của Cách mạng.
Bây giờ, đoàn Lão vệ binh đã kiệt lực: luận lý học của lịch sử muốn rằng chế độ càng vững, thì nó càng khe khắt, để ngăn chận những động lực phong phú do Cách mạng giải phóng quay ngược trở lại và làm cho Cách mạng nổ thành muôn mảnh. Cái thời những đại hội triết học đã chấm dứt; thay vì những chân dung xưa kia, một vệt sáng chiếu trên giấy dán tường của Ivanof; những nguyên tắc của một triết học nóng bỏng phải nhường chỗ cho một thời kỳ chính thống khô khan. Chủ thuyết Cách mạng đông lại thành một thứ sùng bái giáo lý thuộc loại giáo lý cương yếu giản dị hóa cho dễ hấp thụ, với Người số I ở địa vị Đại trưởng lão thuyết Lễ triết học. Những diễn văn, những bài báo của ông ta trình bày tính cách của sách giáo lý cương yếu toàn thiện toàn mỹ; những bản văn đó được chia thành câu hỏi và lời đáp, với một thứ luận lý học huyền diệu trong sự giản dị hóa một cách thô kệch những vấn đề và hành động. Người số I áp dụng theo bản năng “luật trường thành tương đối của quần chúng”... Những kẻ thích hưởng lạc trong sự tàn bạo đã bắt buộc thần dân của họ phải hành động theo trật tự; Người số I đã dạy thần dân phải suy nghĩ theo trật tự.
Roubachof thấy thích thú với ý nghĩ chẳng biết những “lý thuyết gia” mới của Đảng nói gì về bức thơ của ông. Trong tình trạng hiện thời, bức thơ ấy là hiện thân của một thứ tà thuyết điên cuồng nhứt; những vị cha đẻ của lý thuyết mà mỗi lời nói đã trở thành một lời thiêng liêng, đã bị đả kích trong thơ ấy; trong bức thơ đó, con mèo được gọi là con mèo, và cả cá nhân thần thánh của Người số I cũng bị đãi ngộ một cách khách quan trong thời điểm lịch sử của ông ta. Họ sẽ oằn oại đau đớn, những anh lý thuyết gia của thời này, mà công việc duy nhứt là giải thích những cái nhảy vọt bất ngờ, và những thay chiều đổi hướng thình lình của Người số I như là những phát giác mới nhứt của triết học.
Người số I lắm khi cũng thích chơi các lý thuyết gia của ông nhiều đòn lạ lùng. Một hôm, ông nhờ ủy ban chuyên viên chủ trương biên tập tạp chí kinh tế của Đảng làm một phân tích về cuộc khủng hoảng kỹ nghệ của Mỹ. Phải mấy tháng trời mới hoàn thành bản phân tích; chót hết, một số đặc biệt ra đời, trong đó - căn cứ theo luận đề do Người số I trình bày trong diễn văn cuối cùng của ông tại Đại hội Đảng - họ chứng minh trên ba trăm trương giấy rằng sự phồn thịnh của Mỹ chỉ là một thời kỳ giả tạo, và trên thực tế, Mỹ đang ở ngay lòng chỗ trủng của sự suy sụp mà họ chỉ có thể vượt qua sau cuộc chiến thắng của Cách mạng mà thôi. Ngay ngày số đặc biệt đó ra đời, Người số I tiếp một ký giả Mỹ và làm cho cà thế giới ngạc nhiên khi ông tuyên bố giữa hai bụm khói của chiếc ống điếu một câu vắn tắt:
- Cuộc khủng hoảng Mỹ đã chấm dứt và mọi việc ở đó đều trở lại bình thường.
Các nhân viên trong ủy ban chuyên viên, chờ đợi bị đuổi và có thể bị bắt, ngay đêm đó thảo những bức thơ trong đó họ thú nhận “họ đã phạm những lỗi lầm tai hại vì đã đưa ra những lý thuyết phản Cách mạng và những bản phân tích dối gạt”; họ nhấn mạnh về sự hối hận của họ và hứa sẽ công khai tạ tội trước công chúng. Chỉ có Isakovitch, người đồng thời với Roubachof và cũng là nhân viên duy nhứt trong ban biên tập có chân trong Đoàn Lão vệ bịnh, đã chọn con đường tự tử. Những người hiểu chuyện sau đó quả quyết rằng Người số I đã dàn xếp vụ này trong mục tiêu duy nhứt là loại Isakovitch mà ông nghi có khuynh hướng đối lập.
Tất cả là một hài kịch thô bỉ, Roubachof nghĩ thầm; thật sự, tất những trò lừa phỉnh với cái “triết lý Cách mạng” chỉ là những phương tiện củng cố nền độc tài; dầu loại hài kịch đó là một hiện tượng gây suy yếu cho chế độ, nó cũng có vẻ là một sự cần thiết lịch sử. Mặc kệ kẻ nào xem loại hài kịch đó là một sự kiện nghiêm trang, vì họ chỉ nhìn từ trước lên sân khấu chớ không nhìn những dàn xếp ở hậu trường. Ngày xưa, chánh sách cách mạng được qui định một cách tự do ở các phiên đại hội Đảng; hiện thời nó được quyết định trong hậu trường - điều đó cũng là một kết quả hợp lý của luật trưởng thành tương đối của quần chúng.
Roubachof nóng lòng được làm việc trở lại trong sự yên tịnh của một thư viện có những chụp đèn xanh lá mạ, để xây dựng một lý thuyết mới trên những nền tảng lịch sử. Những thời gian phong phú để sản xuất triết lý cách mạng luôn luôn là những thời gian lưu vong, bị nghỉ ngơi bắt buộc giữa những thời khoản hoạt động chánh trị. Ông đi bách bộ trong xà lim và để cho trí tưởng tượng tự do nghĩ đến đời sống trong hai năm tới của ông, lúc mà ông bị loại khỏi chánh trường, trong tình trạng lưu đày nội bộ; việc chối bỏ công khai lý tưởng của ông sẽ giúp ông được hưởng một sự đình hoãn cần thiết. Cái lối đầu hàng của ông không quan trọng; họ sẽ tạo ra những tờ tự thú và tuyên ngôn trung thành với đường lối không thể lầm lỗi của Người số I. Đó là một vấn đề hoàn toàn nghi thức - một thứ nghi thức cổ lỗ cần thiết để đưa từng câu vào quần chúng bằng đường lối phổ biến và lập tới lập lui không ngớt; những gì được xem là tốt phải chiếu sáng như vàng, và những gì bị xem là xấu phải đen như gỗ lim; những lời tuyên bố chánh trị phải được tô màu như những chú hề bán hàng trong hội chợ.
Đó là những đầu đề mà số 402 không hiểu gì cả, Roubachof nghĩ. Quan niệm danh dự hẹp hòi của hắn thuộc về một thời khác rồi. Phẩm giá là gì? Là một hình thức quy ước được giữ chặt bởi những truyền thống và những quy luật đấu thương cỡi ngựa của hiệp sĩ đạo. Quan niệm mới về danh dự khác hẳn: phụng sự không tự kiêu cho đến kết quả tối hậu...
“Thà chết chớ không chịu mất danh dự”, số 402 đã tuyên bố như vậy, có lẽ vừa gõ vừa vặn râu. Số 402 gõ với cái kiếng một tròng; Roubachof với cái kiếng kẹp mũi hai tròng; đó là tất cả sự khác biệt. Sự kiện quan trọng duy nhứt hiện nay của Roubachof là làm việc yên lành trong một thư viện để xây dựng những tư tưởng mới của ông. Việc ấy cần nhiều năm để hoàn thành một quyển sách dầy; nhưng đó là tác phẩm đầu tiên đưa độc giả đến con đường hiểu biết lịch sử của những chế độ dân chủ và rọi ánh sáng vào hiện tượng đong đưa kiểu quả lắc của vấn đề tâm lý quần chúng, những hiện tượng rất minh bạch ngày nay mà lý thuyết cổ điển về giai cấp đấu tranh không giải thích được.
Roubachof đi rất mau trong xà-lim và mỉm cười một mình. Không còn gì quan trọng nữa, miễn là người ta cho ông thời gian để triển khai học thuyết mới của ông. Răng ông không còn đau nữa; ông cảm thấy rất tỉnh táo, xốc vác và nóng ruột. Hai ngày đã trôi qua từ cuộc đàm thoại ban đêm với Ivanof và gởi tờ tự thú, nhưng vẫn chưa thấy chuyện gì xảy tới. Giờ khắc bay mau trong hai tuần lễ đầu bị bắt, giờ đây có vẻ như dừng lại đến vô định. Nó tan rã thành phút, thành giây. Ông làm việc từng chập, thỉnh thoảng phải ngừng lại vì thiếu tài liệu lịch sử. Ông chờ ở lỗ dòm nhiều lần trọn mười lăm phút, trong hy vọng ngục tốt tới đưa ông lại văn phòng Ivanof. Nhưng hành lang vắng ngắt, và ánh đèn điện rọi sáng như thường lệ.
Có lúc ông mong Ivanof đích thân tới, và tất cả các hình thức tự thú sẽ được giải quyết ngay tại xà-lim; được như vậy thì dễ chịu biết bao. Lần này, ông sẽ không bài bác việc mang chai rượu mạnh đến. Ông tưởng tượng cuộc đàm thoại với đầy đủ chi tiết; hai người sẽ thảo luận cách nào về cú pháp của những lời thú nhận, và những tiếng hóm hỉnh trắng trận của Ivanof trong khi cả hai vùi đầu vào công việc. Vừa mỉm cười, Roubachof đi tới lui trong xà-lim, và nhìn đồng hồ mỗi mười phút. Ivanof đã hứa tối hôm đó sẽ gởi người đến tìm ông ngay hôm sau kia mà!
Sự thiếu kiên nhẫn của Roubachof mỗi lúc một tăng; đêm thứ ba sau cuộc đàm thoại với Ivanof, ông không ngủ được. Nằm dài trên giường trong đêm tối, lắng nghe những tiếng động không rõ ràng trong nhà ngục, ông lăn qua trở lại; lần thứ nhứt từ ngày bị bắt, ông mong ước sự hiện diện ủy lạo của một thân thể đàn bà. Ông cố thở đều đều để dỗ giấc ngủ, nhưng lại càng bực bội hơn. Ông dằn ý muốn nói chuyện với số 403; từ ngày ông đặt câu hỏi “Phẩm giá là gì?” hắn đã biệt tăm.
Đến nửa đêm, sau khi thức trọn ba giờ trên giường, mắt nhìn đăm đăm vào mảnh giấy báo dán trên miếng kiếng bể, ông không chịu được nữa, dùng ngón tay gõ vào tường. Nóng nảy, ông chờ đợi: tường im phăng phắt. Ông gõ nữa, và chờ, lòng tự ái dâng lên nóng mặt. Số 402 vẫn không hồi đáp. Tuy nhiên, ông biết hắn còn thức bên kia tường, và giết thì giờ với những cuộc phiêu lưu ngày trước; hắn đã thú nhận với Roubachof không thể ngủ trước một hay hai giờ khuya, và hắn trở lại những thói quen của thuở thiếu thời.
Roubachof nằm ngửa, mắt mở trao tráo trong bóng tối. Ổ rơm bằng phẳng và cứng ngắc; cái mền quá nóng làm ông đổ mồ hôi, nhưng nếu ông bỏ ra thì sẽ bị lạnh run. Ông hút liên tiếp đến điếu thuốc thứ bảy hay thứ tám; tàn thuốc rải rác trên nền gạch quanh giường. Tiếng động nhỏ nhứt cũng đã tắt ngấm; thời gian trở thành bất động và tan ra trong bóng tối vô định hình. Roubachof nhắm mắt và tưởng tượng Arlova nằm kế bên, lằn cong thân mật của đôi vú cô nổi lên trong bóng mờ. Ông quên hẳn cô đã bị kéo lôi như Bogrof trong hành lang; sự yên lặng dầy đặc đến nỗi làm ông ù tai. Hai ngàn người bị nhốt trong các gian nhỏ của cái ổ ong này hiện đang làm gì? Sư yên lặng phồng lên do sự hô hấp lặng lẽ, do những cơn mơ vô hình, do cơn thở hổn hển bị chận nghẽn vì sợ hãi và vì những khao khát của họ. Nếu lịch sử là một vấn đề làm toán, thì trọng lượng chung của hai ngàn cơn ác mộng ấy cân được bao nhiêu, và áp suất trên sự mong muốn bất lực nhân cho hai ngàn sẽ lên tới số nào? Hiện giờ, ông ngửi thấy rõ ràng mùi thơm thân thiết của Arlova; dưới lớp mền len, thân hình cô đẫm mồ hôi... Cánh cửa xà-lim mở ra vang dội; ánh sáng từ hành lang xói vào mắt ông.
Ông thấy hai người đồng phục, cả hai đều lạ hoắc đối với ông, súng sáu bên dây nịt. Một trong hai người đến gần giường; hắn to con, có một gương mặt ác ôn; giọng khàn khàn của hắn có vẻ quá to đối với Roubachof. Hắn ra lịnh cho Roubachof theo hắn, không giải thích đi đâu.
Roubachof mò tìm dưới mền chiếc kiếng mắt, bỏ túi rồi đứng lên. Sự mệt nhọc làm tay chân ông nặng như chì trong khi ông đi trong hành lang cạnh tên khổng lồ đồng phục, cao hơn ông trọn một cái đầu. Người kia đi sau cách họ ba bước.
Roubachof nhìn đồng hồ; đã hai giờ khuya: ông có ngủ được một lúc. Họ đi về hướng phòng hớt tóc - hướng mà họ đã mang Bogrof đi. Người lính thứ hai vẫn ở sau họ ba bước. Roubachof cảm thấy muốn quay đầu, như có một sự ngứa ngáy ở dưới cái ót, nhưng ông cố dằn xuống. Dầu sau, họ cũng không thể thủ tiêu mình mà không một nghi thức nào cả, ông tự nhủ nhưng không hoàn toàn tin tưởng. Nếu chuyện đó xảy ra ngay cũng không có gì quan trọng lắm; ông chỉ mong muốn họ hành sự thật mau. Ông cố tự xét xem mình có sợ hay không, nhưng ông chỉ ý thức được sự khó chịu vì phải cố gắng để khỏi quay đầu lại nhìn kẻ đi sau ông.
Khi họ qua khỏi khúc quanh gần người thợ hớt tóc, ông thấy cầu thang khu ốc trước mắt. Roubachof để ý xem tên khổng lồ cạnh ông có đi chậm lại không. Ông không cảm thấy sự sợ sệt nào cả, chỉ có tính tò mò và hơi khó chịu thôi; nhưng khi qua khỏi cầu thang, ông ngạc nhiên nhận thấy hai đầu gối mình run rẩy, và ông phải tự trấn tĩnh. Cùng lúc ấy, ông ngạc nhiên thấy mình chùi kiếng vào tay áo tự bao giờ; hình như ông đã lấy kiếng xuống mà không hay trước khi tới chỗ người thợ hớt tóc. Một sự lừa phĩnh, ông nghĩ. Về phần trên của thân thể, người ta có thể tự trấn an, nhưng ở phần dưới, từ bao tử trở xuống, người ta không thể dối gạt được. Ông nói thầm: nếu họ đánh mình, mình sẽ ký tất cả như họ muốn; nhưng ngày mai sẽ lại chối hết...
Đi vài bước nữa, “lý thuyết trưởng thành tương đối” trở lại trí óc ông, cả việc đã quyết định chịu thua và ký tờ đầu hàng. Ông thấy như trút bỏ được gánh nặng; nhưng cùng lúc đó, ông tự hỏi một cách ngạc nhiên vì cớ gì mà ông lại quên trọn vẹn những quyết định trong mấy ngày chót này. Người khổng lồ ngừng lại, mở cửa rồi biến dạng. Roubachof thấy trước mặt mình một bàn viết giống như của Ivanof, nhưng rọi bằng một thứ ánh sáng chóa mắt và khó chịu, như muốn làm vỡ mắt ông ra. Quay mặt về phía cửa, sau bàn, Gletkin ngồi đó.
Cánh cửa khép lại sau Roubachof, và Gletkin đưa mắt nhìn qua phía trên chồng hồ sơ. “Mời ông ngồi”, ông nói với một giọng ngắn ngủn và lạt lẽo mà Roubachof nhớ ngay kể từ màn thứ nhứt giữa hai người xảy ra tại xà lim ông. Ông cũng nhìn ra cái thẹo to trên sọ Gletkin; mặt ông ta trong bóng tối, còn nguồn ánh sáng duy nhứt trong phòng xuất phát từ một đèn rọi bằng kim khí đặt sau ghế bành của Gletkin. Ánh sáng trắng và sống sượng tuồn dồn dập từ bóng đèn mạnh đặc biệt chói lòa mắt Roubachof, đến nỗi mấy giây sau ông mới nhận ra sự hiện diện của một người thứ ba - một nữ thơ ký ngồi sau một tấm bình phong nhỏ, bên một bàn nhỏ, quay lưng ra ngoài.
Roubachof ngồi xuống trước mặt Gletkin, phía trước bàn, trên một chiếc ghế duy nhứt: một chiếc ghế nhỏ rất bất tiện.
- Tôi được ủy nhiệm thẩm vấn ông trong lúc ông ủy viên Ivanof vắng mặt. - Gletkin nói. Ánh sáng từ chiếc đèn làm nhức mắt Roubachof; nếu ông quay nghiêng mặt, thì ảnh hưởng của ánh sáng ở góc mắt cũng khó chịu gần như vậy. Hơn nữa, nó có vẻ vô lý và làm ông bối rối nếu vừa nói chuyện vừa quay mặt chỗ khác.
- Tôi muốn được Ivanof thẩm vấn. - Roubachof nói.
- Viên dự thẩm được giới hữu quyền chỉ định - Gletkin nói - Ông có quyền khai hay không khai. Trong trường hợp của ông, từ chối có nghĩa là rút lại lời khai trong đó cách đây hai hôm, ông viết rằng ông sẵn sàng thú nhận, và như vậy là tự nhiên cuộc điều tra kết thúc. Trong tình trạng đó, tôi được lịnh gởi trường hợp của ông đến giới hữu trách có thẩm quyền để họ làm một bản án theo lối hành chánh.
Roubachof suy nghĩ thật mau những điều vừa nghe được. Có một chuyện gì chắc chắn đã xảy ra cho Ivanof. Có lẽ ông ta thình lình bị nghỉ phép, hay bị lột chức, hay bị bắt rồi. Có lẽ vì người ta nhớ lại tình bạn thâm niên giữa ông ta và Roubachof; có lẽ vì trình độ trí thức của ông ta cao, vì ông ta quá lanh lợi hay vì sự trung thành đối với Người số I căn cứ trên những khảo sát hợp lý chớ không phải trên một niềm tin mù quáng. Ông ta quá thông minh; ông là thuộc về lớp người cũ: lớp người mới là Gletkin với những phương pháp của ông ta.
Mong anh được bình an đời đời, Ivanof... Roubachof không có thời giờ thương hại; ông cần nghĩ nhanh, và ánh sáng làm ông khó chịu. Ông lột kiếng và chớp mắt; ông biết rằng không có kiếng, mắt ông sẽ trần truồng và ngơ ngác, và đôi mắt lạnh lùng của Gletkin quan sát từng nét trên người ông. Nếu ông im lặng, ông sẽ lâm nguy, bây giờ thì không còn cách nào lùi được nữa. Gletkin là một con người đáng ghê tởm, nhưng ông ta đại diện cho thế hệ mới, thế hệ cũ phải hòa giải với họ bằng không thì bị đè bẹp; không thể chọn lựa được. Bỗng nhiên, Roubachof cảm thấy mình già đi; chưa bao giờ ông có cảm giác đó. Từ trước đến nay, ông không hề nghĩ rằng mình đã quá năm mươi tuổi. Ông mang kiếng trở lại và cố gắng đối đầu cái nhìn của Gletkin, nhưng ánh sáng chói lòa làm nước mắt ông trào ra; ông phải lột kiếng.
- Tôi sẵn sàng cung khai - Ông nói vừa cố chế ngự sự giận dữ làm ông hơi lạc giọng - Nhưng với điều kiện ông phải chấm dứt những thủ đoạn của ông. Tắt thứ ánh sáng chói mắt đó đi và dành những phương pháp này cho bọn lường gạt và bọn phản Cách mạng.
- Ông không có quyền đặt điều kiện - Gletkin nói vái giọng thung dung - Tôi không thể vì đôi mắt đẹp của ông mà thay đổi ánh sáng trong văn phòng tôi. Hình như ông không có vẻ thấu hiểu tình thế của ông, và nhứt là chính ông bị cáo có những hành động phản Cách mạng, chuyện mà ông đã thú nhận hai lần trong nhưng lời tuyên bố công khai vào những năm sau này. Ông lầm, nếu ông tưởng tượng lần này ông cũng thoát khỏi một cách dễ dàng.
“Đồ con heo - Roubachof mắng thầm - Đồ con heo dơ bẩn mặc đồng phục”. Ông đỏ mặt. Ông cảm thấy như vậy và biết Gletkin đang quan sát ông. Hắn mấy tuổi rồi, cái tên Gletkin này? Ba mươi sáu hay ba mươi bảy là cùng; hắn đã tham dự Nội chiến hồi còn thật trẻ, và chứng kiến cuộc Cách mạng khởi đầu lúc hắn còn là thằng bé. Đó là thế hệ bắt đầu biết suy nghĩ sau hồng thủy lụt. Một thế hệ không truyền thống, không kỷ niệm để dính chặt với cái thế giới cũ đã tàn lụn. Một thế hệ sanh ra không có cuống rún... Tuy nhiên, nó có quyền của nó. Cần phải xé bỏ cái cuống rún đó, chối bỏ sự liên hệ cuối cùng nối liền các người với những quan niệm về danh dự vô ích, và với cái thứ phẩm giá giả trá của thế giới cũ. Danh dự, là phụng sự không kiêu hãnh, bất kể thân mình, cho đến khi có kết quả tối hậu.
Cơn giận của Roubachof giảm lần lần. Ông giữ kiếng mắt trên tay và quay sang Gletkin. Vì phải nhắm mắt, ông cảm thấy mình càng ngơ ngác hơn trước, nhưng điều đó không làm ông bực bội nữa. Sau đôi mi nhắm kín, lóng lánh ánh sáng đỏ hồng. Chưa lần nào ông cảm thấy cô quạnh dữ dội như bây giờ.
- Tôi làm tất cả những gì có thể phục vụ Đảng. - Ông nói.
Giọng ông khàn hơn. Không mở mắt, ông nói:
- Tôi yêu cầu ông đọc cáo trạng với đầy đủ chi tiết. Tới nay, chưa ai làm việc đó.
Ông nghe, hơn là thấy bằng đôi mắt chớp chớp một cử động thật mau xuyên qua bóng dáng cứng ngắc của Gletkin. Hai tay áo hồ bột rút lên trên dựa tay của chiếc ghế bành, ông ta thở nhẹ và sâu hơn, như trong một lúc tất cả cơ thể của Gletkin đều giãn ra. Roubachof đoán rằng Gletkin vừa nhận thấy sự chiến thắng trong đời ông ta. Hạ được Roubachof là bắt đầu một sự nghiệp lớn; và một phút trước đây, tất cả hãy còn ngang ngửa đối với Gletkin - với số phận của Ivanof trước mắt làm gương cho ông ta.
Roubachof hiểu ngay ông có quyền lực đối với Gletkin cũng như người này có quyền lực đối với ông. “Tao nắm cổ họng mày, con ơi, ông nói thầm vói một cái nhăn mặt mỉa mai. Chúng mình cùng nắm cổ họng nhau, và nếu tao nhảy xuống khỏi cái đu, tao lôi mày theo”. Trong một lúc, Roubachof thấy vui sướng với ý nghĩ đó, trong khi Gletkin, trở thành cứng thẳng người và thận trọng, lục lạo trong đống tài liệu. Kế đó, Roubachof xua bỏ sự cám dỗ và nhằm chầm chậm đôi mắt đỏ hoe. Phải đốt hết trong ta những dấu vết kiêu hãnh cuối cùng - và tự tử là gì nếu không phải là một hình thức đồng nghĩa với kiêu hãnh? Tên Gletkin này, chắc hắn tưởng rằng chính những thủ đoạn của hắn chớ không phải những lý lẽ của Ivanof đã làm mình đầu hàng; có lẽ hắn cũng đã thuyết phục thượng cấp hắn và do đó lật được Ivanof. “Đồ súc sanh - Roubachof nói thầm, nhưng lần này không nổi giận - Mày là thứ luận lý thô bạo, mang đồng phục do chúng tao đã sáng tạo - đồ dã man của một thế hệ mới đang bắt đầu. Mày có biết gì đâu; nhưng nếu mày biết, mày cũng chẳng giúp được gì cho chúng tao...” Ông nhận thấy ánh sáng của ngọn đèn tăng thêm cường độ sống sượng - Roubachof biết có cách để tăng hay giảm cường độ của thứ đèn rọi này trong một cuộc thẩm vấn. Ông bị bắt buộc phải quay hẳn mặt chỗ khác và chùi nước mắt. “Đồ thô bạo - Ông nói thầm lần nữa - Tuy nhiên đúng là hiện nay chúng tao phải cần một thế hệ gồm những kẻ thô bạo như mày...”
Gletkin đã bắt đầu đọc cáo trạng. Giọng đều đều của ông ta càng dễ giận hơn bao giờ; Roubachof nghe, mặt quay đi, mắt nhắm nghiền. Ông đã quyết định xem những lời “thú tội” như một thể thức, như một hài kịch vô lý nhưng cần thiết, mà chỉ có những kẻ thông thạo mới có thể hiểu được ý nghĩa cong quẹo của nó; nhưng bản văn mà Gletkin đang đọc vượt quá những dự liệu tệ hại của ông về tính cách vô lý. Gletkin có thật sự tin tưởng rằng ông, Roubachof, đã thai nghén những cuộc âm mưu điên cuồng đó sao? Rằng trong nhiều năm, ông chỉ nghĩ đến việc đập phá tòa lâu đài mà Đoàn lão vệ binh và ông đã đặt nền móng hay sao? Và tất cả những kẻ đó, những người có cái đầu đánh số, những bậc anh hùng của Gletkin thuở thiếu thời - Gletkin có tin rằng bỗng nhiên họ trở thành nạn nhân của một bịnh dịch làm cho tất cả bọn họ đều tham lợi và bị mua chuộc dễ dàng, và họ chỉ có một mong muốn duy nhứt là phá hủy Cách mạng? Và muốn làm như vậy, những đại chiến lược gia chánh trị ấy lại dùng những phương pháp mà họ mượn trong một quyển tiểu thuyết trinh thám loại dở sao?
Gletkin đọc với một giọng đều đều, không âm điệu - thứ giọng vô sắc, khô cằn của những kẻ tập đọc, tập viết trễ nãi, vào tuổi thành nhân. Ông đang đọc những gì về cái gọi là thương thuyết với đại diện một ngoại cường, do Roubachof khởi xướng trong lúc ông còn ở B. - trong mục đích dùng võ lực phục hưng chế độ cũ. Tên của nhà ngoại giao ngoại quốc được kể ra, cả thời gian và nơi họ gặp nhau. Roubachof nghe chăm chỉ hơn. Trong trí nhớ ông, một cảnh nhỏ vô bồ hiện ra, một cảnh mà ông đã quên mà cũng chẳng hề nghĩ tới. Ông nhẩm tính thật mau ngày giờ đại để; hình như có sự trùng họp. Phải chăng đây là sợi dây mà họ dùng để thắt cổ ông? Roubachof mỉm cười và đưa khăn tay lau đôi mắt đầy nước mắt.
Gletkin tiếp tục đọc một cách cầu kỳ bằng một giọng đều đều giết người. Ông ta có tin thật sự những điều ông đọc không? Ông không nhận ra sự vô lý thô bạo của bản văn sao? Hiện giờ, ông đọc đến lúc Roubachof chỉ huy Tổng cuộc sản xuất Nhôm, ông đọc bản thống kê chỉ rõ lề lối tổ chức hỗn loạn một cách đáng sợ của cái kỹ nghệ bành trướng hấp tấp này; số thợ thuyền bị tai nạn, số phi cơ rơi xuống đất nát biến vì những nguyên liệu xấu. Tất cả những cái đó là do hậu quả của sự phá hoại ác ôn của Roubachof. Tiếng “ác ôn” được lặp lại trong bản văn nhiều lần, giữa những tiếng chuyên môn và những con số. Trong vài giây, Roubachof tưởng Gletkin trở nên điên loạn; sự lẫn lộn những gì hợp lý với vô lý là do sự cuồng loạn tinh thần. Nhưng cáo trạng không do Gletkin tạo ra; ông ta chỉ đọc thôi: hoặc ông ta tin thật tình, hoặc ông ta cho rằng sự tố cáo có thể tin được...
Roubachof quay đầu về phía nữ tốc ký viên trong một góc tối. Cô ốm yếu và mang kiếng mắt. Cô chuốt viết chì một cách sáng suốt và không một lần nào nhìn về hướng Roubachof. Có lẽ cô cũng cho là đáng tin những điều quái dị mà Gletkin đang đọc. Cô hãy còn trẻ, hai mươi lăm hay hai mươi sáu tuổi; cô cũng đã lớn lên sau trận hồng thủy. Tên Roubachof có nghĩa gì đối với thế hệ mới gồm những người ăn lông ở lỗ của hang Neanderthal? Ông ngồi trước ánh sáng chói lói của chiếc đèn rọi, không mở được hai mắt đầy nước mắt, và những kẻ của thế hệ mới đó đọc cho ông nghe bằng giọng vô sắc và nhìn ông với những con mắt lạnh lùng, một cách dửng dưng, như thể ông nằm dài trên đá cẩm thạch của một giảng đường về giải phẫu học.
Gletkin đã đến đoạn chót của cáo trạng. Nó chứa đựng lời tố cáo quan trọng nhứt: cuộc mưu sát Người số I. Người bí mật X. mà Ivanof nêu ra trong cuộc thẩm vấn đầu tiên hiện trở lại trong đoạn này. Đó là một trong những phụ tá của viên quản lý nhà hàng mà Người số I gọi bữa ăn trưa bằng đồ lạnh những ngày quá bận việc. Bữa ăn lạnh này là một trong những khía cạnh về nếp sống khắc khổ của Người số I đã được tuyên truyền rất cần cù; nhờ cái bữa ăn nguội huyền thoại này mà tên X, do Roubachof xúi giục, lợi dụng để chấm dứt sớm đời sống của Người số I. Roubachof mỉm cười với mình, mắt nhắm hít; khi ông mở ra, Gletkin đã thôi đọc và đang nhìn ông. Sau vài giây yên lặng, Gletkin nói, với giọng bình thường của ông, nhưng quả quyết hơn là hỏi:
- Ông đã nghe cáo trạng và ông nhận tội.
Roubachof cố nhìn thẳng vào mặt ông. Nhưng không thể được, và phải nhắm mắt trở lại. Ông đã có ở đầu lưỡi một câu trả lời cay chua; ông dằn lại và nói thật nhỏ làm người nữ thơ ký ốm phải lắng tai nghe:
- Tôi nhận tội đã không hiểu sự cần thiết khốc hại đã quy định chánh sách của Chánh phủ, và do đó đã nảy sanh những tư tưởng đối lập. Tôi nhận tội đã nghe theo những xúc động trong tâm tư đưa tôi đến chỗ mâu thuẫn với sự cần thiết lịch sử đó. Tôi đã để tai nghe những lời kêu than áo não của những kẻ bị hy sinh, thành thử trở nên điếc trước những luận điệu chứng minh sự cần thiết phải hy sinh họ. Tôi nhận tội đã đặt vấn đề phạm tội và vô tội trước vấn đề hữu ích và có hại. Chót hết, tôi nhận tội đã đặt tư tưởng của con người lên trên tư tưởng của nhân loại...
Roubachof ngừng lại và cố một lần nữa mở mắt ra. Ông nhấp nháy nhìn về phía người nữ thơ ký, vừa quay đầu tránh luồng ánh sáng. Cô ta vừa viết xong những lời ông nói; ông thấy xuyên qua bán diện nhọn lễu của cô hình như cô mỉm cười mỉa mai.
- Tôi biết, - Roubachof tiếp - lối lập luận sai lầm của tôi, nếu có hành động tiếp theo, có thể là một mối nguy hại vô cùng cho Cách mạng. Mọi đối lập vào những khúc quanh nguy cấp của lịch sử, đều tiềm tàng mầm mống một sự chia rẽ trong Đảng và từ đó, nảy sanh mầm mống nội loạn. Sự yếu kém của nhân loại và nền dân chủ tự do, trong khi quần chúng chưa giác ngộ, tương đương với sự tự tử của Cách mạng. Thế mà thái độ đối lập của tôi lại căn cứ trên sự tưởng nhớ những phương pháp đó - nhìn bên ngoài thật hấp dẫn, nhưng trên thật tế rất nguy hại. Đó là sự tưởng nhớ việc cải cách nên độc tài trên quan niệm tự do; tưởng nhớ một nền dân chủ thành lập trên những nền tảng rộng rãi hơn; hủy bỏ sự khủng bố; và làm mềm dẻo bớt lối tổ chức quá cứng rắn của Đảng. Tôi nhìn nhận rằng những đòi hỏi đó, trong tình thế hiện tại, rất khách quan nguy hiểm và chứa đựng một tính cách phản cách mạng.
Ông ngưng lại lần nữa vì khô cổ và khan tiếng. Trong sự yên lặng, ông nghe tiếng viết chì của người nữ thơ ký chạy trên giấy: ông hơi ngẩng đầu lên, mắt nhắm hít, tiếp tục:
- Chính trong ý nghĩa đó, và chỉ trong ý nghĩa đó mà thôi, các ông có thể gọi tôi là phản cách mạng. Còn về những lời buộc tội vô lý trong cáo trạng thì không dính dáng gì đến tôi.
- Ông dứt lời chưa? - Gletkin hỏi.
Tiếng ông có một âm thanh tàn nhẫn làm cho Roubachof phải ngạc nhiên nhìn ông. Bóng dáng được chiếu sáng rạng rỡ của Gleikin nổi bật sau bàn trong tư thế thật đứng đắn. Roubachof tìm từ lâu một định nghĩa cho con người của Gletkin: “Sự thô bạo đứng đắn”.
- Lời khai của ông không gì mới mẻ - Gletkin nói với giọng lạnh nhạt và cay chua - Trong mỗi lần thú tội của ông trước kia, lần thứ nhứt cách đây hai năm, lần thứ hai cách đây mười hai tháng, ông đã công khai thú nhận rằng thái độ ông đã “Khách quan phản cách mạng và ngược lại quyền lợi nhân dân”. Mỗi lần như vậy, ông đều cung kính xin Đảng xá tội và hứa trung thành với chánh sách của các bực lãnh đạo. Bây giờ, ông tưởng tượng chơi lần thứ ba một ván bài như vậy nữa sao? Lời khai vừa rồi chỉ là chuyện hoàn toàn vô lối. Ông nhận “thái độ đối lập”, mà lại chối đã phạm những hành động chỉ là hậu quả hợp lý của thái độ đó. Tôi đã nói rằng lần này ông khó thoát dễ dàng như các lần trước mà.
Gletkin ngưng nói bất ngờ cũng như ông đã khởi sự. Trong im lặng tiếp theo những lời của ông ta, Roubachof nghe tiếng vo vo nhỏ xíu của luồng điện trong chiếc đèn. Ngay lúc đó, ánh sáng lại mạnh hơn trước một chút nữa.
- Những lời khai trước kia của tôi, - Roubachof nói thật nhỏ - đã được tạo ra vì những lý do chiến thuật. Ông biết rõ rằng người đối lập nào cũng bị bắt buộc đưa ra những tuyên bố như vậy để được ở lại trong Đảng. Nhưng lần này, ý muốn của tôi khác...
- Nghĩa là lần này ông thành thật?
Gletkin hỏi. Câu hỏi đưa ra rất mau, và giọng ông ta rất đứng đắn, không chứa đựng sự mỉa mai nào cả.
- Phải. - Roubachof nói một cách bình tĩnh.
- Và trước kia, ông nói láo?
- Ông nghĩ sao cũng được.
- Để cứu cái đầu ông?
- Để tiếp tục công việc của tôi.
- Không có đầu, người ta làm việc không được. Như vậy, để cứu cái đầu ông?
- Cũng được.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi giữa những câu hỏi và đáp, Roubachof chỉ nghe tiếng viết chì của người nữ thơ ký cào trên giấy, và tiếng vo vo của cái đèn. Chiếc đèn tuôn ra những thác ánh sáng trắng và một sức nóng không thay đổi bắt buộc Roubachof phải chậm mồ hôi đầy trán. Ông cố gắng để mở hai mắt nóng bỏng, nhưng khoảng cách giữa mỗi lần mở mắt càng lúc càng dài thêm; sự buồn ngủ cũng tăng gia, và khi Gletkin, sau một loạt câu hỏi thật nhanh, giữ yên lặng một lúc, thì Roubachof không còn xem sự kiện hiện giờ là cấp thời quan trọng nữa, cảm thấy cằm mình hạ lần xuống trước ngực. Khi câu hỏi kế tiếp làm ông choàng tỉnh, ông có cảm giác đã ngủ được trong một thời gian vô định.
- Tôi lặp lại, - Giọng Gletkin vang lên - những lời khai hối quá của ông trước kia có mục tiêu dối gạt Đảng về những ý niệm thật sự của ông, và để tự cứu mạng.
- Tôi đã thú nhận rồi. - Roubachof nói.
- Và việc ông công khai chối bỏ cô thơ ký Arlova của ông cũng trong mục đích đó?
Roubachof gật đầu. Áp lực đè vào hai lỗ mắt được tỏa ra bởi tất cả những dây thần kinh phía bên phải của mặt ông. Ông nhận thấy răng ông lại lên những cơn nhức nhối.
- Ông biết rằng nữ công dân Arlova luôn luôn kể tên ông ra như nhân chứng giải tội cho cô?
- Người ta có cho tôi hay như vậy. - Những cơn nhức lại dữ dội hơn trong chiếc răng chó của ông.
- Chắc ông cũng biết lời tuyên bố của ông lúc đó, mà ông vừa bảo rằng dối trá, đã có một ảnh hưởng quyết định cho bản án tử hình của cô Arlova?
- Người ta có cho tôi hay.
Roubachof có cảm giác phía tay phải trên mặt ông bị vọp bẻ co rúm lại. Đầu óc ông chậm lụt và nặng nề hơn; ông khó nhọc lắm mới ngăn nó gục xuống ngực. Giọng Gletkin xói vào tai ông:
- Như vậy, nữ công dân Arlova có thể vô tội phải không?
- Có thể lắm. - Roubachof nói với một ít mỉa mai còn sót lại làm cho lưỡi ông có mùi máu và mật đắng.
-... Và cô bị hành quyết vì hậu quả của lời tuyên bố dối trá của ông mà ông đưa ra với mục đích cứu mạng mình?
- Cũng gần như vậy. - Roubachof nói. Đồ khốn nạn, ông nói thầm trong một cơn giận uể oải và bất lực. Lẽ tất nhiên là những gì mầy nói đều là sự thật trần truồng. Người ta muốn biết ai trong hai chúng ta là thằng đại hung ác. Nhưng nó lại nắm cổ tôi mà tôi thì không muốn tự vệ, bởi vì nó không được phép nhảy khỏi cái đu. Phải chi nó để cho tôi ngủ. Nếu nó còn tiếp tục quây tôi mãi, tôi sẽ rút lại tất cả những gì đã nói và từ chối nói nữa - chừng đó thì rồi đời tôi, mà nó cũng vậy.
- Và sau những việc đó, ông còn đòi hòi được đối xử một cách nể trọng? Ông dám chối những âm mưu gây tội ác của ông? Sau tất cả những cái đó, ông còn bắt chúng tôi phải tin tưởng những điều ông nói nữa? - Gletkin vẫn nói với một giọng đứng đắn nhưng tàn nhẫn.
Roubachof không còn cố gắng để giữ đầu mình ngẩng lên được nữa. Lẽ tất nhiên Gletkin có lý để không tin Roubachof. Chính Roubachof cũng bắt đầu lạc lõng trong chiếc nhà bí mật đầy dối trá có tính toán trước và những lập luận biện chứng giả hiệu, trong hoàng hôn ngăn đôi sự thật và ảo ảnh. Sự thật tối hậu luôn luôn bước xa một bước; chỉ còn điều có thể thấy được là sự dối trá áp chót mà người ta dùng làm phương tiện để phục vụ sự thật. Người ta bị bắt buộc phải nói láo bằng mọi cách! Làm sao thuyết phục được Gletkin rằng lần này ông thành thật, rằng ông đã đến đoạn đường cuối cùng rồi? Luôn luôn con người phải thuyết phục một kẻ khác, nói, tranh luận - trong khi tất cả những gì hắn mong muốn là được ngủ yên và tân lụn đi...
- Tôi không đòi hỏi gì cả, - Roubachof nói, và ông quay đầu một cách đau khổ về hướng có tiếng nói của Gletkin - nếu không phải để chứng minh một lần nữa sự trung thành của tôi đối với Đảng.
- Chỉ có một bằng chứng về sự trung thành của ông - Giọng của Gletkin nói lên - là ông phải đưa ra những lời thú nhận toàn bộ. Chúng tôi đã nghe nhiều về “thái độ đối lập” của ông và những nguyên do cao cả của ông. Điều mà chúng tôi cần, là sự thú nhận hoàn toàn và công khai những âm mưu gây tội ác của ông, vì đó là kết quả cần thiết của thái độ đó. Một lối duy nhứt mà ông có thể dùng để phục vụ Đảng là ông phải trở thành hiện thân của một sự cảnh cáo, một tấm gương để chứng minh cho quần chúng thấy phe đối lập với chánh sách của Đảng sẽ phải nhận lãnh những hậu quả nào.
Roubachof nghĩ đến bữa ăn của Người số I. Những dây thần kinh trên mặt nóng bỏng làm ông đau nhức tột độ; nhưng sự đau đớn không còn dữ dội nữa; nó đến từng đợt ngấm ngầm và tê cóng. Ông nghĩ đến bữa ăn lạnh của Người số I và những bắp thịt trên mặt ông vặn thành một nụ cười:
- Tôi không thể thú nhận những tội ác mà tôi không hề phạm. - Ông cương quyết nói.
- Cái đó thì không được - Giọng Gletkin nói lên - Không, ông không thể làm như vậy được - và lần thứ nhứt Roubachof hình như nhận thấy trong giọng đó một cái gì giống như chế nhạo.
Từ lúc đó, những gì mà Roubachof nhớ lại về cuộc thẩm vấn giống như một đám tinh vân. Sau câu “ông không thể làm như vậy được” còn ở lại trong tai ông là vì cái âm điệu kỳ lạ của nó, trong trí nhớ của ông đã có một cái lỗ hổng chẳng biết bao giờ mới mất đi. Sau này, ông nhớ hình như ông ngủ và hình như đã mơ một giấc mơ thích thú một cách kỳ lạ. Giấc mơ ấy có lẽ chỉ kéo dài có vài giây; đó là một chuỗi rời rạc và bất tận những phong cảnh rạng rỡ, với những cây bạch dương thân yêu dọc hai bên con đường trong giang san riêng của cha mẹ ông, và một loại mây trắng đặc biệt mà ông đã thấy ngày xưa, lúc còn thơ dại, phía trên những cây ấy.
Kế đó, ông nhớ tới sự hiện diện của một người thứ ba trong phòng, và giọng của Gletkin oang oang phía trên ông - có thể Gletkin đã đứng lên và cúi mình qua bàn nói:
- Tôi yêu cầu ông chú ý... Ông có nhìn ra người này không?
Roubachof gật đầu. Ông nhìn ra ngay. Người Sứt Môi, dầu hắn không mặc chiếc áo mưa mà hắn quen dùng để trùm lên vai và co quắp vì lạnh trong những lúc đi dạo trong sân. Một đọc số quen thuộc xuyên qua trí nhớ của Roubachof: 2-5; 1-1; 4-3; 1-5; 3-2; 4-2... “Người Sứt Môi gởi lời chào ông”. Vào dịp nào số 402 đã đánh sang ông thông điệp đó?
- Ông biết người này hồi nào, ở đâu?
Roubachof phải cố gắng lắm mới nói được; sự cay đắng hãy còn trên chiếc lưỡi khô khan của ông:
- Tôi thấy hắn nhiều lần từ cửa sổ của tôi, lúc hắn đi dạo dưới sân.
- Và ông không biết hắn từ trước sao?
Người Sứt Môi đứng gần cửa, vài bước sau ghế của Roubachof; ánh sáng đèn rọi chiếu thẳng vào hắn. Mặt hắn, ngày thường màu vàng, trở thành trắng bệt như vôi, mũi hắn nhọn; chiếc môi sứt, với hai gò thịt lồi lên, run rẩy trên chiếc răng cửa trần. Hai tay hắn buông thỏng xuống đầu gối; Roubachof hiện quay lưng lại đèn, thấy hắn như một bóng ma hiện về trong ánh sáng của ngọn đèn. Một loạt số xuyên qua đầu ông: 4-5; 3-5; 4-3... - “bị tra tấn hôm qua”. Gần như cùng lúc đó, bóng của một kỷ niệm thoáng qua đầu ông - kỷ niệm đã nhìn thấy xưa kia con người thật của cái thân tàn ma dại đó, trước khi hắn vào xà lim số 404.
- Tôi không nhớ rõ lắm - Ông trả lời do dự trước câu hỏi của Gletkin - Bây giờ tôi thấy hắn gần hơn, hình như tôi có thấy hắn ở đâu rồi.
Trước khi dứt câu, Roubachof cảm thấy đáng lẽ ông không nên nói ra câu đó. Ông mong một cách nhiệt thành rằng Gletkin cho ông vài phút để ông trấn tĩnh. Cái lối Gletkin tung câu hỏi ồ ạt và không ngừng nhắc ông nhớ lại hình ảnh một con chim săn mồi mổ tới tấp vào con vật bị nạn.
- Ông đã thấy người này lần chót ở đâu? Sự chính xác của trí nhớ ông trước kia là một huyền thoại trong Đảng mà.
Roubachof nín lặng. Ông bươi óc nhưng không thể đặt sự xuất hiện trước ánh đèn chói lòa kia, đôi môi run rẩy kia vào một thời gian hay không gian nào cả. Người Sứt Môi đứng bất động. Hắn đưa lưỡi lên chỗ thịt lồi ra đỏ sầm của cái môi trên; hết nhìn Roubachof tới Gletkin và trở lại Roubachof.