HỒI THỨ BA (tt)
Giảng Phi-Lạc nổi danh Tiểu-Phi-Lạc
Tìm Bửu-Sơn lại gặp đạo Mác-Lê.

     đó một mình buồn bực, nó lục sách mà đọc. Thì quyển nào cũng toàn là sách luận về chủ nghĩa Mác Lê cả. Nó bắt buộc phải đọc, hết cuốn này đến cuốn kia. Năm ba hôm, có người đem nước và lương khô đến cho nó đủ dùng trong năm ba ngày, rồi bắt nó báo cáo đã đọc được bao nhiêu quyển, và là quyển gì. Và đem luôn cả đèn và dầu cho nó thắp để đọc trong ban đêm. Sách mỏng thì nó đọc một ngày đôi ba quyển, sách dày thì nó đọc một quyển. Tư chất, nó thông minh, đọc đâu nhớ đó. Nó còn có thêm cái đĩnh ngộ, là chỗ nào sai lầm, thì nó có ngay cái lập luận khác để đối chọi lại. Nhưng những cái này, nó giấu kín trong lòng, không hề thố lộ cho những người đem lương khô và nước đến cho nó.
Mấy tháng qua. Nó đọc đã hết những chồng sách chất trong hang, và báo cáo việc ấy. Bây giờ hết sạch đọc, nó mới nằm, gát tay lên trán mà suy nghĩ, trầm tư. Thình lình có người bước vào, mặc Âu phục, tóc bù xù, râu tung tóe đầy trước ngực. Nó lồm cồm ngồi dậy chào, thì người ấy dạy nó ngồi bên cạnh, trên tảng đá rồi nói:
- Ta đây là Marx, giáo chủ của chủ đạo Cộng sản, duy vật và vô thần.
Xích Tử bái một cái, đứng dậy mà thưa:
- Bạch giáo chủ, theo kinh kệ của giáo chủ để lại, và của các thánh Lê-Nin, It-Ta-Lin, Mao-Trạch-Đông giảng thêm, thì giáo chủ dạy rằng «tôn giáo là thuốc phiện của dân». Nay giáo chủ lại cho rằng đạo Cộng sản, duy vật và vô thần cũng là một thứ tôn giáo nữa. Đệ tử rất thắt mắc về chỗ ấy. Vậy xin giáo chủ giải mê cho đệ tử.
Marx đáp:
- Đặc tánh của một tôn giáo là tôn sùng, mê say, khổ hạnh và hi sinh. Tôn sùng là tôn sùng giáo chủ và các thánh của đạo. Trong đạo Phật, điều này gọi là qui y Phật, thì trong đạo Mác-xit, ấy là qui y các đấng Marx, Engels, Lénine, Staline, Mao-Trạch-Đông. Tôn sùng là tôn sùng các giáo điều. Trong đạo Phật, điều này gọi là qui y Pháp, thì trong đạo Mác xít, ấy là qui y lý thuyết, chủ nghĩa cộng sản, duy vật và vô thần. Tôn sùng là tôn sùng giáo hội. Trong đạo Phật, điều này gọi là qui y Tăng, thì trong đạo Mác xít, điều này, ấy là tuyệt đối phục tùng mạng lịnh của Đảng. Còn về những phần mê say, khổ hạnh và hi sanh, đạo Mác xít có kém đạo nào khác đâu? Rõ ràng là một tôn giáo. Điều này, khi ta sáng lập đạo, ta tưởng đâu sẽ không có. Song lùi lại thời gian, chỉ qua một trăm năm, ta phải nhìn nhận một cách khách quan rằng đạo ta cũng không khác gì các đạo khác.
Xích Tử bái tạ và thưa rằng:
- Đệ tử đã giác được điều đó rồi. Chẳng hay giáo chủ dạy điều chi nữa.
Marx đáp:
- Mấy tháng nay, ngươi chỉ mới làm cái công việc là nhập đạo. Từ mấy ngàn năm nay, người ta tưởng lầm rằng muốn biết rõ một cái đạo, chỉ cần có nhập vào đạo ấy. Đó là một điều ngộ nhận to. Ta đã nói đặc tánh của đạo là làm cho tín đồ mê say, thì đạo có thể ví như một cái mê hồn trận. Nhập vào mê hồn trận, rồi mê say, mắc luôn trong trận cho đến chết chưa hẳn là biết đạo. Đã gọi rằng biết, sao chẳng thấy lối ra để thoát? Vậy muốn được gọi là biết đạo, cần phải thấy lối ra mà thoát.
Xích Tử trầm ngâm giây lâu nói:
- Đệ tử muốn thoát, chẳng hay giáo chủ thấy cửa nào ra được mà chỉ cho đệ tử thoát ra?
Bỗng một tiếng nổ kinh hồn vang dội, cả bầu trời sáng lòa rất lâu. Xích Tử thấy mình đứng nơi một bãi biển, vào chỗ vịnh, mà ở cuối có một dãy núi nhô ra biển. Trên hòn núi chót, có một cái đền cao vời vợi, hào quang tung lên chiếu sáng cả góc trời. Marx biến đâu mất. Mà một đoàn người hiện lên, đông không biết muôn nào mà kể, chen lấn nhau, hướng về cái đền mà đi. Họ bàn luận nhau để đến xem cái đền ấy là cái đền gì. Xích Tử cũng tấp vào đám đông mà đi. Đến một chỗ, con đường hẹp lại, có thể chỉ để cho từng người một nối nhau mà tiến. Ở cuối đường hẹp, bên cạnh, có một đài cao vừa ngực thôi, trên đài có năm vị, áo mão như những vị thiên thần, mỗi vị cầm một cây roi. Và có một tấm biển to đề ba chữ «Đài gii chấp». Tiếng văng vẳng trên thinh không, không thấy do nơi đâu mà xuất phát. Rằng:
- Cái đền cao ở đằng kia là đền thờ của cái tôn giáo thống nhất của ngày mai, của cái tôn giáo đại đồng. Nơi ấy các ngươi sẽ nghe thuyết pháp. Mà muốn lãnh hội cái pháp mới, điều kiện tối yếu là không còn chấp những giáo điều cũ xưa từ một hai ngàn năm, một hai trăm năm. Những giáo điều xưa, cũ, lỗi thời, vì bây giờ là thời của phi cơ, của nguyên tử năng, của hỏa tiễn liên hành tinh. Và trong tương lai, sẽ còn không biết bao nhiêu phát minh vĩ đại làm cho con người phải sống chung trong một cái thế giới «thiên hạ nhứt gia». Vì sống chung, mà phải đồng một tôn giáo. Bởi vì cần đồng một tôn giáo, mà không thể chấp những giáo điều cũ và chi li, và nên chịu phép «giải chấp». Các người đi qua trước đài, phải quì trước các giáo chủ mà nhờ các vị ấy ban phép giải chấp cho.
Xích Tử thấy mấy người đi trước thảy đều quì trước mỗi vị giáo chủ và những vị này cầm roi mà để nhẹ trên hai vai cho và nói rằng:
- Giáo điều là gánh nặng trên vai của con. Mang gánh nặng ấy, con sẽ quỳ giữa đường, không bao giờ đến nơi giải thoát. Nhơn danh cái tôn giáo đại đồng ngày mai, ta bỏ gánh nặng ấy cho con.
Đến phiên Xích Tử, nó cũng quỳ xuống mà chịu phép giải chấp như mọi người. Song năm vị không lấy roi mà nhịp nhẹ trên vai nó, lại giao cho nó một đống truyền đơn, bảo nó chạy đến trước mà phát cho tất cả những người đã giải chấp rồi mà còn đứng đợi. Nó lo phát truyền đơn, mà không kịp đọc. Khi tất cả đoàn người đều được ban phép giải chấp, và xếp hàng năm mà đi sau năm vị giáo chủ thì Xích Tử còn sót lại một mình, với tờ truyền đơn chót. Bây giờ nó mới đọc. Trong truyền đơn, vỏn vẹn chỉ có một bài thơ:
Trần hạ, nhị thiên, chuyển địa hoàn,
Thái Bình nhất quốc, bán giang san.
Cơ đồ củng cố, xa thơ định,
Quốc tộ trường miên, sự nghiệp toàn.
Minh đạo, tùng tư, hành cứu thế,
Huân phong, thử nhựt, noãn nhân gian.
Lê dân, liệt sĩ tụng Nghiêu Thuấn,
Văn hóa hoằng khai lập Đại An.
Khi Xích Tử đọc xong bài thơ, thì đoàn người đã biến mất, mà cái đền và cả núi cũng không còn. Mà tấm truyền đơn trong tay cũng chẳng nằm đó nữa. Nó đang thắc mắc, thì một người đàn bà trẻ, đẹp, đứng trước mặt nó mà dạy:
- Mẹ là Lê Thu Hương đây con.
Từ thuở bé, nó chẳng biết mẹ nó ra thế nào, nay gặp được, nó mừng rỡ, lại ôm mẹ mà khóc. Thu Hương dạy:
- Trong bản di chúc dài mà mẹ viết để lại cho con, có đoạn mà mẹ giấu không cho người ngoài biết. Nay mẹ giải cho con nghe. Chỗ chấm, chấm, chấm trong quyển PHI LẠC SANG TÀU, là bài thơ tám câu ở trong truyền đơn đó. Nguyên bài thơ ấy là bài thơ của bác con là Nguyễn An Ninh, khi hiển thánh, nán lại mà cho cha con trong mộng, gọi là vạch một viễn đồ, một chương trình hành động cho mai sau. Câu thứ nhứt «Trần hạ, nhị thiên, chuyển địa hoàn» là nói rằng dưới trận này, thế giới chia hai phe làm thay đổi trái đất tròn. Mẹ tả cái dự tri này bằng việc Quốc Cộng đánh cuội nhau bên Tàu, và gợi cái ý rằng nước Việt ta sẽ bị chia đôi. Câu thứ hai, nói giai đoạn sắp tới. Một nước Thái Bình sẽ lập ra, ứng với lời tiên tri của Trạng Trình, nhưng nước Thái Bình này chỉ có phân nửa non sông của đất Việt mà thôi. Câu thứ ba là nói giai đoạn thứ ba. Trong giai đoạn này, cơ đồ chúng ta sẽ củng cố, ta sẽ không bị ngoại bang chi phối hay đe dọa, rồi chừng ấy sẽ thống nhứt đất đai, thống nhứt ý chí, thống nhứt tư tưởng. Định xa thơ ấy là đại thống nhứt đó mà. Đến câu thứ tư, ấy là kết luận cho riêng nước ta, quốc tộ được lâu dài, sự nghiệp dân tộc, trường chinh hàng vạn năm, đến đây mới đạt, mới gọi là toàn sự nghiệp. Còn bốn câu sau là tả cải tiến trình của dân tộc trong khắp cõi địa cầu. Bắt đầu, minh đạo truyền khắp thế giới, mà hành cái hạnh cứu thế, làm được công việc vĩ đại của thời này là đánh tan hiểm họa của chiến tranh thứ ba. Kế đó một luồng gió ấm sưởi loài người, không khác nào sau mùa đông lạnh lẽo, gió xuân đến đem ấm áp. Ấy là nói hết hạ ngươn sang thượng ngươn vậy. Một nhân loại đại đồng sẽ thiết lập. Thảy thảy ca tụng chế độ Nghiêu Thuấn tái lập trên cõi trần. Rồi một cuộc cách mạng văn hóa đem loài người đến cảnh đại an.
Xích Tử hỏi:
- Chương trình ấy, mẹ nói do bác Nguyễn An Ninh cho cha con. Vậy cha con là ai? Và ông có làm nổi chương trình ấy không?
Thu Hương đáp:
- Cha con là ai? Khi con về, gặp bà vú, con hãy bảo bà trao những tập nhật ký của mẹ cho con xem. Con sẽ biết là cha con là ai. Còn cha con có làm được chương trình ấy chăng? Cha con, từ mười mấy năm nay, đã ý thức rằng cha con trót sanh ra sớm đến ba bốn mươi năm, đã hóa già, không thể làm gì được. Phàm làm một chương trình, điều cốt yếu là cái thời. Hành động không khác nào bắn con chim đang bay. Buông tên sớm quá không trúng, mà trễ quá cũng trật. Cha con sống trước cái thời, có làm gì thì cũng không khác nào bắn chim bay mà buông tên quá sớm. Vì vậy mà cha con cứ hẹn. Hết mười năm này lại tìm cách trốn mười năm khác. Bây giờ quá già rồi. Thì cái chương trình ấy, cha con cứ tưởng rằng chính cái thế hệ của con, của Xích Tử, mới gặp thời mà làm được. Mẹ đã ghi điều đó ngay ở đầu của di chúc là PHI LẠC SANG TÀU. 
Xích Tử hỏi:
- Chẳng hay, cái đền và đoàn người lúc nãy mà con đã thấy là chi vậy?
Thu Hương đáp:
- Cái đền ấy tượng trưng cho cái tôn giáo đại đồng của ngày mai. Đoàn người do năm vị giáo chủ dẫn đầu là tượng trưng cho năm cái tôn giáo lớn trong nhân loại.
Xích Tử hỏi:
- Nhưng tại sao tất cả cái ấy biến đi, mà để chỉ có con sót lại một mình?
Thu Hương đáp:
- Bởi vì cái ấy còn ở xa trong tương lai. Nó là giấc mơ trong cơn mơ của con. Con còn sót lại một mình, ấy là con gần sự thật. Sự thật bảo rằng con dõi theo con đường ấy, song bây giờ hãy cô đơn. Và dìu dắt con chỉ có linh hồn của mẹ.
Nói đến đó Thu Hương vùng biến mất. Xích Tử cựa mình, thức dậy mới hay là một giấc chiêm bao. Sực nhớ, thấy mình cô đơn, trong một hang đá, ngày ngày sống với sách Mác xít, với mớ lương khô và vài lon nước. Nó nghĩ lại, điềm chiêm bao đã giúp cho nó thoát được chủ nghĩa Mác Lê rồi, đã giúp cho nó ngộ đạo rồi. Không cần đi tìm thấy Bửu Sơn ở đâu. Vả lại, như lời các anh du kích đã nói, các vị tu sĩ đã bị đuổi đi khỏi núi, có tìm cũng không gặp.
Nhưng bây giờ, một mình nằm trong hang núi, chẳng biết lối ra. Mà có dò lần được lối, phỏng có qua được những người canh gác? Cảm những khó khăn ấy, nó thấm thấy rằng thoát được kim tỏa của một tư tưởng còn dễ, chớ thoát một ách độc tài thật là rất khó...
Muốn biết Xích Tử có ra khỏi hang đá được chăng, hãy xem đến hồi sau phân giải.