ây nói về Diễm Hà, khi tuyên bố rằng lời Phật dạy không tiện nói ra, vì lập tức Sài Gòn sẽ bị đại náo, thì thấy chị em bạn thân của mình là Hạ Huệ đứng lên phản đối rằng: - Đức Phật là đức Từ Bi, Cứu Khổ, Cứu Nạn. Thì lời dạy của ngài phải đem yên vui lại mới phải đạo lý. Cớ sao phát ngôn viên lại bảo rằng lời ấy lại có thể đem đại náo lại cho Sài Gòn này? Diễm Hà đáp: - Đại náo là do lòng tham của con người, tuy Phật dạy yên vui song người quá tham mà sanh đại náo. Ví dụ, nếu cho hay ngày nào là ngày thiên đô, chỗ nào là sắp thiên đô tới, thì lập tức, dân Sài Gòn đua nhau mà bán nhà, bán binh đinh, bán đất. Giá các món ấy sẽ sụt như trẻ con ôm cây thoa mỡ bò mà bị tuột xuống vậy. Rồi giá đất ở nơi sắp thiên đô, trước là đồng ruộng, giá mỗi mẫu cao lắm là mười ngàn đồng, bấy giờ sẽ vọt lên, mỗi thước nhảy lên năm, mười ngàn đồng, nghĩa là sấp năm, mười lần cao hơn. Rồi hai triệu dân ở Sài Gòn ùn ùn di cư, thì cuộc di cư năm 1954 kể như là trò chơi của trẻ con. Họ tranh giành nhau, xô đẩy nhau. Có phải là đại náo không? Lài đứng dậy hỏi: - Muốn thiên đô, phải có đủ tiền để kiến thiết một đô thành hoàn toàn mới, hoàn toàn kim thời, đủ tiện nghi, thêm đẹp đẽ. Đường sá phải rộng gấp mười đường sá của Sài Gòn cũ. Phải có đường xe hầm (métro) như các thủ đô ở Âu Mỹ. Rạp hát phải rộng rãi hơn các rạp hát ở Hoa Kỳ. Vì phải chuẩn bị mà lập một kinh đô chứa ít lắm mười triệu dân, kinh đô của một nước thạnh vượng kìa! Vậy phát ngôn viên cho biết ta sẽ lấy tiền ở đâu mà cất một kinh đô đồ sộ như vậy? Diễm Hà đáp: - Ai có nghiên cứu lịch sử của Phật giáo một cách kỹ lưỡng, đều có thể trả lời câu hỏi này. Khi Phật gần tịch, thì đã dặn cho đức Maitreya hai ngàn năm trăm năm sau phải giáng phàm sang miền Nam nước Việt này mà mở hội Long Hoa. Tám trăm năm sau, có nhiều vị Bồ Tát hiểu được ý muốn của Phật, bèn gom góp tất cả tượng Phật bằng vàng ở Ấn Độ sang qua đây. Đến đây, đoàn người đổ bộ tại Óc Eo, và hiện nay, người ta khai quật, đã thấy dấu vết của sự đô hộ ấy. Xưa nữa, xứ Ấn Độ theo đạo Phật lại bị quân Hồi xâm lăng. Dân Ấn đánh không lại. Những nhà tu, một lần nữa, gom góp tượng Phật bằng vàng mà chờ sang qua đây mà giấu để dành sau này cho Phật Di Lặc lấy đó mà xây cất kinh đô mới. Thu Cúc hỏi: - Hiện nay, hai pho tượng Phật bằng vàng ấy, phát ngôn viên có biết giấu ở đấy chăng? Diễm Hà đáp: - Chỉ có giáo chủ của Minh Đạo mới biết cái bí mật ấy. Mà chúng tôi tưởng rằng, dầu có biết cũng không nên lộ bí mật ấy. Bởi vì các cha nội mà biết được, sẽ động lòng tham, ai cũng muốn cướp lấy mà làm chủ trọn quyền sử dụng. «Do đó mà sự tranh giành sẽ gay go lắm. Đại náo Sài Gòn còn gì?» Không ai đặt câu hỏi nữa, cuộc hội hộp báo chỉ giải tán. Hai mươi tám nàng đã lãnh chỉ thị mà thả con vịt khổng lồ. Không bao lâu, cả Sài Gòn, dân chúng thảy đều hay, bàn tán tứ tung. Nhiều người biết Diễm Hà, Hạ Liên và Sen tuy là sanh viên Văn khoa, song cũng là nhà báo, nên phê bình bằng câu «Làm báo nói láo ăn tiền». Còn những người có đọc Kim cổ kỳ quan, lại cho rằng các nàng này đã rút ý tứ của ông ba Thới mà hệ thống hóa lại để khai thác lòng mê tín của bình dân. Đây nói về Thompson, khi lãnh bức thơ của Xích Tử bỏ túi rồi, thì bước ra xe mà lái lên Bà Chiểu. Nhưng đi được nửa đường, liền quẹo lại mà đến tìm Hồ Hữu Tường, thuật đầu đuôi cho bạn nghe, xong rồi nói: - Lúc nãy, tôi muốn đem bức thơ mà trao ngay cho đạo cô Diễm Hồng. Song không biết làm như vậy có hợp với tục lệ người Việt chăng? Nên quay xe đến đây hỏi ý kiến ông. Nói rồi móc bức «hạ tình thơ» mà đưa cho họ Hồ xem. Xem xong, họ Hồ cười nói: - Con nít đời bây giờ quá lắm. Mới mười bảy tuổi mà đã biết muốn vợ, mà đã biết hạ tình thơ. Nhưng lòng muốn thì to, mà kinh nghiệm thì ít. Thơ tình mà gởi cho con gái thường một cách đường đột, chưa chắc có kết quả, huống chi là gởi ngay cho một đạo cô. Nhưng mà, thấy nó như vậy cũng tội nghiệp, để tôi theo ông đến chùa Hồng Môn. Chủ chùa là chỗ quen biết của tôi. Ông mượn cớ trả cái thơ gởi cho ông Cabot Lodge và luôn trao bản dịch cho Diễm Hồng, tôi sẽ dọ tình thế ra sao, chừng thấy tiện mới ngỏ ý làm mối mai cho Xích Tử chớ! Thompson cho là phải. Hai người cùng lên xe rồi tiến lên chùa Hồng Môn. Đến nơi, gặp chủ chùa. Chào hỏi xong xuôi, chủ chùa mời họ Hồ ngồi trên một chiếc gối đặt trên gạch, mời Thompson ngồi trên ghế rồi khởi sự: - Hơn một năm nay, Hồ đạo huynh mới ghé chùa tôi... Thompson ngạc nhiên hỏi: - Thiên hạ ai cũng biết ông bạn là học giả, là tiểu thuyết gia, là nhà toán học, là nhà chánh trị, là nhà giáo dục. Chưa nghe ai nói ông bạn đi tu bao giờ. Cớ sao bà chủ chùa lại gọi là Hồ đạo huynh? Chủ chùa cưới tủm tỉm đáp: - Chẳng những đạo huynh đây là nhà tu, mà lại còn là một giáo chủ nữa. Hồ đạo huynh là giáo chủ của «Minh Đạo». - Ủa! Sao mà đạo cô Diễm Hồng ký tên tự xưng là giáo chủ của «Minh Đạo» còn bà chủ chùa cũng bảo bạn tôi là giáo chủ của «Minh Đạo». Không lẽ một đạo mà có tới hai giáo chủ? Chủ chùa cười ra tiếng, đáp: - Nào có phải cùng một đạo mà có hai giáo chủ? Thật sự là có hai đạo, mỗi đạo có riêng một giáo chủ. Minh Đạo của Diễm Hồng, thì chữ minh viết là chữ nhựt nằm bên chữ nguyệt, và nghĩa là ánh sáng; vậy Minh Đạo này là đạo ánh sáng, của thời thanh bình, của lúc loài người thoát được cảnh đen tối của cuộc đấu tranh. Còn Minh Đạo của Hồ huynh, thì chữ minh viết là chữ khẩu nằm bên chữ điểu, và có nghĩa là gáy, là nói dóc. Bởi Hồ huynh có tài nói dóc hay lắm, ai cũng chạy, ai cũng sợ, nên tôn làm ông tổ nói dóc. Nói cách khác, ấy là giáo chủ của Minh Đạo, giáo chủ của đạo nói dóc. - Tôi giao thiệp với ông Hồ từ mười mấy năm nay, tôi thấy ông là học giả nói đâu có đó, có đủ bằng chứng. Tôi chưa hề nghe ông nói dóc với tôi một câu. Chủ chùa cười một loạt, rồi nói: - Tôi có đọc bản dịch bản tiểu thuyết trứ danh của Stevenson, nhan đề là Bác sĩ Jekill và ông Hyde. Chắc ông sử gia có đọc chớ? - Người Anh, người Mỹ nào mà chẳng biết quyển tiểu thuyết trứ danh ấy? Tác giả lập luận rằng trong mỗi con người có hai nhân vật, một ông Thiện và ông Ác. Rồi dùng thuật phân thân mà tách ông Thiện và ông Ác làm hai người để ông phân tích và tả ra. Ông Thiện, ấy là bác sĩ Jekill, nhà bác học tìm được thuốc «hóa thiện» và «hóa ác». Bác sĩ Jekill uống thuốc «hóa ác» vào, thì nhà bác học hiền lành biến mất đi, và cũng trong cái xác cũ, ông Hyde hiện ra. Rồi hễ ông Hyde uống thuốc «hóa thiện» thi tính ác biến mất đi, mà bác sĩ Jekill hiện trở lại. Cả bản tiểu thuyết là tả cái biến thể từ thiện sang ác, từ ác sang thiện. Chủ chùa nói: - Tiểu thuyết của Stevenson là một thứ tiểu thuyết – khoa học – dự tưởng (roman – science fiction). Sở dĩ gọi là dự tưởng, bởi vì hiện nay, khoa học chưa phát minh thứ thuốc hóa thiện và hóa ác mà Stevenson đã dự liệu. Còn ở phương Đông chúng tôi, văn minh tu sĩ đã tiến bộ xa hơn nhiều. Cái là dự tưởng, thì từ lâu, đã là sự thật. Và trong người của Hồ đạo huynh, cũng có hai nhân vật, y như trong tiểu thuyết của Stevenson. Nhân vật thứ nhất là người có một nền giáo dục đàng hoàng, bằng vào kinh sách, khoa học và mọi phép giao tế được luân lý ca ngợi. Nhân vật này, tên là Hồ Hữu Tường. Nhân vật thứ hai là thằng nhỏ con nhà nông, chịu sự giáo dục của đám thợ cấy, thợ gặt, của đám bình dân, ưa việc nói dóc của Cống Quỳnh, ưa lối hóm hỉnh của Hồ Xuân Hương, ưa bịp thiên hạ để cười chơi. Chính nhân vật thứ hai này xây dựng ra Hồ Phi Lạc là tay nói dóc tổ mà toàn cõi Việt Nam, ai cũng nghe tiếng. Khi giao thiệp với người đàng hoàng, thì chỉ vận dụng nội tâm, nhốt Hồ Phi Lạc vào tiềm thức, thì Hồ Hữu Tường hiện ra đầy đủ, để chương bộ mặt học giả, giáo sư, đạo đức. Nhưng khi gặp bạn tri kỷ trong làng nói dóc, hoặc ngồi buồn một mình mà chơi văn giỡn chữ, thì mở cửa tiềm thức, thả lỏng thằng nhỏ con nhà nông hóm hỉnh ra. Như vậy là không cần phát minh ra thuốc hóa thiên, hóa ác, mà chỉ vận dụng nội tâm thì, khi cho trồi lên nhân vật Hồ Hữu Tường, khi cho trồi lên nhân vật Hồ Phi Lạc. Việc vận dụng nội tâm như vậy, tôi nghiên cứu trong sử, chưa hề thấy nói bao giờ. - Nhà viết sử không phải là nhà tu sĩ, làm sao mà biết được cái chi ở trong nội tâm của những nhà đạo học cao dày? Sử gia có nghe nói trong Phật học có cái mà người ta gọi là tủ chứa cái thức chăng? - Có nghe, Tâm lý học bây giờ gọi là tiềm thức. - Tôi tưởng gọi đó là cái tủ thì không bóng bảy lắm. Gọi là cái rừng tiềm thức thì đúng hơn. Vì tôi ví những tư tưởng như là những thứ mà chủ nhơn nhốt trong rừng. Kẻ không tu luyện ví như người thường, mặc tình cho thú ở rừng thoát ra làm sao, thì hay vậy. Người có tu luyện thì ví như người có tài trị được những thứ trong rừng ấy. Khi muốn cho loại nào ra múa may, thi loại ấy ra. Khi muốn xua loại ấy vào mà cho thứ khác ra hát, thì thứ khác ra hát. Điều này, cũng có nhiều người không tu mà vẫn biết làm nhưng họ không biết rằng họ biết làm, cũng như ông Jourdain làm tản văn mà không biết mình biết làm tản văn vậy! - Ví dụ? - Ví dụ một nhà trí thức có nhiều tài hoa. Khi gặp việc nói chuyện về thơ, thì ông cho những ý thơ trồi lên để nói chuyện. Khi gặp việc nói chuyện về chánh trị, thì ông cho những ý về chánh trị lên sân khấu. Khi gặp việc nói về toán, thì ông cho những ý về toán trồi lên... - Thế thì ai cũng làm được hết. - Phải! Ai cũng làm được hết. Nhưng muốn đạt đến nghệ thuật cao siêu, làm cho trong một tấm thân, mà hiện rõ hai nhân vật là Hồ Hữu Tường và Hồ Phi Lạc, thì chỉ có đạo huynh của tôi đây luyện nổi mà thôi. Hồ Hữu Tường nãy giờ ngồi nghe và cười tủm tỉm, xen vào nói: - Này ông Thompson, nữ đạo hữu của tôi vì muốn quá khen tôi, mà làm cho tôi mắc một cái hàm oan. Tiểu thuyết Phi Lạc Sang Tàu không phải tôi viết ra. Khi in trên Sài Gòn Mới, tác giả đã ký tên hẳn hoi là Ý DƯ. Hồ Phi Lạc nào phải là nhân vật tiểu thuyết do tôi xây dựng? Chủ chùa cười đáp: - Đành vậy. Vẫn biết Ý DƯ là tác giả. Sông Ý DƯ chỉ mở mắt mà nhìn nhân vật Hồ Phi Lạc trong người của đạo huynh mà ghi lại trong tiểu thuyết mà thôi... Thompson nói: - Tôi đồng ý với bà chủ chùa. Khi nói chuyện với tôi, ông bạn tôi luôn luôn cho xuất hiện người đạo mạo chính chắn để nói chuyện. Song tôi tin rằng có thể gặp bạn bè trào phúng, nghịch nghịch, đùa đùa, bạn tôi cũng hưởng ứng để mà xả hơi. Thưa bà chủ chùa, phép vận dụng nội tâm mà bà vừa cắt nghĩa đó tên là chi. Tôi là sử gia tôi muốn ghi chép cái thuật văn hóa này vào sử. Chủ chùa đáp: - Ông đọc sách Phật, ông chắc đã thấy rằng ở Tàu có phép chen, sang Nhựt, tiếng Nhựt gọi là zen. Còn ở Việt Nam, phép ấy gọi là thiền. Thiền là phép làm cho nội tâm mình lắng trong, tư tưởng chìm hết ở đáy, như vẩn bụi trong nước mà lắng xuống đáy lu vậy. Nội tâm lắng trong, thì mình làm chủ cái tư tưởng của mình. Mình muốn cho tư tưởng nào đến chầu mình, thì độc có tư tưởng ấy đến, các tư tưởng khác tư tưởng ấy giữ trật tự, nằm êm ở đáy lòng, không đến làm loạn sự suy tư của mình. Còn phép của đạo huynh họ Hồ vận dụng, tên là Ba Thiền. Thompson hỏi: - Tại sao lại là Ba Thiền? Bà chủ chùa cả cười đáp: - Ngôn ngữ Việt Nam, nhứt là của mình bình dân, rất là tế nhị. Cái gì là xấu, cái gì là bị họ ghét, cái gì là bị họ chê, thì họ ghép chữ ba vào trước cái tên của nó. Tôi mắc lo tu hành, không thời giờ đọc hết các sách nên không biết khi hai ông Nguyễn Hiến Lê và Trường Văn Chình viết cuốn Ngữ pháp Việt Nam, hai ông có ghi cái luật ấy vào sách chăng? Như người Việt ghét lính sơn đá của Pháp, thì gọi chúng là Ba Đá! Như người không ưa người Tàu, thì gọi họ là Ba Tàu. Người Việt khinh ai không thể phán quyết đoán nghe cái gì cũng cho là phải, thì họ gọi là Ba Phải. Như người Việt ghét những người xạo, thì gọi là Ba Xạo... Nhiều lắm, nhiều lắm, những thí dụ về công dụng của tiếng Ba ghép trước một tiếng khác. Bây giờ nói riêng về cái thuật của Hồ đạo huynh. Các nhà tu thì dùng cái thiền. Còn Hồ đại huynh thì dùng cái Ba Thiền, nghĩa là không điều khiển tư tưởng của mình, lắng chìm chúng nó, chỉ để chường ra cái nào mà mình cần dùng, đạo huynh lại cho chúng nó hiện lên cả bầy, chẳng khác nào cho bầy cọp loạn rừng mà tràn vào làng xóm mà phá thiên hạ. Khi mà nghĩ về vấn đề tư tưởng, triết học, khoa học, thì đạo huynh cho tư tưởng này cấu kết với ý kiến kia mà xây dựng lý thuyết, huyền thoại. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương gọi đó là «tung thị kiến». Nhưng khi nào để giải trí, thì đạo huynh không đi những hộp đêm mà xem những trò thoát y vũ, đến phòng trà mà nhìn các vũ nữ nhảy tuít, nghe các ca sĩ du dương. Đạo huynh lại ở nhà, nhốt những tư tưởng đạo mạo lai, thả ra cả bầy, loạn xị những tư tưởng về loại Cống Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất, trào phúng hóm hỉnh, rồi xem chúng múa luôn trên sân khấu của nội tâm mình. Tệ hơn nữa, là những cái trò đã xem trên sân khấu ấy, có khi đạo huynh chép lại thành tiểu thuyết. Khi những ông Tàu, những ông Mỹ, những ông Nga bị đem ra làm đối tượng cho trò giải trí của đạo huynh, thì độc giả thảy hưởng ứng mà cười. Nhưng mà, khi nghe nói sắp có màu sắc lô canh, thì ở đất này, nhiều người tim đánh thình thịch. Hễ bị đạo huynh đem ra làm đối tượng để trào phúng, rồi đổ quạu, thì kẻ bàng quan càng cười thêm sự đổ quạu của mình, chẳng hóa ra mình là kẻ bất trị. Còn ngậm mà nghe, thì tự ái bị thương tổn... Thompson chận ngang nói: - Tôi hiểu rồi. Ông Xích Tử nói thiên hạ thảy đều ghét ông bạn tôi, bây giờ nhờ bà cắt nghĩa, tôi mới hiểu vì sao mà thiên hạ ghét người hiền lành như vậy. Bởi họ ghét cay ghét đắng lời thiền oái oăm nọ, mà họ đặt cho tên nó là Ba Thiền chớ gì! Bà chủ chùa đáp: - Đúng như vậy. Tôi đây là nhà tu, đáng lẽ không thể ghét ai, mà lắm khi tu tâm không nổi, tôi cũng đâm ra ghét đạo huynh của tôi. Nhưng rồi tôi chịu được vì đạo huynh cười hà hà nói: «Chỉ để thử coi đạo hữu đã trị con tâm được mấy mươi phần trăm». Mà thưa sử gia, sử gia có nói tới tên Xích Tử. Từ khi đọc PHI LẠC SANG TÀU, tôi đã luôn luôn để ý tìm ông ấy là ai, hiện ở đâu và tôi có gặp được chăng? - Xích Tử là một thanh niên mười bảy tuổi... - Ờ phải, năm 1948, PHI LẠC SANG TÀU ra mắt công chúng, thì nó cũng vừa chào đời. Vì vậy mà được cái tên Xích Tử, đứa trẻ sơ sinh con đỏ lói. - Hiện nay Xích Tử bị giam lỏng nơi một binh đinh. Và Ngũ Giác Đài ở Hoa Thạnh Đốn giao cho tôi nghiên cứu mưu định, kế hoạch và đường lối của ông ấy sao. Chủ chùa nhắm mắt định thiền, năm phút sau, mở mắt ra nói: - Tôi vừa nhập thiền, để chiếm một quẻ. Để tôi đọc quẻ ấy cho sử gia nghe. Thompson lật đật lấy bút máy chép lời của chủ chùa ngâm. Ngâm rằng: Quí khách tương phùng cánh khả kỳ! Đình tiền, khô mộc, phụng lai nghi. Hảo tương đoản sự cầu trường sự, Hưu thính bàng nhân thuyết thị phi. Nãy giờ, Hồ Hữu Tường bị chủ chùa làm đối tượng, để đem phần tâm học ra mà phân tích trước mặt người ngoại quốc thì thẹn lắm, muốn tìm một ý, ý nào cũng được, Ý Út, Ý Thêm, Ý Dư, Ý Thừa, Ý Nữa, Ý Hết, Ý Còn, Ý nào cũng được, miễn là đừng Ý ngu thì thôi, một ý thật hóm hỉnh, thật trào phúng, thật chua chát, thật cay độc, thật mặn nồng, mà cũng thật ngọt bùi, thêm êm dịu, vị nào cũng đủ hết, để dùng làm một chưởng mà đánh trả thù lại chủ chùa. Ho H Song nghĩ vì không ai nỡ đánh một người đàn bà, mặc dầu bằng một cái hoa, huống chi ở đây lại đánh một nữ tu sĩ, bằng một cái chưởng, nên đành nín thinh, ngậm mà nghe. Bây giờ, nghe ngâm bài thơ, thấy có cơ hội «ngàn năm một thuở» để lái câu chuyện sang địa hạt khác, bèn chen vô mà nói rằng: - Ông Thompson nghe nữ đạo hữu ngâm bài thơ, mà có đoán được ý chăng? Thompson đáp: - Nghĩa thì tôi hiểu, còn ý, chắc phải nhờ ông bạn bàn giùm. - Tôi vui lòng bàn cho ông đạt ý. Ông đến đây, trong túi vốn là bức tình thơ của Lê Xích Tử hạ cho đạo cô Diễm Hồng. Tôi có khuyên ông chớ nên làm việc phắc tờ lậu, mà trao cho đạo cô. Đạo cô là con nhà có dạy, nào phải là phường lượm lá thắm trôi ở rãnh, với lòng ước mong gặp được thơ tình? Tôi lại khuyên ông đóng vai lão Nguyệt, đến đây bàn việc mai dong. Vậy thì hai chữ đầu là «quí khách» trỏ hẳn cô dâu chú rể. Thompson gật đầu công nhận và nói tiếp: - Vậy thì năm chữ sau có y là: sự tương phùng của cô dâu chú rể, rất là nên hẹn đi. Họ Hồ cười khoái trá nói: - Lão Nguyệt xin đạo hữu hẹn cho ngày nào Xích Tử có thể đến đây làm lễ dạm hỏi đạo cô Diễm Hồng. Xin đạo hữu trả lời! Chủ chùa đáp: - Từ mấy năm nay, nuôi Diễm Hồng, dạy dỗ, truyền đạo cho nó, bởi vì tôi có dụng ý. Tôi làm giáo chủ của phái Hồng Môn, mà cứu cánh của phái này là chờ ngày chấm dứt hạ ngươn để sang ngươn thanh bình, thì phái của tôi mở rộng cửa ra, để cho nhân loại bước từ ngươn bên này sang qua ngươn bên kia. Mà sang qua ngươn bên kia, thì loài người sẽ dồn vang tiến bước trên con đường của «minh đạo», theo sự hướng dẫn của giáo chủ của minh đạo này. Tôi đã chuẩn bị cho Diễm Hồng lãnh sứ mạng này, làm sao mà gả nó cho được? Hồ Hữu Tường đáp: - Tôi không nói ý của tôi, mặc dầu tôi có ý phải, ý hiền, ý hay, ý đẹp, gì nữa! Tôi chỉ bàn ý của lời quẻ. Quẻ bao giờ cũng mượn một cái «tượng» mà nói ý của mình. Cái tượng ở đây đã rõ ràng trong câu thứ hai: «Đình tiền, khô mộc, phụng lai nghi». Trước sân, cây khô, ấy là tượng cái đời của một đạo cô chỉ thấy cái triển vọng trọn đời ở vậy, chẳng biết cái xuân là gì. Thế mà, lại có một cái tượng khác đến. Ấy là con chim phượng đến, đậu lên, thành ra chữ nghi. Chữ nghi, là chữ nhơn đứng bên chữ nghĩa, dùng để tả hình thức của cái lễ. Chim phượng lại tượng trưng cho điềm lành, báo hiệu cho một đời thạnh trị. Chim phượng đến gáy ở Tây Kỳ mà nhà Châu dựng lên, tồn tại tám trăm năm. Chim phượng đến, đậu lên cây khô, mà có hình thức một cái lễ lớn, ấy là một cái lễ bày ra một lần, mà nhân loại hưởng đến ngàn năm. Phiên đảo thành ngữ của Ý Dư, ấy là có một thuở, mà được ngàn năm vậy. Nếu đạo cô giữ vẹn đời xuất gia, thì đến chết, không con, không cháu, dòng sống đến đó như mạch nước con chảy vào đồng cát lớn. Dòng nước sẽ tuyệt. Còn nếu đạo cô chịu thêm dấu sắc vào chữ gia, mà xuất gia thành xuất giá, thì có chồng chỉ có một thuở, mà con cháu truyền nối nhau ngàn năm. Một thuở ngàn năm là vậy đó! - Còn đại chí của tôi, nhờ ai mà đạt thành? - Nhờ Xích Tử chớ ai? Trong cơn điên của tôi ở Côn Đảo, tôi đã thấy điều đó, nên đã ngâm: «Toang mở Hồng Môn». Mà này đạo hữu, đạo hữu có hiểu ý nghĩa của ba chữ sau ra thế nào chăng? - Ý đó làm sao? - Màu xích đỏ đậm, pha với màu bạch là trắng, thì thợ sơn có màu hường. Trong cơn điên, tôi đã thấy thằng Xích Tử đến mở toang cửa Hồng Môn mà rước dâu, và cô dâu lại tên là Hồng nữa. Màu hường đẹp, bởi vậy mới gọi là Diễm Hồng. - Chữ hồng mà tôi đặt cho Diễm Hồng nào phải màu hường. Ở đây, nó là cái mống. Chữ trùng nằm trên chữ công mà! Hồ Hữu Tường bị đánh một chưởng nặng quá, không trả lời nổi. Thompson cũng biết kha khá chữ Hán, nên hiểu ngay rằng cái đòn rất độc, và chờ xem họ Hồ đáp thế nào. Chủ chùa đắc thắng, thò tay lấy ô, chậm rãi têm một miếng trầu, bỏ vào mồm nhai nhóp nhép. Hồ Hữu Tường dục hoãn cầu mưu, nói: - Điều mà tôi nói đây hệ trọng lắm. Đạo cô Diễm Hồng cần phải hiểu phần bí truyền, mà may thay, nhờ cái tên của đạo cô, mà đạo cô được duyên lành nghe tôi nói lại. Chủ chùa cầm ống nhổ kê lên, nhổ nước giổ trầu, cười chúm chím, gọi to lên: - Diễm Hồng! Con xuống đây nghe sư bá truyền đạo cho! Diễm Hồng, nãy giờ ở trên gác, cũng nghe đủ câu chuyện, và khi nghe lọt vào tai việc thêm dấu sắc mà đổi xuất gia thành xuất giá, thì hơi thèn thẹn, cũng muốn tham gia vào cuộc nói chuyện, rình rình đánh vài chưởng mà trả thù, nên vội vã bước xuống, hai tay chấp lại mà thưa: - Chào sử gia. Chào sư bá. Thompson lật đật chào lại và rút trong túi ra cái thơ của nàng viết gởi cho Cabot Lodge mà trả lại. Muốn dục hoãn cầu mưu, Hồ Hữu Tường nói: - Còn cái thơ của Lê Xích Tử gởi cho đạo cô, ông bạn cũng nên đưa luôn cho đạo cô. Thompson móc túi, lấy bức tình thơ ra trao. Diễm Hồng nói: - Thầy cho phép con nhận chăng? Chủ chùa thấy ăn chắc trong tay, đáp: - Con cứ nhận mà đọc. Có gì thắc mắc, con hỏi sư bá giải cho con nghe. Rồi con sẽ nhờ sư bá giải thích cho con rõ: ba chữ «thâu xích bạch» lại có nghĩa là đi cưới Diễm Hồng. Diễm Hồng nhận bức tình thơ của Xích Tử, đọc. Càng đọc, càng thẹn, má ửng đỏ hồng. Hồ Hữu Tường để kéo dài, nói: - Khi ông Thompson dịch thơ, có đánh điện thoại mà bàn về bức thơ mà đạo diệt đã viết cho ông Cabot Lodge. Đạo điệt có biết chăng? Ông Cabot Lodge là người của cái văn minh kỹ sư, mà đạo điệt bảo đề nghị một việc cho Mao Trạch Đông, tất nhiên, đạo điệt phải chuẩn bị ý kiến để đáp lời phản ứng: Hỏi: «Có gì làm cho Mao Trạch Đông sợ mà chấp nhận đề nghị?» Diễm Hồng thấy nói chuyện trên địa hạt khác dễ chịu hơn là bàn về tình thơ của Xích Tử, nên đáp: - Sư bá giúp cháu câu trả lời, mặc dầu cháu sẵn có câu trả lời rồi. Nhưng có thêm nhiều dây cho cây cung của mình, càng tốt! Hỏi thì hỏi vậy, chớ nào Họ Hữu Tường có nghĩ sẵn lối gì làm cho Mao Trạch Đông sợ? Nên chi, lời của Diễm Hồng biến thành một đòn chưởng xáng xuống, Hồ Hữu Tường đau điếng, chẳng biết trả lời làm sao. Thompson thấy bạn lúng túng, chen vào cứu. Và nói: - Tôi có đem vấn đề mà đặt cho ông Lê Xích Tử. Ông ấy có trình cho tôi biết một cách làm cho Mao Trạch Đông sợ. Ấy là nói cho hắn biết rằng mình có thể làm cho trục trái đất thay đổi, đến xuyên ngang giữa nước Tàu, biến nước Tàu thành ra cái Bắc cực mới, lập tức chôn vùi nước Tàu dưới lớp nước đá cao mấy trăm thước, mà 750 triệu dân Tàu cũng lập tức chết ráo! Diễm Hồng phê bình: - Ông Xích Tử là người phàm, không tu hành, nên ít lòng từ bi, bác ái, nghĩ đến việc giết 750 triệu người mà chẳng chút thương hại... Hồ Hữu Tường chụp lấy cơ hội để kéo dài, nói: - Đạo điệt nói rất có lý. Lời của đạo điệt quả là lời của kẻ mà dạ thương người to bằng cái vũ trụ vòng của Einstein. Biết chỗ yếu của người, chắc đạo điệt đã nghĩ làm sao đừng vấp cùng cái lầm ấy! Diễm Hồng còn nhỏ tuổi, nghe nịnh nọt, thì lấy làm sung sướng, moi ruột ra mà khoe. Và nói: - Sư bá nói rất đúng! Cháu sẽ không giết hết 750 triệu dân Tàu đâu! Cháu sẽ bứng gốc nước Tàu, ném tung ra ngoài quả đất. Khối đất bị bứng, sẽ biến thành một vệ tinh mới, chạy chung quanh quả đất cũng như mặt trăng. Vệ tinh mới này, cháu đặt tên là China, vì trên vệ tinh, chỉ có người Tàu ở! Hồ Hữu Tường vừa thành thật khen, vừa để nịnh Diễm Hồng, vỗ tay nói: - Hay lắm! Hay lắm! Đạo điệt quả là thiên tài! Thompson, khi nghe Xích Tử trình bày phép đổi trục quả đất, đã phục rồi, nay nghe Diễm Hồng nói chuyện bứng rễ nước Tàu mà quăng lên không trung thành vệ tinh, không khỏi buông lời khen: - Ở xứ tôi, các nhà bác học thi đua nhau mà viết tiểu thuyết, một loại tiểu thuyết, gọi là tiểu thuyết «khoa học – dự tưởng» (science-fiction). Tiểu thuyết này bán rất chạy, người viết tiểu thuyết làm giàu, mà các nhà xuất bản cũng làm giàu. Nhưng mà những dự tưởng của họ không có cái nào vĩ đại như của ông Xích Tử và của đạo cô Diễm Hồng. Hồ Hữu Tường chen vào: - Bấy lâu nay, tôi nói dóc nghe cũng khá khá. Nào dè đâu, trai có Xích Tử, gái có Diễm Hồng, nước tôi lại sản xuất những kỳ tài trong khoa nói dóc! Ông phải biết, nhiều quyển tiểu thuyết khoa học dự tưởng cũ xưa, như của Jules Verne, bây giờ người ta đã thực hiện vượt qua khỏi rất xa rồi... Nhưng mà người phương Tây khó vượt qua nổi những cái ý nghĩ như của Xích Tử và của Diễm Hồng. Bởi vì tiểu thuyết của phương Tây dựa vào khoa học, còn ý của cậu cô này dựa vào đạo. Thompson trào phúng nói: - Tôi muốn bỏ nghề nghiên cứu sử. Bạn tôi, là ông, là người viết tiểu thuyết. Xích Tử và Diễm Hồng cho ý. Đủ thứ ý hết, Ý Út, Ý Thêm, Ý Dư, Ý Thừa, Ý Nữa, Ý Hết, Ý Còn. Mà lên sân khấu, có đào kép hay đã đành, nhưng cũng cho Hề xen vô để giễu, thì càng ăn khách hơn nữa! Vậy nên, Ý Ngu, Ý Dại, Ý Khờ, Ý Khùng gì, ông cho cả vào, xào nấu lại, nêm chút nước mắm để cho có chút hương vị i nam, chúng ta lập một trường phái mới trong văn chương quốc tế, gọi là trường phải của tiểu thuyết – đạo – dự tưởng (roman-religion – fiction) càng hấp dẫn, say mê hơn tiểu thuyết khoa học dự tưởng. Tôi sang làm nghề xuất bản. Tiểu thuyết dịch ra nhiều thứ tiếng, bán hàng triệu triệu cuốn. Các ông là người đạo, không cần tiền. Còn tôi theo cái văn minh kỹ sư, càng lời nhiều, tôi càng giàu thêm, các ông cho tôi hưởng hết càng tốt. Diễm Hồng nghĩ rằng Thompson có ý châm biếm ý kiến của mình, nên bàu chữa: - Tôi nói khoa học lắm, chớ nào phải như lắm ông khùng, mà kẻ mê tín càng điên hơn, tôn lên làm giáo chủ này nọ. Hồ Hữu Tường chen vô giảng hòa nói: - Ông Thompson khen thật tình, chớ không ý châm biếm đâu! Nào, đạo điệt giải thích cái căn bản khoa học của cái ý của đạo điệt, cho ông nghe. Mình cũng đường đường là một đạo cô, là một giáo chủ của một đạo, mặc dầu chưa biết đã thâu nạp được bao nhiêu tín đồ, đạo điệt chớ nên đổ quạu, mà mất cả đạo khí. Thompson, tuy đã dằn khá rồi, song hãy chưa nguôi giận, nói: - Tôi sẵn sàng nghe lời giải thích khoa học. Xin đạo cô giảng cho tôi nghe do đâu mà đạo cô có cái ý bứng rễ nước Tàu mà quăng lên không trung. - Tôi có cái ý nghĩ này khi đọc các sử gia nước tôi bàn về nguồn gốc dân tộc Việt. Họ nói dân Việt từ chỗ này chỗ kia mà di cư lại, mà chẳng một ai cắt nghĩa làm sao mà ở vùng Đông Nam Á, ở Nam Dương, ở rất nhiều hòn đảo ở Thái Bình Dương, ở dọc theo bờ biển ở Nam Mỹ Bắc Mỹ, có rất nhiều dấu vết của một cái văn minh chung mà ở đất Việt chúng tôi có nhiều đặc sắc hơn hết. Thompson gật gù nói: - Đứng về phương diện sử gia, tôi cũng công nhận có điều đó, mà không làm sao giải thích nổi. Chẳng lẽ có một cuộc di cư khổng lồ, dời một số rất đông người, từ Đông Nam Á đến các nước ấy mà lập quốc? Năm bảy ngàn năm về trước, có cách gì mà vượt biển xa muôn trùng như từ Đông Nam Á sang qua Mỹ Châu, để di cư số người đông đảo như thế? Theo đạo cô, thì làm sao? Diễm Hồng ngồi xếp bằng theo lối kiết già, một tay đặt lên bàn chơn, một tay sè để ngay và đứng trước ngực, có vẻ thuyết pháp lắm, nói: - Trước thời ông Noé, ở vùng nay là Thái Bình Dương, có một đại lục, đất nổi từ Đông Nam Á sang đến Mỹ Châu bây giờ. Trên đại lục ấy, có một cái văn minh, tràn lan khắp, tuy từ địa phương này đến địa phương kia có tiểu dị, song có chung chỗ đại đồng, là văn minh sớm hơn tất cả các nơi trên hoàn vũ. Lúc ấy, là thời trung ngương sắp dứt, sắp bước qua thời hạ ngươn, tức là ngươn của tranh đấu. Ở các nơi, loài người còn lạc hậu, có đánh nhau thì thoi, đá, cắn xé nhau thôi. Nhưng ở vùng này, thiên hạ đã chế ra được nhiều võ khí lợi hại, biết tổ chức thành quân đội và khi đánh nhau, thì giết nhau hàng vạn. Thêm người vùng ấy sanh tâm kéo đi chinh phục cả thế giới, bắt người các nơi làm nô lệ cho mình. Thompson xen vô nói: - Như nước Tàu bây giờ chẳng hạn. Diễm Hồng gật đầu nói tiếp: - Thuở ấy có một nàng Tiên, có làm phép mầu, song không tài nào khuyên can giống người hiếu chiến ấy. Nàng Tiên bèn nghĩ ra cách là bứng cái địa lục ấy mà ném ra ngoài không trung... - Như bây giờ đạo cô chủ trương... - Phải! Đất ở vùng ấy bị bứng, ném ra ngoài không trung, vùng ấy như là bị đào, biến thành đại dương. Một vài nơi còn sót lại, thì là những hòn đảo, trên ấy loài người còn giữ nhiều dấu vết của văn minh cũ. Ở ven bể, bên Nam Mỹ, ở Đông Nam Á cũng vậy. - Do đó, mới hiểu vì sao ở các nơi ấy có nhiều chỗ giống nhau. - Cuộc bứng rễ này lay chuyển cả quả đất, làm cho trục trái đất dời đi. Trước kia, không biết trục ấy xỏ ngang đâu, mà vùng Tây Bá Lợi Á bây giờ lại ở vào vùng nhiệt đới. Thình lình, dời về chỗ bây giờ, lập tức giá lạnh đến phủ lên, chôn vùi bao nhiêu con mammouth dưới tuyết. Thompson gật đầu cho là đúng. Diễm Hồng nói tiếp: - Việc bứng rễ địa lục to rộng này làm méo mó cả quả đất. Chỗ kia trước là thấp, bây giờ nhô lên quá cao, như Hy Mã Lạp Sơn và Tây Tạng. Chỗ nọ trước là cao, lại sụp xuống thấp. Và cuộc bứng rễ này làm xao động nước biển quá độ. Những đợt sóng khổng lồ, tạo cái hiện trạng hồng thủy, như Kinh Thánh chép về việc ông Noé thả bè, như các sách ở Tàu còn chép. Thompson khen: - Thuyết của đạo cô hay lắm! Còn đất bị bứng và bị quăng lên không trung đó, về sau biến ra cách nào? - Do luật của vật lý vũ trụ chi phối, mà nó bị vo tròn lại, như tất cả các vị tinh tú, và biến ra thành mặt trăng, bây giờ hãy còn và vẫn chạy chung quanh Trái Đất. - Còn loài người ở trên ấy? - Họ vẫn bị luật tranh đấu chi phối, lên cung trăng rồi, mà chẳng biết thương yêu nhau, cứ tiếp tục tranh đấu nhau. Và sau họ chế được một thứ khí giới vô cùng lợi hại, tung lên, giết tất cả sự sống trên Mặt Trăng, làm cho vệ tinh này, từ ấy đến bây giờ, hóa ra hoang vu, không có thú, không có cây chi sanh nổi. Thompson gật đầu giây lâu nói: - Mà lấy tinh năng khổng lồ nào để khi xưa bứng nổi vùng đại lục nọ, bây giờ bứng nổi nước Tàu? Diễm Hồng dường như lúng túng làm thinh. Hồ Hữu Tường thấy vậy, chen vào cứu. Và nói: - Quẻ đã nói rõ: «Hảo tương đoản sự cầu trường sự». Nên đem ra việc ngắn mà cầu việc dài. Việc dài ấy là làm sao có một tinh năng khổng lồ, để đủ dùng mà bứng cả nước Tàu, mà ném tuốt ra không trung hầu biến nó thành một vệ tinh thứ hai. Diễm Hồng gật đầu đáp: - Cần phải luyện để làm chủ được tinh năng của vũ trụ. Tiểu điệt đã để lắm công phu để luyện... - Đạo điệt khó đến kết quả! Đó là trường sự. Mà theo lời quẻ, đạo điệt phải lấy đoản sự mà cầu mới được. Phải bắt con tép, móc vào lưỡi câu, mới câu được cá lớn! Diễm Hồng suy nghĩ rất lâu rồi hỏi: - Chẳng hay sư bá dạy tiểu điệt nên làm sao? Hồ Hữu Tường đáp: - Nói dạy, thì tôi đâu dám dạy. Tôi chỉ dựa theo lời quẻ mà cắt nghĩa. Lời quẻ dạy: «Hưu thính bàng nhân thuyết thị phi». Đạo điệt đừng có nghe người bên cạnh nói phải trái chi cả. Đạo điệt thấy việc phải làm, thì đạo điệt cứ làm. Đạo điệt chớ nên kể đến dư luận chê khen chi cả. Chủ chùa nãy giờ ngồi nghe, thấy Hồ Hữu Tường nói hăng hái quá, bèn xen vào: - Hồ đạo huynh hình như có quyền lợi gì thúc giục, nên nói vô một cách ráo riết quá. Hồ Hữu Tường đáp: - Phải hiện nay Lê Xích Tử mắc vào Tru tiên trận, bị giam mãi trong binh đinh. Chỉ có đạo điệt đây có thể đóng ấn nguyên nhung mà cứu ra. Tôi cần cứu nó ra, để cho nó «toang mở Hồng Môn thâu xích bạch, đắp xây Minh Đạo định âu ca». - Nếu muốn cứu nó ra, thì đệ tử của bần đạo nên làm gì? - Phải làm đoản sự, mà chẳng cần đếm xỉa chi đến lời thị phi cả. - Chẳng hay đoản sự là cái chi? - Xích Tử đã viết trong thơ đó. Vậy đạo điệt đưa thơ cho sư mẫu xem. Diễm Hồng lấy bức thơ trao cho thầy xem. Chủ chùa đọc xong, cười đáp: - Đây chỉ là bức thơ o mèo, mà nhè nhắm nơi người đã bước vào cửa thiền, để kéo người ta ra đời hầu ngụp lặn trong biển trầm luân. - Nhưng có thể xem đó là một cái thơ hỏi ý. Nếu đạo điệt bằng lòng, thì tôi sẽ đứng làm chủ lễ của bên trai, mà nạp lễ sính. Khi lễ sính nạp xong, thì Xích Tử ví như Tiết Đinh San bị mắc vào trận dữ, còn Diễm Hồng đóng vai Phàn Lê Huê mà phá trận Tru tiên, cứu chồng ra mà cùng nhau luyện đạo. - Lại có việc vợ chồng luyện đạo chung nhau à? Hồ Hữu Tường đáp: - Phàm luyện phép nhỏ, thì độc một mình, bằng vào nội lực, hoặc thuần âm khí nào là nữ đạo sĩ luyện đạo, hoặc là thuần dương khí nào là nam đạo sĩ luyện đạo, đạo sĩ có thể luyện nổi. Luyện như vậy thì chỉ luyện bửu bối bỏ túi, như các truyện thương tả. Nhưng khi nào cần luyện cái chi cho vĩ đại, thì phải vận dụng cả âm lẫn dương, như trong thơ Xích Tử đã nói. Diễm Hồng nghe nói ngạc nhiên hỏi: - Trong thơ nào có hé thấy chút nào về điểm ấy? Hồ Hữu Tường cười đáp: - Đâu có thể nói trắng trợn được. Nhưng mà câu thứ ba đoạn mưỡư là rõ lắm rồi: «Âm dương đâu thoát khỏi vòng?» - Đó chỉ là một câu sáo để tuyên truyền, hầu chinh phục tim non của thiếu nữ mà. Hồ Hữu Tường cười ha hả đáp: - Đạo điệt chớ nên xem đó chỉ là một câu sáo. Nó là một chơn lý bất diệt. Diễm Hồng hỏi: - Xin sư bá chứng minh vì sao đó là một chơn lý vượt được vô thường, mà trở nên bất diệt. Muốn biết Hồ Hữu Tường trả lời làm sao, xin xem đến hồi sau phân giải.