Sau khi Nhu đảm bảo an toàn cho những chuyến hàng thuốc phiện, phi đội gồm những máy bay Beechcraft hai động cơ của Francisci bắt đầu thường xuyên thực hiện những vụ thả dù bí mật trong lãnh thổ Nam Việt Nam (27) [(McCoy, đề từ thích hợp này được dẫn từ sách của Alfred McCoy mà theo chúng tôi là tác phẩm hay nhất về đề tài buôn bán bạch phiến quốc tế. Tuyên bố của McCoy (chú thích 19) là một cách diễn đạt từ một cuộc phỏng vấn mật viên Luicien Conein)]. Bây giờ chúng ta hãy quay nhanh về lại thời điểm năm 1958, khá lâu trước khi những vụ đàn áp Phật giáo của Diệm được báo chí quốc tế nêu lên hàng đầu. Ở đây chúng ta sẽ chứng kiến sự kỳ quái và sự điên loạn hoàn toàn của chiêu bài Công giáo của Diệm Như đã kể trên, các lực lượng của Diệm, với sự giúp sức của Edward Landsdale do CIA phái qua, đã đánh bại và loại trừ giáo phái Bình Xuyên khét tiếng cùng đầu đàn là tướng Bảy Viễn. Bình Xuyên hoạt động như Mafia ở Sài Gòn mà Viễn là ông trùm. Nhưng sau khi đầu hàng, các cơ sở làm ăn của họ (sòng bạc, nhà chứa, và ma tuý) đều bị đóng cửa. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, các sòng bạc và nhà chứa lặng lẽ được phép mở cửa trở lại. Nói cho cùng, ở đâu cũng có tệ nạn, nhưng thế giới đã thấy luật cấm nấu và bán rượu (thời kỳ 1920-1933) ở Mỹ có hiệu lực như thế nào. Nhưng với tinh thần Công giáo khắc nghiệt của mình, một tệ nạn mà Diệm cho rằng cực kỳ vô đạo đức và hoàn toàn bị cấm đoán là sử dụng thuốc phiện. Để tỏ rỏ lập trường chống các tệ nạn của Viễn và đồng bọn, Diệm cho tổ chức thiêu đốt công khai các vật dụng hút thuốc phiện, một kiểu như chiến dịch Nói Không Với Ma Tuý. Nhưng khi việc đánh bại Bình Xuyên làm đóng cửa tất cả ổ hút thuốc phiện thì nhờ Trời, các hang ổ này đã đóng cửa nguyên như thế. Cho đến khi thấy thích hợp Diệm đã cho phép mở cửa lại. Lại thêm một bằng chứng cho thấy bản chất đạo đức giả của Diệm. Nhu, em ông, đã tiếp thu lực lượng cảnh sát mật của quốc gia (do Viễn nắm giữ trước đây) và ông vẫn duy trì mạng lưới tình báo rộng lớn. Mặc dù viện trợ của Mỹ cho Diệm là cực kỳ lớn (đến năm 1963 đã tăng lên gần nửa tỉ đô la hàng năm), nhưng Diệm vẫn cần thêm các khoản thu này để nuôi dưỡng quân đội thường trực và chính quyền của ông. Các hoạt động đặc tình và mật thám của Nhu sắp rơi vào bế tắc vì thiếu tiền. Giải pháp cho vấn đề tài chính này thật đơn giản. Mở lại các ổ thuốc phiện và phục hồi việc buôn bán của vô số con nghiện đang đói thuốc ở Sài Gòn. Vậy là vào năm 1958, Nhu đã làm đúng những điều đó (28) [(McCoy)]. Một số ít người thân Diệm quả quyết rằng Nhu làm vậy theo ý riêng mà không được sự đồng ý của ông anh, nhưng làm sao có thể tin được như vậy? Làm sao mà người đứng đầu nhà nước không hay biết hay không được báo cho biết rằng có hàng trăm ổ thuốc phiện đã được mở cửa làm ăn trở lại một cách đột ngột tại thành phố thủ đô? Chẳng lẽ Nhu xoay xở cung cấp tiền bạc được cho cảnh sát mật và mạng lưới tình báo rộng lớn của ông với hơn 100000 đặc vụ bán chuyên nghiệp (28) mà ngài tổng thống anh ông chẳng bao giờ tìm biết ra sao? Không thể như vậy được. Không, Diệm biết chuyện này và tán thành, vì ông rất cần mạng lưới điệp viên của Nhu để tiếp tục theo dõi rất nhiều kẻ thù của chế độ – Diệm mang bệnh hoang tưởng kiểu Stalin. Đối với Diệm, thu lợi từ những kẻ phạm tội không phải là một cái tội. Theo đuổi mục đích này, Nhu sử dụng tài năng của một chuyên gia được nêu tên trên tạp chí Fortune 500 (tạp chí hàng năm lập danh sách 100, 500, 1000 tập đoàn công nghiệp lớn nhất Mỹ – ND). Để có thề cung cấp đủ lượng thuốc phiện rất có lãi cho vô số con nghiện tại Sài Gòn, ông cần phải có một đường dây cung ứng tin cậy. Và đường dây này được xây dựng từ Lào, ở đông bắc Việt Nam, từ những cánh đồng anh túc phì nhiêu nằm trong khu Tam Giác Vàng nổi tiếng. Và chính một người đàn ông Pháp bị bỏ quên từ thời Pháp thuộc ngày nào sẽ trở thành cộng sự độc quyền của Nhu. Bonaventure Francisci, biệt danh “Đá”, một người Pháp hoà nhã, đẹp trai thích những bộ vét lụa trắng, quần áo thêu hoa, và đồ trang sức xa xỉ loè loẹt loại ngoại nhập. Tóc đen mượt chải ngược ra sau, râu tỉa tót kỹ lưỡng, bề ngoài hấp dẫn, ăn nói lưu loát với một phong thái lịch sự, ông lẽ ra phải làm nghề môi giới cao cấp hoặc buôn bán kim cương. Nhưng Francisci buôn bán một thứ còn giá trị hơn nhiều. Trước đó một thời gian ông đã thiết lập được quan hệ làm ăn khấm khá – tuy có khó khăn – với thị trường thuốc phiện ở Lào, vì Francisci làm việc cho một người khác tên là Antoine Guerini đứng đầu một tập đoàn ma tuý ở Marseille miền nam nước Pháp. Tập đoàn Marseille thu hút nguồn nhân lực dồi dào từ tập đoàn Corse (Tập đoàn Corse này gồm toàn côn đồ, lính Pháp đào ngũ và cả những người yêu nước trước đây đã chọn đi theo con đường tội phạm:đâm thuê chém mướn, mua bán thuốc phiện, tống tiền, vân vân. Tập đoàn Marseille và Tập đoàn Corse thường được coi là những thực thể giống nhau, là bởi vì nền tảng nhân lực của thế giới ngầm Marseille vốn xuất thân từ đảo Corse – và sự bần cùng kèm theo – đi tìm những nghề làm ra nhiều tiền hơn trong giới tội phạm có tổ chức. Từ đây trở đi, để cho gon, chúng tôi sẽ gọi thực thể thế giới ngầm này là “Tập đoàn Marseille”) Dù sao đi nữa, chính các lò bạch phiến của Tập đoàn Marseille đã bán chính phẩm của nó cho các ông chủ thế giới ngầm ở Mỹ theo một hợp đồng dài hạn được lập ra bởi ông trùm tội phạm Meyer Lansky ở New York vào đầu thập niên 50. Từ thời điểm đó, phần lớn lượng bạch phiến bán cho các con nghiện Mỹ đều được làm ra tại Marseille (28),và Francisci Đá bảnh bao của chúng ta là người đứng giữa hai đầu: sản phẩm thô và thành phẩm phân phối. Francisci Đá làm việc hoàn toàn cho băng Marseille, lúc bấy giờ do Antoine Guerini và anh trai của y là Barthelemy điều hành. Không có gì quá đáng khi nói rằng đặc quyền buôn bán bạch phiến ở Mỹ cũng như Tây Aâu hoàn toàn bị anh em Guerini chi phối. Và năm 1958, khi Diệm- Nhu tái lập lưu thông thuốc phiện về Sài Gòn, Francisci khó có thể hoan hỉ hơn vì nó đã làm sống lại nghề cũ của ông là vận chuyển thuốc phiện từ gốc vận chuyển ở Lào đi thẳng về Nam Việt Nam bằng một phi đội máy bay riêng của hắn. Nhưng thậm chí có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán thuốc phiện trực tiếp cho hàng trăm ổ hút và hàng ngàn con nghiện ở Sài Gòn. Việc sản xuất thuốc phiện ở các nơi khác trên thế giới – đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico – ngày càng thất thường và không chắc chắn vì liên tục bị pháp luật ngăn trở. Tình hình này chỉ làm lợi thêm cho Guerini bởi vì nó gia tăng thị phần ma tuý của y. Chuyện này xảy ra như thế nào? Nhu và Francisci Đá thực hiện một hợp đồng phân phối cơ bản. Francisci sẽ vận chuyển thuốc phiện đến Sài Gòn cho các ổ hút của Nhu nhưng hắn còn chở nhiều thuốc phiện cho các điểm thả dù ở Sài Gòn, tại đây thuốc phiện sẽ được máy bay vận tải chở sang các xưởng chế biến ở Marseille. Tại Marseille, thuốc phiện sẽ được chế biến thành bạch phiến chất lượng cao để bán cho các trùm ma tuý ở Mỹ như Santos Trafficante, Carlos Marcello, và Sam Giancana. Tất cả đều làm giàu trong chuyện này, và ai cũng thấy được rằng đó là chuyện làm ăn rất an toàn, bởi vì Nhu có thể được coi như một thứ Bộ trưởng Tư pháp của Nam Việt Nam, ông không phải ưu tư hay trả lời trước bất cứ một cơ quan thi hành pháp luật nào. Ông ta là luật pháp, và ông ta sử dụng sức mạnh này để đảm bảo cho Francisci – và khách hàng của ông ở Marseille – một nguồn cung cấp thuốc phiện ổn định để sản xuất bạch phiến. Một vụ làm ăn ngon lành. Với vị trí quyền lực trong chính phủ Nam Việt Nam, Nhu có thể đảm bảo rằng các máy bay chở đầy thuốc phiện của Francisci (đội lốt vận tải “ngoại giao”) có thể bay từ Lào đáp xuống Sài Gòn và chuyển hàng xong hết mà không gặp nhiều kiểm tra phiền toái. Thậm chí Nhu còn tăng năng suất đều đặn trong hai năm 1961 và 1962 bằng cách huy động Đội Vận tải số 1 của riêng ông (chuyên hoạt động tình báo trên không, thỉnh thoảng bay phối hợp với CIA) vào việc đó (28). Giữa năm 1958 và 1963, Sài Gòn thực sự trở thành kho hàng chứa thuốc phiện thô mà phần lớn sẽ chuyển tới Marseille để cuối cùng thoả mãn nhu cầu của con nghiện bạch phiến ở Mỹ. Tuy nhiên Nhu còn có những khuyến khích khác cho hợp đồng béo bở này. Trong lúc các máy bay vận tải thuê riêng của Francisci – thường gọi là Hàng không Thương mại Lào – hàng ngày chở thuốc phiện tới Sài Gòn mà không bị luật pháp gây rắc rối, thì những tay cung cấp nhỏ hơn không được an toàn như vậy. Lực lượng cảnh sát của Nhu sẽ lập tức hỏi thăm họ vì đã dám lấn sân của Francisci (28). Anh em Guerini không thể nào phấn chấn hơn trước hợp đồng của Francisci, và cũng không thể hài lòng hơn về Nhu vì ông đã giúp thực hiện được hợp đồng đó. Hợp đồng này giúp cho anh em Guerini trở thành những ông trùm ma tuý toàn cầu vào cuối thập niên 50 đầu thập niên 60, đồng thời nó tạo ra một liên minh tội phạm vững như bàn thạch giữa Nhu và tập đoàn Marseille. Nhu, Diệm và toàn bộ dòng họ Ngô Đình ai cũng nổi lên giàu có khác thường nhờ vào liên minh này (trong khi vẫn kiếm được nguồn tài chính bất minh cần thiết cho cảnh sát mật và tình báo). Quan trọng hơn thế, anh em tội phạm Guerini thậm chí còn tích luỹ được nhiều của cải hơn, và những khách hàng chủ yếu của họ – Mafia Mỹ – cũng vậy. Cho nên, về căn bản, tập đoàn Marseille, Mafia Mỹ, và chính quyền Ngô Đình Diệm đã biến thành những đối tác làm ăn của nhau trong mạng lưới ma tuý toàn cầu. Có nghĩa là tiền tỉ – tiền tấn – chảy vào túi người nào có dính dáng, dĩ nhiên là thế. Và nguồn suối mạnh mẽ không ngừng phát sinh ra tiền bạc và sức mạnh này chính là Ngô Đình Nhu.