Một số ít người biết rõ Yến và gia cảnh bi đát của nàng luôn luôn phải ngạc nhiên. Chưa bao giờ họ nghe tự miệng nàng thốt lên một lời than vãn, chán chường hay oán trách số phận. Nàng đặc biệt khó chịu khi một vị khách nào đó vào quán kêu một li nước mía, cố ý trả tiền nhiều quá mức cần thiết như âm thầm bầy tỏ sự đồng cảm (chính xác hơn, sự thương hại) với nàng. Nàng lễ độ nhưng kiên quyết, buộc khách thu hồi lại số tiền dư. Và nếu người ấy cố gắng thuyết phục: - Đáng kể gì, thưa cô. Nàng sẽ mỉm cười lạnh lẽo: - Đã không “đáng kể” phỏng ông bố thí cho tôi ích lợi gì? Ngay đến cha linh hồn của nàng cũng phàn nàn: - Giá thỉnh thoảng con khóc chút đỉnh, cha sẽ hiểu con hơn! Nàng từ tốn thưa: - Chúa sẽ hiểu con, thưa cha! - Đã đành vậy, nhưng nếu cha hiểu con thì mới giúp được con, làm cho sự hiệp thông giữa con và tình yêu của Người sẽ viên mãn hơn! Nàng bật cười khe khẽ rồi chuyển nhanh thành tiếng ho khan để bào chữa cho tội bất kính của mình: - Cha tha lỗi cho con. Được yêu nhiều thì phải bị đòi hỏi nhiều! Vắng mặt cha và anh trai lớn, nàng trở thành chỗ dựa cho mẹ và lũ em nàng. Bị đuổi khỏi chân bán sách trong cửa hàng Quốc văn thuộc Công ty phát hành sách thành phố, nàng hiểu rằng, không chóng thì chày, các em nàng cũng sẽ nhận được những quyết định tương tự. Nàng bàn với mẹ, bán nốt món nữ trang cuối cùng của nàng để tậu một xe nước mía. Mẹ nàng khóc, nghẹn ngào khuyên nàng: - Con thử đến tìm anh Dinh coi sao. Có thể ảnh sẽ giúp... Nàng mỉm cười an ủi bà: - Tất nhiên đến lúc cùng đường, con sẽ cầu cứu ảnh. Hiện thời chưa phải đã hết cách. Má yên tâm dưỡng bệnh... Mẹ nàng biết nàng cố giấu bà một sự thực: Nàng sắp gục ngã dưới gánh nặng xoay xở lo miếng cơm cho tám miệng ăn, chạy đồ tiếp tế thăm nuôi cha và anh. Nàng kiên quyết không cho những đứa em nàng bỏ học. Đứa em kề sau nàng với sức vóc đàn ông, lẽ ra phải là trợ thủ đắc lực nhất của chị trong cuộc vật lộn sinh nhai, lại bắt đầu nghiền xì ke, thường xuyên về xúc trộm gạo đi bán, lấy tiền chích thuốc. Nàng buộc phải ra lệnh cho các em lắp ổ khoá vào thùng gạo và canh chừng tên ăn hại này. Gã điên tiết, gây sự với chị gái: - Bán nhà đi, chia đều tiền rồi mỗi đứa cuốn xéo một ngả! Nàng không thèm nhìn gã, lạnh lùng đáp: - Cậu đừng lảm nhảm nữa. Người ta đang mở chiến dịch gom tất cả những tên nghiền xì ke, tập trung rồi đưa ra một hòn đảo biệt lập. Gã gầm lên, túm lấy tay nàng: - Tôi nói cho chị hay, chị không bán nhà lẹ lên, thằng Dinh sẽ ký lệnh tịch thu đấy! Nàng giận dữ giật mạnh tay: - Tôi cấm cậu nói với tôi về “người ta” như vậy. Còn chuyện tịch thu nhà thì đúng, cậu đừng tưởng... - Tôi chẳng tưởng gì cả,- mắt gã đỏ ngàu, mười ngón tay nghều ngoào tua tủa những cái móng sắc đen đúa, cáu bẩn, bấm mạnh vào cổ tay nàng. - Tôi sẽ giết cái thằng ăn cháo đá bát khốn khiếp ấy... Nàng xây xẩm mặt mày, nỗi phẫn hận bùng nổ biến nàng thành một người đàn bà hung dữ khác thường. Nàng hổn hển đe doạ: - Nếu mày không câm miệng... Gã xì ke trong cơn kích động, cũng the thé gào lên: - Đĩ rài đĩ rạc vừa thôi chớ... Nếu hồi đó tôi mách ba, chị ngủ với thằng gia sư của tôi, ba đã giết chị... Nàng đã lao vào em trai nàng với tất cả sức mạnh của một con thú bị đuổi cùng đường. Gã khiếp đảm vùng chạy. Và từ đó, chẳng bao giờ những người còn lại trong gia đình nàng nghe phong thanh gì về gã. Đôi khi, nàng bắt gặp trong ánh mắt của mẹ nàng sự oán hận. Nàng bị kết tội vì việc em trai nàng bỏ nhà đi... Và nàng đã đi thẳng đến nhà thờ vào một ngày “Chúa Nhật áo trắng”. Nàng không thể chia sẻ với bất cứ ai, nỗi cô đơn cùng cực đang bóp nghẹt tim nàng. Nàng thì thầm kể cho “Người lạ mặt trên thập giá” về một thời đi không trở lại trong tình sử đời nàng. Dinh đã đến với nàng trong cái đêm nàng bước lên thiên đường của tuổi mười tám. Được báo trước về sự có mặt của Dinh, cha mẹ nàng đón tiếp trang trọng nhưng không khách khí, thân mật nhưng chưa đến mức suồng sã, khiến anh không cảm thấy gò bó, mất tự nhiên. Anh sửng sốt. Lần thứ nhất tiếp xúc với “tên sát thủ” dưới cái lốt một người cha trong gia đình, anh kinh ngạc nhìn vết sẹo vắt ngang trán cha nàng (dấu vết còn lại sau trò đúc đạn tai quái của em trai nàng). Nó không hề làm gương mặt “sát thủ” thêm dữ dằn, ngược lại, có một cái gì đó hiền hiền, tội tội lúc “sát thủ” mỉm cười, dịu dàng nói đến đời sống các loài lan. Anh cố tìm kiếm một nét giả dối tinh vi nào đó trong cử chỉ, lời ăn tiếng nói của kẻ đối diện. Nhưng vô ích. Anh phải tự thú nhận, cha nàng thành thực hơn anh trong buổi tiếp xúc đầu tiên. “Yến và tôi có thể ngồi cả buổi ngắm những giò lan đang trổ bông. Mấy người biết rằng giống lan quí giá pha-lê-nôp-si nhập nội từ Pa-ri với giá 500 đô la một giò, xưa kia vốn xuất xứ từ loại lan hài của cao nguyên phía nam nước ta. Thủa ấy, một người Pháp tên là Mar-xen Lơ Cu-plơ, sau nhiều năm lặn lội trong những cánh rừng nhiệt đới, đã khám phá ra loại địa lan kì diệu ấy với những chiếc lá cong như dáng mũi hài. Ông ta vui mừng mang nó về Pa-ri, lai ghép với một giống lan quí khác và đã thành công khác thường, tạo ra giống lan mới pha-lê-nô-psi. Quả thực, gọi nó là “đàn bướm đêm” cũng không quá lời. Rực rỡ và huyền hoặc. Chúa của các loài lan. Người Trung Hoa gọi nó là “hồ điệp lan”. Mơ ước lớn nhất của đời tôi là tự mình tìm được giống lan hài hiếm hoi, vô giá mà xưa kia Mar-xen Lơ Cu-plơ đã bắt gặp trong rừng. Đó mới là mục đích thực sự của mỗi chuyến săn bắn của tôi, kể cả những chuyến đi săn bằng trực thăng...” Anh giật mình nhớ lại. Trần Việt có lần kể rằng, trong một chuyến đi săn bằng trực thăng, tên tỉnh phó nội an cùng bầy tùy tùng đã hạ sát năm chiến sĩ giải phóng đang tắm dưới suối. Sau đó chúng chở năm cái thi thể trần trụi về phơi giữa chợ Hàm Dương. Nếu người kể không phải Việt làm sao anh dám tin, kẻ đang say sưa nói về “đàn bướm đêm- Chúa của các loài lan” lại là tên sát nhân cuồng máu đến vậy. May sao, nàng xuất hiện đúng lúc ấy, ríu rít yêu cầu cha nàng trả lại cho nàng, vị khách quí của lễ mừng sinh nhật. Cha nàng khoan thai lên tiếng: - Con cho ba thêm một phút để bàn công chuyện với anh Dinh. Tôi nghĩ rằng, - quay sang anh, ông ta điềm đạm nói tiếp,- một khi Yến kính trọng, quí mến ai thì người ấy có đủ thẩm quyền và tư cách nhận lấy từ cha Yến những tình cảm tương tự! Anh hiểu, ông ta đã chấp nhận anh vào làm gia sư trong ngôi biệt thự qúy tộc này. Hoặc nói theo kiều Trần Việt, ông ta đã tự tay mở cửa cho “người thợ săn vào hang bắt cọp”. Nàng thân ái khoác tay anh bước vào phòng khách lộng lẫy, nơi có mặt hầu hết trai thanh nữ tú trong giới thượng lưu Hàm Dương. Âm nhạc, hoa tươi, những bộ quần áo dạ hội, những mái tóc thơm dịu mùi nước hoa Sa-nen, những cánh tay trần ngọc ngà dưới ánh đèn mờ ảo...Và cuối cùng là những ngọn đèn cầy lung linh trên chiếc bánh sinh nhật của nàng. Nhưng nàng chưa kịp thổi tắt những ngọn đèn cầy để mở đầu đêm thiêng liêng của nàng, cuộc pháo kích đã khởi sự. Thoạt đầu, chỉ nghe thấy tiếng ầm ĩ mơ hồ vọng tới từ những chân trời tăm tối nào đấy. Người ta dễ lẫn hiện tượng đó với dấu hiệu giông tố. Rồi đột nhiên, vòm trời thành phố rung chuyển dữ dội như sắp đổ ụp xuống bởi những tiếng gầm rú kéo theo những vệt lửa chói mắt xé toang màn đêm mỏng manh, tạm bợ che trên đầu mọi người. Chuỗi tiếng nổ vang dội làm vọt lên từ trong lòng nó những cột lửa khổng lồ, rọi sáng từng mảng phố. Nhìn qua cửa sổ, anh thầm reo: A, quân mình đang pháo kích phi trường và quân cảng. Đèn biệt thự vụt tắt. Khách khứa nháo nhào tuôn khỏi phòng, hoảng hốt chui vào chiếc hầm trú ẩn bê tông. Anh ngây người trước cảnh tượng “bắn pháo hoa” bằng những loạt hoả tiễn 122 mi-li-mét của pháo binh giải phóng, quên luôn cả nàng và những ngọn đèn cầy run rẩy, rạp xuống mỗi lần cơn cuồng phong tràn tới. Chỉ còn hai người. Nàng sợ hãi nhìn những ngọn đèn cầy không phải do nàng thổi tắt, mà tắt lịm do cơn bão lửa kia. “Dinh, hãy nói cho em biết. Tại sao lại như vậy?” “Em nghĩ là có thể khác đi sao?” Một câu hỏi đáp lại một câu hỏi. Nàng oà khóc, dụi mái tóc rối bung vào ngực anh. Anh dịu dàng cúi xuống hôn nàng, như trấn an, che chở cô gái yếu đuối trong đêm hoang tưởng: Những vệt hoả tiễn đang lao đi trong bóng đêm, vạch ra những làn ranh bằng lửa giữa thực tại và giấc mơ. Anh chợt nhớ, ở đâu đó người ta tiên cảm rằng, ngày mai bão tố và những cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét...