Bác sĩ Chôm vừa leo lên võng nằm thì có người kêu cứu. Khổ thân cho những ai là bác sĩ, y tá trên con đường bệnh, đói và chết này. Biết bệnh mà không chữa được. Thấy bệnh mà không tránh được. Bác sĩ Chôm đeo một nỗi dằng dặc suốt từ trạm một vào đến đây. Bác sĩ phải giấu nghề, đổi tên nhiều lần nữa và bảo người trong đoàn đừng kêu mình là bác sĩ. Nhưng rồi người ta vẫn cứ biết "bác sĩ Chôm"."Ông không cứu nó chết!" Người bạn đến khẩn khoản. "Ông làm ơn giùm!"Bác sĩ Chôm vẫn thản nhiên. Không phải ông ác đến độ bỏ nó chết kệ nó nhưng làm cách nào cứu? Đến để ngó ư? Ở Hà Nội chính ông đã từng uống rượu ngó, nhưng chưa từng nghe có bác sĩ nào trị bệnh ngó. Ông không biết thôi miên."Nó đau vùng ruột thừa, phải mổ mới khỏi." Người bạn lắc võng ông.Bác sĩ Chôm nhìn người bạn với cặp mắt bình thản, nói:"Ừ được rồi, để đó tôi coi, anh về đi!" Rồi úp mặt vào thành võng.Lúc ông còn trẻ, đi kháng chiến chống Pháp, ông làm y tá ngang xương cho phân đội Phạm Hồng Thái ở Bến Tre. Ông đã từng chứng kiến những vết thương vô cùng khủng khiếp. Người chiến thương rên la cho bớt đau. Còn thuốc thì chỉ có mẹc-cuya-rô-côm.Khi ông được chuyển về làm việc ở quân y xá thì ông muốn bỏ nghề y tá luôn, nhưng không thể được vì ông quân y xá trưởng, thời Pháp là bác sĩ thú y, cần ông làm thợ đè thợ vịn trong những "ca" cưa cắt tay chân thương binh bằng cưa thợ mộc. Vì phải cắt nên ông nhấm mắt cắt. Không cắt thì chắc chắn chết. Cắt may ra còn có thể sống.Trước khi cầm cưa làm việc, bác sĩ cho trói tay chân và ràng rịt thương binh vào bàn bằng niệc trâu, rồi bảo các y tá lấy bông gòn nhét miệng và tai thương binh. Cuối cùng ông nhét tai ông, rồi uống một xị rượu cho nửa say nửa tỉnh. Như vậy mới mong hoàn thành ca mổ được, mặc dầu kết quả chưa biết thế nào hoặc có thể đoán trước là không kết quả gì hết. Nhiều người chết lúc "ca mổ" mới bắt đầu."Thì ông đến xem cái đã nào, bác sĩ gì ác thế? Nghe bệnh mà không đến!" Người bạn gắt.Họ không hiểu. Mổ ruột thừa không phải như mổ gà, bởi vì gà lợn chết thì thịt của chúng được đem ra xào nấu nuôi béo con người, còn con người chết thì bỏ mặc cho thối rữa, ai đi ngang cũng không buồn ngó mà bịt mũi chạy nhanh.Mổ ruột thừa ở Trường Sơn! Khó hơn chuyện đồng chí Ga-ga-rin lên mặt trăng đó. Đừng có tưởng hễ là bác sĩ thì mổ được đâu.Hồi xưa bác sĩ trưởng quân y phải nhậu ba ngù rồi mới cầm cưa cắt tay chân thương binh. Nếu không nhờ rượu ông sẽ buông cưa chạy làng ngay sau khi cắt nhát đầu tiên. Vì thương binh rống bay cả nóc nhà, giảy sập cả "bàn mổ"! Dù y tá có nhét lỗ tai bằng bông gòn màn nhĩ vẫn cứ thủng như thường. Và dù cho niệc trâu chắc thế mấy cũng đứt lìa vì sức vùng vẫy của cái chết."Nó lăn lộn la trời la đất đằng kia cà!" Người bạn bỏ nhỏ."Tôi không thể làm gì được!" Bác sĩ Chôm vẫn úp mặt vào thành võng, lú ú.Ông ôm đầu bịt tai để khỏi phải nghe. Có nhiều loại thuốc làm cho dịu cơn đau, nhưng ở đây không có thuốc đó. Nếu có thì tiêm vài mũi. Đó là thuốc atropine. Ống nó nhỏ bằng cọng rạ, đau bụng, đau bắp thịt, tiêm vào thì hạ cơn đau ngay. Ruột thừa cũng thế. Nhưng đào đâu ra atropine. Bất cứ thứ gì cũng không có, nói chi thứ thuốc hiếm ấy. Nếu tiêm quá liều có thể chết lắm. Ý mà không có lấy đâu chết. Không ai trên con đường này chết vì bị tiêm atropine quá liều. À à may ra có aspirine cũng được. Aspirine thì không ăn nhập gì cho bệnh đau ruột thừa. Nhưng mà có còn hơn không. Đau Nam chữa Bắc, đau chân há miệng ấy mà! Đó là lối trị bịnh tâm lý. Cứ tin tưởng vào thuốc thế là hết bịnh. Xuân Tóc Đỏ chả tranh tài với ông thầy lang chữa bịnh cho cụ Cố Hồng bằng nước thánh đền bia và rau dại đó là gì? Có điều là..."Nó thiếp đi rồi. Trông thê thảm quá! Bác sĩ tới dùm chút đi!" Người bạn về lều một chốc rồi trở lại lắc võng "Tình đồng chí mà...! Chỉ đến thôi! Không làm gì cũng được. Thấy thực tế sẽ nãy ra sáng kiến."Bác sĩ Chôm quay mặt ra chỉ nhướng mắt không gật đầu. Nhưng người kia mừng quýnh chạy tháo lui, tin chắc bác sĩ sẽ đến trong giây lát.Khổ thế, bệnh gì không bệnh lại bệnh ruột thừa. Ruột thừa là khúc ruột nhỏ bằng mút đủa nằm ở cuối đại tràng. Ngày xưa ông bác sĩ quân y xá trưởng gọi nó là ắp-păng-đi-xích khi giảng bài cho các y tá. Cái "đi-xích" này chẳng bổ ích gì cho con người cả. Nó không đóng vai trò gì trong cơ quan tiêu hoá hoặc cơ quan tuần hoàn cả. Nhưng tại sao nó lại có mặt trong cơ thể con người. Đã không bổ ích gì lại gây thêm rắc rối. Ông quân y xá trưởng có giải thích rằng ở bên Tây người ta đẻ con ra, bác sĩ mỗ cắt cái khúc ruột thừa ấy ngay. Không cần "mê, tê" đứa bé vẫn không biết đau. Và suốt đời nó thoát được chứng bệnh ruột thừa! Bác sĩ Chôm nằm vùi trên võng mê man suy nghĩ. Bệnh ruột thừa không phải là bệnh vi trùng nhưng..."Tôi lạy bác sĩ, bác sĩ ơi! Anh ta điên lên vùng dậy chạy khắp rừng. Chúng tôi đã bắt lại và cột vào gốc cây rồi. Chờ bác sĩ tới.""Cột bằng dây gì?""Dây mắc võng của nước anh em viện trợ.""Khéo nó vùng vẫy đứt mất rồi không có dây mắc võng đó.""Không sao, dây ấy bền chặt như tình hữu nghị của ta với các nước chủ nghĩa anh em vậy."Bác sĩ Chôm ngồi dậy ngó về hướng có tiếng rên la. Không xa. Ở gần cuối địa điểm đóng quân.Người bạn đã chắc ba bó một giạ nên chạy về trước phi báo cho bệnh nhân hay.Nhưng bác sĩ Chôm lại nằm xuống. Quái nhỉ! Sao bệnh gì không bệnh lại bệnh ruột thừa vậy hả trời. Đúng ra nó không phải là một bệnh phát khởi trong vài tiếng đồng hồ như bệnh sốt. Mỗi ngày một chút. Lông bàn chải sáng sút miệng còn sót trong răng rồi nuốt vô bụng, sạn trong cơm cũng nuốt vô bụng... tất cả những gì không tiêu đều dồn xuống khúc ruột thừa nằm đó để dần dần làm ung thối nó đi. Phải cắt! Không cắt nó sẽ vỡ ra làm thối cả ruột gan. Nếu là bệnh nặng phải mổ trong vòng ba tiếng đồng hồ. Chậm trễ sẽ nguy to. Trời ơi! Tuy biết vậy mà đành phải co tay. Giá mình đừng là bác sĩ có phải đỡ hơn không. Bác sĩ ăn nhiều oán cũng hung. Nếu bệnh nhân có bề gì nay mai trên đường leo núi, người trong đoàn của hắn sẽ thù ghét mình mà không cho mượn cái đồ rút dép nếu quai dép của mình bị tụt bất ngờ, sẽ không cho một que củi nếu mình không tìm được củi, sẽ... sẽ và sẽ...Người bạn lại trở lại, mặt mũi nhăn nhó:"Bộ bác sĩ không có sáng kiến gì hay sao bác sĩ?""Sáng kiến gì bây giờ, đâu đồng chí gợi ý cho tôi coi. Thí dụ như...""Thí dụ như ở ngành thực phẩm, các đồng chí xay đậu nành ra ép lấy hết tinh chất làm xì dầu rồi nắn thành bánh đem ra bán cho nhân dân ăn mà vẫn bổ dưỡng như thường.""Trời đất! Sáng kiến đó được thuyết trình cho Thủ Tướng nghe tại cuộc triển lãm sáng kiến thủ công nghiệp ở chợ Đuổi và báo Nhân Dân phát huy thắng lợi đăng luôn.""Sáng kiến đó thì tôi không học tập được. Còn sáng kiến gì khác không?""Còn sáng kiến nữa trong ngành nông nghiệp, nó không được triển lãm ở hội chợ nhưng báo Nhân Dân cũng có đăng. Đó là sáng kiến lấy sữa trâu thay sữa bò. Báo Nhân Dân cũng có đăng, bảo sữa trâu bổ hơn sữa bò nên hạ giá thành sữa bò. Nhưng họ bán trong chợ Tôn Đ ản chớ đâu có ở chợ Cửa Nam, chợ Hàng Bè! Sáng kiến đó tôi chịu thôi. Trong y tế mà sáng kiến kiểu đó chết người như chơi. Giá thành xài ở đâu chớ đem vô phòng mổ thì không ổn!""Tôi biết hết rồi! Thôi, lương y kiêm từ mẫu hãy đến thăm dùm bệnh nhân một chút!""Ờ, ờ, để rồi tôi sẽ đến!""Sẽ là chừng nào. Nhân dân ta rất anh hùng sẽ xây dựng xã hội chủ nghĩa thành công. "Sẽ" mười năm rồi tới bây giờ vẫn còn "sẽ". Sẽ nghĩa là chưa... Bác sĩ sẽ tới nghĩa là chưa tới, vậy chừng nào tới?""Chưa tới nhưng sẽ tới! Này, bây giờ về nấu nước sôi nhúng khăn vắt thật khô rồi chuồm lên chỗ đau. Đó là sáng kiến độc nhất tôi có thể tìm thấy trên con đường chết tiệt này."Người bạn mừng quá chạy vọt đi, nhưng bác sĩ Chôm kêu giật lại:"Nè, coi chừng nghe! Nấu giờ này là phạm kỷ luật đường dây. Nó thọc lũng gà mèn đó!""Đây là cấp cứu mà!""Nấu bếp có khói nhử máy bay tới. Một trận bom chết bao nhiêu mạng?"Người bạn chạy vút đi như vừa đạt được thắng lợi cải cách ruộng đất.Bác sĩ Chôm thấy đau lòng cùng một lúc với sự phẫn nộ. Sự phẫn nộ mà bác sĩ đã cố dìm từ khi bước vào lò sát sinh này. Bác sĩ Chôm làu bàu: dã man thật.Cái gì dã man, ai dã man?Rừng núi hoang vu dã man đã đành rồi. Chính người với người cũng dã man. Không ai còn biết dã man là gì nữa vì sự dã man đã trở thành sự bình thường. Người ta không biết mình là một lũ người dã man cũng như những người thượng ở vùng này ăn uống, sinh lý, trồng tỉa với sự dã man nhưng không hề biết là dã man.Cũng như bác sĩ Chôm dã man khi biết bệnh nhân rên siết mà nhất định không tới hoặc hứa sẽ tới nhưng trong bụng thì tự nhủ sẽ không tới. Tới để làm gì mới được kia chứ. Bác sĩ không đến để chỉ ngó bệnh nhân một cái.Chính cái tên của bác sĩ tự đặt cho mình cũng là một sự không mấy văn minh rồi. Hồi tập kết ra Bắc, bác sĩ chỉ là y tá tiểu đoàn. Đi đâu cũng mang kè kè cái sắt-cốt trong đó có chai thuốc đỏ. Gặp người dân nào trầy tay trầy chân, ông y tá cũng phết cho một nhát để "sát trùng". Mẹc-cuya-rô-cờ-rôm này công hiệu như Đa-giê-năng! Phết nó rồi sẽ không làm mủ. Do đó bà con bần cố nông tìm đến xin và vì tiếng mẹc-cuya-rô-cờ-rôm khó kêu nên họ nói tắt là thuốc đỏ và gọi ông y tá là y tá "Chôm" thay vì cờ-rôm. Khi vào Nam, ai cũng thay tên đổi họ, ông bác sĩ (bây giờ ông y tá đã thành bác sĩ) tìm mãi không ra tên gì cho có ý nghĩa. Thì cứ để nguyên tên Chôm cũng giữ bí mật được vậy! Hơn nữa quê nhà của bác sĩ là vùng có nhiều cây trái như măng cụt, lôm chôm, sầu riêng. Cho nên chữ Chôm còn mang thêm một ý nghĩa đậm đà rất đúng quan điểm nhân dân, lập trường giai cấp, đủ thứ..."Chuồm nước nóng không ăn thua, bác sĩ ạ!" Người bạn đã trở lại với vẻ mặt mất phấn khởi. "Nó kêu nóng và rên ầm rên ỉ. Nếu có bùa ngãi gì tôi cũng chạy tìm cho nó.""Bậy nà! Duy vật biện chứng để đâu mà nói chuyện mê tín vậy?""Duy tâm có lắm khi hơn duy vật. Ông bà mình cúng vái xin thần thánh cho hết bệnh và hết thiệt...""Cái mồm phản động hả.""Thiệt mà bác sĩ! Hôm trước tôi bị trẽo mắt cá, đi cà nhắc hoài khổ quá, đâu có thuốc men gì, tôi bèn vái lầm thầm ông bà phù hộ cho con hết trặt chân đi về tới xứ để trông thấy mặt cha mẹ. Tưởng không linh ai dè bữa sau cái chân trặt nhẹ boong, tôi bắt đầu leo núi như khỉ đột... Ý chết, xin bác sĩ chiếu cố đến dùm. Tội nghiệp nó quá. Thằng cha gần bốn mươi chưa vợ con gì ráo! Nó tâm sự là về đến nơi việc đầu tiên là nó bảo gia đình nó đi hỏi vợ cho nó. Phải chi là đeo ba-lô nặng thì anh em chia bớt đồ mang giúp, đằng này lại bệnh. Bệnh gì không bệnh lại bệnh... cái đồ mắc ôn!""Coi chừng anh ta có bệnh nội tâm không?""Bệnh nội thương hoặc ngoại thương chớ bệnh nội tâm là bệnh gì bác sĩ?""Bệnh nội tâm trên con đường này nhiều hơn bệnh nội thương và ngoại thương. Đó là bệnh tư tưởng. Đồng chí không biết là có vô số lính đào ngũ làm B quay (1). Còn số khác thì tự bắn vào chân để nằm lại không phải đi vào. Nội thương ngoại thương còn có thuốc, bệnh nội tâm thì không.""Có chứ, bác sĩ!""Thuốc gì?""Đả thông chính trị!""Xùy! Đồng chí về mà đả thông anh ta đi!""Anh ta không phải đau khổ kiểu đó đâu. Anh ta đau thiệt mà. Bác sĩ lại coi. Nếu đau giả đò tôi biết liền. Còn nó muốn nằm lại thì chỉ có bắn vào chân trầy trầy một phát là nằm lại, cần gì phải đóng kịch cho mệt. Mà tôi biết thằng này muốn về xứ cưới vợ." Người bạn gãi đầu gãi tai "Đau ở bên trong, mình áp nước nóng ngoài da, ăn thua gì bác sĩ!""Ờ, ờ, không có chó, bắt mèo ă..."Tiếng kêu nhói lên làm bác sĩ ngồi chồm dậy ngó về phía cuối địa điểm."Anh ta đau quặn người mà, bác sĩ!""Đồng chí về đi, năm phút nữa tôi tới.""Phen này thì có thời hạn, tôi tin rồi. Đừng chơi kiểu "tập kết hai năm", nghe cha nội."Bác sĩ Chôm không thể nằm được nữa. Nó đau thật. Nếu giả, nó sẽ không thể rên lâu như vậy nổi. Nó rên tự nãy giờ cả tiếng đồng hồ. Rên liên tục, rên to, rên thống thiết, một anh kịch sĩ giỏi mấy cũng không diễn tài đến thế.Bác sĩ Chôm lục ba-lô một cách miễn cưỡng. Có dụng cụ gì trong đó đâu mà moi! Rạch da mổ thịt người ta là cả một vấn đề. Ai có vào phòng mổ thì mới biết kẻ cầm dao mổ là một con người phi thường giành cái sống từ tay tử thần mà sự nghiêng ngửa lắm lúc chỉ bằng sợi tóc. Vậy mà có lần báo Nhân Dân, cũng lại báo Nhân dân, cơ quan ngu dân số 1 toàn cầu, đăng câu chuyện một y tá đi công tác miền núi, dọc đường đau bụng ở vùng ruột thừa. "Đồng chí ấy tự chẩn đoán và quyết định mổ lấy. Đồng chí khắc phục khó khăn và đã tự cứu sống lấy mình một cách dũng cảm!" Thật là chuyện ếch đẻ voi.Bác sĩ Chôm lôi hộp đựng kim và ống chích bằng thép trắng i-nốc-xi-đáp (2), trong đó có một cái ống chích năm phân khối, mấy chiếc kim chích thường lẫn kim chích dầu. Một mớ thuốc mà bác sĩ đã mua riêng ngoài tiêu chuẩn để hộ thân. Ngoài ra còn có túi thuốc cá nhân đo đảng cấp phát có cả thuốc trị rắn cắn. Không có một thứ thuốc nào khả dĩ dùng để gây tê, mê được cả. Thời đại phản lực đến bỏ bom không đầy hai chục giây đồng hồ chẳng lẽ lại trói thương binh và cắt xương ống quyển bằng cưa thợ mộc?Sáng kiến! Sáng kiến! Bác sĩ Chôm vỗ trán để động viên sáng kiến báo Nhân Dân ơi. Khổ quá, bài báo không có nói anh y tá anh dũng kia tự mổ bằng dụng cụ gì. Có lẽ anh ta có bistouri (3) mang theo. Mình chẳng ngờ phải gặp trường hợp kỳ cục này. Nhưng mà được rồi! Đây rồi! Cái này có thể thay dao mổ. Chỉ thiếu thuốc mê. Bảo vài người đè tay, đè chân cho thật chặt. Báo Nhân Dân sẽ có dịp đăng thành tích của bác sĩ Chôm, anh hùng y tế Trường Sơn.Món đồ thay cho dao mổ là lưỡi cạo râu. Đây rồi! Ha ha! Ngồi buồn lại gặp chiếu manh. Thế mà nãy giờ không sáng kiến!! Bác sĩ Chôm có tất cả là năm lưỡi còn bọc trong giấy. Bên ngoài có hình con nai đen nhảy chồm, co hai chân trước như con nai mạ kền trên mũi những cổ xe bóng loáng của Hà Nội. Bọn đi B đứa nào cũng moi móc giản chánh tối đa cho nhẹ cái ba-lô. Những lá thư tình khoái tỉ nhất cũng vứt bỏ. Cái bao lưỡi cạo râu cũng lột, chỉ giữ cái lưỡi. Bác sĩ Chôm không làm như vậy. Nhờ còn giấy bao kín cho nên lưỡi không sét. Với sự kỷ lưỡng nhà nghề, bác sĩ Chôm lấy bông gòn thấm chút cồn lau lưỡi cạo."Xong chưa bác sĩ?" Người bạn lại đến giục. "Anh ta sắp đứt hơi.""Đồng chí về tìm bốn người còn sức khỏe khá. Hai người kềm hai tay, hai người nữa ngồi giằn đè hai chân... À, để khoan! Buộc anh ấy vào gốc cây bằng dây mắc võng. Nhanh lên. Chắc cái ruột thừa đã thối ra nên đau nhức dữ vậy. Tôi sẽ mổ bằng cái dao này, không có tê mê chi cả." Bác sĩ Chôm giơ lưỡi dao lên."Lần này bác sĩ không đến thì tôi quảy ba-lô đi chỗ khác, bỏ cho ai làm gì thì làm.""Ai mà làm gì? Chỉ có tôi là thằng ngu mới nhào vô mang ách giữa đàng thôi." Người bạn chán nản kéo lê chân đi! Bác sĩ Chôm ngại quá. Đây là một sự dã man. Nhưng là sự dã man bắt buộc. Nếu không dã man, để bệnh nhân chết mà không chữa trị, dù chữa trị ẩu, phản lương tâm nghề nghiệp, thì càng dã man hơn. Bác sĩ đi tay không, chai cồn bỏ túi quần, lưỡi dao cạo râu bỏ túi áo, ngoài ra trên răng dưới dế, bác sĩ giải phẫu không có gì khác nữa cả."Nào bệnh nhân đâu?" Khi đến nơi thì bệnh nhân không còn ở đó nữa. Hắn đã biến mất tiêu. Bây giờ bác sĩ Chôm giận ngược lại:"Các đồng chí không canh giữ bệnh nhân gì hết!""Thi hành lệnh của đồng chí, chúng tôi vừa trói hắn vào gốc cây vừa kể cho hắn nghe phương pháp giải phẫu của đồng chí" Người bạn nói: "Nghe kể xong, hắn thét lên một tiếng, vùng lên đứt cả dây rồi bò dậy đâm đầu chạy. Không biết hắn chạy tới đâu rồi?"Bác sĩ Chôm đứng tần ngần. Chuyện xảy ra thật bất ngờ."Sao các đồng chí không đi tìm?" Bác sĩ Chôm hỏi."Tôi chắc hắn thất sá hồn kinh cho nên cặc dái còn teo nữa là ruột thừa!""Sao đồng chí biết?""Sợ quá nên hết bệnh. Nếu còn đau thì ắt hắn phải rên la chớ!"Bác sĩ Chôm tâm ngẩm một hồi rồi nói:"Vậy là tôi đã phát minh một lối chữa bệnh ruột thừa mới. Chẳng những tôi sẽ phổ biến trên báo Nhân Dân cái sáng kiến này mà tôi còn cho nó đi ra khắp thế giới. Hỡi nhân loại...!" Bác sĩ Chôm nổi hứng lên huyênh tay tuyên bố: "Con đường Trường Sơn này rợp trắng xương khô. Đó là tội ác hoặc là chiến công. Các nhà chính trị ai muốn nhận định sao tùy ý, nhưng đối với nền văn minh y tế thì nó đã cống hiến một phương pháp giải phẫu ruột thừa tối tân không cần gây tê mê, không làm đổ một giọt máu của bệnh nhân. Chỉ cần trói bệnh nhân lại và đưa cái lưỡi cạo lên là khúc ruột thừa biến mất. Hằng ngàn khúc ruột thừa sẽ được cắt nhấp nháy không tốn một xu con. Và những người bệnh sẽ chạy về trong Nam giải phóng miền Nam trước tụi mình."Người bạn đẩy luôn:"Với sáng kiến này bác sĩ sẽ vọt..." 1. Tức là đi B thối chí quay trở về Bắc.2. Tiếng Pháp inoxydable có nghĩa là không rỉ sét.3. Con dao mổ