Sau năm giờ chiều trời đã bắt đầu tối dần. Khí lạnh tê buốt của buổi hoàng hôn mùa thu thấm vào đến tận xương tủy. Naôê chuẩn bị ra về. Thắt xong cà-vát, ông ra đứng ở cửa sổ phòng điều hành. Dưới cầu trời phủ kín một lớp mây thấp, những mái nhà chen chúc chạy dài đến vô tận, nép dưới chân những tòa cao ốc đồ sộ. Như thể mọc lên từ lòng đất, hằng hà sa số những ngọn đèn lần lượt sáng lên, và những ngọn đèn li ti ấy thắp lên càng nhiều thì bóng tối lại càng dạy đặc thêm. Naôê yêu thích thời gian này, khi ánh hoàng hôn dần dần chìm vào đêm tối. Chính đây là giờ phút mà cái bộ mặt thật của thành phố hiên lên trong khoảnh khắc, như thể được vẽ lên bằng một chất mực thần diệu. Một diện mạo khác biết bao nhiêu với diện mạo ban ngày... "Cái tôi thứ hai, cái bản ngã thầm kín cũng tỉnh dậy trong con người như thế này đây", Naôê thầm nghĩ trong khi ngắm cảnh thành phố trong bóng chiều. Một sự so sánh kỳ lạ. Nhưng, không hiểu tại sao, nó lại làm cho ông sợ hãi. Ngoài đường xe cộ nối đuôi nhau chảy thành dòng bất tận, khách bộ hành nườm nượp qua lại trên các vỉa hè, thế nhưng từ trên nóc những tòa nhà cao ốc, chắc hẳn thành phố tưởng chừng như im lìm bất động... Có tiếng ai gõ cửa. Naôê rời cửa sổ. - Mời vào. Mikikô, cô con gái của bác sĩ trưởng, rụt rè bước vào phòng. - Tiên sinh chưa về ư? Hơi thở Mikikô hình như hơi dồn dập. - Có việc gì không? - Nếu không có gì vội lắm, xin tiên sinh trước khi về hãy ghé vào phòng văn thư một chút. Có người đang đợi tiên sinh ở đấy. - Cha cô à? - Không mẹ em. Mikikô nhìn thẳng vào mắt Naôê. Naôê gật đầu, mặc áo vét-tông vào và vắt chiếc áo choàng trên cánh tay Mikikô lặng lẽ chờ ông bên khung cửa. - Đi chứ? Mikikô mở cửa và ra hành lang trước. Một người hộ lý đi qua. Trông thấy Naôê và Mikikô, người ấy kính cẩn cúi chào. Phòng văn thư cũng ở tần với phòng điều hành. Tòa nhà được xây thành hình chữ U, thành thử muốn đến phòng văn thư phải đi dọc hành lang vòng qua góc nhà. Phòng văn thư đặt kế cầu thang. Đi đến cầu thang, Mikikô đứng lại. - Thôi xin chào bác sĩ. - Cô về ư? - Không, hôm nay em phải đi học Ikêbuna. Buổi học này không vắng được. Mikikô mặc một chiếc áo măng-tô trắng có thắt lưng, trên cổ choàng một tấm khăn màu thiên thanh, tay xách một chiếc ví xếp của thanh niên. - Vậy tạm biệt nhé? - Không, khoan đã, xin bác sĩ đợi cho một chút... Naôê quay lại. - Bác sĩ có thích ba-lê không? - Ờ-ờ... Vũ kịch ấy à? - Vâng. Cuối tháng này bắt đầu có hội diễn... - Cô sẽ biểu diễn chứ? Mãi đến bây giờ Naôê mới sực nhớ ra rằng Mikikô có tham gia biểu diễn ba-lê. - Không ạ. Lần này không phải trường chúng em biểu diễn, mà Đoàn ba-lê Tôtô. Nếu em... Nếu tiên sinh không từ chối... Em có vé đi xem. - Bao giờ biểu diễn? - Ngày hai mươi chín và ba mươi - hai ngày liền. Mikikô nói ngập ngừng giọng hơi khàn đi vì hồi hộp. - Tôi không hứa chắc được, nhưng có lẽ tôi sẽ đi. - Vậy em để dành vé cho bác sĩ nhé? Còn nếu bác sĩ bận việc gì không đi được, xin báo trước cho em biết. Mikikô quay đi và chạy xuống cầu thang rất nhanh, như thể trốn tránh một người nào. Trong phòng văn thư có bà Ritsukô và một thiếu phụ làm việc ở phòng. - Xin lỗi bác sĩ nhé. Chắc bác sĩ đang sửa soạn về nhà phải không? - Ritsukô sắp xếp lại những thứ giấy tờ đặt trước mặt và mời Naôê ngồi xuống đi-văng. - Tôi hy vọng không quấy phiền bác sĩ. Bác sĩ có việc gì quan trọng phải đi ngay không? - Không ạ Ritsukô đến cạnh cái tủ con đặt ở góc phòng. - Trà hay cà phể - Gì cũng được ạ. - Hay có lẽ uống bia? Hay là whisky? - Xin bà đừng bận tâm. - Một ngày làm việc đã qua. Có thể tự cho phép mình rượu chè một chút chứ! Bà lấy bia trong tủ lạnh ra, với tay lên kệ lấy một chai whisky và mấy cái cốc rồi bày lên bàn con trước mặt Naôê. - Bác sĩ nhắm cái gì nhé? Có lẽ phó-mát chăng? Naôê ngập ngừng. - Không thì sasimi vậy. Cô Muraki, - bà quay về phía người thiếu phụ, - cô làm ơn gọi điện đến hiệu Tamađzusi bảo đem gấp một đĩa sasimi đến đây nhé. - Mấy suất ạ? - Một thôi. Nhớ dặn cho thêm các món gia vị nhé: mỗi thứ một ít, những thứ gì ngon nhất ấy. - Quả thật, bà bày vẽ làm gì thế, - Naôê lại nói. Ritsukô ngồi xuống trước mặt ông rót bia vào ly cho ông. Lúc bấy giờ đã quá năm giờ nên viên quản lý và cô kế toán thứ hai đều đã về nhà. - Phải đợi chút xíu. Độ mười phút. - Dĩ nhiên. Xin cám ơn bà. Yasukô Murakami xếp dọn bàn làm việc của cô, mở tủ lấy áo ngoài ra mặc. - Thế bác sĩ trưởng ở đâu ạ? Hôm nay ngài bận những việc gì? - Naôê hỏi thăm. - Ông ấy có buổi họp ở ban quản trị Hội Lương Y. - Lúc nào cũng bận rộn... - Ông ấy thích bận rộn thế đấy, lại còn đi tìm việc cho nó bận rộn thêm nữa, - Ritsukô so vai. - Cả tối hôm nay cũng vậy, thế nào ông ấy cũng tìm cách chuồn đi đâu cho mà xem. - Bác sĩ trưởng nhiều việc quá... - Không sao đâu. nếu còn đủ sức vui chơi giải trí tức là vẫn còn sức khỏe! - Ritsukô cười xòa. - Thế tôi đi gọi nhé - Murakami hỏi. - Cô đừng quên đấy. Những giấy tờ kia đến mai nhất thiết phải xong đấy nhé, - Ritsukô nhắc nhở. - Dĩ nhiên, tôi mang các thứ ấy về nhà làm đây. Murakami cúi chào rồi ra khỏi phòng. Naôê nhìn theo, rồi nâng ly lên. - Có lẽ tôi cũng uống với bác sĩ nhé? - Bà cũng biết uống rượu ư? - Chút xíu thôi. Tôi thì uống độ hai ly đã thấy choáng váng rồi. Ritsukô lại rót đầy cốc cho Naôê, rồi rót cho mình chút ít và đưa lên môi nhấp vài giọt. Một khuôn mặt hơi thiếu sinh động nhưng cũng đẹp... Có lẽ không ai ngờ là bà đã bốn mươi tám tuổi. Các cô y tá thường kháo nhau: hồi trẻ bác sĩ trưởng đã phải quì xuống van xin Ritsukô vui lòng làm vợ ông. Bây giờ thì dĩ nhiên tuổi trẻ đã qua, nhưng những dấu vết của nhan sắc thời xưa vẫn còn. - Có lẽ vẫn phải uống whisky tiên sinh ạ. Tôi xin phép được hầu rượu tiên sinh. Ritsukô lấy một cái ly sạch, cho nước đá vào và rót whisky. - Nhà tôi uống whisky bao giờ cũng pha nước. - Không cần ạ. Naôê uống một hơi cạn cốc rượu. Ông ưa thích cái cảm giác ấy - cái cảm giác nồng cháy của một làn sóng nóng hổi từ từ chảy dọc thực quản xuống dạ dày. Vào những giây phút như vậy trong trí Naôê bao giờ cũng hiện ra một hình ảnh bất di bất dịch: lớp niêm mạc màu đỏ tươi của thực quản dần dần đen đi và cháy thành than... - Xin nhị vị thứ lỗi cho vì đã để nhị vị phải chờ... Trên ngưỡng cửa xuất hiện người hầu bàn của hiệu ăn phái đến. Trên một cái đĩa hình bầu dục có bày những món gia vị xếp thành những ô ngũ sắc rất đẹp mắt. - Các vị dùng xì dầu ạ? Ritsukô dẹp cái gạt tàn sang chỗ khác và đặt lên bàn dĩa sasimi người hầu bàn vừa lấy ra. Naôê thường thích uống whisky mà không nhắm. Ông chỉ cần mấy hạt dẻ muối, và nếu không có thì chỉ uống nước xen vào. Ông vẫn thường uống rượu kiểu đó trong những tối ngồi một mình trong căn nhà vắng vẻ của ông. - Bác sĩ không thích ăn cá à? - Sao lại không? Rất thích! - Hình như bác sĩ sinh trưởng ở đảo Hôkkaiđô thì phải? - Vâng, ở Sappôrô. - Hôkkaiđô nhiều cá lắm. - Đúng thế. Nói chung tôi thích cá ở các vĩ tuyết bắc hơn. Có lẽ vì đã quen từ bé. Tôi có cảm giác là cá vùng bắc ngon hơn và tươi được lâu hơn. Naôê dùng đữa gắp một miếng cá thu. - Bác sĩ có con người nhà ở Sappôrô không? - Còn mẹ tôi. - Bà cụ ở một mình ư? - Còn có em trai tôi và chị tôi, tuy chị ấy đã có chồng. - Còn bác sĩ cũng nên lấy vợ đi thôi. Naôê im lặng uống nốt cốc whisky. Ông uống từng ngụm lớn, nhưng rất chậm, cố kéo dài cảm giác khoái lạc. Cái cảm giác như có một hòn lửa từ từ chảy xuống trong họng bây giờ đã bớt rõ rệt đi một chút. - Tôi cứ nghĩ không biết có nên làm mối cho bác sĩ không... Bàn tay Naôê đang cầm cốc nhưng hẳn lại. - Bác sĩ không muốn à? Một người đàn ông dễ mến như vậy mà cứ phải một thân một mình? Thật đáng tiếc. Tôi có biết một người con gái tuyệt vời. Có lẽ để bác sĩ gặp cô ta chăng? - Thôi. Câu trả lời của Naôê nghe khá thô lỗ. - Đáng tiếc... - Ritsukô thất vọng thở dài. - Được gặp bác sĩ chắc cô ấy cũng sẽ rất mừng. Naôê vẫn một mực lặng thinh. - Cô ấy tốt nghiệp trường đại học K., khoa văn học Anh. Năm nay hai mươi sáu tuổi. Cố nhiên cái tuổi ấy... Nhưng mà xinh đẹp lắm. Trông cứ trẻ măng. Cha cô ấy làm kiểm tra viên ở ngân hành T. Cô ta là con gái duy nhất trong nhà, được bố mẹ cưng chiều hết mức. Khi họ phái ông bố đi làm việc ở chi nhán Luân Đôn của nhà ngân hàn, bà mẹ ở nhà, còn cô ta đi theo bố sang Anh, cho nên mới chưa có nơi có chốn. - Vì hơi bia, mắt Ritsukô sáng long lanh. - Ở nước ngoài mà cô ấy chẳng kiêu chút nào. Khiêm nhường, tế nhị... Thật đáng yêu hết chỗ nói. Tôi có quen với cô ấy: cô ấy thỉnh thoảng vẫn ghé với con Mikikô ở nhà. Gương mặt Naôê vẫn im lìm như một cái mặt nạ, không hể hiểu được ông ta có nghe thấy hay không. - Hai vợ chồng chúng tôi mấy hôm trước có bàn về việc này. Chúng tôi đều thấy nếu hai người mà lấy nhau thì rất hợp. Ritsukô ngước mắt lên nhìn Naôê có ý dò hỏi. - Ông thử xem qua ảnh cô ta nhé. - Thôi. - Thử xem qua một chút thôi mà! Bà đứng dậy rút ngăn kéo bàn lấy ra một cái phong bì giấy trắng. - Cô ta đây này. Ritsukô đưa cho Naôê một tập ảnh. Mấy bức ảnh dường như được rửa riêng cho những chàng trai đang đi kiếm vợ: một bức chụp cô thiếu nữ mặc kimônô, một bức khác - cũng cô ta nhưng mặc âu phục. Cô thiếu nữ mặc kimônô đứng giữa một phong cảnh rất ăn ý với trang phục. Cô thiếu nữ mặc áo đầm thì ngồi thoải mái trên một bãi cỏ. Cả hai bức đều là ảnh màu. Ritsukô không hề nói ngoa: cô ta quả thật xinh đẹp và trang nhã. - Ông thấy thế nào? Naôê trả tập ảnh cho Ritsukô - Không thích à? - Không phải thế. Chẳng qua tôi không cần. - Nhưng theo tôi thì cô gái thật tuyệt vời!
o0o0o0o0o0
Ritsukô nhìn mấy bức ảnh lần nữa ra chiều tiếc rẻ Nâoê lặng thinh uống rượu. - Thế tại sao ông lại không muốn lấy vợ? Nâoê nhún vai. - Cũng không có lý do gì đặc biệt... - Ấy, tôi cũng nghĩ như thế. - Chẳng qua tôi quá bận. Có lẽ đó là lý do duy nhất. Nâoê dụi tắt điếu thuốc lá. - Bác sĩ đang vội đi đâu? - Không ạ. - Thật là dễ chịu khi người ta có thể ngồi chơi nói chuyện này chuyện nọ, không vội đi đâu cả. Phải không nào? Trong phòng yên tĩnh và ấm cúng. Thậm chí người ta khó có thể tin được rằng mình đang ngồi trong bệnh viện. - Chao ôi, tiên sinh, - Ritsukô thở dài. - Tiên sinh thật là một con người kỳ lạ... - Có thể. - Không phải là "có thể", mà là kỳ lạ khủng khiếp ấy! Bây giờ Ritsukô đã hơi chếnh choáng cho nên thái độ của bà có phần thân mật. - Hay là ông đã có người khác? - Không. - Thật à? Khó mà tin được. Nâoê lặng thinh. - Thế thì tại sao ông không chịu lấy cô này? Sau khi thất bại trong một mai mối, Ritsukô hơi phát bẳn. Bà tự dưng thấy muốn châm chọc cho thật đau con người lầm lì khó hiểu này. - Ông thì hông sao... Nhưng tôi thấy thương hại cho cô nào làm bạn với ông! Nâoê cau mày. - Nếu bà không có việc gì cần nói với tôi nữa, xin bà cho tôi được phép ra về. - Nhưng ông nói là ông không vội đi đâu kia mà. Nâoê bỏ bao thuốc vào túi. - Tôi có chuyện cần nói với ông thật. Tôi không nói dối đâu. - Ritsukô đưa về phía Nâoê đôi tay trắng trẻ, trang nhã của bà. - Một câu chuyện có tính chất nghề nghiệp. Xin ông đừng về. Nâoê ngả người ra đi-văng nhìn Ritsukô. Những nét mặt hơi đanh của bà bây giờ như dịu lại - Có lẽ là do tác dụng của hơi men. - Thời gian gần đây tôi thấy đau nhiều ở thắt lưng. - Ritsukô đặt tay ra sau lưng. - Khi nào cúi về phía trước như thế này thì thấy đau nhói. Còn khi cúi chào hay cầm máy hút bụi... - Đã lâu chưa? - Hơn một tuần nay rồi. Hôm ấy ở nhà tôi đang bưng một cái chậu hoa thì bỗng thấy đau lưng như vậy! Thế là kể từ hôm ấy... - Trước kia bà chưa bao giờ thấy đau như thế à? - Cũng có vài ba lần. Tôi có kêu với nhà tôi, nhưng ông ấy bảo đó chỉ là chứng đau mỏi thông thường thôi, chỉ cần nằm vài ba hôm khắc sẽ hết. Thậm chí ông ấy cũng chẳng thèm khám cho tôi kỹ kỹ một chút. Tay vẫn cầm cốc rượu, Nâoê nhìn hình dáng Ritsukô. Hơi mập một chút, nhưng vai và ngực hãy còn đẹp lắm. Cái thân hình hơi chảy một chút - Tương phản hoàn toàn với thân hình thon nhỏ của cô con gái - thậm chí còn làm cho Ritsukô có một vẻ duyên dáng riêng. - Nhưng đã một tuần rồi mà tôi chẳng thấy đỡ một tý nào. - Ngón chân có bị tê không? - Thế là thế nào? - Ritsukô ngạc nhiên nhìn Nâoê. - Bà có khi nào có cảm giác như mấy ngón chân bà là của ai ấy? Hay khi sờ thì thấy như sờ qua một lớp giấy? - Nói chung thì... hình như cũng có... Như thể để kiểm tra lại, Ritsukô đưa mấy đầu ngón tay chạm thử vào chân. - Có bao giờ thấy giật ở bắp chân không? - Cũng đôi khi. Nhất là bên trái. Nâoê uống hết cốc whisky và khoanh tay trên ngực. - Tôi có uống alinamin và mấy viên thuốc gì đó, nhưng chẳng ăn thua gì. - Làm sao có thể ăn thau gì được. Ở đây các thứ thuốc men đều vô hiệu. - Thật ư? - Ritsukô thốt lên. - Quả tình chưa chụp phim thì tôi chưa có thể khẳng định được... Mà tôi cũng chưa có dịp khám bà. - Nhưng theo ông thì tôi bị bịnh gì? - Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là bệnh thoát vị xương sống. - Thoát vị là thế nào? - Các đốt xương sống bị xê dịch và đè lên các dây thần kinh. - Bệnh này chữa được chứ? - Dĩ nhiên. - Thế ông khuyên tôi nên thế nào? - Nếu đây chỉ là bệnh Lumbagô thì ít lâu tự khắc sẽ hết đau. Chỉ cần khi ngủ co hai đầu gối lên gần ngực. Còn nếu dây thần kinh bị nén, nhưng ít thôi, thì có thể dùng cốc-xê. Chỉ khi nào cảm giác đau dội xuống bắp chân thì mới cần than thiệp bằng phẫu thuật. - Mổ à... - Mặt Ritsukô biến sắc đi. - Không có gì đáng sợ đâu, chỉ là một phẫu thuật đơn giản. - Không, tôi sợ lắm! - Còn nói chung thì tôi không thể nói gì quả quyết chừng nào tôi chưa khám bà. - Vậy ông khám đi!... Ông nghĩ sao? Tại sao sinh ra bệnh này? - Tại tuổi tác. Nâoê nhìn Ritsukô từ đầu đến chân bằng một cái nhìn nghề nghiệp. Trong một khoẳnh khắc gương mặt Ritsukô để lộ ý khó chịu, nhưng bà tự chủ rất nhanh và chỉ hơi cau mày. - Ông nói những điều khủng khiếp quá! - Tôi đang nói với tư cách một người thầy thuốc. - Thế thì ông nên biết rằng khi người ta nghe nói là bao nhiêu nguyên nhân đều nằm trong tuổi tác, người ta bắt đầu thực sự cảm thấy mình là một bà già. - Thời kỳ phồn vinh của cơ thể con người là vào tuổi mười bảy mười tám, sau hai mươi tuổi đã bắt đầu quá trình già nua. Với năm tháng con người hao mòn dần đi, và không có cách gì cưỡng lại quá trình đó. - Hoá ra về sau chỉ có thể càng ngày càng tệ? - Dĩ nhiên. Nâoê dùng đũa gắp một miếng awabi. - Thế đến khi tôi đã già khọm rồi thì sẽ ra sao? - Ritsukô làm ra vẻ sợ hãi đưa hai tay áp vào đôi má đỏ ửng. - Đối với tuổi tác của bà, bà hãy còn đẹp lắm. - Đối với tuổi tác của tôi? - Vâng. Người ta thường nói rằng mỗi người đều trẻ ngang với tuổi mình, nghĩa là tuổi tác như thế nào thì trông bề ngoài cũng như thế. Nhưng đối với bà thì không thể nói như thế được. Bà trông trẻ hơn nhiều. - Xin đa tạ - Ritsukô trang trọng cúi đầu như trên sân khấu. - Vào tuổi hai mươi rất nhiều người đẹp. Về phương diện sinh học, tuổi này thuật lợi nhất, cho nên đẹp vào tuổi hai mươi là lẽ tự nhiên. Đến ba mươi, bốn mươi tuổi, quá trình tàn héo bắt đầu. Và đó cũng là điều hợp quy luật. Khen ngợi cái gì đúng lẽ tự nhiên thử hỏi có ý nghĩa gì?... Ritsukô chăm chú lắng nghe. -... Nhưng nếu một người đàn bà đến tuổi ba mươi, rồi bốn mươi, mà vẫn trẻ đẹp, thì đó là điều phi thường. Còn đến tuổi năm mươi mà người ấy vẫn còn đẹp thì đó là điều đáng kinh ngạc. Lúc bấy giờ người ấy mới thực sự đáng ca ngợi. - Ông muốn nói rằng tôi là người phi thường ư? - Vâng, và là người vượt ra ngoài lệ thường. - Tôi không tài nào hiểu được là nên mừng hay nên khóc trước những lời khen của ông... Rõ ràng là Ritsukô lần đầu tiên được nghe người ta nói về mình như vậy. Bà đã quá quen được ngưỡng mộ: "Đẹp quá chừng! ", "Sao trẻ thế! ". Còn Nâoê thì lại rất xa với sự tán tụng. Nâoê nhìn bà bằng con mắt tỉnh táo của một người thầy thuốc, cảm thụ về con người như về một bộ máy sinh học. Và chính điều đó đã pha thêm vào lời khen của ông cái dư vị bất mãn ngấm ngầm ấy. Ritsukô lại rót whisky cho Nâoê. - Xin cám ơn bà. Hôm nay như thế là đủ. - Không, không, ông đã nói là hôm nay ông không bận kia mà. - Có lẽ không tiện lắm. Ở đây, trong bệnh viện... - Thì có sao đâu! Thật tình tôi rất thích thỉnh thoảng được nói chuyện với các bác sĩ của viện ta. Chẳng ai giống ai cả! - Thế à? - Đúng thế. Tôi cũng đã mong được nói chuyện với ông từ lâu. Nhưng ông là người danh tiếng thế kia cho nên tôi không dám. Nâoê châm thuốc lá hút. - Chắc uống rượu ở một chỗ khác ông sẽ thích hơn? - Ritsukô ngước mắt lên nhìn Nâoê. - Có lẽ thế. - À, ít nhất ông cũng thẳng thắn thấy, - Ritsukô nói, rõ ràng là lòng tự ái bị tổn thương, và nốc cạn chén rượu một cách gần như tuyệt vọng. - Thế ông thích giải trí ở nơi nào hơn? - Ồ, ở rất nhiều nơi khác nhau. - Chắc hẳn ở những nơi nào có đàn bà đẹp?... - Có họ thì tốt hơn là không có họ. Nâoê gảy tàn thuốc. - Ông cho tôi đi theo với, - Ritsukô yêu cầu. - Một lần thôi cũng được. - Tại sao bà lại không đi với chồng bà? - Ông ấy không chịu đem tôi đi theo. - Tôi hoàn toàn thông cảm với ông nhà! Ritsukô phẫn uất nhìn Nâoê. Nâoê khuấy cho tan mấy viên đá trong cốc, rồi dốc cạn. Hai người im lặng một lát, và lúc bấy giờ nổi bật lên một sự tĩnh mịch nặng nề, rất không quen thuộc đối với bệnh viện, chỉ được điểm xuyết bằng tiếng nước chảy róc rách khe khẽ trong các đường ống. Hồi lâu Ritsukô mới lên tiếng, dường như để phá ta cõi im lặng vang dội này: - Ông rất tàn nhẫn đối với tôi. Tôi làm mối cho ông, ông cũng khước từ... Phả-ả-ải, rõ ràng là một người đàn bà về già thì đến cái việc làm mai cho người ta cũng không xong. - bà buông một tiếng thở dài não ruột, - À nhân tiện cũng xin hỏi, tiên sinh có biết ai hợp với con Mikikô nhà tôi không? Nâoê lẩm bẩm cái gì không rõ. - Nó đã hăm ba rồi, mà hoàn toàn không quan tâm gì đến những chuyện này. Có thể ông có quen một thanh niên nào khá ở trường đại học chăng? - Tôi hầu như không hề giao thiệp với giới thanh niên. - Thằng con trai của tôi một mực không chịu học y. Nó đi học kinh tế. Thế mà chúng tôi lại cần có một bác sĩ nữa trong gia đình, cho nên việc lựa chọn vị hôn phu cho Mikikô bị hạn chế rất nhiều. - Nhưng bác sĩ thì thiếu gì! - Thế mà không tìm được đấy. - Thế bà thấy Kôbasi thế nào? Một bác sĩ rất giỏi, tính tình rất dễ chịu. - Kôbasi có người yêu rồi. - Thế à? - Ông không biết sao? - Không! - Nhưng cái này ông chỉ nên biết thôi nhé - Ritsukô đưa mắt nhìn quanh và hạ giọng nói khẽ. - Akikô Takaghi đấy. Akikô Takaghi năm nay hăm mốt tuổi. Cô là y tá của phòng phụ khoa. Trong bệnh viện không có bác sĩ phụ khoa riêng. Nhưng cứ mỗi tuần hai lần, có bác sĩ Muấe ở nơi khác đến, và Akikô phụ việc cho ông. Những này còn lại thì cô phụ việc trong phòng phẫu thuật. Năm ngoái Akikô được coi là đã kết húc thời kỳ tập sự và trở thành y tá chính thức. Cô gái rất lanh lợi và thông minh. - Akikô làm việc ở viện ta, thành thử ta không nghĩ đến Kôbasi được. - Thế còn cô Mikikô thì sao? Cô ấy nghĩ thế nào? - Tôi thật không hiểu con gái thời nay. Tôi luôn luôn nhắc nó: "Nếu con có bạn trai, hãy đưa nó về nhà giới thiệu với bố mẹ". Thế mà nó chẳng thèm nghe. Rồi đến khi tôi đề nghị tổ chức lễ xem mắt, nó nổi cáu lên và trốn biệt. Nâoê trầm ngâm nhìn ra khung cửa sổ cằng rèm. - Vậy ông làm ơn đừng quên lời thỉnh cầu của tôi. - Tôi e rằng bà không thể trông cậy vào tôi nhiều quá. - Chắc chắn là ngoài tôi ra, việc này không làm phiền ai hết... - Xin phép được tạm biệt. Nâoê đứng dậy. - Thế mà ông vẫn nhất định đi... - Ritsukô thở dài. - Tôi uống nhiều quá rồi. Xin về thôi. - Ông đi đến nơi có những người đàn bà đẹp chứ gì? - Cám ơn bà về buổi chiêu đãi. Nâoê mở cửa bước ra hành lang.