Tôi viết bài này chính từ mặc cảm tội lỗi, tội lỗi của cá nhân, của thế hệ, của giống nòi, mặc cảm 'bị lưu manh hóa'. Những thế hệ con cháu sau này sẽ hiểu chúng ta là những người thế nào, khi chúng thấy chúng ta đã chung sống với cái phi lý, cái lưu manh một cách hòa thuận đến thế? Nhưng lưu manh đâu chỉ là cái nằm bên ngoài mình? Nó đang nằm trong cả những người cầm bút 'dấn thân' nhất. Tôi cố gắng thoát ra khỏi tội lỗi bằng cách nói thẳng, nói thật hết lòng, nhưng thỉnh thoảng cái thói xấu nói vòng vo Tam quốc, cái thói che chắn từ trong tiềm thức vẫn hiện ra bất chợt. Nếu viết theo lối 'chửi đổng' hay 'nói bóng nói gió' thì khối cuốn chuyện nói chạm tới cả 'Thiên đình' cũng chẳng ai bảo sao, nhưng mở miệng nói với nhau một lời nghiêm túc cho tới nơi thì sao mà khó thế? Cái 'phi chính thống' thì cửa 'chính thống' nào nó đi cũng lọt, mà cái 'chính thống' lương thiện thì bị chặn ngay từ cửa ngoài! Nhưng tôi vẫn tin ở mặt lương thiện của xã hội, vì dù có đi quanh co mãi trong mê lộ thì cửa ra cuối cùng của xã hội ngày nay không thể là gì khác hơn là phơi bày hết sự thật, tin cậy lẫn nhau, mở lòng ra đón nhận sự thành tâm từ mọi phía. Tôi hình dung ra một cảnh tượng như sau: Cả đoàn người đang đi trên một con đường lớn gập ghềnh thì một tốp người tách ra, đi quay trở lại, vào rừng tìm hướng đi mới, vì nghe nói phía ấy có 'rừng mơ' bạt ngàn. Tốp này tuyên bố ly khai thành một 'phe' riêng, thách thức 'Ai thắng ai' vì tin rằng mình có sứ mệnh phá con đường cũ để mọi người phải giác ngộ mà đi cả về phía 'rừng mơ'. Nhưng đường mới càng đi càng mờ mịt, càng đi về miền hopang vu. Biết mình lầm đường, những người da trắng trong 'tốp ly khai'này bảo nhau làm động tác 'Đằng sau, quay!' để trở lại đường cũ, và đương nhiên phải chấp nhận sự 'xáo trộn' là người đi đầu trở thành người đi cuối. Nhóm da vàng của 'tốp ly khai' không chấp nhận sự 'xáo trộn' ấy, ban lãnh đạo nhóm nghĩ ra một kế: Cứ coi như đường vẫn đúng, phải giữ hàng ngũ và tiếp tục đi 'thẳng', nhưng mỗi ngày lượn cong thêm một chút, cuối cùng quỹ đạo vẫn thành vòng tròn, vẫn trở về đường cũ mà không cần 'Đằng sau, quay!' Tóm lại, 'Phương thức đổi mới kiểu châu Á' là ý muốn trở về với quy luật mà nội bộ vẫn giữ nguyên trật tự cũ, người dẫn đường trên đoạn đường đúng vẫn là người dẫn đường trên đoạn đường sai. Không đổi mà đổi, đổi mà không đổi. 'Vô hiệu hóa' cái chính thống bằng cái phi chính thống, dùng 'phi quy luật ' để 'vô hiệu hóa' quy luật, 'chính thống hóa' cái phi chính thống, và chính thống hóa ra phi chính thống... Cái quỹ đạo vòng tròn ấy là vòng tròn kỳ ảo, và một khi đã hình thành thì nó sẽ biến ảo khôn lường. Tôi không quan tâm lắm đến 'trật tự nội bộ' bởi khi con đường đã thông suốt thì cả đoàn người đều đi, người này năm bảy bước thì người kia có chậm cũng đi được một bước. Nhưng có hai vấn đề chung rất đáng quan ngại: a. Một hình thái Kinh tế - Xã hội mà hạ tầng là Kinh tế thị trường và thượng tầng là Xã hội chủ nghĩa thì cùng một lúc xã hội chịu sự chi phối của hai cơ chế ngược nhau, lúc nào cũng chỉ 'rình' để phủ định nhau, và nếu kết hợp với nhau thì còn nguy hiểm hơn. Người dân nghèo thấp cổ bé họng sẽ bị cả hai cơ chế ràng buộc, kẻ có quyền có tiền sẽ lợi dụng được cả hai cơ chế để chơi trò 'bật tường' hoặc trò 'ú tim', lúc núp dưới cơ chế này, lúc núp dưới cơ chế kia, không luật pháp nào trị nổi. 'Quốc doanh' và 'sở hữu' là những lĩnh vực điển hình. Sự phân hóa giầu nghèo, sự hình thành giai cấp vô sản, nạn thất nghiệp và bóc lột lao động làm thuê... nghĩa là tất cả những cái mà 'chủ nghĩa xã hội khoa học' muốn tránh thì chúng lại đang lù lù tiến đến mặc dù ta không muốn công nhận. Đáng chú ý nhất là sự sử dụng Quyền lực chuyên chính vô sản và Cơ chế xã hội chủ nghĩa để tích lũy Tư bản, đây là điều cực kỳ bất lợi cho người lao động nghèo, trước hết ở các lĩnh vực phi nông nghiệp, sau sẽ lan đến lĩnh vực nông nghiệp. Người lao động nghèo sẽ có cảm giác mình là đấu thủ đã yếu lại bị 'trọng tài' giữ tay (!), là đứa con bị chính bố mình trói lại để cho thằng hàng xóm đánh túi bụi (!). Đang đi đến tình trạng: người đứng ra đại diện cho công nhân lại là người của phía chủ (đây là chủ thực, còn công nhân chỉ là chủ danh nghĩa). Cuộc cách mạng bị đánh tráo và giai cấp vô sản tay trắng là giai cấp bị phản bội trước tiên. Điều rất đúng với quy luật biện chứng là khi chúng ta định dùng chuyên chính vô sản để đánh tư bản mà không đánh được thì con người sẽ dùng ngay chuyên chính vô sản làm phương tiện để lách qua cửa ải tự do cạnh tranh để trở thành tư bản! Và nếu dự cảm ấy sẽ thành hiện thực thì công lao của học thuyết về chủ nghĩa xã hội là đã cung cấp cho nhân loại thêm một con đường để tư bản hóa, một thứ tư bản lưu manh và bệnh hoạn! b. Hậu quả về Văn hóa Xã hội còn đáng ngại hơn nữa. Vì khi 'vỏ một đằng, ruột một nẻo' thì dẫu mục đích có thiện chí đến đâu, về biện pháp đó vẫn là sự nói dối, ngụy trang. Và khi nói dối lại nằm ở tầng quốc sách thì tác hại của nó với xã hội không thể lướng hết được. Trong quốc nội cũnh như trên diễn đàn nhân loại, những tiếng nói nhân bản tiên tiến và trí tuệ đích thực sẵn sàng bị hy sinh bởi nó thường vi phạm tới sự an toàn của 'quốc sách' ngụy biện, ngụy trang ấy. Kiếm thêm bạn bè, vây cánh để làm ăn, để làm giầu là điều rất cần nhưng cũng không khó lắm đối với một nước như nước ta. Cái khó nhất là trở nên một dân tộc văn minh, được những người có nhân cách kính trọng và điều này không phải ta cứ lớn tiếng tự nhận là được. Khi xã hội đã 'vỏ một khác, ruột một khác' thì mỗi con người, trong những quan hệ cha con, mẹ con, vợ chồng, 'đồng chí', bè bạn... cũng sẽ 'vỏ một khác, ruột một khác'! Cái giá quá đắt để mua sự yên ổn và sự sinh tồn ấy con cháu chúng ta đang phải trả và sẽ còn phải trả! Và nếu trong muôn một, đó sẽ là sự 'ngã giá' lịch sử không thể khác thì thế hệ đấy lầm lỗi của chúng ta chỉ còn một câu để nói với mai sau: Các bạn đều đã có máy khâu, tủ lạnh, tivi, nhiều người có xe hơi, nhà lầu... nhưng trước lịch sử con người, dân tộc mình là kẻ thua, điều bất hạnh này các bạn là những người phải lãnh đủ! Các bạn hãy đến tận mộ chúng tôi mà nguyền rủa, rồi về bảo nhau tu tỉnh mà rửa nỗi nhục của cha ông để lại!... Người Nhật bản do biết xử lý cái 'mặc cảm thất trận' của mình mà trở nên một dân tộc đáng kính. Biết nhục không phải là điều đáng sợ, trái lại, khi nói về dân tộc mình, không hiểu sao tôi cứ rùng mình ghê sợ trước một thái độ hơn hơn tự đắc. Hôm nay, giữa 'kỷ nguyên của thông tin' không thể có 'Nguyễn Trường Tộ' đơn độc, và càng không có 'Tự Đức' cổ lỗ. Số người nhận thức được rằng tình hình đã chín muồi cho sự từ bỏ lý thuyết Marx - Lénine và 'chủ nghĩa xã hội' đầy ảo tưởng và phi khoa học hiện nay đã không còn là con số ít ỏi nữa. Bộ phận lãnh đạo lại càng có nhiều thông tin hơn. Vấn đề chỉ còn là cân nhắc để chọn một 'lối ra', vấn đề nằm ở nơi tâm lý, động cơ, quyền lực hơn là ở nhận thức. Nhưng nói như vậy không phải rằng trên mặt trận tư tưởng và tâm lý xã hội không còn những hiện tượng phức tạp: Có những 'chiến sĩ' vẫn thản nhiên nằm dưới hầm cá nhân chờ lệnh phản công, trong khi đại quân trên mặt đất đã rút đi gần hết, chỉ để lại một số tay súng bắn yểm trợ cho cuộc rút được an toàn, và cũng có những anh lính cố tình nán lại chỉ cốt để nhặt chiến lợi phẩm! Số đông nhân dân thì đã ngoài tai mọi chuyện 'chính trị tư tưởng', xã hội có trở thành 'cái gì' chăng nữa thì mình vẫn phải lo kiếm cơm ngày hai bữa! Những người tận dụng được tình hình lộn xộn để làm ăn thì không những không chờ mong gì một xã hội ổ định và phát triển quy củ mà còn ngược lại là đằng khác. Họ bảo cứ đẩy cho cái bê bối phát triển đến cực độ là thiết thực góp phần tạo ra cái mới! Một số trí thức, cán bộ thì bỗng nhiên sinh ra 'cao đạo', trở nên 'thoát tục', hướng về những 'giá trị vĩnh hằng của nhân loại', những 'siêu trí tuệ' của quá khứ và tương laui, và rất 'lơ đãng' với hiện tại, khinh bỉ tất cả. Nhưng họ chẳng có ai dại như Bá-Di - Thúc-Tề, họ đều tìm được 'nghĩa đời' ở những thú vui tiêu khiển, hoặc ở tình yêu, hoặc ở những lợi ích thiết thực khác. Những anh em này tâm sự: Cái gì là quy luật đến kỳ đến hạn nó sẽ tới, hơi đâu mà 'cầm đèn chạy trước ôtô'? Mình có quyền thì mình cũng phải nghĩ mẹo để giữ quyền chứ khác gì 'người ta'? Nói trái ý 'người ta', 'người ta' quy cho là phản động có phải khổ vợ khổ con mình không? Mọi sự trên đời ngẫm ra vô nghĩa cả, chỉ có chút tình người và những giây phút thanh nhàn là có nghĩa... Phải nói rằng chủ nghĩa 'Hiện sinh' Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới này cũng thấu tình đạt lý đấy chứ! Tôi cũng toan xé bài viết này đi, vì thấy: nghĩ gì, nói gì cũng đều vô nghĩa cả! Nhưng chợt nhìn vào những thứ mình đang ăn đang mặc hàng ngày, nhìn vào cuốn sách đang xem, tôi tự biết mình là kẻ đã được 'ăn chịu' ở 'Quán Đời' này quá nhiều, nếu thản nhiên rũ áo ra đi thì hóa ra thằng ăn quịt giữa buởi 'kinh tế thị trường'! Nên đành phải nói tiếp câu chuyện trần tục. Trong cuốn Chìa khóa của tiến bộ kinh tế (Tài liệu tham khảo nội bộ, do Ủy ban khoa học và kinh tế nhà nước ấn hành năm 1989) tác giả PG Kousoulas, tiến sĩ Hy-lạp về quan hệ quốc tế, sau khi quan sát thế giới với con mắt khách quan khoa học đã có lời giải liên quan đến chính trường hợp của chúng ta: Muốn nhân dân có hạnh phúc, xã hội phát triển thì chỉ có một con đường là công nghiệp hóa và kinh tế thị trường, mặc dù những phức tạp đi theo nó là không thể tránh khỏi, nhưng muốn làm được như thế thì buộc phải từ bỏ ý thức hệ độc tôn. Ông viết: ý thức hệ độc tôn của thời đại chúng ta cam đoan rằng có thể giải quyết những tai họa về xã hội và kinh tế của thế giới bằng cách giao phó toàn bộ quyền hành vào tay một bộ phận tinh hoa nhất. Kinh nghiệm cho thấy một ý đồ như vậy đòi hỏi một sự hy sinh quyền tự do cá nhân và sự hy sinh nhiều sinh mạng con người. Bản thân những thành viên trong nhóm tinh hoa đó cũng không chắc đã thoát khỏi số phận đó. Mặt khác những hy sinh nặng nề do chế độ độc tôn áp đặt không phải tất yếu sẽ được đền bù bằng những lợi ích thiết thực đối với nhân dân. Trong khi đó kinh nghiệm của Mỹ đã chứng minh rằng những bất công xã hội có thể được đền bù, và những tiến bộ thực sự có thể được thực hiện trong khuôn khổ một xã hội tự do. (Sđd, tr. 139). Người ta có thể nói thẳng ra rằng nhân dân Mỹ là người sở hữu thực sự của tài sản quốc gia (Sđd, tr. 102). Một chế độ độc quyền không giới hạn có thể tác yêu tác quái thực sự đối với nền kinh tế của đất nước và biến thành kẻ bóc lột nhân dân (Sđd, tr. 81). Điều quan trọng trước hết là phải làm sao tránh được cho cả dân tộc những đau khổ và mất nhân phẩm vì có một nhà nước độc tài. (Sđd, tr. 138). ý kiến đề xuất nên đổi tên Đảng 'Cộng sản', đổi tên nước 'Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa' không còn là riêng của Bùi-Tín mà cũng được đưa ra ngay trong 'Nhóm nghiên cứu tư tưởng Hồ-Chí-Minh' của Đảng. Ý kiến này còn nói: 'Tôi mạnh dạn nêu với các anh một ý nữa: nên khẳng định Đảng ta kiên trì tư tưởng Hồ-Chí-Minh, không nói Mác-Lênin!' (vấn đề 'tư tưởng Hồ-Chí-Minh' xin không bàn ở đây). Nguyễn-Kiến-Giang sau khi trăn trở và tự khẳng định 'lương tri Cộng sản' của mình, đã hình dung tiến trình từ bỏ Chủ nghĩa Xã hội sẽ xảy ra theo bốn bước tuần tự: - Bước 1: Coi những tật xấu của Chủ nghĩa xã hội là những tàn dư của các chế độ cũ. - Bước 2: Coi những tật xấu của Chủ nghĩa xã hội là hậu quả hư hỏng cá nhân của một số nhân vật lãnh đạo. - Bước 3: Coi đó là sự phá sản của một mô hình sai lầm của Chủ nghĩa xã hội. - Bước 4: Cuối cùng sẽ là sự từ bỏ Chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng và từ bỏ Chủ nghĩa xã hội nói chung. Tiến trình bốn bước ấy đã và đang tiếp diễn rất nhanh, thực tế đã gần xong giai đoạn ba rồi. Đó cũng là tiến trình cầm cự như trong chuyện 'Con rắn vuông' thôi, còn trong nhận thức lý luận khoa học thật sự thì những kết luận đã có thể được rút ra trực tiếp ngay từ đầu, chứ đâu phải đợi để thực tiễn 'cưỡng chế' từng bước như thế? Nếu như nói về 'học thuyết' tôi đã bộc lộ những suy tư phủ định, thì trái lại khi nói về Đảng tôi lại có những suy tư khẳng định. Người ta có thể còn bàn vcãi nhiều điều, nhưng không ai có thể phủ định ba điều sau đây: - Ngay ở thời kỳ thành lập, Đảng đã thu hút được đông đảo những tinh hoa của dân tộc, những tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. - Người sáng lập và đứng đầu của Đảng, chủ tịch Hồ-Chí-Minh, là một nhà yêu nước lớn, một con người tiêu biểu cho tinh thần giải phóng dân tộc. - Đảng đã có công tập hợp được sức mạnh truyền thống của dân tộc để tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của ngoại bang, giành quyền Dân tộc tự quyết. Vậy Đảng Cộng sản Việt Nam là một thực thể xã hội có giá trị lịch sử tự thân. Vấn đề đặt ra là: Tại sao một thực thể có giá trị tự thân, xuất thân từ trong lòng dân tộc, lại nhất thiết phải gắn chặt số mệnh của mình với một giả thuyết ngoại lai mơ hồ, lủng củng trong lý luận, thất bại trong thực tiễn xây dựng xã hội, đã bị từ bỏ ngay tại quê hương của nó, và chẳng có mấy uy tín trong thế giới hiện nay? Lịch sử hoạt động của Đảng chứng minh rằng điều gì Đảng tự suy nghĩ, xuất phát từ dân tộc, gắn với dân tộc thì thắng lợi, điều gì xuất phát từ lý thuyết ngoại lai về đấu tranh giai cấp và Chủ nghĩa xã hội thì không thắng lợi. Nhân dân ta biết rằng Đảng đã nhiều lần đem cái Tâm trong con người Việt Nam của mình để 'điều chỉnh' bớt xu hướng cực đoan của ý thức hệ! Đã nhiều năm nay mối liên kết của Đảng với Chủ nghĩa không những không làm tăng mà còn làm giảm uy tín của Đảng. Lý luận Marx-Lénine rất có lợi trong việc động viên, tổ chức lực lượng đánh giặc, chống ngoại xâm, nhưng rất bất lợi trong việc hòa giải dân tộc, bất lợi trong việc xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị và kinh tế thị trường. Tình trạng liên tục bị đô hộ về chính trị và bị nô dịch về tư tưởng từ trước tới nay đã làm cho con người Việt Nam chẳng những mất quyền làm chủ mà còn mất dần tính tự chủ, mất phong thái đàng hoàng của người chủ đất nước, mà biểu hiện quyết định nhất là khả năng ngồi lại với nhau, dẹp mối bất hòa để chung lo việc nước. Nếu không thực lòng thấm thía điều này thì hôm nay dẫu có tổ chức được mười 'Hội nghị Diên-Hồng' cũng sẽ chỉ là 'Diên-Hồng' giả! Chỉ cần ngồi lại được với nhau trong bầu không khí khoan dung cho nhau, lắng nghe nhau và tin cậy lẫn nhau, dân mình sẽ có thừa trí tuệ để tìm một giải pháp tối ưu cho đất nước. Và trong cuộc hòa giải này Đảng Cộng sản Việt Nam hiển nhiên là người có vai trò quyết định. Từ bỏ một ý thức hệ độc tôn ngoại lai, không còn thích hợp với đất nước và thời đại là điều kiện thiết yếu để có thể xóa bỏ hận thù, góp sức chung lòng đưa đất nước phát triển, là điều kiện thuận lợi để hòa nhập vào thế giới chung, và chỉ có thế dân tộc mới có khả năng thoát khỏi sự o ép của tư bản nước ngoài. Từ những nhận thức khoa học đã trình bày ở các phần trên ta thấy rõ rằng chủ nghĩa ấy tất đẻ ra những quyền lực biêt phái, chuyên chính, kỳ thị ý thức hệ, không có khả năng thực hiện 'đại đoàn kết dân tộc' trong giai đoạn xây dựng đất nước, không có khả năng xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị lành mạnh. Cho nên trong giai đoạn lịch sử mới mẻ này, nếu có người nào cố chấp, cố tình đứng ra 'bảo vệ' Chủ nghĩa ấy (sau khi đã có đủ thông tin), thì ai cũng hiểu rằng đó chỉ là sự mượn học thuyết ấy làm công cụ để giữ quyền lực độc tôn và lợi ích riêng, và như vậy thì không thể là người yêu nước chân chính được. Chỉ có từ bỏ học thuyết ảo tưởng và cực đoan đó Đảng ta mói tìm lại được sức mạnh thực sự của mình trong lòng dân tộc, làm cho nước nhà yên ổn và phát triển. Đề nghị chân thành, nghiêm túc và có cơ sở khoa học ấy không có chút gì chung với thái độ thù hận của những kẻ phản quốc không hối cải, không có gì chung với thái độ sùng bái Tư bản nước ngoài, quỳ mọp trước túi tiền nước ngoài, hoặc muốn có một xã hội lộn xộn để 'đục nước béo cò'. Tóm lại, Đảng có thể hoàn toàn trở về trong lòng dân tộc mà không cần dựa vào một 'chủ nghĩa' tiên định nào cả. Tình hình thế giới ngày nay đã cho phép điều đó, nếu Đảng vẫn giữ được sức sống như Đảng mà Chủ tịch Hồ-Chí-Minh đã sáng lập. Song chất lượng Đảng hiện nay, theo nhận định của đồng chí Lê-Phước-Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương thì: Bộ phận nòng cốt (trung kiên) của Đảng hình thành trong hai cuộc kháng chiến dần bị rời rã... Số khá đông cán bộ Đảng, nhất là cán bộ quan trọng ngày càng tỏ ra cơ hội, bè phái, tham nhũng, vét gấp..., bệnh dân chủ hình thức đi đôi với thói xấu trấn áp dư luận quần chúng và trả thù những người nói thẳng bằng những thủ đoạn ám muội. Cán bộ dảng viên thoái hóa biến chất tăng lên đến mức độ hầu như khó lòng mà ngăn chặn được. Những đồng chí đã được thử thách, có trình độ chính trị vững vàng, có kiến thức và kinh nghiệm phong phú, có đạo đức trong sáng, chỉ vì không đồng tình với những sai lầm mà đã bị (bọn bè phái) nhanh chóng tháo gỡ và đã bị vô hiệu hóa bằng nhiều thủ đoạn ma giáo... Tóm lại, Đảng ta đang suy yếu nghiêm trọng và chưa bao giờ suy yếu như hiện nay. (Trích từ lời phát biểu của đồng chí Lê-Phước-Thọ, tháng 6, 1992). Nhận định ấy khá sát với thực tế và sát với nhận định của dân chúng. Người dân không thể không tự hỏi: Vậy những dảng viên trung kiên, chân chính có coi Đảng hiện nay là đại hiện chân chính của mình hay không? Ngưòi có tư duy bình thường nào cũng phải liên hệ tình hình ấy với tình hình của thế giới Cộng sản và nhận ra rằng sự sa sút của các Đảng đều bắt nguồn từ sai lầm của học thuyết mà Đảng trung thành, nên một đội ngũ xưa là tinh hoa của dân tộc mà nay trở nên 'suy yếu nghiêm trọng' như thế. Từ bỏ học thuyết ấy hiển nhiên là điều kiện tiên quyết để Đảng có thể tự chỉnh đốn và hồi phục sức sống. Nhưng ở tình trạng đã sa sút như hiện nay thì một điều kiện ấy chưa đủ. Phải tiếp sức sống cho Đảng bằng sức sống vô tận từ trong cộng đồng dân tộc. Muốn vậy chỉ có cách là Đảng phải giã từ với kiểu 'dân chủ hình thức' cố hữu của mình mà đồng chí Lê-Phước-Thọ đã phê phán, để tiêp tận được với nguồn sống bên ngoài Đảng, trước hêt sửa đổ cách tiến hành bầu cử hình thức và 'vi hiền' hiện nay (dân không được bầu trực tiếp như hiến pháp quy định, mà bầu sau hai ba vòng thanh lọc bơỉ các ban địa phươnh không do dân bầu) và thực hiện quyền tự do báo chí, tự do tư tưởng (mà biểu hiện đầu tiên dễ thấy là sự chấp nhận có ý kiến đối lập). Đấy là bước đầu tiên, nhưng cũng là rào cản khó vượt qua nhất mà lịch sử và Tạo hóa đã dựng ra để thử thách tầm của dân tộc, là chìa khóa mở tấm cửa ngăn khu chợ trời với tòa nhà văn minh. Chìa khóa thì không ăn được, và phải vất vả nữa mới có, còn những thứ ăn ngay được mà ta đang khao khát và chiếc ghế mềm hạng bét mà ta có thể khoan khoái ngả lưng thì đã bày sẵn trước mặt, sa vào đó rồi thì không bao giờ kiếm lại được chiếc chìa khóa kia đâu! Có hạnh phúc nào lại 'nhanh, nhiều, tốt, rẻ' bao giờ? Có người lo sợ: Bỏ chủ nghĩa thì loạn ngay! Điều ấy chỉ đúng với những dân tộc không thể tự chủ, không biết mình đã bị lưu manh hóa, không có nhu cầu tự thắng mình để thoát khỏi lưu manh! Một dân tộc như thế thì rõ ràng chỉ đáng làm nô lệ! Nhưng một dân tộc đã biết nêu cao chân lý: Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do thì dân tộc ấy nhất định phải tìm được cách để đến với Độc lập và Tự do đích thực. Trong thế giới hôm nay chúng ta hiểu rõ rằng: Đánh đuổi hết ngoại xâm rồi chưa chắc đã có Độc lập thực sự, nước đã có Độc lập (...) rồi chưa chắc dân đã có Tự do. Một dân tộc biết chết cho Độc lập chưa chắc đã biết sống cho Tự do. Chủ tịch Hồ-Chí-Minh chẳng những lo nạn ngoại xâm mà còn lo nạn 'nội xâm' cho dân nữa ('nội xâm' là chữ dùng của Hồ Chủ tịch) nên đã nói: Nếu nước Độc lập mà dân không hưởng Hạnh phúc Tự do thì Độc lập cũng không có nghĩa lý gì! Bọn Khmer đỏ tàn sát hàng triệu đồng bào của chúng cũng vẫn trong khuôn khổ một nước Độc lập, có quyền 'Dân tộc tự quyết' đấy chứ! Mặt khác chúng ta cũng biết rằng Tự do tản mạn và Tự do vô chính phủ chính là mảnh đất tốt cho sự Độc tài nên thường được Độc tài nuôi dưỡng để vô hiệu hóa Tự do chân chính. Năm 1946, từ dân một nước nô lệ (một tờ đơn xin giấy thông hành của người dân mù chữ cũng phải nhờ viết bằng tiếng nước ngoài) chúng ta đã xúc động biết bao khi được viết lên đầu trang giấy: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc (Dân tộc) (Dân quyền) (Dân sinh) Đó là mục tiêu của một dân tộc đã đứng lên đòi quyền sống, cái mục tiêu khiêm tốn, bình dị, dễ thương nhưng cũng đủ để cả một dân tộc phấn đấu trong vài thế kỷ. Còn chủ nghĩa Marx-Lénine ngay từ đầu đã được Nguyễn-Ái-Quốc coi là 'con đường', là phương tiện, là 'cái cần thiết cho chúng ta' thì nó không thể quý hơn chính 'chúng ta' được! Đảng đã đưa Dân tộc sang bờ Độc lập và đang cùng Dân tộc dấn bước trên con đường đến Tự do, Hạnh phúc. Đường đi có cả loài người, đâu phải một mình ta. Những quy luật tiến hóa là chung cho cả Thế giới, những thành tựu của nền văn minh chung, đặc biệt là về tổ chức xã hội, đã bày ra ai cũng thấy rõ, bài học cay đắng của 'chủ nghĩa biệt phái' chẳng phải đang còn nóng hổi đó sao? Tổ quốc Việt Nam là chung của mọi ngưòi Việt Nam, không một lực lượng chính trị nào có thể độc quyền yêu Tổ quốc. Ta biết ơn chiếc thuyền nan đã đưa ta qua sông, nhưng sang bờ rồi mà cứ cắm cúi mang 'chiếc thuyền mác-xít chỉ huy' trên lưng như cái mai rùa thì tránh sao khỏi bị người ngoài đàm tiếu và người thân nghi ngờ rằng có sự che đậy hoặc cất giấu cái gì trong đó? Cái 'hành trang khác người' ấy quả thực không còn ích lợi gì cho Dân tộc, có chút bỏ được mới mong tự giải thoát, để được lâng lâng nhẹ nhàng, rảo bước cho kịp bạn bè trên đường thiên lý... Những ngày tháng 5 năm 1993 Hà-Sĩ-Phu __________________________ Nơi gửi: - Tạp chí Cộng sản - Viện Marx-Lénine - Trường Nguyễn-A'i-Quốc - Những bạn bè quan tâm đế vấn đề lý luận ___________